add this

Monday, November 26, 2018

mẹ và chị và cha


Chùa Quốc Ân xưa



mẹ và chị và cha
tôn tht tu 

Từ bé, tuần nào tôi cũng được chị đưa đi thăm mộ mẹ. Tôi không còn sợ hãi những chiều nắng quái trên đồi. Nhờ vòng tay ấm của chị, các cồn mồ biến thành những sân chơi trường mẫu giáo. Huế không có nghĩa trang kiểu tây phương Saigon với các ngôi mộ sắp xếp cạnh nhau như cá hộp.

Bước ra khỏi thành phố, ta thấy ngay các vùng chôn mồ mả, nhất là phía đồi cao như Nam Giao, Ngự Bình. Mồ mả xoay hướng khác nhau tùy sự đặt để của các thầy địa lý (phong thủy) qua các la bàn bát quái với các lằn quẻ âm dương. Đa số là các mộ đất như nắm xôi in trong chén rồi đổ ra mâm. Một thành quách cao không quá bụng chạy vòng quanh các bánh xôi ấy như ôm thương người nằm xuống.

Tôi thích những cành hoa sim dại, những cành bông trang đỏ có trái xanh nhai chát chát. Những cành chủi có mùi thơm gần giống dầu khuynh diệp bẻ về làm chổi rành quét sân. Có những lần ham bẻ cành, tôi đã ngả vào bụi lùm làm chị ngỡ tôi bị ma thu.

Cho đến giờ nầy, tôi vẫn vô lý nghĩ trên đồi vắng nơi chôn mẹ chỉ có hai chị em. Đứa bé trong tôi không sống xa khỏi vòng tay của chị và một nấm mộ mà người nằm bên dưới không có trong đầu óc tôi một hình ảnh nào ngoài danh từ mẹ với quyến luyến của trí tưởng và tâm hồn trẻ thơ, tình cảm tự nhiên trời đất dành cho một đứa bé. Chị tôi đã làm chủ không gian vật thể và tâm cảm của tôi.

Một lần tôi thấy sự hiện diện vô biên của chị. Chúng tôi không bao giờ đem theo nải chuối, bó hoa hay gói bánh cúng mẹ. Vỏn vẹn một bó nhang thơm và một hộp diêm, chị giữ rất kỹ. Hôm ấy sao tôi thích cái hộp diêm quá, có hình con bướm vàng tươi. Chìu em, chị cho tôi giữ. Đi ít lâu tôi bỏ vào túi quần, túi thủng đến nơi may chỉ còn một cây và cái hộp. Lấy bao nhang mồi lửa thì một que đã đủ. Nhưng gió quá, chiếc nón lá không đủ che nên lửa tắt.

mỗi nơi chôn mả, có một lều tranh, nhà ông trùm. Đất chôn thì không của ai nhưng ông trùm bao thầu sửa mộ, thắp nhang cho những đám mới chôn. Từ mộ mẹ đến ông trùm khá xa. Nơi ấy mới có lửa. Trời khá chiều, chị bảo tôi đứng tại chỗ, chị đi đốt nhang.
"Em đứng đây không sao, có mẹ đây"; vừa nói chị vừa chỉ tay vào nấm mộ. Tôi vâng lời đứng một mình. "Có mẹ đây", tôi nghe mãi trong tai, tôi chăm chú nhìn vào nắm đất tròn như bánh xôi. Mẹ đâu? mẹ như thế nào? tôi chẳng mường tượng ra ngoài một niềm thương bao la. Tôi thấy tôi chỉ đứng một mình, không có mẹ như chị nói, còn chị cũng không có đây. Tôi run sợ. "Chị đâu? chị đâu?" tôi la to hoảng hốt.

Tôi chạy về phía nhà ông trùm. Đâu có lối đi, chỗ cao chỗ thấp. Sợ quá tôi chạy băng lên một nấm mộ; tôi té đầu chúi xuống, hai chân trên đỉnh mồ của ai. Tôi sợ quá nên nằm yên tuy không thương tích gì. Lúc sau tôi thấy một bóng ma giữa ban ngày tay cầm cây đuốc mặc chiếc áo trắng dài đi rất nhanh. Tôi hét lên giữa cái hoang vắng của buổi chiều. Bóng ma cũng hét to rồi chạy xa, tay vẫn cầm cây đuốc. Tôi ngồi dậy nhìn bóng ma thì ra là chị trong chiếc áo trắng. Cây đuốc chính là bó nhang đang đỏ cháy trong gió chiều. Tôi chạy theo chị về nơi mộ mẹ. Lúc ấy chị đang bàng hoàng hoảng hốt vì không thấy tôi, tưởng ai bắt mất hay ma thu vào bụi cây.

Bó nhang thắp từ nhà ông trùm cháy trong gió đã hơn một nửa. Chị cúi xuống cắm vào mộ đất bên cạnh những chân nhang cũ đã phai màu. Cắm nhang xong mà chị vẫn ở trong tư thế ấy một lúc lâu trong khi tà áo theo gió bay cùng chiều với khói hương. Chị quay về phía tôi nói:
"Chị khấn mẹ rồi đấy! em lạy mẹ đi, em xin mẹ tối nay mẹ về cho chị nằm mơ thấy mẹ về, em lạy mẹ đi".

Tôi thấy chị tôi khóc. Tuy chỉ có hai chị em trên đồi vắng, tôi thấy chị thẹn, lấy tà áo chùi mắt nói bâng quơ: “Khói nhang làm chị chảy nước mắt”. Khói nhang đâu?! gió bạt khói đi mất, bay là là ngang mặt đất. Tôi chấp tay trên ngực lâm râm khấn nguyện trước khi ra về.

Nắng chiều còn sót lại trên tà áo trắng và chiếu óng ánh trên nón lá bóng dầu rái chị cầm tay và tay kia nắm tay tôi. Thỉnh thoảng hai chị em ngừng lại vì bó cây tôi kẹp nách sụt lên sụt xuống. Đường đất mịn như phấn hoa trời rải xuống; những đôi chân nhỏ in lên chầm chậm như buổi chiều. Lần nào đi thăm mộ cũng đi trong im lặng. Im lặng như những khe nước nhỏ mà trong chạy qua các khu mồ mả với những bụi dứa gai xanh chai trong mùa hạ khô ráo.

Sau khi băng qua ngọn đồi, chúng tôi đến con đường cái đã hư nát từ lâu và không xe cộ. Bắt đầu có nhà cửa lưa thưa, đôi cảnh chùa tịch mịch, cây cối nhiều hơn. Đến một ngã ba đường chị ngừng lại. Tôi đặt bó cây xuống đất và ngồi lên như nệm êm. Đường rất vắng; chẳng ai nói gì. Mặt chị buồn lại, ra vẻ muốn khóc. Tôi chả dám hỏi mà cứ nhìn mãi đằng xa ngõ mà chúng tôi sẽ không đi khi về nhà, tưởng tượng như nó đưa đến một vùng xa lạ ngoài vòng tay của người chị bên cạnh.

See the source image
mồ mã quanh Ngự Bình nay đã đi dời khá nhiều

"Cách đây gần chín năm, chị nói, ở ngã ba đường nầy chị đã bồng em trên tay vái mẹ lần cuối trước khi mẹ chôn xuống đất. Đây, ngã ba nầy". Nói xong chị cầm tay tôi kéo dậy đi về kẻo tối.

Huế trong tang lễ có phần tế đạo trung, cúng ở ở ngã ba đường. Quan tài được hạ ngay giữa trục lộ. Giờ nầy ý nghĩ của nó tôi chưa hiểu; nhưng có điều chắc là nhờ nó mà phu đám được nghỉ sau một đoạn đường gánh nặng. Đối với gia đình có lẽ để níu kéo thời gian bên dưới và bên trên mặt đất. Tiếng chiêng tiếng mõ vang lên bên những câu kinh tụng kinh tán; thân nhân quì lạy theo nghi thức do các nhà sư điều khiển.
Chị cho biết lúc ấy tôi chưa được một tuổi, bà vú ẳm tôi theo đám tang. Nhưng trong các lễ ở mộ hay giữa đường, vì là ngoại tộc, vú không thể ắm tôi đến lạy trước vong hồn của mẹ; chị phải bế trong đôi tay nhỏ bé. Những lúc nghiêng mình trước quan tài mẹ, chị như sẵn sàng thả tuột đứa em xuống đất.

Cầm tay tôi đi được mấy bước, chị ngừng ngay giữa ngã ba đường, nơi trước đây đặt đám tang tế lễ, rồi quay lưng về đoạn đường vừa đi. Theo tôi, chị nhớ lại đám tang ngày nào đi qua đấy. Đúng rồi, bao giờ chị cũng dẫn tôi đi và về một lối, không rẽ ngõ khác dù khẩn cấp, đi theo con đường đám ma của mẹ.

See the source image
bông xanh cùng ngũ sắc và sim tím khắp các cồn mồ


Một hôm tôi chạy từ ngoài ngõ vào bếp, vừa chạy vừa gọi: "chị ơi". Chị đang bực mình vì bếp lửa nhen chưa cháy mà nồi gạo đã vo sẵn. Mặc kệ, tôi kéo bừa chị ra cỗng.
"Chị ra đây nhanh lên, nhanh lên kẻo đi mất".
"Cái gì thế?"
"Cái đám ma, chị nói cho em nghe đám ma của mẹ có như thế nầy không?”

Chị không còn bực tức mà trông buồn lắm. Tôi thả tay ra thì chị nắm tay tôi. Hai chị em đứng lặng thinh. Đám tang đi qua, chị quay vào nhà, tôi đi theo tận bếp. Chị nói:
" Thì cũng vậy. Mà lớn hơn, đông hơn. Hồi ấy cha danh vọng lắm; mẹ chết cha bỏ hết công việc. Có khác là không thấy ai bồng một đứa bé như em hồi đó".

Đám tang trên theo cung cách đặc biệt của xứ Huế. Một phần chưa có lệ đưa đám bằng xe hơi, một phần ai cũng thích kiểu đưa đám bằng cách gánh với một số phu đám lực lưỡng với sắc phục riêng, đứng đầu là một ông lão đi thụt lùi, lưng thắc dung vải đỏ, tay cầm đôi sanh gõ nhịp điều khiển bằng những khẩu lệnh riêng. Người đó gọi là chấp lệnh. Chỉ có yên lặng trừ tiếng sanh và lệnh truyền.

Hai thân gỗ lớn, chạm hình rồng sơn son thếp vàng chịu cho một khung đám lung linh với các nghi môn mà màu chính là vàng. Khung cửa hẹp có màn che vén qua một bên để lộ cái hòm sơn đỏ với các cây đèn cầy màu trắng bên trên. Bảy cây đèn xếp theo hình Đại Hùng Tinh (hệ thống Bắc Đẩu) mà dân gian gọi là sao bánh lái. Nhưng xếp ngược, tượng trưng việc xếp bánh lái ngừng nghỉ như người chết ngừng nghỉ cuộc sống.

Nói một ông lão dẫn đầu, nghĩa là dẫn đầu phu đám. Thật ra đi đầu là một tràng phan ghi chữ Hán móc vào đầu một cây tre nhỏ bên trên còn chút lá xanh, theo sau bởi một hương án. Tràng phan bằng vải phất phơ như một linh hồn còn đâu đó bên trong hay bên ngoài cái hòm hay vương vấn lòng người đi tiễn về vùng núi đồi trên kia.
Tôi hỏi chị đám tang mẹ có cái phan ấy không, chị đáp:
"Có chứ, quan trọng nhất, linh hồn của mẹ nằm trong đó, sao lại không. Nhà nghèo làm bằng giấy. Hỏi mãi hỏi hoài".
Trước đó mấy hôm khi theo cha cắt xén hàng rào chè tàu, tôi cũng thấy một đám ma đi qua, tôi định hỏi như hỏi chị hôm nay nhưng không dám. Cha đứng trên cái ghế thấp, hai tay cầm cái kéo lớn gần bằng mình tôi, chăm chú cắt những nhánh chè tàu chỉa ra như hàm râu. Lá chè rụng xanh cả lối vào. Tôi thấy rất xa cha vì cái mặt đăm chiêu bao giờ cũng suy nghĩ và đang lo một cái gì. Thế giới của cha không phải là thế giới của trẻ thơ. Thế giới của tôi là vòng tay của chị.

Sau khi mẹ chết, cha bỏ hết mọi chuyện ngoài đời, bỏ ngang, lui về sống với chút tiền bạc tích lũy từ trước; sống với cái vốn học thức của mình. Cha học chữ Hán qua khỏi cấp cử nhân trong chế độ thi cử của triều đình Huế. Khi Quốc Tử Giám đóng cửa, cha học tiếng Pháp và ra Hà Nội học kinh doanh. Với cái chết đột ngột của mẹ, cha rất buồn và tìm đọc văn chương Pháp nhờ vốn ngoại ngữ sẵn có.

Rồi một sáng, một nhà tu trẻ trong chiếc áo nâu đến thăm, tay cầm một cuốn sách chữ Hán nhờ cha đọc và dịch. Bọn tôi không biết sách gì mà chỉ biết sau đó cha không ăn cơm tuy vẫn ngồi ở đầu bàn như thường lệ. Trưa đó cha không ngủ mà lục lọi trong tủ tìm ra một miếng đá, dày bằng hộp diêm, to bằng nửa tờ giấy. Cha bảo chị đem ra thau nước, ngồi xuống rửa sạch bụi. Tôi đứng xem, thấy một miếng đá xám có vân trắng, có mặt khuyết cạn và ở góc có chỗ trũng sâu. Cha lấy khăn chùi sạch rồi để miếng đá bóng loáng lên bàn.

Cha lại đi tìm cái gì nữa. Chừng 10 phút sau, cha bảo chị qua bên kia cầu nhà chú Bốn người Tàu bán thuốc bắc xin viên mực xạ và mượn vài cây bút lông. Hai chị em đi và đem về số đồ vật cha muốn có.
Lúc đó tôi mới biết phiến đá là nghiên mực. Cha lấy ra mấy tờ giấy rồi viết chữ Tàu to nhỏ trên xuống và phải qua. Viết xong cha ngã lưng vào ghế, mắt lim dim. Lát sau cha gọi chị: "Con qua chú Bốn lần nữa mượn cái hộp son đỏ". Đoạn cha vào tủ lục lọi nữa.

Tôi lại theo chị qua tiệm thuốc bắc, đem về cái hộp bằng sừng hay bằng ngà to bằng hộp diêm. Cha đã đứng sẵn ở cửa tay cầm một cái gì to bằng ngón tay trắng ngà. Cầm hộp son, cha đến ngay bàn mở ra, rồi lấy cái ống trăng trắng ấy chấm vào rồi đóng lên tờ giấy có chữ Tàu mới viết. Hồi nãy tôi biết bút nghiên là gì, bây giờ biết thêm triện son là gì.

Cha đi vào chỗ bàn thờ, đặt tờ giấy xuống trông rất ngượng ngập rồi đi ra ngay. Sau nầy tôi thấy cái ngượng ngập ấy như cái ngượng ngập khi tặng người yêu đôi vầng thơ vụng dại. Lúc ấy tôi không biết cái gì; thấy chữ Tàu tôi nghĩ như những sớ điệp viết trên tờ giấy vàng rất lớn mà các nhà sư quỳ xuống đọc khi tụng kinh cầu siêu hay khi kỵ mẹ. Lớn lên, tôi đoan chắc đó là một bài thơ viết tặng mẹ, mẹ đã chết từ bao giờ. Cha tôi làm thơ!

Sự xuất hiện của nhà sư trẻ làm cha nhớ kho Hán học. Cha thích viết chữ Tàu trên những tờ giấy vàng nhạt, tờ nầy qua tờ nọ. Cha lại thích uống trà. Những bộ tách trà trong tủ kính đem ra sử dụng thường ngày. Chị nay có thêm việc mới là ướp trà. Cha dạy chị ướp trà sói, trà lài v.v.... Còn tường vi thì hái bỏ ngay vào bình uống tươi. Có lần chị bỏ trà vào hoa sen nở trong bể cạn rồi túm miệng lại, vào nhà nấu nước rồi trở ra lấy. Ngoài ra chị còn học cách tỉa thủy tiên ngày Tết, những củ thủy tiên như củ hành tây. Từ dạo ấy cha không mặc áo quần tây nữa. Chị xếp những áo veste, áo gilet, ca vạt... vào tủ. Cha mặc áo lam hay áo nâu như các đạo sĩ, trầm ngâm bên án thư. Thế giới của cha xa vời tuy tôi thường theo chị hầu cha như ướp trà, pha trà hay mài mực...

Lại một ông khách trẻ đến thăm làm thay đổi đời sống của cha. Vào một chiều, một người khá trẻ đi cùng vợ tự giới thiệu là con của người bạn học với cha ở Hà Nội. Cha đem những tờ giấy vàng nhạt đầy chữ viết cho xem. Ông khách bảo mình tây học không biết chữ Hán nên mượn về cho bố đọc. Hai ngày sau cặp vợ chồng ấy trở lại, mang theo mấy cuộn giấy cứng, mấy cây thước dẹp, một số dụng cụ văn phòng đối với tôi rất lạ. Sau một hồi nói chuyện, cha gọi chị đem ra một bộ áo quần tây, một đôi giày. Mặc áo quần xong, cha đi mãi tới chiều mới về.

Thấy cha về, bọn tôi rất mừng vì trưa nay lần đầu tiên cha không ăn cơm nhà. Từ ngoài đi vào, cha cầm cây bút chì vẽ trong không trung, dáng suy nghĩ, đi thẳng vào bàn lấy khoanh giấy ra, vẽ rất say sưa. Tôi chẳng biết là gì, sao cứ thấy sợ hãi, cha xa mình quá. Tôi hỏi chị cha làm gì thì được biết vẽ kiểu nhà. Hồi học ở Hà Nội tuy theo ngành kinh doanh, cha có khiếu về kiến trúc, đã viết rất nhiều về bộ môn nầy, cũng như đã sửa một số đồ án. Ông bạn cũ biết khả năng nên muốn nhờ vẽ nhà cho người con tức là ông khách tây học nói trên.

Cha bỏ hẵn lối ăn mặc nâu lam, trở về các bộ áo quần tây và thường bỏ ăn trưa. Bàn cha làm việc đầy bút chì, thước, quanh chỗ ngồi là những ống giấy dựng vào tường như một tiệm sách. Cha cũng đem về nhà những cuốn sách chữ Pháp in hình rất đẹp. Lúc cha đi vắng, hai chị em lấy xuống, trải chiếu ngồi xem chỉ chỏ cái nầy cái nọ.

Vào một trưa cha về lần đầu tiên không có cây bút chỉ trong tay. Lần nầy là một cây bút lông rất lớn. Cha bảo chị đem cái thau nhỏ múc một phần ba nước. Cha cầm hai hay ba viên mực Tàu bẻ nhỏ quẳng vào. Cha đến bàn, kéo lơi cái cà vạt, dáng ưu tư như mỗi khi viết chữ Tàu. Cha đứng dậy cầm cái thau mực và cây bút vào bàn thờ và bảo chị đem ra một cái ghế thấp. Tôi đi theo.

Bàn thờ là một khu vực bao quanh bởi ba bức tường và phía trước bởi một bức mành tre thưa. Ở giữa mành vẽ một chữ thọ tròn màu vàng cùng hai con rồng lớn. Bức tường đối diện với mành the có vẽ qui phụng và các loại hoa trang trí khác. Hai bức tường kia chỉ sơn vôi trắng. Trưa ấy cha viết trên hai bức tường nầy những dòng chữ Tàu lớn cũng trên xuống và từ phải qua như trên những tờ giấy vàng nhạt, có khác là không có triện son.

Cha lui ra ngồi ở bàn. Chị pha ấm trà đem lên để nhẹ rồi đi xa. Chị vào bàn thờ lấy cái thau và cây bút lông đi rửa và giao tôi nhiệm vụ cất cái ghế cha đứng viết trên cao.

Nhân đó tôi đứng trên ghế nhìn xem trên bàn thờ có những gì. Từ trước tôi chỉ biết nơi đó có cái gì linh thiêng; lạy mẹ thì cứ đứng ngoài chắp tay lên ngực; thấy người lớn chưng dọn lên đấy thức cúng và trái cây. Lần nầy tôi thấy bức ảnh của mẹ lộng kính, phủ bởi một khăn đỏ viền vàng đã cũ. Tôi lấy cái khăn ra khỏi ảnh. Tôi nhìn rất kỹ thấy có nhiều nét giống chị. Tôi lấy khăn phủ lại và đem cái ghế đi. Tôi tìm ngay chị để so sánh có thật giống như ảnh mẹ không; quả giống tuy có nhiều nét giống cha. Giá như tôi đã xem hình mẹ trước khi đi thăm mộ lần kia tôi đã không hét lên vì không tìm được mẹ khi chị đi vào nhà kia đốt nhang và đã không té nhào làm chị hoảng sợ.

Sau lần viết trên tường, cha ở nhà thường hơn tuy vẫn tiếp tục công việc với các cây bút chì. Tôi không thấy cha viết trên các tờ giấy vàng nhưng nhiều buổi sáng, cái nghiên đá có dấu mài mực còn tươi; có lẽ vào giờ khuya khi tôi ngủ, cha viết tức là làm thơ.

Chinese calligraphy
chữ Tàu và triện son


Khoảng gần một năm sau, ngủ dậy tôi thấy cha đã ngồi ở bàn, mặc áo lam. Trên bàn không còn bút chì, thước, giấy cứng. Cái nghiên đá dằn lên một xấp giấy vàng dày cộm. Chị đem bình trà lên. Cha không nói gì mà nhìn chị rất lâu rồi cúi đầu. Tôi nhìn chị, chị rất giống mẹ. Cha ngẩng đầu quay qua chỗ chị đứng, vẫy tay gọi:
"Hôm nay ăn gì? Này con, chiều nay nấu ăn như thường. Con nấu bữa cơm chay cúng mẹ rồi đem xuống ăn. Cúng sớm một chút".


Hôm đó cha đi dạo trong vườn, lui tới nhiều lần cạnh hàng dậu chè tàu cắt gọn. Cha không viết vẽ gì mà trông thản nhiên; tôi không còn cảm giác sợ hãi. Vì vậy tôi không theo chị ra chợ mà ở nhà. Trưa ấy, ăn cơm xong cha ngủ trưa. Tôi lại ở trong bếp giúp chị nấu bữa cơm chay.

Khi nắng chiều còn nhiều, mọi việc đã xong. Chị đưa cổ cúng lên bàn mời cha vào cúng. Cha đứng rất lâu bên trong phía trái; phía phải là hai chị em tôi. Một bầu không khí bùi ngùi. Khi cây nhang gần cháy hết, cha bảo chị xuống bếp gắp mấy cục thang đỏ vào cái lò trầm nho nhỏ. Cha đến bàn lấy thỏi trầm nhỏ bằng ngón tay bỏ vào, rồi dùng tay quạt cho trầm cháy. Trầm hương tỏa ra cả nhà rất ấm cúng; mà cũng ngậm ngùi lắm.

Cha trở lui bàn, cầm xấp giấy vàng dưới cái nghiên đá, đến bàn thờ đưa cả xấp mồi cháy nơi cây đèn cầy rồi đốt trong cái chuông đồng ở phía phần thờ Phật.

Chiều hôm ấy, một chiều ăn cơm chay.

Cha đã chuẩn bị rồi chăng? Hai hôm sau như một định mệnh, cha chết trong một tai nạn khi đi xem người ta xây cất một ngôi nhà lầu do cha vẽ kiểu. Chị lên trường nội trú đón hai anh về chịu trang. Từ đó chị đảm trách mọi việc. Hai anh không đi nội trú nữa.

Từ khi cha chết, tôi thấy gần cha và nhớ nhất những phút đăm chiêu của cha. Càng ngày tôi càng thấy thích thú nét đặc biệt đó: ngồi thừ ở án thư không màng cơm nước. Càng thích khi hiểu những suy tư ấy dành cho mẹ. Tôi vẫn tin cha tìm gặp nơi chị những nét mặt của người vợ chết đột ngột như cha chết đột ngột trong một tai nạn đơn giản.
Mẹ mất từ hồi nào tôi không biết, tôi không thắc mắc; chỉ biết mẹ nơi chị, chị còn đó. Nhưng cha chết, tôi cứ suy nghĩ mãi về cuộc đời của cha nhất là các suy tư dành cho mẹ. Giá như cha không đốt những tờ giấy vàng, tôi đã học chữ Hán hay nhờ người dịch để biết những ý nghĩ sau những dòng mục đen. Chị thì chất phát, suốt ngày lo cho cha và em; hai anh học nội trú, còn tôi quá nhỏ nên không ai biết cha giao dịch với ai để tìm hiểu; ngoài ra khi mẹ mất, cha bỏ hết các công việc ngoài xã hội.
Ngày kỵ đầu, một người bạn của cha đến cúng, giải thích cho chị hai bài thơ viết trên tường. (Chị nói lại về sau). Ý nói cha buồn vì chưa làm gì cho mẹ mà mẹ đã chết; khuây khỏa trong việc vẽ kiểu nhà cho người ta, thì biết mình không xây được nhà cho vợ. Chúng tôi chỉ nghe thế thôi, không ai biết chữ Hán. Có lẽ hôm đốt những tờ giấy vàng, cha quên cạo những chữ trên tường.

Sau một thời gian vào Nam học và làm việc, tôi trở về Huế trong một dịp công tác. Tình cờ tôi ghé ở lại nhà một người quen. (Gia đình tôi anh em đã đi lính trú đóng tại các tỉnh và lập gia đình tại chỗ, chị tôi lấy chồng xa, ngôi nhà cũ đã bán từ lâu). Tối hôm ấy trời mưa, cái mưa quen thuộc của xứ Huế nhưng mới lạ với tôi sau thời gian dài xa thành phố nầy. Tôi ngủ không được; chủ nhà cũng thức uống café. Nhà có một tủ sách rất lớn với những cuốn sách dày cộm nhưng thiếu ánh sáng, như bỏ quên.
Tôi tò mò đến xem thì ở ngăn cao nhất có một tập rất lớn, to bằng tờ nhật báo. Đó là những họa đồ của ngôi nhà tôi đang trọ. Ký ước về cha làm tôi mang cả tập ra phòng khách xem cho rõ. Ngạc nhiên dưới một chữ ký có đề tên cha, kèm thêm mấy chữ "kiến trúc sư tài tử" bằng tiếng Pháp. Ở gần kề có một chữ ký khác, của một kiến trúc sư kèm con dấu. Bên dưới là chữ ký của một người Pháp thuộc cơ quan công chánh.
Tôi không hiểu thể lệ thời Pháp thuộc về các công trình xây cất. Nhưng tôi vẫn tin rằng họa đồ nầy do cha thiết lập nhưng để được ty công chánh chấp thuận, phải đệ nạp bởi một kiến trúc sư hành nghề hợp pháp.
Theo diễn dịch riêng của tôi, đây là tác phẩm của cha, vẽ như vẽ nhà cho người vợ, tuy trên thực tế là nhà người ta. Vẽ với tâm hồn, như viết một tập thơ.

Tôi đến đã tối nên không thể nhìn tổng quát ngôi nhà cũng như không thể đi khắp bên trong. Tôi chăm chú xem các bản vẽ chi tiết. Cùng với các đường nét trong phòng tôi đang ngồi, sơ khởi đồ án ấy cho biết một dung hòa giữa hai lối kiến trúc đông và tây; phối hợp sự tiện nghi và nét nhu mì.

Sáng hôm sau tôi nói rõ ai vẽ nhà nầy và xin ông bạn cho phép xem ngôi nhà tỉ mỉ hơn. Việc nầy cũng đưa đến nhận xét dung hòa nói trên. Trong mưa phùn xứ Huế, tôi đứng ở hành lang tưởng nhớ khuôn mặt của cha khi ngồi vẽ các họa đồ, tưởng nhớ những tách trà chị pha. Cái vườn cũng có hàng chè tàu tuy không cổ kính như nhà cũ, nó ăn tiệp với các đường nét hoa viên Tàu và Tây.

Sau tách café đen đậm và mấy điếu thuốc Bastos, tôi từ biệt anh bạn. Chủ nhà tiễn tôi đến cỗng. Tôi ngập ngừng và ngậm ngùi ngõ ý mượn họa đồ chụp giữ một bản kỷ niệm và nghiên cứu thêm.
Chủ nhà đồng ý và điện thoại cho ty điền địa, cơ quan duy nhất có máy chụp lớn. Chẳng may máy hư. Tôi nằn nì cho tôi đem đi Saigon tháng sau đem trả. Chủ nhà không chịu:
"Gia bảo anh ạ. Nếu máy in được tôi cũng phải đi theo anh chụp rồi đem về. Thôi để lần sau."

Trưa hôm ấy tôi ra phi trương vào Nam. (Ít lâu sau là tết Mậu Thân, cái Tết oan khiên cho thành phố trầm lặng nầy; ngôi nhà nầy trúng đạn cháy sạch. Nhà nầy không có lầu, nghĩa là cha không chết ở đây).

Xe tòa tỉnh đưa tôi về sân bay trong mưa phùn. Con đường qua An Cựu, qua Dạ Lê thật buồn tênh. Gió lạnh lắm, cái lạnh để thấy cái nóng của Saigon sau mấy giờ bay. Gần quận Hương Thủy, xe tôi ngừng lại nhường cho một đám cưới nhà quê đi qua, ngay khi tôi đang tưởng nhớ cảnh chị pha trà cho cha ngồi viết hay vẽ.

Cái đám cưới! Mà đám cưới nào chẳng có cô dâu, một người con gái như những người con gái khác trong đó có chị tôi, hình ảnh của mẹ. Ngồi trên xe, tôi rụt cổ lại, hai tay kéo cao cố áo khoác, tôi cúi mặt xuống gầm xe không dám nhìn đoàn người mặc áo màu trước mắt. Cái đám cưới. Chị tôi đi lấy chồng xa, lâu lắm tôi không gặp mà thư từ cũng thưa.

Tôi đến phi trường đúng giờ nhưng máy bay trễ. Mưa rất ít, mưa phùn, mưa lạnh lắm, lạnh sẽ mất ở Saigon sau chuyến bay. Ruột gan tôi bị đảo lộn bởi cái đám cưới kia. Tôi mong máy bay đến gấp đem tôi đi khỏi mãnh đất của ray rứt, của thời gian, cho tôi xin cái xô bồ của Saigon.

May quá, con chim sắt nhỏ tám chỗ ngồi chỉ trễ nửa giờ. Tôi ngả người ngủ trong chiếc ghế nệm êm và thức dậy trong cái nhà cha vẽ kiểu. Tôi đoan chắc mấy năm về trước, khi ngồi vẽ nhà nầy, cha vẫn thấy mẹ đang ngồi trước cây bút chì. Cha vẽ một ngôi nhà cho mẹ, mẹ đã mất.

Kiểu nhà ấy nói lên một dung hòa trong kiến trúc như cuộc đời cha dung hòa trong tính tính, dung hòa giữa Hán học và Tây học. Một dung hòa giữa đời sống xã hội có danh vọng và một nét bút mực Tàu tặng người vợ đã chết, còn sót lại vài nét nơi đứa con gái. Cha buồn đã không làm gì cho mẹ như nói trong bài thơ trên tường. Tâm cảm ấy có thể đã dày vò cha cho đến hai ngày trước khi chết, thản nhiên đi lại trong vườn chờ đến chiều cúng mẹ bữa cơm chay cuối cùng.

Phần tôi, tôi không nghĩ cha đã không làm gì cho mẹ. Tuy mẹ mất từ lâu tôi không biết, tôi đoán cha đã đem cho mẹ một sự dung hợp, căn cứ vào những dung hợp nói trên. Một dung hợp giữa xã hội thời ấy đòi hỏi người vợ như một công cụ của gia đình và tình thương xây dựng bởi một mẫu người phóng khoáng và có chút tây học. Nếu cha đã bất nhân với mẹ thì cần gì có lối sống bất thường như vậy. Cha có thể lấy vợ khác, mẹ đã chết rồi mà. Cha có thể làm việc ấy khi mẹ còn sống vì luật pháp và phong tục thời ấy chấp nhận đa thê.

Những suy nghĩ về ngôi nhà làm tôi quên đường bay nhồi lên xuống. Tôi thấy êm ả và yên ôn với ý nghĩ cha đã làm cho mẹ cái gì êm ả. Từ đáy sâu của lòng mình vẫn dội lên những giây phút sợ hãi. Cái sợ ấy làm tôi thấy mình nhỏ lại đang sống trong vòng tay của chị, bên cạnh cái đăm chiêu của cha.

Tôi hoảng sợ, nhìn qua bên trái mới biết từ Huế, người ngồi bên cạnh là một thiếu nữ rất đẹp, có thể đang làm việc ở tòa tỉnh. Tôi hỏi:
"Bây giờ ngang đâu rồi cô".
"Thưa không biết nhưng bên dưới là bờ biển".
" Nha Trang đó" tôi nói với tất cả chắc chắn.
"Sao ông biết, ông có nhìn xuống đâu mà biết".
"Tôi biết chứ. Nha Trang, bờ biển Ninh Hòa đấy, chị tôi ở đấy, chị tôi lấy chồng lính ở đấy đã lâu".

Cô ta nhìn tôi một cách lạ lùng, có lẽ cho tôi điên rồi. Tôi thấy ngượng, mà thôi giải thích làm gì. Tôi giờ nầy vẫn sống trong vòng tay của chị, người chị là mẹ và có nét giống mẹ. Tôi đã mất đi cảm giác sợ cha mới trổi dậy lúc nãy với ý nghĩ chị đang ở bên bờ biển Nha Trang. Tôi ngả người ra lưng ghế êm nhắm mắt ngủ.

Và tôi ngủ ven bờ biển dưới kia nơi có chị đang sống với nhà chồng. Người chị ấy, người chị có vòng tay rộng lớn hơn vũ trụ của tôi, người làm chủ không gian tâm cảm của tôi, người mẹ thực sự từ khi cha chết.-






Monday, November 19, 2018

lịch sử, sử ký, sử học...



See the source image
cho lịch sử một ý nghĩa

making sense of history
R.A. Guisepi, ttt dịch

Ý nghĩa của quá khứ là ánh sáng chiếu đường cho hiện tại và định hướng tầm nhìn về những khả thể của tương lai.

Có hai quan điểm về diễn trình lịch sử, nhưng chưa có bên nào đưa ra một kết luận khả dĩ minh chứng được. Một bên cho rằng lịch sử không gì hơn sự tom góp lộn xộn về những điều xẩy ra bừa bãi không thứ lớp. Do đó không tìm ra trong lịch sử một ý nghĩa nào, không như thế giới tự nhiên có nghĩa lý và mục đích.

Quan điểm đối nghịch, tức là ý kiến của đa số, lập luận rằng lịch sử có sự sắp xếp, có mục đích và có mô biểu riêng. Chủ xướng nầy bắt nguồn từ các truyền thống tôn giáo của Tây Phương: Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo nhưng chính yếu là Thánh Kinh. Những tin tưởng tôn giáo trong khu vực nầy kết luận rằng lịch sử là sự thành tựu kế hoạch về thế giới của God.  Thánh Augustin quảng diễn luận án nầy vào thế kỷ thứ 5. Đến thế kỷ 17, nhà thần học Jacques-Benigne Bossuet đưa ý nghĩ nầy xa hơn trong cuốn Discours sur l’histoire universelle năm 1681. Theo suy nghĩ của giáo sĩ Pháp nầy, hưng thịnh suy bại hủy diệt của các đế quốc tùy thuộc vào sự sắp xếp bí mật của Thiên Hựu.

Các khám phá khoa học của Newton đã làm thay đổi cách người đời nghĩ về thế giới. Có thể xem lịch sử là một diễn trình do God thúc đẩy nhưng phần lớn tùy thuộc các quyết định và hành động của nhân loại. Học phái Ánh Sáng nhấn mạnh điểm nầy khi xem nhân loại đóng vai trò tối thượng điều động lịch sử.

Thế kỷ 19, lịch sử được triết gia Đức Hegel mô tả như một tiến trình của các sự thay đổi, gây nên bởi hành động, phản hành động và tổng hợp. Lịch sử không thể mô tả một cách máy móc. Con người có tự do; nhưng tự do ấy chỉ có thể thực hiện bằng các lần vượt qua các nghịch cảnh, những cản ngăng. Lịch sử không phải là một chuổi những chuyển tiếp êm ả, trái lại đầy tương khắc và tương tranh.

Karl Marx cũng trình bày một lối nhìn tương tự. Lịch sử phải tuân theo những định luật như thiên nhiên. Lịch sử có một hướng đi, tuân theo những thực tại kinh tế, và theo đường lối làm ra sự giàu có và cách dùng sự giàu có nầy. Tất yếu, các giai cấp thành hình, đánh nhau giành quyền kiểm soát các phương tiện sản xuất. Mục tiêu của những tương tranh nầy là một xã hội không có giai cấp, càng đấu tranh càng tới gần đích.

Hai tác giả thế kỷ 20 đã đưa ra các triết lý lịch sử rất phức tạp và có tầm ảnh hưởng lớn: Oswald Spengler và Arnold Toynbee. Spengler xuất bản cuốn sách bi quan Decline of the West trong khoảng 1918-1922. Ra đời trong bóng đen Thế Chiến phủ lên Âu Châu, tác phẩm được tiếp đón rộng rãi khắp nơi mặc dù được viết trước khi chiến sự bắt đầu. Sách trình bày văn hóa, hay các nền văn minh, với những danh từ sinh học, như những cơ thể tự nhiên. Theo ông, các nền văn hóa được sinh ra, trưởng thành, rồi chết theo một diễn trình sinh hoại. Nói cho đúng, khái niệm nầy có chỗ hở; nếu các nền văn hóa là những cơ cấu sinh học cá biệt, chúng không thể ảnh hưởng nhau tốt hay xấu. Tuy vậy luận trình của ông ăn khớp với sự vỡ mộng mà cả thế giới đang cảm nhận sau cuộc chiến.

Toynbee cũng vậy, ông nghiên cứu sự phát triển của các nền văn minh. Ông bác bỏ khái niệm cho rằng quá khứ có thể được nhìn theo đường thẳng tiến bộ và phát triển. Ông không đồng ý với lời Spengler rằng Tây Phương đã sụp đổ. Trong loạt 12 cuốn Study of History (1934-1961), Toynbee tuyên bố rằng nền văn minh hình thành trong xã hội qua sự ứng phó với các thách thức. Nếu thách thức quá lớn hoặc quá nhỏ thì không có sự tiến bộ nào đáng kể. Do đó dân Eskimo không bao giờ ra khỏi nền văn hóa thô sơ vì sự thách thức của môi sinh quá lớn. Những xã hội trong khu vực thời tiết luôn luôn ấm áp đều cho rằng thách thức môi sinh quá nhỏ, không cần làm gì khác. Những vùng khí hậu điều hòa như Bắc Mỹ hay Bắc Âu, loài người có thể đối đầu các sự thử thách và do đó có nền văn minh cao hơn.

Lịch sử
Ý nghĩa của quá khứ là ánh sáng chiếu đường cho hiện tại và định hướng tầm nhìn về những khả thể của tương lai. Không có sự hiểu biết đầy đủ về lịch sử, các biến cố hiện thời chỉ là những biến động rời rạc. Lịch sử là một khoa học, một ngành trí thức dùng những phương pháp và phương tiện đặc thù để đạt mục đích của mình.

Viết sử cần tài liệu. Các sử liệu bằng chữ viết gồm: công báo của chính phủ, nhật ký, thư từ, tiểu sử và các thứ khác…. Để viết cổ sử, đặc biệt của Trung Đông và Tàu, phải dùng danh sách các vị vua; bản liệt kê những trận đánh, những biến cố quan trọng, cũng như các đền đài, và bản ghi những thiên tai. Khoa khảo cổ cung cấp nhiều sử liệu. Năm 1901, người ta tìm thấy trụ đá ghi các luật do vua Babylone Hammurabi ban hành, thế kỷ 18 tTC.

Thời nay các chứng liệu có chữ viết rất dễ tìm: các chính phủ, các tổ chức công tư đều giữ hồ sơ ghi mọi việc. Nhiều khi tình cờ mà gặp các thứ ấy. Khi bị đánh bại trong thế chiến 2, Nazis chạy và để lại một núi tài liệu, nhờ đó có thể dựng lại lịch sử của Đức từ 1933 đến 1945.

Nếu hồ sơ tài liệu ngày nay được viết hay in trên giấy thì người xưa ghi trên đá, trên da hay trên vỏ cây hay lá, vẽ trên các đền đài, hay trong nhà thì ghi trên chén bát đồ sứ hay tiền chì. Được biết nhiều nhất về điểm nầy là triều đại vua Ấn Độ Asoka với các lệnh và chiếu chỉ ông ban hành, lời của Phật. Chúng được khắc ghi trên những cột đá dựng (stella) hay các khối đá thấp trưng bày các nơi dân chúng tụ tập sinh hoạt thường nhật.

Khoa học hiện kim gọi là sử ký – hay viết sử - được phát triển từ thế kỷ 19; xuất phát đầu tiên ở đại học Gottingen, Đức, rồi các trường khác trong xứ cũng làm theo. Sau đó dần dà, ảnh hưởng của Đức đã lan khắp Âu Mỹ. Tuy vậy, vượt qua quyết định của Đức dùng đường lối khoa học và có phương pháp vừa nêu, chúng ta có thể thấy cả mấy ngàn năm kinh nghiệm về lịch sử ở các xã hội khác biệt.

Ý nghĩa của quá khứ
Quả đất, thiên nhiên và vũ trụ đều có quá khứ nhưng không có sử ký. Các cá nhân cũng không có sử ký tuy ai cũng có quá khứ. Quá khứ viết thành văn của cá nhân gọi là tiểu sử. Duy chỉ những xã hội nhân quần mới có sử ký; dựng lại quá khứ căn cứ vào ký ức chung. Nhưng không phải mọi cố gắng dựng lại quá khứ đều cho chúng ta kết quả là sử ký. Trước khi có sử ký, nhân loại đã có cách kể lại những biến cố dưới hình thức huyền thoại, giả sử và anh hùng ca. Cho dù các xã hội tiền sử lưu giữ các tài liệu viết, chúng chưa hẳn đã là sử. Thường thường là danh sách các vị vua và liệt kê các trận đánh. Muốn thành sử ký theo đúng nghĩa, các bài tường trình không những kể chuyện đã xẩy ra mà xem con người và thời cuộc liên hệ ra sao; phải xét nguyên nhân và kết quả; về phương pháp luận còn phải xem sử liệu có giá trị hay không; nhất là vua chúa bao giờ cũng được mô tả là tốt hơn giỏi hơn, không như cuộc sống thật có đủ tốt xấu.

Việc làm của Do Thái
Nhà văn cổ đại Hy Lạp Herodotus được xem là cha đẻ của sử từ khi chính trị gia hùng biện La Mã Ciceron gắn danh hiệu nầy cho ông, người tìm hiểu lịch sử, sinh 500 năm trước Jesus. Tuy vậy trước Herodotus, Do Thái đã thành đạt trong việc viết lịch sử xứ Israel tiền sử và các xứ lân cận như Ai Cập và lưỡng hà địa. Những cuộc nghiên cứu nầy không nhằm tìm ra nguồn gốc của xứ sở theo một khuynh hướng chính trị nào đó. Công việc nầy là của các nhà văn viết các anh hùng ca và kể lại các huyền thoại.

Trong thế giới tiền sử, chỉ một mình Do Thái là xứ có ý thức về lịch sử. Lịch sử nầy ăn sâu vào một biến cố duy nhất không bao giờ quên – cuộc di dân Exodus – rời bỏ Ai Cập dưới sự lãnh đạo sinh động của lãnh tụ tên Moses. Sau lưng Moses còn có hằng trăm nhân vật là hậu duệ từ thời xa xưa của Abraham. Tuy vậy, lịch sử nầy chỉ luôn luôn nằm trong ký ức của dân chúng, truyền khẩu mà còn.

Do Thái đã phải tốn mấy thế kỷ mới kết tập bộ sử quốc gia đầu tiên và đúng thực. Tài liệu được chép vào Thánh Kinh Do Thái, gọi là Cựu Ước. Điều đáng chú ý nhất là bộ sử bao gồm các sai lầm, các thất bại cũng như thành công của một quốc gia qua một lịch sử lâu dài. Không có sự tô vẽ, sắm sửa để trình bày một Israel tốt đẹp trước mắt hậu thế và người đời. Nhân vật trong chuyện kể đều có nhược điểm và ưu điểm.

Sử ký quốc gia Do Thái còn mang tính chất khác biệt vì các lý do khác. Khi kết nhập chuyện Sáng Thế (tạo lập thế giới), bộ sử nầy biểu hiện cố gắng đầu tiên xây dựng một bộ sử ký toàn diện phổ quát, bao trùm cả loài người. Nội dung Thánh Kinh Do Thái trở thành sự giải thích, mô tả lịch sử, nó xác lập rằng lịch sử vừa có sự bắt đầu vừa có mục đích. Đường hướng lý luận nầy tương phản với các xã hội khác xem thời gian trôi qua như một chuổi các chu lỳ lập lại, giống như thay đổi bốn mùa.

Image result for Book of Genesis
Sáng Thế ký, Cựu Ước
Thiên Chúa Giáo tiếp nhận và chấp nhận ngay, đồng thời sửa đổi thích ứng cho việc dùng riêng. Thế kỷ thứ 5, Thánh Augustin đào xới thêm trong cuốn City of God. Tác giả trình bày lịch sử như một sự tiến gần đến xứ của God. Cuốn sách nầy làm gốc cho những lý thuyết tương lai chủ trương một sự tiến tới không thế tránh được. Có nhóm lý tuyết gia nhấn mạnh đến sự tiến bộ tự nhiên và cải thiện trong thân phận con người. Có nhóm khác, đặc biệt là Karl Marx, chủ xướng rằng lịch sử diễn tiến qua các cuộc cách mạng bạo động để đến một xã hội không giai cấp, một thiên đường hạ giới.

Thành quả của Hy Lạp
Khi đã xuất hiện đầy đủ, các tiểu quốc Hy Lạp vẫn chưa có quá khứ. Những nền văn minh có trước như Cretan, Mycenean đã biến mất, không để lại một dấu tích trong ký ức chung của Hy Lạp. Dân chúng chỉ biết các anh hùng ca cổ truyền như sách của Homer, truyện tích của Hesiod viết theo lối thần thoại.

Sử gia đầu tiên ở Hy Lạp là Hecateus, gốc Tiểu Á, sống vào thế kỷ 6 hay 5 tTC. Nay chỉ còn sót một vài phần nhỏ của hai cuốn sách của ông là HistoryTour Around the World. Ông đã chê bai những chuyện người Hy Lạp kể về quá khứ và đi đến kết luận: “Chuyện thì rất nhiều nhưng theo tôi chúng rất lố bịch”. Hecateus du hành Ai Cập. Sau khi viếng thăm các giáo sĩ (cũng là người giữ các hồ sơ, ký sự), ông nói ông nay đã có thể truy nguyên gia phả đến 16 đời. Một người địa phương cho ông biết chứng cớ rằng vị giáo lãnh Ai Cập có thể tìm thấy tổ tiên đến 345 thế hệ. Sự xưa cổ nầy đã gây cho ông nhiều ấn tượng, giống như về sau Herodotos cũng vậy. Ông quyết định truy tìm nguồn gốc các quốc gia viếng thăm.

Sử gia Hy Lạp, đặc biệt Herodotus và Thucydides, đã làm hai sự đóng góp có ý nghĩa trong việc viết lịch sử. Đó là xem xét cân nhắc các chứng tích, xem cái nào đúng cái nào sai. Hai ông đã viết về lịch sử quá khứ gần. Herodotus nghiên cứu Chiến Tranh Ba Tư viết thành cuốn History. Thucydides viết lịch sử chiến tranh Peloponnesia xẩy ra trong đời mình. Bàn về sự nghiên cứu nầy, ông nói: “Khi tham khảo các tài liệu về các biến cố, tôi không hấp tấp dùng ngay khi chúng đến trong tay. Tôi không tin nghe những ấn tượng trong đầu, mà chú tâm đến những điều tôi thấy, những điều người khác thấy giúp tôi. Sự chính xác của các tường trình cần được xem xét một cách nghiêm khắc và trắc nghiệm nếu hoàn cảnh cho phép”. Phương pháp làm sử nầy được phục sinh bởi sử gia Đức thế kỷ 19.

Thành quả của Tàu
Cho đến thời gian gần đây, nước Tàu đã sản xuất một khối lượng sử viết, nhiều và dài không xứ nào sánh kịp. Mục tiêu chính yếu, nòng cốt của việc viết sử nầy là chính trị. Nhớ lại sự việc đã được thi hành ra sao sẽ hướng dẫn giới hữu trách trong các quyết định hay thiết lập các chính sách quốc gia. Khổng Tử tự cho mình trọng trách san định sử kinh để truyền cho đời sau một cách trung thực.

Công việc viết sử bắt đầu với các thầy ký, có nhiệm vụ giữ các chứng tích về các lần cúng tế tổ tiên. Vua chúa giữ các thầy ký trong triều để hỏi xưa kia cúng tế ra sao. Dần dà các thầy trở thành kẻ giữ kẻ lưu trữ hồ sơ, trước khi thành những nha lại quan trọng hơn tuy cùng nhiệm vụ. Sử gia nổi bật nhất là Tư Mã Thiên. Ông là một chiêm tinh gia, một chuyên viên về lịch và là sử quan quan trọng nhất của triều đình. Sử Ký là tác phẩm quan trọng có ý nghĩa nhất, cho đến thế kỷ 2 tTC. Tư Mã Thiên sắp xếp thứ tự các biến cố phức tạp, ghi rõ xuất xứ, giữ các bản thời ký, thêm các chi tiết địa dư của các tiểu quốc, ghi thêm thư mục tham khảo. Sáu bảy thế kỷ sau, Lưu Tri Kỷ (661-721) viết luận văn đầu tiên trên thế giới về phương pháp của sử học. Bước qua thế kỷ 11, Tư Mã Quang viết cuốn sử rõ ràng và đầy đủ của nước Tàu.

Lối viết sử của Muslim
Giống như TCG và Do Thái Giáo, Hồi giáo lấy các biến cố lịch sử làm nòng, đặc biệt là đời sống của người sáng lập Muhammad. Đa số các ký liệu tôn giáo của Muslim được viết vì lý do tôn giáo để khích lệ người theo hay để giải thích các án lệ. Nhiều học giả phải đứng xa xa, rất cẩn thận khi xét về nguồn tham khảo, tuy những tài liệu nầy chính yếu dựa trên những nét chính về tiểu sử của các nhân vật nổi tiếng.

Cho đến bây giờ, tác giả quan trọng nhất về lịch sử Hồi giáo là Ibn Khaldun, của cuốn Muqaddimah. Cuốn sách duy nhất nầy nói về lịch sử phổ quát toàn diện, đồng thời mang theo lời giải thích vì sao các nền văn minh hưng thịnh, suy tàn và tiêu hủy. Ông đưa ra các định luật điều dẫn số phận các xã hội; ông cũng đưa ra các qui luật lượng định sử liệu ngõ hầu tái tạo quá khứ một cách trung thực. Đầu thế kỷ 20, Toynbee đã ca ngợi cuốn sách có giá trị to lớn nhất trong thể loại nầy.

Sử học thời nay
Việc viết sử trong thời Trung Cổ không biến mất hoàn toàn nhưng không có gì mới lạ hay ho. Thời Phục Hưng và thời Ánh Sáng đã đem lại nhiều thay đổi trọng yếu. Quan trọng nhất là học cách phân tích các nguồn sử liệu ngõ hầu bảo đảm sự xác thực và loại bỏ hư vọng. Lãnh vực phê bình tài liệu nầy, gọi là diplomatics, xuất hiện thế kỷ 17 khi Jean Mabillon xuất bản cuốn De Re Diplomanica 1681. Giáo sĩ người Pháp nầy đã công thức hóa các nguyên tắc ấn định tính chất khả thực và ngày tháng các sử liệu Trung cổ. Ngành nầy đã bành trướng mạnh mẽ đi đến việc phê phán các hồ sơ cũ kể cả Thánh Kinh.
Image result for decline and fall of the roman empire
Một thành quả khác của thời đại là việc thế tục hóa sử ký; sử ký được tách khỏi sự kiểm soát của God, của thần linh hay của định mệnh. Sử ký đơn thuần là chuyện của xã hội loài người. Những biến cố, những định chế được giải thích như là kết quả cả sự phát triển, tùy thuộc vào hành động và quyết định của người. Các nhà chủ trương thế tục cứu xét toàn diện các ảnh hưởng nào đã hình thành xã hội. Cuốn sử danh tiếng nhất trong chiều hướng nầy là Decline and Fall of the Roman Empire, của Edward Gibbon một kiệt tác trong Anh ngữ. Lý thuyết gia hàng đầu của trường phái là Giambattista Vico (1668-1744), nhưng tác phẩm của ông bị bỏ quên cho đến thế kỷ 20.

Thành quả ở Đức
Trong hai thế kỷ 18 và 19, các sử gia nhà nghề của Đức đã hoàn tất một khối lượng to lớn các công trình viết sử. Các công trình nghiên cứu sẽ giúp họ tìm ra chỗ dạy xứng đáng trong các đại học hay có một vị thế khả kính đối với đồng nghiệp. Nhưng sự dồi dào nầy có được phần lớn nhờ không khí tự do trí thức và vì chính quyền không đá động đến sinh hoạt văn hoá nầy; ngoài ra còn mở cửa các kho tài liệu cho các sử gia tham khảo: ví dụ văn khố Anh thành lập 1838; văn khố Vatican thành lập 1883. Ngày nay sử gia và học giả không thiếu sách báo ở các thư viện công hay tư; hai nơi quan trọng nhất là thư viện Quốc Hội Mỹ và British Museum.

Thế kỷ 18, Johann Gottfried von Herder đã thúc đẩy việc nghiên cứu lịch sử ở Đức. Ông tin rằng sứ mệnh của sử gia là tái tạo những gì thực sự đã xẩy ra; mọi giai đoạn của mọi quốc gia cần được nghiên cứu cẩn thận như nhau. Đường lối của ông có người đi theo ở thế kỷ sau. Đó là Leopold von Ranke, người tin tưởng rằng lịch sử tiến hóa như những sự phát triển riêng biệt của cá nhân, dân tộc và quốc gia. Ông đặc biệt chú trọng đến tính chất liên tục của sự phát triển văn hóa. Von Ranke nhấn mạnh tính chất khách quan là điều kiện cần thiết nếu muốn tả lại quá khứ. Ảnh hưởng của ông còn tiếp cho đến thời sau thế chiến thứ nhất.

Nói chung, sự viết sử ở Đức mang tính chất quốc gia chủ nghĩa, ca ngợi một quốc gia Đức. Khuynh hướng nầy được hình thành từ sự thảm bại mà Napoleon đã quật lên đầu các tiểu quốc Đức trước năm 1815. Trung tâm của phong trào quốc gia nầy đặt tại Phổ, tại đại học Berlin (thành lập 1809). Rồi cũng chính Phổ thống nhất Đức năm 1871 và cũng làm cho Pháp nếm mùi thảm bại. Sau cuộc thống nhất, giới cầm bút tự hướng về việc thẩm định giá trị và ca ngợi đế quốc Đức.

Mặc dầu thái quá, chủ nghĩa quốc gia đã ảnh hưởng sự tăng trưởng ngành sử học ở các nước khác. Jules Michelet đã viết xong cuốn sử đầu tiên về nước Pháp thời Trung Cổ dựa theo các tài liệu lưu trữ. Ở Anh, Thomas Babington Macaulay cho lưu hành cuốn History of England nhiều người đọc, tuy sách nhiều chỗ sai vì chủ nghĩa quốc gia.

 Sử ký Mỹ thời lập quốc
Trước khi có ảnh hưởng của Đức, Mỹ có những nhà văn gạo cội viết về lịch sử Hoa Kỳ (ít ai đọc vào thế kỷ 20). George Bancroft là người Mỹ đầu tiên viết bộ sử đầy đủ từ thời lập quốc cho đến thời chiến tranh Cách Mạng. Tác phẩm History of the United States gồm tám quyển ấn hành trong vòng 40 năm từ 1834, dựa trên nhiều nguồn tài liệu kể các các thư viện Âu Châu. William Prescott vượt biên giới để trình bày Tây Ban Nha chiếm Mexico như thế nào; ba cuốn sử của ông xuất bản 1843 dành số trang khá lớn nói về đế quốc Tây Ban Nha, ông có dùng thêm tài liệu của xứ nấy. Henry Adams, hậu duệ của vị tổng thống thứ hai vẫn còn giữ địa vị tác giả tập sách “trụ cột” (landmark) trong ngành; tuy chỉ nói về một thời gian ngắn History of the United States During the Administrations of Thomas Jefferson and James Madison' (1889-91).

Nhiều học giả đã đến Đức mà học phương pháp sử rồi đem đi khắp nơi trong đó có Hoa Kỳ. Herbert Baxter Adams được xem là nhà tổ chức nhiều ảnh hưởng đã biến đại học John Hopkin thành một trung tâm nghiên cứu lịch sử, như các đại học Đức qui tụ các sử gia.

Trước khi thành tổng thống, Woodrow Wilson viết A History of the American People (1902) với tầm nhìn rộng rãi hơn, không tự giới hạn trong chính trị.

Xa hơn chính quốc, Jame Henry Breasted chú ý đến khảo cổ và Ai cập học; ông đã thành lập trung tâm Đông Phương học ở Chicago, làm nơi tàn trữ di vật cổ Ai Cập.

Nhiều học giả muốn đào sâu lịch sử tương đối ngắn của Mỹ, nhưng chi tiết hơn, nhiều khía cạnh hơn. Người ta tiếp tục tìm hiểu và để ý đến một luận điểm của Charles A. Beard. Đề tài của ông khá khác thường, khía cạnh kinh tế trong hiến pháp như tên sách đã chỉ [Economic Interpretation of the Constitution, 1913]. Cuốn sách đã trình bày lịch sử Mỹ như một chuổi dài kế tiếp nhau những tương tranh của các thế lực kinh tế.-

Ghi chú: history được dịch tùy lúc là sử ký hay lịch sử; tác giả còn dùng thêm danh từ historical writing gần với sử ký.
2019 cập nhật: website gốc đã ngưng hoạt động vì thiếu tiền; do đó không có link xuất xứ


Friday, November 9, 2018

nhà cũ



Image result for bougainvillea
nhà cũ

Phm Th Ngc Liên

*****


Người vào coi thì nhiều, có kẻ còn trả giá rốt ráo, nhưng đến lúc đặt cọc thì biến không tăm tích. Đến nỗi sau một thời gian rao bán, Huệ đành hủy bỏ ý định.

Nhà có hai cha con nên khi cha mất, cảnh nhà thật quạnh hiu. Sau bốn chín ngày của cha, cây mai chiếu thủy bỗng nhiên chết khô đến gần sát gốc. Cả cây xoài cũng có vẻ đang chết dần dần.

Chú Bảy, bạn cha, tới thắp nhang cho cha, bảo: “Chắc hồi đám tang không ai cột cho mấy cây này miếng vải trắng, nên giờ tụi nó muốn đi theo cha con luôn”. Chiều đó, Huệ xách xô nước ra tưới vào gốc xoài. Cô kéo chiếc ghế mây lại gần, ngồi xuống, sờ tay lên lớp vỏ xù xì của nó, lẩm bẩm:
“Mày đừng chết khi tao còn ở cái nhà này nghe xoài”. Rồi cô cầm kéo ra cắt cây mai chiếu thủy tới sát gốc, ngậm ngùi: “Ráng sống lại ở với tao nghe mai”.

Đùng một cái, hai ba bữa sau, có tiếng chuông cổng reo từng hồi dài, đầy vẻ sốt ruột. Một phụ nữ có vẻ sang cả, hỏi Huệ ngay khi cô hé cổng: “Tôi nghe nói nhà này bán phải không?”.

Huệ bán nhà cho bà chủ tiệm vàng với giá cao hơn giá cô định bán rất nhiều. Đầu tiên, Huệ chỉ nói thách để bà ta bỏ đi. Người gì hách dịch thấy ghét.
Vô nhà chê bai đủ thứ, nói sẽ đập bỏ hết để xây mới hết. Đã mua được nhà đâu mà chê tùm lum? Huệ nóng máu, tính mở miệng mời bà ta ra khỏi nhà, nhưng rồi cố nuốt cục tức xuống họng, nín thinh. Tuy nhiên khi bà ta hỏi giá, cục tức của Huệ lại trồi lên.

Cô thản nhiên nâng giá để rồi chưng hửng khi bà ta mở túi xách, lấy ra một cọc tiền: “Thôi được. Nhà quá mắc so với giá thị trường, nhưng tôi sẽ mua. Cô làm giấy nhận cọc đi”.

Ngôi nhà trệt, mái ngói âm dương, có võng treo đu đưa dưới gốc cây hoàng hậu từ đó trở thành quá khứ. Khi giao nhà, Huệ chỉ đem theo duy nhất chậu mai chiếu thủy mà sự sống chỉ còn khoảng một tấc cao.
Cô đặt nó trên khoảng sân nhỏ xinh trước phòng thờ, nơi đôi mắt cha từ di ảnh có thể nhìn thấy nó hằng ngày. Cô mua thêm chậu hoa ngâu nhỏ để bên cạnh. Khi còn sống, cha chỉ uống trà với hoa ngâu tự ướp.

Vừa tưới nước cho hai chậu hoa, Huệ vừa nói chuyện rì rầm: “Giờ tao chỉ còn tụi bay thôi đó. Ráng sống tốt rồi ra hoa cho cha con tao ngắm, nghe không?”. Chậu ngâu có vẻ nghe lời, ra hoa liền liền.
Cây mai chiếu thủy, sau bao ngày tháng rụt rè, cũng đã vươn lên mấy nhánh non bé bỏng. Hôm nhìn thấy mấy tược non, Huệ vui rớt nước mắt.

Tối đó, Huệ hái mấy chùm hoa ngâu, pha trà, đặt trên bàn thờ của cha kèm thêm đĩa bánh đậu xanh: “Cha coi nè, cây mai chiếu thủy sống lại rồi”. Không hiểu sao, Huệ có cảm giác ấm áp lan tỏa xung quanh.
Có thể vì mùi nhang trầm nhè nhẹ phảng phất trong không gian chăng? Huệ như sống lại khoảnh khắc ở nhà cũ. Rồi chợt như bừng tỉnh, cô lắc đầu, lầm bầm: “Bán rồi thì thôi đi. Nhớ nhung gì nữa?”. Cô tưới thêm gáo nước vào hai chậu cây rồi bỏ vô nhà.

Nói thôi, nhưng không hiểu sao hôm sau, trên đường đi làm về, Huệ lại chạy xe một hơi tới con đường dẫn về nhà cũ. Cách khoảng vài trăm mét, chỗ chợ nhỏ, Huệ ngừng xe bên một sạp vệ đường, nơi cô vẫn ghé mua trái cây.

Chị bán hàng đang tay cân, tay gói cho khách, vui vẻ nói theo phản xạ tự nhiên: “Mua cam đi cô. Cam bữa nay ngọt lắm”. Rồi ngửng đầu, chị kêu lên khi nhìn thấy Huệ: “Ủa em. Lâu dữ mới thấy ghé. Đi đâu mới về hả?”. Huệ cười: “Dạ. Em dọn nhà qua chỗ khác rồi chị. Bữa nay có việc ghé ngang thôi”.
Mua cam xong, Huệ tần ngần một lúc trước khi chạy xe rề rề về phía nhà cũ. Thì mình ngó chút thôi, có gì mà ngại? Cô tự dỗ mình.

Image result for mai chiếu thủy
mai  chiếu thủy

Nhưng nhà cũ đã biến đâu mất rồi. Cánh cổng gỗ xanh có giàn hoa giấy trắng tím lòa xòa, cây xoài từng xum xuê trái vươn ra khỏi cổng cũng biến mất. Thay vào đó là cánh cổng inox mở rộng, phía trong sân đặt hai con sư tử đá mắt gườm gườm nhìn ra đường.


Huệ giương mắt nhìn tòa nhà nhiều tầng to nghễu nghện có tấm bảng đèn xanh đỏ nhấp nháy: Hotel Hoàng Gia. Người Huệ chênh vênh chao đảo, tim như đập hụt một nhịp. Họng khô cháy.

Cô dựng xe trước quán cà phê vỉa hè xéo góc, bước lên thềm kéo ghế ngồi. Cô chủ quán reo lên: “A, chị Huệ. Chị đi đâu mà ghé đây? Lâu dữ”. Bưng ly cà phê ra cho Huệ, chủ quán tự nhiên kéo ghế ngồi cạnh: “Nhà chị giờ thay đổi ghê chưa?”.
Ừ. Huệ biết bà chủ khách sạn cũng là chủ tiệm vàng mà. Cái kiểu hách dịch, khinh người của bả, Huệ cũng biết luôn.
Cô chủ quán cà phê kể lể: “Trời ơi, bả tới lui chỗ này hàng tỉ lần mà không hề liếc con mắt nhìn chung quanh đâu nghen chị. Anh Minh sửa xe ngồi dưới gốc cây kế nhà chị hồi xưa đó cũng bị bả cho người đuổi, không cho làm, nói ảnh hưởng bộ mặt khách sạn của bả...”.

Tối đó, khi lên lầu thắp nhang cho cha, Huệ thủ thỉ: “Cha có đi chơi, đừng thèm ghé qua nhà cũ của mình nghe cha. Ghé là buồn đó. Nó không còn xíu gì gợi nhớ ngôi nhà của mình hồi xưa đâu cha. Nó thấy ghét lắm...”. Trong ảnh, đôi mắt cha nhìn Huệ thật bình thản. Như thể cha nói: “Mình hết duyên với ngôi nhà đó rồi thì thôi, con bận lòng làm gì?”.

Mùi hoa ngâu thoang thoảng ngoài sân nhắc Huệ pha một bình trà. Rồi cô lúi húi mở túi cói to chở về lúc chiều lôi ra một chậu cây.
Cô chủ quán cà phê nói: “Bữa bả cho phá cổng, chặt giàn bông giấy, em chạy qua lấy mấy nhánh gốc về găm, giờ nở đẹp lắm chị. Em tặng chị một chậu nè..."


A-Celebration-of-Women-Feature-Banner-e1352628808407 (1) 512


Connie Francis





Tuesday, November 6, 2018

tượng gái việt bên sông



Image may contain: 1 person, tree, plant and outdoor   !!!*
tượng gái việt bên sông
Nguyn Phúc Bá

Tượng gái bên sông mt đng tròng,
Gi
ương mt trông vi thy gì không,
Sông
sau lưng núi trước mt,
Đ
i trôi trăm no r muôn dòng?

Thi
ếu n bên sông má không hng,
B
n lòng thế s biếng phn son,
Nghe ti
ếng đi kêu mà bc mt,
Hay th
y yêu ma khoác nâu sòng?

Môi mím không v
ương mt nét cười,
N
i nim chi n du khôn nguôi,
Phù sinh m
t cõi thân lưu lc,
Mãi hoài nhan s
c Vit kém tươi,

Tôi ngang qua t
ượng mt đêm khuya,
Mong th
y tóc bay l ướt mi,
Mong th
y môi hng và má thm,
M
t trơ xin ánh nét nhu mì.

Tu
ế nguyt trơ gan người bc phn,
Ngàn năm ôm mãi m
t su bi,
Tôi đã ch
p tay và tôi khn,
Xin Tr
i cu ly mt xuân thì.


*tượng Cô Gái Việt Nam trên bờ sông Hương