-----------
Tướng Nguyễn Khoa Nam và tôi
Dương Diên Nghị
Tướng Nguyễn Khoa Nam nhận chức Tư Lệnh Quân Đoàn IV-Quân Khu 4 vào một ngày nắng đẹp tháng 11 năm 1974. Trước đó không lâu, tôi cũng được đề cử kiêm nhiệm chức Tham Mưu Phó Chiến Tranh Chính Trị, tạm thay Đại Tá Đỗ Văn Sáu theo học khóa Chỉ Huy và Tham Mưu tại căn cứ Long Bình-Biên Hòa.
Sau lể bàn giao giữa nguyên và tân Tư Lệnh trước vũ
đình trường Quân Đoàn là buổi tiếp tân trọng thể tại Câu Lạc Bộ Sĩ quan Cửu
Long. Hơn 500 quan khách hiện diện, đông đủ quý vị Tướng Sư Đoàn 7, 9, 21,
Không Quân, Hải Quân, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng, đơn vị trưởng các cấp
quân trấn Cần Thơ, thân hào, nhân sĩ, trí thức và đại diện các hội đoàn địa
phương.
Nhìn thấy nhân viên quay phim, chụp hình đang hướng ống kính về phía ông, ông quay qua tôi dặn đừng nhắm về phía ông nhiều và nhớ cũng đừng tặng hoa. Tôi vâng dạ, đã hiểu ý, bởi đã từng nghe giai thoại về ông, một tướng lãnh bình dị, khiêm tốn, nên những hình thức phô trương vốn xa lạ đối với ông.
Nhìn thấy nhân viên quay phim, chụp hình đang hướng ống kính về phía ông, ông quay qua tôi dặn đừng nhắm về phía ông nhiều và nhớ cũng đừng tặng hoa. Tôi vâng dạ, đã hiểu ý, bởi đã từng nghe giai thoại về ông, một tướng lãnh bình dị, khiêm tốn, nên những hình thức phô trương vốn xa lạ đối với ông.
Buổi tiếp tân chấm dứt, Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, nguyên
Tư Lệnh lên trực thăng về Sài Gòn, ông trở lại văn phòng, và 7 giờ chiều hôm
đó, tôi nhận được cú điện thoại của Trung Úy Danh, sĩ quan tùy viên Tư Lệnh, mời
tôi đến gặp ông. Khi tôi đến, ông đang đứng trên bậc thềm chờ. Tôi chào ông.
Ông lên xe, tôi và Danh ngồi ghế đối lưng ông và tài xế, xe jeep cuốn bạt phía
sau, bảng sao che kín. Xe hộ tống chạy theo.
Đường phố Cần Thơ đã lên đèn; xe, người tấp nập, xuôi
ngược. Khoảng mười phút, xe rẽ vào Quân Y Viện Phan Thanh Giản, giữa trung tâm
thành phố. Người hạ sĩ quan trực chạy ra. Xe dừng, tôi nhanh chân bước xuống
cho hay xe của Tướng Tư Lệnh. Viên hạ sĩ quan vội vàng mở cổng, đứng nghiêm
chào.
Ông vào phòng thương bệnh binh đang điều trị, đến từng
giường thăm hỏi từng người, ân cần, dịu dàng. Thấy mỗi giường có 2 thương bệnh
binh, ngoài hành lang, thân nhân thăm nuôi, nằm ngồi ngổn ngang, ông nói: “đông
đúc, chật chội quá, làm sao đây!” Tôi ghi nhận và trình sẽ chuyển lời đến Trung
Tá Bác Sĩ Hoàng Như Tùng, Chỉ Huy Trưởng Quân Y Viện. Qua một phòng khác, một
thương binh trẻ trong bộ quân phục nhàu nát, cấp chuẩn úy, hai mắt mờ đục, nhận
ra tiếng ông, anh ngồi bật dậy, sờ nắm tay ông, rưng rưng dòng lệ. Ông cầm tay
người bệnh, nghẹn ngào, xúc động. Gian phòng trải qua phút giây im lặng, lắng đọng
dòng đồng cảm xẻ chia nghĩa tình huynh đệ chi binh.
Không phải lần đầu
tiên tôi được gần ông, ít nhất cũng đã vài lần khi ông còn là Tư Lệnh Sư Đoàn 7
Bộ Binh. Dạo đó, khoảng tháng 8 năm 1974, nhân đại hội lượng giá kết quả kế hoạch
“Kiện toàn và cải tiến lực lượng Địa Phương Quân, Nghĩa Quân thuộc Quân Khu 4”,
Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi thường chọn căn cứ Đồng Tâm, nơi đồn trú của Sư Đoàn 7,
làm địa điểm tập trung hội thảo, học tập. Tại đây, hội trường rộng lớn, tiện
nghi, đủ điều kiện cần thiết cho thành phần tham dự. Ngoài cấp tiểu đoàn trưởng,
đại đội trưởng, lực lượng diện địa, còn có sinh viên sĩ quan thuộc 3 quân trường:
Đại học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt, Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt và Bộ Binh Thủ Đức
được Bộ Tổng Tham Mưu chấp thuận cho Quân Khu 4 sử dụng, thực hiện công tác.
Sinh viên sĩ quan 3 quân trường đến các đơn vị cấp Tiểu Đoàn, Đại Đội, Chi Khu,
cùng sinh hoạt với đơn vị theo tinh thần kế hoạch đã đề ra.
Một buổi sáng chờ đón Tướng Trần Bá Di, Tư Lệnh Phó
Quân Đoàn-Quân Khu 4 đến chủ tọa, đứng giữa sân bay Đồng Tâm, ông hỏi tôi nhận
xét thế nào kế hoạch quan trọng này; ông muốn biết cụ thể và thực chất. Tôi
cũng thành thật trình bày khách quan vắn tắt một số ưu khuyết điểm nhưng cũng
thưa rằng - làm thế nào duy trì, củng cố thành quả khi những đoàn sinh viên sĩ
quan trẻ tuổi, hăng hái trở về trường. Ông tỏ vẻ nghĩ ngợi, chậm rãi hỏi tôi
kế hoạch phát triển như vậy có muộn lắm không. Tôi cũng mạo muội đáp “Nếu thực hiện được trước Hiệp Định Ba Lê, có lẽ còn tốt
hơn.”
Khi ông về nhậm chức Tư Lệnh Quân Đoàn IV-Quân Khu 4,
tôi được tháp tùng ông nhiều lần, nhận trực tiếp nhiều chỉ thị, nhiều gợi ý thiết
thực mà tôi hằng ghi nhớ, như những kinh nghiệm quí trong lĩnh vực tâm lý chính
trị quân đội.
Ông nói: “Chiến Tranh Chính Trị không phải nói nhiều,
phải làm, làm những việc cụ thể liên quan đến đời sống, tinh thần binh sĩ cũng
như gia đình họ.” Thời điểm suy thoái kinh tế đầu năm 1975, ông muốn tôi vạch một
kế hoạch kiểm kê, thăm dò, đến các trại gia binh, nắm tình hình sinh hoạt tại
đây, xem có bao nhiêu gia đình đủ ăn, bao nhiêu gia đình nghèo, thiếu thốn. Con
em binh sĩ, tỷ lệ đến trường học, số không được đến trường, bỏ học v.v.. Ông
còn căn dặn, chú ý viếng thăm thương bệnh binh tại quân y viện, xem họ có thắc
mắc, nguyện vọng thế nào. Quan hệ giữa họ và đơn vị cơ hữu, thân nhân - Cấp
Quân Đoàn có thể làm gì, giải quyết, giúp đỡ cho yêu cầu chung. Ông cũng nhiều
lần nhắc nhở nên có văn thư cho đơn vị trưởng các cấp, cố gắng giáo dục tốt,
thuyết phục, cảm hóa những khiếm khuyết lỡ lầm của thuộc cấp, nhất là các thành
phần trẻ, hơn là trừng phạt cứng rắn.
Hình ảnh người lính xông pha trận mạc, thân nhân, con
em họ, canh cánh bên lòng ông, bắt nguồn từ đức tính nhân hậu, nhân ái, đường
hướng giáo dục đạo đức, lễ trị, lấy cảm thông, chia xẻ, thân thiện làm phương
châm, qua đó, coi ông như là một vị gia trưởng trong đại gia đình Quân Đội đầy
trách nhiệm, đồng thời cũng là điểm tựa tin cậy cho đồng đội và gia đình.
Trước hoàn cảnh phức tạp, ông thể hiện ngay thẳng,
thanh bạch. Ông đắn đo, cân nhắc khi quyết định, cố tránh sơ suất, sai lầm. Có
khá nhiều đơn từ của hội đoàn, tôn giáo gởi đến, xin yểm trợ phương tiện, vật
liệu tu bổ, sửa sang trụ sở Phật đường, Thánh đường v.v... Tôi đệ trình lên, và
ít khi ông cho quyết định - Tôi ngầm hiểu - Ông muốn dành cho Tham Mưu hội ý,
trình lên vị Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn-Quân Khu cùng chọn phương thế giải quyết.
Thư của thân nhân, bằng hữu xin giúp đỡ, ân huệ, ưu tiên cũng được trả về cho
phần hành Chiến Tranh Chính Trị chỉ với bút phê “đã xem” - rõ ràng minh bạch.
Nếu mẫu mực cần kiệm liêm chính, chí công vô tư từ
ngàn xưa đến nay là lý tưởng, giá trị cao cả của người lãnh đạo, là tấm gương
chiếu sáng ba chiều, thì Tướng Nguyễn Khoa Nam chính là người đại diện trung thực nhất cho tinh thần ấy.
Một chiều Chủ Nhật tháng 2 năm 1975, tôi tháp tùng ông
bay đến tỉnh Vĩnh Bình, không báo trước chương trình và giờ đi giờ đến. Trực
thăng hướng phía biển, khi còn mười lăm phút vòng trên không phận Tiểu Khu mới
nhận lệnh, kịp đánh dấu bãi đáp cho trực thăng. Vào dinh Tỉnh Trưởng, qua ít
phút trao đổi tình hình với Trung Tá Sơn, Tỉnh Trưởng, ông yêu cầu gặp sĩ quan
Quân Số và Tài Chánh của Tiểu Khu. Mãi hơn nửa giờ sau, hai sĩ quan đến trình
diện, mang đủ tài liệu và hồ sơ. Ông hỏi sĩ quan Quân Số rằng có nhớ, nắm được
quân số các đơn vị Địa Phương Quân không. Thái độ lúng túng của sĩ quan phần
hành thể hiện tính cách thiếu sâu sắc, chắc chắn, rồi ông quay sang sĩ quan Tài
Chánh, ông hỏi có bao nhiêu trường hợp binh sĩ nhận lương tháng trễ, bao nhiêu
vụ phàn nàn, khiếu nại về lương bỗng; có giải quyết kịp thời, ổn thỏa không.
Ông muốn đến tận nơi, gặp trực tiếp phần hành, quan sát, tìm hiểu cho biết sự
tình là vậy.
Đã hơn 4 giờ, trên đường về, ông cho lệnh đáp xuống giữa
đồng ruộng khô, trước cổng Trung Tâm Huấn Luyện Sư Đoàn 9 Bộ Binh, vùng Cái Vồn,
bên bờ sông Hậu. Vì chiều Chúa Nhật, lại bất ngờ nên chẳng có giới chức nào tiếp
đón. Ông và chúng tôi đi bộ vào doanh trại, ông hỏi nhà bếp nằm đâu. Một hạ sĩ
quan trực hướng dẫn vào. Đang giờ cơm chiều của binh sĩ, ông khựng lại giữa
gian phòng oi nồng, ánh nắng luồn qua cửa, lấp lánh đàn ruồi sà xuống những
thau cơm hẩm, những dĩa cá kho, và ngay trên đầu trọc lóc của một vài binh sĩ
đang lầm lì, tiếp tục ăn, mồ hôi nhễ nhại.không khí ngột ngạt. Ông cầm đôi đũa,
chấm cá kho, nếm thử mặn nhạt, tôi cũng theo ông nếm thử. Ông bước tận sau bếp
quan sát, lúc đó vị Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm vừa đến, nghiêm chỉnh chào ông ...
cùng đi quanh một vòng doanh trại và trở về Cần Thơ.
Mấy hôm sau, ông nhắc lại chiều Chúa Nhật đi thăm hai
địa điểm trê, nỗi băn khoăn thoáng hiện qua lời, lòng tôi cũng chùng đọng,
đối diện ông lúc đó, ông mang vẻ trầm mặc của nghệ sĩ sáng hơn là một vị tướng
lãnh cầm quân. Dù ông là nhà quân sự trưởng thành trong cuộc chiến, nhưng đối với
tôi, tôi nhìn ông từ khía cạnh văn hóa, nếp sống, suy nghĩ, nhận
định trầm tĩnh, sáng suốt về tình trạng xã hội và chính trị.
Dư luận cho rằng ông là một tướng lãnh cô
đơn. Thật vậy, ông cô đơn vì ông đã quên mình, bỏ mọi tư riêng, sẵn sàng cống
hiến cho đại cuộc. Ông ít nói, giản dị, tận tụy với công việc, bảy giờ sáng có
mặt tại văn phòng và ít khi rời văn phòng trước bảy giờ tối. Ngày cuối tuần
dùng trực thăng đến các tiền đồn, đơn vị xa.
Thái độ, cá tính ông đã cho tôi ấn tượng sâu đậm
khó phai. Ông hoài vọng hòa bình. Ông được trao sứ mạng bảo vệ miền Châu Thổ
trong giai đoạn khó khăn nhất. Ông mong cho quân dân miền Nam đạt được
hòa bình, yên vui trăm họ, nhưng “hòa bình” định mệnh có chăng cũng lênh láng
nước mắt, tan tác, chia lìa.
Cho tới phút cuối cùng của cuộc chiến, trước đông đủ
đơn vị trưởng các cấp, ông vẫn yêu cầu cố gắng giúp đỡ binh sĩ thuộc cấp và gia
đình họ. Chiều 30-4-75, ông còn đến Quân Y Viện với thương bệnh binh.
Sáng 1-5-75, khi đứng trong hàng chờ đợi nhận tấm giấy
tùy thân đổi đời, Trung Úy Lê Ngọc Danh đến nói nhỏ vào tai tôi "Ông tuẫn tiết
rồi", với giọng xót thương ray rứt. Bàng hoàng giữa ngổn ngang trăm mối, tôi
lén ra khỏi hàng, đi vội đến nài nỉ người phụ nữ gác cổng tư dinh để được vào
thăm viếng. Tôi không cầm giữ nổi cảm giác mất mát lớn lao trước thi thể của
người Anh, người Thầy trung can, nghĩa khí, mà ngàn xưa hào kiệt đã vinh danh
“Phận làm tướng - Còn mất với thành”.
Dọc đường Nguyễn Trãi trở lại bản doanh Bộ Tư Lệnh; hàng phượng hai bên đại lộ Hòa Bình thẩm sắc hoa đầu mùa. Con đường, doanh trại,
hoa lá, cỏ cây quen thuộc, gắn bó dường bao, mỗi ngày qua lại, giờ khoác vẻ bơ
vơ, lạc loài. Và tôi, tôi cũng ngỡ ngàng, lạc lõng!
Tác giả Dương
Diên
Nghị là cựu Trung Tá Trưởng
Phòng Chính Huấn
kiêm Tham Mưu
Phó
CTCT/QĐ IV-QK4, 1975.
No comments:
Post a Comment