add this

Saturday, January 27, 2018

hỏa ngục mậu thân 68 huế


Image result for hue during the tet offensive
hỏa ngục mậu thân
Uwe Siemon-Netto
Lý Văn Quý & Nguyễn Hiền dịch


Đà Nẵng là một thành phố khốn cùng vào đầu tháng 2 năm 1968. Lạnh lẽo và mưa phùn chẳng khác nào như tôi vừa bay đến một vùng Bắc Âu. Các đường phố vắng tanh, ngoại trừ xe quân đội. Tôi đã ôm ấp hy vọng được qua đêm trên chiếc Helgoland tại Đà Nẵng để biết tình trạng chiếc tầu này ra sao trong vụ Mậu Thân và được ăn thức ăn Đức bổ dưỡng mà tôi đang thèm. Từ lúc rời khỏi Viên Chăn tôi chưa hề có được một bữa ăn ra hồn nào. Tuy nhiên, viên thuyền trưởng đã khôn ngoan mang chiếc tầu ra vùng an toàn của hải phận quốc tế rồi.

Vì vậy tôi đến trại báo chí MACV, tuy thiếu hấp dẫn nhưng có một nhà ăn tạm được và một quầy rượu rất đầy đủ. Tôi gọi một ly Dry Martini, ăn một miếng steak kèm một chai rượu vang, đi tắm nước nóng và cảm thấy sẵn sàng cho một cuộc phiêu lưu mà sau này hóa ra không thể có những thứ xa xỉ này trong một thời gian nữa. Trời vẫn còn tối khi tôi gia nhập một đoàn xe TQLC Hoa Kỳ sáng sớm hôm sau. Tôi bận hai bộ đồ trận chồng lên nhau, chẳng bao lâu sau còn tròng thêm một cái thứ ba nữa và tôi hài lòng là chiếc áo giáp còn giúp tôi ấm thêm chút ít.

Một số nhà báo từ trại báo chí đã can đảm dùng đường bộ đầy nguy hiểm đến vùng phụ cận của cố đô Huế vẫn còn nằm trong tay của Cộng quân.  Vì đây là cơ hội tốt nhất để chúng tôi có thể sớm đến nơi đó. Màn mây rất thấp và tình hình an ninh chung quanh phi trường Phú Bài bất ổn đến nỗi chúng tôi có thể sẽ phải chờ đợi nhiều ngày để có được một cái vé đi máy bay quân sự.

Trước khi được phép leo lên xe vận tải, mỗi người trong chúng tôi được phát một khẩu M.16. "Chúng tôi biết là điều này trái với thông lệ," viên thượng sĩ giải thích, ý nói là hiệp định Geneva quy định là phóng viên chiến trường không được mang súng. "Nhưng, ông ta nói thêm, chúng ta sẽ phải đi qua những vùng hết sức nguy hiểm và có thể bị phục kích. Trong trường hợp đó quý vị phải tự bảo vệ lấy. Vậy quý vị có hai sự lựa chọn: mang theo súng hay ở lại phía sau."
     
Chúng tôi đến Phú Bài phía Nam Huế không hề hấn gì, ngoại trừ một cảnh tượng đã làm nổi dậy tính hài hước của tôi. Ngồi cạnh tôi đàng sau chiếc xe vận tải có một cặp phóng viên tạp chí Stern gồm một nhiếp ảnh gia và một ký giả. Người chụp hình là Hilmar Pabel, một trong những người nổi tiếng nhất trong nghề chụp ảnh của giới báo chí Đức, và là một cựu chiến binh lão luyện phi thường. Bức hình chụp tôi trên bìa của cuốn sách này chính là tác phẩm của anh. Hilmar đã chụp nó trong một lúc tạm lắng giao tranh trong khu phố ở Huế.

Tay đồng nghiệp của anh là một chuyện khác. Hắn là một ký giả trẻ tuổi người Áo đặc trưng cho cái khuôn mẫu tả khuynh thổ tả đã từng nhiễm độc đời sống trí thức Tây Âu vào thời gian đó để đạt đến cực độ với cuộc nổi dậy của giới sinh viên trong đại nạn tháng 5 năm 1968 tại Paris, và nó đã lần lượt nhiễm độc toàn bộ lục địa và một phần lớn những gì còn lại của thế giới Tây phương.
Tên hắn là Peter Neuhauser. Bỏ qua cái ý thức hệ Mác-xít thì hắn lại là một gã vạm vỡ dễ mến không khác gì những người lính TQLC mà chúng tôi đang đi chung. Vì vậy họ rất thích hắn mà không hề biết gì về quan niệm thân cộng của hắn cả. "Anh trông giống như bọn tôi lắm, đám lính nói. Chỉ cần cắt cái mái tóc thôi," họ tiếp. Do đó khi chúng tôi đến tiền trạm của Sư đoàn 5 TQLC Hoa Kỳ đàng sau phi trường Phú Bài, họ lôi Peter vào một cái lều, cạo cái đầu hắn, dí một cây M.16 vào tay hắn và reo lên khoái trí: "Chào mừng Trung sĩ mới của chúng ta!" Từ đó thì họ gọi hắn là "Gunny," và Peter dưới mắt bao nhiêu người, gã Peter thân cộng này lại có vẻ thích thú với "cấp bậc" mới của mình vô cùng, mà ta có thể thấy rõ qua các bức hình Hilmar Pabel đã chụp cho hắn. Điều này đã chẳng giúp được gì cho sự nghiệp của hắn. Những tấm hình chụp Neuhauser trong tư thế tác chiến cùng với những tấm khác cụ thể hơn trong bộ sưu tập phim của Pabel rốt cuộc đã đến văn phòng chính của tạp chí Stern tại Hamburg vài ngày sau đó và đã gây phẫn nộ trong các đồng nghiệp của hắn. Không một ai thấy có gì buồn cười cả. Hắn không bao giờ được phái đi công tác ở ngoại quốc nữa.
     
Sáng hôm sau, khi Peter và tôi tháp tùng một tiểu đoàn TQLC vật vã tác chiến từng tấc đất vào Huế, hắn có vẻ được giác ngộ, dù chỉ là trong khoảng khắc. Trên con lộ dẫn vào cố đô của Việt Nam chúng tôi thấy cơ man các xác chết của dân thường, riêng rẽ hay từng nhóm, toàn là phụ nữ, cụ già và trẻ em. Họ đều ăn mặc tươm tất nhân dịp đầu năm mới. Qua vị thế của các tử thi chúng tôi thấy có nhiều phụ nữ đã cố gắng dùng thân mình để che chở cho con, chống lại bọn sát nhân.
"Bọn Cộng sản bạn mày đã làm điều này, Peter!" Tôi mắng Peter một cách tàn nhẫn.
Mặt hắn biến sắc trắng bệch. "Chắc chắn không phải đâu," Nó trả lời, "Những người này bị máy bay Mỹ giết."
"Không đâu, Peter, thương vong vì không tập chẳng như thế này," tôi vặn lại, "Trông những vết thương trên đầu và trên mình mẩy họ kìa.  Nhìn cách một số người phụ nữ đang giơ tay che mặt đi. Họ bị bắn ở tầm rất gần. Tin tôi đi, tôi đã thấy chuyện này rồi: Đây là thành tích của những toán chuyên giết người. Những gì chúng ta đang thấy đây là bằng chứng tội ác chiến tranh. Những người này đã bị thanh toán vì bất cứ lý do điên rồ nào đó mà bọn Cộng sản phải thủ tiêu cả đàn bà, trẻ em và người già.

Image result for hue during the tet offensive

Peter Neuhauser giữ im lặng, nhưng tôi biết đã không thuyết phục được hắn. Chính hắn đã xác nhận với tôi khi chúng tôi gặp lại nhau vài tháng sau tại Hamburg. Neuhauser qua đời vài năm sau đó vì nguyên nhân tự nhiên, nhưng vẫn trong tâm trạng tả khuynh không sao cứu vãn được. Suốt vài chục năm sau, thỉnh thoảng tôi cảm thấy một nỗi buồn đau đớn là mặc dù đã chứng kiến hàng loạt người vô tội bị thảm sát trên con lộ đến Huế, vậy mà điều này vẫn không lay chuyển nổi tâm trí của một gã mà đáng lẽ ra là một con người dễ mến này. Những ngày bên cạnh hắn đã dạy tôi một trong những bài học đáng sợ trong sự kiện Tết Mậu Thân là: chẳng có gì, ngay cả những bằng chứng không thể chối cãi nhất, có thể mong làm thay đổi tốt được những ý tưởng cố chấp về ý thức hệ.

Phú Bài và Huế chỉ cách nhau khoảng 10 dặm nhưng chúng tôi mất gần một ngày trời để vào đến khu trại MAVC gần bờ Đông Nam của dòng sông Hương có lẽ đã được đặt tên sai. Các cuộc đụng độ lẻ tẻ thiếu không trợ vì thời tiết bay xấu và nhu cầu phải dọn dẹp các xác chết trên đường đã khiến chúng tôi bị chậm trễ. Doanh trại nằm trong khu vực mới của thành phố, xây dựng theo lối Âu Châu với những đại lộ rộng rãi và những căn biệt thự kiểu Pháp đầy tiện nghi, một Cercle Sportif, tức Câu lạc bộ Thể thao xinh xắn và một cư xá đại học với những tòa nhà chung cư theo phong cách thập niên 1950 cho nhân viên giảng huấn được xây dựng theo kiểu mẫu xấu xí đặc thù trong thời kỳ đó của các dự  án gia cư rẻ tiền đầy rẫy ở vùng ngoại ô phía bắc Paris.

Vào thời điểm chúng tôi đến, quân đội Hoa Kỳ và VNCH đã tạm ổn định phần nào khu vực này của thành phố, ít nhất là vào ban ngày. Trong khi đó thì Cổ thành với vòng thành nội vi hoàng gia, còn gọi là "Purple City" bắt chước theo kiểu mẫu Tử Cấm Thành Bắc Kinh vẫn còn nằm chặt chẽ trong tay Cộng quân.
Doanh trại MAVC gồm một khách sạn khi xưa với khu vực ăn uống ở tầng trệt, phòng ngủ của sĩ quan ở hai tầng trên và một ngôi nhà phụ với 20 căn phòng. Bên cạnh tòa nhà phụ là những cái gọi là "hootches" tức những lều tạm bợ, khu vực mở rộng cho lính tráng. Khu vực này chật cứng với tạp nham đủ loại người khác nhau: quân nhân, ký giả, tình báo viên, nhân viên cứu trợ, nhân viên Việt Nam làm việc cho Mỹ và các viên chức chính quyền cùng gia đình tìm nơi trú ẩn tránh vùng giao tranh và tránh những toán ám sát của Cộng sản vẫn còn đang lùng sục để giết tại chỗ những người mà họ quy là phản động trong thành phố.
"Xin lỗi quý vị, chúng tôi hết giường tạm rồi, không còn chăn nệm nữa. Quý vị phải tự tìm lấy chỗ nằm thoải mái trên nền xi-măng này vậy," viên trung sĩ quân nhu đón tiếp chúng tôi tại khu vực trước kia là nhà ăn nói. "Có khẩu phần C ở góc đàng kia và rất nhiều túi giấy đựng xác để quý vị giữ ấm. Lấy bao nhiêu cũng được. Tối nay sẽ lạnh lắm đấy."
Khu trại đóng cửa ban đêm. Nội bất xuất ngoại bất nhập. Chúng tôi nghe tiếng giao tranh mãnh liệt phía Bắc dòng sông nhưng thỉnh thoảng cũng có tiếng súng đụng độ ngay bên ngoài chu vi doanh trại. Tôi thu người vào khoảng trống chật hẹp giữa mấy gia đình người Việt, trải ba cái túi đựng xác xuống đất dùng thay nệm, phủ lên mình ba cái túi đựng xác khác đúng ra dùng để chuyển những binh sĩ tử trận, có những lỗ đánh dấu phía nào là đầu phía nào là chân. Tôi gối đầu lên cái ba lô. Những người bên cạnh tôi nói được tiếng Pháp. Họ thì thầm với tôi là trong cái ngày trước Tết các toán sát thủ Cộng sản đã đến từng căn nhà với danh sách những người sẽ bị xét xử trước cái gọi là tòa án nhân dân và sau đó thì hạ sát họ tại chỗ, không cần xét xử.
"Anh có nghĩ là những ông giáo sư người Đức có tên trong các danh sách đó không?" Tôi hỏi người đàn ông bên phải tôi.
"Chắc chắn là có, giống như các linh mục người Pháp và những người ngoại quốc khác. Họ đều bị dẫn đi," anh trả lời tôiGiữa đêm, hàng loạt tiếng súng liên thanh ngay trong khu vực gần nhất chúng tôi nổi lên tạch tạch tạch, tạch tạch tạch, tạch tạch tạch, tạch tạch tạch, tạch tạch tạch (5 lần)...
"Xử tử," người đàn ông Việt Nam bên tay phải tôi nói. "Súng AK-47 Kalashnikov."
"Sao anh biết?" Tôi hỏi.
"Bây giờ nghe tiếng súng này quen quá rồi. Vừa rồi không phải là đánh nhau. Đó là năm loạt súng từ một khẩu liên thanh - có chủ đích rõ ràng."
"Có gần đây không?" Tôi hỏi tiếp.
"Không xa hơn trăm thước đâu."

Image result for hue during the tet offensive

40 năm sau, tôi kết bạn với anh Tôn Thất Di tại miền Nam California, anh có họ hàng xa với hoàng tộc. Chúng tôi thảo luận về biến cố Tết Mậu Thân 1968 tại Huế và khám phá ra là cha anh, hai người chú và hai người anh em họ khác có thể là nạn nhân của vụ thảm sát đêm hôm đó. Cha của anh Di tên là Tôn Thất Nguyên đã từng là thị trưởng thành phố Đà Lạt và sau đó làm công chức bộ Xã Hội tại Sài Gòn mà trụ sở tôi rất quen thuộc vì nằm sát cạnh tiệm cà phê La Pagode trên đường Tự Do.
Tháng Giêng 1968, Tôn Thất Nguyên bay đến Huế để ăn Tết với các anh em và các cháu tại biệt thự của họ. Di và tôi đã nghiên cứu tấm bản đồ Huế. "Đây là vị trí căn nhà họ," anh nói, chỉ vào một điểm không xa hơn 100 thước cách khu nhà ăn của trại MACV. "Chúng tôi chỉ tìm thấy lại xác của một ông chú. Do đó chúng tôi không thể làm đám tang cho ông cụ được."

Tôi không bao giờ biết được rằng tôi thực sự là nhân chứng nói của cái chết của họ hay đó là một vụ thảm sát khác, tuy nhiên khoảnh khắc đó nằm mãi trong trí nhớ của tôi, chính yếu bởi vì nó được tiếp nối bằng một một kinh nghiệm siêu thực khác đã từng xảy ra quá nhiều với tôi tại Việt Nam: một con gì đó thật to, nóng ấm, kêu quàng quạc chui vào dưới ba chiếc túi đựng xác của tôi. Hóa ra đó là một con ngỗng trắng với cái mỏ màu vàng và lông xám hai bên cánh. Tôi lúc nào cũng thích ngỗng, nhất là khi chúng được quay và dọn với bắp cải đỏ vào dịp Giáng Sinh. Nhưng tôi chưa hề có được một con ngỗng nào chui rúc vào mình như vậy cả, mà con này có vẻ hoảng hốt cùng cực. Cùng với hàng đoàn ngưòi tỵ nạn Việt Nam con chim khiếp sợ này đã trốn vào khu trại Mỹ từ lúc đầu trận Tết và chạy lạch bạch chung quanh khu đất từ đó, thỉnh thoảng  xem xét các chỗ ngủ. Lính Mỹ đặt tên nó là Garfield. Như một con ngỗng canh gác, Garfield hằng đêm ra một điểm quan sát luôn luôn tại một chỗ cố định để dòm chừng ra ngoài đường. Nhưng khi nó nghe thấy tiếng súng nổ ngay ngoài cổng, nó đã hoảng hốt tìm chỗ núp ngay bên cạnh tôi. Tôi đuổi nó ra khỏi khu vực ngủ, cho nó về chỗ canh gác lại.
Lúc bình minh, nhóm phóng viên chúng tôi được phép rời khỏi doanh trại với điều kiện phải mang theo súng M.16 để tự vệ. Peter Neuhauser, Hilmar Pable và tôi nhận mỗi người một khẩu, nhưng theo đề nghị của tôi, chúng tôi đã cãi lệnh và giao lại súng cho lính canh ngoài cổng. Trên đường đến khu chung cư của các giáo sư người Đức đã bị bắt cóc, tôi lý luận: "Thử hỏi nếu chúng ta chạm trán với một toán tuần tiễu Việt Cộng thì sao? Chúng ta sẽ bị chết ngay. Nếu không mang súng, ít nhất chúng ta còn vin cớ không phải là chiến binh, mặc dù chẳng biết có nghĩa lý gì với họ hay không."
Vừa run rẩy trong cơn mưa phùn lạnh lẽo, chúng tôi vừa đi bộ về hướng Tây đường Lê Lợi. Cái đại lộ từng là một con đường lịch sự giờ đây vắng ngắt và trông hết sức tiều tụy. Những căn biệt thự lỗ chỗ vết đạn, cây cối đổ nát hay bị gãy cành hết sống nổi. Khi chúng tôi đến gần Câu Lạc Bộ Thể Thao, nơi mà thỉnh thoảng tôi vẫn ăn tối với các giáo sư Đức và cũng là nơi mà bà Elisabeth Krainick thường đến bơi, tôi mơ màng hy vọng là một người hầu bàn trung thành sẽ có mặt để pha cà phê cho chúng tôi nhưng đó chỉ là một ý tưởng điên rồ. Không còn một ai nữa, không có ai ngoại trừ lính TQLC Hoa Kỳ vượt qua mặt chúng tôi trên xe jeep và thiết vận xa. Trong một lúc bầu trời mây che phủ sáng ra và chúng tôi nhìn qua phía bên kia sông Hương. Chúng tôi thấy lá cờ VC màu đỏ xanh với một ngôi sao vàng ở giữa đang bay trên pháo đài và nghe cả tiếng giao tranh ác liệt nữa.
Khu chung cư gia đình Krainick đang ở nhìn qua kinh Phú Cam. Một chiếc xe tăng Mỹ cũng đậu ở mạn Bắc của khu vực này. Đùng! chiếc xe tăng nã một phát đạn đại bác qua bên kia con kinh. Đùng đoàng! Cả căn chung cư rung chuyển khi chúng tôi đang leo lên chỗ ở của gia đình Krainick trên lầu bốn. Có cả một trung đội TQLC đang đóng tại chỗ đó và căn phòng trông hoang tàn khủng khiếp. Quần áo, sách vở, tài liệu khoa học và giấy tờ riêng tư bị ném bừa bãi khắp nơi. Tôi hết sức bực mình thấy Peter Neuhauser lục lọi đống giấy tờ và lén bỏ vào túi một số hình ảnh của gia đình Krainick
"Mày không mắc cở hả?" Tôi hỏi anh ta.
 "Phải làm vậy thôi nếu anh làm việc cho một tạp chí hình ảnh," hắn lạnh lùng trả lời tôi và bỏ đi.
Tay Trung đội trưởng là một Thiếu úy 23 tuổi dáng dấp chắc nịch quê tại New Mexico. Nhìn thoáng qua, tôi biết ngay hắn là một gã ngốc và cách ăn nói cũng đúng như vậy. Anh ta dưong oai diệu võ trong một chiếc áo thun trắng, chẳng chịu mặc áo giáp hay đội nón sắt gì cả. Đùng! Chiếc xe tăng bắn thêm một quả nữa.
"Xe tăng bắn vào cái gì vậy?" Tôi hỏi anh ta.
Viên Thiếu úy dắt tôi đến một cánh cửa kính mở trông ra ban công và chỉ vào một căn biệt thự xây theo lối Tây bên kia con kinh:
"Bọn Việt Cộng bắn tỉa," anh ta nói. "Tụi nó đang bắn về phía chúng ta."
"Tại sao anh lại đứng đây với cái áo thun trắng, để làm mục tiêu tuyệt vời cho tụi nó sao?"
"Thưa ông, tôi là TQLC, được huấn luyện để chiến đấu và để chết."
"Có phải là dân đóng thuế bên Mỹ tốn cả nửa triệu bạc để đào tạo một sĩ quan chuyên nghiệp không?" Tôi thách thức anh ta. "Mặc dù anh không thiết mạng sống anh, bộ anh thật sự nghĩ là anh có quyền đặt cái vốn đầu tư đó một cách cẩu thả như vậy hay sao? Và tạo cơ hội để lính tráng mất người chỉ huy?" Anh ta nhìn tôi chẳng hiểu gì cả.
Khi tôi bước ra khỏi cửa chính đi xuống cầu thang thì tôi nghe thấy một tiếng thét hãi hùng như chưa từng nghe thấy bao giờ. Tiếng hét không mang giọng người. Tôi quay lại. Viên Thiếu úy loạng choạng tiến về phía tôi tay ôm ngực bên trái máu phun ra có vòi. Anh lảo đảo ngã xuống, lăn nhào xuống cầu thang và chết tức tưởi. Bọn bắn tỉa đã lấy mạng sống của anh.
Tôi đi ngang qua bệnh viện trường Đại học mà giáo sư Horst-Günter Krainick, bác sĩ Raimund Discher và bác sĩ Alois Alteköster từng làm việc. 75 phần trăm cơ sở đã bị phá hủy trong cuộc xung đột. Nhìn thấy quân phục tôi, hầu hết những thường dân Việt Nam tránh ánh mắt tôi. Họ quá sợ bị trông thấy đang kết thân với một "người Mỹ," mặc dù bảng tên trên nón sắt của tôi xác định tôi là một phóng viên người Đức, Tây Đức giống như các bác sĩ đã thành lập nên cái trường Đại học Y khoa. Rõ ràng là họ ngại rằng bọn CS có thể trở lại và trả thù những người mà họ thấy đã hợp tác với kẻ thù – những người như tôi.
Một người đàn ông lớn tuổi lặng lẽ kéo tôi sang một bên để kể lại những câu chuyện kinh hoàng của những phiên tòa khôi hài được gọi là tòa án nhân dân. Nó được bọn Bắc Việt dựng lên để xét xử các cư dân thuộc tầng lớp quý tộc cũ, thành phần tư sản, các công chức VNCH, những người ngoại quốc, người công giáo tòa thánh La Mã, các linh mục, nói chung tất cả những ai bị nghi ngờ không đồng lòng với "Cách mạng."
"Họ không bị bắt một cách tình cờ đâu, thưa ông," ông ta nhấn mạnh, "Tên tuổi của những người đó nằm trên danh sách mà bọn cán bộ Cộng sản mang theo. Tại những phiên tòa như vậy, họ không có cơ hội để tự bào chữa. Họ bị tuyên án, mang đi và bị bắn bỏ."
"Có bao nhiêu người?"
"Làm sao biết được? Hàng trăm, hàng ngàn?"
Cho đến ngày hôm nay vẫn không có con số chính xác bao nhiêu nạn nhân. Những con số ước đoán vào khoảng từ 2.500 đến 6.000 người.
"Phần tệ hại nhất của cuộc tấn công này là khi giao tranh lan đến khu điều trị bệnh tâm thần," ông già tiếp tục câu chuyện. Ông không cho tôi biết tên tuổi hay chức nghiệp nhưng trông ông có vẻ là một người có học qua trường Tây. "Các bệnh nhân trở nên điền cuồng, họ chạy khắp nơi, đánh lẫn nhau trong cơn hoảng loạn. Ông không thể nào tưởng tượng được nó như thế nào. Nhiều người bị mất mạng vì họ không thể chạy khỏi lằn đạn hai bên bắn nhau. Thật giống như một cảnh tượng trong vở kịch Hỏa ngục của Dante."
"Lúc đó thì ông đang ở đâu?
 "Tôi trốn trong đám bệnh nhân, thưa ông, và làm bộ cũng là bệnh nhân vậy tuy thật sự không phải, và điều này đã cứu sống tôi."
Ông khuyên tôi nên đi qua thính đường chính của trường Đại học lúc đó đang chật cứng hàng trăm người vô gia cư, tất cả vẫn ăn mặc chỉnh tề, còn đang ở các trạng thái bàng hoàng với những nét mặt không còn cảm xúc gì nữa. Nhiều người bị thương và có rất ít, nếu có, y tá và bác sĩ để chăm sóc họ. Không có nước máy, không có điện và không có cả phương tiện vệ sinh.
"Hãy qua bên trường Quốc học nữa," ông già nói với tôi và đây là một lời khuyên đúng. Khi tôi đến khuôn viên trường, nó lại giống như một khu trại tỵ nạn nữa. Có ai nói với tôi là có khoảng 8.000 người tạm trú trong cái cơ sở đẹp đẽ đó, nhiều người run rẩy trong cơn giá lạnh chờ được phát thức ăn và nước. Mặc dù tôi không thể kiểm tra được con số đó nhưng thực tế là rất nhiều.
Trên đường quay về khu trại MACV tôi phát hiện ra hàng chữ vẽ nguệch ngạc trên tường của một căn biệt thự lớn. Hàng chữ viết "Cắt đầu Mỹ." Khi tôi nhìn kỹ hơn thì thấy chữ "Mỹ" chỉ mới thay chữ "Pháp" không lâu. Có lẽ tôi hơi nóng vội tiết lộ trước chương sau nhưng cái thông tin này phù hợp với chuyện vài tuần lễ sau, khi tôi đi thăm trở lại Huế thì cái khẩu hiệu này được đổi thành "Cắt đầu Cộng sản!" Điều này cho tôi biết là sự ghê tởm đối với hành vi của Việt Cộng đã làm thay đổi niềm ghét bỏ người ngoại quốc của dân Huế nếu có, cũng như đã thay đổi tư tưởng bài ngoại khá mạnh mẽ tại đây. Tư tưởng bài ngoại khiến người Mỹ cho tới Tết 1968 đã phải giữ một thái độ thật âm thầm trong cái thành phố này. 25 ngày đêm chiến sự tại Huế, sự bắn giết, đập đầu đến chết và chôn sống hàng ngàn cư dân, đưa đến 116.000 người mất nhà cửa trong một dân số vỏn vẹn 140.000 đã mang lại cái kết quả thất bại nặng nề nhất đối với Cộng sản: nếu có lúc nào Cộng sản được lòng dân chúng Huế thì nay chúng đã mất hết rồi.
Tôi đi nhanh về trại MACV để điện thoại tường thuật câu chuyện cho bạn đồng sự với tôi là Friedhelm Kemna ở Sài Gòn, cũng như để báo tin cho Nam tước von Collenberg tại tòa Đại sứ tin tức cập nhật về các vị bác sĩ Đức. Chỉ có một đường giây điện thoại ra ngoài mà có cả một hàng dài người đang chờ đợi để gọi đi. Hai tiếng đồng hồ sau mới tới phiên tôi.

Tôi lớn tiếng thét lên trong điện thoại dã chiến: "Huế đây, làm ơn cho tôi Phú Bài! - Phú Bài, cho tôi Đà Nẵng! - Đà Nẵng, cho tôi Nha Trang! - Nha Trang, cho tôi Qui Nhơn! Qui Nhơn, cho tôi Tân Sơn Nhất! - Tân Sơn Nhất, cho tôi Mãnh Hổ (trung tâm điện thoại quân sự Sài Gòn)! - Mãnh Hổ, cho tôi PTT - PTT, làm ơn cho tôi khách sạn Continental."
Sau hai lần thất bại, sau cùng tôi gọi được khách sạn, trong lòng cầu nguyện là "kẻ thù" của tôi, cái gã Ấn Độ từ Madras lúc nào cũng say mùi thuốc phiện không trực điện thoại chiều hôm đó. Nhưng hắn đã có mặt!
"Siemon-Netto đây, làm ơn cho tôi nói chuyện với Kemna đi," tôi nói bằng tiếng Pháp.
"Ông Siemon-Netto không có ở đây," gã nghiện thuốc phiện nói và cúp điện thoại cái rụp!
Cảm ơn Chúa, người đồng nghiệp Mỹ đằng sau đuôi tôi cũng ở khách sạn Continental và có một người nhận tin đang chờ sẵn tại đó. Anh ta đọc xong bản báo cáo và nói phía bên kia giữ đường đây để chạy qua gọi Freddy cũng ở cùng tầng lầu với nhau. Do đó, sau cùng tôi cũng xoay sở gởi bài tường thuật cho Freddy xong và yêu cầu anh chuyển lời nhắn qua cho Nam tước Collenberg.
Sau đó thì tôi cảm thấy thèm rượu. Cảm ơn Chúa, tôi có mang theo một bình huýt ky mỏng trong ba lô. Sau những kinh nghiệm rùng rợn của ngày hôm đó, một vài ngụm từ cái bình đó cộng thêm vài lát bánh mì pumpernickel thật là một niềm hạnh phúc hoàn hảo. Bây giờ tôi phải chờ quân đội Mỹ di hành.
Cố đô và cổ thành vẫn còn nằm trong tay của khoảng 10.000 quân Bắc Việt. Chúng tôi được nghe là Sư đoàn 1 bộ binh VNCH mặc dù chiến đấu dũng mãnh vẫn chưa vào được mạn Tây Bắc sau khi cố gắng tái chiếm pháo đài và đang chờ các đơn vị của Sư đoàn 1 TQLC Hoa Kỳ tấn công từ mạn Đông Nam. Nếu chuyện này xảy ra, tôi dự định sẽ bám theo một trong những trung đội đó.

Những gì xảy ra tiếp theo đó quá kinh hoàng khiến tôi chỉ còn nhớ lại trong đầu những mảng rời rạc của cái ngày tôi tháp tùng một Trung đội TQLC vượt qua con sông Hương vào lúc ba giờ sáng. Tôi còn nhớ là Trung đội đó đông hơn bình thường, quân số khoảng 53 người. Tôi cũng nhớ là các cấp chỉ huy có bản lĩnh hơn nhiều đám chỉ huy Trung đội tôi đã gặp trong căn chung cư của Krainick. Đau buồn thay là tôi chứng kiến hầu hết trong số họ bị thương hay thiệt mạng trước khi ngày hôm đó chấm dứt.

Mãi đến ba giờ chiều tôi mới có dịp coi giờ trên cái đồng hồ của tôi trong một lúc tạm lắng giao tranh. Tôi nhìn chung quanh. Những người lính cùng chung lưng với tôi 12 tiếng đồng hồ trước đây đâu cả rồi? Tôi đếm được 10, có thể là 15. Những người khác hoặc đã bị thiệt mạng hoặc bị thương. Một trung đội khác đến thay chúng tôi. Đã đến lúc tôi phải ra khỏi nơi này thôi. Tôi xoay xở về lại được sông Hương. Kỳ lạ thay là cộng quân đã để lại cây cầu chính còn nguyên. Tôi đi bộ qua đó và đến một khu vực bãi đáp trực thăng đầy những người bị thương nặng, có đến hàng trăm người, nhiều người đang rên rỉ vì đau đớn.
   
 "Thưa Thiếu tá," tôi hỏi viên sĩ quan phụ trách bãi đáp, "chuyện gì xảy ra ở đây vậy? Tại sao những người bị thương vong này chưa được tản thương đi?"
Hắn chỉ tay lên trời: "Điều kiện bay xấu!"
 "Nhưng thưa Thiếu tá, tôi đã từng thấy thời tiết tồi tệ hơn nhiều. Trần mây còn đủ cao mà," tôi phản đối.
 "Đúng vậy nhưng anh thấy đó, TQLC chúng tôi không có đủ trực thăng."
"Lục Quân thì sao? Tôi biết là cách đây 10 dặm ở Phú Bài có hai phi đoàn trực thăng của Lục Quân đang sẵn sàng tác chiến."
"Thưa ông, TQLC chúng tôi không gọi nhờ Lục Quân bao giờ."

Tôi nhớ đã tự nhủ trong lòng: một cái lá phong trên bộ quân phục rõ ràng không phải là giấy chứng nhận cho một chỉ số thông minh cao. Ðã đến lúc phải rời nơi đây thôi. Hí trường của sự phi lý đang biểu hiện dấu hiệu của sự điên rồ đây. Tôi đã thấy những mặt đẹp đẽ nhất cũng như những điều xấu xa nhất của nhân loại trong vài ngày vừa qua: sự hy sinh đầy thương tâm và lòng dũng cảm tương phản với sự ác độc không thể tưởng tượng nổi của Cộng sản và sự xuẩn ngốc của một thiểu số khờ khạo chứng nhận được mặc quân phục.

 Tôi nhớ là nước mắt tôi đã ràn rụa khi nghĩ đến những người tôi thấy đã ngã xuống tại Huế, hầu hết là phụ nữ và trẻ em, và những thương binh trẻ Mỹ nằm trên cáng rên rỉ trong đau đớn cùng cực mà không có ai để báo cho họ biết nguồn tin an ủi là họ đã đánh bại quân thù. Hơn một nửa trong số 80.000 Cộng quân tham gia Tết Mậu Thân đã bị thiệt mạng, hạ tầng cơ sở Việt Cộng hoàn toàn bị phá vỡ. Đây là một chiến thắng quân sự lớn.  Một chiến thắng cam go cho phe Đồng minh, nhưng là chiến thắng hiển nhiên.

“Ich habe genug vom Tod,” tờ báo Chủ nhật toàn nước Đức Bild am Sonntag đã lên tựa cho bài tường thuật của tôi từ Huế như vậy, có nghĩa là "Tôi đã chán cảnh chết chóc đó lắm rồi." Tôi rất nôn nóng thoát ra khỏi Huế. Nhìn thoáng qua bãi đáp trực thăng tôi đoán là tôi không có hy vọng gì mau mắn đáp được một chuyến trực thăng. Tuy nhiên tôi trông thấy một chiếc tầu đổ bộ LCU của Hải Quân Việt Nam gần đó. Tôi chạy đến chiếc tầu và gặp người chỉ huy là một trung úy với làn da sậm dầy như một thủ lĩnh da đỏ Comanche.
"Chúng tôi sắp ra khơi đây," anh ta nói, "Mình nên chào mừng cho sự tiến bộ: đây là lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu Tổng công kích Tết có một chiếc LCU vận hành đến khúc sông này. Sẽ có rắc rối đấy!" Chúng tôi hướng về phía Đông và lập tức bị hỏa lực súng nhỏ bắn tới từ hướng Bắc với loạt đạn đụng vỏ tầu dội ngược ra. Nhưng chiếc tầu vẫn tiếp tục đi về phía đầm phá Tam Giang, mặc dù tôi không ở trên tầu lâu lắm. Tiếng súng lắng dần khi chiếc tầu tăng khoảng cách với Huế. Tôi ngủ thiếp đi. Khoảng giữa đêm, viên trung úy lay tôi dậy nói, "Anh nên xuống chỗ này đây." Anh đã đậu tầu lại tại bãi cảng của một căn cứ MACV nhỏ ở mạn Nam dòng sông.

 Tôi không còn nhớ bằng cách nào từ đó tôi về lại Đà Nẵng, có lẽ bằng trực thăng. Tôi chỉ biết là tôi đến doanh trại báo chí hoàn toàn như một cái giẻ rách. Tôi chưa cạo râu trong tám ngày trời. Hai bàn tay bẩn thỉu, những ngón tay vàng khè vì khói thuốc và mình mẩy hôi rình. Tôi không còn nhớ tôi có đói hay không nữa, bộ phận tiêu hóa của tôi đã hoàn toàn khép lại từ khi tôi rời khỏi trung tâm báo chí này hơn một tuần lễ trước đó.

Tôi mượn đồ lót và một bộ quần áo trận mới từ một sĩ quan Mỹ và xin một người phụ nữ làm việc quét dọn trong khu trại giặt quần áo cho tôi càng nhanh cành tốt. Lúc đi tắm, một làn nước màu đen xám chảy từ mái tóc và thân thể tôi xuống. Cạo sạch bộ râu lởm chởm là việc làm chính trong ngày. Sau đó tôi xuống hội quán uống hai ly Dry Martini nhưng không thể ăn được bất kỳ thứ gì. Do đó tôi nằm thẳng cẳng trên giường và ngủ một mạch bốn tiếng đồng hồ rồi dậy viết bài tường thuật và gọi điện thoại báo cáo cho Freddy ở Sài Gòn.

Cuối ngày hôm đó tôi ghé thăm chiếc Helgoland, cảm ơn thay, nó đã quay về bến. Tuy nhiên trên boong lại thông báo là chiếc tầu sắp rời cầu tàu và yêu cầu tất cả khách đến thăm hãy trở về. "Ở lại với chúng tôi đi," các y tá và bác sĩ khẩn khoản, "Trông anh tiều tụy quá. Hãy ăn một bữa cho ngon, uống một vài ly rượu, quên chiến trận trong một đêm và nghỉ ngơi đi." Còi tầu hụ lên. Tôi không thể nào nhấc mình nổi cho dù tôi có muốn đi chăng nữa. Những người bạn Đức đã cho tôi một khoảng thời gian rất yên trên hải phận quốc tế.

Những giây phút hạnh phúc đó không kéo dài lâu. Buổi sáng hôm sau tôi quay về trung tâm báo chí. Quần áo tôi đã có lại và tôi may mắn đón được một chiếc trực thăng bay trở lại Huế. Trong doanh trại MACV tôi chạm trán với Peter Braestrup, trưởng phòng Washington Post tại Sài Gòn.

"Họ đã tìm thấy một mồ chôn tập thể," anh nói, "chúng tôi đang định đi tới đó, vậy sao anh lại không muốn đi theo hả?" Một chiếc xe vận tải quân sự chở chúng tôi và các phóng viên khác đến một chỗ thuộc ngoại vi phía Tây Bắc của Huế mới giành khỏi sự kiểm soát của Cộng sản không bao lâu. Có hàng trăm phụ nữ, đàn ông và trẻ em trong nấm mồ đó, nhiều người rõ ràng bị chết cháy, nhiều người bị nện cho tới chết và nhiều người khác bị chôn sống, theo lời của một sĩ quan VNCH.
"Làm sao biết là họ bị chôn sống?" Tôi hỏi anh ta.
"Chúng tôi tìm thấy địa điểm này khi phát giác có những bàn tay mới làm móng chĩa ra khỏi mặt đất," anh trả lời, "Những phụ nữ này đã cố bò ra khỏi mồ chôn họ."
Peter Braestrup thúc cùi chỏ trái vào tôi và chỉ tay vào một toán truyền hình Mỹ gồm một phóng viên, một tay quay phim và một nhân viên âm thanh đang đứng trước khu mồ chôn một cách ung dung không có hành động gì cả.
"Tại sao các anh không quay cảnh này?" Peter hỏi họ.
"Chúng tôi đến đây không phải để quay phim tuyên truyền chống cộng," gã quay phim đáp.

"Thật là điên khùng, Peter, tôi nói, tôi đã chán ngấy cái thứ này lâu rồi. Tôi không trách bạn đâu. Chúng ta đang thua trận chiến này sau khi đã thắng về mặt quân sự. "

************************

Ghi chú: Trên đây là phần chính của chương 15 trong cuốn Tình Yêu Của Một Phóng Viên Cho Một Dân Tộc Nhiều Đau Thương. Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y đã giới thiệu hai bản Anh và Việt tại Orange County California ngày 4 thg 5, 2013. Giá US$22 mỗi cuốn; sách bán nhiều nơi “on line” hoặc http://www.siemon-netto.org/ 


từ trái, Uwe Siemon-Netto, Lý Văn Quý, Nguyễn Hiền

Uwe Siemon-Netto trong một lúc dừng quân trận Tết Mậu Thân 1968 tại HuếUwe Siemon-Netto during a lull in the Tet Offensive 1968 at Hue




Wednesday, January 24, 2018

bên hông Chợ Cá



căn nhà đnh chun
tôn tht tuệ

Dẫn nhập: 2013 sau đúng 35 năm, tôi vui mừng gặp lại trên internet vị chỉ huy cũ và các đồng nghiệp trong Viện Quốc Gia Định Chuẩn, (VQGĐC, VĐC, ĐC). VĐC, cái tên khá lạ, vì chuẩn là chuyện khá lạ ở VN. Chuẩn lớn lên cùng, và hổ trợ, nền kỹ nghệ, kể cả sản xuất nông nghiệp. Ông Phí Minh Tâm tiến sĩ hóa học tốt nghiệp M.I.T. Mỹ, đã đưa đơn vị nhỏ nầy trong Bộ Kinh Tế thành một cơ quan khoa học độc lập. VĐC có phòng thí nghiệm trong khu kỹ nghệ Biên Hòa và văn phòng gần Phủ Tổng Thống. Viện thuê dụng nhiều chuyên viên tốt nghiệp Âu Châu Mỹ Châu và Úc Châu hoặc các người có bằng cao học (sau cử nhân) trừ ra tôi, biết đọc biết viết. VĐC đang trên đà phát triền thì chung với cả nước hạ màn và chưa biết bao giờ làm lại. Bài viết dưới đây là một ghi ký, không hư cấu và là một email gởi anh Tâm cùng gia đình ĐC. 


Hôm tôi đứng trên lầu của Định Chuẩn (ĐC), bên dưới người ta kéo nhau đến gốc những cây sao. Họ đổ cát ra khỏi bao để lấy những bao nylon xanh rêu.  Chiến tranh hết rồi, lấy chi những bao ấy, phòng thủ cho ai. Mà hỏi các anh vì sao có những bao cát ấy, rất nhiều.

Thì ra khán đài giữa đại lộ Thống Nhất và Pasteur, ở trên đó có ‘bác’ Tôn vừa đọc diễn văn vừa xịt thuốc suyển vào cổ họng, khán đài ấy là một hầm trú ẩn lộ thiên, phòng khi hữu sự, just in case. Người CS không mộng mơ như Karl Marx mơ một xã hội vô tưởng. Mấy hôm trước đó, nhiều chú lính dùng máy dò mìn, và cúi xuống đào những cây đinh sét khi có tiếng o o. Cẩn tất vô ưu. Mặt khác người CS cũng không mơ mộng khi họ cho kéo những nhà vệ sinh lưu động gần khán đài đó với những ghi chú như: nhà đái gái.

Chừng hai tuần sau, tôi giao chìa khóa tủ hồ sơ cho anh Nỡ quân quản để đi cải tạo.

Nghĩ lại bên cạnh những ưu ái của con người như các anh dành cho tôi, thiên nhiên cũng ưu ái cho tôi. Tôi bắt đầu sống ở Saigon và hết ở Saigon với những hàng cây me xanh, cây sao im mát. 1962 tôi từ Huế vào Saigon học bên đường Alexandre de Rhodes, cạnh Bộ Ngoại Giao, mỗi chiều nghe tiếng quân hành của Đại Đội Danh Dự đi từ phía sở thú vào dinh Độc Lập làm lễ hạ cờ. Và tôi cũng lìa Saigon từ những cây me che mát Viện Quốc Gia Định Chuẩn trên con đường Hàn Thuyên. Và nghiệp văn chương cũng vương vấn từ ngàn kiếp trước nơi hai con đường mang tên hai con người của văn học, Đắc Lộ và Hàn Thuyên, cả hai đối xứng qua đại lộ Thống Nhất và gần phủ đầu rồng. Từ khi đến và khi đi nằm trong con số kỳ dị mười ba năm.

Từ văn phòng Viện, tôi lửng thửng ra phía Tự Do nơi Bộ Xã Hội; tựa lưng vách tường nhìn ra công viên quanh nhà thờ. Quả là một chợ người. Tôi nói chợ người, không phải chợ bán đồng hồ không người lái. Ở đó có những người cai như cai mộ phu làm đồn điền. Họ đứng ra nhận ghi danh những nhóm như viết phim, viết báo, ca sĩ trình diễn, hoạt động đoàn thể. Nói mộ phu cũng không quá vì những danh sách ấy dùng cho các lớp cải tạo, cải huấn. Vui nhất tôi thấy bà Nguyễn Phước Đại, tròn mập như đòn bánh tét, cắt đầu cắt đuôi. Nữ luật sư ấy chơi một bộ bà ba màu nâu, trông chẳng giống ai. Một cô gái quê vừa ra khỏi đồng lầy chơi cái mini jupe sẽ đi đứng không tự nhiên như bà Đại mặc áo quần quê vẫn lộng cộng khôi hài. Quả tình là một thứ hành hạ bản thân, trước một thần linh không hồn.

Thế rồi tôi không còn nơi hàng cây xanh, nơi trước kia có những chiếc xe đẩy bán dừa xiêm hay những ly chanh đường. Đến với ĐC sau chín năm vô bổ trong ngành hành chánh, tôi còn thích những hàng cây xanh mát ấy. Sau nầy chúng gây cho tôi nét nửa chua cay, nửa nên thơ dành cho cô vợ:
              này cô bé ngày xưa em đi học,
              áo em xanh em trả hàng me xanh lá,
              ly mía ngọt ngày xưa em uống
              nay đắng nhiều với những ngày còn sót lại với đời ta.
                                                                     

Thật vậy, tôi ngồi sau thùng xe như chở heo, bên cạnh những thứ gì còn lại. Vâng, tôi ngồi như ngày ngồi trên xe đi tù, không biết xe chạy đi đâu ban đêm nhưng qua khe hở cũng biết cách mạng cho "đi xem" Bến Bạch Đằng, khu Nguyễn Huệ đến mấy vòng mà mồ hôi và hơi người đã xông lên. Anh tài xế lần nầy chạy qua đường Tự Do và tôi cố gắng nhìn lại con đường đến VĐC, à, tôi thấy một người quen, e rằng đó là chàng Ninh. Nhà tôi ngồi phía trước trên ghế danh dự. Chúng tôi từ giả căn nhà gần Chợ Cá Trần Quốc Toản để hồi hương tại Long Thành.

Tôi muốn vong ân như một thứ thời thượng của lòng người đảo điên nên nói một cách xách mé rằng ông giám đốc Kiệt trả ơn tôi mang giúp cây Garand nặng nề qua bãi cát trưa nóng tại Vũng Tàu khi đi học làm cách mạng hành chánh. Ông trả ơn bằng cách giúp tôi về VĐC. Nói chơi, nói láo chơi.

Nếu anh Kiệt sợ bãi cát nắng ấy một, tôi còn sợ gấp ngàn lần. Tướng Khánh đã vỗ vai tôi nói thân mật, tôi không hiểu ý định của ông; ông nói ông sẽ bỏ ra hằng tỷ đô la để xây dựng nông thôn. Sau đó có chuyện xây dựng nông thôn và áo đen và Phạm Duy cũng mặc bà ba đen, trong chuổi dài những lần thay áo của nhạc sĩ tài ba nầy như con tắc kè đổi màu. Và chính sách ấy đã tạo nên trung tâm nầy. Khi tôi đến, chỗ nầy không còn sung mãn một thời vì viện trợ Mỹ không còn nữa và chuyển qua hệ thống hành chánh VN.

Vài nhân vật khi nhận bộ đồng phục đen, phải đem ngâm đủ thứ cho nó cũ, cho nó phai màu cho có vẽ cách mạng. Rất tiếc họ quên ghi bản quyền nên các hãng áo quần Mỹ bắt chước làm phai màu và xé rách các ống quần jean với giá cao hơn cái mới. Trung tâm giữ thẻ căn cước của cán bộ và cho mượn lại để đi phép với đơn xin. Phép thường niên phải có lý do như cha chết v.v... Khi một cán bộ bị sa thải, người ấy được chở giao cho tiểu khu Vũng Tàu để nhập ngũ. Những khắc nghiệt không áp dụng cho tôi, nhưng bầu không khí ngột ngạt. Lại xuất hiện ban văn công mà nhạc sáng tác không khác gì đài Hà Nội. Bây giờ web Nhạc Của Tui xếp những bản của Viết Chung và Nguyễn Tùng vào loại nhạc cách mạng của CS; cháy nhà mới ra mặt ai là ai.

Về ĐC thì không có nha lại, cạo giấy. Tôi biết là tôi đã đi lầm đường vào hành chánh nhưng ở thế bắt buộc còn hơn suốt ngày lên mặt dạy đời của trường sư phạm. Tôi hy vọng còn một năm nữa với ĐC để đủ mười năm đáp lễ quỷ thần sau cái hợp đồng nhận học bỗng của trường. Điều tôi vui đầu tiên là không có cảnh: bản sao kính gởi ông Tỉnh Trưởng "để kính tường" và bản sao gởi Trưởng Ty  "để tường" vì thằng trưởng ty địa phương thấp hơn mình không đáng dành cho chữ kính. Tôi không gặp cảnh phải cho nhân viên đánh máy lại vì: tham chiếu qúi văn thư thiếu lễ độ cho nên phải viết: tham chiếu văn thư của Qúi Bộ. Tôi thừa biết bên ngoài chiến tranh gia tăng thay vì phi mã mà là phi tiển cho nên người ta lấy những văn thư bằng giấy để chống đạn. Tôi đã bị báo cáo nặng nề khi thay đổi dấu phết trên một khẩu hiệu. Làm hết việc, không làm hết giờ thành làm hết việc không / làm hết giờ.


Image result for displaced persons
rời bỏ xóm làng vì chiến tranh

Tôi đã bị đuổi khỏi bộ Xã Hội vì sự khám phá của người khác là tôi đã làm thơ. Trong một tờ trình công tác tại Quảng Tín, tôi viết một cách rất tự nhiên những khốn khổ của đồng bào phải rời làng mạc mà Bộ phải cứu trợ. Tôi không nhớ đã viết thế nào. Còn nhớ vài đoạn: Khi trực thăng thả tôi xuống trên thửa ruộng sau mấy ngôi nhà gạch, một thanh niên đón tôi và đưa vào bằng ngã sau. Tiếng rồ của con chuồn chuồn sắt thay thế bằng tiếng của một bà lão và ba đứa cháu đi xin, họ không biết đây là ty của chính phủ. Ông trưởng ty nói: "thưa ông thanh tra, đừng lo, họ ở trên trại và tụi tui lo đủ hết rồi". Trời lạnh mưa phùn miền Trung. Tôi hỏi áo quần cứu trợ gởi cho ông đâu hết mà thế nầy? Trả lời: mấy chục bành nằm trong kho tỉnh để bà tỉnh trưởng đi ủy lạo, thăm cô nhi viện, thăm chùa, nhà thờ...Thưa ông Bộ Trưởng, tôi bó tay không thể nói lúc nào bà tỉnh đi phát, hơn nữa áo quần nầy không phải để cho cô nhi viện, chùa, nhà thờ; thưa ông Bộ Trưởng, tôi về Saigon mang cho Bộ lời nhắn của ông trưởng ty rằng nơi quận ấy, xã ấy có mấy chục ngôi nhà xây bằng vật liệu bộ gởi; ông tỉnh trưởng cho biết địch tập trung trong khu vực, tiểu khu không thể bảo đảm an ninh cho tôi đi xem thực hư. Tôi mang thông điệp nầy như người đưa thư, và ai cũng biết người đưa thư không trách nhiệm về nội dung của phong thư, có khi là bức thư tình, có khi là lời hăm dọa tống tiền...

Ông bộ trưởng nói ai đọc tờ trình đều nói là thơ. Thì ra tôi đã là thi sĩ chứ gì; poète malgré lui, poet against one's will. Về ĐC, tôi không làm thơ tuy ở trong vùng cây mát, trong Viện lại có rất nhiều giai nhân tuyệt sắc. Khung cảnh thì gentleman hơn, lúc nào tôi cũng có cái khô mực màu mè, có cây kim hột trai giữ cho nó không lắc lư. Không hiểu có phải vì ảnh hưởng nghề nghiệp hay không, mà tôi nghĩ, ai ai cũng có một chuẩn mức trong giao tiếp; không quá tân thời mang về cùng bằng cấp Âu Mỹ; không quá câu nệ của một nền hành chánh quan cách.

Chỗ làm thì yên ổn như vậy, bên ngoài cũng yên ổn. Ấy cũng là lúc tôi về Saigon từ Vũng Tàu, và thường nghe Radio Catinat. Thực có giả có. Lúc ấy đã có tin tướng Đồng Văn Khuyên cố vấn cho tướng Cao Văn Viên về một mô hình rút quân. Chỉ một tin như vậy đủ thấy sự thay đổi trầm trọng. Ông Viên, sinh ở Vạn Tượng, Lào, trước khi có sự oanh tạc thật sự bắc vĩ tuyến 17, chủ trương như Lý Thường Kiệt, lấy công làm thủ bằng cách đánh qua Tàu, tức là tấn công Bắc Việt ít nhất bằng máy bay. Nay thì ông tướng nghĩ khác. Ở một mức độ nhỏ hơn, nhiều người đã bán đồ đạt, và ngủ trên sàn nhà. Trong thời gian trên, tình cờ tôi gặp Robert Shaplen tại một tư gia người bạn cao niên. Nhà báo Mỹ nầy mời tôi một điếu xì gà nhỏ của Cuba. Ôi thật là ngon, tự nhiên có cảm tình với anh Râu Fidel, cảm tình chốc lác, xin nói rõ.

Robert Shaplen rất khôn ngoan. Ông nói rất gần đây, người Mỹ sẽ rời VN. Ông giải thích rất chi là khoa học. Ông chỉ vào bà chủ nhà đã hơn 50 và nói các bà nội trợ Mỹ đã quyết định như vậy; họ bỏ phiếu cho những người muốn rút lui và không viện trợ. Vì sao? Vì các ông chửi Mỹ quá; chính trị gia và đàn ông như tôi không hề hấn, nhưng các bà thì rất sensitive. Tôi làm ra như thích thú với lời giải thích bằng cách không nói đến chuyện Mỹ Tàu đã sắp xếp. Chủ nhà rất muốn tôi nói chuyện để mong ông ấy tiết lộ thêm. Phần tôi, tôi cũng háu thắng và nói 1964, tôi đã nói việc Mỹ bỏ VN trên tuần báo sinh viên. Tôi minh xác đây không phải là tiên tri thời cuộc mà đáp lời tuyên bố ở phi trường của luật sư Trần Văn Tuyên rằng thế giới Tự Do không bao giờ bỏ tiền đồn VN, tôi chỉ nói một khả thể (possibility) tự nhiên của chiến lược. (Mỉa mai thay, trước 30.4.75 không lâu, LS Tuyên cầm đầu một số dân biểu đòi Mỹ rút quân và ngưng viện trợ cho VNCH). Jay Hendon, trưởng phòng UPI, có vợ VN, đã công khai nghi tôi có ý gì khác; dễ hiểu vì lúc ấy đang có vụ Maddox. Robert Shapleen  mời tôi điếu xì gà thứ hai với câu khen ngợi (!?): ông là một viễn tượng gia (visionary).

A Di Đà Phật, ra đi mẹ có dặn lòng, chanh chua mua lấy, ngọt bòng chớ mua. Lời của Robert Shaplen quả là ngọt bòng, xin không dám nhận.

Tôi không có một viễn tượng nào mà chỉ có nỗi buồn hơi khó chịu, tôi không để ý vì cứ nghĩ nó tiếp tục những nỗi buồn từ nhỏ vào thời chiến tranh. Tôi không bán đồ đạt, vì chẳng có gì mà bán ngoài gần trăm cuốn sách cũ mua gần cái nhà tiêu, đối diện với Khai Trí trên đường Bonard. Lạm phát phi tiển đi lên cùng nhịp độ của chiến tranh vây hãm đời người; thời ấy ai cũng nhớ đến nhát dao nhập cảng bởi các học vị kinh tế tốt nghiệp Âu Mỹ: tội về ai, TVA, taxe de valeur augmentée, cho nên chẳng có tiền mua cái gì. Dân tiếp vụ nơi đường Nguyễn Du bán rất nhiều mì ăn liền nikka ramen mối mọt. Tiếc quá lúc ấy chưa có thi sĩ Nguyễn Đức Sơn dạy cho cái khôn ngoan của loài người: dòi một bên còn ta một bên khi ông ăn trái mận rụng cuối mùa.


Image result for bastos cigarette

Hương vị của điếu xì gà thoáng qua, nhường chỗ cho những điếu Bastos xanh, người anh em của những điếu Gaulois hay Gital tabac noir đem từ bên Maroc hai trăm năm nay. Anh Cảnh đánh máy cũng chơi thứ hạng nặng nầy nên trở thành đồng minh của tôi, phòng khi môi hở răng lạnh. Anh Cảnh cũng như bác Tường thỉnh thoảng hé mở vài ý nghĩ chính trị, nhưng cũng rất chuẩn mức, đúng là trong nhà định chuẩn.

Về ĐC tôi không còn cảnh chiều thứ bảy không tiền xe về thăm gia đình. Tôi đứng ở Rạch Dừa bên dãy quán bán thịt chó, nhìn những chiếc xe quay về Saigon mang theo những khuôn mặt nắng rám. Tôi cố nhìn thử có ai trên quen trên những xế hộp ấy, không phải để xin đi một đoạn đường mà thử biết mình nằm đâu trong cái danh giá xã hội. Chẳng một ma nào quen. Tốt nhất là vào ngân hàng Bà Sương đầu ngõ vào trung tâm, quẹt cái credit card vô hình mua lửa bao thuốc lá. Đại Tá Quách Huỳnh Hà, vừa quá vãng giữa 2010 để lại bài viết huynh đệ chi binh, ra Vũng Tàu thực hiện cuộc cách mạng hành chánh, đã lấy căn nhà gỗ ngoài thị xã, cho nên nhà tôi và các cháu phải về nhà ngoại ở Phú Lâm.

Cuộc cách mạng hành chánh ấy gồm những bài lý thuyết chính trị, những phương thức giản dị hóa hành chánh dành cho tất cả nhân viên cao cấp mà giảng viên là những cán bộ vừa được học hôm trước thế nào là một bưu điệp, một điện tín. Các ông thầy cách mạng nầy đã vào trung tâm theo thể thức tuyển mộ của Mỹ, nay qui vào thể lệ VNCH thì không cần một điều kiện bằng cấp. Một thông dịch viên nhìn vào nét chữ đánh máy không dấu "danh ca", nói với Mỹ người kia trước khi vào trung tâm là một famous singer; đương sự không nhận mình là famous singer mà là đánh cá đánh tôm. Một cuộc cách mạng trong chuổi dài cách mạng của nước mình.

Các vị như anh Kiệt của chúng ta phải mang theo mình cây Garand. Trong lúc ấy, cây súng nầy đã được thay thế trên chiến trường bằng cây M16. Garand chỉ dùng cho đội cơ bản thao diễn, trong lễ chào cờ hay đám ma. Còn mấy ông phó tỉnh học sau tôi thì đem cả samsonite bạc để xài ở Saigon sau khóa học. Trong dịp này tôi được giới thiệu với anh Kiệt. Và do đó có sự can thiệp của anh Tâm với tổng nha công vụ và bộ quốc phòng đưa tôi về VQGĐC. Và từ đó tôi có một khung cảnh làm việc khác hẳn từ nội dung đến hình thức với các nét sơ phát nói trên.

Thực tế nhất là lương bỗng rất hậu, tôi không bị giới hạn trong chỉ số đốc sự mà theo cơ quan tự trị. Xem lúa mới cho mượn tiền. Với "bồ lúa" kha khá, tôi mua được bát hụi và sang căn nhà xập xệ thuộc khu gia binh gần chợ cá Trần Quốc Toản. Mỗi khi mưa to thì ngập lụt đôi chút nhưng không quá tệ như những con đường Saigon của thời cách mạng đỏ. Tuy đóng khung trong 4 mét ngang 15 mét dọc, với cái nóng xế chiều thiêu đốt từ hướng tây, nó cũng đủ sức dung chứa một gia đình 5 người lớn nhỏ. Ông hàng xóm của tôi là Trịnh Cung, người gây ồn ào lời qua tiếng lại về Trịnh Công Sơn và là người bây giờ có cô hầu non ngang tuổi cháu ngoại. Cứ nhìn chuyện của ông họa sĩ nầy, ta có quyền nói đây là dương cơ đại địa, theo danh từ phong thủy.

Nhưng
"Thưa ông, đây là chồng tôi, mới được về hôm nay, xin ông vui lòng cho chồng tôi ở lại vài ngày". Tôi đi theo nhà tôi như đứa tớ dưới làng lên tỉnh giúp việc, qua nhà ông công an khu vực. Ông bất động như một thiền sư chìm sâu trong tam muội. Tôi nghĩ thầm nếu ông không gật đầu, thế nào tôi cũng phải ra chợ Nguyễn Tri Phương ngủ, chứ ở trong nhà thì trăm điều khốn khổ xẩy ra. Nhà tôi nhanh trí nói: Xin ông cho ở chừng ba ngày để sắp xếp đưa mẹ con tôi hồi hương, giao nhà cho chính quyền. Ông ta bật dậy như ai lấy kim chích đít: 'Được, lo sắp xếp mà đi đi nhe' ".
Căn nhà xập xệ nầy cũng giống như con trâu của một nông dân ngoài Bắc. Con trâu phải dâng hiến cho hợp tác xã, mong họ lấy cho mà đừng đấu tố chủ nhân, đừng xếp vào hàng địa chủ.

Vâng, tôi xin được an toàn, bỏ của lấy người như nông dân kia. Nhà tôi hứa giao cho chính quyền địa phương để cho tôi ra khỏi cải tạo. Người em sầu mộng của muôn đời, kẻ có đến Viện hai lần lãnh lương, cho nó cái tên căn nhà định chuẩn. Vâng, phụ nữ nhiều nhân tính hơn đám đàn ông ồn ào chúng tôi. Cánh cửa Hòn Ngọc Viễn Đông đã khép lại, "mãnh quần hồng hoen ố rượu rơi". Và trái mận của thi sĩ Nguyễn Đức Sơn, sâu đã ăn hết từ đầu chí cuối, ăn hết cả gốc cây. Căn nhà bên hông chợ cá đổi lấy mảnh quần hồng rách nát, tồi tệ hơn hoen ố rượu rơi.


hoàng trọng        --      lưu hồng




Friday, January 19, 2018

lượng định thành bại Mậu Thân 68



hầu tộc, minh họa sách Bakur, Ba Tư (1483-1530)

Xin trình làng mấy dòng phúc đáp một email từ Canada chuyển một bài viết về Mâu Thân. Độc giả có thể đọc phần nào trước cũng được.

lượng định ngắn 
về mậu thân 68
tôn tht tu

Để bênh vực HCM, có hai đường lối trông rất tương phản nhưng được phối hợp.

Thứ nhất HCM là bậc kỳ tài trên thông thiên văn dưới thông địa lý nhưng rất tiếc đã ra đi quá sớm như bao nhân vật lịch sử và tiểu thuyết chết quá sớm mà người kế vị không đủ sức đi tiếp. Ví dụ Gia Cát Lượng; Khương Duy không đủ sức, đến độ phải tạc tượng gỗ quân sư ngồi trên kiệu cho dịch quân thấy mà sợ chạy. Người ta cũng tiếc Churchill bị dân Anh bỏ phiếu chống, để cho Atlee thay thế, mà Atlee là người không có tinh tế văn học của nhà văn, không kinh nghiệm để đối đầu với CS, trùng hợp Roosevelt chết, Truman không biết xoay xở ra sao, trong lúc Staline vẫn còn sống để theo chính sách đã có từ xưa. Vì bác chết sớm cho nên cực khổ thế nầy, bác thương miền Nam hơn chính bác; mọi thứ xấu xa đều vì bác chết như bảng đỏ (bỏ đảng) v.v… cho nên bác đi thì  thật bi đát. [bác và Pol Pot cùng học một trường của Mao, may bác chết nên không có chém giết như Khmer Rouge; bản sao mà đã khủng khiếp đến tận cùng địa ngục, bản chính sẽ vô lường khiếp đảm).

Đường lồi thứ hai là nói HCM là con gà chết, bị Tôn Thất Tùng chích cho mũi thuốc; tất cả đều do Lê Duẫn, cho nên có những cuốn sách như Le Duân's War. Cầm đầu lối nầy là Bùi Tín. Ông nầy một mặt xác nhận con số nạn nhân Mậu Thân, một mặt nói HCM không trách nhiệm gì, ngoài việc làm bài thơ mà chúng dùng làm mật khẩu (liên tưởng Bộ Chiêu Hồi dùng bài ca Ngày Về của Hoàng Giác).

Bài viết nầy trông như một người tập viết chiến tranh chính trị miền Nam: trích Đội quân từ rừng về coi những người dân làm việc trong bộ máy hành chính của chính quyền Sài Gòn hoặc liên quan đến chính quyền Sài Gòn đều là kẻ thù, là ác ôn phải loại bỏ. Chiến dịch diệt ác trừ gian nhằm vào dân thường cũng diễn ra khốc liệt nhất ở khắp các thành phố, thị xã. Ngưng

Trong một bài trước (link bên dưới) tôi đã trình bày cùng thân hữu nhận xét của Patrice Honey về phái đoàn VC tại Genève, cho thấy HCM và CSVN đã quyết tâm đánh miền Nam ngay khi hiệp định 54 chưa ký. Trường kỳ kháng chiến không ai muốn nhưng phương tiện chỉ cho phép như thế. Du kích chiến tự nó không thể giải quyết chiến cuộc mà phải rút lui dành đường cho chiến tranh quy ước. Nếu ông Giáp không thấy điều nầy thì đúng là kẻ bốc phét mà Trần Hồng Tâm đã viết rất nhiều.

Trận Mậu Thân không thể xẩy ra tùy hứng của một phe nào đó. Tại sao phải đưa HCM qua Tàu? Nếu là bù nhìn thì càng cần có mặt. Ngay như bác Tôn Lò phải đưa ra làm đại diện vô Saigon làm lễ mừng. Lê Duẫn thừa biết HCM là một thần tượng và cần dùng như một con bài nếu giả thuyết trong bài là đúng. Bây giờ người Tàu vô VN rất dễ nhưng lúc ấy một phi cơ vào không phận TC không dễ gì dấu ai, đảng CS Tàu phải biết. Chắc chắn Tàu biết kế hoạch Mậu Thân, hoặc qua tình báo, hoặc được nhờ giữ hậu tuyến khi Hà Nội đưa quân vô nam. Ông Giáp, nếu bị cho đứng ngoài thì cũng hiểu được vì phe phái. Tướng lãnh và chính trị bộ cho rằng ông Giáp rất hèn trong trận Điện Biên Phủ, chui rúc trong hầm, và đêm nào cũng có một em “dân tộc thiểu số” quanh vùng để hạ hỏa dịu thần kinh.

Người ta đã không hiểu nên chế nhạo khi có người khen HCM là nhà chiến lược. HCM là nhà chiến lược, nhất là trong quan niệm chính trị điều khiển tất cả, có từ thời Lenine. Chiến lược không chỉ ở phạm vi quân sự, gây căm thù qua việc đấu tố địa chủ cũng là chiến lược.

Mô tả Nguyễn Chí Thanh ăn cơm đạm bạc với HCM trông giống truyện Tàu đưa tiển Kinh Kha. Wikidepia đã không hiểu lý thuyết chiến tranh đã viết rằng Nguyễn Chí Thanh từ trong Nam đem theo kế hoạch tấn công Tết nhưng đã chết vì tim trước khi được phép thi hành. Nhưng ý kiến nầy cho thấy NCT chưa có gì để lạc quan đến độ sướng mà chết như bài nầy đã viết. (Chết ngày 6 thg 7, 1967, nhằm ngày âm lịch là 29 thg 5 Đinh Mùi, bảy tháng trước Tết Mậu Thân).

Nói Wikidepia không hiểu chiến tranh có nghĩa kế hoạch to lớn như vậy không đơn giản chỉ để một mình NCT khai triển hành động.
Theo tình báo Dinh Độc Lập, HCM ra tận phi trường đón NCT; phi cơ cất cánh từ nội địa Kampuchea. NCT bị sức khí ép của bom B52. Các quan sát viên quân sự nghi rằng tin bị thương không đúng mà chỉ để ngụy trang. Việc NCT bỏ chiến địa về Hà Nội cho thấy chính sách lấy nông thôn bao vây thành thị đã thành công; và du kích chiến phải chuyển qua diện địa chiến, xuất đầu lộ diện. Thật vậy, đó là cái gọi là tổng công kích Mậu Thân, và sau đó có những vụ như vượt Bến Hải, dùng xe tăng v.v…

Lại có trò bố khỉ. Sự ưu ái của HCM dành cho NCT làm nhiều người lo ngại. Không rõ vua thơ nào (Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên …) đã tiếp đón người Sịa nầy với bài thơ có câu: Anh về Hà Nội nhiều phân xanh. (Phân xanh, không phải là lá mục mà là phân người). Chơi nhau đến thế chỉ có người CS với nhau. Sự đố kỵ nầy cho thấy khó lòng NCT đã hất hủi HCM.

HCM là người khôn ngoan đáo để, đàn em luôn bốc thơm. Ví dụ, HCM không muốn xây lăng? ướp xác? HCM khiêm tốn?!. Nhưng đó là một người đã tự làm thơ khen mình, xưng tôi và bác với Hùng Vương và Trần Hưng Đạo. Một người như vậy mà đã có đến ba di chúc khác nhau, than thở làm điều quấy sẽ bị nghiệp báo, thấy thấp kém hơn TT Ngô Đình Diệm, mong được diện kiến nhưng quá trễ. Học giả quốc gia hành chánh Đào Văn Bình đã viết thành cuốn sách từ những thứ nầy, lấy tin từ Paris, Bùi Tín?

Bài được chuyển viết bậy chỉ có mục đích giải tội cho HCM và trả thù cho VNG bịp ép “giữ l. chị em”. Cốt yếu vẫn để tâng bốc VNG, không có tay tui thì chuyện bất thành.

Nhưng cần biết vụ MT là một thành công của CS. Người mình hầu hết chỉ chú trọng đến thảm sát ở Huế mà không thấy VC đã chiếm tòa đại sứ Mỹ trong 6 giờ, đại sứ Bunker phải nhảy qua rào như Trí Quang nhảy từ chùa Xá Lợi qua USOM. Westmoreland đã chứng kiến xác hai bên ngập đất. CS đã kiểm soát trung tâm Chợ Lớn, từ các cao ốc bắn xuống uy hiếp, nhất là nhà hàng Soái Kình Lâm; trái rocket nhắm vào đây lại rơi vào bộ chỉ huy hành quân chết rất nhiều.

nh hưởng rộng lớn của MT là cho thấy không chỗ nào an toàn. Đó là vết thương mà miền Nam ca hát đã chữa trị, chơi kiểu người Pháp tô vẽ trận Waterloo là thất bại kiêu hùng; phe ta thì mời cọp ra khỏi rừng mà thịt, mà xơi tái. Vết thương trầm trọng, đánh Saigon, Huế nhưng điểm là White House.

Người trong Nam từ chóp bu trở xuống, ngày ngày nhai lại - như một thói quen cần thiết như thuốc an thần - tin tức cho tàu chạy ven biển, gió đông đông nam từ 5 đến 8 gút; mưa rào lẻ tẻ; tin chiến sự trong ngày hơn 200 địch bị loại khỏi vòng chiến, một số bị thương được đồng bọn mang đi, để lại vô số vũ khí; phía CH có 5 chiến sĩ hy sinh và hơn 15 bị thương được trực thăng chở về bệnh viện dã chiến. Cấp chỉ huy có một thứ thuốc an thần riêng, “mặt trận phía Tây vẫn bình yên” như trong tiểu thuyết, cho các ngài ngồi xoa mạc chược suốt ngày đêm mà các bà vợ phải la làng. Khi báo chí T6ay phương đả ngửi th6a1y, đã đưa ra Huế hững ký giả và cameraman tài giời nhất, TT Thiệu đi Mỹ Tho ăn Tết nhà vợ. Sùng nổ Saigon không ai ứng đáp; Ông Kỳ ra chỉ huy thỉ ông Thiệu Tường đảo chánh, cho ngươi đi xem, bảo đảm mới về Saion thì hành chu7ac tổng tư lệnh QLVNCH.

Dĩ nhiên đây là việc về sau: cuộc đổ bộ ngày 21 thg 11,1970 vào nhà tù Sơn Tây. Chuyện không thể có lần thứ hai, ít nhất về khía cạnh sửa soạn, dùng tất cả khả năng kỹ thuật và chiến tranh để giải cứu 61 tù binh Mỹ; trại tù chỉ cách Hà Nội 37 km. Không có chống trả, Mỹ chỉ có hai thương vong, một binh sĩ bị rớt khỏi trực thăng và một kỹ sư quỵ chân và bị các trang bị trên máy bay đè chết. Hà Nội xác nhận 6 lính canh và 7 dân sự thiệt mạng. Nhưng nhà tù trống trơn không một bóng tù binh. Kissinger quyết định đình hoản một tháng, người ta cho đó là cơ hội tin tình báo xì ra ngoài. Không giải thoát tù binh được không quan trọng bằng việc không thể xây dựng huyền thuyết khả năng “thượng đế, hiện diện nơi nơi (omnipresent) của Mỹ, nói rõ không chứng minh sự hiện hữ khắp nơi của Mỹ để trung hòa sự hiện diện của VC nơi nơi.không đủ sức vô hiệu hóa ám ảnh con ma hiện diện nơi nơi của VC.

SonTayPrisonCamp.jpgTưởng cũng nên nhớ rằng tám ngày trước Tết MT, 22 thg chạp, (21 Jan 68), trận Khe Sanh bắt đầu, không ngờ đã bôn tập đến hai sư đoàn BV. Yếu tố thời gian niên lịch nầy đã làm cho Westmoreland coi nhẹ Mậu Thân, theo ông chỉ là quấy phá để Mỹ Việt rút quân khỏi Khe Sanh cứu viện, nó không có tác dụng chính trị quân sự bằng Khe Sanh. Tây Gia Địa đã ý thức sự thay đổi từ du kích qua diện địa, điều rất đúng. Vì thích chơi súng lớn, ông say sưa với vinh quang của hỏa lực. Nếu chỉ đánh Huế mà thôi, lý luận của W có thể chấp nhận vì quân Khe Sanh từ Quảng Trị vô Huế rất gần, cứu nhân như cứu hỏa. Nhưng Saigon và những nơi khác nữa thì sao. So sánh vụ nhà tù Sơn Tây và vụ tòa đại sứ Mỹ là so sánh vào lúc xa lộ bị nêm cứng, giữa chiếc Mercedes tinh hảo và chiếc xe đạp cà tàng len lỏi lách qua lách về đến được nơi. Một bên cần đến ngần ấy kỹ thuật, ngần ấy người, một bên chỉ cần một trái lựu đạn trong rạp xi nê.

Không ai chịu nhận sự thất bại MT. Không biết địch, không biết ta. Đừng tưởng bài các bạn đang đọc là một lượng định chính trị quân sự. Nó bóp méo sự thật, kêu la thảm thiết, một khổ nhục kế để giải trừ trách nhiệm cho HCM, một lối bốc phét cho VNG, cũng giống như đưa hình VNG tay cứng như gỗ trên phiếm đàn dương cầm; khiến một người hóm hỉnh nói piano Tàu dịch là cương cầm, cương thì phải dùng củi mà nện. CS đã không thương tiếc gì lịch sử, bóp méo sự thật để trả thù cho “đại tướng xưa kia giữ đồn, bây giờ đại tướng giữ l. chị em”.


Cả ngàn năm trước, thập tự chiến thứ 6 xuất phát từ Ý, thay vì đến Jerusalem đánh Muslim, đã vô Constantinople phá hủy cướp bóc; vết thương đó chính nó đã mở đường cho đế quốc Ottoman thanh toán đế quốc La Mã phía đông và địa bàn của giáo hội Eastern Orthodox. Vua La Mã và giáo lãnh Orthodox vẫn tin sự kiên cố thành trì, vị thế địa dư, cho đến khi như hát nhái Thanh Thúy: thức giấc lúc nửa đêm thấy chuyện ôi thôi rồi. Như Istambul xưa, quân tấn công rút lui nhưng vết nức đã mở cho Muslim vào chiếm, VNCH đã lấy lại cố đô, tiếp tục cái "ba không" ồn ào mà bên dưới cái "ba có" đang hình thành. Mậu thân không phải là một biến cố riêng rẻ như một trận đánh, mà là một thay đổi cực kỳ quan trong, đưa đến 30.4.75; nó còn quan trọng hơn Điện Biên Phủ 1954. Westmoreland tin Khe Sanh là ĐB Phủ thứ hai vả không như Pháp sẽ xoay ngược bàn cờ. Rất tiếc những người liên quan đến VNCH đã không đọc Tam Quốc hay Đông Chu Liệt Quốc, nên chỉ thấy Mậu Thân là một đề tài chiến tranh tâm lý nhỏ mà em gái Dạ Lan một mình có thể gánh gồng cưu mang. She can handle it. Oh Da Lan, I love your triangle.

Xin tham khảo: 


A-Celebration-of-Women-Feature-Banner-e1352628808407 (1) 512


Bài viết từ một nhà văn cộng sản ở Hà Nội
·   Lê Duẩn nghe báo cáo về sự thật Tết Mậu Thân bịt tai bỏ chạy.
·  Tướng Giáp là người duy nhất trong Bộ Chính Trị lên tiếng không đồng tình với ý tưởng Tổng Công Kích, Tổng Khởi Nghĩa Xuân 1968

Phạm Đình Trọng
Trích Về Với Dân


Đầu năm 1967, Bí Thư Trung Ương Cục miền Nam, Đại Tướng Nguyễn Chí Thanh mới từ mặt trận miền Nam trở ra Hà Nội đã cùng Bí Thư Thứ Nhất Ban chấp hành trung ương đảng Lao Động Việt Nam Lê Duẩn hình thành ý tưởng Xuân Mậu Thân 1968 Tổng Công Kích, Tổng Khởi Nghĩa, giành thắng lợi quyết định và chỉ đạo cục Tác Chiến Bộ Tổng Tham Mưu làm kế hoạch thực hiện.

Trong mười một ủy viên Bộ Chính Trị, Tướng Giáp là người duy nhất lên tiếng không đồng tình với ý tưởng Tổng Công Kích, Tổng Khởi Nghĩa Xuân 1968. Theo ông sức mạnh chiến tranh của quân Mỹ, quân đồng minh ở Nam Việt Nam và quân đội Sài Gòn đang trên đỉnh cao với hơn nửa triệu quân Mỹ và quân đồng minh, gần một triệu quân Sài Gòn. Chưa đủ thời gian thấm đòn chiến tranh nhân dân của ta, hơn nửa triệu quân Mỹ với máy bay chuyển quân bay rợp trời, xe tăng dàn trận bò kín đất đang chủ động mở những cuộc hành quân lớn đánh vào vùng đất quân giải phóng kiểm soát. Lúc đối phương lực đang còn mạnh và thế đang lên mà dốc vốn vào tổng công kích trận cuối cùng chỉ cháy túi, kiệt vốn, tự sát. Căn cứ quân nước ngoài không đặt trong thành phố, thị xã. Đánh vào tất cả thành phố, thị xã, trung tâm hành chính đông dân là nhằm vào người dân. Đẩy mức độ ác liệt của chiến tranh lên cao ngay trong thành phố là mang chết chóc đến cho dân lành và dàn mỏng lực lượng ta ra phơi mình trên địa hình trống trải, lạc lõng trong đường phố bàn cờ nhằng nhịt sẽ bị tiêu diệt đến người lính cuối cùng, chỉ tự chuốc lấy thương vong lớn, không thể có chiến thắng quyết định.

Thời điểm này chỉ nên mở cuộc tập kích chiến lược: Bất ngờ đồng loạt đánh vào tất cả các căn cứ quân Sài Gòn, quân Mỹ và đồng minh trên toàn miền Nam, cùng với tiêu hao sinh lực là đánh mạnh vào tinh thần chiến đấu của đối phương, thúc đẩy phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ đòi Chính Phủ đưa con em họ về nước, tạo ra bước ngoặt về cục diện chiến tranh. Khi yếu tố bất ngờ không còn, sức mạnh của đội quân khổng lồ, sức mạnh của vũ khí, sức mạnh của công sự phía đối phương được phát huy thì ta phải thu quân bảo toàn lực lượng cho những chiến dịch đánh lớn và quyết định tiếp theo.

Lý giải đúng đắn đó của Tướng Giáp chỉ là một ý kiến lẻ loi đã bị bỏ qua.

Tháng 6 năm 1967, dưới sự chủ trì của Bí Thư Thứ Nhất Lê Duẩn, hội nghị trung ương 14, khóa ba quyết định Tổng Tấn Công và Tổng Khởi Nghĩa Tết Mậu Thân 1968.

Chiều 5. 7. 1967, Bí Thư Trung Ương Cục miền Nam Nguyễn Chí Thanh được Chủ Tịch Hồ Chí Minh mời cơm trước hôm lên đường trở lại miền Nam triển khai chiến cuộc Xuân Mậu Thân 1968. Từ bữa cơm đạm bạc, thân tình ở ngôi nhà sàn trong phủ Chủ Tịch trở về nhà riêng ở phố Lý Nam Đế, Bí Thư Trung Ương Cục miền Nam rạo rực nghĩ đến chiến thắng trong tầm tay. Niềm tin chiến thắng Xuân Mậu Thân mạnh đến nỗi suốt đêm đó Bí Thư Trung Ương Cục miền Nam Nguyễn Chí Thanh âm thầm vui sướng đến mất ngủ. Quá phấn khích, rạng sáng ngày 6.7.1967, ông bị cơn nhồi máu cơ tim cướp đi mạng sống.
Còn Bí Thư Thứ Nhất Lê Duẩn, đồng tác giả Tổng Công Kích Xuân Mậu Thân 1968, cũng có niềm tin vững chắc vào chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968 đến mức ông đã trù liệu cả việc giành độc quyền chiến thắng, không cho những đối thủ chính trị được ghé tên, chia phần chiến thắng của ông bằng cách không để Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp có mặt ở trong nước trong suốt thời gian chuẩn bị và quá trình diễn ra chiến cuộc Xuân Mậu Thân 1968.
Không có mặt ở trong nước là không can dự gì vào chiến cuộc Xuân Mậu Thân 1968. Chiến cuộc Xuân Mậu Thân 1968 chỉ hoàn toàn từ Lê Duẩn, do Lê Duẩn, của Lê Duẩn.

Từ 5.9.1967, Hồ Chí Minh cùng người thư kí riêng thân tín đã phải lẻ loi, âm thầm rời đất nước sang Bắc Kinh nghỉ ngơi theo “ quyết định của Bộ Chính Trị và hội đồng bác sĩ ”!
Gần bốn tháng sau, mãi đến 23.12.1967 Hồ Chí Minh mới được điện mời về để tham dự cuộc họp Bộ Chính Trị ngày 28. 12. 1967 và để đọc lời chúc Tết Mậu Thân 1968 cho đài phát thanh Tiếng Nói Việt Nam ghi âm. Xong việc, ngày 2.1.1968 Hồ Chí Minh lại tất tả, lủi thủi lên máy bay sang Tàu.

Là Chủ Tịch Đảng, Chủ Tịch nước, có quê hương đất nước, có mấy chục triệu thần dân sùng bái mà Tết Mậu Thân 1968 tuổi già Hồ Chí Minh phải đón Tết bằng bánh bao, cơm Tàu, trong cô đơn, trong trống vắng lạnh lẽo nơi đất khách quê người như một kẻ thất thế lưu vong, không người thân thích, không hoa đào mứt tết, không bánh chưng, dưa hành. Đối xử như vậy với đương nhiệm Chủ Tịch đảng, đương nhiệm Chủ Tịch nước lại đã ở tuổi 78, thật tệ bạc, tàn nhẫn và độc ác!
Lại nữa, với âm mưu gì mà bố trí để một người già gần 80 tuổi đi chuyến bay vào đêm đông giá rét? Rồi khi máy bay hạ cánh trong đêm thì người lái lâu năm thuộc đường băng liền phát hiện ra đèn sân bay lệch mười lăm độ, máy bay phải lượn đến vòng thứ hai vẫn không dám hạ cánh. Báo cho sân bay nhưng đèn dẫn đường hạ cánh vẫn không thay đổi. Nếu là người lái chưa thuộc đường băng cứ hạ cánh theo đèn dẫn thì máy bay đã trượt khỏi đường băng và nổ tung rồi. Nhờ người lái lão luyện thuộc đường băng như thuộc đường ngõ xóm nhà mình nên cho máy bay hạ cánh theo trí nhớ, nhờ thế máy bay mới an toàn, người đi chuyến bay đó là Hồ Chí Minh mới còn mạng sống.

Không biết trong toan tính giành độc quyền chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968, Bí Thư Thứ Nhất Lê Duẩn có tính đến sự cố chuyến bay chở Hồ Chí Minh hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm đêm 23. 12. 1967 không nhỉ? Một sự cố nghiêm trọng như vậy mà cho chìm xuồng lặng lẽ, không điều tra làm rõ cũng là điều rất không bình thường. Sự cố tày đình đó do sơ xuất của những người quản lí, khai thác sân bay gây ra, tất sẽ được tìm ra và truy cứu trách nhiệm đến nơi đến chốn. Không được điều tra làm rõ, chỉ có thể là sự cố được bí mật tạo dựng bởi quyền lực tối cao như từ trên trời rơi xuống, không ai dám đụng đến, không thể khui ra, thôi đành cho qua!

Trong những ngày Hồ Chí Minh sống khắc khoải cô đơn bên Tàu thì Võ Nguyên Giáp cũng phải ngậm ngùi sống ở trời Tây Hungary hiu quạnh.
Chiến cuộc Xuân Mậu Thân 1968 đã diễn ra đúng như những gì Võ Nguyện Giáp đã cảnh báo: Mang chết chóc đến dân lành và đội quân ở rừng đánh vào thành phố, ở lại giữ thành phố đã phải chịu tổn thất nặng nề nhất trong suốt cuộc chiến tranh ba mươi năm.
Hai bên tham chiến đã thỏa thuận ngừng chiến dịp Tết Nguyên đán để người dân được bình yên ăn tết.Bội ước thỏa thuận, đúng giao thừa Tết Mậu Thân, đêm 31.1.1968 lịch tây, đội quân ở rừng do Hà Nội chỉ huy, thực sự là đội quân miền Bắc, nổ súng đánh vào tất cả các thành phố, thị xã, thị trấn trên toàn miền Nam. Bị bất ngờ, quân miền Nam và đồng minh không kịp phản ứng, đành để mất nhiều khu vực trong các thành phố, thị xã cho đội quân miền Bắc làm chủ. Tình thế này dẫn đến hai hậu quả.

Một. Vùng thành phố, thị xã do quân miền Bắc làm chủ trở thành nơi chiến sự ác liệt nhất, nơi tập trung bom đạn của cả hai phía, nơi tắm máu dân lành. Thành phố Huế là nơi quân miền Bắc ở lại lâu nhất, 28 ngày, cũng là nơi tang thương nhất. Hơn 116 000 ngôi nhà bị tàn phá, trong đó 9 776 ngôi nhà bị san bằng, 3 776 dân lành bị bom đạn giao tranh giết chết. Đội quân từ rừng về coi những người dân làm việc trong bộ máy hành chính của chính quyền Sài Gòn hoặc liên quan đến chính quyền Sài Gòn đều là kẻ thù, là ác ôn phải loại bỏ. Chiến dịch diệt ác trừ gian nhằm vào dân thường cũng diễn ra khốc liệt nhất ở khắp các thành phố, thị xã.

Hai. Đội quân miền Bắc đánh vào thành phố chỉ nhờ yếu tố bất ngờ mà giành được thắng lợi ban đầu. Yếu tố bất ngờ không còn, đội quân đánh vào thành phố từ chủ động thành bị động, phải lấy thế yếu, thế bị động, thế cô lập, bị bao vây, chia cắt, phơi mình ra trên địa hình đường phố trống trải và lạ lẫm đương đầu với thế mạnh áp đảo của đội quân miền Nam. Cố giữ các thành phố, thị xã, những trung tâm hành chính để hòng dựng lên một chính quyền cách mạng thay thế chính quyền Sài Gòn nhưng càng cố giữ thành phố, thị xã thì các thành phố, thị xã miền Nam càng trở thành vực thẳm không đáy chôn vùi quân miền Bắc.
Đơn vị sau thế chỗ đơn vị trước đã bị xóa sổ nhưng đơn vị thế chỗ càng về sau quân số càng ít ỏi! Nhiều đơn vị, cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, cả du kích bị xóa sổ nhiều lần! Nhiều đảng bộ, chi bộ hy sinh trắng không còn một đảng viên!
Tết Mậu Thân 1968 là thảm họa người Việt giết người Việt với quy mô lớn nhất, quyết liệt nhất, mê say nhất, tàn bạo nhất và số người bị giết lớn nhất, phải tính tới con số hàng trăm ngàn mà bên bị tổn thất về người nặng nề nhất chính là đội quân dồn dập đánh vào các thành phố, thị xã miền Nam dưới sự đôn đốc từ Hà Nội do sự háo danh của người nhiều tham vọng quyền lực.

Lứa nhà văn quân đội chúng tôi hình thành trong cuộc chiến tranh Nam Bắc được Tổng Cục Chính Trị tập hợp về từ giữa năm 1976 đến mùa hè năm 1984 vẫn đang có mặt đông đủ ở Vân Hồ Ba, Hà Nội. Và Vân Hồ Ba Hà Nội trở thành địa chỉ thường xuyên lui tới của những người cầm bút đất kinh kỳ.
Một buổi chiều muộn nhà văn Bùi Bình Thi phóng xe máy từ nhà sáng tác Quảng Bá, Hồ Tây đến Vân Hồ Ba hấp tấp kể với chúng tôi câu chuyện nhà văn vừa chứng kiến về người khởi xướng vụ tắm máu Tết Mậu Thân 1968 chạy trốn, chối bỏ trách nhiệm trước người dân, trước lịch sử.
Sau một ngày đóng cửa hì hục viết, trước bữa cơm chiều, các nhà văn đang ở trại sáng tác Quảng Bá thường sang phòng nhà văn quân đội, Đại Tá Xuân Thiều tán chuyện đợi nhà bếp mở cửa. Chiều nay vừa đủ mặt thì bỗng Tổng Bí Thư Lê Duẩn cùng người bảo vệ xuất hiện ở cửa phòng.
Từ đại hội lần thứ tư cuối năm 1976, đảng Lao động Việt Nam đã đổi tên thành đảng Cộng sản Việt Nam và chức Bí Thư Thứ Nhất đổi thành Tổng Bí Thư. Khu nhà nghỉ của cơ quan Trung Ương đảng Cộng sản bên Hồ Tây, cách nhà sáng tác của hội Nhà Văn dăm phút đi bộ. Tổng Bí Thư Lê Duẩn đang nghỉ ở đó. Buổi chiều ông đi dạo và ghé vào nhà sáng tác của các nhà văn.
Các nhà văn đều là đảng viên Cộng sản nhận ra Tổng Bí Thư của mình liền nồng nhiệt đón tiếp. Tổng Bí Thư vui vẻ hỏi tên từng nhà văn. Nghe nhà văn Xuân Thiều tự giới thiệu là Đại Tá, Tổng Bí Thư tươi cười hỏi: Đại Tá hỉ? Nhà văn Đại Tá hỉ? Tốt hỉ? Nghe nhà văn Bùi Bình Thi xưng tên, ông bảo: À, à, Thi lãnh đạo hội Nhà Văn hỉ? Nhà văn cao lớn Bùi Bình Thi có nước da ngăm ngăm đen, có khuôn mặt đầy đặn và hàng lông mày rậm giống nhà văn Nguyễn Đình Thi vội cải chính: Dạ, thưa bác, cháu là Bùi Bình Thi, không phải Tổng Thư Ký hội Nhà Văn Việt Nam Nguyễn Đình Thi ạ!

Trong không khí vui vẻ, nhà văn Xuân Thiều giãi bày: Thưa bác, tôi là Xuân Thiều, Đại Tá, nhà văn quân đội. Tôi đang viết tiểu thuyết về Huế trong tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Tôi thấy Tết Mậu Thân sáu tám ở Huế chết chóc nhiều quá, mất mát đau thương lớn quá. Bộ đội chết không còn người để chôn nhau. Dân chết cũng nhiều...
Mới nghe có thế, Tổng Bí Thư đã đứng bật dậy, đỏ mặt quát: Ngu! Ngu! Đại Tá mà ngu!... rồi ông đùng đùng bước nhanh ra cửa như chạy trốn.