|
người intouchable da đen Ân Độ |
lịch sử
da diết như tình yêu
Tôn Thất
Tuệ
(nhân mùa Phật Đản)
Tựu trung Thung Lũng Ấn Hà (Indus Valley) là một nền
văn minh chưa từng có, ước lượng đã 15 đến 20 ngàn năm trước JC, đã có ngôn ngữ,
và chính ngôn ngữ nầy là gốc của vô số ngôn ngữ trên thế giới thuộc nhánh Indo
Europe; và là anh em chị em với Hy Lạp và La Tinh, (Arab cũng dung hòa giữa
Hebreux và Hy Lạp), đã dùng hệ thống lưỡng cực hiện nay của computer, đã có những
đô thị phát triển, có hệ thống vệ sinh công cộng, như đã được khai quật.
Chừng 3 ngàn năm trước Jesus, người Aryan du mục trên
các đồng cỏ vào chiếm và tạo ra một nền văn hóa trái ngược với văn hóa cũ và đã
tạo cơ duyên hình thành Ấn Độ Giáo (AG) Hindouisme. Văn minh cũ cao hơn nhưng
chưa có thể lấn áp sức mạnh chính trị và kinh tế, thế rồi mở một đường mới cho
lịch sử, như các cuộc xâm lăng lớn nhỏ, sẽ kéo dài ngoài sự dự đoán của nạn
nhân.
Có thể cùng thời gian ấy, bên trời Tây nhóm người du mục
của Abraham đến vùng đất của Philistine mở đầu một lịch sử đến bây giờ là
Palestine và Do Thái.
Nhóm Aryan nầy rất thế
tục trái với văn hóa duy nghiệm và huyền nhiệm hiện có. Nhưng AG vẫn có siêu
hình gần giống với trào lưu của Indus Valley, và không thể bỏ qua khi nói đến
Đông Phương; AG rất nhiều mysticism. Nhưng AG trách nhiệm về sự tồi tệ cho đến
ngày nay. Trước tiên AG là một tôn giáo chỉ huy xã hội (society bound religion)
như Muslim, TCG, quy định mọi thứ, ví dụ Đặng Văn Nhâm đã đọc Kama Sutra nói rằng
việc hành dâm cũng được quy định trong AG. Khía cạnh thần học siêu hình đã có
biến thái qua triết học riêng và chính trị hóa để làm công cụ cho tăng lữ.
Chẳng khác kinh nghiệm ở Âu Châu từ “đêm đen Trung cổ’’.
Trong bối cảnh lịch sử ấy Phật Giáo xuất hiện. Lúc ấy xã hội Ấn
đã phát triển về kinh tế như sự xuất hiện giới trung lưu. Cấp Cô Độc giàu có đã
biếu Phật vườn cây làm nơi thuyết pháp; dân chúng đủ ăn và dư để cúng các thầy
khất thực.
Sử gia hiện tại dưới ảnh hưởng của giai cấp đấu tranh
đã cho Phật Thích Ca và PG đã thất bại trong việc canh cải Ấn Độ. Cũng như nhiều
người đã trách Jesus không chịu cầm đầu dân Do Thái lật đổ cai trị La Mã. Họ
cho PG sứ mệnh đấu tranh cho người nghèo nhưng hệ thống giai cấp, hệ thống hạ cấp
là sản phẩm đặc thù của AG trong tay tăng lữ, như một vũ khí thần quyền và thế
tục.
Đã một thời, học thuật tây phương cho rằng PG là con đẻ
của AG. AG xuất hiện trước; hai tôn giáo đề cập đến nghiệp và không phải là nhất
thần giáo; chữ God trong AG là một quan niệm vũ trụ; mặt ngoài AG là đa thần
giáo (panthéism). Nhưng có khuynh hướng nói rằng PG xuất hiện để tiêu hủy AG,
có sự cố gắng của hai bên chiếm vị thế lãnh đạo.
Cho PG tính chất đấu tranh không phải là chuyện sai. Nếu
xã hội Ấn phân chia giai cấp đến cùng cực, thì Thích Ca (TC) nói con người là quý và
ai cũng có thể thành Phật. Về thực tế xã hội, TC cho nữ phái xuất gia, và kinh
Pháp Hoa nói Tiểu Long Nữ đã thành Phật. Kinh Kim Cang nói Phật khất thực
nhà nầy đến nhà liền kế, không phải đi tìm nhà thích hợp giàu có mà khất thực.
TC không dùng chữ viết tuy ngôn ngữ đã tiến bộ, vì không phải ai cũng biết đọc,
chữ nghĩa chỉ dành cho một số ít. Như vậy khẩu truyền đến được với mọi người, rất
bình đẳng.
Cuộc chạy đua tìm sự ưu việt lãnh đạo giữa PG và AG, nếu
có, thì PG quá thất thế vì đối phương quá vững từ một lịch sử lâu dài và một tổ
chức giáo hội (như một tôn giáo khác ở Tây Phương); mà PG lúc ấy, không như bây
giờ, không lý tài, mặc dầu đã được giới thương gia ủng hộ; TC không muốn ai ca tụng
mình, cũng không tự chế một thi sĩ (như Trần Dân Tiên) ca tụng mình, dân chúng tuy đã xem Ngài như
thánh như thần vẫn dùng những biểu tượng tầm thường chỉ về Ngài lúc sống và cho
đến khi Hy Lạp làm ra các tượng. Họ chỉ dùng dấu chân Phật, hay chiếc chiếu cuốn
lại (viên tịch). Thứ đến, PG không có lãnh tụ khi TC nhập diệt và không có cán bộ.
Có lãnh tụ (Ca Diếp) và cán bộ (tu sĩ) chứ?! Con cá sẩy
luôn lớn, cho nên Xá Lợi Phất đã được xem là lãnh tụ sáng chói nếu không yểu mệnh
như Nhan Hồi của Khổng Tử. Nhánh đi về Tích Lan vẫn coi trọng XLP hơn Ca Diếp;
Ca Diếp có vị trí tôn kính trong nhánh qua Tàu. Khi TC nhập diệt, các giáo phái
ở Ấn thấy PG không còn lãnh đạo xứng đáng như thầy, họ đã đưa một số điều trong
PG vào hệ thống riêng sau khi sửa đổi cho thích hợp. TC thành một ông thánh
trong giáo hội TCG Vatican và Constantinople.
Nhiều học phái cho rằng Ca Diếp không có viễn tượng rộng
rãi như TC, chỉ chú trọng đến Tăng Già mà không nghĩ đến bên ngoài, không cho đệ
tử đi truyền bá các nơi. Xưa kia TC chỉ đóng cửa mùa hạ để huấn luyện và để dân
chúng làm mùa, không bỏ việc để nghe giảng; đó là tập tục kiết hạ. Ca Diếp khi
chủ trì cuộc quy tập kinh điển đầu tiên chỉ chú trọng tới luật và gom góp trong
ba bộ gọi là Tripikata, ba cái thúng.
|
hình chãm trên cột đá và hình bánh xe Asoka |
PG được vua Asoka giúp đỡ, vua cho dựng các cột đá ghi
khắc lời kinh Phật như những huấn từ để thành người dân lương thiện. Những cột
đá nầy đánh dấu bước hoằng pháp, cho đến tận Ai Cập. Trong thời Ca Diếp, PG đã
phân hóa, nhưng PG đã bắt đầu qua hướng đông bằng con đường tơ lụa. Một nhánh
đi xuống nam đảo Tích Lan và truyền đạo bằng thuyền cận dương đến mãi Nam
Dương. Từ đó PG ngày nay được xem là tôn giáo truyền đạo mạnh mẽ và hòa bình nhất
đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Sự phân hóa nầy có một vụ rất buồn cười, chia
rẻ giữa hai phe nên và không nên cho các thầy giữ chút tiền trong túi để đi đò
và ăn nơi không có tập tục cúng dường.
Tuy vậy PG nội địa Ấn thụt lùi, cùng thời với sự lụn bại
của triều vua của Asoka. Pháp Hiển và Huyền Trang đến Ấn ghi nhận những nơi xưa
kia đông đảo sư tăng tín đồ nay thành phế tích. Sự thụt lùi nầy đã xẩy ra trước
khi muslim vào Ấn. Về tinh thần, lý thuyết PG không còn thuần túy; các học phái
cho rằng PG đã hòa với các lý thuyết Ấn và đã cho ra Mật Tông.
Cho đến khi xem như bị xóa khỏi bán lục địa nầy, PG
cũng không làm gì để cải thiện người hạ tiện. Đến thế kỷ 17, người intouchable
thường bị giết để tế thần như con vật. Nếu đi qua một nơi cấm, intouchable sẽ bị
chặt đầu, lấy đầu làm quả banh đùa chơi.
Muslim đã vào Ấn, tăng lữ AG đã thành người hợp tác,
giúp Muslim cai trị, vì họ biết đường đi nước bước, có văn hóa cao hơn, họ được
chính quyền mới cho làm trung gian cai trị nông thôn. Người trí thức địa phương
đã giúp muslim Thổ cai trị, thành lập đế quốc rộng lớn nhất là Ottoman là một sự
trùng hợp khác.
Danh tự Ấn Độ ngày nay dùng trong
chính trị cận và hiện đại cũng như trong ngành du lịch chưa phải là cả thung
lũng Indus Valley; và PG lúc nguyên thủy hay thịnh hành với đại thừa đã nằm
phía bắc.
Học giả Santina nói rằng PG ra đời trong sự dung hợp sự
khác biệt giữa các quan niệm mà ông xem như sự nhập chung giữa sông Hằng và
sông Yamuna. Ông muốn nói sự xâm chiếm của Aryan và văn minh tại chỗ của Indus
Valley, mà người Aryan là nguyên khởi của AG. Khi nói đến sự dung hợp nầy
Santina chỉ nói khía cạnh siêu hình triết lý của AG, như các học phái ngày nay
xem AG là một phần rất lớn trong điều gọi là Đông Phương. Thật vậy, cuốn The
Tao of Physic của Capra dùng các lối nhìn huyền nhiệm của AG, của PG của Lão
Giáo như những mấu chốt tìm đến vật lý hiện đại.
Dùng hai chữ cho vui, AG có hình nhi thượng và hình
nhi hạ. Cái thượng là những ông đạo xa vời ở trong núi, nghe kinh Veda như nghe
nhạc, sống với những tư tưởng cao xa lâu đời hóa thạch và hình nhi hạ là duy
trì một xã hội cầm đầu bởi tăng lữ, xuống thấp nhất là đa số nghèo và ngu dốt,
đó là những người ngày ngày hốt phân bò phơi khô làm củi đốt, những người cho vay
cắt cổ.
Okakura, tác giả Trà Thư, trong một tác phẩm khác đã
phân chia một bên phân nửa trái đất là đi tìm phương tiện của đời sống, và một
nửa bên kia đi tìm cứu cánh của đời sống. Bên chỗ cứu cánh, ông nói Tàu theo chủ
trương cộng đồng (ông dùng chữ communism) và một bên ở Ấn là chủ trương cá nhân (individualism) tìm sự thể nhập vào bản thể vũ trụ. Cái nhìn lạc quan hòa đồng tư tưởng hòa đồng
điệu sống, nhất là sự hội nhập qua về sau vụ xâm chiếm Aryan. Cũng như Santina,
người Nhật nầy đã cống hiến cái nhìn về Ấn Độ, và là cái nhìn hiện có về tiểu lục
địa nầy trong các sách Tây Phương và giáo khoa, trong đó VN cũng dùng trong
phân khoa triết học.
Tất cả những thứ đó trong điều chúng tôi tạm gọi là
hình nhi thượng của AG.
Hình nhi hạ, là sự sống thật sự và những bất công xã hội
không được nói tới đầy đủ, thỉnh thoảng có những hình ảnh như một sông Hằng đầy
xác chết.
Okakura dùng chữ communism theo nguyên nghĩa, chủ
trương cộng đồng (viết trước sự xuất hiện CSQT 1917). Thật vậy, xã hội Tàu không
có sự phân chia giai cấp rõ rệt, người nghèo có thể làm thừa tướng, mở lớp dạy
đời. Có thể Okakura thấy danh tự chủ nghĩa cá nhân nhằm giải thích Ấn Độ không
chú trọng đến đời sống các thể nhân bên ngoài vòng lũy tre làng. Từ đó Ấn
Độ gồm những ốc đảo cô lập và độc lập với nhau.
Tàu thường có sự thay đổi triều đại mà trên lý thuyết
do sự cơ cực của dân chúng như sự ra đời của nhà Chu. Ấn Độ không có những đổi
thay ấy. Theo chuyên môn là không có cách mạng. Ánh sáng của khoa xã hội học
ngày nay có thể giải thích. Thông thường ai cũng nghĩ một khi dân chúng chỉ có
cái khố rách thì họ sẽ đứng lên đập đổ chính quyền, làm cách mạng. Sự thật trái
ngược khi quá nghèo thì chỉ nghĩ đến cách tìm củ khoái và ước mơ, nguyện cầu.
Giới lãnh đạo có hai cái lợi. Bóc lột lấy của bỏ túi,
và dân càng nghèo thì địa vị càng vững chắc. Đêm tối Trung Cổ kéo dài trong
tình trạng nông nô. Cách mạng Âu châu thành tựu khi dân chúng tạm no và có thêm
trí thức và thấy có khả thể từ tạm no đến no đủ, và ý thức no đủ như cứu cánh
ít nhất trong đoản kỳ. Họ có động lực, không chấp nhận sự tích đọng hiện tại.
Hình nhi hạ của AG rất thực tế và có chính sách; không
những họ khống chế giai tầng hạ tiện mà mọi giai tầng phải dậm chân tại chỗ.
Sau gần chục ngàn năm đến thế kỷ thứ 7 AG mới đưa ra công thức rõ ràng: tất
cả vì nghiệp, vì nghiệp có các giai cấp. Tuy vậy từ ngày đầu của giai đoạn Vệ
Đà, quan niệm giai cấp đã có.
Xã hội chia ra: tăng lữ (Bà La Môn) / hành chánh quân
sự, / thương gia doanh nghiệp / và thợ thuyền. Vì bất cứ lý do gì, kẻ đứng
ngoài 4 tập thể ấy là hạ tiện. Nghiệp đã được dùng để giải thích các giai cấp
như một định mệnh an bài, cứ vậy mà sống.
Tuy không nói ra, PG là trái bom gài vào ngôi nhà ấy.
Thích Ca cũng như các học thuyết khác, công nhận có nghiệp, và là một yếu tố vô
cùng quan trọng. TC nói chỉ tính từ lúc sinh đến lúc chết thì không thấy gì cả.
Ngài muốn nói đến tính chất vô thủy của nghiệp nhưng nghiệp là hữu chung. Nghiệp
không vĩnh cửu làm cho con người đời đời ở thiên đàng hay đời đời ở địa ngục.
TC không quan niệm nghiệp là một thứ déterminisne, mà hậu quả của nghiệp sẽ
thay đổi xấu hơn hay tốt hơn nhờ tác động của của con người. Theo bây giờ Ngài
nói lên thứ tự do triết lý. PG là tôn giáo duy nhất trong khu vực nói đến giải
thoát nhưng không chủ trương lật đổ theo kiểu cách mạng cận và hiện đại.
Vậy thì hình nhi hạ của AG không thể chấp nhận PG. Họ
rất khoa học nếu không diệt được PG thì biến PG theo kiểu khác không nguy hại
hay hữu dụng; ngày nay nhiều chính thể không diệt được tôn giáo thì biến tôn
giáo thành công cụ, thành tà đạo.
PG tại bản chất không phải là một society bound
religion, chỉ muốn là một nền móng văn hóa, đã không thành công trước sức mạnh
có tổ chức như Lão Giáo nghệ sĩ lùi bước trước Khổng Giáo muốn giữ chính quyền
để hành đạo. TC là nhân vật được các vua chúa kính trọng, xuất thân tại xứ Ma
Kiệt Đà rất giàu mạnh, Đại Đế A Xà Thế là một đệ tử, TC đã giảng hòa các vương
quốc, có sự hậu thuẩn của doanh nghiệp như Cấp Cô Độc… nhưng không lợi dụng thời
thế để cầm quyền, để có thể phong vương người nầy người kia như các vua Âu
Châu.
Vì vậy, trách cứ PG đã không làm gì và từ đó bất công
xã hội còn mãi đến ngày nay; trách cứ nầy chỉ có giá trị như một thương cảm. Mà
chỉ nên nói lịch sử đã không có cơ may là dùng nền nhân bản nầy. Nhưng lịch sử
đã bỏ mất rất nhiều cơ may như đã bỏ mất quan niệm động của Heraclites để vào
nhị nguyên nguy hiểm hiện nay: ta khác người, ta có thể giết người. (le moi et
le non-moi) Lịch sử đầy rẩy những sự lựa chọn vô lý, nhỏ và to.
Sau 2500 năm, tại Ấn có người muốn dùng PG để giải quyết
những bất công xã hội, giải thoát những người cùng cực. Ai?, thành công hay thất
bại? Đó là phần cuối của tham luận vớ vẩn nầy.
Mấy ngàn năm nay tại tiểu lục địa nầy, giai cấp xã hội
là một thực thể, chỉ biến dạng trong sách vở, trong lý thuyết nhưng căn bản vẫn
là sự hiện diện của một số đông người dân bị cho là hạ tiện, hạ đẳng e chừng
còn thua súc vật. Sự phân chia xã hội đã thành khung, có công thức thần học:
hoàn toàn dựa vào nghiệp. Người Anh cai trị Ấn đã tận dụng tình trạng nầy, (tức
là sự chấp nhận các đẳng cấp) nhưng thực hành theo quan niệm riêng là dành vị
trí cao sang cho người Ấn nào đã thành TCG (Christian) và một số người đặc biệt;
nhất là vào hệ thống công vụ hành chánh của thuộc địa toàn đế quốc. Tăng lữ tiếp
tục giữ vai trò mại bản, giải quyết nhu cầu tôn giáo cho đại chúng.
Dĩ nhiên số người hạ tiện tiếp tục sự cơ cực. Theo nhận
xét trên, những người sau nầy lãnh đạo một Ấn Độ độc lập thuộc thành phần người
Anh ưu đãi, như Gandhi và Nerhu.
Người Anh thực tiển và nhiều tính chất doanh nghiệp
(businesslike), đã thấy trước trào lưu giải thực của thế kỷ 20 nên đã nhẹ tay với
giai cấp hạ tiện Ấn. 1932 giai cấp nầy được tham dự bầu cử cấp địa phương thôn
xã. Thế nhưng người Ấn với nhau cũng lấn cấn không đồng lòng lợi dụng cơ hội nầy,
ngay như Gandhi vẫn chủ trương duy trì hệ thống bốn giai cấp cũ, đồng thời cho
giai cấp hạ tiện tham dự vào đời sống chính trị.
Người Anh trao trả độc lập đưa đến hiến pháp 1950 hủy
bỏ giai cấp hạ tiện. Nhưng vẫn chỉ trên giấy tờ.
Giai cấp hạ tiện tiếng Ấn là Dalit, dịch qua Tây
phương là intouchable. Vận động cho người Dalit đã manh nha từ 1880 nhưng không
kết quả trước sự cấu kết AG và chính quyền thuộc địa. Vấn đề Dalit thực sự bắt
đầu sau khi có độc lập và hiến pháp.
Lập luận của người dân, của học thuật của chính giới rất
đơn giản: trăm dâu đều đổ trên đầu Ấn Giáo; dẹp bỏ AG thì tự nhiên Dalit không
còn nữa. Như kiểu đấu tranh giai cấp, luôn có một kẻ thù của chính quyền, của
giai cấp. Nhưng dẹp bỏ hiểu theo cách đặc biệt là khuyên người Dalit không theo
AG nữa.
Lời kêu gọi nầy đã đem lại một số tín đồ cho TCG
(Christian và Roman catholic); Shikhism, Zoroaster một số tôn giáo mới xuất hiện
vào lúc ấy, và sau cùng là Phật Giáo.
Ở phần dẫn nhập tác phẩm dày cộm về dân luật, Vũ Văn Mẫu
viết rằng PG đã hồi sinh mạnh mẽ ở Ấn Độ. Vị giáo sư cạo đầu chống ông Diệm nại
bằng chứng là biểu tượng pháp luân nằm ngay giữa quốc kỳ Ấn. Quốc kỳ Ấn gồm ba
màu: cam, trắng và xanh lục. Pháp luân nằm chính giữa màu trắng, phía trên là
màu cam phía dưới xanh lục.
Bánh xe gồm 24 căm, minh thị gọi là pháp luân Asoka
(The Ashoka Chakra) vẽ lại từ hình pháp luân nơi bức chạm Sư Tử, và nơi nhiều
chiếu lệnh ghi trên cột trụ đá. Bánh xe nầy bắt chước pháp luân của Phật.
Lý do chọn biểu tượng nầy không vì tôn giáo. Sau thời
gian nhục nhã dưới sự cai trị của Anh, người Ấn muốn tìm về một thời thịnh trị,
đó là thời Asoka có mặt gần khắp thế giới với trụ đá ghi các chiếu lệnh của nhà
vua tuy dựa vào giáo lý của Phật. Họ xem là một hành vi chính trị hơn là tôn
giáo.
Nhận xét có phần chủ quan của Vũ Văn Mẫu có thể vì phong trào
Dalit theo PG dưới sự lãnh đạo của Ambedkar trong sự chuyển hướng xã hội xẩy ra
vào thời độc lập. Người Dalit bỏ AG, nhận các tôn giáo khác, những
tôn giáo tạm gọi là thiểu số.
Ambedkar tuy thuộc gia đình Dalit được học bỗng ngoại
quốc và trở thành nhà khoa học xã hội, hành nghề luật sư, tham dự vận động độc
lập cho Ấn Độ. Ông kêu gọi mọi người nhất là Dalit bỏ AG gia nhập tôn giáo
khác. Nhưng chính ông lưỡng lự, không biết theo đạo nào, trong lúc các tôn giáo
như Christian, Zoroaster, Shikh đã có thêm rất nhiều bổn đạo. Ông nói ông đang
lựa chọn. Thanh thế của ông ngày một lên nhờ vị trí cũ trong nền cai trị tiểu
bang Bombay và địa vị chủ tịch ủy ban soạn thảo hiến pháp; hiến pháp nầy hủy bỏ
giai cấp Dalit.
Ambedkar đưa ra một thứ PG gọi là tân phái, Navayana.
Tân phái phủ nhận đại thừa, tiểu thừa và Kim Cang Thừa, không như các phong
trào khác từ xưa mong giải thoát Dalit vẫn theo tiểu thừa Tích Lan. Tân phái hủy
bỏ tứ diệu đế, và xem nghiệp cùng vô ngã là dị đoan; nghiệp, vô ngã và tứ diệu
đế do tà đạo đưa vào. Ông chỉ chấp nhận bát chánh đạo là thứ thiệt của Thích
Ca. Không chấp nhận lối tu theo Tăng Già.
Các tác phẩm của Ambedkar cho thấy một lý thuyết PG
dựa vào Karl Marx mà ông cũng nói rõ trong một cuốn sách. Người ta cho rằng ông
đi trước phong trào thần học giải phóng của TCG.
Tuy đã viết sách về PG, Ambedkar để mất 20 năm mới
chính thức tự công nhận là người theo Phật ngày 14-10-1956, hai năm trước khi
chết. Dịp nầy 380 ngàn Dalit cũng theo PG cùng với Ambedkar tại Napour; hai
ngày sau ông đã làm lễ gia nhập cho 300 ngàn người khác cũng tại tiểu bang nhà,
nơi ông làm việc trong chính quyền thời thuộc địa.
Phong trào của Ambedkar ngưng lại sau khi ông chết
1958. Ngày nay nhiều người Ấn và ngoại quốc cố gắng vận động theo kiểu quần
chúng đi theo tân phái, kéo theo một số người ngoài giai cấp Dalit, với hy vọng
tân phái phổ biến rộng hơn. Thống kê hiện nay cho biết PG Ấn dưới mọi hình thức
chiếm 1% dân số.
Không rõ các tôn giáo mới ra lò thì sao, chứ tân phái
PG của Ambedkar quá mới mẻ so với giáo lý sẵn có của Christian, Zoroaster,
Shikh. Ambedkar, theo tập tục Ấn Độ, tự nhiên thành một ông đạo, một guru.
Chúng tôi không nói đến ảnh hưởng vào đời sống người
Dalit, sự lượng định rất khó và nhiều ý kiến trái ngược. Nhưng hãy nhìn tân
phái PG của Ambedkar theo lối PG cổ truyền.
Navayana là một sáng tạo cấp thời, có tính cách chính
trị. Cùng giai đoạn nầy, Ne Win ở Miến Điện đưa ra chủ thuyết xã hội PG, dung nạp
chủ nghĩa quốc gia, Marxisme, và PG; tại Cambodia, Sihanouk cũng đưa ra chủ
thuyết tương tự, và ngày nay Trung Cộng và chư hầu theo công thức PG= giáo lý
+ dân tộc + XHCH. Nhìn lại thì thấy tân phái của Ambedkar không tha thiết với
lý thuyết Marx mà chú trọng hoàn toàn giải quyết vấn đề tôn giáo của Dalit.
|
Ambedkar quy y Phật |
22 điều “quy y” gồm hơn nửa để phủ nhận AG: tôi không
chấp nhận Ấn Giáo / tôi không chấp nhận thần Visnu, Brahma, tôi không chấp nhận
sự thể nhập của God, tôi không chấp nhận sự hành lễ của Bà La Môn, tôi phản đối
lời nói rằng Phật là một thị hiện của Visnu.
Ambedkar không thấy nghiệp là quan niệm đã giam cầm mọi
người mà TC cố giải thoát và cho biết nghiệp là hữu chung, không thể quyết định
mọi số phận. Nay nói nghiệp là dị đoan không đủ đánh đổ ngôi nhà giai cấp của
AG. Bát bỏ tứ diệu và cái nhìn vô ngã để ôm giữ bát chánh đạo thì giống như
phía trên cà ra vát, vét tông mà bên dưới đóng khố, đi chân đất.
Phương pháp truyền đạo của TC là không nói đến kẻ
khác, hãy nói giáo lý của mình, là ánh sáng thì bóng tối sẽ mất đi. Kinh Pháp
Hoa rõ điều kiện: là mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai, ở nhà Như Lai (nhu hòa,
từ tâm và nhất thiết nghĩa không).
Buddhist socialism của Ne Win chỉ làm cho các chùa
không rộn rã ồn ào vì du khách nhưng đã nhấn chìm Miến trong 30 năm độc tài,
kèm theo mấy chục năm độc tài khác của đàn em, tạo ra tầng lớp quân phiệt, ngày
nay trổi dậy. Socialisme bouddhistique của Sihanouk giúp ông hoàng làm con rối
của Tàu và của Khmer Rouge.
Hiện nay Ấn Độ xem như không thay đổi về khía cạnh
giai cấp, và PG mới chẳng làm gì đề khai phóng số người nầy. Dalit là một bài học
mà các dân tộc bị xâm chiếm bị đô hộ cần học hỏi.
Dalit là một vấn đề của cả chục… ngàn năm từ khi Aryan
vào tiểu lục địa nầy cho đến NGÀY NAY, vẫn chưa giải quyết mà còn trầm trọng
hơn. Vậy thì những cố gắng ngụy trang như buông xả, từ bi, quên hận thù chỉ làm
mất cái đẹp của chùa chiền vì quá nhiều bản hiệu loăng quăng.
Một lập luận hấp dẫn cho phe thất sủng: Aryan là kẻ
ngoại xâm, không khác người Anh. Có người Ấn da khá đen và người Ấn giống tây
trắng. Người thứ nhất là giống Dravidien, người thứ hai là Aryan. Ngày nay DNA cho
biết người da trắng có chung mẫu số riêng khác với người Dravidien.
Người Dravidien bị dồn xuống phía nam và tràng qua đến
Thủy Chân Lạp, miền Tây của VN bây giờ. Dalit đại đa số có màu da đen sậm như
người Miên. Dalit ngày nay vẫn phải làm những việc xã hội cho là dơ bẩn, lo vệ
sinh, hốt rác; đời sống rất cơ cực.
Đây chỉ là cảm quan cá nhân, không phải là sự điều tra
xã hội học, hay bài lịch sử triết học Đông Phương. Chúng tôi chỉ muốn nói một
thứ hình nhi hạ bị bỏ quên bởi những triết gia. Chúng tôi tiếp tục công nhận
hình nhi thượng của Hindouisme không ra khỏi Indus Valley, trái lại còn là
thành tố quan trong nhóm gọi là darmic religions: (darmic, darma, đạo pháp và
huyền nhiệm).
Rất buồn, nhận xét tinh anh của Okakura (ĐP chỉ lo ý
nghĩa và cứu cánh cuộc sống) chẳng tìm ra được ý nghĩa cứu cánh nào cho những
người bị xâm chiếm mất đất sống, đất nhỏ của tiểu quốc, đất lớn của đại quốc. Nếu
chuyện Dalit ở Ấn còn nguyên thì chuyện Palestine vẫn còn nguyên từ thời
Abraham đến giờ cả chục ngàn năm.
Lịch sử, nó cũng da diết như tình yêu, em ơi, mưa nắng
còn dài, lịch sử còn dài..….---
==================================================================
|
thảo nguyên Mông Cổ |
=================================