add this

Saturday, September 14, 2024

Tóc kẹp, tóc thề





Tóc kẹp * Tóc thề
Tôn Thất Tuệ

Ông bạn già của tôi email cho tấm hình cũ, có nói trước ở mục trích yếu: gái Huế tóc kẹp; một cựu nữ sinh QH còn nhớ 1951-1952, nhưng chắc chắn năm nớ o ni chưa kẹp tóc vì mới 9 tuổi e còn tóc ''bông bê''. 
Thiếu nữ duyên dáng kẹp tóc đầu tiên mà tôi thấy chừng năm ấy 1950 là "Chị Bé" không biết tên chi. Chị Bé là con gái của ông Nghè Mỹ ở Kim Long, là em của ông Lê Tuyên. Ông Lê Tuyên dạy ĐH Huế và theo người tình mới là Nguyễn Phước Ái, con gái ông Hàn khuôn trưởng PG ở Gia Hội. Chị Bé còn là chị ruột của Lê Sơn học chung với tôi thất lục Nguyễn Tri Phương.
Chị Bé thường từ phía trên Ga đi bộ xuống Bến Ngự; (Kim Long mà xuống thì phải qua cầu Dả Viên rồi đến Ga) ghé vào nhà Xuân Lan góc Khải Định và Trần Thúc Nhẫn vì chị ấy bồ với anh Nguyễn Tăng Hồng, précepteur cho Xuân Lan và em trai; anh Hồng cũng ở trọ tại đây luôn.
Anh Hồng là nhân viên Tòa Án ở Bến Ngự, đi bộ từ nhà chỉ cần bước qua hai ố đường là tới. Tòa Án Bến Ngự ư? Chỉ là một ngôi nhà nhỏ trên khu ruộng sau trường Quốc Học, mở cổng ra Khải Định ngó qua Tòa Tổng Giám Mục, khuất chìm trong biển nhà tranh dân chiếm đất. Tam Tòa chỗ của ba tòa gần cửa Thượng Tứ bị chiếm thành Sở Tài Chánh của chính quyền thuộc địa, phía sau là Sở Công An. Sau 1954 Tòa nầy về chỗ cũ Tam Tòa, đồng thời với việc giải tỏa khu nhà tranh trả đất cho giáo phận Huế.
Quay lại anh Hồng, anh Hồng thi vô trường Quốc Gia Hành Chánh, khóa 1 hay khóa 2 đầu tiên ở Đà Lạt. Trường nầy sau 1954 chuyển về Saigon thành Học Viện Quốc Gia Hành Chánh.
Tôi có gặp anh Hồng ở San Diego một lần chừng 1986. Đừng nhầm với ông Tăng Hồng, Hội An. Anh Hồng thương mến tôi và cho tôi một vé ciné để biết ciné là gì trong lúc con của cậu ruột thì tuần nào cũng đi Tân Tân, về nhà chơi Tarzan, Zoro, cao bồi bắn súng. Tôi xem phim Samson Dalila, dường Ngã Giữa, tức la dường Gia Long.
Lúc ấy tôi ở Bến Ngự thường giúp việc vặt trong quán giải khát của mẹ của Xuân Lan và được học thêm với anh Hồng. Chúng tôi đang chờ cuộc tình duyên nầy khai nhụy nhưng anh Hồng đi Đà Lạt, "một lần đi là không trở về" đúng như định mệnh nói trong một bài hát. Nào ai biết ngày sau. Que sera sera.

T
ôi nghĩ chị Bé quen anh Hồng cũng do tương duyên. Số là như vầy. Mẹ đích của chị Bé là chị ruột của mẹ Xuân Lan. Tuy con bà hai, (bà chính không con), chị Bé tự xem là bà con bạn dì ruột với Xuân Lan. Mẹ tôi và mẹ Xuân Lan chị em chú bác ruột. Do đó, chị Bé thường lui tới Bến Ngự.
Chị Bé rất thùy mị, ít nói, không ba hoa như ông anh Lê Tuyên, tóc kẹp, nón lá, là một khuôn mẫu của gái Huế. Nghĩ lại mà nhớ nét lung linh những chiều Bến Ngự, ước gì không thực; không thực mới vĩnh viễn, ra ngoài cái hiện thực hạn hẹp của không gian ba chiều.
Từ hình ảnh chị Bé tôi nghĩ tóc kẹp là vào lúc các cô đã trộng nhiều, vào tuổi có dôn. Nhưng hình in bên dưới các nữ sinh nầy coi bộ còn nhỏ lắm. Cái kẹp thông thường và bình dân nhất làm bằng nhôm, phía trong có một lò xo lá như cái nhíp xe bị ép lại giữ cho kẹp không rơi. Nguyên tắc lò xo lá vẫn giữ dù bên ngoài có thêm hoa lá cành như đồi mồi, plastic nạm kim cương giả v.v...
Nhìn từ phía sau, qua tóc kẹp, có thể nói là cô gái Bắc hay gái Trung. Tóc kẹp ở Huế dài lắm là đến đối điểm của rún sau lưng và thường cắt ngang bằng. Cái kẹp ngang tim phổi, có thể cao hơn ngang vai. Các cô Bắc thì tóc dài chừng nào hay chừng ấy, chuôi nhọn như cây bút lông, cái kẹp có khi xuống quá lưng quần.
Có lạ, nếu tôi không nhầm, thấy mấy cô Huế thì gọi là tóc kẹp, thấy mấy cô Bắc thì gọi là tóc thề. Thấy tóc Bắc dài khác lạ, nhiều người đã phán "tóc thề đã chấm ngang khu" từ câu Kiều:
Tóc thề đã chấm ngang vai
Nào lời non nước, nào lời sắc son.
Theo tôi, lối để tóc xưa tư nhiên bắt đầu từ tóc "bôm bê" (không biết từ nguyên) tóc cắt ngang trước trán, phía sau dài đến ót. Thứ đến là tóc dài ngang giữa lưng và để xỏa. Biến thể là vừa để tóc xỏa dài vừa cắt ngang trán. Rồi đến tóc kẹp. Rồi đến khi lên xe bông thì sao? Còn dài xin chư vị tiếp tay.
Sau 1954, tuần nào cũng meeting tuyên truyền và bài hát Hướng Về Hà Nội của Hoàng Dương là bài ruột. Nghe câu: tóc thề thả gió lê thê, biết đâu ngày ấy anh về?!, ai cũng nghĩ đến dài lê thê của mấy cô Bắc Kỷ di cư. Rứa chơ chi nữa; 1954 đâu có cái màn cắt tóc trao nhau làm chứng lời thệ nguyện.
Còn cái chuyện tóc thề nó lại khác trong ý nghĩa xưa. Trích web Saigon Xưa:
***
Nguyên xưa, các đôi trai gái yêu nhau hoặc có những đôi đã nên vợ nên chồng, đang mặn nồng đằm thắm bỗng vì một lý do gì đó làm cho tình duyên dang dở, đôi lứa xa nhau. Họ quyết một lòng, dẫu cho sông cạn đá mòn, năm tháng chờ đợi vẫn một lòng thuỷ chung. Trước khi lưu luyến chia tay, họ cắt trao cho nhau một mớ tóc để ầm tin và luôn giữ trong mình như kỷ vật. Mớ tóc đó gọi là tóc thề. Chỗ tóc bị cắt đó dần mọc lại và dài dần, mái tóc mới mọc đó gọi là tóc thề. Trong chuyện Kiều có câu:
Tóc thề đã chấm ngang vai
Nào lời non nước, nào lời sắc son.
Có nghĩa là dăm ba năm sau, chỗ tóc bị cắt cụt đã mọc dài chấm ngang vai rồi vẫn chưa thấy bóng dáng người yêu. Nên nhớ, thời xưa con trai cũng để tóc dài, cũng búi tóc, và vì vậy cũng có tóc thề.***


Cái kẹp của xứ Huế khác với cái kẹp (theo bản dịch Việt ngữ) nói trong truyện The Gift of the Magi của O'Henry về việc mua quà Noel tréo hèo giữa hai tình nhân. Jim bán cái đồng hồ mua cho Della một bộ gồm ba cái cài có đính quý thạch (a set of three combs) chứ không phải cái kẹp (a peg) to bản kiểu Huế nhưng Della đã cắt bán mái mua dây mạ vàng cho cái đồng hồ Jim đã bán.

====================================

Xe lam và nữ sinh miền Nam trước 75
===================================



No comments:

Post a Comment