add this

Sunday, February 26, 2017

ước mơ, quằn quại

Nguyn Minh Khiêm
tiếng cừu trưa ninh thuận

Hầm hập một vùng gió nắng lân tinh
Cát nối cát chập chùng rợp bỏng
Xương rồng cháy, cỏ không một cọng
Thất thanh tiếng cừu ẹ ẹ, e e!

Tiếng cừu kêu như xé nắng gọi mưa
Như xé đất khóc tìm ngọn cỏ
Bốn phía xối một màu nắng lửa
Chỉ cát rì rào như cát đang sôi.

Cát rì rào như cát đang trôi
Cát rì rào như cát đang nóng chảy
Cát rì rào như cát đang hừng cháy
Thất thanh tiếng cừu ẹ ẹ, e e!

Chốc chốc xoáy lên mây cát mịt mù
Vây bọc bầy cừu như chôn vùi xóa sổ
Từng đốm lông cừu lại hiện trong bụi đỏ
Lại vọng tiếng cừu ẹ ẹ, e e!

Về sâu trong thành phố vẫn còn nghe
Tiếng cừu kêu như câu liêm móc ruột
Tiếng cừu kêu như tuốt vào cật nứa
Xô đổ những lầu cao ẹ ẹ, e e!

Mấy nghìn cây số rồi vẫn còn nghe
Ẹ ẹ, e e! hơn tiếng còi tàu rú.
Trong giấc mơ tôi thấy mình hóa cỏ
Ngút ngát xanh dưới chân cừu.-




Tôn Tht Tu
nóng bỏng bakerfield, calif.

Em xuất hiện trong hỗn mang tư tưởng
ở trong anh dồn dập những ưu lo
những suy tư xuyên ngang lịch sử
những ước mơ kinh hải mộng bình thường
những ê chề, những nét đứt từng khúc ruột
những nụ cười nửa miệng kín bi thương.

Trước mắt anh hoang sơ trải rộng
đất không cây cỏ nhú chết trước giờ
hơi gió thoảng hồn ma vất vưởng
tiếc thương cho mấy phút vắn trơn.

Trong lòng anh hoang sơ quằn quại
những mỹ miều không che hết môi thâm
những tiếng kêu nằm sau cơn mê dại
chuổi hoài niệm quấn thắt đường sinh tử.

Hãy nhìn anh con người ngạo nghễ
qua đại dương như chèo ghe lạch nhỏ
xem trăng sao không bằng nút áo
dám băng ngang những vùng khúc xạ
đạp lên đầu những ảo giác lung linh.

Nhưng sợ hãi trong nụ cười có thật
tiếng đơn sơ em xóa tan vùng sa mạc
không ảo giác nhưng, kìa, lung linh em mắt ngọc.
Anh xin em làm chứng với mặt trời.

Xin làm chứng với Thái Dương Thần Nữ
cõi lòng nầy đau xót thật, không ngoa
nhưng rên xiết kêu la đều hèn yếu.(*)
Anh bặm môi, em đừng làm anh bật khóc.-

*gémir, pleurer, prier est égalemt lache, Alfred de Vigny 







Saturday, February 18, 2017

rượu đào tay tiên




Art Painting on canvas
rươu đắng, tranh Dégas
chén rượu đào
đoàn xuân thu

Thưa: sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư- Lớp Sơ Đẳng do Việt Nam Tiểu Học Tùng Thư xuất bản cách đây trên nửa thế kỷ có tả người say rượu như sau:
“Các anh hãy trông người kia đi ngoài đường. Mặt đỏ gay, mắt lờ đờ, quần áo xốc xếch, chân đi xiêu bên nọ, vẹo bên kia, múa chân múa tay, mồm nói lảm nhảm. Lũ trẻ đi theo sau, reo cười chế nhạo. Thỉnh thoảng anh ta lại đứng lại, nói những chuyện gì ở đâu đâu. Người qua lại ai trông thấy cũng phải tránh xa.
Người ấy vừa ở hàng rượu ra. Chỉ tham mấy chén rượu mà thành ra say sưa, mất cả tư cách con người, có khi như con vật vậy, thật là đáng khinh bỉ.
Hỡi các anh, các anh đã trông thấy người say rượu như thế, thì nên lấy đó làm gương mà giữ mình.”

Thưa bà con! Ông bà mình dạy thì quá trúng rồi! Đừng có nhậu! Nhưng lỡ sanh vào một thời giày xô áo trận [botte de saut, treillis] sống nay chết mai nên đôi khi tui cũng có nhậu lai rai… cùng chiến hữu.

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi.
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi?”
(Rượu Bồ đào, cất từ quả nho, rất ngon, chứa trong chén bằng ngọc Dạ quang, rất quý. Đang muốn uống thì tiếng đàn tỳ bà đã giục, phải lên lưng ngựa để ra đi/ Say nằm giữa bãi cát, mong người đừng cười, đừng chê trách/ Từ xưa đến nay, người đi chinh chiến có mấy ai trở về!)

Mãi sau này qua tới đây làm cu li, cày suốt, tuần nghỉ hai ngày. Một ngày chở vợ đi chợ còn một ngày lén vợ đi bù khú cùng chiến hữu cho vui…
Dân Việt mình mới qua nghèo lo mần ăn nên đâm ra tốt, ít nhậu! Còn dân Úc, sống đã lâu, tiền bạc phẻ re nên có đứa nhậu quên tên quên tuổi, quên cả đường về nên mới có câu chuyện của một Aussie (Úc) như vầy:
“Cảnh sát tuần tra chận y lại thổi rượu. Trình bằng lái xe. Giữa chừng phía bên kia đường có tai nạn xe cộ! Viên cảnh sát bỏ dở giữa chừng lo cấp cứu nạn nhân.
“Hơi sức đâu mà chờ chớ!” Xỉn quá, bèn lái xe về nhà ngủ.
Sáng Chủ Nhựt, mới vừa thứ dậy, có hai thầy đội đến gỏ cửa, hỏi: “Tối qua ông bị cảnh sát chận lại thổi rượu phải không?” “Phải chính tôi!”
“Rồi ông lái xe về nhà phải không?” “Đúng vậy!”
Ông cho chúng tôi xem chiếc xe được không?” “Được chớ!”
Ông Lưu Linh này mở cửa nhà chứa xe. Và kỳ diệu thay chiếc xe của cảnh sát tuần tra nằm chần vần trong đó!”

Rồi ở Việt Nam có ông anh này không xài nhầm xe của cảnh sát mà nhém chút nữa ổng xài nhầm “đồ” của người ta.
Ông bạn nhậu này sau một chầu bí tỉ bèn lết về nhà. Say quá mà nên leo đại lên giường quánh cho mầy một giấc mà không để ý: “Ủa bữa nay hình như em yêu hơi sổ sữa? Ối kệ nó mà! Rượu đưa con buồn ngủ lên bờ. Mùng ai có trống cho “qua” ngủ nhờ một đêm. Chuyện đâu có gì lớn hè?”
Vậy mà sáng bửng, còn mơ màng giấc điệp bỗng nhe tiếng la bài hãi, bị gọi giựt dậy. Chưa kịp đưa tay lên dụi mắt thì đã bị ăn một đạp, lăn xuống đất.
Con sư tử Hà Đông tức con vợ nhà làm dữ mặc bà con lối xóm chạy tới xem.
Em “single mum” nói: “Tối qua, mệt nên em đi ngủ sớm, khi tỉnh giấc thì thấy thằng chả nằm ngáy kho kho trên giường. Quá hốt hoảng nên em hô hoán lên.
Chớ  “giả” say quắc cần câu rồi thì còn cần câu nào mà đi câu cá.”
Vậy mà con Sư tử Hà Đông nghe không lọt lỗ tai, kết tội “tui” là cái ruộng đó hoang hóa lâu ngày chẳng qua ông mượn rượu để làm nư. Có sẵn không xài mà đi mượn đỡ của ai đâu. Thiệt là nhục…
“Tui thì không thấy nhục gì hết ráo. Bụng làm dạ chịu tui không đổ thừa ai. Nhân vô thập toàn. Trong đời ai không (cố ý) một lần làm trật…!”

Thưa bà con ông này quả là một chánh nhân quân tử. Mình nhậu mình chịu chớ đâu có nhậu đã rồi còn đi thưa tại thiên hạ là chuốc rượu cho tui xỉn.
Chẳng qua có một ông Mỹ ở Dallas, Texas nhậu suốt 8 tiếng đồng hồ, say hết biết, vác xe chạy về nhà, đụng vô giải phân cách trên xa lộ, bị thương nặng.
Ông đi thưa tiệm rượu, đòi bồi thường một triệu đô la! (Nếu thắng kiện là mình có tiền nhậu tới tới).
Vì theo luật Texas, quán rượu không được phép để cho khách hàng của mình ngồi uống rượu tì tì tới 8 tiếng đồng hồ cả nên phải chịu trách nhiệm bồi thường chớ!

Hangover-Inducing Vaccines


Thưa bà con! Rượu là một chuyện dài đi theo nhân loại hoài mà chưa có hồi kết trừ phi thiên hạ chết hết…
Thời con người còn hái lượm, còn ăn lông ở lỗ là đã có rượu rồi. Chẳng qua trái cây nào có chứa đường, ăn thừa mứa dư dả, để lâu men trong không khí rơi vào chuyển hóa đường thành rượu.
Rồi mấy con khỉ đột, đười ươi uống, vô cùng khoan khoái, nhảy nhót chí chóe tưng bừng nên tổ tiên mình mới bắt chước đó chớ.
Chính vì vậy mà ngày nay trông mấy chàng say múa may như là khỉ vậy vì bắt nguồn từ độ ấy đó đa.
Cái gì cũng vậy! Thái quá là bất cập. Rượu uống ít thì vui! Nhiều quá là ghiền. Ghiền rượu trở thành bệnh lý không phải do vi trùng, vi khuẩn gì ráo mà do chính người bịnh tự gây ra.

Ghiền cần rượu như cần thức ăn, nước uống. Thèm rượu kinh khủng, phải uống vài ly cho đỡ nhớ. Nếu không  cảm thấy trong mình bực bội, khó chịu, ợ khan, đổ mồ hôi, cơ thể run rẩy, ngáp lên ngáp xuống như thầy bói lúc lên đồng.
Sáng ngồi kiểu nước lụt trên cái ghế đẩu, một tô xí quách và một xị đế. Con chó Bích La (tức ba lít) ngồi nhóng mỏ chờ cục xương.
Cầm cái ly hột mít quất nhẹ cái trót; húp miếng nước xúp có rắc hành lá và bỏ tiêu là mồ hôi tươm ra, hai tay nó hết run hè!
Thưa bà con, đến nông nỗi này chẳng qua hồi xưa mình cứ khoái chữ Nho
“Nam vô tửu như kỳ vô phong!”  Đứa nào không nhậu bạn bè chê là “đồ gà mái”!
Ly rượu đầu tiên trong đời nó đắng nghét chớ có ngon lành gì. Rồi làm một ly, từ từ lên một xị, rồi một lít… mới tới chỉ.

Người ta gọi á phiện là ma túy và rượu là ma men. Toàn là ma hết ráo.
Không uống thì bị mất ngủ, nếu chợp mắt được thì thấy toàn ác mộng, nhìn thấy toàn là hổ, báo, sư tử, quỷ dữ, quái vật, chuột cống, rắn độc, nhện độc, hay gián bò kín đất.
Tai thì nghe thấy la hét, nhạo báng, dọa nạt, buộc tội mình! Thấy như sâu bọ bò khắp người và có chỗ đau như bị chó cắn, xung quanh đều mờ mờ ảo ảo.
Quất vài ly tới một xị là mặt hồng hồng sáng trong trong tất cả các triệu chứng trên đều biến mất. Thiệt là thần dược. Thần dược có tên là: Sakê của Nhựt, Mao Đài của Tàu hay Whiskey của Tô Cách Lan hoặc Tequilla của Mexico, rượu đế của quê mình!
Năm dài chày tháng thì gan ruột, đồ lòng tiêu tùng ráo trọi. Tùm lum bịnh.
Ghiền rượu là một cách tự vận, chết từ từ nhưng chết chắc.
(Nếu chỉ uống đã rồi đi ngủ thì chết từ từ. Còn uống rượu như uống nước chanh đường phải “quậy”. Coi chừng chết bất đắc kỳ tử nhe tửu hữu!
Bởi quậy có hai trường họp. Một là đánh vợ hay là bị vợ đánh (thừa sống thiếu chết). Lôi thôi cò bót, phiền phức lắm!
Và nhứt là đừng có cho con cái mình trong nhà còn độ tuổi vị thành niên mà nhậu coi chừng có ngày bị lính bắt.
Chẳng qua người viết có anh bạn làm tài xế xe tải xuyên bang. Chạy xa nhà cả tuần, hay nửa tháng mới về. Cái nghề tài xế xe tải cấm rượu tuyệt đối nên chơi với ảnh toàn là uống cà phê.
Vậy mà tuần rồi nghe nói nhém chút nữa là ảnh (kể cả chỉ luôn) bị nhốt hết ráo cũng vì rượu rồi chớ.
Chẳng qua: “Một là những lúc ngà ngà. Hai là những lúc đi xa mới về!”
Anh về, chị làm món đồ nhậu cho anh sương sương, khui chai sâm banh ướp lạnh. Người cạn một ly rồi dìu nhau vào phòng tính đàn lại bản tình ca sau bao ngày xa vắng!.
Thằng cu, mới 4 tuổi, thấy Tía Má mình người “lỳ một lam” sao vui hết biết, bèn tự ý rót cho mình một ly.
Cha đã nhe! Chua chua ngọt ngọt mà có sủi bọt như “Coca Cola!”

.

Cạn ly, đi lảo đảo, đụng bàn ghế ngã rầm rầm. “Ối giời ơi! Ai cứu con tui? Sao thằng nhỏ sùi bọt mép, mắt trợn trắng trợn vọc nè Trời?!”

Thưa bà con! Tui hằng trộm nghe rằng: 7 nhà văn Mỹ đoạt giải Nobel Văn chương thì có 5 người ghiền rượu, một trong số đó ghiền nặng.
Ở bên Tàu, Lý Bạch! Ở Việt Nam, Tản Đà! Nên tui thường tự hỏi rằng muốn viết văn cho hay làm thơ cho nổi tiếng như mấy ổng, điều kiện tiên quyết là phải ghiền rượu hay chăng?
Rồi cũng trộm nghe. Uống vừa phải, không gây tác hại. Vừa phải là một lon bia hay một ly vang, hoặc một ly rượu mạnh. Dưới 0.05 cảnh sát có thổi rượu vẫn cho đi là có tác dụng tích cực, ăn ngon hơn, hơi vui vẻ với má bầy trẻ.
Còn lâu lâu, lỡ nhậu xã giao khi gặp lại bạn nối khố, bạn đã từng cho mình mượn cái xà lỏn của nó thời xưa cũ thì uống hơn chút đỉnh cũng hỏng sao. Nên nhớ lâu lâu à nhe!

Đụng trận nặng như thế thì làm sao biết mình đã say. Thì anh bạn nhậu dạy tui rằng: Khi đi uống rượu nhớ mang tấm hình của con vợ mình theo. “Lỳ một lam” mà thấy mặt mày em xấu hoắc, mặt vẫn còn nhăn nhăn nhó nhó. Thì lại làm thêm ly nữa…
Chừng nào coi hình mà thấy em đẹp nhứt đêm nay là về được rồi đó. Vì chắc chắn bạn hiền đã bắt đầu say; trông gà hóa cuốc; trông vịt đẹt mà tưởng thiên nga!

Thưa lóng rày nghỉ cuối tuần là quý độc giả thương mến thương thường hú tui đi nhậu. Em yêu buồn bực lắm nên nói tui đi khám bác sĩ để tìm kiếm sự giúp đỡ bởi em nghĩ tui đã bị ghiền.
Em phán rằng: “Ghiền rượu có thể chữa được bằng thuốc, bằng tâm lý… Nhưng quan trọng nhứt là tùy thuộc ý chí của anh có thực tâm muốn xa lánh thần Lưu Linh hay không?”
Em lải nhải hoài nghe nhức cả lỗ tai nên tui phải đành chiều em đến bác sĩ gia đình để khám.
Mới gặp mặt tui, ổng mừng hết biết, nói: “Ông nhà báo chờ tui đóng cửa phòng mạch rồi hai đứa mình lại “pub” làm vài ly trước đã rồi mình nói chuyện sau nhe!”
Thiệt “Hai tay nâng chén rượu đào. Không uống thì tiếc uống vào thì say”
Lâu lâu được Bác sĩ mời đi nhậu, hãnh diện hỏng hết, từ chối sao đành.
Ngà ngà say, tui lảo đảo về nhà thì nghe em yêu giảng “moral” vầy nè:

Johnnie Walker Blue Label King George V Scotch Whisky
“Đời tui ghét nhứt là hút thuốc và uống rượu, Ghét của nào Trời trao của nấy. Tui sẽ thôi; không ở với anh nữa. Tui về ở với Má tui!”

Thưa bà con, tui tính bỏ rượu rồi đó chớ. Nghe vậy, tui bèn lục ra một chai rượu quý, Johnny Walker’s, Ông già chống gậy, nhãn xanh; bấy lâu nay giấu trong kẹt tủ ra nhậu, để mừng ngày được trả tự do.
Cheers! Mong em yêu đừng nửa chừng… đổi ý nhe!- 
Đoàn Xuân Thu, Melbourne










Thursday, February 9, 2017

người trong mộng


See the source image
người trong mng
nguyn th thanh dương


Đây là lần thứ hai vợ chồng Tư Chuột về thăm Việt Nam, lần trước cách đây năm, sáu năm. Thời gian cứ vùn vụt trôi, mải mê bận rộn vì cuộc sống, dù nhớ nhà, nhớ người thân hai bên nội ngoại, mà bây giờ mới có dịp trở về lần nữa. Tư Chuột nao nức về Việt Nam gặp lại người thân, ngoài ra còn vì một lý do khác. Anh sẽ gặp lại một người bạn gái cũ sau hơn 30 năm xa cách, là “người trong mộng” của anh thời còn đi học.

Qua một người bạn học cũ mới liên lạc được, hiện cũng đang sống ở Mỹ, Tư Chuột biết tin tức một số bạn bè cùng lớp thời trung học. Họ cùng hào hứng nhắc đến người đẹp Ngọc Diệp, cô bé xinh xinh và nổi tiếng làm thơ hay của lớp, đám nam sinh thuở đó cứ mười người thì phải trên năm người có cảm tình với nàng và hâm mộ thơ nàng. Trong số đông đảo những thằng trồng cây si nàng có cả Tư Chuột. Là một người vóc dáng nhỏ thó, gương mặt choắt choeo, lại con nhà nghèo học dở, anh nam sinh Lê văn Tư, biệt danh các bạn đặt cho là Tư Chuột không bao giờ dám mơ được tiếp xúc nàng thơ, không bao giờ dám “chen lấn” với các nam sinh khác để hòng chiếm được cảm tình của nàng. Tư Chuột chỉ biết thương trộm nhớ thầm người trong mộng.

Ngọc Diệp là một trong số vài người đẹp của lớp, nàng con nhà giàu, học giỏi, dáng gầy gầy, đôi mắt to đen đằm thắm, và mái tóc dài qua vai luôn buông xỏa về một bên trông càng quyến rủ và lãng mạn. Các anh tha hồ đua nhau làm thơ tặng nàng, Tư Chuột xôn xao chẳng thể nào ngồi yên, anh không biết làm thơ, nên định mua một cuốn sách thơ của nhà thơ nổi tiếng nào đó để tặng nàng, mượn thơ người khác nói lên nỗi lòng của mình hay ít ra cũng làm nàng vui thích vì nhận được cuốn thơ hay. Nhưng anh chưa thực hiện được thì biến cố 1975 xẩy ra.

Bây giờ Ngọc Diệp là goá phụ, hai con, cuộc sống của nàng ở Việt Nam rất nghèo khổ. Mới nghe, Tư Chuột mủi lòng thương xót cho người xưa. Có ai ngờ một cô gái đẹp cao sang thuở đó, bể dâu cuộc đời vùi dập nàng sa cơ thất thế đến tội nghiệp? Cũng có ai ngờ anh Tư Chuột, tướng tá lù đù, thuở đó không ông thầy bói nào nhìn mà dám mở miệng tiên đoán tương lai giàu sang phú quý cho được, học hành thì lình bình đủ điểm lên lớp là may lắm rồi, nay lại là một người thành đạt, một ông chủ shop sửa xe to lớn và đông khách trên xứ Mỹ, hai con học đại học, nhà cao cửa rộng trả off từ lâu, vợ Tư Chuột hột xoàn đeo đầy cổ, đầy tay.

Tư Chuột đã ghi chép cẩn thận địa chỉ nhà Ngọc Diệp, nàng sống tại Sài Gòn nên sự đi lại càng thuận tiện vì hầu hết họ hàng bên vợ và bên Tư Chuột cũng ở quanh Saì Gòn. Nhất định, anh sẽ đến thăm nàng, cả một đời người anh mới có dịp hiên ngang gặp mặt nàng như thời điểm này, dù anh gặp lại Ngọc Diệp chỉ với tư cách một người bạn cũ, để nhìn lại bóng dáng người xưa. Nay ai đã phận nấy, hai khung trời khác biệt, tình cảm thời tuổi trẻ chỉ còn là kỷ niệm, một kỷ niệm đẹp không thể nào quên.

Tư Chuột dấu vợ, chị vợ hay ghen và giàu tưởng tượng, chỉ cần anh nói đi thăm một người bạn gái cũ là chị ta sẽ suy đoán ra một thiên tình sử ngay, và chị sẽ không rời anh nửa bước. Tư Chuột không muốn vợ đi theo làm tan biến đi giây phút diệu kỳ hội ngộ, chắc chắn nên thơ và lãng mạn như người thơ thuở trước.

wonderland

Tư Chuột đã sắp đặt sẵn mọi thứ trong đầu trước khi đến nhà thăm Ngọc Diệp, anh sẽ ghé tiệm sách mua một cuốn thơ, món quà anh còn mắc nợ nàng bao nhiêu năm về trước. Nhưng nàng nghèo lắm, thơ chỉ có ý nghĩa cho tâm hồn. Anh sẽ tặng nàng một món quà thực tế là tiền, là đô la. Anh ngại ngùng quá, với một người yêu thơ, làm thơ, mà anh mang chuyện tiền bạc ra có đụng chạm vào tự ái của nàng không? Anh sẽ bỏ món quà ấy vào phong thư cho lịch sự, sẽ nhẹ nhàng kín đáo và nói hết sức khiêm nhường rằng: “Tôi quý mến Ngọc Diệp chân tình nên mới tặng món quà nhỏ mọn này, mong Ngọc Diệp đừng từ chối làm tôi đau lòng”. Ôi, đôi mắt to đen đằm thắm của nàng chắc sẽ nhìn anh cảm động? và biết đâu trong sâu thẳm tâm hồn nàng sẽ dày vò nuối tiếc sao ngày xưa không để ý đến anh Tư Chuột, thì ngày nay đời nàng sung sướng biết bao?

Sáng nay sau khi ăn uống điểm tâm bên nhà vợ, Tư Chuột thay bộ quần áo bình dân giản dị nhất, chiếc quần màu kaki và áo sơ mi trắng bỏ ra ngoài. Đến nhà Ngọc Diệp trong hoàn cảnh nghèo, anh chẳng muốn mình ăn mặc sang trọng ra vẻ Việt Kiều làm nàng tủi thân. Anh xin phép vợ để đi thăm vài thằng bạn cũ, nhìn cách ăn mặc tàn tàn của anh, chị tin ngay, và dặn chiều về sớm để hai vợ chồng cùng đi dạo phố.

Tư Chuột ra đầu ngõ kêu xe ôm chở đến một tiệm sách gần nhất và bảo anh xe ôm ngồi ngoài chờ. Từ xưa tới nay Tư Chuột có biết gì về thơ, nay lạc vào một rừng thơ, anh hoa cả mắt, có nhiều tập thơ của nhiều tác giả khác nhau, cuốn nào trình bày bìa cũng đẹp, những lời đề tựa, lời giới thiệu nào cũng bay bổng trời xanh. Mở ra đọc thử mỗi bài thơ, Tư Chuột thấy bài nào cũng… giống nhau, thất tình, thương nhớ, giận hờn…càng làm anh rối trí. Thà như ở shop xửa xe của anh, xe nào hư không nổ máy, anh mày mò một lúc là tìm ra lý do ngay, thà khách hàng yêu cầu anh thay nhớt xe, anh làm vèo một cái là xong. Còn lựa chọn một cuốn thơ trong đám thơ này sao mà khó khăn quá!

Tư Chuột cầm một cuốn thơ lên, bìa màu tím, xinh xinh, cuốn thơ tên Một thời tương tư, anh thấy thích hợp với mình nhất, anh đã chẳng một thời tương tư Ngọc Diệp đó sao! Muộn còn hơn không, để anh được bày tỏ tình cảm với nàng, dù điều ấy nàng cũng biết thừa từ lâu. Anh mang cuốn thơ ra quầy tính tiền, nhờ cô nhân viên gói giấy hoa cho đẹp để làm quà tặng, anh đã hào hoa trả tiền gấp đôi gấp ba giá ghi trên bìa sau cuốn thơ và hớn hở ra khỏi nhà sách.

Anh xe ôm tiếp tục cuộc hành trình tìm địa chỉ nhà Ngọc Diệp, một con hẻm nhỏ gần khu chợ Bà Chiểu, anh ta bảo đảm sẽ tìm ra mới ăn tiền xe, nên Tư Chuột yên tâm, âu yếm ôm nhẹ cuốn thơ vào lòng và ngắm nhìn cảnh tấp nập của phố phường. Sau khi anh xe ôm quẹo vào vài con hẻm ngoằn ngoèo, vài lần rẽ trái, rẽ phải đến chóng mặt, Tư Chuột đã đứng ngay trước số nhà muốn tìm.

Anh sửa lại nếp áo, nếp quần cho bớt nhăn nhó và run run đưa tay lên gõ cửa, hồi hộp chờ đợi gương mặt quen thuộc ngày xưa hiện ra. Chắc khi nghe anh giới thiệu là Tư Chuột, Ngọc Diệp sẽ nhớ ra ngay biệt danh độc đáo của anh nam sinh nhỏ con nhất lớp, nhà quê nhất lớp, và học dở nhất lớp, ai cũng biết.
Nhưng trong nhà vẫn im vắng, không một ai ra trả lời! Tư Chuột đang ngỡ ngàng chưa biết tính sao thì một bà hàng xóm sát bên chạy ra, sốt sắng:
– Ông tìm nhà bà Diệp hả?
Tư Chuột mừng rỡ:
– Vâng, có phải đây là nhà bà Ngọc Diệp không?
– Đúng rồi, ba mẹ con bà ấy bán quán cơm tấm ngoài đầu hẻm, kế bên tiệm bán chè, sinh tố đó, bộ khi nãy vô đây ông anh không nhìn thấy hả?
– Vâng, thôi, cảm ơn bà.

Tư Chuột leo lên xe ôm và chạy ra đầu hẻm, bây giờ mới để ý thấy quán cơm đúng như bà hàng xóm nói. Anh trả tiền hậu hĩ cho anh xe ôm và đến hàng sinh tố kêu một ly mãng cầu tươi, ngồi nghỉ chân và suy nghĩ, không lẽ Ngọc Diệp đang bận rộn bán buôn mà anh đến nhận diện người quen, chuyện trò và tặng quà ngay giữa chốn bát nháo ăn uống này thì còn gì là ý nghĩa? Để chiều nay, khi nàng về nhà, anh sẽ đến cũng không muộn màng gì, và sẽ có nhiều thời gian để tâm sự, nhắc lại những kỷ niệm thời đi học.
Anh thong thả uống ly sinh tố và dõi mắt sang hàng cơm tấm bên cạnh.

Đang vào giờ cao điểm đông khách, anh chẳng thấy Ngọc Diệp đâu, chỉ thấy một bà to mập đang ngồi cạnh nồi cơm to tướng không kém gì bà ta, và một cái bàn thấp trên bày la liệt những món ăn, những hũ đồ chua và hũ nước mắm, mấy ống đựng thìa, đựng nỉa. Bà vừa xới cơm ra dĩa, vừa gắp thức ăn lia lịa và luôn miệng quát hai phụ nữ trẻ bưng bàn.
– Lẹ tay lẹ chân lên chút coi, khách đang ngồi đợi kìa!
– Dẹp mấy cái dĩa không vào đây cho tao, hết dĩa rồ!
Tư Chuột làm bộ bâng quơ hỏi chị bán sinh tố:
– Nghe nói quán cơm này ngon lắm phải không chị?
Chị sinh tố thật thà:
– Quán cơm tấm bà Ngọc Diệp nổi tiếng ngon, ông ăn thử thì biết.
– Chị làm ơn kêu cô giúp việc cho tôi dĩa cơm tấm sườn nướng đi.
– Hai cô đó là con gái bà Ngọc Diệp, ba mẹ con sống nhờ nồi cơm tấm này đó.
– Vậy bà ấy đâu rồi?
– Thì bà Ngọc Diệp to béo đang ngồi bán cơm chứ ai.

Seeing the world differently is part of schizophrenia.

Tư Chuột giật mình, tưởng nghe lầm. Cố giữ vẻ bình tĩnh, anh nói cho chị sinh tố khỏi nghi ngờ vì thái độ khác thường của mình:
– Nghe danh quán cơm bà Ngọc Diệp, hôm nay tôi mới có dịp ghé đây ăn thử.
Chị sinh tố chẳng thì giờ đâu mà nghi ngờ như chị Tư Chuột nhà anh. Chị ta vui vẻ đi gọi cơm giùm anh, nên Tư Chuột tự nhiên và thoải mái nhìn bà to mập kia kỹ lưỡng hơn. Đúng là Ngọc Diệp rồi, nhờ đôi mắt to đen mà anh đã nhận ra nàng, dù hình dáng nàng thì hoàn toàn khác hẳn.

Mọi thứ trên cõi đời có thể thay đổi, nhưng sao cuộc sống và thời gian lại nỡ biến đổi một cách phũ phàng từ một cô gái xinh tươi, vóc dáng gầy gầy, một nàng thơ dịu dàng ngày nào thành một bà to mập, ngồi bán cơm ngoài đường phố và luôn miệng quát mắng con trước mặt mọi người như thế?
Cô con gái của Ngọc Diệp bưng dĩa cơm tới bàn Tư Chuột; nhìn cô gái, Tư Chuột đã thấy lại đôi mắt to đen đằm thắm của người mẹ bao nhiêu năm về trước. Anh thong thả ăn từng thìa cơm nhỏ vì bụng hãy còn no, và vì muốn kéo dài thì giờ để nhìn thêm cảnh đời của Ngọc Diệp, cho bõ công lao anh nao nức từ bên Mỹ khi chuẩn bị về Việt Nam, cho bõ công lao anh đã ngồi mỏi lưng sau chiếc xe ôm đi tìm con hẻm nhà nàng cả giờ đồng hồ.

Khách hàng vẫn đông, bà mẹ vẫn the thé sai bảo và mắng hai cô con gái, có lúc rảnh tay bà ngẩng lên, quét ánh mắt lanh lợi như điểm danh các khách hàng, bà ta ngừng lại nơi Tư Chuột vài giây, vẫn không có cảm xúc gì khác lạ, như với bao nhiêu người khách khác mà thôi. Làm sao trong giây phút bận rộn hối hả này, bà có thể nhận ra một người quen sau hơn 30 năm mờ mịt vì gió bụi cuộc đời? rồi bà lại cúi xuống thoăn thoắt xới cơm, lấy thức ăn cho khách.
Tư Chuột kêu tính tiền, cô gái hét giá 40 ngàn đồng, trong khi nãy giờ anh thấy mỗi dĩa cơm tương tự người ta chỉ trả có 20 ngàn đồng. Anh ngạc nhiên nhưng cũng móc túi trả đầy đủ, chị bán sinh tố nhìn Tư Chuột thương hại, thì thầm:
– Mẹ con bà này chuyên môn coi mặt đặt tên, thấy ông là khách lạ, ngàn năm một thuở mới đến quán một lần, nên tính giá trời ơi, kiếm thêm. Nhưng cũng còn may cho ông, bữa hôm có chị Việt Kiều về xóm chơi, sáng ra đây ăn cơm tấm, bị chém một dĩa cơm tới 50 ngàn đồng, vì chị đó ăn mặc sang trọng lắm, nhìn vô thấy Việt Kiều liền.

Tư Chuột xót xa, không vì mất thêm tiền một cách vô lý, mà vì lòng tham của con người, lại là người mà anh từng ngưỡng mộ, thương mến. Cuốn sách thơ trong tay Tư Chuột bỗng trở nên thừa thãi, lố bịch, và phong thư có vài trăm đô la nằm trong túi áo anh có lẽ không bao giờ cần phải lựa lời tế nhị để trao cho người nhận nữa. Anh bỗng quyết định không cần đến nhà Ngọc Diệp, không đối diện với nàng, người trong mộng của anh đã chết tự lâu rồi. Món tiền này anh sẽ cho những người nghèo khổ nào đó anh gặp trên đường phố, còn cuốn thơ, sẽ có một người xứng đáng hơn Ngọc Diệp để anh trao tặng.

Một thằng bé bán vé số đến bên Tư Chuột, nó chìa xấp vé số ra mời mọc, nhưng Tư Chuột gạt đi và mời lại nó:
– Thằng nhỏ, mày muốn ăn cơm tấm không?
– Muốn, mà không có tiền ông ơi!
– Mày có bao nhiêu đứa bạn kêu hết lại đây, tao bao.
Thằng vé số nhẩy cẩng lên vì vui sướng, vội chạy đi tìm lũ bạn, một lúc sau hơn chục đứa kéo tới bu quanh Tư Chuột, anh ra lệnh:
– Đứa nào muốn ăn gì thì kêu đi, rồi qua uống sinh tố hay ăn chè quán này. Nghe chưa?

Lũ trẻ uà ra chỗ bà bán cơm, xúm xít chỉ trỏ các món ăn. Tư Chuột gọi cô con gái bà hàng cơm ra, đếm bao nhiêu dĩa cơm, mỗi dĩa 40 ngàn đồng, trả tiền ngay tại chỗ, làm cô kinh ngạc không ngờ hôm nay trúng mánh lớn. Tư Chuột lại đưa cho cô một xấp bạc Việt Nam nữa và nói trước mặt lũ trẻ:
– Số tiền này đủ cho lũ trẻ đến đây ăn cơm ít nhất cũng ba lần nữa. Tôi trả trước cho cô đấy.
Anh quay qua trả tiền chị sinh tố cũng đủ cho bọn trẻ ba lần nữa rồi ra về.

Conscious Experience

Thấy chồng về sớm chị Tư Chuột ngạc nhiên:
– Tưởng anh đi tới nhà bạn bè chiều mới về?
Anh chìa cuốn thơ gói trong tấm giấy hoa xinh đẹp ra:
– Có tìm nhưng không gặp bạn, nên anh ghé vào một tiệm sách, chọn mua tặng em một cuốn thơ tình.
– Một cuốn thơ tình?
Chị Tư Chuột cảm động ngỡ ngàng vì món quà bất ngờ, chồng chị chưa bao giờ tặng chị một món quà thanh lịch như thế này, chị như bay bổng vào cõi thiên thai.
– Anh ơi, tuy em ít đọc thơ, nhưng anh mua tặng thì từ nay em sẽ siêng đọc thơ và sẽ yêu nó.
Chị mở ra thấy cuốn thơ, lẩm bẩm đọc “Một thời tương tư”, nên càng cảm động và ngạc nhiên:
– Không ngờ anh tối ngày lo sửa xe, tay chân dầu nhớt, mà cũng có tâm hồn thi sĩ ghê. Ở với anh mấy chục năm em mới phát hiện ra điều này. Bộ hồi đó anh tương tư em hả?

Tư Chuột nhìn vợ, chị cũng to mập, sồn sồn không thua gì Ngọc Diệp. Nhưng còn có chỗ dễ thương, chị đôn hậu và thành thật tin vào những lời nói dối của chồng.
Tư Chuột bỗng thấy thương vợ hơn bao giờ, anh nói bằng sự trìu mến như thuở ban đầu mới cưới nàng:
– Vì em mãi mãi là người anh yêu, là người trong mộng của đời anh.

Buổi chiều đi chơi cùng với vợ, tình cờ đi ngang qua con đường nơi đầu hẻm nhà Ngọc Diệp, quán cơm đã dẹp, chỉ còn quán sinh tố. Tư Chuột bảo tài xế taxi ngừng lại, để anh ghé vào tiệm sinh tố mua một bao thuốc lá ba số. Chị sinh tố nhận ra anh ngay và mau mắn:
– Mấy đứa nhỏ nhờ tôi gởi lời cám ơn ông nếu có dịp gặp lại. Còn bà Ngọc Diệp chủ tiệm cơm, bà ấy tuyên bố một câu về ông, nói ông đừng có buồn nghe?
– Chị cứ nói đi.
– Bà ấy nói với tôi rằng thằng cha đó một là khùng, hai là dân giang hồ làm ăn gian dối, trúng mánh, nên mới thừa tiền bao lũ trẻ bụi đời ngoài đường phố. Biết thằng cha chịu chơi như vậy, lúc nãy tao tính mỗi dĩa cơm 50 ngàn đồng rồi. Tiếc quá!

Tư Chuột chào chị sinh tố, lên taxi, lòng thảnh thơi, không có gì để nuối tiếc khi đã quyết định không bao giờ gặp lại người trong mộng ngày xưa.

Nguyễn Thị Thanh Dương




Văn Cao Cung Đàn Xưa Thái Thanh

flower, yellow, frangipani, plumeria, white yellow