add this

Monday, November 19, 2018

lịch sử, sử ký, sử học...



See the source image
cho lịch sử một ý nghĩa

making sense of history
R.A. Guisepi, ttt dịch

Ý nghĩa của quá khứ là ánh sáng chiếu đường cho hiện tại và định hướng tầm nhìn về những khả thể của tương lai.

Có hai quan điểm về diễn trình lịch sử, nhưng chưa có bên nào đưa ra một kết luận khả dĩ minh chứng được. Một bên cho rằng lịch sử không gì hơn sự tom góp lộn xộn về những điều xẩy ra bừa bãi không thứ lớp. Do đó không tìm ra trong lịch sử một ý nghĩa nào, không như thế giới tự nhiên có nghĩa lý và mục đích.

Quan điểm đối nghịch, tức là ý kiến của đa số, lập luận rằng lịch sử có sự sắp xếp, có mục đích và có mô biểu riêng. Chủ xướng nầy bắt nguồn từ các truyền thống tôn giáo của Tây Phương: Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo nhưng chính yếu là Thánh Kinh. Những tin tưởng tôn giáo trong khu vực nầy kết luận rằng lịch sử là sự thành tựu kế hoạch về thế giới của God.  Thánh Augustin quảng diễn luận án nầy vào thế kỷ thứ 5. Đến thế kỷ 17, nhà thần học Jacques-Benigne Bossuet đưa ý nghĩ nầy xa hơn trong cuốn Discours sur l’histoire universelle năm 1681. Theo suy nghĩ của giáo sĩ Pháp nầy, hưng thịnh suy bại hủy diệt của các đế quốc tùy thuộc vào sự sắp xếp bí mật của Thiên Hựu.

Các khám phá khoa học của Newton đã làm thay đổi cách người đời nghĩ về thế giới. Có thể xem lịch sử là một diễn trình do God thúc đẩy nhưng phần lớn tùy thuộc các quyết định và hành động của nhân loại. Học phái Ánh Sáng nhấn mạnh điểm nầy khi xem nhân loại đóng vai trò tối thượng điều động lịch sử.

Thế kỷ 19, lịch sử được triết gia Đức Hegel mô tả như một tiến trình của các sự thay đổi, gây nên bởi hành động, phản hành động và tổng hợp. Lịch sử không thể mô tả một cách máy móc. Con người có tự do; nhưng tự do ấy chỉ có thể thực hiện bằng các lần vượt qua các nghịch cảnh, những cản ngăng. Lịch sử không phải là một chuổi những chuyển tiếp êm ả, trái lại đầy tương khắc và tương tranh.

Karl Marx cũng trình bày một lối nhìn tương tự. Lịch sử phải tuân theo những định luật như thiên nhiên. Lịch sử có một hướng đi, tuân theo những thực tại kinh tế, và theo đường lối làm ra sự giàu có và cách dùng sự giàu có nầy. Tất yếu, các giai cấp thành hình, đánh nhau giành quyền kiểm soát các phương tiện sản xuất. Mục tiêu của những tương tranh nầy là một xã hội không có giai cấp, càng đấu tranh càng tới gần đích.

Hai tác giả thế kỷ 20 đã đưa ra các triết lý lịch sử rất phức tạp và có tầm ảnh hưởng lớn: Oswald Spengler và Arnold Toynbee. Spengler xuất bản cuốn sách bi quan Decline of the West trong khoảng 1918-1922. Ra đời trong bóng đen Thế Chiến phủ lên Âu Châu, tác phẩm được tiếp đón rộng rãi khắp nơi mặc dù được viết trước khi chiến sự bắt đầu. Sách trình bày văn hóa, hay các nền văn minh, với những danh từ sinh học, như những cơ thể tự nhiên. Theo ông, các nền văn hóa được sinh ra, trưởng thành, rồi chết theo một diễn trình sinh hoại. Nói cho đúng, khái niệm nầy có chỗ hở; nếu các nền văn hóa là những cơ cấu sinh học cá biệt, chúng không thể ảnh hưởng nhau tốt hay xấu. Tuy vậy luận trình của ông ăn khớp với sự vỡ mộng mà cả thế giới đang cảm nhận sau cuộc chiến.

Toynbee cũng vậy, ông nghiên cứu sự phát triển của các nền văn minh. Ông bác bỏ khái niệm cho rằng quá khứ có thể được nhìn theo đường thẳng tiến bộ và phát triển. Ông không đồng ý với lời Spengler rằng Tây Phương đã sụp đổ. Trong loạt 12 cuốn Study of History (1934-1961), Toynbee tuyên bố rằng nền văn minh hình thành trong xã hội qua sự ứng phó với các thách thức. Nếu thách thức quá lớn hoặc quá nhỏ thì không có sự tiến bộ nào đáng kể. Do đó dân Eskimo không bao giờ ra khỏi nền văn hóa thô sơ vì sự thách thức của môi sinh quá lớn. Những xã hội trong khu vực thời tiết luôn luôn ấm áp đều cho rằng thách thức môi sinh quá nhỏ, không cần làm gì khác. Những vùng khí hậu điều hòa như Bắc Mỹ hay Bắc Âu, loài người có thể đối đầu các sự thử thách và do đó có nền văn minh cao hơn.

Lịch sử
Ý nghĩa của quá khứ là ánh sáng chiếu đường cho hiện tại và định hướng tầm nhìn về những khả thể của tương lai. Không có sự hiểu biết đầy đủ về lịch sử, các biến cố hiện thời chỉ là những biến động rời rạc. Lịch sử là một khoa học, một ngành trí thức dùng những phương pháp và phương tiện đặc thù để đạt mục đích của mình.

Viết sử cần tài liệu. Các sử liệu bằng chữ viết gồm: công báo của chính phủ, nhật ký, thư từ, tiểu sử và các thứ khác…. Để viết cổ sử, đặc biệt của Trung Đông và Tàu, phải dùng danh sách các vị vua; bản liệt kê những trận đánh, những biến cố quan trọng, cũng như các đền đài, và bản ghi những thiên tai. Khoa khảo cổ cung cấp nhiều sử liệu. Năm 1901, người ta tìm thấy trụ đá ghi các luật do vua Babylone Hammurabi ban hành, thế kỷ 18 tTC.

Thời nay các chứng liệu có chữ viết rất dễ tìm: các chính phủ, các tổ chức công tư đều giữ hồ sơ ghi mọi việc. Nhiều khi tình cờ mà gặp các thứ ấy. Khi bị đánh bại trong thế chiến 2, Nazis chạy và để lại một núi tài liệu, nhờ đó có thể dựng lại lịch sử của Đức từ 1933 đến 1945.

Nếu hồ sơ tài liệu ngày nay được viết hay in trên giấy thì người xưa ghi trên đá, trên da hay trên vỏ cây hay lá, vẽ trên các đền đài, hay trong nhà thì ghi trên chén bát đồ sứ hay tiền chì. Được biết nhiều nhất về điểm nầy là triều đại vua Ấn Độ Asoka với các lệnh và chiếu chỉ ông ban hành, lời của Phật. Chúng được khắc ghi trên những cột đá dựng (stella) hay các khối đá thấp trưng bày các nơi dân chúng tụ tập sinh hoạt thường nhật.

Khoa học hiện kim gọi là sử ký – hay viết sử - được phát triển từ thế kỷ 19; xuất phát đầu tiên ở đại học Gottingen, Đức, rồi các trường khác trong xứ cũng làm theo. Sau đó dần dà, ảnh hưởng của Đức đã lan khắp Âu Mỹ. Tuy vậy, vượt qua quyết định của Đức dùng đường lối khoa học và có phương pháp vừa nêu, chúng ta có thể thấy cả mấy ngàn năm kinh nghiệm về lịch sử ở các xã hội khác biệt.

Ý nghĩa của quá khứ
Quả đất, thiên nhiên và vũ trụ đều có quá khứ nhưng không có sử ký. Các cá nhân cũng không có sử ký tuy ai cũng có quá khứ. Quá khứ viết thành văn của cá nhân gọi là tiểu sử. Duy chỉ những xã hội nhân quần mới có sử ký; dựng lại quá khứ căn cứ vào ký ức chung. Nhưng không phải mọi cố gắng dựng lại quá khứ đều cho chúng ta kết quả là sử ký. Trước khi có sử ký, nhân loại đã có cách kể lại những biến cố dưới hình thức huyền thoại, giả sử và anh hùng ca. Cho dù các xã hội tiền sử lưu giữ các tài liệu viết, chúng chưa hẳn đã là sử. Thường thường là danh sách các vị vua và liệt kê các trận đánh. Muốn thành sử ký theo đúng nghĩa, các bài tường trình không những kể chuyện đã xẩy ra mà xem con người và thời cuộc liên hệ ra sao; phải xét nguyên nhân và kết quả; về phương pháp luận còn phải xem sử liệu có giá trị hay không; nhất là vua chúa bao giờ cũng được mô tả là tốt hơn giỏi hơn, không như cuộc sống thật có đủ tốt xấu.

Việc làm của Do Thái
Nhà văn cổ đại Hy Lạp Herodotus được xem là cha đẻ của sử từ khi chính trị gia hùng biện La Mã Ciceron gắn danh hiệu nầy cho ông, người tìm hiểu lịch sử, sinh 500 năm trước Jesus. Tuy vậy trước Herodotus, Do Thái đã thành đạt trong việc viết lịch sử xứ Israel tiền sử và các xứ lân cận như Ai Cập và lưỡng hà địa. Những cuộc nghiên cứu nầy không nhằm tìm ra nguồn gốc của xứ sở theo một khuynh hướng chính trị nào đó. Công việc nầy là của các nhà văn viết các anh hùng ca và kể lại các huyền thoại.

Trong thế giới tiền sử, chỉ một mình Do Thái là xứ có ý thức về lịch sử. Lịch sử nầy ăn sâu vào một biến cố duy nhất không bao giờ quên – cuộc di dân Exodus – rời bỏ Ai Cập dưới sự lãnh đạo sinh động của lãnh tụ tên Moses. Sau lưng Moses còn có hằng trăm nhân vật là hậu duệ từ thời xa xưa của Abraham. Tuy vậy, lịch sử nầy chỉ luôn luôn nằm trong ký ức của dân chúng, truyền khẩu mà còn.

Do Thái đã phải tốn mấy thế kỷ mới kết tập bộ sử quốc gia đầu tiên và đúng thực. Tài liệu được chép vào Thánh Kinh Do Thái, gọi là Cựu Ước. Điều đáng chú ý nhất là bộ sử bao gồm các sai lầm, các thất bại cũng như thành công của một quốc gia qua một lịch sử lâu dài. Không có sự tô vẽ, sắm sửa để trình bày một Israel tốt đẹp trước mắt hậu thế và người đời. Nhân vật trong chuyện kể đều có nhược điểm và ưu điểm.

Sử ký quốc gia Do Thái còn mang tính chất khác biệt vì các lý do khác. Khi kết nhập chuyện Sáng Thế (tạo lập thế giới), bộ sử nầy biểu hiện cố gắng đầu tiên xây dựng một bộ sử ký toàn diện phổ quát, bao trùm cả loài người. Nội dung Thánh Kinh Do Thái trở thành sự giải thích, mô tả lịch sử, nó xác lập rằng lịch sử vừa có sự bắt đầu vừa có mục đích. Đường hướng lý luận nầy tương phản với các xã hội khác xem thời gian trôi qua như một chuổi các chu lỳ lập lại, giống như thay đổi bốn mùa.

Image result for Book of Genesis
Sáng Thế ký, Cựu Ước
Thiên Chúa Giáo tiếp nhận và chấp nhận ngay, đồng thời sửa đổi thích ứng cho việc dùng riêng. Thế kỷ thứ 5, Thánh Augustin đào xới thêm trong cuốn City of God. Tác giả trình bày lịch sử như một sự tiến gần đến xứ của God. Cuốn sách nầy làm gốc cho những lý thuyết tương lai chủ trương một sự tiến tới không thế tránh được. Có nhóm lý tuyết gia nhấn mạnh đến sự tiến bộ tự nhiên và cải thiện trong thân phận con người. Có nhóm khác, đặc biệt là Karl Marx, chủ xướng rằng lịch sử diễn tiến qua các cuộc cách mạng bạo động để đến một xã hội không giai cấp, một thiên đường hạ giới.

Thành quả của Hy Lạp
Khi đã xuất hiện đầy đủ, các tiểu quốc Hy Lạp vẫn chưa có quá khứ. Những nền văn minh có trước như Cretan, Mycenean đã biến mất, không để lại một dấu tích trong ký ức chung của Hy Lạp. Dân chúng chỉ biết các anh hùng ca cổ truyền như sách của Homer, truyện tích của Hesiod viết theo lối thần thoại.

Sử gia đầu tiên ở Hy Lạp là Hecateus, gốc Tiểu Á, sống vào thế kỷ 6 hay 5 tTC. Nay chỉ còn sót một vài phần nhỏ của hai cuốn sách của ông là HistoryTour Around the World. Ông đã chê bai những chuyện người Hy Lạp kể về quá khứ và đi đến kết luận: “Chuyện thì rất nhiều nhưng theo tôi chúng rất lố bịch”. Hecateus du hành Ai Cập. Sau khi viếng thăm các giáo sĩ (cũng là người giữ các hồ sơ, ký sự), ông nói ông nay đã có thể truy nguyên gia phả đến 16 đời. Một người địa phương cho ông biết chứng cớ rằng vị giáo lãnh Ai Cập có thể tìm thấy tổ tiên đến 345 thế hệ. Sự xưa cổ nầy đã gây cho ông nhiều ấn tượng, giống như về sau Herodotos cũng vậy. Ông quyết định truy tìm nguồn gốc các quốc gia viếng thăm.

Sử gia Hy Lạp, đặc biệt Herodotus và Thucydides, đã làm hai sự đóng góp có ý nghĩa trong việc viết lịch sử. Đó là xem xét cân nhắc các chứng tích, xem cái nào đúng cái nào sai. Hai ông đã viết về lịch sử quá khứ gần. Herodotus nghiên cứu Chiến Tranh Ba Tư viết thành cuốn History. Thucydides viết lịch sử chiến tranh Peloponnesia xẩy ra trong đời mình. Bàn về sự nghiên cứu nầy, ông nói: “Khi tham khảo các tài liệu về các biến cố, tôi không hấp tấp dùng ngay khi chúng đến trong tay. Tôi không tin nghe những ấn tượng trong đầu, mà chú tâm đến những điều tôi thấy, những điều người khác thấy giúp tôi. Sự chính xác của các tường trình cần được xem xét một cách nghiêm khắc và trắc nghiệm nếu hoàn cảnh cho phép”. Phương pháp làm sử nầy được phục sinh bởi sử gia Đức thế kỷ 19.

Thành quả của Tàu
Cho đến thời gian gần đây, nước Tàu đã sản xuất một khối lượng sử viết, nhiều và dài không xứ nào sánh kịp. Mục tiêu chính yếu, nòng cốt của việc viết sử nầy là chính trị. Nhớ lại sự việc đã được thi hành ra sao sẽ hướng dẫn giới hữu trách trong các quyết định hay thiết lập các chính sách quốc gia. Khổng Tử tự cho mình trọng trách san định sử kinh để truyền cho đời sau một cách trung thực.

Công việc viết sử bắt đầu với các thầy ký, có nhiệm vụ giữ các chứng tích về các lần cúng tế tổ tiên. Vua chúa giữ các thầy ký trong triều để hỏi xưa kia cúng tế ra sao. Dần dà các thầy trở thành kẻ giữ kẻ lưu trữ hồ sơ, trước khi thành những nha lại quan trọng hơn tuy cùng nhiệm vụ. Sử gia nổi bật nhất là Tư Mã Thiên. Ông là một chiêm tinh gia, một chuyên viên về lịch và là sử quan quan trọng nhất của triều đình. Sử Ký là tác phẩm quan trọng có ý nghĩa nhất, cho đến thế kỷ 2 tTC. Tư Mã Thiên sắp xếp thứ tự các biến cố phức tạp, ghi rõ xuất xứ, giữ các bản thời ký, thêm các chi tiết địa dư của các tiểu quốc, ghi thêm thư mục tham khảo. Sáu bảy thế kỷ sau, Lưu Tri Kỷ (661-721) viết luận văn đầu tiên trên thế giới về phương pháp của sử học. Bước qua thế kỷ 11, Tư Mã Quang viết cuốn sử rõ ràng và đầy đủ của nước Tàu.

Lối viết sử của Muslim
Giống như TCG và Do Thái Giáo, Hồi giáo lấy các biến cố lịch sử làm nòng, đặc biệt là đời sống của người sáng lập Muhammad. Đa số các ký liệu tôn giáo của Muslim được viết vì lý do tôn giáo để khích lệ người theo hay để giải thích các án lệ. Nhiều học giả phải đứng xa xa, rất cẩn thận khi xét về nguồn tham khảo, tuy những tài liệu nầy chính yếu dựa trên những nét chính về tiểu sử của các nhân vật nổi tiếng.

Cho đến bây giờ, tác giả quan trọng nhất về lịch sử Hồi giáo là Ibn Khaldun, của cuốn Muqaddimah. Cuốn sách duy nhất nầy nói về lịch sử phổ quát toàn diện, đồng thời mang theo lời giải thích vì sao các nền văn minh hưng thịnh, suy tàn và tiêu hủy. Ông đưa ra các định luật điều dẫn số phận các xã hội; ông cũng đưa ra các qui luật lượng định sử liệu ngõ hầu tái tạo quá khứ một cách trung thực. Đầu thế kỷ 20, Toynbee đã ca ngợi cuốn sách có giá trị to lớn nhất trong thể loại nầy.

Sử học thời nay
Việc viết sử trong thời Trung Cổ không biến mất hoàn toàn nhưng không có gì mới lạ hay ho. Thời Phục Hưng và thời Ánh Sáng đã đem lại nhiều thay đổi trọng yếu. Quan trọng nhất là học cách phân tích các nguồn sử liệu ngõ hầu bảo đảm sự xác thực và loại bỏ hư vọng. Lãnh vực phê bình tài liệu nầy, gọi là diplomatics, xuất hiện thế kỷ 17 khi Jean Mabillon xuất bản cuốn De Re Diplomanica 1681. Giáo sĩ người Pháp nầy đã công thức hóa các nguyên tắc ấn định tính chất khả thực và ngày tháng các sử liệu Trung cổ. Ngành nầy đã bành trướng mạnh mẽ đi đến việc phê phán các hồ sơ cũ kể cả Thánh Kinh.
Image result for decline and fall of the roman empire
Một thành quả khác của thời đại là việc thế tục hóa sử ký; sử ký được tách khỏi sự kiểm soát của God, của thần linh hay của định mệnh. Sử ký đơn thuần là chuyện của xã hội loài người. Những biến cố, những định chế được giải thích như là kết quả cả sự phát triển, tùy thuộc vào hành động và quyết định của người. Các nhà chủ trương thế tục cứu xét toàn diện các ảnh hưởng nào đã hình thành xã hội. Cuốn sử danh tiếng nhất trong chiều hướng nầy là Decline and Fall of the Roman Empire, của Edward Gibbon một kiệt tác trong Anh ngữ. Lý thuyết gia hàng đầu của trường phái là Giambattista Vico (1668-1744), nhưng tác phẩm của ông bị bỏ quên cho đến thế kỷ 20.

Thành quả ở Đức
Trong hai thế kỷ 18 và 19, các sử gia nhà nghề của Đức đã hoàn tất một khối lượng to lớn các công trình viết sử. Các công trình nghiên cứu sẽ giúp họ tìm ra chỗ dạy xứng đáng trong các đại học hay có một vị thế khả kính đối với đồng nghiệp. Nhưng sự dồi dào nầy có được phần lớn nhờ không khí tự do trí thức và vì chính quyền không đá động đến sinh hoạt văn hoá nầy; ngoài ra còn mở cửa các kho tài liệu cho các sử gia tham khảo: ví dụ văn khố Anh thành lập 1838; văn khố Vatican thành lập 1883. Ngày nay sử gia và học giả không thiếu sách báo ở các thư viện công hay tư; hai nơi quan trọng nhất là thư viện Quốc Hội Mỹ và British Museum.

Thế kỷ 18, Johann Gottfried von Herder đã thúc đẩy việc nghiên cứu lịch sử ở Đức. Ông tin rằng sứ mệnh của sử gia là tái tạo những gì thực sự đã xẩy ra; mọi giai đoạn của mọi quốc gia cần được nghiên cứu cẩn thận như nhau. Đường lối của ông có người đi theo ở thế kỷ sau. Đó là Leopold von Ranke, người tin tưởng rằng lịch sử tiến hóa như những sự phát triển riêng biệt của cá nhân, dân tộc và quốc gia. Ông đặc biệt chú trọng đến tính chất liên tục của sự phát triển văn hóa. Von Ranke nhấn mạnh tính chất khách quan là điều kiện cần thiết nếu muốn tả lại quá khứ. Ảnh hưởng của ông còn tiếp cho đến thời sau thế chiến thứ nhất.

Nói chung, sự viết sử ở Đức mang tính chất quốc gia chủ nghĩa, ca ngợi một quốc gia Đức. Khuynh hướng nầy được hình thành từ sự thảm bại mà Napoleon đã quật lên đầu các tiểu quốc Đức trước năm 1815. Trung tâm của phong trào quốc gia nầy đặt tại Phổ, tại đại học Berlin (thành lập 1809). Rồi cũng chính Phổ thống nhất Đức năm 1871 và cũng làm cho Pháp nếm mùi thảm bại. Sau cuộc thống nhất, giới cầm bút tự hướng về việc thẩm định giá trị và ca ngợi đế quốc Đức.

Mặc dầu thái quá, chủ nghĩa quốc gia đã ảnh hưởng sự tăng trưởng ngành sử học ở các nước khác. Jules Michelet đã viết xong cuốn sử đầu tiên về nước Pháp thời Trung Cổ dựa theo các tài liệu lưu trữ. Ở Anh, Thomas Babington Macaulay cho lưu hành cuốn History of England nhiều người đọc, tuy sách nhiều chỗ sai vì chủ nghĩa quốc gia.

 Sử ký Mỹ thời lập quốc
Trước khi có ảnh hưởng của Đức, Mỹ có những nhà văn gạo cội viết về lịch sử Hoa Kỳ (ít ai đọc vào thế kỷ 20). George Bancroft là người Mỹ đầu tiên viết bộ sử đầy đủ từ thời lập quốc cho đến thời chiến tranh Cách Mạng. Tác phẩm History of the United States gồm tám quyển ấn hành trong vòng 40 năm từ 1834, dựa trên nhiều nguồn tài liệu kể các các thư viện Âu Châu. William Prescott vượt biên giới để trình bày Tây Ban Nha chiếm Mexico như thế nào; ba cuốn sử của ông xuất bản 1843 dành số trang khá lớn nói về đế quốc Tây Ban Nha, ông có dùng thêm tài liệu của xứ nấy. Henry Adams, hậu duệ của vị tổng thống thứ hai vẫn còn giữ địa vị tác giả tập sách “trụ cột” (landmark) trong ngành; tuy chỉ nói về một thời gian ngắn History of the United States During the Administrations of Thomas Jefferson and James Madison' (1889-91).

Nhiều học giả đã đến Đức mà học phương pháp sử rồi đem đi khắp nơi trong đó có Hoa Kỳ. Herbert Baxter Adams được xem là nhà tổ chức nhiều ảnh hưởng đã biến đại học John Hopkin thành một trung tâm nghiên cứu lịch sử, như các đại học Đức qui tụ các sử gia.

Trước khi thành tổng thống, Woodrow Wilson viết A History of the American People (1902) với tầm nhìn rộng rãi hơn, không tự giới hạn trong chính trị.

Xa hơn chính quốc, Jame Henry Breasted chú ý đến khảo cổ và Ai cập học; ông đã thành lập trung tâm Đông Phương học ở Chicago, làm nơi tàn trữ di vật cổ Ai Cập.

Nhiều học giả muốn đào sâu lịch sử tương đối ngắn của Mỹ, nhưng chi tiết hơn, nhiều khía cạnh hơn. Người ta tiếp tục tìm hiểu và để ý đến một luận điểm của Charles A. Beard. Đề tài của ông khá khác thường, khía cạnh kinh tế trong hiến pháp như tên sách đã chỉ [Economic Interpretation of the Constitution, 1913]. Cuốn sách đã trình bày lịch sử Mỹ như một chuổi dài kế tiếp nhau những tương tranh của các thế lực kinh tế.-

Ghi chú: history được dịch tùy lúc là sử ký hay lịch sử; tác giả còn dùng thêm danh từ historical writing gần với sử ký.
2019 cập nhật: website gốc đã ngưng hoạt động vì thiếu tiền; do đó không có link xuất xứ


No comments:

Post a Comment