add this

Sunday, September 29, 2024


Lý lịch
Trưa qua ông bạn lính ghé nhà. Hỏi, ông đi đâu về mà ghé tôi giờ này? Lão bạn cười, tôi lên nhà ông anh, thằng cháu nội ổng năm nay vào đại học. Mấy anh em gặp nhau uống chén rượu mừng cho cháu. Tôi ở xa không uống, phá tí mồi rồi xin phép về, tiện đường ghé thăm ông…
Rồi lão kể, nhà lão có bốn anh em trai không có ai học đại học cả, chuyên nghiệp cũng không? Nguyên do, nhà lão ở quê nhưng bố lão chân quê, chân phố làm ăn, buôn bán có tiền về làng mua chức lý cựu. Ngày xưa ở quê chân trắng nhục lắm, râu dài đến bụng nhưng mỗi khi làng có “đánh chén” ra đình đều phải ngồi chiếu dưới! 
Ai ngờ vì cái chức mua ấy mà bố lão suýt chết hồi cải cách ruộng đất. Thoát chết, thành phần được hạ nhưng chức lý cựu vẫn giữ nguyên. Mấy ông anh lão không ai được đi học đại học, đủ điểm, thừa điểm cũng ở nhà, xung phong vào bộ đội cũng không cho! Đến lượt lão, năm 73 có giấy gọi đại học, thay vì đưa giấy đi học thì xã đưa lệnh gọi nhập ngũ! Tức, nhưng cũng còn may vì nhà còn có người đi bộ đội, có bảng ''Gia đình vẻ vang'' treo tường, bằng nhà này nhà kia! Ngày xưa chân trắng đã nhục, sau này gia đình không có ai thoát ly cũng nhục không kém!
Nhưng đau nhất là trong bộ đội, lão thi kiểm tra văn hoá vào học trường kỹ thuật, đậu rồi, học được cả tháng rồi nhưng lại bị trả về đơn vị đi B. Lý do, lý lịch như lão không được làm lính kỹ thuật!
Lão bảo, tôi tức quá, chửi, các ông không cho học, sợ tôi ở hậu phương phá hoại nhà xưởng, máy móc, súng đạn, thế không sợ tôi đi B. đào ngũ, chiêu hồi, quay súng bắn lại à? Lúc ấy có ông trung đội phó, ổng vội bịt miệng tôi lại, chửi: Đ.m mày, muốn đi tù à? Ông trung đội phó vốn quý tôi, chứ phải người khác chắc tôi đi tù thật. Hú vía!
Sau đó tôi về lại đơn vị, đi B. Sau tháng 5/75 nhờ có giấy gọi đại học trước khi nhập ngũ, tôi được ra quân về học đại học…và học xong lại “đi B.” tiếp. Lần này, người ta ghi cho là  ''xung phong, là tự nguyện"!, nghe hách quá chừng.

- Thế bây giờ…Tôi hỏi, khi lão dứt câu chuyện.
- À, bây giờ à? Cả trung đội rồi ông ạ. Không phải con ông cháu bà! tự làm việc kiếm cơm lo học thật, không học giả, nhục lắm.
Saigon, 29.8. 2024

Ghi chú: không biết tên tác giả và xuất xứ. Hình xe vận tải quân sự miền Nam (xe REO) không liên quan đến bài viết.

Sunday, September 22, 2024




SEN XA HỒ SEN KHÔ HỒ CẠN
Tôn Thất Tuệ

Xem hình trái lựu trên FB, chúng tôi nhớ đến câu ca dao
"Sen xa hồ sen khô hồ cạn
Lựu xa đào, lựu ngả đào nghiêng
Hai tay ôm quả đào tiên
Miệng cười hớn hở, dạ ưu phiền xiết bao".

Thú vị nhất là cái ngôn ngữ không có chủ từ, có khi không có động từ. Người Bắc mắng yêu: thế mới đểu chứ! mắng yêu nhé. Thuần túy ngôn ngữ, hai tay là chủ từ của ôm nhưng của ai? thế mới đểu chứ!
Xin thưa là cô dâu ôm quả hộp nhỏ đựng những thứ quý, gồm sính lễ nhà trai đem qua và thứ quý nhà cha mẹ cho đem về nhà chồng. Quả đào tiên có khác với quả hộp, hình trái cây, lớn đựng những thứ khác như xôi thịt, bánh trái.

M
iệng cười hớn hở là đúng bài bản, thiếu nữ vu quy nhật. Dạ ưu phiền xiết bao; mối tình chân thật có thật đã xa mờ. Hai câu nầy không có gì mới lạ, trong xã hội không có tự do hôn nhân.
Nhưng hai câu bảy dấy lên một ý thức rộng rãi hơn, tôi biết bên ấy cũng ngả cũng nghiêng như hồ cạn; đau cho bên nầy và đau cho bên kia, người ơi có biết không.
"Sen xa hồ sen khô hồ cạn" nói lên sự tương hợp sống chết của ngoại vật. Có lần chúng tôi đã sửa câu hai thành "Lựu xa vườn, vườn ngả vườn nghiêng", có ý làm câu đối và gia tăng sức mạnh lý luận môi sinh. Nhưng chúng tôi đã lầm. Câu thứ hai nói về tương sinh của con người. Người với cảnh đâu xa nhau. Lựu không nhất thiết là cây lựu mà là cô Lựu và cô Đào, đôi bạn sống chết có nhau, hay một cặp tình nhân.
Sen xa hồ sen chết nhưng sao hồ cạn? Nếu sen không còn nữa thì không ai tha thiết chăm sóc hồ. Nếu hồ chuyển thành hồ nuôi cá thì không còn là hồ sen, hồ sen đã cạn, đã hết làm hồ sen. Ví như hồ Tịnh Tâm thành hồ cá dồ, bạn có đến thăm không? Có, nếu muốn cho cá một chút dinh dưỡng hữu cơ!
Rộng lớn hơn như cây rừng già Trưòng Sơn bị cắt đem về làm thành những mặt bàn dày 15 cm, bán ra lấy tiền đem qua Mỹ, xây biệt phủ thì núi cũng như hồ sen đã cạn đã chết. Những gốc cây nhỏ thì phong trào bonsai kéo nhau đào tận gốc vì bonsai quý ở cái rễ cái gốc rồi mới đến thân. Nhiều chỗ trống trong đô thành chưa xây cất là chỗ chưng vạn thứ cây rừng. Có cả chục ngàn cây thiên tuế, vạn tuế héo khô chờ chết. Trong lúc ấy, chỗ trồng xưa bị nước xoi mòn lụt càng nhiều xoi mòn càng nhiều theo vòng lẩn quẩn. Thực trạng núi rừng VN như hình trên, núi nguyên sơ chỉ còn 0,25%. 0,25 = 1/4 của phần trăm, nghĩa là zéro. Nếu viết sai muốn nói 25% (0,25), thì rừng đã trụi, 1/4 còn lại sẽ bị trốc gốc vì nước xoi mòn, cây rừng không còn khắc chế bệnh tật cho nhau; những loài thảo mộc sống trong bóng mát cũng chết theo. Thú rừng không còn chỗ sống. Hậu quả tai hại môi sinh theo cấp số nhân so với nguyên nhân. Chúng tôi cứu sống con chó berger vô chủ về nuôi, nó đã đào sườn núi cỏ xanh từng lổ nhỏ như cái tô ăn phở nhưng từ đó nước xoi mòn, hiện không có tiền trồng cỏ theo lối khoa học ở chỗ đất triền.
Ông Nguyễn Xuân Phúc, hổn danh Phúc Niễng ma de inh VN, trước khi làm thủ tướng Hà Nội là chính ủy Quảng Ngãi. Ông nói nếu núi Quảng Ngãi trọc lóc ông sẽ từ chức. Ông xem cái chức ông to quá. Mà ông nói thật, khi núi rừng Quảng Ngãi trọc lóc ông đã nhét đầy túi, chén anh chén chủ giúp ông thành thủ tướng; lúc ấy không cần rừng nữa, từ chức làm oai, tui nói thiệt mà.
 
Lựu xa Đào Lựu ngả đào nghiêng. Sống có nhau là điều kiện sinh tồn của cỏ cây, súc vật và con người. Bán bà con xa mua láng giềng gần. Một nữ học giả Tàu 70 năm trước về nước phục vụ rồi bị biệt giam. Bà viết trong hồi ký bà mong thấy mặt một con người dù đó là thằng cai ngục đến chửi mắng còn hơn chỉ thấy bốn bức tường xi măng. 
Tương hợp sống có nhau trong thế giới người không rõ rệt bằng trong thiên nhiên. Mỗi loại thảo mộc mang trong mình  một chứng bệnh và sẽ được trị bởi một loại cây khác, đồng thời có khả năng chữa trị cho thân hữu trong rừng. Lương Nông Quốc Tế rất vui mừng thành công thí nghiệm của Tàu trồng lúa xen kẽ, chúng diệt trừ sâu bọ và bệnh tật cho nhau. Chỉ nói sơ, sợ phiền độc giả với quá nhiều chi tiết khoa học.

Chúng tôi chú trọng hai câu đầu, tuy đó không phải là ý chính. Hai câu ấy chỉ là khai tấu khúc, cho nhiều biến thể khác, trong nội dung tình duyên không xuôi ngọt; ví như
Sen xa hồ sen khô hồ cạn
Lựu xa đào lựu ngả đào nghiêng
Vàng cầm trên tay rớt xuống không phiền
Chỉ phiền một nỗi tơ duyên không tròn.

H
ai câu đầu cho thấy một nhân sinh quan với tình người vô lượng vô biên, không xa lìa khung cảnh sống, tức là môi sinh; đồng thời rất khoa học tự nhiên.
Những người bình dân vô danh, tác giả kho lẫm thi ca, không làm cái việc gọi là triết lý, học thuật cho rằng triết lý kiểu Tây phương không có ở Á Đông. Á Đông chỉ có huệ. Ai đó tác giả hai câu nầy, cày ruộng xong, ngồi đánh cờ với Trang Tử, không biết mình là một huệ nhân. Không biết mình đang ôm một túi tinh hoa của đời người và người đời, sống tự nhiên như sen trong hồ, sống nhờ hồ và nuôi dưỡng hổ, không quên tỏa mùi hương theo gió.

Nhưng mà, thời hoàng kim đã xa. Thời cuộc đã làm chúng tôi thành một loài sen xa hồ, một lựu xa đào. Chỗ nầy không thể dùng 'Thế mới đểu chứ'; mà phải hỏi có buồn không người ơi!?

Wednesday, September 18, 2024

 


Về Quy Nhơn Thăm Nẫu
L M T
Đón xe về tới Truông Bà Đờn
Phân vân muốn xuống tận Quy Nhơn
Hay là thôi...dừng chân Tuy Phước
Thăm chơi mà cũng tính thiệt hơn.

Về Quy Nhơn là về với Nẫu
Chứ thực ra quê ở An Nhơn
Đón tôi...Nẫu lên Truông Bà Đờn
Sợ Nẫu buồn, thôi đâu cũng được.

Xưa...tôi - Nẫu, một đôi nam nữ
Nẫu có người yêu, tôi có bồ
Không hiểu sao Nẫu vẫn solo
Còn tôi...về Pleiku cưới vợ.

Ở Quy Nhơn ra ngồi bãi biển
Hải sản, Bàu Đá...Nẫu đãi tôi
Nẫu nói...thôi chồng con không có
Nhậu thấy vui là sướng lắm rồi.

Ghềnh Ráng...thăm mộ Hàn Mặc Tử
Nẫu hỏi về thân phận con người
Tôi chỉ cười... biết gì mà nói
Trời kêu ai nấy dạ. Vậy thôi!

Rủ Nẫu thăm bạn ở Diêu Trì
Nơi này xưa có xóm Cối Đá
Giờ...đá làm xi măng hết cả
Cơ khí hóa. Cối...tích sự chi?

Nẫu bây giờ cũng gần thất thập
Tóc bạc trắng như một bà tiên
Tôi - Nẫu - Tình - Tiền...không vướng mắc
Khác giới nhưng nguyên vẹn bạn hiền.

Nhớ lần về Quy Nhơn thăm Nẫu
Dẫu bể dâu vẫn thủy chung tình
Dân Bình Định mình hiền như đất
Rất chân thành tình cảm thiêng liêng.

Saturday, September 14, 2024

Tóc kẹp, tóc thề





Tóc kẹp * Tóc thề
Tôn Thất Tuệ

Ông bạn già của tôi email cho tấm hình cũ, có nói trước ở mục trích yếu: gái Huế tóc kẹp; một cựu nữ sinh QH còn nhớ 1951-1952, nhưng chắc chắn năm nớ o ni chưa kẹp tóc vì mới 9 tuổi e còn tóc ''bông bê''. 
Thiếu nữ duyên dáng kẹp tóc đầu tiên mà tôi thấy chừng năm ấy 1950 là "Chị Bé" không biết tên chi. Chị Bé là con gái của ông Nghè Mỹ ở Kim Long, là em của ông Lê Tuyên. Ông Lê Tuyên dạy ĐH Huế và theo người tình mới là Nguyễn Phước Ái, con gái ông Hàn khuôn trưởng PG ở Gia Hội. Chị Bé còn là chị ruột của Lê Sơn học chung với tôi thất lục Nguyễn Tri Phương.
Chị Bé thường từ phía trên Ga đi bộ xuống Bến Ngự; (Kim Long mà xuống thì phải qua cầu Dả Viên rồi đến Ga) ghé vào nhà Xuân Lan góc Khải Định và Trần Thúc Nhẫn vì chị ấy bồ với anh Nguyễn Tăng Hồng, précepteur cho Xuân Lan và em trai; anh Hồng cũng ở trọ tại đây luôn.
Anh Hồng là nhân viên Tòa Án ở Bến Ngự, đi bộ từ nhà chỉ cần bước qua hai ố đường là tới. Tòa Án Bến Ngự ư? Chỉ là một ngôi nhà nhỏ trên khu ruộng sau trường Quốc Học, mở cổng ra Khải Định ngó qua Tòa Tổng Giám Mục, khuất chìm trong biển nhà tranh dân chiếm đất. Tam Tòa chỗ của ba tòa gần cửa Thượng Tứ bị chiếm thành Sở Tài Chánh của chính quyền thuộc địa, phía sau là Sở Công An. Sau 1954 Tòa nầy về chỗ cũ Tam Tòa, đồng thời với việc giải tỏa khu nhà tranh trả đất cho giáo phận Huế.
Quay lại anh Hồng, anh Hồng thi vô trường Quốc Gia Hành Chánh, khóa 1 hay khóa 2 đầu tiên ở Đà Lạt. Trường nầy sau 1954 chuyển về Saigon thành Học Viện Quốc Gia Hành Chánh.
Tôi có gặp anh Hồng ở San Diego một lần chừng 1986. Đừng nhầm với ông Tăng Hồng, Hội An. Anh Hồng thương mến tôi và cho tôi một vé ciné để biết ciné là gì trong lúc con của cậu ruột thì tuần nào cũng đi Tân Tân, về nhà chơi Tarzan, Zoro, cao bồi bắn súng. Tôi xem phim Samson Dalila, dường Ngã Giữa, tức la dường Gia Long.
Lúc ấy tôi ở Bến Ngự thường giúp việc vặt trong quán giải khát của mẹ của Xuân Lan và được học thêm với anh Hồng. Chúng tôi đang chờ cuộc tình duyên nầy khai nhụy nhưng anh Hồng đi Đà Lạt, "một lần đi là không trở về" đúng như định mệnh nói trong một bài hát. Nào ai biết ngày sau. Que sera sera.

T
ôi nghĩ chị Bé quen anh Hồng cũng do tương duyên. Số là như vầy. Mẹ đích của chị Bé là chị ruột của mẹ Xuân Lan. Tuy con bà hai, (bà chính không con), chị Bé tự xem là bà con bạn dì ruột với Xuân Lan. Mẹ tôi và mẹ Xuân Lan chị em chú bác ruột. Do đó, chị Bé thường lui tới Bến Ngự.
Chị Bé rất thùy mị, ít nói, không ba hoa như ông anh Lê Tuyên, tóc kẹp, nón lá, là một khuôn mẫu của gái Huế. Nghĩ lại mà nhớ nét lung linh những chiều Bến Ngự, ước gì không thực; không thực mới vĩnh viễn, ra ngoài cái hiện thực hạn hẹp của không gian ba chiều.
Từ hình ảnh chị Bé tôi nghĩ tóc kẹp là vào lúc các cô đã trộng nhiều, vào tuổi có dôn. Nhưng hình in bên dưới các nữ sinh nầy coi bộ còn nhỏ lắm. Cái kẹp thông thường và bình dân nhất làm bằng nhôm, phía trong có một lò xo lá như cái nhíp xe bị ép lại giữ cho kẹp không rơi. Nguyên tắc lò xo lá vẫn giữ dù bên ngoài có thêm hoa lá cành như đồi mồi, plastic nạm kim cương giả v.v...
Nhìn từ phía sau, qua tóc kẹp, có thể nói là cô gái Bắc hay gái Trung. Tóc kẹp ở Huế dài lắm là đến đối điểm của rún sau lưng và thường cắt ngang bằng. Cái kẹp ngang tim phổi, có thể cao hơn ngang vai. Các cô Bắc thì tóc dài chừng nào hay chừng ấy, chuôi nhọn như cây bút lông, cái kẹp có khi xuống quá lưng quần.
Có lạ, nếu tôi không nhầm, thấy mấy cô Huế thì gọi là tóc kẹp, thấy mấy cô Bắc thì gọi là tóc thề. Thấy tóc Bắc dài khác lạ, nhiều người đã phán "tóc thề đã chấm ngang khu" từ câu Kiều:
Tóc thề đã chấm ngang vai
Nào lời non nước, nào lời sắc son.
Theo tôi, lối để tóc xưa tư nhiên bắt đầu từ tóc "bôm bê" (không biết từ nguyên) tóc cắt ngang trước trán, phía sau dài đến ót. Thứ đến là tóc dài ngang giữa lưng và để xỏa. Biến thể là vừa để tóc xỏa dài vừa cắt ngang trán. Rồi đến tóc kẹp. Rồi đến khi lên xe bông thì sao? Còn dài xin chư vị tiếp tay.
Sau 1954, tuần nào cũng meeting tuyên truyền và bài hát Hướng Về Hà Nội của Hoàng Dương là bài ruột. Nghe câu: tóc thề thả gió lê thê, biết đâu ngày ấy anh về?!, ai cũng nghĩ đến dài lê thê của mấy cô Bắc Kỷ di cư. Rứa chơ chi nữa; 1954 đâu có cái màn cắt tóc trao nhau làm chứng lời thệ nguyện.
Còn cái chuyện tóc thề nó lại khác trong ý nghĩa xưa. Trích web Saigon Xưa:
***
Nguyên xưa, các đôi trai gái yêu nhau hoặc có những đôi đã nên vợ nên chồng, đang mặn nồng đằm thắm bỗng vì một lý do gì đó làm cho tình duyên dang dở, đôi lứa xa nhau. Họ quyết một lòng, dẫu cho sông cạn đá mòn, năm tháng chờ đợi vẫn một lòng thuỷ chung. Trước khi lưu luyến chia tay, họ cắt trao cho nhau một mớ tóc để ầm tin và luôn giữ trong mình như kỷ vật. Mớ tóc đó gọi là tóc thề. Chỗ tóc bị cắt đó dần mọc lại và dài dần, mái tóc mới mọc đó gọi là tóc thề. Trong chuyện Kiều có câu:
Tóc thề đã chấm ngang vai
Nào lời non nước, nào lời sắc son.
Có nghĩa là dăm ba năm sau, chỗ tóc bị cắt cụt đã mọc dài chấm ngang vai rồi vẫn chưa thấy bóng dáng người yêu. Nên nhớ, thời xưa con trai cũng để tóc dài, cũng búi tóc, và vì vậy cũng có tóc thề.***


Cái kẹp của xứ Huế khác với cái kẹp (theo bản dịch Việt ngữ) nói trong truyện The Gift of the Magi của O'Henry về việc mua quà Noel tréo hèo giữa hai tình nhân. Jim bán cái đồng hồ mua cho Della một bộ gồm ba cái cài có đính quý thạch (a set of three combs) chứ không phải cái kẹp (a peg) to bản kiểu Huế nhưng Della đã cắt bán mái mua dây mạ vàng cho cái đồng hồ Jim đã bán.

====================================

Xe lam và nữ sinh miền Nam trước 75
===================================



Thursday, September 5, 2024







NHỚ NGÀY XƯA MƯA GIÔNG...
Kim Ân
Hôm nay đổ gió trời giông bão
Vài hạt mưa rơi giữa nắng hè
Hương đất nồng nồng bay hư ảo
Đưa hồn lạc bước trở về quê...
Cứ độ nắng hè trời oi a?
Cơn giông chợt lại trận mưa rào
Cây xanh tắm gội tươi màu lá
Đất ấm, mùi phèn ngái hương cau.
Những bụi lục bình rủ nhau đi
Giòng sông Vàm Sáng nước màu chì
Trôi lên dạt xuống hoa tim tím
Giang đĩnh neo buồn ngắm hoa đi..
Chợ nhỏ Phong Điền hai dẫy phố
Đất dẻo thương người dính kẽ chân
Lè tè mặt đất chiếc bàn gỗ
Khen khét cà phê, mưa lâm râm.
Thủa ấy rất buồn chàng lính trẻ?
Cơn mưa ập đến nhớ nhà ghê
Giang đĩnh vòng quanh sông lặng lẽ
Cà phê chợ nhỏ lối đi mòn...
Hôm nay chợt đổ trời giông bão
Vài giọt mưa rơi giữa nắng hè
Thầm nghe thương nhớ đầy tâm não
Ngày đó dẫu buồn trên đất quê...


FB Kim Ân