Stalingrad 1942, (Getty Images)
tìm người lương thiện
In Search of an Honest Man
Gary Saul Morson điểm
sách:
Stalingrad,
Vasily Grossman
Vasily and the Soviet Century, Alexandra
Popoff
tôn thất tuệ dịch
Xuất
bản 1980, sau khi tác giả đã qua đời, Life and Fate được xem là một
trong số ít tác phẩm nhiều ý nghĩa nhất của thế kỷ 20. Vì sao đứa con tinh thần
của người Nga Vasily Grossman (1905-1964) đáng được chú ý đến như vậy? Mô phỏng theo đường
lối lịch sử của Leon Tolstoy qua tác phẩm Chiến Tranh và Hòa Bình, Life
and Fate (L&F) kể lại những cuộc phiêu lưu của quân nhân và thường dân
trong thời gian Đức chiếm Nga. Xoay quanh chiến trận Stalingrad,
L&F cũng mô tả tù binh Nga trong trại tử tủ của Nazi, một nhóm người Do
Thái trên đường vào lò hơi ngạt, các sĩ quan Nazi bênh vực chủ thuyết quốc xã,
các chính trị viên Nga bênh vực ý thức hệ cộng sản.
Giống
như trường hợp Leon Tolstoy, L&F đặt tâm điểm vào một gia đình duy nhất;
gia đình Shaposhnikovs. Lão mẫu Alexandre Vladimirovna Shaposhnikova ấn định
khuôn mẫu luân lý cho đàn con và cháu đông đảo vì phép tắc và sự trung thành của
gia đình quan trọng hơn ý thức hệ. Vật lý gia Do Thái tên Viktor Shtrum kết hôn
với cô con gái của bà tên Lyudmila đang vật vã tìm cách giả quyết các bí mật của
hạch nhân nguyên tử theo một cách nào mà không vi phạm siêu hình Mác Lê trong
lúc đang cố sức biện minh vì sao thỏa hiệp với chính quyền. Cột chèo của
Viktor, anh chàng Nikolai Krymov là một Bôn sê vít tận tụy và gương mẫu. Đã từng
tôn thờ từng phút ý thức hệ giết người hằng loạt, Nikolai bị bắt, thẩm vấn, tra tấn và đến lúc dùng lương tâm chống lại các tín điều chính trị.
Vasily Groosman 1961
Xung
đột giữa ý thức hệ và nhân tính đã hướng dẫn cuốn tiểu thuyết từ đầu đến cuối.
Khi đức tin CS của Krymov lung lay thì tin tưởng vào sự độc ác của Nazi nơi sĩ
quan SS Bach mạnh thêm lên. Hai ý thức hệ ấy đối chọi nhau trực tiếp khi người
CS Mostoveskoy bị giam trong trại lính Đức đã phán đối ý kiến của viên sĩ quan
Nazi nói tiếng Nga nêu ra sự song hành rõ rệt giữa Nazi và Xô viết về triết lý,
đạo lý và thực tế chính trị. Chàng cũng công kích nhà nhân văn học kiểu cũ
Ikonnikov đã vượt lên trên Thiên Chúa Giáo và chủ trương Tolstoy để làm những đề
tài đạo lý chống với lối suy nghĩ ý thức hệ.
L&F
là phần thứ nhì của một cặp bài trùng, tiếp nối (không phải là hậu thiên) cuốn
tiểu thuyết Stalingrad mà ông phải sửa nhan để thành For a Just Cause
(Vì một chính nghĩa), công thức mà bộ trưởng ngoại giao Molotov dùng để mô tả sự
phản công của Nga đối với cuộc xâm chiếm của Nazi. Ấn bản Anh ngữ Stalingrad giúp
người đọc theo dỏi hành tung của nhiều nhân vật thật và hư trong L&F. Xuất
bản lúc Staline còn sống, Stalingrad không nêu rõ những vấn đề luân thường và
chính trị. Tuy nhiên theo tiêu chuẩn lúc ấy, tác phẩm đã là bạo lắm rồi.
Staline
đã đạo diễn ”Âm Mưu của các Y Sĩ” kết án, tra tấn tù đày các y sĩ Do Thái về
tội âm mưu giết vô số lãnh tụ CS. Tại trung ương đảng CS Staline nói rõ: Do
Thái, bất cứ ai, đều là tư bản quốc gia làm việc cho tình báo Mỹ”; có nghĩa là
đáng xứ bắn hay khổ sai chung thân. Khrushchev còn nhớ Staline chỉ thị: các
công nhân lành mạnh phải cầm gậy gộc đập đầu Do Thái. Staline chết đột ngột
March 5, 1953, Do Thái thoát nạn. Một tháng sau, bản án bác sĩ âm mưu được công
nhận là ngụy tạo.
Do
đó, khá dễ dàng thấy những khó khăn của Grossman khi vận động xuất bản Stalingrad
với nhân vật chính và phụ Do Thái, luận bàn về trại tù Nazi. Nội cái tên Do
Thái Shtrum đã làm cho các bĩnh bút nổi da gà; họ phải hỏi ý kiến cấp trên, đòi
tác giả thêm bớt. Grossman viết: mọi người lính bình thường đã đóng góp vào chiến
công Stalingrad. Nhưng đó là một sai sót về ý thức hệ; ông phải sửa lai bằng
cách thêm: họ thành công là nhờ chỉ đạo sáng suốt của Staline và đảng CS. Ông
phải xài cái dĩa hát với cái hậu là Staline: khi mọi thứ đều tuyệt vọng thì
Staline xuất hiện cứu nạn thành công.
Tạp
chí văn chương đầy quyền lực Novy Mir cho đăng cuốn truyện thành từng ký, mỗi kỳ
đều có thay đổi. Nhà vật lý Shtrum trở thành trưởng xưởng quân trang quân dụng
trung bình. Grossman bèn hỏi chủ bút: nếu đây là trường hợp Einstein thì ông bảo
tôi nên cho nhà bác học nầy làm việc gì. Ông được trả lời: bác đừng nói gì xa
xôi, việc của tôi là làm cho tác phẩm của bác an toàn về phương diện ý thức hệ.
Stalingrad bắt đầu với cuộc
gặp mặt giữa Hitler và Mussolini tại Salzbourg, Áo, ngày 29 tháng 4 năm 1942.
Hitler khoa trương các thành quả tiến bộ từ khi xâm chiếm Nga ngày 22 tháng 6
năm trước. Ông nói: bạo lực là nguồn gốc của mọi điều vĩ đại, tôi đã tái lập ý
nghĩa thực sự của bạo động”. Trong lúc ấy, Mussolini xem Hitler là một thằng hề,
một kẻ đau thần kinh và xem sự thành công nầy là một quái thai thời đại. Nhắc lại
chuyện cũ để thấy sự giống nhau trong việc quân Nga tuần tự rút lui trước lực
lượng Nazi và trước lực lượng Napoleon; nhưng lần nầy quân Nga cố thủ
Stalingrad không như ngày xưa thống chế Kutuzov bỏ Moscou cho quân Pháp. Cuốn
truyện kết thúc vào cuối hè 1942 với trận Stalingrad và quân Nga đánh trả thành
công. Mấu chốt, diễn biến cốt truyện xoay quanh biến cố quân sự nầy.
Khi
báo Pravda, cơ quan ngôn luận của đảng CS, chỉ trích cuốn Stalingrad có
quá nhiều người Do Thái, tòa soạn Novy Mir đã nhận lỗi sai lầm đã ấn hành một
tác phẩm viết theo một quan niệm vô cùng sai lạc về ý thức hệ. Đời sống tác giả
bị đe dọa nhưng may thay chẳng bao lâu sau, Staline chết. Hai lần vào những năm
1954 và 1954, tác phẩm được in thành sách, dĩ nhiên vẫn có thay đổi theo đường
lối mới của đảng CS.
Cho
dù với sự nới rộng sau khi Staline chết, tác phẩm của Grossman không nói đủ
quan niệm của tác giả. Những phần bị gạt bỏ nay được lấy lại để dùng vào ấn bản
Anh ngữ hiện đang lưu hành ngoại quốc.
Grossman
tin tưởng rằng nhà văn, trên hết, phải tôn trọng sự thật như chính mình chứng
kiến nhưng là điều không thể thực hiện trong thế giới CS.
Khi
mới bắt đầu viết, Grossman đã nài khẩn trùm văn nghệ Maxim Gorky giúp ông xuất
bản tác phẩm đầu tiên: “Thưa ngài, tôi viết sự thật”. Gorky đã trả lời bằng sự
khác biệt hiện đang chính thức được công nhận giữa một bên là sự thật mò mẫm
theo kinh nghiệm và một bên là sự thật cao hơn của chủ thuyết CS. Gorky huấn thị:
Chúng ta biết đến hai sự thật trên thế giới nầy: thứ nhất là cái sự thật hèn hạ
dơ bẩn trong quá khứ, chủ về số lượng; cái thứ nhất nầy hiện đang được thay thế
bởi một sự thật mới ra đời và đang lớn mạnh”.
Grossman
ghi lại lần tiếp kiến nầy trong các lời đối thoại trong gia đình Shaposhnikov.
Cô cả Marusya bảo cô em họa sĩ Yevgenia vẽ một bức tranh cổ động nói lên sự thật
đời người không ra ngoài ý thức hệ hiện thời. “Chị đã nói với em nhiều lần rằng
có hai thứ sự thật rồi chứ? Một sự thật về thực trạng đời sống đã dồn ép chúng
ta vào một quá khứ ghê tởm; và một sự thật về tương lai mà chúng ta phải sống
theo nếu muốn sống”.
Nhưng
ở một chương khác, nhân vật Sofya Osipovna trả lời Marusya: Với tư cách một y
sĩ giải phẩu, tôi xin nói với cô rằng chỉ có một sự thật, mà không có hai. Khi
cắt một cánh chân khỏi thân xác một bệnh nhân, tôi không biết hai sự thật… Nếu
cô theo đuổi hai sự thật thì cô không tìm ra sự thật nào hết”.
Grossman theo quân Nga, Đức 1945
Qua
đến “chân thứ hai”, L&F, Grossman không dùng đến kỹ thuật ngụ ngôn mà nói
rõ, nói thẳng rằng Nazi và CS là hai tấm gương soi để nhìn nhau, học hỏi nhau.
Độc giả thấy cái nầy thì thấy cá kia luôn thể. Một sĩ quan SS minh bạch phát biểu:
“tư tưởng khoa học tự do đã bị dẹp bỏ; chúng tôi từ chối sự thật phổ quát, luân
lý và nhân đạo; nước Đức không dành một chỗ nào cho các đầu óc tự do". Sau khi
viếng thăm Áo dưới sự chiếm đóng của Đức, một nhà hóa học tường trình rằng nơi
đó ai ai cũng sợ nhau, sợ ngay cả gia đình mình. Người đọc thấy ngay trước mắt
thời đại trẻ con xô viết được dạy cách tố cáo cha mẹ, vợ bị bắt vì không tố cáo
chồng. Một khi đồng ý với nhà hóa học nầy rằng phát xit Đức kết án nền đạo đức
luân lý của tình đồng loại và lòng từ bị, người đọc thấy ngay rằng Xô Viết hủy
bỏ chân lý phổ quát và chỉ chấp nhận những giá trị của giai cấp đấu tranh. Khi
Shtrum để nghị nhà hóa học xuất bản tập du ký, cả hai đều được khuyến cáo không
nên làm vì chuyến đi nầy xẩy ra vào lúc Đức là đồng minh của Nga, cho nên không
thể phê phán. “Chúng ta phải củng cố, thay vì đập nát, nền chính trị hòa bình”.
Theo
Grossman, nét tương cận quan trọng nhất giữa hai hệ thống là cả hai đều nhìn
con người theo từng thể loại xã hội. Giai cấp đóng vai trò giống hệt trong chế độ
CS và Đức quốc xã. Đen tối nhất là lúc hằng triệu con cháu giai cấp qúi tộc,
thương gia và nông dân phát đạt trung bình mất mạng sống. Khi tình hình khả
quan hơn, lớp người nầy không được hưởng bình đẳng giáo dục và khó kiếm việc
làm. Giai cấp cũng như nguồn gốc chủng tộc đã ấn định cá nhân thuộc giai cấp kẻ
thù. Shtrum ghi nhận tính chất quỉ quái của việc giết người vì có cha mẹ là Do
Thái.
Ai
cũng hy vọng rằng sau cuộc tẩy trừ Staline của Khrushchev, tác giả Grossman
hanh thông trong việc xuất bản cuốn L&F tuy nhắm không riêng gì vào chủ thuyết
Staline mà cả hệ thống Mát Lê. Thực tế trái ngược. Tờ báo mà ông đệ nạp bản thảo
đã thông báo ngay cho trung ương đảng. Đảng không những khước từ cuốn sách mà
còn ra lệnh tình báo KGB lục soát chỗ ở của Grossman lấy hết mọi bản thảo, kể cả
ruban đánh máy chữ. Nhờ vào không khí tương đối tự do hơn, tác giả được yên
thân nhưng cuốn sách chịu số phận câu lưu. Grossman được mời dự cuộc họp mặt với
các đại diện hội nhà văn và trưởng ngành ý thức hệ của đảng. Ông được thông tri
rằng L&F còn nguy hiểm hơn Doctor Zhivago của Pasternak và cấm xuất bản
trong vòng hai trăm năm. Trưởng ngành ý thức hệ chấm dứt buổi họp bằng câu nói:
Ông tin rằng trong trường hợp nầy chúng tôi vi phạm nguyên tắc tự do. Vâng,
đúng như vậy nếu giải thích tự do theo lối tiểu tư sản”.
Giống
như các tiểu thuyết hiện thực cổ điển Nga, hai cuốn sách của Grossman đặt vấn đề
bản chất của lịch sử, trách nhiệm luân lý, thiện ác cũng như vai trò của văn
chương. Nhân vật Madyarov, nói thay cho tác giả, bát bỏ chủ trương hiện thực kiểu
XHCN đã phản bội lý tưởng cao thượng của nền văn chương Nga.
Bắt
đầu với House of the Dead của Dostoevsky tác phẩm đầu tiên tả trại tù,
văn sĩ Nga đã hấp dẫn thế giới bằng những hoàn cảnh cùng tột. Grossman cũng vậy,
hai tập truyện của ông dựng trên bối cảnh là chiến cuộc Stalingrad và trại tử tội
Nazi, phòng thẩm vấn tra tấn Xô viết, hàng triệu nông dân chết đói vì tập thể
hóa nông nghiệp. Một số đảng viên bôn sê vít phải tự vấn lương tâm khi thấy trẻ
con đi vào cõi chết nhưng rồi cũng đi đến kết luận khác; họ tin tưởng đang làm
một việc thiện; họ chứng kiến mọi thứ độc ác nhưng vẫn ủng hộ đường lối bạo động
của CS. Cái gì điều gì đã đưa những con người thông minh, bình tĩnh không bệnh
tâm thần ấy ủng hộ và thi hành chính sách bạo tàn toàn diện ấy? Theo giới cầm
bút, câu hỏi nầy là vấn đề luân lý quan trọng nhất của thời đại chúng ta đang sống.
Khi
bị sĩ quan SS tên Liss gọi thẩm vấn, người Bôn sê vít trung thành Mostovskoy
tin mình sẽ bị tra tấn nhưng các lời hỏi cung đã là một tra tấn tinh thần, là mối
hoài nghi. Theo Liss, Nazi và bôn se vit giống nhau ở vô số điểm. Cả hai đều dựa
vào một chính quyền độc đảng khủng bố và từ bỏ luân lý nhân đạo. Hitler đã
thanh toán quyết liệt hằng triệu người Do Thái; Staline không thua gì đã tàn
sát hằng triệu nông dân. Liss nói thêm rằng Hitler đã học bài độc tài toàn diện
trực tiếp từ Lenine và Staline. Viên sĩ quan SS nầy hình như đã mở đường cho vụ
án âm mưu của giới y sĩ: “hôm nay các bạn ngài ngại mối căm thù của chúng tôi đối
với Do Thái nhưng mai kia các bạn sẽ dùng kinh nghiệm của chúng tôi vào việc
nhà các bạn”. Mostovskoy cảm thấy niềm tin của mình lung lay.
Krymov,
nhà vật lý, cột chèo của Shtrum đã từng biện hộ cho chính quyền đã để cho giai
cấp kẻ thù chết đói, đã ra lệnh bắt giam bất cứ ai có tý ty hoài nghi các chính
sách của Xô viết; nhưng khi đến phiên mình bị bắt và tra tấn chàng mới tự hỏi
phải chăng tra tấn đã làm cho các đảng viên khác nhận tội âm mưu chống đối một
cách phi lý. “Vì sao đảng cần đè bẹp tôi? Chúng tôi không một chút nương tay,
không một chút thương tâm đối với kẻ thù của cách mạng; nhưng nay vì sao cách mạng
lại tàn nhẫn đối với chúng tôi?”
Krymov
nhận định rằng khi đọc lời kêu gọi tuyên án tử hình Bukharin và các thủ lãnh
khác, chàng thực sự không tin vào tội trạng của các bị can. Nói đúng hơn, chàng
vừa tin vừa không tin. Chàng tự hỏi: có chăng như thế này sao, tôi là một người
có hai lương tâm? Hay tôi là hai người, mỗi người có một lương tâm riêng? Mà
nhìn quanh ai cũng làm như tôi, đâu chỉ riêng mình tôi”. Độc tài toàn diện đưa
đến sự song lập rốt ráo như vậy hoặc vì sợ bị bắt, hoặc muốn giữ vững đức
tin ở ý thức hệ chính thức dù thực tế trái ngược.
Krymov
tự hỏi vì sao khi các người bạn vô tội bị bắt, chàng không đến giúp đỡ gia đình
các nạn nhân. Trong lúc ấy, mấy mụ đàn bà ham mê dị đoan và thấp kém về chính
trị lại ôm ấp nâng đỡ trẻ con có cha mẹ bị bắt. Phải chăng những bà già ấy can
đảm hơn, đáng ca ngợi hơn mấy ông bôn sê vít kỳ cựu như Mostovskoy hay Krymov?
Krymov biết rằng sợ hãi không đủ sức chạy tội cho hành vi tồi tệ về luân lý của
chàng. “Không, không; sợ hãi không đủ sức làm việc nầy. Đủ sức biện giải hành động
dơ bẩn của tôi chính là chính nghĩa cách mạng nhân danh luân lý đạo đức xua đuổi
con người xa khỏi đạo đức luân lý phổ quát và nhân bản”.
Trong
thời gian bị giam trong trại Nazi, Ikonnikov đã bước vào giai đoạn không những
từ bỏ chủ thuyết Mac xit mà từ bỏ mọi ý thức hệ dám tự xưng nắm vững chân lý
luân thường toàn diện. Các hệ thống triết lý, dù lý tưởng đến đâu, đã tạo nên
những tai ương, những di lụy to lớn hơn các tội ác các cá nhân riêng biệt phạm
đến. Ngay cả những lời giảng của Jesus cũng đưa đến tai ách nếu người TCG muốn
biến lời Chúa thành một hệ thống triết lý. Lắm lúc, chính ý niệm thiện đã thành
điều tác quái nguy hiểm hơn sự tác hại thường tình. Tôi đã thấy sức mạnh không
lay chuyển của ý niệm thiện về xã hội được nẩy sinh trên quê hương tôi… Tôi đã
thấy làng nầy qua làng nọ chết đói. Ý niệm nầy rất xinh rất cao quí nhưng nó giết
người không gớm tay, chà xé tiêu ma đời sống muôn người.
Chúng
ta quen gọi những danh tác của Nga có tính cách triết lý nhưng cho đúng thì phải
gọi ngược lại: phi triết lý; trong ý nghĩa khuyến cáo mạnh mẽ đừng đặt để đức
tin vào một hệ thống trừu tượng. Trong Chiến tranh và hòa bình, Leon
Tolstoy viết: “nếu chúng ta thừa nhận rằng đời người có thể điều hướng bởi lý
trí thì khả thể của sự sống tiêu tan”. Tuy vậy sau đó ông đã qui hàng sự cám dỗ
của một lý thuyết luân lý bao trùm mọi khía cạnh khi ông công thức hóa điều ông
xem là sự thật TCG lúc ban sơ. Và Dostoevsky, để bù đắp mối hoài nghi về trừu
tượng hóa, đã có lúc nghĩ mình đã nắm chìa khóa mở cửa lịch sử và thấy ngày khải
nghiệm trong tương lai. Nhưng chỉ một mình Chekhov, tác giả yêu thích của
Grossman, đã không bị các hệ thống cám dỗ. Theo nhận xét của Madyaro, Xô viết
ca ngợi Chekhov vì không hiểu Chekhov.
Chekhov
luôn đứng riêng rẻ, tách rời các nhà tư tưởng chính trị Nga. Lớp người nầy độc ác,
không tha thứ, óc bè phái, những kẻ cuồng tín muốn dùng bạo lực áp đặt God vào
người trần thế, và trên nước Nga, số người nầy không bao giờ ngừng, dù ngừng ở
chỗ giết người, để đạt mục đích nầy”. Trong lúc ấy Chekhov, nhờ sự thâm hiểu
tính chất phức tạp của luân lý, đã không ngại ngùng chân thành hạ bút: “Xin hãy để God và các ý tưởng tiến bộ to lớn qua một bên. Xin hãy tử tế hiền
hòa và chú ý đến các con người cá thể. Xin hãy bắt đầu bởi lòng kính trọng, từ
tâm và tình thương dành cho các cá nhân”.
Cũng
vây, Ikonnikov kêu gọi chúng ta từ bỏ “cái Tốt ghê rợn viết chữ T hoa. Để nhận
chân những điều lành hằng ngày của con người.Ví dụ điều lành của một bà già đem
ổ bánh mì cho tù nhân, trong số đông các bà già dốt nát nhưng hành sử tốt đẹp
hơn tập thể bôn sê vít”. Ông nói: Chúng ta cần điều thiện riêng tư của một cá
nhân dành cho một cá nhân; một điều lành nhỏ nho, không cần một tư tưởng nào hướng
dẫn; một điều lành đứng ngoài mọi hệ thống ‘Tốt’ của xã hội và tôn giáo”. Ông
nói tiếp rằng không có gì có thể biện minh cho việc mình tham gia tác hại cho đồng
loại, dù viện dẫn sợ chết, tra tấn hay tù dày Gulag. Con người bị hướng dẫn bởi
định mệnh nhưng có quyền không đi theo. Trong tinh thần ấy, Ikonnikov bị xứ bắn
trong trại lính Nazi vì không chịu đi xây trại tận diệt Do Thái.
Về
phần Grossman, ông biết đã không sống theo đúng lý tưởng của mình. Cho đến cuối
đời, ông vẫn cảm thấy hổ thẹn, như nhân vật chính Shtrum, đã một lần ký bản
tuyên bố kết tội các y sĩ bị cáo buộc giết bệnh nhân. Shtrum tự hỏi vì sao dính
vào tội ác tày trời nầy. Mọi việc trên đời đều vô nghĩa nếu đem so chiếu với sự
thật và sự trong suốt của một người vô danh thấp hèn. Shtrum đã nói lên tâm trạng
đau thương của Grossman: Người xấu lẫn người tốt đều có chỗ yếu nhưng khác nhau
ở chỗ nầy. Người xấu hãnh diện và nhớ suốt đời một việc lành nhỏ duy nhất; người
trung hậu không nhớ không biết đế các điều lành to lớn, nhưng nhớ mãi suốt đời năm
nầy qua tháng nọ một việc bất thiện rất nhỏ và duy nhất… Người trung hậu nầy còn
có thì giờ ứng phó chưa quá trễ. Còn sức mạnh để tiếp tục vẫn làm đứa con của một
người mẹ; mong ước hành vi ương hèn nầy đứng mãi bên cuộc đời như một lời trách
móc ngày đêm; nhưng cũng nhờ vậy mà người hiền lương có cách trở về với chính
mình.”
Thành
quả của Grossman chính là lối suy nghĩ sâu sắc và thẳng thừng nêu ra các vấn đề
luân lý. Do đó Life and Fate là một tác phẩm quí giá cho thời đại của
chúng ta tuy có nhiều chỗ bất ổn về kỹ thuật viết truyện. Trên căn bản Grossman
là một ký giả hơn là một tiểu thuyết gia nhưng ông đã tường trình các kinh nghiệm
độc tài toàn diện một cách đầy đủ và hiểu biết hơn các tác giả cùng thời.
Trước
Grossman cả trăm năm, một tác giả Nga khác được xem là kẻ khai sinh chủ trương
cải cách xã hội đã viết Who Is To Blame. Văn học xem tác phẩm ấy của
Alexandre Herzen là một cuốn sách về tư tưởng hơn là một cuốn tiểu thuyết, gồm
những suy tư ảnh hưởng sâu rộng; Herzen chỉ dùng cốt truyện như cái dàn cho tư
tưởng leo bò nở hoa. Na ná trong hiện tượng văn chương nầy, Life and Fate
cho thấy mặt tiền và mặt hậu; mặt tiền là những biến cố bên ngoài, mặt hậu là
con người của tác giả mang theo những tư tưởng. Giới phê bình đã xem ông là một
nhà tư tưởng, a thinker, un penseur.
Nhưng
đó không phải là việc của ông ta. Văn chính là người. Thật vậy, Vasily Grossman
đáng được khen là người lương thiện, trung hậu như chính nhân vật Shtrum do ông
tạo ra: trở về với cuộc đời thật sự, biết những điểm yếu của người đời (Pascal:
l’homme a ses faiblesses). Ông và nhân vật của ông đã trở về với chính mình,
mong ông tìm được con người lương thiện, trung hậu, tuy không bao giờ quên một
lỗi lầm nhỏ lúc thanh xuân.--
===========================================================================