Thiên
Chúa Giáo
và
thuyết
thiên địa vạn vật nhất thể
Nhân
Tử Nguyễn Văn Thọ
Theo giáo lý công
truyền (chính thức) Thiên Chúa Giáo (TCG) không hề chấp nhận thuyết Thiên Địa
Vạn Vật Nhất Thể; mà tin Thượng Đế toàn năng sinh ra vạn hữu từ không; Tạo vật
và Thượng Đế (TĐ) hết sức là xa cách nhau.
Bản
thể TĐ khác biệt hoàn toàn với bản thể vạn hữu; mỗi vật đều có một bản thể
khác nhau.
Ngoài
ra, TCG chủ trương: duy chỉ ba ngôi Thiên Chúa là đồng nhất thể. Chỉ có Chúa Jésus giáng trần là có «tính» Trời
và «tính» người. Còn nhân loại, bất kỳ ai, cũng chỉ có «tính người» mà thôi,
vì thế mà ai ai cũng bất toàn, ngoại trừ Chúa Jésus.
Vì
vậy mà khi nói con người có thể kết hợp với TĐ, thì chỉ có ý nói kết hợp bằng
tình yêu, bằng ơn thánh sủng, chứ không phải là trở nên cùng một bản thể với
TĐ.
Giáo
hội tránh chữ déification hay divinisation (thần thánh hóa con người
– người biến thành, trở thành Trời – «làm Trời»), cho đó là phạm thượng,
phạm thánh, và chủ trương lúc chung cuộc, chỉ có những linh hồn thánh thiện mới
có thể nhìn thấy TĐ diện đối diện.
Tuy
vậy theo các sách cổ còn để lại, các thánh hiền và các nhà huyền học TCG chủ
trương:
1- TĐ là bản thể muôn loài (chính là thuyết thiên địa vạn vật nhất thể)
2. TĐ hay bản thể bất khả tư nghị ấy đã phóng ra muôn loài (chính là thuyết phóng phát, théorie de l'émanation).
3.TĐ là cốt lõi, tâm điểm vạn loại (TĐ nội tại, théorie de l'immanence)
4-
Muốn tìm TĐ thì tìm ở đáy lòng, hư tâm.
5. Con người có thể hợp nhất với TĐ.
Thư tịch của thánh hiền TCG sẽ giúp chúng ta chứng minh những điều nầy.
1. Thượng Đế là bản thể muôn loài
Sách
Thần học Đức (Théologie germanique), một tập sách huyền học viết vào khoảng
thế kỷ 13,14 rất nổi tiếng nhưng không biết tác giả, đã viết: Thánh Paul
nói: "Khi cái hoàn toàn đến, thì cái bất toàn sẽ lui”
Chúng
ta hãy lưu ý tới «cái hoàn toàn» và «cái bất toàn».
«Cái
hoàn toàn» là «diệu hữu» bao quát và tóm thâu vạn hữu vào trong mình và vào
trong bản thể mình, - không có nó và ngoài nó ra thì không có thực thể nào
khác, và vạn hữu đều dựa vào nó mà có bản thể. Cho nên đó chính là bản thể
muôn loài, nó vốn bất biến bất thiên, nhưng lại làm biến thiên mọi sự.
Còn
«cái bất toàn» là tất cả cái gì phát xuất hay bắt nguồn từ «cái hoàn toàn».
Y
như ánh sáng hay hiện tượng phát ra từ mặt trời hoặc từ ngọn nến, và hiện ra
thế này thế nọ, cái đó được gọi là tạo vật, và tất cả cái gì là phân thể như
vậy dĩ nhiên là bất toàn.
«Cái
gì là phân thể» thì có thể hình dung, tư nghị được, còn «cái gì hoàn toàn
viên mãn» thì không thể nào hình dung, tư nghị được. Chính vì vậy mà ta không
đặt tên được cho cái hoàn toàn, vì nó vốn không tên. Tạo
vật không thể hình dung, tư nghị, hay đặt tên.
Sách
tiếp tục viết đại khái như sau:
«Bản
thể viên mãn đó chỉ có thể hay biết được bằng tâm, mà phải là tâm hư, nghĩa
là một thứ tâm đã trút bỏ được mọi bóng hình của vạn hữu, mọi ảo ảnh của vạn
tượng bên ngoài, một tâm hồn đã trút bỏ được phàm ngã, tiểu ngã
của mình.»
Tóm
lại, muốn biết cái hoàn toàn, cái viên mãn, phải rũ bỏ mọi cái bất toàn. và vượt lên (siêu xuất).
Các
nhà huyền học TCG chủ trương: "TĐ ở trong mọi loài, mọi loài ở trong TĐ”.
Theo St.
Jean de la Croix ,TĐ là bản thể của mọi người cũng như mọi loài.
Cho nên «TĐ hiện diện bằng bản thể mình trong lòng mọi người, dẫu đó là kẻ tội
lỗi nhất».
Thánh
Bernard viết:
«
Thượng Đế là gì?
-
Đó là ngang dọc, cao sâu.
-
Ủa, sao ngài lại chủ trương TĐ có bốn phía như vậy, đó là điều mà ngài vốn
ghét.
-
Không phải vậy…Gọi
TĐ là MỘT cho dễ hiểu, nhưng chưa mô tả được tính cách Ngài. Tính cách Ngài
có thể chia ra, nhưng Ngài thời không thể chia. Lời lẽ tuy khác, đường đi tuy
nhiều, nhưng chỉ có một chủ trương một ý nghĩa. Mọi đường lối đều dẫn về một
Đấng tối cao.»
Eckhart
viết: «Thượng Đế gần tôi hơn là tôi gần tôi. Ngài cũng gần kề gỗ và đá như vậy,
nhưng chúng không biết điều đó”.
Lời
đó làm ta liên tưởng đến một lời tương tự của Plotin (một nhà huyền học ngoại
giáo thời cổ, khoảng 205-270): «TĐ không ở ngoài, nhưng hiện diện trong muôn
loài, mặc dầu muôn loài không hay biết”.
2. Thuyết phóng phát
Từ
bản thể hoàn hảo ấy, muôn loài đã được phóng phát ra như ánh sáng từ mặt trời,
ánh nến từ ngọn nến…
Thánh
Thomas d’Aquin mặc nhiên công nhận thuyết phóng phát khi viết: «Tất cả các sự hoàn hảo của vạn vật từ TĐ mà xuống mãi, mà TĐ là tuyệt đỉnh
của hoàn hảo, cho nên con người cũng phải bắt đầu từ tạo vật thấp nhất để đi
lên từng cấp, và như vậy để tiến tới sự hiểu biết TĐ.
"Và
vì ở nơi TĐ, ở nơi tuyệt đỉnh muôn loài ấy, ta thấy một sự đồng nhất hoàn
toàn, và vạn hữu càng trở nên đồng nhất thì càng trở nên mạnh mẽ hơn, đẹp đẽ
hơn, chúng ta suy ra rằng vạn hữu càng rời xa TĐ, căn nguyên của vạn loài,
thì càng trở nên khác biệt nhau”.
Nhưng
nếu chỉ biết TĐ là nguồn sinh vạn hữu, thì chúng ta vẫn còn cảm thấy Ngài xa
cách muôn trùng (transcendent), vẫn thấy như có bức màn mây vô minh khuất lấp
Ngài (the cloud of unknowing), và như vậy, vẫn tưởng như là Ngài ở bên ngoài
vạn hữu.
3. Thương Đế là cốt lõi, tâm điểm muôn loài
Cho
nên các nhà huyền học tiến lên một bước nữa và chủ trương «TĐ nội tại», «TĐ hiện
diện trong lòng sâu vạn hữu».
Tân
Ước có những câu như:
-
«Nước Trời ở trong anh em»
-
«Thần Chúa ở trong anh em»
-
«TĐ không ở xa chúng ta, vì ta sống động và có bản thể ta trong Ngài»
Và
như vậy, điều tuyệt đối mà mọi người đi tìm tới không có ở xa vời tách khỏi thế giới
phù sinh bất toàn, mà thực đã ở ngay trong lòng biến dịch.
Và
như vậy, TĐ chính là cốt lõi con người, là trụ cốt, là chân tâm con người.
Bản
thể thần linh ấy, theo Ruysbroeck, ở ngay tâm đỉnh con người. Eckhart gọi đó
là «Thần quang», Tauler gọi đó là «Căn cơ», giáo phái Quakers gọi đó là
«Quang minh nội tại», các nhà huyền học hiện đại gọi đó là «Nguyên lý», nguồn
mạch của mọi sự sống thực.
Eucken
gọi đó là «Diệu lý» nơi con người, là chân tâm, là cốt lõi con người, nơi mà
«Trời Người gặp gỡ thuở ban sơ».
Khi
nhìn thấy được nguyên lý, nguyên thần ấy ở nơi mình, - sự việc mà Phật giáo gọi
là «kiến tánh», - họ ngỡ ngàng vì đã chứng kiến một sự kiện hết sức là kỳ
diệu, đó là «Trời người hợp nhất» trong một cái «lớn thì lớn như Trời, mà nhỏ
thì nhỏ như tôi».
Thuyết
phóng phát và thuyết nội tại dẫn tới thuyết «qui nguyên phản bổn», là qui tâm.
Ruysbroeck
cho rằng: chỉ cần hồi quang quán chiếu với một lòng kính mến, con người sẽ gặp
TĐ mà không cần môi giới. Họ sẽ nghe thấy người cha của mọi quang minh luôn
luôn trò chuyện với mình trong nơi thầm lặng nhất của tâm thần. Họ sẽ nghe thấy
được Nguyên Âm, nghe thấy được Thần ngôn uyên nguyên.
Thánh
Thérèse d’Avila viết: «Tôi đã hiểu được Chúa ở trong mọi sự như thế nào, và ở
trong tâm hồn như thế nào; cái bọt bể (éponge) thấm đầy nước đã gợi ý niệm đó
cho tôi”.
Con
đường lữ thứ của những con người đi tìm TĐ chính là con đường nội tâm: có đi
vào đáy lòng mới tìm thấy Đấng Tối Cao.
Nếu
Á Châu (a) nói Vô cực, (b) nói Thái cực, (c) nói trong con người có Thần trời,
có Thiên tâm, thì Thánh Teresa, với quan niệm Thiên Chúa 3 ngôi, đã chủ
trương:
(a)
Chúa Cha chính là tuyệt đối thể, nguồn mạch vạn hữu, bất khả tư nghị, đó là
«Chân nhất» theo từ ngữ của môn phái Platon Mới.
(b)
Ngôi hai chính là Thần Ngã, là Đạo, là sự phát huy, là sự hiển dương của
Thiên Ý. Đó chính là nhịp cầu giữa tuyệt đối và tương đối.
(c)
Thánh Thần chính là Thần nội tại, là nguồn sinh tuyệt đối trong tâm khảm con
người, nguồn mạch sinh ra sự viên giác nơi con người, và chính là vòng khoen
nối kết con người với bản thể TĐ
Và
như vậy, khi vào tới nơi thâm sâu nhất trong tâm hồn, con người sẽ thấy mọi sự
dị biệt tan biến, và chỉ còn thấy «Chúa tại một tâm điểm».
4. Tìm Thượng Đế nơi đáy lòng, hư tâm
Thomas
R. Kelly viết:
«Ẩn
sâu trong lòng chúng ta, có một thánh thất, một Thiên Tâm, một chân ngôn mà
chúng ta bất kỳ lúc nào cũng có thể trở về.
«Vĩnh
cửu đã ở ngay trong tâm khảm ta, khuyến dụ ta, cho chúng ta biết chúng ta có
một định mệnh lạ lùng sang cả, và kêu gọi chúng ta trở về Thiên Tâm ấy.
«Tin
tưởng hoàn toàn vào ánh sáng nội tâm ấy, chúng ta sẽ bắt đầu một cuộc sống thực.
Ánh sáng nội tâm ấy sẽ làm bừng sáng «thiên nhan» và sẽ cho ta nhìn thấy những
vinh quang mới của bề mặt thực con người. Đó là Đấng Christ (nội tại) đang ngủ
mà chúng ta cần đánh thức dậy… Ngài ở ngay trong chúng ta”.
Thomas
R. Kelly suy luận rằng tâm hồn chúng ta y như có hai tầng:
-
Một tầng phiến diện để lo các chuyện trần hoàn.
-
Một tầng sâu trong tâm khảm để tiếp xúc với Thượng Đế, với vĩnh cửu.
Người
đạo hạnh phải là người viên mãn, không thể vì cái tâm phiến diện vụn vặt, bất
toàn, mà bỏ quên mất cái phần chính yếu đẹp đẽ nhất, huy hoàng nhất của con
người (đó là cái tâm khảm chân chính).
Thánh
Augustin viết: «Chúng con tiến lên trên con đường của Chúa ở ngay trong lòng
chúng con, và hát lên bài hát của các tầng cấp; nội tâm của chúng con bừng
sáng lên vì ngọn lửa của Chúa, và chúng con đi, bởi vì chúng con tiến lên cho
tới sự bình yên”.
Biết
rằng Thượng Đế ngự trị trong tâm khảm mình, là nguồn gốc của mình, biết rằng
từ nguồn gốc vĩnh cửu ấy phóng phát ra tâm tư của mỗi người chúng ta, và từ
tâm tư nhỏ nhoi ấy của mỗi người chúng ta, chúng ta có thể trở về với nguồn gốc
vĩnh cửu, với bản thể tuyệt đối, tức là hiểu được vòng đại tuần hoàn của tạo
hóa, vòng đại chu thiên của Trời Đất.
Như
vậy, hành trình đi tìm tuyệt đối không phải là một hành trình diệu vợi xa
xôi, mà chính chỉ là một sự giác ngộ, giác ngộ thấy thực thể lồng ngay trong
tâm khảm mình cũng như trong tâm vũ trụ.
Thế
là đất cũng tràn ngập trời, và đúng như Téwekkul Bég, một nhà huyền học Hồi
giáo đã nói: «Ngài là tôi, mà tối tăm thay là lòng tôi thuở trước, tôi đã
không biết được điều bí ẩn siêu việt ấy”.
Kết
quả công phu tu luyện là phá vỡ được bức tường ngăn giữa nhân tâm và thiên
tâm, để tiến sâu được vào tâm khảm con người để mà gặp gỡ Thượng Đế.
Thế
là về với Chúa Cha, là kết nghĩa với Chúa Con.
Thế
là hưởng được sự an lạc của thượng đỉnh tâm hồn, lúc ấy không còn phân biệt nội
ngoại xa gần, và chỉ còn lại sự an tĩnh của yêu đương.
Thánh
Albert le Grand cũng nói: «Lên tới Chúa, tức là đi sâu vào tâm mình…”.
Lời
này cũng giống như lời Mạnh Tử:
Thấu
triệt lòng sẽ hay biết Tính,
Hay
biết Tính nhất định biết Trời.
Eckhart
cũng nói: «Chúa ở gần ta, mà ta ở xa Ngài, Chúa ở trong mà ta ở ngoài. Chúa ở
nhà mà ta thời tha phương viễn xứ”.
Theo
Thánh Bernard thì các nhà huyền học thu thần định trí, hướng nội, tiến vào
chiều sâu tâm hồn, vì tin rằng trong đó có Chúa Trời ngự trị, và đi vào tâm
là có thể tìm thấy Chúa. Trên con đường đi vào Tâm đó, họ tin rằng thần thánh
ở với họ, còn TĐ thì chẳng những ở với họ, mà còn ở trong họ.
Tóm
lại, khẩu quyết của thánh hiền TCG chính là Nước Trời ở trong ta, vậy hãy tìm
Nước Trời ngay trong tâm thần ta.
5. Có thể hợp nhất với Thương Đế và thành Trời
Eucken
viết: «Cái lạ lùng nhất, là con người có thể biến thành Trời.»
Thánh
Athanase viết: «Chúa xuống làm người, để ta có thể làm Chúa”.
Thánh
Augustin kể lại quãng đời trước khi Ngài trở lại đạo, có viết: «Tôi nghe thấy
tiếng từ thinh không nói với tôi: Ta là thực phẩm cho những người đã khôn lớn.
Con hãy lớn lên và hãy ăn ta, không phải để cho con biến Ta thành thể chất của con, mà chính là để con biến thành Ta”.
Eckahrt
viết: «Chúa nói với mỗi linh hồn: Ta đã làm người vì con, nếu con không làm
Chúa vì Ta, thì con đã chẳng tốt với Ta”.
Eckahrt
còn viết bạo hơn: «Nếu tôi có thể biết Chúa trực tiếp thì nhứt định tôi phải
trở thành Ngài, và Ngài trở thành tôi. Ngài và tôi trở nên một Tôi”.
Thánh
Paul nói: «Tôi sống chẳng phải là tôi sống, mà là chúa sống trong tôi” và “Ai
sống kết hợp với Chúa, sẽ có một thần như Chúa”.
Sau
khi biết được quan điểm của các thánh hiền TCG đối với thuyết Thiên Địa
Vạn Vật Nhất Thể và những hệ quả xa gần của nó, chúng ta trở lại Kinh Thánh, và lấy
Thánh Kinh làm tiêu chuẩn, tôi nhấn mạnh Thánh Kinh, chứ không phải giáo lý thông thường.
1.
Trước hết, Thánh Kinh gọi Chúa Jésus là Con Thiên Chúa nhưng cũng gọi con người
thánh thiện là con Thiên Chúa.
2.
Chúa Jésus lập kinh Lạy Cha để cho mọi người biết chúng ta và Ngài đều là con
Thiên Chúa; và như vậy, nếu Ngài có «Tính Trời» thì lẽ dĩ nhiên chúng ta cũng
phải có tính Trời.
3.
Mọi người đều có thể làm được phép lạ, có khi còn hơn Ngài, nếu họ có đức
tin.
4.
Ngài dám coi tha nhân là TĐ:
-
Khẩu hiệu của Ngài là mến Chúa yêu người, thương giúp kẻ nghèo, kẻ tật bệnh,
là thương giúp Ngài.
-
Bức bách giáo hữu là bức bách Ngài.
5.
Con người chẳng bao giờ xa rời được TĐ: TĐ là gốc nho, con người là cành nho.
Cành có bao giờ rời được gốc?
6.
Và như vậy, định mệnh tối hậu của nhân loại là: con người toàn thiện có thể ngồi tòa Thiên Chúa.
Sách
Khải Huyền viết: "Kẻ nào thắng, ta sẽ cho ngồi với ta trên tòa ta, cũng như
ta đã thắng và đã ngồi cùng Cha ta trên tòa Ngài".
Ai
có tai thì hãy nghe lời Thánh Thần dạy.
Cuối
bài, chúng ta có thể nói: Nếu chân lý thuộc về phía thánh hiền, thì Đông Tây chung một chân lý vì đạo này có thể sáng soi cho đạo nọ, và càng học hỏi, càng so
sánh, chân lý càng trở nên sáng tỏ, con đường đạo giáo càng được hoạch định
rõ ràng, định mệnh cao sang con người càng được xác định, và niềm hy vọng con
người càng trở nên lớn lao.
Xin mở blog của NVT
có thêm nhiều chú thích Việt Anh Pháp và Hán
|
No comments:
Post a Comment