Tôi đã bị xâm chiếm
quá nhiều trên đất Mỹ bằng những loại thư quảng cáo mời mua cái thìa cho đến
chiếc xe, cái nhà cũng như rủ xổ số. Từ tình trạng ấy tôi thấy xa lạ với các tờ
tin tức của các hội đoàn. Nhưng có một điều làm tôi thấy gần với tờ tin tức nầy
cũng như gần lại ngôi trường mà tôi vẫn xem không phải là trường tôi: cái chết
của Trâm. Và tôi xin cảm ơn tờ tin tức, Phùng Minh Tiến đưa giữa chợ Bolsa, đã
đăng tin Trâm chết. Thật ra tôi đã biết tin nầy ngay sau khi tai nạn xẩy ra và
có lẽ lúc ấy xác người bạc mệnh còn nằm ở nhà quàn và nắp quan tài chưa khép
kín.
Nhưng sao khi nằm
dài đọc mấy hàng tin, tôi vô cùng đau đớn. Tôi ngưng đọc và đặt tờ báo lên ngực
chẳng khác những giờ nằm dài trong ký túc xá với cuốn sách trên ngực như để dằn
cái sôi động trong ý tưởng về cuộc đời riêng, ý tưởng về cuộc đời mà tôi nghĩ
là chung của một khối người hay sâu xa hơn cả những gì gọi là người trong đó có
Trâm.
***
Lần thứ hai tôi đến
Saigon cách lần trước hai năm. Tôi gặp trời mưa. Thật là ngu si, tôi cứ nghĩ
Saigon nóng và không có mưa. Con đường từ sân ga đen thẩm mà sắc thu lại bao phủ
tất cả. Tôi thấy mình gần gũi với Saigon vì nơi ấy cũng có bầu trời hơi xám tuy
rằng trong tâm thức tôi vẫn nghĩ Saigon nằm trong vùng đất mà tôi yêu thương,
vùng đất của Việt Nam. Tôi oán trách tôi ngu dốt hay thầy địa dư không nói rõ để
mà nghĩ mặt trời quanh năm ở miền Nam.
Ý thu ấy càng rõ
hơn khi ngày hôm sau tôi đến trường quốc gia hành chánh ở đường Alexandre de
Rhodes ngồi trong lớp mà mắt cứ để ra hàng cây ngoài công viên màu xanh chai.
Tôi thấy thú vị vì cái duyên dáng của thời tiết nếu không thì đã khổ sở lắm vì
phải ra đi khỏi một thành phố trầm buồn và dĩ nhiên còn để lại một cô bạn kém
tuổi hơn tôi rất nhiều.
Nếu không lầm, tôi
có học rằng không khí có hơi nước thì âm thanh vọng lại xa hơn và thanh hơn.
Đúng vậy, bầu không khí quanh đại lộ Thống Nhất đã đưa mạnh vào tai tôi mỗi chiều
tiếng quân hành của đại đội danh dự đi vào Dinh Độc Lập làm lễ hạ cờ. Tôi cũng
còn nghe rõ tiếng giày nhịp đều trên mặt đường ăn nhịp với tiếng kèn đồng và trống.
Tôi gượng ép bảo
đó là mùa thu ở Saigon căn cứ vào độ sáng của ngày, thật ra đó là mùa mưa,
không biết đầu mùa hay cuối mùa và tác dụng của nó là đưa tiếng quân hành lên
cao trong khi chiều đang đi xuống. Và như trên đã nói, nhờ ảnh hưởng của thời
tiết tôi yêu mến Saigon hơn.
Nhưng Hòn Ngọc Viễn
Đông còn để lại cho tôi một thắc mắc: Saigon cũng có những hàng cây giống như
đường Lê Lợi ở Huế chạy qua trường Đồng Khánh của tôi. Khám phá thứ hai của tôi
là từ trường đến nhà trọ đường Duy Tân quả có nhiều bóng mát và có nhiều lá rụng
trên vĩa hè.
trường cũ Alexandre de Rhodes
Và tiếp theo đây
là điều không phải của Saigon, không phải của ý thu hay của hàng cây nơi thủ đô
nầy, mà chính là của tôi. Đó là những lần trốn học. Tôi xin nói lại cái đó
không phải của Saigon mà chính thật của tôi. Quả vô lý, trời đẹp thế nầy mà ngồi trong lớp, học làm quan à? Lần đầu trong đời tôi thấy điều
gọi là mã số hóa con người. Nơi trường tôi, sinh viên phải ngồi nơi ghế riêng của
mình. Thấy trống chỗ nào thì giám thị cứ ghi con số, con số ấy chính là tôi; thế
thôi.
Nhưng mặc kệ, tôi
vẫn đủng đỉnh đi ngang trường, qua bưu điện bỏ vào thùng thơ một bưu ảnh cho cô
bạn ngoài kia, rồi đến hàng cây me đường Nguyễn Du ngồi uống café. Thỉnh thoảng
những con sâu róm màu vàng rơi xuống đất; màu vàng nhưng pha thêm màu xanh lá
non, màu của lá me non mà chúng ăn vào.
Lần trốn học nầy
và những lần khác với lý do khác làm cho tôi không nhận trường kia là của tôi.
Hơn hai mươi năm sau tôi nhìn lại những ngày ấy và phải thốt ra mấy câu:
Và
quen nếp nhiều lần ta trốn học
vì ông thầy
đích thực của đời ta
là ngọn
núi chiều màu tím thẩm
rơi xuống
sông và nhuộm thẩm dòng sông.
mà rất tiếc,
Saigon không có dòng sông ấy, dòng sông xanh lắm ngoài kia, dòng sông chứng kiến
bao lần bỏ học, sông Hương. Nhưng nay đã có ngọn núi trời đất rơi thẩm vào lòng
tôi cho dù ngọn núi ấy chỉ có những con sâu róm màu vàng và lá me non.
Đó là những ngày của
năm đầu tôi học ở Alexandre de Rhodes.
Qua một vụ nghỉ hè
ngắn (vì phải học mất hai tháng quân sự) ở Huế nói chưa hết những lời thương mến,
tôi vào lại trường nhưng không còn ở vùng có nhiều cây cao, có tiếng quân hành
mỗi chiều mà trường mới xây ở đường Trần Quốc Toản bên cạnh những trại lính vĩ
đại. Đường trong khuôn viên chưa làm xong, đất đỏ, sình lầy như những bãi sình
với những căn nhà cao cẳng quanh đó.
Những cây điệp thấp
lè tè mới đặt xuống đất không đủ lá để rụng như ở Duy Tân. Và bụi nhiều lắm. Trần
Quốc Toản là huyết lộ của đảng người bay, tên vui dành cho những chiếc cyclo
máy chạy vùn vụt nhả khói đen ngòm và tiếng máy la hét rùm vang. Cả một tháng
trời trong ký túc xá tôi mới nhận chân một sự thật; không có mưa vào sáng sớm
mà chỉ có tiếng ào ào của đảng người bay đánh thức tôi dậy trong cái nóng bừng
bừng của miền Nam, trong cơn mơ chập chờn.
***
Trong khung cảnh ấy,
và trong thời điểm ấy, Sylvie Vartan xuất hiện ở trường tôi. Sylvie Vartan là
ca sĩ trẻ trung của Pháp thập niên 1960, tươi trẻ hơn Dalida; cô nàng có mái
tóc vừa ngắn đủ chỉ để hôn nhẹ lên vai như gió thơm để lại chút tình nồng trên
cỏ. Sylvie Vartan không đến với chúng tôi qua đĩa nhạc loại 45 vòng; người con
gái Paris ấy đã đến với trường tôi: đã đến qua Trâm.
Trên khu đất rộng
rãi xuất hiện ba khối nhà lớn theo hình hộp với một nét kiến trúc chung; tòa
nhà chính là lớp học và văn phòng; một tòa nhà cho thư viện và bên trên là một
thính đường; và tòa nhà kia là ký túc xá ba tầng. Họa đồ còn một tòa nhà trệt
nhỏ hơn nhưng cũng rộng bằng một biệt thự. Nhà đó chúng tôi gọi là nhà của Trâm
tuy là câu lạc bộ nơi sinh viên ăn uống.
Trâm không học ở
đây, Trâm còn ở trung học, có lẽ ở Gia Long. Mẹ Trâm trúng thầu quản lý chuyện
ăn uống cho sinh viên. Ngày nào cô nàng cũng đến giúp mẹ nhưng ít khi chúng tôi
thấy Trâm xuất hiện. Thỉnh thoảng Trâm ra quày hàng bán thuốc lá lẻ Ruby hay Capstan. Tôi cứ nghĩ cô nàng sợ đám
sinh viên nội trú vì đi vào câu lạc bộ là phải đi qua ký túc xá. Bọn chúng tôi
rất đoàn kết, mỗi khi Trâm xuất hiện từ ngoài cổng; đoàn kết là qui tụ mắt vào
một điểm, cùng la lên những tiếng thật to nhất là hai chữ Sylvie Vartan.
Trước sự tấn công
đáng yêu ấy, Trâm thường đến những lúc sinh viên còn ngồi trong lớp, nhất là
khi mặc chiếc áo đẹp và mặc theo tây phương, nói rõ là áo đầm. Tôi biết sự xuất
hiện âm thầm ấy vì trên căn bản tôi là một kẻ trốn học nhà nghề, trốn học đến độ
giám thị coi như một sự công nhiên.
Khu trường mới
không có cây xanh mà ngoài đường chỉ có rác và bụi, cyclo máy chạy như bay. Chỉ
có hai nơi có thể trốn tránh đó là thư viện và câu lạc bộ. Thư viện cũng khó
lòng vì vào giờ học sao ngồi được. Tôi đem thư viện vào câu lạc bộ với vài cuốn
sách không dính líu đến các môn học. Từ đó tôi có dịp nói chuyện với mẹ Trâm.
Bố Trâm đã chết ở
Hà Nội trong một tai nạn trước 1954. Vì biến chuyển của thời cuộc, người quá phụ
đem hai con vào Nam. Trâm có người anh lớn hơn một tuổi. Mẹ Trâm nói tiếng Pháp
rất rành và khi nói chuyện với tôi thường dùng các danh từ Pháp văn chen vào
câu nói. Người ta tìm thấy ở bà một mẫu chung của thời ấy: có nhan sắc và học vấn
nhưng không cho cái nhan sắc ấy bành trướng vì cái tang chồng nhưng không dấu
hết cái kiêu sang trong lối ăn mặc giản dị màu trắng hay đen. Điều đó cũng ảnh
hưởng y phục của Trâm.
Với giờ giấc bất
thường của tôi, mẹ Trâm dành cho tôi một đặc ân; nhiều lúc tôi được dọn ăn một
mình trước hoặc sau các bạn. Điều đó thật bách tách, nhất là cách xếp đặt thực
khách bốn người một phần, gọi là carré (hình vuông). Nhờ vậy tôi có dịp làm ra
vẻ trưởng giả: có một tờ báo trên bàn.
Dạo ấy tôi cố đọc
tiếng Pháp để tự học nên mượn được tờ Le Monde của thư viện trước khi báo xếp
vào kho. Một hôm, không nhớ lý do gì bà chủ gọi tôi vào phía trong, hình như để
giúp bà đem một vật gì nặng ở trên cao vì người làm đi đâu cả. À đúng thế, tôi
còn nhớ mẹ Trâm đùa:
- Ông giúp tôi một
tay, tôi sẽ thưởng cho một tách nước trà và một phần tư cái bánh cốm Song Hỷ.
Trà tàu chính cống. Ông có thưởng thức được chứ? Dân Huế mà.
Tôi đáp:
- Quê lắm bà ơi,
tôi chỉ biết uống chè xanh, bỏ vào chút gừng, ăn kẹo đường đen, uống trong cái
tô múc canh.
Sau khi giúp mẹ
Trâm đem một thùng chén bát từ trên kệ cao xuống, tôi được mời một chén trà. Bộ
tách nhỏ xíu đứng quanh cái bình đất màu nâu thường gọi là bình gan gà. Thay vì
một phần tư, tôi được cả cái bánh cốm còn nguyên trong giấy thiết. Lần đầu tiên
tôi biết nó gọi là cốm, tuy đã nhiều lần ăn, rất quen thuộc với một thứ nếp non
xanh lá, nhụy đậu xanh thơm mùi bông bưởi. Với tôi, cốm là một thứ bắp hay gạo
ran tẩm với đường đen, vò thành viên tròn bằng nắm tay hay đúc thành khối lập
phương. Nó không kiểu cách như thế.
Trâm đứng gần đó,
tay cầm một tờ Le Monde có dấu thư viện. Tôi đoan chắc tờ báo tôi để quên nhưng
không bộp chộp nhìn của. Trâm như nửa đọc tờ báo nửa đang suy nghĩ điều gì. Bỗng
nhiên cô nàng đưa tờ báo cho tôi và hỏi một chữ trong đó. Tôi trố mắt nhìn
Trâm. Sao Sylvie Vartan lại đọc một bài về chính trị, vả lại Le Monde rất khô
khan và bài vở như muốn viết cho khó ra. Trâm cho biết trong đó có một bài nói
về những ngày cuối cùng trước khi Hà Nội bị tiếp thu, có vài điều liên hệ đến
vùng gia đình Trâm ở. Mẹ Trâm đọc và Trâm tò mò đọc theo. Tôi buột miệng nói:
- Cô có óc chính
trị như thế thì vào cái trường nầy mà học còn tôi có lẽ sẽ bị đuổi nay mai.
- Em dốt lắm, chưa
chắc đậu bằng tú tài huống hồ cả ngàn rưởi người thi mà chỉ lấy một trăm. Con
gái mà, học gì cho cao. Học làm bếp mà chưa xong. À hôm kia ông bỏ quên tờ báo
me bảo cất cho ông, không thì thư viện họ đền cho chết. Me bảo ông chưa già mà
quên trước quên sau.
Tôi ngồi mãi bên
bình trà, thấy mình già đi cả hai chục tuổi. Hơn nữa đó là chỗ ông bà ngoại
Trâm thường ngồi mỗi khi đến thăm chỗ làm ăn của cô con gái góa bụa. Hôm ấy
sáng chủ nhật nên quang cảnh yên lặng; sinh viên đi ciné hoặc ở rạp xập xệ Đại
Đồng cách trường chừng ba trăm mét hoặc đi xe buýt về Saigon vào Rex ngồi rồi
qua café Chùa (La Pagode).
Bên ngoài là ba khối
nhà hộp diêm riêng rẻ không ăn nhập vào nhau ngoại trừ sự liên lạc rất nhỏ nhoi
là các sợi dây điện từ góc nầy qua góc kia. Khoảng trống ấy dành cho một thứ nắng
yếu ớt nhưng không đủ để nêm vào các khe hở của ngoại cảnh. Đó cũng là kẽ hở giữa
tôi và trường, không thể lấp kín bằng những bài học khô khan của môn khoa học
quản trị kèm với các bài đầy tính cách tuyên truyền hơn là phân tích ở cấp đại
học.
Tôi thèm khát cái
vĩa hè sách cũ. Tiếng vọng ấy làm tôi bị ray rứt khi đang ngồi trong câu lạc bộ
với bóng dáng Trâm qua lại, gần cũng không gần, xa cũng không xa. Tôi nghĩ phải
có quyết định là ngồi tiếp ở đây hay ra đường. Tôi sờ trong túi và biết mình có
hai đồng.
Với hai đồng đó
tôi sẽ huy hoàng vô cùng. Trong đầu tôi, nhanh như chớp, tôi phân tích ngân
sách như người ta dạy tôi phân phối ngân sách quốc gia, ngân sách từng cơ quan.
Một đồng rưởi sách cũ, năm mươi xu bốn điếu Bastos xanh rồi nằn nì xin thêm
trái cốc xanh nhỏ xíu.
Con đường Cao Thắng
nghi ngút hương khói như lăng Ông Bà Chiểu. Đó là những cây nhang to bằng ngón
tay út để mồi thuốc lá, chỉ có khói mà không dấu vết trầm hương. Những miếng thịt
luộc, những sợi lòng heo hay lá gan móc ở xe hàng cháo rung động nhè nhẹ mỗi
khi xe chạy qua. Cái xô bồ ấy nó cũng êm ả, nó cũng ăn nhịp với mớ sách vĩa hè.
Nó cũng ngọt ngào với chén chè hay chuối xào dừa v.v...
Và chắc chắn nó cũng
êm dịu ngọt ngào như cái câu lạc bộ với chén trà ở cạnh Trâm tuy về vật thể và
tiếng động khác nhau. Đó là một quyết định khó làm vào một buổi sáng không đặc
biệt trong chuổi ngày sinh viên.
***
Những điều tôi viết
trên đây nhằm nói rằng ngay lúc ấy cộng đồng nho nhỏ gồm có thầy trò và ngôi
trường có thêm những yếu tố ngoại vi nhưng sau nầy cái ngoại vi ấy đã thành nội
vi của những ai đưa mắt về ngôi trường cũ với cảm quan và kỷ niệm riêng. Như sẽ
nói sau, Trâm đã vào tập thể ấy không qua thẻ sinh viên mà qua một tờ hôn thú với
một người bạn cùng trường của tôi.
Giữa định mốc là
chén trà nói trên và đám cưới ấy, cuộc đời sinh viên của tôi hoàn toàn khác biệt
với lối sống chung của anh em trên mọi khía cạnh. Tôi ít ở lại trường và từ đó
ít khi đến câu lạc bộ và dường như chẳng để ý đến con người tên Trâm. Duy chỉ một
lần hết sức tình cờ tôi đến nhà Trâm vào dịp Giáng Sinh 1964. Nhà Trâm ở vùng
Trương Minh Giảng gần nhà thờ Ba Chuông, trong xóm đạo của người Bắc di cư
1954.
Trương Minh Giảng Saigon 1971
Tôi không phải đạo
Chúa nên được cho ăn sớm vì cả nhà phải chờ đến lễ canh thức mới tận hưởng các
món ăn vào dịp nầy. Cả gia đình tiếp đón tôi và cho tôi cái không khí thân mật
thiết yếu. Với trí óc lãng tử và mơ mộng, tôi nghĩ mình như dừng chân một đêm
Giao Thừa mà Thế Lữ đã tả trong bài thơ làm phụ bản cho cuốn Đôi Bạn của
Nhất Linh. Cái bềnh bồng ấy khiến tôi không ở lại đây lâu mà đi lang thang khắp
ngõ để nhìn đèn màu trong các máng cỏ. Lúc ấy lòng tôi cũng đầy cảm thức nguyện
cầu chung với sự nguyện cầu của người Ky tô giáo.
Bẳng đi một năm
tôi trở lại trường hay đúng hơn là trở lại ký túc xá và có thể nói là bỏ học chứ
không phải trốn học nữa. Tôi ở lại lớp vì một lý do đặc biệt. Và theo qui chế
nhà trường, năm ấy tôi không có học bỗng. Mẹ Trâm biết điều đó nên bảo tôi cứ
ăn cơm ở câu lạc bộ chừng nào ra làm quan rồi trả sau. Để tránh cho tôi mặc cảm
thiếu nợ và vì thiện tâm, bà dọn cho tôi những bữa ăn tươm tất hơn thường lệ và
hỏi thăm tôi hằng ngày nhiều hơn. Tôi thấy yên ổn về mặt nầy và cố theo đuổi tờ
báo của sinh viên.
Năm ấy tôi thấy
mình xa đời nhất nếu không muốn nói là cố làm ông già non. Vì lý do thời cuộc,
tôi rất chán nản. Tôi cũng không để ý đến Trâm. Tôi nhớ chỉ có một lần tặng
Trâm tấm ảnh mua ở xứ khác tháng tám 1964.
Ra trường cả sáu
tháng tôi mới trở lại gặp mẹ Trâm để thanh toán các món nợ; vì trục trặc giấy tờ,
lương bỗng lèn èn như vậy. Đó là lần cuối tôi gặp gia đình Trâm. Và sau đó ít
lâu tôi được tin Trâm về làm dâu trường nầy, nói khác đã thành bà Thọ phu nhân
của một đấng ra trường sau tôi một năm.
***
Mãi cho đến khi đi
tù tập trung về, cũng rất tình cờ như dạo trước, tôi đi bộ qua khu Trương Minh
Giảng. Nhà Trâm năm xưa nay treo cờ hồng thập tự. Ôi thôi nhà đã bị tịch thu;
nghĩa là gia đình đã di tản 75 hay vượt biên về sau. Nhưng tôi vẫn mom mem đến
hỏi. May quá, phần sau của tòa nhà vẫn còn và do anh của Trâm ở.
Nhờ đó tôi biết mẹ
Trâm đã chết; ông bà ngoại còn sống và hiện ở Vũng Tàu vui với một vườn ổi
trong sự đau buồn vì đã mất người con gái góa bụa và cậu con trai vẫn còn trong
tù lúc ấy đã sáu năm. Có lẽ nhờ vị trí gần biển họ đã đưa một trong hai vợ chồng
Thọ Trâm vượt biên và lúc tôi đến thăm, một người còn ở Vũng Tàu chờ đi. Tôi
không nhớ ai đi trước, vợ hay chồng. Đến Mỹ, tôi nghe nói gia đình nầy ở
Houston, Texas.
Hai năm sau tôi gặp
một mình Thọ ở Cali trong một buổi họp mặt cựu học sinh Quốc Học Đồng Khánh. Thọ
cho tôi số điện thoại viết trên khăn giấy. Tôi chưa bao giờ gọi. Hai tháng sau
tôi nghe tin Trâm chết trong một tai nạn lưu thông cũng ở Cali. Và tôi đọc tin
Trâm chết trên tờ tin tức của trường.
***
Tôi xếp tờ tin tức
để lên ngực, nằm dài như một người đang chết tay mỏi nhừ vì một cuốn sách đang
đọc với những dòng thơ trường hải, như của Dante, của Nguyễn Du... những ngày nằm
dài trong ký túc xá với những ước vọng vỡ tan.
Câu chuyện về Trâm
như trên chỉ có thế thôi, không có gì đáng nói, không có gì phải ghi. Mỗi tích
tắc trên quả đất có bao người chết vì muôn ngàn lý do: nào đói khổ ở Phi Châu,
nào ngã gục trong tù Việt Nam, bom đạn khắp nơi ... Cũng trong tích tắc ấy bao
đứa trẻ mới sinh có đủ màu da đen trắng vàng từ những cặp vợ chồng có đầu óc
nhuộm đỏ, từ những bà mẹ ngây thơ, từ những thiếu phụ bị hảm hiếp ... Trong
dòng sinh thành và hủy diệt ấy có cái chết của Trâm. Có thế thôi. Nhưng sao tin
ấy nó làm tôi đau đớn sâu xa, sâu xa vô cùng. Có lẽ tôi đã nhấn chìm nó trong
tiềm thức từ khi nghe tin Trâm chết hơn tháng nay. Niềm đau ấy đã được nuôi dưỡng
ở đáy sâu vực thẳm, bây giờ như cọp sổ chuồng nhảy ra cấu xé mảnh lòng tôi.
Lúc ấy trong tôi mọi
sự đều không đi theo đường thẳng, chỉ có đường cong, đường vòng. Những đồ vật
trong kho lẫm trí tưởng đều liên hệ với nhau cho dù không ở trong một cấu trúc
thống nhất như các ngôi nhà trường tôi và câu lạc bộ đứng riêng rẻ nối nhau bằng
những sợi dây điện.
Một đoạn trong
truyện ngắn Les Etoiles (Những Vì Sao) của Alphonse Daudet sống lại như
sau: Ở vùng Alpe mùa khô phải đem cừu đi ăn trên núi cao. Chàng chăn cừu chỉ có
liên lạc với thế giới bên ngoài bằng hai lần tiếp tế mỗi tháng. Hôm ấy sao người
con gái chủ trại làm công việc nầy. Nàng về rồi trở lại vì mưa lũ ngập lối đi,
phải ở lại qua đêm nơi hoang dã ấy cùng núi rừng, sương, sao và đàn cừu. Một
ngôi sao băng vẹt sáng bầu trời. Chàng chăn cừu nói với người con gái: "một
linh hồn vừa chợp tắt, em hãy cầu nguyện cho linh hồn ấy".
Tôi vẫn nhắm mắt.
Một vệt sáng chạy qua đầu rồi tắt hẳn. Như người con gái ấy, tôi cầu nguyện cho
linh hồn kia, linh hồn của Trâm.
Không biết chuyện
gì xẩy ra bên đó, bên đó là bên kia cuộc sống của chúng ta; và không biết cái
bên đó có hay không. Nhưng Trâm chết; cái tin ấy cho tôi thấy thêm cái mong
manh của cuộc đời. Cái mong manh đó con người đã thấy tự ngàn xưa; chúng ta đã
được dạy những điều đó trong thơ văn vào lúc tuổi trẻ đang lên nắm chắc sự sống
trong tay. Tri thức ấy đem lại cho thời niên thiếu ý niệm mong manh của tình
yêu, tan hợp ngày hè, chuyển trường, lên lớp... Càng lớn tuổi, con người nhận
chân và cảm nghiệm sự mong manh ấy chính là cuộc đời mà cao điểm là cái chết.
Chắc chắn tôi
không thể đem điều nầy làm một lối dụ dỗ người ta mua bảo hiểm nhân thọ, tuy rằng
đây không phải là nghề của tôi.
Chuyện của Trâm chỉ
có thế. Nhưng sao nó làm cho tôi dật dờ như sờ được cái chết trong tay. Tôi
không thể viết tiếp. Lục lọi mấy bản thảo như một khí giới chống lại các đường
thương của ma quái, tôi gặp một đoạn viết chồng trên một truyện ngắn khi gởi tặng
một người quen, còn giữ phóng ảnh. Xin trích để gỡ thế bí nầy:
Cho đến nay tôi
chưa bao giờ chứng kiến giây phút cuối cùng của một đời người từ sống qua chết;
tôi chưa thấy ai chết trận; tôi chưa bao giờ đi xem xử bắn. Tôi chỉ thấy các
xác chết đã lạnh, những quan tài phủ cờ trên vùng đất nghèo gió cát Do Linh Quảng
Trị, chết vô thừa nhận, chết vì thanh toán trên lề đường ... Nhưng cái chết cứ
ám ảnh tôi, tuy không ai khỏi chết dù là Khổng Tử, dù là Albert Einstein, dù là
Beethoven.
Cái gì cho cái chết
một ý nghĩa nó cũng cho cái sống một ý nghĩa. Cái chết tự tử vì tình cho thấy đời
nạn nhân là một cuộc tình. Cái chết của Nguyễn Tri Phương cho thấy tấm lòng đầy
đủ với quê hương. Trương Chi mang xuống tuyền đài khối tình trong suốt thủy
tinh. Cái chết thành đá của thiếu phụ trên núi là ý nghĩa của chờ mong. Và muôn
ngàn cái chết khác trong tăm tối trong quang vinh.
Khi đọc lại phần
viết trên, tôi thấy bối rối vô cùng. Thay vì gỡ bí cho cây viết, nó đặt cái chết
của Trâm vào một khung cảnh đa dạng mà con người có thể tưởng tượng để thấy
quang cảnh bên kia sự sống. Tôi không muốn cho ý tưởng chạy mãi, lạc mãi vào thế
giới không hình tượng ấy. Tôi muốn đem tôi về với cái tin Trâm chết.
Nhìn lại cuộc đời
lưu lạc của chính mình, tôi thấy cái chết của Trâm như xa hơn trong thời gian,
không gian và tâm cảm. Chữ lưu lạc trên đây vừa nằm trong ý nghĩa vật thể
tức là sống trên xứ người ta, vừa có nghĩa là đi mãi trong vùng những khát vọng
vĩnh cửu không vời đến được.
Trong trạng huống ấy,
tôi thèm muốn ngồi yên một thoáng ban mai bên mẹ Trâm, có Trâm qua lại xa xa gần
gần, nhìn ánh nắng quện quanh những hạt sương đọng trên cỏ non mà quên đi cái
hình thù cục mịch đầy góc cạnh của những khối nhà ở trường cũ.
Từ cái chết của
Trâm, tôi nghe rõ tiếng mưa rào rào không có nước đổ, cái mưa đánh vào cửa kính
từ họng xe cyclo máy. Tôi sờ được cành cây khô đem cắm trong cái bình vỡ mà đón
giao thừa trong ký túc xá. Tôi sờ được những cuốn sách không người đọc nằm miết
trong thư viện.
Từ những thứ đó,
tôi không còn thấy cái chết của Trâm. Cái nắng ban mai ấy, cái mưa rào không nước
ấy, cành cây khô ấy ...là những thứ bảo hiểm nhân thọ cho Trâm trong nghĩa bảo
vệ cho chính sự sống trường cửu, không dính líu gì cái bảo hiểm mua bán hằng
ngày.
Tôi đã tìm gặp một
thứ bảo hiểm nhân thọ đời đời cho Trâm. Tôi không thấy Trâm chết, Trâm ơi!----San Diego 11-1985