buổi phế thần
|
30.04 ghi ân anh hùng vị quốc vong thân
thương tiếc không nguôi
tôn thất tuệ
Khoảng 1967, tôi có đi theo một người bạn cốt ý ăn thịt
bò nướng tại nhà một giáo sư Mỹ trên đường Duy Tân, Saigon. Cùng đến có Patrick
Honey, chuyên viên về VN trong phái bộ Anh tại hội nghị Geneve 1954 và là cố vấn
của ngoại trưởng Anthony Eden. Chừng mươi thực khách vây quanh ông trò chuyện một
hồi không lâu lắm. Honey nói ông ta không ngạc nhiên khi nghe tin chiến
tranh bùng nổ tuy dưới dạng du kích chiến, đánh dấu bởi trận Ấp Bắc Bà Bèo
(29.09.1959). Theo ông hơi hướng chiến tranh đã ngửi thấy khi hiệp định Geneve
xem như đi đến kết cuộc chia đôi VN tuy chưa ký kết. Ông đã đánh hơi trong khi
tiếp xúc với nhân viên các cấp của phái bộ CS.
Vẫn theo nhà ngữ học nầy, Phạm Văn Đồng tưởng chừng cường
quốc giao hết cả nước Viêt Nam cho HCM vì nước Pháp còn tệ hơn một thương binh
mất cả tứ chi. HCM đã căm hận đàn anh quốc tế không tiếp tục viện trợ quân sự.
Trung Cọng muốn nhân cơ hội nầy chứng tỏ vai anh, ngang với Nga nên đã cố ép
HCM chấp nhận cái khôn ngoan thường tình là có còn hơn không. CS chuẩn bị ngay
từ đầu bằng cách hô hào tập kết ra bắc thành phần mới được tuyên truyền nhưng để
lại thành phần cốt cán.
Thật vậy, về đến Hà Nội, HCM gọi là tả khuynh các nhóm
hay cá nhân nào chủ trương lấy hòa bình xây dựng kinh tế nâng cao mức sống dân
chúng, cạnh tranh với miền Nam. Kinh nghiệm cho thấy rằng đi theo kiểu phát triển
của Triều Tiên chỉ đưa đến thất bại vì phía nam vĩ tuyến 38, Mỹ đổ tiền rất nhiều
mà tài nguyên thiên nhiên cũng hơn. Miền Nam VN lại được thiên nhiên ưu đãi
giàu có hơn nếu đem so bắc nam Triều Tiên.
Cải cách ruộng đất qua đấu tố, ngoài mục đích làm cho
giống như đàn anh CS, nhằm đưa tất cả cơ cấu sản xuất tập trung cho nhà nước để
chuẩn bị chiến tranh. Đoàn ngũ hóa nhân dân cũng đi vào mục đích ấy. Nền văn
nghệ cũng quyết liệt hơn. Không còn nét dân tộc và lãng mạn như thời kháng chiến.
Những tác phẩm có tính cách trực khởi từ tình tự dân tộc như của Hữu Loan, của
Việt Lang... đều bị cấm triệt và các tác giả bị tù đày. Về lý thuyết và thực tế
cái gọi là dân tộc không còn sức kêu gọi trong giai đoạn mới. Hơn nữa tính dân
tộc là xương sống của những thứ cần đả phá để thay thế bằng lòng yêu đảng và
lãnh tụ. Văn nghệ là văn nghệ sản xuất, là tin tưởng vào lãnh tụ.
Mọi hình thái sinh hoạt, mọi chủ trương chỉ nhắm vào
đánh chiếm miền nam dù với hình thức trường kỳ.
Bằng chứng rõ ràng nhất của âm mưu được tìm thấy trong
lời thuyết minh của Nguyễn Mạnh Tường trước hội nghị các luật gia về hòa binh
1956 tại Bruxelle (ghi lại trong một hồi ký). Ông đã kêu gọi các đồng nghiệp
chấp nhận vũ trang và bạo động là hòa bình. Đừng ngây ngô mà nói hòa bình và võ
trang khởi nghĩa là hai thực thể tách lìa và đối kháng; hai thứ đó không như
ngày và đêm.
Ông đã than khóc cho một nước VN bị chia cắt bằng con
dao là sông Bến Hải. Nói với luật gia, ông dùng ví dụ trong nghề, là các phiên
tòa ly dị, con sông nầy là nước mắt của đàn con. NMT đòi thế giới công nhận sự
nổi loạn của luật sư Nguyễn Hữu Thọ trong Nam. "Chúng ta không nên hiểu
chiến tranh là cái gì nguy hại, không có lằn ranh giữa chiến tranh và hòa
bình". Ông lên án sự hời hợt trong sự suy nghĩ của người bình dân,
và ông chủ trương nhìn chiến tranh và hòa bình trong lối suy nghĩ biện chứng,
vượt qua lối giải thích nặng phần ngữ âm và cú pháp.
Chỉ cách phía trên chừng mươi trang, NMT đã phân biệt
chính trị và luật pháp. Một bên chính trị là mơ hồ như ma như quái; một bên là
luật pháp rõ ràng có lằn mức giới định. Nhưng đến đây ông lại kêu gọi các luật
gia đồng nghiệp dùng biện chứng cùng tính cách năng động để hiểu chiến tranh
chính là hòa bình, vượt lên trên ngôn từ.
NMT quên nói rằng hiệp định Geneve 1954 được ký kết giữa
hai phái bộ quân sự CS và Pháp. Nó tạo nên một hình thái phần nào giống tình trạng
ở vĩ tuyến 38; quân Nhật bị giải giới bởi Nga phía bắc, Mỹ phía nam; thực
tế tạo nên hai nước Triều Tiên. CS đồng ý rút quân về cố thủ phần chia lãnh thổ,
phía bắc vĩ tuyến 17.
NMT mang sứ mệnh do CSVN giao phó, cùng với Nguyễn Huy
Mân chủ tịch tòa án quân sự để chuẩn bị dư luận quốc tế về âm mưu xâm chiếm miền
Nam bằng vũ lực.
Ngoài thực tế chính trị với tiền lệ rút quân ở Triều
Tiên, Miền Nam vẫn có sự liên tục chính thống từ khi Bảo Đại tuyên bố độc lập
sau thế chiến hai. Miền Nam là một quốc gia; chính phủ vẫn trông vọng một nước
Việt duy nhất qua hai phản ứng 1. không chấp nhận dự Hội Nghị Á Phi với sự hiện
diện của BV, 2. không chấp nhận đề nghị cả hai miền vào Liên Hiệp Quốc (đúng
sai không bàn ở đây).
Kêu gọi luật gia thế giới ủng hộ một cuộc nổi loạn bạo
động trong một quốc gia liên tục - ít nhất với lẽ thường - không có tí gì luật
pháp. Đáng lý Hội Luật Gia Dân Chủ nầy phải để ý đến tình trạng luật pháp tại
BV. Hà Nội đã đàn áp đẫm máu các cuộc nổ dậy, ví như vụ Quỳnh Lưu.
Lời lẽ văn hoa và chuyên nghiệp trước hội nghị che dấu
sư hiện diện của CS trong việc hình thành hiệp định Genève. Ông chỉ nói một
cách trống rỗng về tình trạng chia cắt. Nhưng ai cũng biết ông đến với một mục
đích rõ ràng là bênh vực khởi nghĩa võ trang tại miền Nam. Ông đã cố tình (hay
vì không biết) bỏ lững mối liên hệ giữa Nguyễn Hữu Thọ và chính quyền BV. Nhưng
thiển nghĩ ông dư sức hiểu ông được phái đi không phải là thừa giấy vẽ voi.
Sau đó trong suốt cuộc hành trình, qua sinh hoạt với từng
phái đoàn riêng, ông đã phê phán thậm tệ nền pháp luật BV trên lý thuyết và thực
hành. Ông rất khắc khe với cải cách ruộng đất, không tiếc lời xấu xa cho chế độ
CS. Nhưng học giả nầy quên hay cố quên rằng chính thể mà ông cho là tồi bại là
phi nhân lại là guồng máy chỉ huy công cuộc mà ông ca ngợi. Đó là khởi nghĩa võ
trang ở miền Nam. Nói khác ông mong chế độ ông chê trách phủ trùm đến Mũi Cà
Mâu. Nếu mấy chữ kế cận trên đây không nằm trong ý tưởng của ông thì vị tiến sĩ
đôi của chúng ta rất ngây ngô, hành sử như một luật sư chuyên nghiệp; làm
việc cho một đơn đặt hàng nguy hiểm, như trường hợp biện hộ cho một kẻ sát nhân
bị bắt quả tang và thú nhận cùng các bằng chứng rõ rệt.
Đây chỉ dùng một đoạn ngắn minh chứng sự chuẩn bị và ý
hướng xâm chiếm miền Nam. Ông đã cổ súy sự tự phát võ trang. Điều nầy không mới
lạ mà là một đề tài chính trong tuyên truyền của Hà Nội.
Tính cách gọi là "nhân dân" ấy dễ ngụy trang
trong du kích chiến. Mà du kích chiến tự nó không thể giải quyết rốt ráo, phải
nhường chỗ cho chiến tranh qui ước và diện địa. BV đã đi ngược lối tuyên truyền
ấy khi cho những đơn vị lớn vượt Bến Hải xâm vào Quảng Trị 1972; và sau đó
chúng ta chứng kiến những trận đánh lớn và xua quân ào ạt chiếm miền Nam
ngày 30.04.75.
Chiến trận kết liễu, phô bày trước mắt người miền Nam
một miền bắc nghèo nàn và bưng bít; phô bày trước mắt người Bắc một miền Nam
không phải là một nhà tù vĩ đại, dân chúng không ăn cơm với cái gáo dừa. Trước
chính sách bần cùng hóa, người miền Nam còn ở trong nước, phải nghĩ đến cuộc sống
khó khăn, ở ngoài nước chỉ nghĩ đến thân nhân. Họ không có thì giờ để nghĩ đến
những người trong cùng chiến tuyến đã chết, vừa chết.
Sự thương tiếc ấy cũng bị lu mờ vì lòng căm hận đối với
ván cờ thí xe lấy chốt, căm hận đối với những kẻ có binh quyền để lại cái băng
nhựa kêu gọi chiến đấu đến giọt máu cuối cùng mà người thật đã cùng vợ con xô
chiếc trực thăng xuống biển sau khi đã đáp an toàn trên tàu chiến ngoài khơi.
Dân chúng không tìm ra trung tướng Thiệu, cái trung tướng mà người bằng da thịt
tên Nguyễn Văn Thiệu bảo đảm hiện hữu, còn cái tổng thống Thiệu sẽ mất đi. Thì
ra tổng thống cũng không, mà trung tướng cũng không.
Tôi không quen ca ngợi kể cả ca ngợi Phật Chúa. Tôi lại
không quen ca ngợi những chiến sĩ mọi cấp đã hy sinh, vì chính tôi là một quân
nhân biệt phái, đi từ quân trường về nhiệm sở cũ và làm việc tại Saigon cho đến
ngày hạ màn. Tôi đã không thấy sự cơ cực của người lính chiến, tôi đã không trực
diện với cái chết kề hông. Tôi cảm thấy không đủ tư cách đứng lên đọc một lời cảm
niệm, khệ nệ đặt một vòng hoa trên mồ chiến sĩ. Tôi không có quyền hô hào một
ai xông vào lửa đạn. Nhưng tôi thấy được phép ta thán sự vong ân bội nghĩa,
"bạc như dân".
Vừa đi tù về, một hôm chờ xe buýt, phải căng tai
mà nghe để tách xa, khỏi di lụy; nhưng nhờ vậy tôi nghe hai bà nói về cái chết
của Phan Thanh Giản mà các sử gia cách mạng cho là vô lối; Phan Thanh Giản
không yêu nước, chỉ có những người như Lê Hồng Phong mới yêu nước. Chuyện nầy
làm tôi liên tưởng sự phê phán của vài bà tướng bà tá đối với bà Lê Văn Hưng:
ông Hưng tự sát là phí đời, không cần thiết, không khôn ngoan tí nào.
Phải rồi, những bà ấy hằng ngày tại Saigon điều khiển
mười sáu ông tướng bốn màu nên xem các ông tướng như Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn
Hưng không hơn gì con bài tứ sắc. Hàng ngày các bà điều khiển cả tiểu đội, nào
lái xe cho bà đi chợ, lái xe cho con đi học, các bà có thể ăn lương của họ vì họ
mưu cầu chữ thọ, điều khiển họ như tôi tớ. Vì vậy các bà không thể quan niệm
cái hào hùng của anh lính trận, không thấy huynh đệ chi binh. Trong vài ngày cuối
ở Cần Thơ, tướng Nguyễn Khoa Nam đi thăm bệnh viện dã chiến; một thương bệnh
binh cố sức chồm ôm ông, vừa khóc vừa nói: trung tướng đừng bỏ em.
Các bà mang cấp bậc của chồng ấy tốt nhất nên ngậm miệng
ăn tiền, vì rất có thể các đức ông chồng đang hung hăng trên diễn đàn cộng đồng,
đứng đầu các tổ chức cựu quân nhân, bộ trưởng trong các chính phủ lưu vong. Ở đời
có những người mình gặp mà không nói thì mất người, có người mình nói thì mất lời.
Chị Hưng ơi, nói với họ làm chi, chị ơi.
Các bà thì sao cũng được còn các ông thì coi không được.
Vài ông đã trở cờ. Nhưng điều buồn cười nhất là tất cả các vị ấy, dân sự, quân
sự, văn nghệ sĩ đi đúng một khuôn thức: phải chửi lại cộng đồng, và chửi lại
quân đội, hai tập thể đã cưu mang họ trong suốt cuộc đời họ. Không chửi như thế
có được không? Đó là điều kiện của Hà Nội chăng?
Tôi không nghĩ như vậy, mà đây do tâm thức của kẻ qui
hàng rất chi là Đông Chu Liệt Quốc. Ngày xưa Ngô Khởi tự ý giết vợ để cho vua
tin. CS đa nghi, các vị ấy phải theo bài học của nhà quân sự Xuân Thu nầy.
Rõ ràng, cứu cánh biện minh cho phương tiện; mà đây lại là phương tiện không cần
thiết.
Nếu những người nầy thật sự là CS từ đầu (đảng viên
hay nằm vùng) nay trở về chủ cũ; đó là những điều đáng buồn, họ không đáng
trách. Nhưng đáng miệt thị là những kẻ từ trong trứng nước, lớn lên, giàu có
trong ân huệ của miền Nam, hưởng không khí tự do (dù tương đối) quay trở lại
làm hại cho miền Nam. Họ thuộc nhiều thành phần trong xã hội, và cũng là nhóm
nhiều mồm mép nhất. Họ đáng bị nguyền rủa, trong lúc chúng ta không khinh thị
những cán binh CS thực tâm tin tưởng như họ được tuyên truyền. Lớp nầy giống
như kẻ bán khai chặt cây táo mà hái trái trong lúc người văn minh dùng thang mà
hái rồi tưới nước cho cây.
Trường hợp tệ hại nhất, theo tôi, một ông tướng đã nói
rằng nếu quân miền Nam giải phóng miền Bắc thì sự sát hại còn ghê gớm bội phần
những điều đã xẩy ra sau 1975 bởi CSVN. Con cá sẩy bao giờ cũng lớn; vì con cá ấy
chưa có trong tay, tự mình cảm thấy nó to hay tự ý khếch đại. Có câu hỏi trong
Cổ Học Tinh Hoa, vẽ ma dễ hay vẽ người dễ; vẽ ma thì dễ quá, cái mũi không cần
cân xứng, vẽ năm mười cái sừng cũng chả sao, nanh dài đến rốn càng tốt.
Biện lý cuộc đã xin tòa phán quyết tử hình cho một kẻ
ăn cắp quả trứng gà. Quả trứng gà sẽ thành con gà, con gà sẽ thành bầy gà, sinh
ra nhiều tiền, đem tiền đi đầu tư sinh lợi có thể xây cả trăm thành phố. Tòa giảm
còn chung thân. Không một ai biết quả trứng có trống hay không.
Hy vọng lối suy diễn ấy chỉ mới có trong sự thôi thúc
đặc biệt trong hoàn cảnh hiện nay, để xin điểm, để làm quà của hàng tướng như
Ngô Khởi dâng thủ cấp của vợ. Nhưng nếu lối suy luận ấy nằm lòng từ khi các vị ấy
còn nắm quyền ở VN, thì khỏi giải thích vì sao con cháu Lạc Hồng chạy re không
đem theo được cái mền rách.
Bên trên, tôi có nêu lời Nguyễn Mạnh Tường chỉ trích
cái nhìn bình dân, chưa đạt đến mức biện chứng. Nhưng tôi là người bình dân,
tôi có cái nhìn rất bình dân.
"Thưa ông, đây là chồng tôi, mới được về hôm nay,
xin ông vui lòng cho chồng tôi ở lại vài ngày". Tôi đi theo nhà tôi như đứa
tớ dưới làng lên tỉnh giúp việc, qua nhà ông công an khu vực. Ông bất động như
một thiền sư chìm sâu trong tam muội. Tôi nghĩ thầm nếu ông không gật đầu, thế
nào tôi cũng phải ra chợ Nguyễn Tri Phương ngủ, chứ ở trong nhà thì trăm điều
khốn khổ xẩy ra. Nhà tôi nhanh trí nói: Xin ông cho ở chừng ba ngày để sắp xếp
đưa mẹ con tôi hồi hương, giao nhà cho chính quyền. Ông ta bậc dậy như ai lấy
kim chích đít: "Được, lo sắp xếp mà đi đi nhe".
Căn nhà xập xệ nầy cũng giống như con trâu của một
nông dân ngoài Bắc. Con trâu phải dâng hiến cho hợp tác xã, mong họ lấy cho mà
đừng đấu tố chủ nhân, đừng xếp vào hàng địa chủ. Cũng giống như nhân viên xã
vào nhà đếm gà thấy thiếu một con, không tin là chồn bắt mà đưa gia chủ ra kiểm
thảo giết lén con gà sản xuất, trái với tinh thần đạo đức cách mạng.
Nhờ ơn trời đất, nhờ ơn ông bà tổ phụ, tôi có tròm
trèm dăm ba chữ tuy không đi đến đâu về duy vật biện chứng, lý thuyết Marx. Tôi
không dùng những thứ ấy để nhìn những việc xẩy ra chung quanh. Tôi chỉ là ông
nông dân có con trâu làm việc trên đồng cạn dưới đồng sâu nay phải từ bỏ nó mà
chưa chắc đã an thân.
Tôi cầu mong các thân hữu chia xẻ cái nhìn bình dân của
tôi. Tôi không muốn căn nhà bị chiếm đoạt (bị ép mà dâng hiến), tôi không muốn
vợ tôi bị xỉ mặt mắng là thứ vợ ngụy, tôi không muốn con mất các quyền học hành
...và tôi biết trên cuộc đời nầy, có những con người - dù không thành công - hy
sinh tính mạng trong mục đích làm cho những việc ấy không xẩy ra. Tôi tri ân những
người ấy.
Một ai đứng trên bờ nhìn ra đại dương mà thấy trong
lòng biển nước có xác của vợ mình, của con mình cùng với cái máy đuôi tôm khi
chiếc ghe không chịu nỗi sóng dập; người ấy cũng biết rằng trên mãnh đất đau khổ
của quê nhà, có những kẻ - tuy chưa thành công - đã hy sinh cuộc đời trong mục
đích làm cho việc ấy không xẩy ra. Hãy biết ơn những người vô danh ấy.
Một ai thấy miếng đất hương hỏa của mình dành xây nơi
thờ cúng tổ tiên nay nằm dưới khu nhà tắm cầu tiêu của một dinh thự mới, khi tự
an ủi với lý thuyết vô thường, vô sở trụ ... vẫn biết có những kẻ đã hy sinh
trong mục đích ngăn chân điều nầy xây ra; họ thất trận, lắm người quên đi.
Tôi đã mời các thân hữu dạo quanh một vùng rất rộng lớn
với ý niệm chiến lược cùng vài nét sơ phát của bối cảnh 1954 rồi đi đến cái
nhìn rất nhỏ hẹp bình dân, không kinh điển, không học vị. Cũng giống như hình
cái phểu lớn trên bé dưới, đầu voi đuôi chuột. Tôi ước mong cái nhỏ nhoi ấy là
nhịp thở e ấp, thầm kín, chân thật và có thật. Mỗi cái nhìn riêng tuy nhỏ bé mà
sâu sắc cho từng cá nhân. Cọng chung những thể nghiệm ý thức ấy, chúng ta sẽ có
một luồng hơi ấm mới, khơi nóng bầu không khí có phần lạnh nhạt vì thời gian và
những yếu tố xâm thực từ bên ngoài. Những khẩu hiệu to lớn ồn ào làm điếc tai
không ai nghe; những lời sâu sắc từ tốn thì cô đơn, ít ai nghe.
Giữa hai sự thể ấy là những con người sống thực như mỗi
chúng ta trực diện những mất mát, những khổ đau cho chính mình, cho gia đình,
cho những người chung quanh. Chúng ta không bị xung động bởi bất cứ ngọn gió
nào. Chúng ta có những câu hỏi rất người rất đơn giản và giải đáp ngay.
30.4 chấm dứt một sự cố gắng vô song của rất nhiều chiến
sĩ trong mục đích tối hậu chận đứng ngày thảm não ấy. Rất tiếc, thiên cơ đã
không giúp họ ngăn chận cảnh nước mất nhà tan và giúp chúng ta khỏi gánh chịu
những tai ách trong từng hoàn cảnh cá nhân riêng rẻ.
Những hy sinh âm thầm ấy biết kể làm sao cho hết.
Nhưng có kể, cũng xin đừng quên những di lụy trực tiếp của sự kiện những người
nằm xuống. Đó là những "sư đoàn" cô nhi quả phụ, những thiếu phụ lo
cho chồng thương tật, những bà mẹ cưu mang những đứa con trở thành bất túc, những
đứa con không cha như nhà không nóc.
Bức tượng Thương Tiếc đã bị đánh ngã ở nghĩa trang
quân đội Biên Hòa. Đầu ngàn năm mới, Taliban đã phá hủy hai tượng Phật vĩ đại từ
thời A Lịch Sơn Đại Đế (Alexandre le Grand). Hành vi ấy chỉ thỏa mãn sự kiêu
căng của lãnh tụ Hồi giáo nầy và thiệt hại kỹ nghệ du lịch tại chỗ; nó không
suy siển tinh thần tôn giáo của thế giới và của người theo Phật.
Cũng thế, Taliban VN đã phá hủy tượng Thương Tiếc bên
xa lộ Biên Hòa; nhưng họ không thể trục hạ sự thương tiếc trong mỗi chúng ta. Bức
tượng tâm thức ấy, ít nhất, mỗi năm được đem ra sơn phết một lần vào ngày
mất nước. Bức tượng ấy không có quá khứ, không có hiện tại, không có tương lai;
bức tượng ấy không riêng gì của người mặc áo trận mà của mọi người. Trong tượng
ấy, có người đã chết, có người đang sống và còn sống mãi.-
giữa cơn gió bụi |