poppy đỏ, tượng trưng thế chiến thứ nhất
Mỹ tham gia thế chiến thứ nhất
Edith
Wharton, ttt dịch
Dẫn
nhập: Khi thế chiến 1 còn 9 tháng nữa mới chấm dứt, Edith Wharton đã thuyết trình ngày 18-2-1918 bằng tiếng Pháp trước một cử tọa gần 400 người giải thích vì sao nước Mỹ tham chiến. Theo nữ sĩ nầy, hành vi ấy có tính chất lý tưởng, căn cứ vào lịch sử lập quốc, tuy gần cuối bà nêu tính chất vụ lợi là chận nguy cơ trong tương lai. Với những thực tế chiến tranh vừa qua, chúng tôi không lấy gì nhiệt tình cho lắm với bài nầy. Nhưng cố đưa qua tiếng Việt vì sự dẫn giải của Edith Wharton giúp người đọc hiểu thêm rất nhiều về nước Mỹ, có ghi những điều mới lạ như mục sư có cả giá gỗ treo cổ người phạm tôi lượm củi ngày chủ nhật hay phê bình chút ít người Chúa chọn. Tác giả khá thẳng thắng, và theo báo TLS bà hiểu biết sâu sắc lịch sử HK. Edith Wharton (1862-1937) viết rất nhiều thể loại, sáng tác, phê bình, nghiên cứu…quen biết hầu hết các nhân vật hữu danh hai bên Đại Tây Dương, kể cả tổng thống Theodore Roosevelt. Chúng tôi theo bài America At War của Virginia Ricard đăng trên TLS (Time Literary Supplement) London,
Feb14-2018; chưa
tìm ra bản
tiếng Pháp.
Ngôn
ngữ đã tạo nên sự khác biệt căn bản sâu đậm giữa người Pháp và người Mỹ; khác
biệt nầy còn sâu sắc hơn sự khác biệt giữa các dân tộc cùng nguồn gốc La Tinh
có những tiếng nói cùng một nguồn chung. Khi một người Ý hay Tây Ban Nha cần diễn
dịch ý tưởng qua tiếng quý vị, họ tìm được những chữ tương đồng dễ dàng hơn
chúng tôi, người Mỹ. Đối với một người thuần túy gốc Anglo Saxon, ngoài sự khó khăn
phát âm, còn có thêm khó khăn trong việc tìm những tiếng Pháp tương đồng mà diễn
tả ý nghĩ Mỹ. Tôi lưu ý trở ngại nầy thì không phải vì cầu xin sự dung thứ của
quý vị; nhưng vì tôi được mời nói về xứ sở của tôi; và một trong những vấn đề
tế nhị nhất liên quan đến mối quan hệ giữ hai dân tộc lại chính là vấn đề tạo
nên bởi sự khác biệt giữa hai ngôn ngữ. Nếu Hoa Kỳ và Pháp là hai lân quốc thì
trở ngại nầy có thể giảm thiểu; nhưng chúng ta phải đối thoại qua trung gian của
báo chí hay các lời tuyên bố chính thức. Mỗi khi thấy báo Pháp dịch bài diễn
văn hay lời tuyên bố của Mỹ, tôi ngại thế nào cũng có hiểu lầm.
Xin
phép đưa ra một ví dụ. Khi đến Paris, ông House (đại sứ?) đọc trước báo chí một bài diễn
văn đơn giản, khiêm tốn và trang trọng, nếu hiểu đúng tiếng Anh. Ông bắt đầu
như thế nầy “America is already mobilizing her millions in the
factories, the fields and the trenches”. Rút ngắn, rút gọn là đặc tính trội yếu
của tiếng Anh. Chúng tôi gạt ra nhiều chữ, có khi cả một thành ngữ dài được hiểu
một cách bao hàm; chuyện nầy không xẩy ra trong tiếng Pháp. Ông House không nói
“millions of men” (hàng triệu người) bởi lẽ chữ men đã bao hàm trong toàn
câu. Những ai sành tiếng Anh thì không thể hiểu nhầm. Nhưng nhiều báo Pháp đã
viết: “L’Amérique a déjà mobilisé ses millions dans les usines”, etc., (Mỹ đã
huy động hàng triệu trong các xưởng), có nghĩa trong tiếng Pháp là ”hàng triệu
Mỹ kim”. Như vậy, ông House đáng thương được hình dung như “chú khách Mỹ” túi đầy
dollars khi bước vô thềm nhà của quý vị. Ví dụ nhỏ nhưng tiêu biểu nầy cho thấy
thật vô cùng khó khăn mà diễn dịch tiếng Anh, như trong trường hợp nầy, dịch giả
khư khư từng chữ trong nguyên bản.
Quý
vị có thể vặn lại mà nói rằng trong tinh thần chung, những hiểu lầm như thế rồi
ra sẽ được làm sáng tỏ. Nhưng tôi đặt ra như vậy vì sự bất đồng ngôn từ thường
là đầu mối bất đồng tâm tưởng. Cho dù xuất phát từ nguồn gốc chung, ngôn tự đã
trải qua các sự thay đổi bí mật khi chúng được đưa vào một ngôn ngữ khác; những
thay đổi ấy ảnh hưởng tâm tư và bóp méo sự suy nghĩ.
Ngôn
ngữ của chúng tôi ngắn gọn và nhiều khi cách thức diễn tả cũng như thế. Chúng
tôi thích đi tắt, đi băng; trong lúc quý vị đi theo những con lộ đã được vạch
ra bởi một truyền thống rực rỡ lâu đời. Hơn cả ngàn năm nay, quý vị dùng những
con đường rộng mà đế quốc La Mã kiến tạo khắp nước Pháp; trong lúc cha ông
chúng tôi phải chặt cây, kéo nhánh để khai thông một lối đi trong rừng già.
Song hành nầy có thế giúp hình dung bối cảnh tinh thần của tiền nhân chúng
tôi. Đa số các cụ, hay ít nhất lớp người ảnh hưởng sâu đậm tính chất Mỹ, đã
chán ghét những lối đã đi mòn, những định chế cũ và nhất là những sự lợi dụng ức
hiếp xưa nay. Họ rời bỏ Âu Châu để cho các ý tưởng được thả lỏng (tuy những ý
tưởng nầy tại thân chẳng có gì hay; vì các cụ vẫn ở trong vòng những tranh luận
thần học). Nói toạt ra, lớp người nầy cuồng tín, gây phiền phức, không cam chịu
đựng; đó là lớp người mà thiên nhiên thỉnh thoảng tạo ra trong mục đích khởi động
một phong trào quần chúng rộng lớn, hay dọn dẹp khai hoang cả lục địa; bởi lẽ số
người dễ thương, hiểu biết không chịu thay đổi điều gì trong trật tự hiện tại.
Pilgrims đi nhà thờ
Những
dòng nầy đã đặt tôi đúng trong đề tài muốn trình bày: những nguồn gốc của xứ sở
chúng tôi, nào đâu là những rễ ăn sâu trong quá khứ. Hôm nay tôi được yêu cầu
nói về: nước Mỹ lâm chiến, lý do chúng tôi nhảy vào cuộc chiến. Những lý do nầy
không nằm trong nhu cầu bảo vệ biên giới đang bị hăm dọa hay trong sự bảo vệ nền
kinh tế hay hệ thống quốc phòng. Nhưng chúng nằm trong quá khứ. Từ khi quốc gia
chúng tôi lâm chiến, tôi mới nhận định rằng rất nhiều người Pháp không biết rõ
cái quá khứ nầy.
Tôi
không muốn bất công với quý vị mà nói rằng quý vị luôn xem người đồng hương của
tôi là “chú khách Mỹ”, những chủ đồn điền béo mập, tay vung vàng khắp nơi,
chuyên giải quyết những tranh chấp và ngộ nhận bằng tiền. Tôi xin hỏi phải
chăng quý vị vẫn còn tin rằng cha ông chúng tôi đến Mỹ chính yếu để kiếm tiền
cho con cháu tiêu xài thỏa thích ở các khách sạn hàng đầu Âu châu. Nhưng chỉ một
số rất ít trong quý vị mới chú ý rằng chúng tôi tiêu số dollar ấy trong các tiệm
đồ cổ, những phòng tranh, thấy chúng tôi đưa lên xe những bức hoành Fragonard,
thảm Boucher và tượng đồng Rodin. Rồi có vị châm biếm nói: bọn mọi rợ lượm chiến
lợi phẩm. Dần dà quý vị tạo nơi chúng tôi vài thị hiếu, chúng tôi đã biết nơi nào mua, mua thứ gì đem về trang hoàng nhà cửa triệu phú. Lòng nôn nóng của chúng
tôi đối với hàng hóa thanh lịch rất rộng lớn và rất ấu trỉ; quý vị đã thấy ngàn
lần, lắm khi cười đùa diễu cợt. Nhưng đó là hậu quả của quá khứ, một quá khứ khắc
khe, cay nghiệt và không có gì vui.
Bắc
Mỹ đã được thuộc địa hóa bởi nhiều giống người, trong những thời điểm khác
nhau. Việc nầy còn tiếp diễn đến ngày nay, và qua 150 năm rồi (từ 1918), chúng
tôi trở thành mãnh đất thử thách, thí nghiệm dân chủ. Tuy nhiên, nét hằn trên
linh hồn chúng tôi do người Anh in sâu. Cả hai, Thánh Kinh Anh và Thường Luật
Anh đã nhào nắn linh hồn Mỹ. Thánh kinh Anh đã nặn hình hài chúng tôi.
Và
công việc đầu tiên của tôi hôm nay là giúp quý vị hiểu thêm tâm thức đã điều dẫn
những người du hành trên tàu Mayflower (Mayflower Pilgrims). Tôi muốn nói những
kẻ du hành rời nước Anh xưa năm 1620 để thành lập New England. Như đã nói trên,
đấy là những kẻ cuồng tín, cứng cỏi, độc ác, ganh tỵ, hăng hái tìm cách thoát
khỏi sự thanh trừng của giáo hội quốc gia Anh, rồi đến lược mình thanh trừng kẻ
khác. Bị thanh trừng hôm qua thì hôm nay thanh trừng kẻ khác. Nói đến đấy thì
không nên quên rằng những kẻ Thanh giáo Tân Thế Giới sống còn, tự tồn trên những
nguyên động lực hoàn toàn vô vụ lợi. Việc thuộc địa hóa những tiểu bang Đại Tây
Dương không phải là một cuộc vận hành kinh tế. Người Thanh giáo không đến đó để
kiếm tiền hay danh vọng, và ngay cả không để che dấu một quá khứ tồi tệ khôn lường.
Họ có đầu óc hẹp hòi nhưng có danh dự, khả kính, hầu hết có tiền tài nhưng hy
sinh tất cả - gia tài, danh vọng, bạn hữu và cả sự an lạc cá nhân để đi thành lập
một thuộc địa, trong khí hậu thời tiết thiếu thuận lợi, trên vùng đất có thổ
dân không thân thiện; nơi cõi mới nầy mọi người được tự do thờ phụng Thượng Đế
theo những tín điều của phái mình và tự do tố cáo láng giềng không hành đạo
đúng cách. Để đạt mục đích nầy, họ gạt bỏ các lạc thú của một xã hội có tổ chức,
bỏ những lối sống thân yêu xưa ở Anh
quanh các lâu đài và nhà thờ.
Trong
khi nền thần quyền nầy được kiến tạo trên những lớp đá cứng Massachusett, những
thương gia Hòa Lan – gồm toàn những con buôn giàu có, những doanh nhân sành sõi
trong nghề - xây một vựa lông thú ở cửa sông Hudson, mậu dịch với người bản xứ ở Ngũ Hồ và phía Bắc.
Những người Hòa Lan bền chí nầy chả nghĩ gì đến việc lập một thần quyền; họ đến
Mỹ để tìm một khai lộ, một chi nhánh cho nền thương mãi Hòa Lan, nói cách khác
họ đến vì tiền. Sau vài năm cố gắng trần ải và thất vọng; họ sắp xếp dựng một nền
hành chánh vững và gia tăng lợi lộc. Thuộc địa của họ được cai trị bởi những
người danh tiếng; khi Anh quốc chiếm, con cháu các thống đốc xưa vẫn ở lại New
Amsterdam. Thị trấn nầy đổi tên thành New York với định mệnh trở thành thương trường chính của Tân Thế Giới.
Mary Dyer bị đưa đi treo cổ bởi thần quyền Thanh Giáo Puritan' Boston 1660
1661 vua Anh cấm xứ tử phái Quaker, 1684 hủy bỏ hiến chương Massachusett.
Vậy
ngay từ đầu thế kỷ 17, sống cạnh kề nhau, một bên là Massachusett tối tăm cuồng
tín, thành hình năm 1620 để kiến lập sự cai quản của tinh thần và bên kia là tiểu
bang New York xuất hiện bảy năm sớm hơn để thành vương lãnh của dollar. Một bên
là bình đẳng dân chủ, rủ bỏ sự giàu có vật chất, chống đối mọi lưu dấu của tước
vị, của đặc quyền lối Âu xưa; bên kia một xã hội vừa thương mại vừa trọng quý tộc,
hậu duệ của nhóm quyền thế đầu não của The Dutch West India Company. Xem đó, hiện
diện chung vách là hai nhóm người đại diện hai nguyên động lực chính yếu của thế
sự đời người: ý nguyện hy sinh mọi thứ vì một tin tưởng luân lý, trí thức và ước
muốn giàu sang cùng hưởng thụ cuộc sống trần gian.
Tôi
là một hậu sinh của những thương gia Hòa Lan và của người Anh kế tiếp, tôi phải
xin thú nhận rằng tôi vui sướng đã không được nuôi dưỡng dưới bóng đen của nền
thần quyền Massachusett. Tuy vậy, tôi vẫn phải công nhận rằng những kẻ hy sinh
tất cả vì lý tưởng là những người đã tạo nên hình dạng linh hồn xứ sở của tôi
rõ nét nhất, hơn cả bởi những người đi kiếm lợi lộc vật chất, tuy cả hai đều gặp
nguy hiểm như nhau.
New
York – cùng những trào lưu dính liền với New York: thích lợi lộc, kính nể đẳng
cấp và tài sản, thèm những món ăn sang, mong cầu êm ấm của chăn bông – là một
khí cụ hữu dụng để chỉnh sửa bù đắp ý thức hệ đen tối Thanh giáo bằng cách đóng
góp vào khuôn mặt quốc gia sự hưởng thụ lành mạnh những của quý trên đời. Cần
ghi nhận thêm rằng những ý tưởng nay còn sống sót đã được nẩy sinh từ sự hy
sinh vô vụ lợi; và rằng nhóm quá khích mà tàu Mayflower đã thẩy lên bờ Plymouth
Rock luôn luôn nhắc nhở chúng tôi tinh thần quốc gia mỗi khi gặp khủng hoảng
trong lịch sử đất nước.
Những
người nầy khi chưa đến đất liền đã vạch ra kế hoạch hành chánh hàng tỉnh; đó
cũng là hiến chương (hiến pháp) thành văn đầu tiên được biết bởi những dân tộc
nói tiếng Anh.
Xã
hội mà họ xây dựng thuộc loại nào? Tuy mang những ý tưởng về chính quyền có từ
thời xa xưa, những người lập cư đưa ra nhiều cải biến trong tổ chức tỉnh thị và
giúp cho các tư tưởng dân chủ bị chính quyền mẫu quốc bóp nghẹt được khai phóng
nhanh chóng ở Tân Thế Giới. Trong tình trạng thiên nhiên hoang dã, nơi mỗi nhóm
di dân thiết lập một trung tâm riêng rẻ, cách biệt với vùng lần cận bởi lớp rừng
dày, đơn vị chính trị duy nhất có thể quan niệm là thị xã (township), gồm nhiều
ấp, gần giống như “commune” của Pháp. Theo hiến chương, bất cứ cá nhân nào được
công nhận là thành viên đều có quyền tham gia vào chính sự. Kế hoạch nầy dẫn đến
hậu quả là các buổi họp toàn thị xã, những hội nghị cộng đồng nầy là gốc của
các tự do thị thành Massachusett. Như
một sự kiện, ý nghĩ thành lập các chính quyền địa phương Mỹ đã có trong hiến
chương nầy, ngoại trừ tự do tôn giáo mà New England có được sau một cuộc thư hùng
khiếp đảm với quyền lực của một giáo hội khép kín không tương nhượng.
Trên
Tân Thế Giới, dân chúng trong các thôn ấp u ám ấy có cuộc sống ra sao? Chèn giữa
nhũng rừng già mênh mông, xây trên bờ biển bão táp, những ngôi nhà khiêm tốn bằng
gỗ của họ bị tuyết phủ sáu tháng một năm. Dân làng không bao giờ ra khỏi nhà trừ khi phải đi qua tuyết đến nghe bài giảng của mục sư cai quản giáo khu. Không ai
được phép vắng mặt các buổi học giáo lý. Trong những nhà thờ bằng gỗ, mong manh
gió lọt, không có một lò lửa sưởi ấm, mọi người ngồi nghe mục sư huyên thuyên
giờ nầy qua giờ nọ. Ông dạy rằng theo chủ thuyết Westminster Confession, trẻ
con chết trước khi được rửa tội sẽ bị đốt vĩnh viễn dưới địa ngục, rằng quan tòa
và các mục sư có nhiệm vụ xem chừng làm sao cho những người đến dự lễ vẫn giữ
nguyên vẹn sự tin tưởng vào chủ thuyết; rằng kẻ nào đi kiếm củi ngày chủ nhật sẽ
bị treo cổ; những ai đụng chạm người Chúa chọn cũng sẽ chịu án nầy.
Mục
sư có thể truyền giảng hai hay ba giờ liền. Sự lạm dụng đã đến mức trầm trọng;
các thẩm phản phải can thiệp, nại rằng nhịp độ của thánh lễ liền liền mỗi ngày
buộc người lập cư phải ngưng làm việc, phụ nữ bỏ bê việc nhà. Các buổi lễ dài
quá, giáo dân không thể đêm khuya về nhà xuyên các khu rừng nguy hiểm. Mục sư
đáp rằng ngày và đêm không đủ giờ để nêu rõ các nguy cơ của dị giáo, không đủ
giờ để lên án công khai tội trọng của tín đồ. Các ông tòa phải nhường bước và
các buổi lễ tiếp tục như xưa.
Phía
tín đồ, họ có nhiều lối phản ứng trước lời hùng biện tôn giáo không
ngưng nầy. Nhật ký của ông X cho thấy ông đã dự một buổi lễ dài sáu giờ trong một
nhà thờ không có lò sưởi vào lúc thời tiết lạnh cóng lưng nhưng ông không thấy
lạnh vì thần lực của lời giảng, và ông vinh danh Thượng Đế. Một nơi khác, một
người đàn bà đáng thương tên Ursula Cole đã xưng tội đã nói với người hàng xóm
bà nghe tiếng mèo kêu khi mục sư bắt đầu mở miệng; bà bị kết tội phỉ bán, phạt
750 franc hay bị đòn. Có lẽ bà chọn bị đòn. Mục sư nào cũng có roi, gậy, gông
cùng, xiềng xích và giá treo cổ. Quý vị đã biết những kẻ bị gọi là phù thủy bị
tra tấn như thế nào; mà hoàn cảnh lại sinh ra một lớp chỉ điểm bày chuyện hại
người trả thù riêng. Nếu một chế độ theo kiểu nầy còn sống dai, HK không thể
thành một cường quốc ngày nay.
Tôi
đã quá chú tâm đến bức tranh thảm não nầy, bởi lẽ, những người ấy - đàn ông lẫn
đàn bà sắt đá như nhau, khắc khổ như nhau, tự kỷ như nhau – đã tạo nên những hạt
giống nẩy mầm thành nền văn minh của chúng tôi. Ngay lúc bắt đầu, trong số nầy,
có vài người có ý chí như nhau nhưng đầu óc rộng rãi hơn đã xây trường học, các
đại học và khai phóng tư tưởng. Một trăm năm sau (tính đến 1918), người Mỹ biết
chơi bài, đi xem hát, lo may sắm, hát hò nháy múa, các mục sư làm lễ ngắn hơn
ít hơn. Nhưng những mùa đông dài New England, chuổi kinh hoàng kết bởi những cái
chết bạo động, những sự trừng phạt liên miên vì lý do tôn giáo đã để lại một
bóng đen trên linh hồn Mỹ. Người Mỹ nhảy múa ca hát nhưng nhảy múa ca hát trên
miệng núi lửa, núi lửa nơi địa ngục của các giáo trưởng, giáo lãnh.
Trong
lúc New England phát triển khó khăn, những người đến sớm hơn vài năm đã làm chủ
vùng đất ngày nay kéo dài từ New Mexico đến Pennsylvania. Từ năm 1620, thuộc địa
Virginia trực tiếp dính liền với vương triều Anh; được chia thành những lãnh địa
lớn giao cho các quý tộc muốn thử thời vận ở Tân Thế Giới. Khí hậu ôn hòa, đất
phì nhiêu nên thuộc địa bung nở về kinh tế. Nhờ sự canh quản nhân đạo của Giáo
hội Anh Quốc, một xã hội văn minh đã được phát triển; nếu đem so với chỗ nầy
thì New England quả là man ri như thời đồ đá.
Nhưng,
than ôi, một ngày nào đó, một chiếc thuyền buôn Hòa Lan cập bến dỡ hàng và dỡ
xuống đất vài người da đen để được bán chung với những thứ tàu chở đến.
Ngày
ấy, chế độ nô lệ bắt đầu ở HK. Ngày ấy còn đánh dấu sự khơi mào hủy diệt về
chính trị và thương mại của các tiểu bang phía nam. Những người Phi châu lạc
lõng ấy, như những hung thần, đã mang đến những độc tố làm tan rả và chết. Ấy vậy,
chúng tôi không chết không tan rả nhưng liên bang rộng lớn nầy đã phải chịu đựng
nhiều giai đoạn hiểm nghèo; bởi lẽ nô lệ đóng vai trò của một trong những yếu tố
tác thành điều gọi là chủ trương duy tiểu bang (statism), chỉ nghĩ đến vài quyền
lợi riêng của tiểu bang, chẳng nghĩ đến cả quốc gia. Tương tranh nầy đã đến cực
độ 150 năm sau với Cuộc Nội Chiến. Cuộc chiến nầy có nguyên nhân xa mang tính chất
tư tưởng và nguyên nhân gần mang tính chất thực tế. Xa là sự mong muốn chấm dứt
nô lệ; gần là để diệt trừ khuynh hướng ly khai của một số tiểu bang muốn dùng
quyền rút khỏi Liên Hiệp nếu quyền lợi riêng tương phản với quyền lợi quốc gia.
Ngay
từ đầu, các thuộc địa Mỹ - được tạo lập vì các lý do khác nhau, bởi những chủng
tộc khác nhau, với những ý tưởng khác nhau – dĩ nhiên đã nghi ngờ lẫn nhau.
Cách Mạng đã làm họ đoàn kết một lúc chống kẻ thù chung nhưng không thể diệt trừ
mối tương tranh tất yếu.
Vì
vậy, mỗi lần quốc gia khủng hoảng thì có hai phe: một phe bảo vệ quyền lợi địa
phương, quyền tự do lựa chọn của mỗi tiểu bang; phe kia luôn bảo vệ lập trường
cho rằng liên bang không thể sống còn và phát triển nếu không đặt quyền lợi của
xứ sở trên quyền lợi địa phương. Rất dễ thấy rằng quan niệm quyền lợi địa
phương được cưu mang bởi những tiểu bang phía nam nằm sâu trong phúc lợi trong
một hệ thống lâu đời không nên xáo trộn. Dân lập cư ở các tiểu bang phía bắc –
Pennsylvania, New York and New England – những kẻ đã mua tự do và đời sống với
giá rất đắc nên dễ dàng hiểu rằng cần có sự hòa hợp quốc gia.
Nhưng
vì sao những điền chủ trịnh trọng quan cách miền Nam được gọi là Democrats
trong thời Nội Chiến? tại sao miền Bắc - dân dã hơn – lại chọn cái tên đáng lẽ
dành cho đối phương. Trong nhãn quan thế kỷ 18, liên bang bắt nguồn từ xa xưa với
nền quân chủ, những đặc quyền phong kiến, quyền lực của Giáo Hội quốc gia. Miền
Nam có phần nào hữu lý khi tuyên bố: “Ấy, các bạn miền bắc, các bạn đại diện Công
Hòa.Tuy nhiên chúng tôi là dân chủ thứ thiệt, vì chúng tôi bảo vệ quyền các tiểu
bang, và quyền cá nhân chống lại sự đe dọa của quyền lực tập trung”. Nhóm chủ
trương liên bang sẽ đáp lại bằng sự kiện: “Trái lại, chúng tôi đại diện Cộng Hòa,
bảo vệ quyền lợi chung chống lại lòng vị kỷ của nhóm ly khai chỉ lo quyền lợi
riêng tư khỏi bị thua thiệt”. Nói năng qua lại không kể, hai danh từ Dân Chủ và
Cộng Hòa nói lên hai quan niệm, đúng hơn là hai ảnh hưởng đối nghịch. Ảnh hưởng
ly tâm nhằm phá vỡ liên hiệp dưới sức nặng của các quyền lợi tương phản của tiểu
bang và ảnh hưởng hướng tâm tiếp tục đặt những quyền lợi dưới hấp lực thống nhất quốc gia. Lập trường chính trị của hai phe còn đối nghịch nhau trên nhiều
điểm khác.
May
thay, mỗi thời xáo trộn, có điều gì vượt lên trên: lòng ái quốc Mỹ. Quý vị có
thể tìm thấy bằng chứng hôm nay. Đại diện cho Dân chủ, TT Wilson lo âu về các
liên minh Âu Châu và các sự can thiệp quân sự hải ngoại, dĩ nhiên ông bị ảnh hưởng
bởi bối cảnh ly tâm. Ông lưỡng lự về việc tham chiến; nhưng một khi ông đã quyết
định như vậy, ông biết cố gắng của ông sẽ bị bóp nghẹt bởi một nhóm, một đảng
chỉ ước mong xứ sở rộng lớn theo đuổi sự phát triển an lành không có nguy hại
nào từ việc can thiệp quốc tế. Quý vị biết rõ tình hình thời sự ra sao. Tổng động
viên được thông qua trong hai ngày, không có tiếng xì xào. Quân sự hóa hỏa xa, ấn
định khẩu phần lương thực và nguyên liệu, thỏa thuận với nghiệp đoàn không đình
công trong thời chiến.
Wilson, thống đốc New Jersey
Ở một liên bang lỏng lẻo gồm nhiều chủng tộc có những quyền lợi tương phản,
thì đây hẳn là một kết quả đầy ngạc nhiên, quý vị còn ngạc nhiên hơn chúng tôi.
Những thời nguy biến nhất đã dạy chúng tôi lòng ái quốc mạnh mẽ nồng nàn đến mức
nào. Hai biến cố lịch sử còn để lại dấu tích. Sau khi thoát ách của một chính
quyền vụng về (nhưng không tàn ác như sách vở đã nghĩ), chúng tôi có thể phát
triển và trở nên một quốc gia. Ngõ hầu bảo vệ sự toàn vẹn của quốc gia nầy,
chúng tôi đã phải đổ máu đánh lại chính người anh em. Ký ức nầy không thể mờ
phai. Không những thế, nó còn nhắc nhở sự cần thiết phải bảo vệ nền độc lập của
chính mình hay của các nước khác khi nó bị đe dọa. Chúng tôi biết rõ nhiệm vụ bảo
vệ tự do của Đồng Minh vì chúng tôi phải mua tự do với giá quá cao.
Đối với quý vị thật khó tin một xứ xa xôi cách biệt với địa bàn
chiến tranh như HK dám tham chiến vì lý tưởng. Phải nhận rằng danh từ “lý tưởng”
có đôi chút bất ổn. Nhưng khi xem xét những nguyên động lực của người đời, thật
khó tìm ra sự khác biệt giữa các nguyên động lực: lý tưởng – thực tế; vụ lợi –
vô vụ lợi. Chúng tôi vụ lợi đấy chứ, vụ lợi nhiều lắm, nhưng không phải để chiếm
kỹ nghệ của quý vị, cũng không phải để lấy những hải cảng Địa Trung Hải, như
người Đức nói, mà trừ nợ viện trợ.
Lý
do chính đáng sẽ được tìm thấy trong lời nói sau đây của một sĩ quan Mỹ khi ông
nhận định cách thức người Pháp tiếp đón quân Mỹ: Hãy nói cho dân chúng Pháp biết
rằng chúng tôi không cần được cảm ơn vì đã tham gia chiến sự. Chiến đấu vì nước
Pháp cũng là chiến đấu cho chính chúng tôi”. Đó là sự thật chỉ những người sáng
suốt mới nhận thấy.
Giờ
đây quý vị đã biết vì sao tôi đã mô tả nguồn gốc xứ Mỹ; và làm cho quý vị hiểu vì
sao chúng tôi khác với quý vị về quan điểm, phương thức và tập quán hành động.
Sao lại khác biệt như vậy? Trong khi quý vị xây điện Versailles, chúng tôi hạ cây
trong rừng già. Trong khi Descartes viết Discours de la Méthode chúng tôi viết sách về
ma quỷ. Trong khi vua chúa Pháp xem kịch Molière, giáo dân của mục sư Shepard bị
roi vọt vì chỉ trích lời giảng; tại Connecticut, chồng hôn vợ ngày chủ nhật sẽ
bị phạt nhiều tiền. Còn nữa, trong lúc tiền nhân của quý vị chải chuốt làm đẹp
phòng ngủ của Madame de Rambouillet và phòng tranh của Madame de Sévigné, tiền
nhân chúng tôi ở trong các lều bẩy thú, cố sức trở thành nhà nông, bạn hàng, thợ
rèn, buôn lông thú, luật sư, thư ký. Không chỗ nào chung cho hai quá khứ, bên nầy
trực khởi ứng biến, bên kia đặt trên một truyền thống văn hóa lâu đời. Tuy vậy,
phát tiết từ khác biệt lịch sử, lòng yêu nước và lòng yêu tự do đã một lần đem
hai xứ sở gần nhau và nay một lần nữa ghép gần.
Những đợt di dân nhập cư bất
tận từ sau Nội Chiến không đánh mất những cảm nghĩ nầy. Xin đừng quên huệ quang
của Lincoln khi ông nói vào lúc đầu cuộc chiến: “Không lấy gì mà tin chắc rằng
một nền dân chủ có thể hướng dẫn một cuộc chiến tranh lớn đến nơi chung cuộc
tốt đẹp”. Nhưng dân chủ có thể hướng dẫn cuộc chiến, nếu người lập ra Hiện Pháp
can đảm tuyên bố rằng chừng nào quốc gia lâm nguy, mọi uy quyền phải nằm trong
tay quốc trưởng và nếu sự giáo dục công dân đủ sức làm cho dân chúng chấp nhận tập
quyền tạm thời mà không sợ một chế độ độc tài vĩnh viễn. Hoàn cảnh của chúng tôi
là như thế và nó giải thích vì sao chúng tôi hậu thuẩn quý vị ngày nay.