nội tâm, tranh Picasso
cây rau dền
tôn thất tuệ
Hắn vui sướng khi sáng
tinh mơ vẫn thấy cây rau dền đỏ tươi. Đêm qua trong giấc ngủ chập chờn hắn
cứ mơ tưởng đến thứ rau chát chát ngọt ngọt ấy. Hắn sợ sương đọng nặng đè gãy
ngọn lá. Hắn sợ tiếng kẻng cầm canh đánh từ cái bọng bánh xe chát chúa không để
cho cây rau dền yên lòng thở hút khí mát về đêm.
Hắn đã quen với tiếng
thanh sắt đánh vào cái trống bằng sắt suốt ngày; đến mức độ thấy trống vắng khi
thức nửa đêm mà không nghe thấy. Nhưng đêm qua hắn sợ cây rau dền kinh dật thần
kinh. Hắn thương lắm vì cây rau dền măng non chưa tội tình gì mà phải về đây sống
với hắn để chịu sự hành hạ của các tiếng kẻng như búa nện vào đầu.
Hắn van xin đừng có tiếng
kẻng nào xáo động mối tương cảm giữa hắn và cây rau dền bé bỏng trong sương
mai. Quanh hắn những luống rau muống trồng khô đã nở hoa trắng mộc mạc như loại
ở bờ ao bờ hồ. Cây rau dền đỏ tía trổi lên giữa một luống rau phần nào già cỗi
với cái khô của mùa đông. Nó hừng tía đỏ lên vì nắng hồng còn nhẹ. Hắn đưa tay
nhổ hơn chục gốc muống xung quanh để tạo một khoảng sống cần thiết.
Chiều qua hắn nhổ cỏ ở bờ
rào và tiếp xúc với một kẻ bên kia. Họ cho nhau một cây rau dền nhỏ. Hắn quay vội
nhét xuống đất giữa luống rau muống, không có chỗ để ghi một tín hiệu, một mật mã. Không gì cả ngoài
mấy ngọn lá và mớ rễ đứt ngang vì nhổ vội.
Cứ nhìn mãi cây rau đỏ, hắn
yên lòng. Thứ nhất rau còn sống qua một đêm của tiếng kẻng; thứ hai
chính hắn đã được an toàn sau công việc nguy hiểm là "quan hệ" vì một
ngọn rau truyền giống.
Hắn thấy yên ổn vì bên kia bờ
rào không có ai, nhất là không có chàng tuổi trẻ hào kiệt đã biếu cây rau dền đỏ
nhổ vội từ đất khô để không ai có thể kết tội hắn tiếp tục trao đổi tin tức.
Nhiều anh em khác đã ra
vườn rau. Nhưng chiếc áo rách bươm, may vội với vải bao cát màu rêu và đã rêu
xanh thêm sau bao năm chứa cát dựng quanh nhà. Những gì chất chứa trong những
chiếc áo bao cát ấy nay đã nặng nề như đất cát và thành đất cát. Những chiếc
thùng, những chiếc gàu, những chiếc gáo chạm nhau nghe cũng vui tai, đỡ buồn.
Chút cây xanh nầy ở vào một
nơi khác có thể xem như cái phổi của thành phố.
Mà đây, người ta đi dạo với áo quần tả tơi. Trông kìa, già trẻ đủ thứ; những
khuôn mặt khằn lên vì khắc khổ, những thanh niên vào buổi đầu cay đắng. Họ tiếp
nối chuỗi dài hội ngộ: gặp nhau ở trung tiểu học, gặp nhau ở trường bộ binh,
thiết giáp, gặp nhau hôm nay trên những luống rau muống hoa trắng, gặp nhau theo
lệnh của tiếng kẻng. Rồi còn gặp nhau ở đâu nữa đây?
Ai ai câm nín không tỏ ra bị câu thúc. Họ đã thuần nhuyễn
rồi. Có người trông điềm nhiên tự tại đưa tay nhỏ nhẹ bụi cỏ bên gốc rau muống
như săn sóc một chậu cúc trắng. Không ai buồn phiền vì cái mùi hôi thối của
thùng phân tươi vừa mới đưa ra. Thậm chí không ai phản đối nhăn nhó
khi nhỡ ra một giọt phân lỏng bắn vào chân hay quần áo. Mà còn tốt nữa thay, à,
ta đến giếng lấy một gàu nước chạy lại luống rau của ta rửa tay rửa chân thì
thêm một tý chất bổ cho rau cải, cũng tốt thôi. Không ai thèm gớm ghiết gì mấy
con dòi bò lúc nhúc. Mà còn cảm ơn là khác. Chúng cho ta ý niệm sống qua cái
nhúc nhích quợ quậy, nhúc nhích trong cái băng giá của cõi lòng, tập cho đôi
môi trở lại cử động bập bẹ tiếng yêu thương, để đừng quên tiếng yêu thương. Ôi
những con dòi biết nhúc nhich, tập cho đôi mắt ta biết nhúc nhích để không còn
trân tráo trước một nhành hoa đẹp. Ôi những con dòi đã cho ta cái sống. Ta yêu
thương chúng lắm.
Công việc ở đây xem như
ngày nghỉ. Đa số đã đi công tác nặng đến trưa mới về. Thành phần nầy gồm bệnh
hoạn, đến phiên nấu bếp hay có việc tại chỗ nhưng rảnh vài giờ đi làm vườn.
Hắn ở trong loại nầy. Hắn không buồn tưới mấy luống rau, mệt mỏi vì đêm qua cứ
trằn trọc lo âu cho cây rau dền và nghe tiếng kẻng cầm canh.
Mỗi ngày hắn đi công tác,
tối về trại nhấm nháp chén cơm vơi phĩnh lừa cơn đói. Rồi công việc của một
ngày đè nặng thân xác hắn, kéo xuống cái sạp tre đầy rận rệp rồi ngủ. Một trách
nhiệm ngắn ngủi của một ngày. Nếu qua đi thế là xong. Nếu không qua đi thế cũng
là xong, nhưng xong cả cuộc đời, ví dụ cắt cỏ nuôi bò chạm trái mìn, hay đào hố
chôn trái phá cũ chưa nổ, trèo lên nóc nhà lợp mái té xuống chết như mơ.
Nhưng tối qua một đêm
không ngủ chỉ tại cây rau dền. Nghĩ đến cây rau dền là nghĩ đến chính hắn. Cây
rau dền hé mở viễn ảnh bát cơm bớt vơi. Cây dền dễ trồng, hạt lại nhiều. Hắn tin tưởng màu đỏ mang đầy chất dương, theo khoa dưỡng sinh Nhật. Nước luộc rau màu đỏ dễ thành máu.
Đó chưa nói sơ qua qui luật
đặc biệt của khu vực nầy. Rau muống phải ăn chung; hằng ngày phải ghi số rau bỏ
vào chảo, tính ra tiền trừ vào gạo; rau là tài sản của nhà nước, trồng trên đất
công và bởi những người cách mạng nuôi. Còn rau dền có thể "cải thiện linh
tinh" trong ca trong cóng.
Hắn có thói quen nhìn lên
Sao Cày, tập hợp những sao sáng trong chòm Hiệp Sĩ xếp như hình lưỡi cày. Trên trời thì sao cày, còn dưới vạt
giường rệp cày trên thân xác gầy ốm của hắn. Hắn bực tức đến độ cáu tiết. Giá
mà bắt được con rệp là có thể nhai nuốt. Dần dà hắn cũng dịu lại, thấy ngượng với
chính mình. Hắn tự hóm hỉnh:
- Dẫu sao con rệp cũng
chung máu huyết với mình. Có người cùng máu huyết mà hút cả tủy não thì sao.
Trách làm gì con rận con rệp. Ồ, loài hạ đẳng trách làm chi.
Tâm trí hắn lơ lửng không
biết đâu là đầu, đâu là đuôi, chồng chềnh như con tàu lạc hướng; cây rau dền nằm
đâu? Hắn nhìn chòm sao Hiệp Sĩ, hắn nhớ
có học rằng từ đỉnh đầu kéo xuống thanh kiếm là trục nam bắc. Dựa vào cái vô bổ
ấy, hắn thấy tâm trí bớt quay cuồng. Hắn đưa tay vẽ hình một hiệp sĩ theo các vị
trí sao trong tinh hệ nầy. Nét hào hùng còn sót lại đã biến hình vẽ thành một
hiệp sĩ thực sự, tay vẫn còn để trên đốc kiếm.
Nỗi cô đơn cũng bớt chút
đỉnh. Hắn đem hình ảnh ấy gán cho chàng tuổi trẻ ban chiều ngồi bên bờ rào dây kẽm, hào hiệp tặng hắn một cây rau dền nhổ vội. Hắn tưởng tượng chàng
ta trao cây rau dền đỏ tía như một hiệp sĩ thời Trung Cổ trao một nhánh hoa hồng
cho người đẹp trước khi cầm lấy cây đàn mà hát một khúc du ca.
Giờ nầy chàng tuổi trẻ ấy
đang làm gì? Mộng mơ chăng ở bên dãy nhà kia sau hàng rào dây kẽm? Đêm lắng và
giấc ngủ giờ nầy có làm giãn nét hằn mặn đắng mới mẻ trên khuôn mặt hay không?
Hiệp sĩ ơi, hiệp sĩ ở trên trời cao nhìn giúp tôi. Hiệp sĩ xa mà thấy được, tôi
gần mà không thấy được. Mong hiệp sĩ trở thành người bạn của chàng hiệp sĩ kia.
Tôi còn nhờ một tí, trông hộ cây rau dền.
Không gió nhưng khá lạnh;
hắn đau nhức răng; cái răng hỏng từ ngày vào đây không biết thuốc thang ra sao.
Cái răng đã lung lay, nay đau lại. Có lần hắn nghe bạn hữu ngậm nước điếu cày
thuốc lào cho qua cơn nhức. Mà bớt nhức thật; không phải vì ảnh hưởng của thần
dược nầy mà nước ống điếu đã làm hắn say thuốc nôn mửa, quay cuồng đầu óc mà
quên cơn đau. Cái đau lần nầy không sâu đậm mà đằm đằm làm nhẹ tay các con rệp
dưới giường. Lâu ngày ở đây, hắn tập tạo dựng sự điềm tĩnh chấp nhận tất cả và
từ đó bất cứ điều gì cũng là đề tài suy tư.
Trước khi vào trại nầy, hắn
có đọc Nhật Ký Trong Tù của HCM. Dạo ấy
hắn cũng đọc trong một trại tù. Hắn không đủ sức thưởng lãm thi ca của nhà thơ
được ca ngợi như thánh. Nhưng còn nhớ có bài nói về cái đau răng vì trong tù ăn
uống không đầy đủ. Sự nhớ lại nầy thức tỉnh hắn rằng hắn không phải là người đầu
tiên khám phá ra sự liên hệ giữa nhà tù và cái răng hư. Ít ra ông Hồ cũng đã biết
trước điều đó. Dưới ánh mặt trời không có gì lạ.
Ở góc nhà kia có ngọn
lửa nhỏ, chắn ngang bởi một người ngồi yên. Dạo nầy hiếm củi nên bếp con bị
ngăng cấm nhưng vẫn có kẻ xé rào đốt một chút lửa cho ấm lòng rồi sao tính sau.
Cách đây một tuần về trước, khi đêm xuống, từng đóm lửa chập chờn trong bóng
đen trong tiếng rì rào. Chẳng khác cảnh trong xóm đông dân mỗi tối; ở góc đường
các quày hàng chè, cháo, bánh cuốn làm hội hoa đăng cho khách nhàn du.
Những lúc như vậy, cái đầu và cái bao tử đem hắn về các khu Nguyễn Thiện Thuật
hay Bàn Cờ, Chợ Bà Chiểu đến các quả trứng lộn còn nóng còn nồng với ngọn rau
răm, với bát cháo trắng ăn củ cải muối.
Từng nhóm cụm năm cụm ba
quanh một bếp nhỏ như khách qua đường trò chuyện với cô hàng chè xanh. Ai cũng đun nước lã, không phải vì vệ sinh mà
cần nấu cái gì cho vui. Những câu chuyện như trống đánh bỏ dùi. Những khuôn mặt
rời rã, đôi mắt nghệch ngoạc không đâu ra đâu.
Giờ đây hắn mới hiểu tại
sao có nhà lập thể vẽ một mặt người mà mắt trái đi một đường, mắt phải đi một
ngõ kia, cái cằm thụt mất ra đằng sau. Các đường nét tròn trịnh của trời đất chỉ
còn là góc cạnh thẳng băng của một khối lập thể. Khi học tiếng Pháp hồi nhỏ, hắn thường gặp các bài tập đọc tả
đêm đông gia đình ngồi quanh lò sưởi; những ngọn lửa nhẹ nhàng vuốt ve cái ấm
nước. Còn đây hắn thấy những ngọn lửa hình dáng lập thể như những ngọn giáo đâm
ngay vào thinh không, châm chọc bầu không khí lặng yên.
Hắn vẫn lặng lẽ chia sẻ
ánh sáng của bếp con mà ông bạn tù đã đốt lên. Âm ấm một tý. "À cây rau dền
có lạnh không nhỉ?" hắn tự hỏi. Hắn đưa tay quờ quạng vẽ trong không trung
cây rau dền đỏ tía trong đường nét bán lập thể. Các ngọn lá không vuông nhưng
có nét nhọn sắc. Và thân rau lại cắt ngang mấy đường như thái nhỏ ra. Hắn kinh
hoảng với nét vẽ ấy.
Cây rau dền sao ta lại vẽ
như thế? Sao vẽ ngọn lá như con dao? Cây rau dền ta sẽ ăn vào cho nhẹ cơn đói
ăn như thế thì nó đâm thủng bao tử sao? Ta vẽ thân cây cắt ngang thì làm sao nó
sống, nó đẻ thành con cháu để có nước luộc đỏ tươi làm máu của ta. Ta hãy vẽ
như một nét dịu dàng của Renoir, hãy bỏ quên Picasso.
Anh bạn bỏ đi để lại cái
bếp và viên gạch làm ghế ngồi. Hắn đến tọa thủ làm chủ mặt trời nho nhỏ của đêm tối nầy. Hắn
thấy ấm áp hơn, đưa tay gần ngọn lửa. Hắn lấy một nắm dăm bỏ vào lò, cúi đầu
đưa miệng thổi. Khói bốc lên làm nước mắt chảy. Hắn kéo vạt áo bằng bao cát nylon lên
lau, nhưng không thấm hết. Như
sợ một ai đó chê cười, hắn nói thầm:
"À mà khóc một tý cho vui có sao đâu".
Bất giác câu nói ấy để lại
một cái buồn đau đớn không diễn tả được nên hắn cố tìm một câu thơ thay vào đó:
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên.
Chút thi ca nầy nhắc hắn
tập thơ của ông Hồ cũng có đoạn nói về bếp con. Lại một lần nữa hắn không phải
là người đầu tiên biết sự hiện diện của ngọn lửa cô đơn. Ít ra ông Hồ cũng biết
điều đó trước hắn.
Đang mãi mê về những ý
nghĩ đi từ ngọn lửa, hắn nghe tiếng chân đi. Một anh bộ đội bước đến. Biết người
ta sẽ hỏi gì, hắn nói ngay:
- Tôi thấy trong người
lành lạnh, muốn ốm, đốt tý lửa cho ấm thôi, chả nấu gì, còn củi thì tôi lượm
dăm vụn đốt đi cho sạch sân.
- Không, tôi chả nói gì.
Bếp con thì cấm rồi đấy nhưng đốt sưởi tôi chả nói gì. Đi ngủ ngay, đã quá giờ
quy định. Đáng lẽ tôi phải mời anh ngày mai lên tiểu đoàn làm việc. Nhưng thôi.
Anh đi ngủ ngay.
Dập tắt ngọn lửa, hắn bước
vào căn phòng tối đen, nực hơi người. Chỉ
có tiếng muỗi vo ve. Hắn mừng thầm chiếc mùng nylon đem theo vẫn còn tốt tuy đã hoen ố. Hắn chui vào như nằm trong chiếc hòm thủy
tinh mà du khách có cánh muốn nhai nuốt cái xác chết thay vì chiêm ngưỡng như
thánh sống. Nhưng đêm tối không cho hắn thấy cái trong suốt, cái mùng đã thành
cái hòm gỗ với cái trần màn thật đen và đen.
Khi chợt biết đang đầm
mình trong một khối trộn lẫn của suy nghĩ, ước mơ, hoài cảm, chua
chát, hắn mới rõ mình đã thức dậy từ bao giờ. Hắn mĩm cười,
nằm lắng nghe tiếng bánh xe bò lạch cạch uể oải trong thinh vắng, thong thả như
bước đi của đôi bò u kẹp vào ách đâu đây bên ngoài. Hắn không có ý niệm về vùng
chung quanh, chỉ đến đây nửa đêm trong một chiếc xe bọc kín cùng một đoàn mấy
chục chiếc. Hắn tưởng tượng một người đàn ông lực lưỡng tay cầm cây roi mây ngồi
trên chiếc xe bò kéo gỗ, đang ngủ gà ngủ gật vì đôi bò đã thuộc
đường đi. Một lữ hành đang di chuyển mà ngủ gật đến trong tâm tư một lữ hành nằm
yên mà mắt sáng như mắt đôi bò. Hắn mĩm cười. Hắn muốn bước ra ngoài, thoát bớt
mùi nồng của hơi người. Thò chân xuống đất hắn đã bắt đầu tạo ra vài tiếng động.
Đến cửa hắn đánh hắng rồi chững chạt nói: "Tôi đi giải bên ngoài" rồi
đánh hắng thêm một tiếng nữa mới bước ra sân.
Nhìn vào hướng hôm qua
sao Hiệp Sĩ chỉ phương bắc, hắn gặp chòm Đại Hùng Tinh đã nằm ngang. Như vậy
cũng tạm gọi là sáng. Khi hắn mãi nhìn lên
cao, một anh bộ đội đến gần từ lúc nào. Hắn chưa kịp nhận ra là người lính tối
qua bảo hắn đi ngủ, anh nầy đã nói:
- Anh không ngủ được à?
Tôi nhớ anh hôm qua ngồi bên bếp con phải không. Anh nói với tôi anh ốm thì
sáng mai anh lên tiểu đoàn người ta phát thuốc còn nếu nặng lắm, người ta đưa
lên K3 họ làm cho. Anh đi ngủ đi, chưa đến giờ thức dậy.
Giọng người vệ binh vẫn
bình thường không gì mỉa mai. Nhưng sao tử tế đến vậy dù chỉ là một lời nói. Hắn
linh cảm một cái gì sẽ đến, tuy vậy hắn bình tĩnh đi vào, không đáp một lời.
Phù thủng mà xin cho được
một viên B1, phải chống gậy như tê liệt và không quên đứng cả giờ cho nước tụ ở
hai chân. Nước vo gạo giành nhau dù gạo ẩm, ê chua. Có hôm chính hắn, sau một
cơn sốt kinh hoàng hắn đến bệnh xá cầu cứu. Một chú bộ đội trẻ trên cổ áo đeo
huy hiệu quân y trịnh trọng đặt chiếc cặp da lên bàn, mở từng cái cúc rồi từ từ
lấy ra một cái hộp bằng thiết tròn nhỏ bằng móng tay cái, sơn đỏ, trên nắp có in
hình ngôi sao vàng.
Anh ta cẩn thận đưa tay sờ
lên trán hắn. Sau khi trở về vị trí trịnh
trọng của ông thầy thuốc, anh cẩn thận mở hộp thiết ra, lấy ngón tay trỏ quẹt
nhẹ trên lớp mỡ đặc màu nâu. Anh cẩn thận đậy nắp lại rồi đưa người phía trước
ra dấu hắn chồm người đến gần. Anh lính quân y dùng ngón tay trỏ dính mỡ xoa nhẹ
hai thái dương của hắn mỗi bên một lần rồi nói: "xong rồi, cao Thống Nhất
đấy, tốt lắm".
Cao là gì chẳng biết, hắn
lấy tay quẹt vào thái dương đưa lên mũi ngửi mới biết đó là dầu cù là,
không thơm như hiệu Con Cọp hay Mc Phsu cũ đường Lê Thánh Tôn Saigon. Nay cứ
như lời anh bộ đội nói, và giá như hắn ốm thật và cách chữa bằng cao không hiệu nghiệm, người ta sẽ đưa hắn lên K3 tức là bệnh xá cấp trung đoàn,
xức cao một lần nữa sao.
Hắn đưa tay lên trán suy
nghĩ về lời ân cần lạ thường hắn mới nghe ngoài sân. Chẳng để ý gì đến linh
giác một cái gì sẽ đến, hắn chỉ nghĩ đến việc thuốc thang trong trại mà chán
ngán.
Xưa thì "đói ăn rau, đau uống thuốc"; nay thì đói ăn rau, đau khắc phục"
rồi rau cũng chẳng có mà ăn.
Càng nghĩ hắn càng thương
mến cây rau dền mới trồng chiều qua. Hắn hết sức tin tưởng cây rau dền đỏ tía đầy
tương lai, đầy hứa hẹn. Hắn cười sung sướng, vung tay ra khỏi trán, tay chạm
vào thành mùng. Từ đó hắn trở lại ý nghĩ đang nằm trong chiếc hòm thủy tinh, liên tưởng tác phẩm của người hiện nằm trong hòm thủy tinh.
Hồi nãy ngoài sân chòm
sao Đại Hùng làm hắn nhớ câu: "nhìn xem Bắc Đẩu đã nằm ngang", ý nói
lúc ấy đã vào sáng. Lại một lần nữa, lần thứ ba, dưới ánh mặt trời không có gì
lạ. Hắn không phải là người đầu tiên biết vị trí nằm ngang của chòm sao nầy
đánh dấu một đêm thức trắng và lo âu. Ít ra ông Hồ cũng đã biết.
Cơn đau nhức răng lại trổi
dậy. Hắn mong ước có một lò lửa sưởi tay ấm rồi áp lên má cho nhẹ cơn đau. Ước
gì ngồi bên lò than mà nhìn Bắc Đẩu nằm ngang, có thêm cái lon đặt trên bếp con
nấu một nhánh rau dền, và sau đó có điếu thuốc lào thì thần tiên đã đến bên ta.
Nghĩ đến người bạn trẻ
chưa quen biết biếu cây rau dền làm trổi dậy một ý thức tha nhân cuồn cuộn trong
lòng. Một hình ảnh cũng hiện ra: anh bạn tù đã đốt nhường đống lửa.
Khi viết lên những hình ảnh
tiêu biểu trại tù, nhà thơ họ Hồ có nghĩ đến kẻ khác không? Ông còn nhớ cơn đau răng không? nhớ đến bếp con như người bạn đối diện với
cô đơn không? có còn thấy Bắc Đẩu nằm ngang? Những tiếng kêu đó chỉ làm màu làm
mè, không phải là một định hướng hành động vì tha nhân. Mà ngược lại tha nhân
chỉ kẻ thù. Nếu tác giả nắm cái khổ đau đè nặng lên chính mình làm mối cảm
thông thì chắc ông ta đã sẽ không đi vào con đường bạo động hy sinh mạng sống hằng
triệu người, đã sẽ không có cảnh tù đày chết dần chết mòn trong lãng quên. Đã sẽ
không có một người như hắn suốt canh thâu lo lắng cây rau dền như lo cho quả
tim ngừng đập.
Nói đến bạo tàn, nhà thơ
nầy không sánh kịp các trại tập trung, các lò hơi ngạt của Hitler, các rừng
xương ở Sibérie thời Staline. Nhưng hắn trách móc một cách đau buồn vì tác giả
các thảm cảnh ấy là tác giả một tập thơ! được tôn
sùng là nhà thơ vĩ đại. Hitler không phải là nhà thơ.
Hắn đau đớn
vô cùng với viễn tượng một nhà thơ, tay cầm bút tay cầm búa phang ngang
chém dọc như hai con người gặp nhau trong một thân xác để đồng hóa nhau mà đây
cây bút che dấu cây búa.
Hắn nằm yên. Tiếng xe bò
lăn bánh nhiều hơn. Hắn mơ đêm dài hơn tý nữa để ngủ bù. Thân thể ê chề như vừa
qua một trận đòn nhừ tử, cựa quậy không được. Cảm giác lạnh buốt tê liệt đi từ
não xuống chân tay. Những tiếng kẻng lâu năm đã quá căng thẳng hay quá
làm nhủn dây thần kinh của hắn. Người ta đã cày nát tâm tư hắn như dấu xe bò dẫm nát
con đường đất. Hắn đã băng hoại rồi sao?
Cảm tưởng chết chóc đã đến.
Hắn cố níu kéo khoản thời gian còn lại, thấy mình bình tĩnh như người ta thường
nói trước khi chết con người rất sáng suốt. Hắn mĩm cười, nào có ai chết hai lần
mà có kinh nghiệm. Hắn lo nhỡ khi óc não vữa như tương mà chết đi thì cây rau dền
sẽ ra sao. Hắn lo nhỡ mà chết trước khi chưa tìm được ý
thức tha nhân, thì có dịp nào nữa không.
Khoảng mấy chục năm về
trước vào một chiều, một cổ xe kéo ngừng trước nhà. Bố hắn bước xuống tay dìu một
người đàn ông áo quần rách rưới mà cơn đau còn để lại trên mặt nhiều nếp hằn. Bố
hắn gặp người kia ở góc đường kêu la rên rỉ nên đã đưa đến một ông thầy Tàu thuốc
bắc chữa trị rồi đưa về nhà. Dăm bảy ngày sau khi hắn cùng bố đi thăm bà nội về,
chị hắn chạy ra cổng hoảng hốt cho bố biết kẻ kia đã bỏ đi lấy rất nhiều đồ đạc.
Bố hắn bình tĩnh chẳng quan tâm đến việc mất cắp mà nói với đứa con nhỏ: "Con thấy anh có khỏe không. Bố sợ vì
tham tý quần áo rồi không ai thang thuốc cho, anh có đem gói thuốc theo hay bỏ
quên".
Hình ảnh
người cha sống lại trong đầu. Hắn thấy bố sống lại thật, đang đón hắn, hắn từ một
thân xác rã rời, từ một linh hồn rách nát. Nhưng bố hắn thì còn nguyên vẹn tươi
mát. Chắc hẳn bố đã chết với một tâm hồn bình thản, không bị dày xéo như hắn
lúc nầy. Bố đã chết vào một thời mà xáo trộn bên ngoài
ngừng ở lằn mức tư duy không đi sâu vào trí não như bây giờ.
Hắn ngủ thiếp.
Hắn thức dậy khi trời đã
sáng, sắp xếp công việc trong phòng rồi đi ra vườn rau khi nơi nầy còn vắng để
thăm cây rau dền.
Một loạt kẻng vang lên
như gọi nhau từ trại nầy qua trại khác chuẩn bị một ngày công tác. Một số đã quầy
trở vào, áo quần rách nát xốc xếch. Hôm nay hắn ở nhà phụ bếp với nhiệm vụ thu
góp rau của các đội đưa đến bếp chung và báo cáo số lượng. Nhiều nhóm ra vườn
đem theo các dỏ cà xé đan bằng dây kẽm đã tháo gỡ gai sắt hoặc bao bố để đựng
rau.
Đã đến mùa khô và lạnh.
Có đội đã trồng cải bẹ xanh, bẹ trắng hay cải củ. Những cây cải măng non xanh
nhạt vẫn hồn nhiên chào anh nắng. Hắn thấy một chút ngọt ngào, ngọt ngào như
cây cải nhúng vào bát canh miếng có tý dò heo nong nóng vào ngày Tết lành lạnh.
Hắn nhớ câu ca dao chưa hiểu:
Gió
đưa cây cải về trời
Rau
răm ở lại chịu lời đắng cay.
Ai? cái gì là cây cải? về
trời là về đâu? người ta đã đi rồi chăng? đi về nơi sung sướng hay như bố hắn
đã đi vào cõi chết với sự nguyên vẹn của tâm hồn? ở lại là ở lại chỗ nào? đắng cay là đắng cay nào? Cái lưỡi đã mặn đắng, hắn
nghẹn ngào không một giải đáp.
Mấy anh bạn cùng đội đến
cho biết theo lệnh chung, các luống rau muống cỗi phải nhổ lấy hạt làm giống,
bòn mót đọt nào thì đem ăn nhường đất trồng cải; hôm nay đến lược luống có cây
rau dền mới trồng. Hắn nói: "Được rồi, để tôi lo. Trưa nay tôi sẽ ra cắt
ăn buổi tối. Các anh nhổ hết mấy luống kia đi".
Sau khoảng một giờ, cả
đám gánh rau về bếp. Rau chất quanh cái giếng mới đào khi mới đến. Nước giếng đục
ngầu như sữa phải lắng mới rửa rau và nấu ăn. Bếp trưởng chạy đến dục hắn
cân ngay số rau xanh để kịp ghi, vì có lệnh các bếp phải đem sổ sách lên tiểu
đoàn ngay.
Khu bếp và khu nhà ở như
một tổ ong ngủ yên, vắng lặng như ngôi trường ngày nghỉ. Như thường lệ các bếp
trưởng lên tiểu đoàn ký nhận hoặc điều chỉnh số thực phẩm lý thuyết đã nhận.
Nhưng lần nầy họ đi về có vẽ lo ngại. Họ xầm xì với nhau như đánh hơi một biến
chuyển nào đây. Một anh đùa chua chát: "Đại bộ phận nhé, đại bộ phận sẽ được
nhân dân và cách mạng cho về".
Khoảng gần trưa, bếp đã
chia cơm và rau xong. Ít lâu sau, đoàn công tác trở về chấm dứt buổi sáng làm
việc xa, vai vác cuốc, vai vác xẻn. Tay ai cũng ôm một chiến lợi phẩm: một khúc
dây kẽm, một cái lon nhôm còn dính đất, một mảnh ván ép. Họ ôm ghì vào người
như quí lắm. Mà quí thật, vì những vật ấy khởi nguyên cho những chiếc vòng cho
người yêu nếu có dịp gặp lại, một mẩu trang trí đặt ở đầu giường để vào những
đêm không ngủ sờ tay vào như sờ vào tâm cảm, như sờ vào quả tim mình biết nó
còn đó chưa mất.
Cơm nước xong ai cũng ngả
lưng trong trưa nắng. Ai cũng nằm yên cho ánh nắng du dương với cái yên lặng
ngoài sân để nghe tiếng gà gáy xa xa trộn lẫn với tiếng trẻ thơ gọi nhau ngoài
khu mía khô lá, nơi có thể sáng nay xe bò lạch cạch đi qua.
Một hồi kẻng dục ba tiếng
một vang động cả trại. Mọi người vẫn nằm vì lệnh khi báo động ai cũng phải về nơi
mình ngủ để điểm danh. Họ đã nằm từ trước và chỉ chờ. Vẫn yên lặng.
Tiếng ồn ào vọng từ dãy
nhà gần ngõ. Đằng đó người ta cuốn vội áo quần rách phơi trên dây kẽm. Không ai
bảo ai mà cùng làm như vậy vì thừa sức biết đó là một lần kiểm soát.
Một vệ binh đi đến từng dãy nhà ra lệnh cuốn hành trang lên sân tiểu đoàn ngay.
Lại một hồi kẻng dục ba tiếng một.
Những ai xếp xong đã ra
khỏi cổng dưới nắng. Có kẻ gọn gàng với cái bao nhỏ, có kẻ cồng kềnh một khúc gỗ đang chạm một hình tượng chưa xong, có kẻ ôm vào nách mấy bao cát bẩn.
Tất cả xếp theo đội ngũ,
đứng cách nhau ba bước và xen kẽ, rồi ngồi xuống bày biện hành trang tế nhuyễn
lỉnh kỉnh như bán chợ trời. Bộ đội đến xét và không quên dốc ngược các bị xem thử có gì không. Họ
tịch thu các vật bén nhọn như cây kim lớn làm bằng gọng kẽm gai, hay con dao
làm bằng niềng thùng gỗ hay bằng các thanh sắt gỉ. Những ai xét xong từ từ xếp hàng lại như chợ
chiều vắng khách ngồi chờ xe về nhà. Không ai bảo ai một lời; mà chả có gì để
nói, chỉ chờ xem và mong về trại nghỉ một tý rồi đi công tác buổi chiều.
Theo lệnh của người trách
nhiệm, các đội đã lần lược về trại. Đến phiên đội hắn, quản giáo đến bảo đội
trưởng gọi bếp trưởng rồi anh ta bảo hắn bước ra khỏi hàng mang theo
"trang tư vật". Sau đó anh bảo toàn đội ra về.
Sau khi sân đã vắng người
chỉ còn lại nón cối, quản giáo ra dấu ba người (hắn, bếp trưởng và đội trưởng)
vào căn nhà tiểu đoàn. Chưa kịp ngồi xuống ghế, người quản giáo quay về anh bếp
trưởng nói: "Anh qua bên hậu cần, tôi đã làm việc với họ rồi, lấy ba ngày
gạo".
Hắn bình thản trước sự phải
ra đi, đặt xách xuống đất trong khi anh bộ đội ngồi xuống ghế hai tay chống lên
bàn. Biết câu chuyện không dính líu đến mình, anh đội trưởng đứng qua một bên để
hắn trực diện với quản giáo. Người nầy nhìn hắn với một nụ cười không gượng lắm
mà cũng không đủ tự nhiên của một nụ cười. Anh ta lấy giọng rồi trịnh trọng
nói:
- Anh biết rồi. Cách mạng
đã giải phóng miền Nam và xem các anh vừa là tội nhân vừa là nạn nhân của một
chế độ áp bức. Cách mạng luôn xét tình, lý trong từng trạng huống cụ thể. Xét
lý lịch của anh, thấy anh có chuyên môn xây cất, cách mạng điều anh
đến một công trường góp phần xây dựng đất nước. Anh sẽ có điều kiện thuận
lợi học tập tốt sớm đoàn tụ gia đình. Tôi chúc anh thắng lợi.
Đoạn anh quay về đội trưởng
nói:
- Ngày mai chủ nhật, đồng
chí chính trị viên sẽ làm việc với các anh như thường lệ và giải thích việc điều
anh bạn đây đến một cơ quan kỹ thuật. Nhưng từ giờ, anh có thể nói cho mọi người
biết sự ưu ái của cách mạng để quán triệt đường lối, an tâm học tập.
Anh bếp trưởng trở lại,
nâng túi nylon đựng gạo lên ngang ngực như trình người bộ đội biết rồi trao cho
hắn. Hắn đưa tay đón nhận, bỏ vào túi xách. Cả bốn người đều im lặng. Quản giáo
đứng dậy nói:
- Anh bếp trưởng và đội
trưởng về đi. Còn anh, anh cứ an tâm ở đây chờ tôi. Tôi đi liên hệ bên vệ binh
đưa anh ngay lên trung đoàn để kịp về F hôm nay.
Hắn ngồi xuống hành lang,
khuỷu tay chống vào đầu gối, mười ngón tay níu vào nhau đưa ra phía trước, cúi
đầu trong yên lặng của một buổi chiều chưa ngả nắng. Quái nhĩ, hắn nghĩ, mình
làm gì có khả năng chuyên môn. Hắn chỉ khai có thời gian ngắn
làm thư ký đánh máy cho một ty công chánh tỉnh nhỏ. Lầm à? Hắn lo sợ. Nhỡ như
người ta đưa hắn đến công trường xây cất, quá lắm hắn chỉ biết trộn hồ hay uốn
sắt cốt bê tông. Như vậy hắn bị qui tội nói dối. Ai làm chứng thực hay dối. Mà
dối là tội chết. Đùa à? Thôi, hãy để người
ta đùa; nói vậy mà không phải vậy.
Hắn đứng dậy vươn vai tìm
chút thoải mái, đưa mắt nhìn về phía dãy nhà ở với xao xuyến và vô định.
Hắn nhìn xuống đất, mở hai lòng bàn tay nhìn chằm chặp như muốn đoan chắc đôi
tay vẫn còn đó như kẻ đồng hành trên đoạn đường chiều nay và sẽ bắt đầu ngay
đây.
Một vệ binh từ trong nhà
tiến ra, vai mang khẩu AK xếp bán, đưa tay ra lệnh hắn lên đường mà không nói
gì vì hai bên đã biết sẽ đi đâu. Hắn móc túi xách lên vai, đi trước người vệ
binh chừng năm bước.
Cặp theo con đường nhỏ ra
đến cổng, bạn hữu đổ xô đứng sau hàng rào; nhiều nơi lưới kẽm gai căng như bong
bóng vì sức đẩy bên trong. Hắn cảm khái như đi giữa hàng rào danh dự, không có
tiếng hoan hô, không có bông giấy, chỉ có câm nín và ngậm ngùi. Hắn cố sức tỏ
ra điềm nhiên, không nao núng, mắt nhìn thẳng.
Đi một đoạn khá dài, như cố
lấy bình tĩnh, hắn đưa tay vuốt nhẹ mái tóc ngắn trên đầu trần. Ngay lúc đó, một
cái nón làm bằng vải bao cát phóng ra từ hàng rào, nằm ngay giữa đường trước hắn
khoảng năm bảy bước. Hắn cúi xuống lượm thì vệ binh đã đến kịp đưa tay cản. Cả
hai tiếp tục đi để lại cái nón đàng sau. Đi tiếp ít bước hắn nghe la lớn:
"Đứng lại".
Anh vệ binh đang cầm cái
nón lên xem xét, quay ngang quay dọc, quay lên quay xuống rồi đánh mạnh vào
chân xem thử có gì rơi ra không. Rồi anh ta quẳng nón xuống đất, quay vào hàng
rào nói từng chữ:
- Một bên vuốt tóc; tóc lại
ngắn. Một bên quẳng cái nón ra. Các anh có ý đồ gì? Anh nào làm, tự giác trình
diện tiểu đoàn ngay. Tôi lên trung đoàn về mà chưa có ai thì các anh tự động tập
họp ở hội trường.
Hắn kinh hoảng. Đau đớn
chiếm cả thân thể; tội lỗi ray rứt tâm hồn. Chính hắn, chính sự hiện diện của hắn
gây mối thương cảm cho một bạn nào ném ra cái nón để phải chịu một biện pháp kỷ
luật. Một biện pháp chưa rõ hậu quả ra sao, hậu quả có thể từ số
không đến vô tận. Bé xé cho to là chuyện thường. Mà to thì ngừng ở chỗ nào. Nhức
buốc từng sớ thịt.
Đến ngã ba đường, hắn thấy
một người cũng vai đeo túi xách đang hướng về trung đoàn, đàng sau cũng có một bộ
đội nhưng không súng. Khi hai nhóm gần nhau, vệ binh ra lệnh hắn ngừng lại chờ
nhóm kia đi vài ba chục bước mới tiếp tục. Hơn một phút sau, người đeo bị ấy rẻ
vào sân trung đoàn.
Kẻ đó không ai khác hơn
là chàng trẻ tuổi hôm qua đã cho hắn một cây rau dền, chàng tuổi trẻ mà hắn gọi
là hiệp sĩ.
Sân trung đoàn lặng phắt,
không một bóng người. Được lệnh nghỉ ở hành lang, hắn đảo mắt nhìn quanh xem
người kia ở đâu. Họ đem đi rồi. Sự thiếu vắng ấy cho hắn thấy mối liên hệ sâu đậm
với chàng trẻ kia. Tội ác tày trời đi từ hắn mà ra. Giá như chiều qua hắn không
có đó, không xin cây rau dền thì làm sao có cảnh chàng ấy đeo bao bị đến đây chờ
đi vào một nơi chưa biết sẽ về đâu.
Cây rau dền chiều qua biểu
lộ tương cảm giữa hai người chiều nay là đầu mối một chuỗi ngày nặng nề cho
chàng trẻ ấy và cho hắn. Sự hiện diện của người ấy cho phép hắn không tin lời
quản giáo nói hắn được đưa đến một cơ quan kỹ thuật. Chắc chắn trưa nay bên tiểu
đoàn kia người ta cũng đã nói với chàng ấy theo cùng phương cách.
Hắn biết rõ vấn đề nên trở
về cái bình tĩnh tự tạo từ ngày vào chốn nầy. Hắn điềm nhiên hít một hơi thở thật
sâu, quay đầu nhìn quanh mà mắt không để vào đâu.
Rồi đây, ta có thể gặp
người trẻ tuổi ấy không?
Giá như gặp nhau được,
thì hắn sẽ cho ta một cây rau dền hay ta sẽ cho hắn một cây rau dền?
Mà có rau dền mà cho
không?
Nếu có, thì người ta có
cho phép cho nhau một cây rau dền không?
Sau những câu hỏi vớ vẩn ấy,
hắn gật gù, đóng mở đôi lòng tay, nói thầm như muốn hát:
Cây
rau dền non lá
cây
rau dền đỏ tía
đỏ
tía như màu mắt bầm máu
của
những ngày đông máu
của
những ngày sôi máu
cây
rau dền, cây rau dền, cây rau dền.-
--------------------------------------------------------------------