tinh túy của tôn giáo
an essential of religion
manas journal, Feb 1963, ttt dịch
Một thân hữu mới đây
đã gởi cho Tập San nầy một bức thư than phiền rằng ngày nay các giáo phái đã
hũy hoại tính chất thần bí siêu nhiên của tôn giáo; trong lúc điều nầy mới là
tinh lý của tôn giáo. Các tín ngưỡng đã bỏ quên hay không đủ sức khơi dậy những
cội gốc ngoài khu vực lý luận trong nội tâm, những điều người ta tin là tối
thượng, siêu thoát, “cao điểm” của kinh nghiệm tâm lý.
Đây là vùng suy nghiệm
mà ngôn ngữ phân tích gọi là “eschatology”. Theo từ điển, ngành nầy bàn về “sự
chết, tái sinh, bất tử, tận thế, sự phán xét cuối cùng và đời sống về sau”. Rõ
ràng những vấn đề nầy đã bị loại ra khỏi sự học hỏi đứng đắng, khỏi các ngành
học thuật ngày nay; từ khi các phạm trù khoa học của “thực tế” được xem là
nguyên liệu trong sự tìm tòi nghĩa lý (của sự sống).
Sự thể nầy xẩy ra chẳng phải vì các khám phá trong khoa học tự nhiên đã mở đường cho thuyết duy vật. Các nhà sáng lập thuyết duy vật, tại bản chất, là những nhà luân lý. Họ nghĩ rằng bằng cách đào tận gốc nền móng của tôn giáo – tin ở Thượng Đế và linh hồn – họ có thể tận diệt sự đàn áp thần học và các tương tranh tôn giáo. Thế kỷ 18 đã cung cấp hai phát ngôn viên lừng danh của quan điểm nầy; họ cũng là những người đã hung đúc môi trường và sự biện giải thuyết vô thần của thế kỷ 19 và thuyết hoài nghi cùng thuyết bất khả tri của thế kỷ 20.
Người thứ nhất Julien
de la Mettrie viết trong cuốn Người Máy
(L’Homme Machine –Man a Machine): Nếu thuyết vô thần được loan truyền khắp nơi
và toàn diện, các ngành tôn giáo sẽ bị đào tận gốc. Lúc đó sẽ không còn chiến
tranh thần học; sẽ không còn thứ lính tác hại gọi là lính tôn giáo. Thiên nhiên
– trước đây bị nhiễm các chất độc thánh thần hóa – nay lấy lại quyền năng và sự
tinh khiết của mình. Bưng tai không nghe bất cứ tiếng nói nào, con người sẽ
theo các động năng và mầm sống cá nhân; chỉ có những động năng mầm sống ấy mới
đưa con người đến hạnh phúc theo con đường vui tươi của phẩm hạnh.
De la Mettrie tiên
phong mở đường cho thế kỷ Ánh Sáng Pháp. Vài năm sau xuất hiện Paul Dietrich
von Holbach, một bá tước Đức nói năng nhiều hơn và được sự ngưỡng mộ của giới
trí thức và văn học đương thời. Chính Holbach đã quả quyết rằng bức tường duy
nhất và quan trọng ngăn chận hạnh phúc của con người nằm trong sự dối trá của
tôn giáo. Lời tựa cuốn sách danh tiếng The
System of Nature mở đầu như sau.
Con người bất hạnh,
đơn giản chỉ vì hiểu nhầm thiên nhiên. Trí óc bị tiêm nhiễm quá nhiều bởi các
thiên kiến đến mức ai ai cũng nghĩ con người luôn ở trong sự sai lạc; hằng loạt
ảo tưởng chụp lên đầu từ thời thơ ấu, lớn theo sự tăng trưởng đến độ bị trói
tay không thoát được. Con người tranh đấu một cách bất hạnh để vượt lên trên thế
giới hữu hình, nhưng những kinh nghiệm đau thương luôn luôn cho thấy những cố
công ấy đều vô bổ. Con người ghét việc nghiên cứu học hỏi thiên nhiên để theo
các bóng ma hớp hồn xô ra khỏi con đường của sự thật, có nghĩa là mất con đường
đến hạnh phúc. Do đó đã đến lúc cần tìm kiếm trong thiên nhiên những liều thuốc
khả dĩ trị những tai ương mà óc cuồng tín đã nhấn sâu chúng ta vào trong đó.
Chính vì sai lạc (của người) mà các bạo chúa và các giáo sĩ thành công trong việc
dùng các gông cùm đau đớn xiềng xích các quốc gia; từ sai lầm mà có sự nô lệ
các quốc gia; nhờ sai lầm ấy mà các tôn giáo có thể khủng bố làm dân chúng rục
rã nát thân trong sợ hãi hay cuồng nhiệt bóp cổ nhau tranh nhau những ảo vọng. Từ sai lạc
bắt nguồn mối căm thù thâm kiếp và những cuộc thanh trừng độc ác; những cuộc đổ
máu liền nhau và những thảm trạng kinh hãi, trong đó đất (trần gian) biến thành
chiến địa phục vụ những quyền lợi của trời. Do đó chúng ta hãy cố sức quét sạch,
thổi sạch đám mây mù của thiên kiến; gây hứng khởi cho con người, để có can đảm
và sự tôn trọng lý trí.
Theo chân các nhà dẫn đạo nầy, các tư tưởng gia thời Ánh Sáng đã tẩy nạo các chủ thuyết tôn
giáo; vì mục tiêu của họ là thiết lập khoa học tự nhiên như một uy lực ấn định
những gì là thật, là hữu hiện, kiến tạo sự an lạc mà họ gọi là hạnh phúc, độc lập
với sự dính líu can thiệp của siêu nhiên. Họ yêu cầu hiểu nhân quả như một tác
động máy móc, ít nhiều theo đường hướng của thuyết nguyên tử thời xưa; quan niệm
tâm lý học của họ đã ươm mầm cho thuyết Behaviorism (hành vi) ngày nay. Bởi lẽ
lời đe dọa hỏa ngục là vũ khí chính yếu trong quyền năng tâm lý của giáo hội, họ
hăng say gạt bỏ mọi tin tưởng về một linh hồn tồn tại; như vậy nếu không có
linh hồn hiện hữu thì lấy lý gì mà sợ một sự trừng phạt trong kiếp sau.
Holbach lập luận:
Tín điều linh hồn bất
diệt đã biến luân lý thành một khoa phỏng đoán chẳng dạy chúng ta một điều gì để
tìm phương cách ảnh hưởng nhân loại. Nếu, nhờ kinh nghiệm, chúng ta biết được
các thành tố căn bản tạo nên tâm thức của một cá nhân hay đại đa số các cá nhân
trong một nước, chúng ta sẽ biết điều gì thích hợp cho họ, luật nào cần thiết,
định chế nào hữu dụng cho họ. Nói gọn, luân lý và chính trị phải rút ra từ thuyết
duy vật những mối lợi mà tín điều về một linh hồn siêu nhiên không thể đem lại,
và ngăn cản chúng ta nghĩ tới.
Chương trình giảng dạy
trong 50 năm qua đã giúp học sinh nhận định dễ dàng rằng nền móng tổng quát của
các sự tin tưởng hiện thời nằm trong những tư tưởng chính yếu của thế kỷ 18. Chúng ta đang suy xét có chăng một dòng tư tưởng đứng đắng đang
hình thành chuẩn bị một sự chuyển đổi rộng lớn qua một nền móng mới. Nhưng sự bắt
đầu không phải chỉ từ tiến bộ khoa học. Sự giải tích của thể chất chuyển hóa
thành những vờn (như tinh hệ) năng lượng và điện từ trường – tiếp theo sự tìm thấy cấu
trúc điện tử của nguyên tử vào đầu thế kỷ (20) – đem lại một tác dụng thuận lợi
cho lối suy tư chống duy vật.
Thế nhưng không có một
lý do trong vật lý hiện nay làm cho chúng ta hướng về các tư tưởng tâm linh;
khác với trường hợp vật lý Newton đóng góp sự thành hình của thuyết duy vật.
Sự khát khao luân lý của nhân loại là nguyên do quyết định thay đổi triết lý chứ
không phải sự phát triển của khoa học; dẫu rằng khoa học mọi thời đều cung cấp
khung sườn ý niệm cho sự biện luận luân lý và thường cung cấp các danh từ để
bút chiến.
Điều chúng ta theo đuổi
ở đây là ý nghĩa của sự định hướng mới có tính chất lịch sử trong lãnh vực suy
tư về eschatology – không theo nghĩa của từ điển như đã nêu trên – mà là một sự
chiêm nghiệm sâu sắc, nghiền ngẫm về chính mình, về nguồn gốc và tương lai của
chính mình; về ý nghĩa của đời sống của chính mình, có đáng sống hay không, đời
mình có giá trị như thế nào. Chính Carl Jung là người đầu tiên trong mấy thập
niên nhấn mạnh thường xuyên sự suy nghĩ nầy. CJ đã thấy đó là đề tài đánh dấu một
kỷ nguyên; xuyên qua các sách về tâm lý học xuất bản trong mười năm nay, sự
soát xét khảo nghiệm về ý nghĩa và bản sắc trở thành mối ưu lo hàng đầu của những
ai suy nghĩ đàn hoàng. Nó ở khắp nơi trong tiểu thuyết ngày nay, thúc đẩy
nghiên cứu tâm lý (ngã thể), và là đề tài chính yếu trong văn chương hiện sinh.
Không có điều gì
trong vật lý và vũ trụ học hiện nay đã thúc đẩy hình thành chiều hướng nầy, ngoại
trừ nếu bạn muốn, bạn có thể kéo nguyên lý “bất định” của Heisenberg vào việc
giải thích tại sao có ý nguyện tự do; hoặc tìm gặp trong tân toán học Pythagore
(liên quan đến lý thuyết vật lý ngày nay) một kẻ tiên phong của ngành siêu hình
học thăng hóa.
Rồi thì bây giờ, chúng
ta có quyền làm kẻ hữu lý mà minh định rằng hai trăm năm lịch sử hiện đại – từ
thời Ánh Sáng – đã trôi qua không để lại một nguồn văn hóa sinh động nào ngõ hầu vun xới
một nền triết lý về đời sống nội tâm của người đời. Trái lại, hai trăm năm ấy
đã sản xuất những khát khao tuyệt vọng, những trông chờ mệt mỏi một sự dưỡng
sinh tâm linh mà các nền chính trị dân chủ cũng như tiến bộ kỹ thuật và khoa học
không thể cung ứng. Thảo nào (hèn chi) các cuộc cách mạng giận dữ của thế kỷ 20
được đun sôi, bốc cháy, bởi các cảm xúc mang tính chất nội tại (là) tôn giáo.
Và từ những chấn động nầy xuất hiện những chính quyền, những chế độ độc đoán đóng
vai trò thế vì tôn giáo.
Con người muốn gì, cần
gì ở tôn giáo? Đáp: Tự thân trực diện với sự xác quyết nghĩa lý, ý nghĩa của cuộc đời.
Nếu tôn giáo đương thời đã chết hay hấp hối, hắn ta sẽ tìm nó ở nơi khác, tiếp
tục truy lùng cho đến khi tìm được nó hay cái thế vì nó; hoặc cho đến khi kiệt
sức, bỏ cuộc, thất vọng thảm hại vì cuộc “hành quân” không đi đến đâu.
Có câu ngạn ngữ rất
đúng: phải mất cuộc đời mình để mà tìm ra nó. Các tôn giáo cổ đại đã dạy như
thế. Trong nền chính trị hiện đại với tôn giáo thế vì, con người có thể mất
chính mình trong cộng đồng chính trị nhưng không bao giờ tìm gặp chính mình nơi
đó. Không có qua lại, chỉ một chiều, vĩnh viễn đánh mất bản chất. Đó là mối
nguy hại của thứ tôn giáo thế vì.
Về tâm lý, tôn giáo
cho ta điều gì? Đáp: Phương tiện thực hiện tự tại, hoặc vài cảm quan hướng nội với
khả thể giao tiếp sự xác quyết nghĩa lý cá nhân. Lời hứa hẹn một nghĩa lý trong
các ý thức hệ luôn mang tính chất tập thể; khi lời hứa ấy theo gió bay mất, tín
hữu khánh tận, tâm thần suy sụp; không thể tự đứng một mình; trong lúc trên hành
tinh nầy ai ai cũng cần biết cách tự đứng vững một mình để hiện diện, để sống
còn.
Ý niệm bất diệt có thế
giúp ích khá nhiều, nhưng thời nay người ta dùng nó qua những biểu hiện ngoại
vi, thay vì tìm hiểu nghiên cứu để đạt tinh lý của điều gọi là “linh hồn”.
Trong một bài viết
cho tập san Tâm Lý Nhân Bản số mùa thu 1962, bác sĩ A.H.Maslow cho rằng ngành
tâm lý cần nghiên cứu thảo luận về cứu cánh, trạng thái hoàn tất (sự thỏa mãn
và hạnh lạc nội tại, linh thiêng, duy nhất, có giá trị phổ quát như mọi người
bình đẳng có được); chứ không phải xem đó là một phương tiện để đạt cứu cánh
khác.
Tâm lý học cần nghiên
cứu trạng thái sung mãn, thành đạt với viễn đích chung cuộc; trạng thái hạnh
phúc thuần túy, niềm vui, thể hiện nội tâm, các mục tiêu đã thành tựu, ước mơ đã
hiện thực.
Tâm lý học cần biết
thế nào là tự tại; đã đến rồi chứ không phải trên đường đi tới. Đó là trạng
thái vượt quá, và quên, thời gian không gian. Trạng thái linh thiêng, tâm linh,
nằm trong cốt lõi, siêu thoát, vô tận trường cửu; thế giới hằng ngày, vật thể,
nhân thể … đều được trông thấy dưới ánh sáng của sự miên viễn trường tồn. Các trạng
thái tôn giáo ấy mang tính chất trực khởi, hồn nhiên và tự nhiên. Một đời sống
nhất quán, một ý thức nhất quán. Sự qua lại lui tới giữa thời gian ngắn hạn và
trường cửu; giữa khu vực nhỏ hẹp và hoàn vũ, giữa tương đối và tuyệt đối.
Divinity, Vũ Cao Đàm 1984 |
Như vậy, đây chắc hẳn
là những thành tố thiêng liêng (hay linh thiêng huyền bí) được trừu tượng
hóa và tổng quát hóa trong ngôn ngữ tâm lý học. Những yếu tố nầy, theo cách nói
hiện thời, đã phô bày các phẩm chất của kinh nghiệm mà trước đây đã được đồng
hóa với lý thuyết eschatology của tôn giáo. Tín hữu Christian đạt đến kinh nghiệm
nầy bằng cách gì? Đáp: Tô điểm, củng cố hiệu ứng của sự nhiệt tình đồng hóa hội nhập
với đời sống của Chúa Jesus Christ. Một mặt, JC là nguyên tắc điều hợp giữa hữu
chung và vô chung (hữu tận và vô tận), giữa thiên tính và địa tính; và mặt
khác, JC là một hình bóng nhân thể có khả năng mãnh liệt khơi động thiện tâm của
người trần. Đời sống của JC đậm nét màu sắc của thời gian và địa thế nhưng mang
một ý nghĩa vượt qua thời gian và địa thế. JC rất khiêm tốn thấp bé nhưng vô
cùng to lớn. JC rộng lượng bao dung hoài hoài mãi mãi nhưng đã khổ đau chua
chát thậm tệ. JC chỉ là một (thể thân) nhưng là nhiều (hóa thân) phục sinh
trong tim của người trần thế.
Phê bình về các ý tưởng
tôn giáo cần được thực hiện với thiện ý và tính cách vô tư trí thức; nhờ vậy
mới hy vọng thẩm định chính xác những hậu quả rộng lớn về mặt xã hội và tâm lý
học của các tín ngưỡng tôn giáo. Và đấy cũng là phương tiện giúp các cá nhân
hoàn tất thuần nhuyễn các sự khám phá nội tâm.
Trở lại bức thư của một
thân hữu đề cập ở đầu bài, nó giúp chúng ta hiểu hoàn cảnh nhân thế. Lời bàn của
ông ấy là một luận cứ vững chắc cho nhận định sau đây. Hình thái mới của truyền
thống tôn giáo Tây Phương – không nặng mùi giáo điều nhưng ý thức về xã hội – đi theo
khuynh hướng tẩy bỏ các yếu tố eschatology bởi lẽ các thành tố ấy là nguyên liệu
cấu tạo tôn giáo mà tôn giáo lại không có chỗ đứng trong khái niệm khoa học tân thời về thực tại; cho nên chúng không được ôm cầm nâng niu bởi những đầu óc tiến bộ
và duy lý. Huyền nhiệm không thể lên khung bằng lý luận bàn thảo, không thể
thành một công thức như thuốc phụ cho thức ăn.
Thi ca, nghệ thuật và
kịch nghệ được thêm vào “thời khóa biểu” tôn giáo; điều nầy công nhận một cách
thô bạo sự thiếu sót trầm trọng, thiếu sót phương cách gây xúc động chân thành
và hướng thượng. Các hình thái tôn giáo tân thời không làm cho tín đồ tin chắc
có một cánh cửa sổ trổ ra vùng trời vô tận vô biên, rằng đầu óc tăm tối đến đâu
cũng thấy chút đom đóm lập lòe có chung bản thể với nguồn ánh sáng của vũ trụ.
Trong lúc ấy, những tôn giáo huyền nhiệm cổ đại luôn đưa ra lời hứa như vậy; Ai
Cập, Hy Lạp và cả Christian.
Có thể nói rằng con
người hiện thời sẽ bị giật mất khỏi bàn tay sự khám phá trở lại sự tương cảm
tương giao với đời sống toàn diện của nội tâm cho đến khi hắn ta dùng đầu óc
khai phóng tìm về con tim, cho con tim trí huệ sáng suốt mà xưa nay tim mong mỏi,
thứ trí huệ không bị lệch lạc bởi sự áp bức thần quyền và các điều sai lầm từ
bao thế kỷ. Hy vọng nầy rất đơn giản, vì chúng ta đều là người; kẻ khác làm được
thì mình làm được. Sự tìm kiếm sẽ lan rộng theo hướng nầy. Ngày lại ngày, chúng
ta sẽ thấy các dấu hiệu giải thoát khỏi các thiên kiến ngàn năm, sự rụt rè và
lo âu.
Từ chỗ nhận chân tầm
quan trọng của cá thể ửng lên như một vừng đông ướm nhụy là tuệ giác tri kiến rằng cá thể
chẳng ra tích sự gì nếu không được kết nối, một cách bí mật ở nội tâm, với
sự phổ quát hoàn vũ, mà nhờ đó người đời được sung mãn từ một suối nguồn vượt
trên ngã chấp, đạt được sự yên ổn và trong lành không cần nợ chính trị mà tạo
mãi; đạt một bản sắc không cần tài trợ của màu da và quốc tịch.--
nguyên bản Anh ngữ:
An Essential of Religion
*****
Tác giả cho rằng Jesus Christ là nguyên tắc dung thông giữa điểm Ngài thuộc về địa giới và điểm Ngài thuộc về thiên giới; thiết nghĩ ông căn cứ vào lời JC: ta vừa là con của người vừa là con của trời. Con của người vì mẹ ta là bà Marie; “con” của Trời, ta xuống trần để thuyết giảng bác ái ... Theo như ý chỉ của Thế Tôn, Phật cũng sinh ra trong bào thai như trâu bò; Tất Đạt Đa là con của vua Tịnh Phạn, nhưng là một Như Lai thị hiện để dễ bề hóa độ, (xin xem Ý Nghĩa Thị Hiện, Lữ Hồ, link), rất gần với câu: He was only one, yet He is also the many in his rebirth in human hearts. Tây Phương rất chi là “moniste”; JC chỉ là, phải chỉ là, con của Trời, không rộng rãi như chủ nhiệm Manas Journal ghi nhận màu sắc thời gian và địa điểm hạn hẹp mà không quên thấy sự thăng hóa của JC.
Đối tượng nghiên cứu mà Maslov đưa ra cũng như ý nguyện thiết tha của tác giả, nằm trọn trong thường lạc ngã tịnh, bên cạnh bản lai diện mục và lý luận “biện chứng” (?!) sắc không.
tái bút: một chút cá nhân, tính từ hôm qua cách đây ba năm chị tôi đã qua đời, xin chư vị rộng tình chứng cho lòng vợ chống tôi qua bài Chắp Tay Lạy Người, post đầu tiên của blog nầy.
nguyên bản Anh ngữ:
An Essential of Religion
*****
tham luận vụn vặt của ttt
An Essential of Religion
là bài thứ ba trích dịch từ Manas Journal, tiếp theo Yoga Nhìn Về Đông Phương (link) và Trống Không và Cách Mạng (link) trên blog nầy. Viết từ năm 1963, những dòng nầy,
khác với bài Yoga vừa nêu, không có một
chữ nào rõ rệt nằm trong ngôn từ đạo học Á Châu. Nhưng tất cả những ý chính mà
tác giả đưa ra trong chiều hướng mới có thể hiểu một cách dễ dàng song song với
quan niệm và từ ngữ Phật Giáo, nhất là đối với quý vị nào đã quen thuộc với
giai đoạn Pháp Hoa Niết Bàn.
Những ai đã sống chết với “vô ngã, vô thường” sẽ rất khó
chịu khi Maslow viết: thế giới hằng ngày, vật
thể, nhân thể … đều được trông thấy dưới ánh sáng của sự miên viễn trường tồn. (Everyday
world, objects, people seen under the aspect of eternity).
Nhưng thật ra Kinh Niết
Bàn (kinh cuối cùng) phá sự phá chấp khi thuyết về vô ngã vô thường. Những
chương chính đều xoay quanh thường, lạc, ngã, tịnh. [sơ lược là bàn về sự thường
tồn chân chính, hạnh phúc thực sự chứ không phải là ảo giác, một chân ngã (tức
là Phật tính bẩm sinh), sự bình thản tuyệt đối]. Phật nhấn mạnh rằng ai nói Phật
tánh là vô thường chịu ảnh hưởng của giác quan thì như cắt đứt mạch máu của
muôn loài, người, súc vật và cây cỏ. Theo Kinh Pháp Hoa, Phật có thọ lương vô
cùng vô tận, hằng triệu kiếp đã giáo hóa vô số loài chúng sinh khiến nhập vào
Phật đạo.
Tác giả cho rằng Jesus Christ là nguyên tắc dung thông giữa điểm Ngài thuộc về địa giới và điểm Ngài thuộc về thiên giới; thiết nghĩ ông căn cứ vào lời JC: ta vừa là con của người vừa là con của trời. Con của người vì mẹ ta là bà Marie; “con” của Trời, ta xuống trần để thuyết giảng bác ái ... Theo như ý chỉ của Thế Tôn, Phật cũng sinh ra trong bào thai như trâu bò; Tất Đạt Đa là con của vua Tịnh Phạn, nhưng là một Như Lai thị hiện để dễ bề hóa độ, (xin xem Ý Nghĩa Thị Hiện, Lữ Hồ, link), rất gần với câu: He was only one, yet He is also the many in his rebirth in human hearts. Tây Phương rất chi là “moniste”; JC chỉ là, phải chỉ là, con của Trời, không rộng rãi như chủ nhiệm Manas Journal ghi nhận màu sắc thời gian và địa điểm hạn hẹp mà không quên thấy sự thăng hóa của JC.
Đối tượng nghiên cứu mà Maslov đưa ra cũng như ý nguyện thiết tha của tác giả, nằm trọn trong thường lạc ngã tịnh, bên cạnh bản lai diện mục và lý luận “biện chứng” (?!) sắc không.
Nêu lên mấy nét Phật học
bên trên không nhằm giành phần thắng, kiếm thêm điểm cho “phe ta” mà chỉ để hiểu thêm ý người.
Nhưng rồi tiểu đệ cũng phải tự nhũ là bỏ đi quên đi, đừng lẩn quẩn trong vườn dù
là chuồng gà hay thượng uyển trong cung thành họ Thích; nếu không thì không thấy
chút đom đóm lập lòe có chung bản thể với nguồn ánh sáng của vũ
trụ; không được sung mãn từ một suối nguồn vượt trên ngã
chấp, không đạt
được sự yên ổn và trong lành không cần nợ chính trị mà tạo mãi; không đạt một bản sắc không
cần tài trợ của màu da và quốc tịch.
ttt cẩn bút,
ngày
hăm ba đưa anh và hai chị Táo về trời
tái bút: một chút cá nhân, tính từ hôm qua cách đây ba năm chị tôi đã qua đời, xin chư vị rộng tình chứng cho lòng vợ chống tôi qua bài Chắp Tay Lạy Người, post đầu tiên của blog nầy.
No comments:
Post a Comment