Chợ Đông Ba xưa với những "ki ốt" cà phê
cà phê thành nội
thuongcangthuquan
wordpress
Đi
trong mưa tầm tả qua cầu Trường Tiền mới thấy thành phố Huế buồn rầu. Mà biết
Huế gần bốn chục năm rồi có bao giờ tôi thấy Huế được vui. Sao vậy? Chắc vì Huế
là chứng nhân sự tàn tạ của một triều đại, của cả một lớp người. Mà đã tàn tạ
thì làm sao còn vui được?
Lại
nghĩ về tính khí trẻ con của mình tồn tại cho tới bây giờ mà mắc cỡ. Nói vậy
nghĩa là già hay tàn tạ sẽ không còn vui tươi được? Nghĩa là nếu già háp mà còn
vui tươi xí xọn làm ra vẻ trẻ con nhí nhởn sẽ bị coi là “già mất nết”?
Đó
là chuyện con người, còn chuyện của một vùng đất thì có khi lại khác. Hà Nội đã
ngàn tuổi rồi mà sao tự nhiên bây giờ ai cũng thấy nó rộn ràng xôn xao lộn xộn
quá vậy? Nhiều khi thấy Hà Nội đang rộn ràng theo cái cách riêng của nó thì người
miền khác cảm thấy khó chịu vô cùng.
Còn
Huế mới bốn trăm năm tuổi già mà sao lại buồn rầu chán nản quá vậy? Có cái gì lấn
cấn trong nỗi buồn rầu đó? Trời mà biết được.
Ra
Huế mỗi năm nhưng thấy Huế không thay đổi lắm, Huế vẫn nghèo nghèo âm u như mấy
chục năm trước. Người Huế vẫn ăn nói chừng mực thâm trầm, luôn tỏ vẻ quí phái
dù có khi đang nghèo rớt mồng tơi, chắc có lẽ máu quí tộc máu quan lại vẫn còn
chảy trong huyết quản dù thời thế đã khác xưa nhiều lắm. Bây giờ tính chung cả
xứ Bình Trị Thiên may ra chỉ có người Quảng Bình, người Quảng Trị mới làm quan
to được chớ có mấy người Huế nội thành được làm quan. Thế nhưng khi trò chuyện,
người Huế vẫn luôn cố tạo ra một khoảng cách cao sang nào đó với người đối diện.
Nghe
tôi nói vậy anh bạn người Huế trách: Tư tưởng phân biệt vùng miền. Mấy anh người
Quảng Nam hay Sài Gòn trước giờ đâu có thích người Huế, họ nói người Huế cao ngạo
thâm hiểm. Anh cũng nghĩ vậy, có phải không?
Tôi
đáp: Có lẽ tính chất Huế và Quảng Nam
khác nhau xa quá, người Quảng Nam thì bổ bã, nói chuyện phát âm khó nghe thấy mẹ
nhưng thích nói thật nhiều, khi ai tỏ vẻ khó chịu thì chửi người đó không chơi
được. Còn người Huế thì ít nói, mà hễ mở miệng thì phải văn hoa, phải tỏ ra vẻ
quí phái bề trên cho người khác sợ…
Anh bạn người Huế không thèm nói gì thêm, chỉ cười mĩm
chi.
Vượt
cơn mưa buổi sáng qua cầu Trường Tiền tôi và anh bạn vào Thành Nội uống cà phê
Lục Bộ. Hội sở Lục Bộ của thời Nguyễn ngày xưa nay được giao cho tư nhân khai
thác, họ bán cà phê, các thức uống thông thường và các sản phẩm mang chất Huế
như Trà Cung Đình, Rượu Minh Mạng, Trà Ngự, nón lá, áo dài, phấn nụ, tranh sơn
mài…
Nói
thực, mấy món đó người tây du lịch cũng không chuộng mà người ta nghèo như tôi
cũng chẳng dám bỏ tiền ra mua. Thấy đồng tiền bỏ ra không đáng.
cà phê Lạc Sơn ngày nào
Việc
bán buôn trong Lục Bộ giao cho mấy em nữ sinh viên nhỏ tuổi không được chuyên
nghiệp lắm nên quán cà phê và các cửa hàng trưng bày trong Lục Bộ rất vắng
khách, nhất là sáng hôm ấy trời mưa dầm dề. Cà phê phẩm chất kém, đắng ngắt,
không thơm tho lại cho rất ít đường. Trà thì lạnh tanh, cung cách tiếp đãi của
các em rất chậm chạp.
Anh
bạn Huế hỏi tôi: Chờ cà phê sốt ruột hử? Ở Huế người ta làm cái gì cũng phải
khoan thai chớ không vội vàng hấp tấp như ở Sài Gòn.
Anh
ấy gọi cô sinh viên lại và bảo: Anh muốn uống trà lài. Cô sinh viên nhỏ chậm chạp
lấy cây dù che mưa bước ra khoảng sân ướt hái mấy nụ lài trong tay đem vô bỏ
ngay vào ấm trà lạnh ngắt. Tôi khó chịu: Ai mà uống trà kiểu gì kỳ vậy? Nước lạnh
ngắt lại cho lài tươi vào. Anh không sợ bị đau bụng sao?
Anh bạn ấy chẳng nói gì, chỉ cười mĩm chi.
Cà
phê Huế khác cà phê Sài Gòn. Ly cà phê đen đá là một ly thủy tinh có một chút
ít cà phê pha sẵn và bỏ một cục đá to chớ không đập vụn ra như ở Sài Gòn. Giá
ly cà phê hai mươi ngàn đồng tuy không mắc nhưng không đáng đồng tiền vì phẩm
chất kém và cung cách phục vụ của các em sinh viên cũng chán.
Các
hàng hóa địa phương, rượu, phấn nụ, bánh đậu xanh, mè xửng… bao bì không được bắt
mắt, thấy nó nghèo nghèo ướt ướt làm sao ấy, nhưng giá lại khá cao so với ngoài
chợ Đông Ba. Dạo một vòng qua mấy phòng trưng bày sản phẩm tôi thở dài nói với
anh bạn: Buôn bán kiểu này ở Sài Gòn chắc chết sớm!
Mấy
em nữ sinh viên nữ bán hàng hay phục vụ trong quán Lục Bộ tuy lễ phép nhưng
không có được tác phong buôn bán hay tác phong dịch vụ như mấy em ở Sài Gòn. Mấy
em rất thờ ơ với khách, không tha thiết mời gọi khách mua hàng. Ngồi uống cà
phê, tôi thấy có mấy người khách du lịch Tây và Việt đội mưa bước vào Lục Bộ, họ
lướt sơ một vòng rồi vội bước ra chắc vì không có ai ngỏ lời chào mời mọc.
Hỏi
thăm mấy em nhỏ mới biết sinh viên ở Huế xin đi làm thêm nhận được tiền công
khá thấp. Mỗi em làm thêm tối đa năm tiếng một ngày với giá ba mươi lăm hay bốn
chục ngàn đồng một ngày công. Chắc vì tiền công ít quá nên mấy em ấy không tha
thiết lắm với chuyện bán buôn hay phục vụ khách hàng, tôi cũng chẳng thấy người
quản lý nào đốc thúc công việc để mấy em ấy làm việc hay hơn.
Tôi
hỏi mấy em phục vụ đang ngồi tụ lại rì rầm trò chuyện trong quán vắng: Vậy một
tháng trừ các ngày nghỉ ra mỗi em nhận chưa tới một triệu đồng? Các em sinh
viên ấy e dè nhìn nhau rồi trả lời tôi: Dạ đúng vậy thầy ạ. Sinh viên tốt nghiệp
các trường ở Huế lương khởi điểm một tháng ba triệu đồng là tối đa, còn chúng
em đang đi học xin đi làm thêm một tháng được gần một triệu là tốt lắm rồi.
Tôi
lại hỏi: Lương ba triệu một tháng thì sống làm sao? Mấy em lại nói hết sức nhỏ
giọng: Vẫn đủ thầy ạ. Nếu không có gan vào Nam kiếm việc lương cao thì đành sống
ở Huế với số lương ấy rồi từ từ kiếm việc khác làm thêm để tăng thu nhập. Không
nên vội vàng thầy ạ. Đời người còn dài, sông có khúc người có lúc, làm người phải
biết hy vọng thầy ạ.
Tôi
quay sang nhìn anh bạn Huế rồi lắc đầu: Nghe mấy em đó nói vậy chớ tôi không
tin là mấy em đó đang hy vọng. Anh bạn hỏi: Sao anh không tin? Các anh người
Sài Gòn thì ưa bi quan suy luận suy diễn lung tung. Như tôi đây làm việc cho
Nhà nước ở Huế gần ba chục năm rồi mà lương cũng chưa tới chục triệu, thế mà
con tôi mấy đứa có đứa nào phải thất học đi ăn xin đâu. Vợ tôi cũng đâu có phải
chạy vạy kiếm tiền nuôi chồng nuôi con đâu. Sao anh đa nghi quá, hay là anh
nghĩ tôi ăn xén ăn bớt của cải nhà nước mới đủ sống?
Anh
bạn cán bộ người Huế nói chuyện tiền lương làm tôi nhớ tới mấy câu chuyện lương
và bổng thời bao cấp của mấy chục năm trước. Lương dù không bao nhiêu nhưng người
ta vẫn sống được và thậm chí vẫn giàu được nhờ có bổng. Chắc anh bạn của tôi bổng
lớn lắm đây, còn mấy em sinh viên nhỏ bán hàng hay bán cà phê trong Lục Bộ thì
làm gì có bổng.
Tôi
thở dài. Anh bạn Huế mắng tôi: Lại thở dài, tôi chán các ông Sài Gòn thật. Mắng
xong anh ấy nhoẽn miệng cười mĩm chi một cách rất hiền hòa và quí phái.
Gọi
tính tiền ba lần và chờ khoảng mười lăm phút một em sinh viên mới chầm chậm bước
ra đưa cái bill ghi bốn chục ngàn tiền nước. Đưa một trăm ngàn chờ mãi em ấy mới
đem ra sáu chục ngàn thối lại. Tôi hỏi: Sao lâu quá vậy em? Em ấy trả lời: Sáng
giờ chúng em chưa bán được gì nên không có tiền thối lại thầy ạ.
Anh
bạn đưa cho em sinh viên tiền (pour) boire hai chục ngàn, em ấy lễ phép nhận
nhưng không lấy gì làm vui vẻ, chỉ thỏ thẻ: Chúng em cảm ơn hai thầy.
Anh bạn nói với tôi: Tính chất Huế là như vậy đó, họ
không thích nhận tiền “boire”. Mà họ có thích họ cũng không bao giờ tỏ vẻ vui mừng
quá đáng. Tôi lẩm bẩm: Lương một ngày có ba mươi lăm ngàn, ai mà vui mừng nổi.
(13-12-2016)