add this

Monday, May 5, 2025

đóng đinh trên thánh giá

 

Phật nhập diệt, tranh Nhật Bổn thế kỷ 14

Đóng đinh trên Thánh Giá 

[Tham luận ngắn tiếp theo next Older Post Giác ngộ và hành hình]

Bài nầy không có gì khó và là chương dễ hiểu nhất của một cuốn sách nói về huyền nhiệm của PG và Thiên Chúa Giáo nguyên thủy. Vì vậy ở đây tác giả nói thêm về sự khác biệt dựa vào một ý niệm hình học, chiều đứng và chiều ngang và cũng là biểu đồ hàm số với hai trục tung hoành. Hơn nữa Suzuki là một nhân vật quan trọng trong Thông Thiên Học nên không ngạc nhiên khi ông đề cập đến TCG.
Sự so sánh chiều đứng và chiều ngang chỉ là một phần trong ba phần của toàn bài. Tổng quát, bài giúp độc giả hiểu một phần lớn yếu lý của PG và có ý niệm về tôn giáo tính (religiosity). Tuy không đề cập những chi tiết người học PG thường gặp như ngũ uẩn, tứ diệu đế, v.v… chương nầy đã phân tích rất rõ ràng về ngã và cách Tây và Đông Phương nhìn nó.
Quan niệm “bất nhị” sẽ giúp chúng ta rất nhiều ở chỗ nầy. “Bất nhị” là một thuật ngữ tuy nghĩa đen chỉ là: không hai. ”Mình với ta tuy hai mà một; ta với mình tuy một hai” là cách hiểu bất nhị rất lý thú. Tâm thâm bất nhị, có nghĩa hai điều có liên hệ mật thiết như hai mặt của đồng xu hay bàn tay, chúng giúp nhau để hiện diện, trong thế động. Bất nhị nới rộng cho biết điện lực không thấy nhưng có qua hiệu ứng của ngọn đèn, bếp lò v.v…Suzuki viết: “Ngã tương đối là ngã siêu nhiên; ngã siêu nhiên là ngã tương đối; chúng không phải là một cũng không phải là hai. Chúng tách rời nhau trong phân tích triết lý, chứ không tách nhau trong thực trạng”.
Mà khó khăn là ở chỗ mình chỉ thấy ngã tương đối, như ngọn đèn chưa phải là điện mà chỉ là một cách thể hiện giới hạn (manifestation limitée); ông Phật hiền hòa mình thấy, ông tướng hung hăn mình thấy là những gợn sóng trên một hồ nước. Hồ nước và sóng không thể xa lìa.
Suzuki viết cho người Tây Phương nên ông nói “the transcendental ego” và “relative ego”, dịch là “ngã siêu nhiên” và “ngã tương đối”. Hai chữ nầy nghe lạ. Trong sách báo Việt không có. “Ngã tương đối” chính là cái ngã mắc dịch (the goddamned self / le fichu moi) mà sư lớn sư nhỏ đều săn đuổi như đuổi tà với tiếng thét hành quân (battle cry): vô ngã là hạnh phúc (?!). Ngã siêu nhiên, thiết nghĩ đó là chân ngã. Nhưng chân ngã ít khi hay không nghe nói vì đến giai đoạn cuối, kinh Niết Bàn mới nói thường (không vô thường), ngã (chân ngã, không vô ngã).
Suzuki khổ công như vậy để thấy ĐP chủ vào ngã siêu nhiên, TP chủ về hiện tượng và xem hiện tượng bất biến, chủ về ngã tương đối. Hình nhi thượng ấy ảnh hưởng đời sống thực tế, chứ không phải việc dóp dép cái lỗ miệng của triết nhân. Khác với Đông Phương với ý niệm vô hình tướng, TP chú trọng đến hữu hình (corporealty) ví như dùng rượu tượng trưng cho máu Chúa, bánh thánh cho thịt Chúa.

Bài nầy không khó và trình bày “tân thời” ghi lại những điều căn bản mà người tu học lắm khi vì nhu cầu sở tri kiến ít chú ý: “PG là một tôn giáo hòa bình, trong lành, bình an và quân bình. PG từ chối tính chất chiến đấu và tách biệt độc quyền; trái lại chấp nhận tinh thần khoáng đạt, bao dung toàn diện, xa lìa các kỳ thị trần gian”. Vì vậy, đấu tranh sắt máu, viết khẩu hiệu hăm dọa, đốt thư viện … không phải là PG. Những kẻ có sở tri kiến biết tối đa về PG; người trì hành tu tập, chiêm nghiệm sẽ biết cái tối thiểu của tôn giáo nầy: giải thoát và giác ngộ. Suzuki không có gì mới lạ, chỉ có công nhắc lai, khi nói:

“Trong giác ngộ, chỉ có tính chất siêu nhiên. Chính nhờ kinh nghiệm giác ngộ mà ai cũng đạt Phật tánh theo đường lối riêng hay chung. Không riêng chỉ một người có thật trong lịch sử, tức là Thích Ca. Với giác ngộ, tức khắc đất trần chuyển hóa thành tịnh độ, bạn không cần bay lên trời và không phải chờ sự chuyển hóa nầy xẩy ra trên thiên cung.”
Vì là một hội viên Thông Thiên Học, tác giả không ngần ngại tỏ ra một sự ngạc nhiên tế nhị, rất trí thức về ảnh hưởng của chiều đứng. Ông viết:
“Chiều thẳng đứng bao hàm hành động, chiến đấu, độc quyền. Vì có tính cách năng động, TCG đôi khi khuấy động, gây xáo trộn. Vì có tính chất chiến đấu và tách biệt, TCG có khuynh hướng áp đặt quyền lực thống trị đối với kẻ khác mặc dù tự nhận chủ trương dân chủ và tình huynh đệ toàn diện.”
Tính chất chinh phục và thách thức thiên nhiên được tìm thấy ở các gác chuông nhọn mà tiếng Pháp gọi là các mũi tên (flèche) phóng thẳng lên trời; đền đài và chùa Đông Phương có nóc nằm ngang, ăn nhập vào thiên nhiên; không những thế, chùa nhỏ như am. Những cột đá vượt lên không là nghệ thuật Ấn Độ bị ảnh hưởng của Hy Lạp, thời Asoka ghi những chiếu chỉ của nhà vua, cách thức sinh hoạt xã hội, và có kinh Phật, nhưng các stèle nầy không phải là PG.
Thầy dạy Pháp Văn của tôi nói rằng Đông Phương thụ động ù lỳ, là passif, négatif trong lúc Tây phương năng động tích cực, actif, positif. Nhưng khi vào lớp triết thì Nguyễn Đăng Thục bảo ĐP mới động. Thằng nhỏ ngớ ngẩn mới biết thầy Pháp văn hướng về chính trị lịch sử 500 năm qua, ông tu xuất; trong lúc ấy thầy triết thì nói về tư tưởng. NĐT cho rằng tư tưởng tây phương là nền triết học ý niệm tĩnh, bất di bất dịch như Descartes nói: je pense donc je suis, tôi hiện hữu đời đời; trong lúc ấy, ĐP xem thế sự đời người là một sinh thành (un devenir / a becoming). Cái nhìn bất nhị của Suzuki thì đã “động” lắm rồi. Vô thường cũng động chứ gì. Thật vậy có vô thường mới đi lên, mới giác ngộ, vô thường giúp ta đi từ nhất xiểng đề đến bên kia bờ, nếu không vô thường thì không thay đổi tâm thái.

Suzuki mượn tạm hình học và biểu đồ hàm số, tung hoành. Với trực giác, đường thẳng trên mức hoàn vũ là một đường cong, mãi nơi kia hai đường trong thế chuyển hóa ba chiều sẽ gặp nhau. Nhờ tính động ĐP nói trên, Suzuki đã không để chiều ngang thành thụ động passif như thầy Pháp văn của tôi nói, hay chiều đứng sẽ gảy đổ. Và ông không thấy bất cứ xung đột nào giữa chiều ngang và chiều đứng, giữa nhập diệt nằm ngang và đóng đinh chiều đứng. Nhưng ông mong mỏi có những hình thức hội nhập linh thiêng nhân bản hơn, ít bạo động hơn. Ông không làm hòa đồng kiểu thánh giá và chữ vạn treo hai bên cổng vào doanh trại sư đoàn hay trung đoàn.

------------------------------------------
Ghi thêm: không rõ Suzuuki đã dùng danh từ nào trong Hán Nhật để chỉ transcendental ego. Nếu là chân ngã thì không nên dịch là ngã siêu nhiên mà nên dùng chân ngã để không có thêm một danh từ mới gây lộn xộn phức tạp. 




No comments:

Post a Comment