căn nhà định chuẩn
tôn thất tuệ
[2013 sau đúng 35 năm, tôi vui mừng gặp lại trên internet vị chỉ huy cũ và các đồng nghiệp trong Viện Quốc Gia Định Chuẩn, (VQGĐC, VĐC, ĐC). VĐC, cái tên khá lạ, vì chuẩn là chuyện khá lạ ở VN. Chuẩn lớn lên cùng, và hổ trợ, nền kỹ nghệ, kể cả sản xuất nông nghiệp. Ông Phí Minh Tâm tiến sĩ hóa học tốt nghiệp M.I.T. Mỹ, đã đưa đơn vị nhỏ nầy trong Bộ Kinh Tế thành một cơ quan khoa học độc lập. VĐC có phòng thí nghiệm trong khu kỹ nghệ Biên Hòa và văn phòng gần Phủ Tổng Thống. Viện thuê dụng nhiều chuyên viên tốt nghiệp Âu Châu Mỹ Châu và Úc Châu hoặc các người có bằng cao học (sau cử nhân) trừ ra tôi, biết đọc biết viết. VĐC đang trên đà phát triền thì chung với cả nước hạ màn và chưa biết bao giờ làm lại. Bài viết dưới đây là một ghi ký, không hư cấu và là một email gởi anh Tâm cùng gia đình ĐC].
Hôm tôi đứng trên lầu của Định Chuẩn (ĐC), bên dưới người ta kéo nhau đến gốc những cây sao. Họ đổ cát ra khỏi bao để lấy những bao nylon xanh rêu. Chiến tranh hết rồi, lấy chi những bao ấy, phòng thủ cho ai. Mà hỏi các anh vì sao có những bao cát ấy, rất nhiều.
Thì ra khán đài giữa đại lộ Thống Nhất và Pasteur, ở trên đó có ‘bác’ Tôn vừa đọc diễn văn vừa xịt thuốc suyển vào cổ họng, khán đài ấy là một hầm trú ẩn lộ thiên, phòng khi hữu sự, just in case. Người CS không mộng mơ như Karl Marx mơ một xã hội vô tưởng. Mấy hôm trước đó, nhiều chú lính dùng máy dò mìn, và cúi xuống đào những cây đinh sét khi có tiếng o o. Cẩn tất vô ưu. Mặt khác người CS cũng không mơ mộng khi họ cho kéo những nhà vệ sinh lưu động gần khán đài đó với những ghi chú như: nhà đái gái.
Chừng hai tuần sau, tôi giao chìa khóa tủ hồ sơ cho anh Nỡ quân quản để đi cải tạo.
Nghĩ lại bên cạnh những ưu ái của con người như các anh dành cho tôi, thiên nhiên cũng ưu ái cho tôi. Tôi bắt đầu sống ở Saigon và hết ở Saigon với những hàng cây me xanh, cây sao im mát. 1962 tôi từ Huế vào Saigon học bên đường Alexandre de Rhodes, cạnh Bộ Ngoại Giao, mỗi chiều nghe tiếng quân hành của Đại Đội Danh Dự đi từ phía sở thú vào dinh Độc Lập làm lễ hạ cờ. Và tôi cũng lìa Saigon từ những cây me che mát Viện Quốc Gia Định Chuẩn trên con đường Hàn Thuyên. Và nghiệp văn chương cũng vương vấn từ ngàn kiếp trước nơi hai con đường mang tên hai con người của văn học, Đắc Lộ và Hàn Thuyên, cả hai đối xứng qua đại lộ Thống Nhất và gần phủ đầu rồng. Từ khi đến và khi đi nằm trong con số kỳ dị mười ba năm.
Từ văn phòng Viện, tôi lửng thửng ra phía Tự Do nơi Bộ Xã Hội; tựa lưng vách tường nhìn ra công viên quanh nhà thờ. Quả là một chợ người. Tôi nói chợ người, không phải chợ bán đồng hồ không người lái. Ở đó có những người cai như cai mộ phu làm đồn điền. Họ đứng ra nhận ghi danh những nhóm như viết phim, viết báo, ca sĩ trình diễn, hoạt động đoàn thể. Nói mộ phu cũng không quá vì những danh sách ấy dùng cho các lớp cải tạo, cải huấn. Vui nhất tôi thấy bà Nguyễn Phước Đại, tròn mập như đòn bánh tét, cắt đầu cắt đuôi. Nữ luật sư ấy chơi một bộ bà ba màu nâu, trông chẳng giống ai. Một cô gái quê vừa ra khỏi đồng lầy chơi cái mini jupe sẽ đi đứng không tự nhiên như bà Đại mặc áo quần quê vẫn lộng cộng khôi hài. Quả tình là một thứ hành hạ bản thân, trước một thần linh không hồn.
Thế rồi tôi không còn nơi hàng cây xanh, nơi trước kia có những chiếc xe đẩy bán dừa xiêm hay những ly chanh đường. Đến với ĐC sau chín năm vô bổ trong ngành hành chánh, tôi còn thích những hàng cây xanh mát ấy. Sau nầy chúng gây cho tôi nét nửa chua cay, nửa nên thơ dành cho cô vợ:
này cô bé ngày xưa em đi học,
áo em xanh em trả hàng me xanh lá,
ly mía ngọt ngày xưa em uống
nay đắng nhiều với những ngày còn sót lại với đời ta.
Thật vậy, tôi ngồi sau thùng xe như chở heo, bên cạnh những thứ gì còn lại. Vâng, tôi ngồi như ngày ngồi trên xe đi tù, không biết xe chạy đi đâu ban đêm nhưng qua khe hở cũng biết cách mạng cho "đi xem" Bến Bạch Đằng, khu Nguyễn Huệ đến mấy vòng mà mồ hôi và hơi người đã xông lên. Anh tài xế lần nầy chạy qua đường Tự Do và tôi cố gắng nhìn lại con đường đến VĐC, à, tôi thấy một người quen, e rằng đó là chàng Ninh. Nhà tôi ngồi phía trước trên ghế danh dự. Chúng tôi từ giả căn nhà gần Chợ Cá Trần Quốc Toản để hồi hương tại Long Thành.
Tôi muốn vong ân như một thứ thời thượng của lòng người đảo điên nên nói một cách xách mé rằng ông giám đốc Kiệt trả ơn tôi mang giúp cây Garand nặng nề qua bãi cát trưa nóng tại Vũng Tàu khi đi học làm cách mạng hành chánh. Ông trả ơn bằng cách giúp tôi về VĐC. Nói chơi, nói láo chơi.
Nếu anh Kiệt sợ bãi cát nắng ấy một, tôi còn sợ gấp ngàn lần. Tướng Khánh đã vỗ vai tôi nói thân mật, tôi không hiểu ý định của ông; ông nói ông sẽ bỏ ra hằng tỷ đô la để xây dựng nông thôn. Sau đó có chuyện xây dựng nông thôn và áo đen và Phạm Duy cũng mặc bà ba đen, trong chuổi dài những lần thay áo của nhạc sĩ tài ba nầy như con tắc kè đổi màu. Và chính sách ấy đã tạo nên trung tâm nầy. Khi tôi đến, chỗ nầy không còn sung mãn một thời vì viện trợ Mỹ không còn nữa và chuyển qua hệ thống hành chánh VN.
Vài nhân vật khi nhận bộ đồng phục đen, phải đem ngâm đủ thứ cho nó cũ, cho nó phai màu cho có vẽ cách mạng. Rất tiếc họ quên ghi bản quyền nên các hãng áo quần Mỹ bắt chước làm phai màu và xé rách các ống quần jean với giá cao hơn cái mới. Trung tâm giữ thẻ căn cước của cán bộ và cho mượn lại để đi phép với đơn xin. Phép thường niên phải có lý do như cha chết v.v... Khi một cán bộ bị sa thải, người ấy được chở giao cho tiểu khu Vũng Tàu để nhập ngũ. Những khắc nghiệt không áp dụng cho tôi, nhưng bầu không khí ngột ngạt. Lại xuất hiện ban văn công mà nhạc sáng tác không khác gì đài Hà Nội. Bây giờ web Nhạc Của Tui xếp những bản của Viết Chung và Nguyễn Tùng vào loại nhạc cách mạng của CS; cháy nhà mới ra mặt ai là ai.
Về ĐC thì không có nha lại, cạo giấy. Tôi biết là tôi đã đi lầm đường vào hành chánh nhưng ở thế bắt buộc còn hơn suốt ngày lên mặt dạy đời của trường sư phạm. Tôi hy vọng còn một năm nữa với ĐC để đủ mười năm đáp lễ quỷ thần sau cái hợp đồng nhận học bỗng của trường. Điều tôi vui đầu tiên là không có cảnh: bản sao kính gởi ông Tỉnh Trưởng "để kính tường" và bản sao gởi Trưởng Ty "để tường" vì thằng trưởng ty địa phương thấp hơn mình không đáng dành cho chữ kính. Tôi không gặp cảnh phải cho nhân viên đánh máy lại vì: tham chiếu qúi văn thư thiếu lễ độ cho nên phải viết: tham chiếu văn thư của Qúi Bộ. Tôi thừa biết bên ngoài chiến tranh gia tăng thay vì phi mã mà là phi tiển cho nên người ta lấy những văn thư bằng giấy để chống đạn. Tôi đã bị báo cáo nặng nề khi thay đổi dấu phết trên một khẩu hiệu. Làm hết việc, không làm hết giờ thành làm hết việc không / làm hết giờ.
rời bỏ xóm làng vì chiến tranh
Tôi đã bị đuổi khỏi bộ Xã Hội vì sự khám phá của người khác là tôi đã làm thơ. Trong một tờ trình công tác tại Quảng Tín, tôi viết một cách rất tự nhiên những khốn khổ của đồng bào phải rời làng mạc mà Bộ phải cứu trợ. Tôi không nhớ đã viết thế nào. Còn nhớ vài đoạn: Khi trực thăng thả tôi xuống trên thửa ruộng sau mấy ngôi nhà gạch, một thanh niên đón tôi và đưa vào bằng ngã sau. Tiếng rồ của con chuồn chuồn sắt thay thế bằng tiếng của một bà lão và ba đứa cháu đi xin, họ không biết đây là ty của chính phủ. Ông trưởng ty nói: "thưa ông thanh tra, đừng lo, họ ở trên trại và tụi tui lo đủ hết rồi". Trời lạnh mưa phùn miền Trung. Tôi hỏi áo quần cứu trợ gởi cho ông đâu hết mà thế nầy? Trả lời: mấy chục bành nằm trong kho tỉnh để bà tỉnh trưởng đi ủy lạo, thăm cô nhi viện, thăm chùa, nhà thờ...Thưa ông Bộ Trưởng, tôi bó tay không thể nói lúc nào bà tỉnh đi phát, hơn nữa áo quần nầy không phải để cho cô nhi viện, chùa, nhà thờ; thưa ông Bộ Trưởng, tôi về Saigon mang cho Bộ lời nhắn của ông trưởng ty rằng nơi quận ấy, xã ấy có mấy chục ngôi nhà xây bằng vật liệu bộ gởi; ông tỉnh trưởng cho biết địch tập trung trong khu vực, tiểu khu không thể bảo đảm an ninh cho tôi đi xem thực hư. Tôi mang thông điệp nầy như người đưa thư, và ai cũng biết người đưa thư không trách nhiệm về nội dung của phong thư, có khi là bức thư tình, có khi là lời hăm dọa tống tiền...
Ông bộ trưởng nói ai đọc tờ trình đều nói là thơ. Thì ra tôi đã là thi sĩ chứ gì; poète malgré lui, poet against one's will. Về ĐC, tôi không làm thơ tuy ở trong vùng cây mát, trong Viện lại có rất nhiều giai nhân tuyệt sắc. Khung cảnh thì gentleman hơn, lúc nào tôi cũng có cái khô mực màu mè, có cây kim hột trai giữ cho nó không lắc lư. Không hiểu có phải vì ảnh hưởng nghề nghiệp hay không, mà tôi nghĩ, ai ai cũng có một chuẩn mức trong giao tiếp; không quá tân thời mang về cùng bằng cấp Âu Mỹ; không quá câu nệ của một nền hành chánh quan cách.
Chỗ làm thì yên ổn như vậy, bên ngoài cũng yên ổn. Ấy cũng là lúc tôi về Saigon từ Vũng Tàu, và thường nghe Radio Catinat. Thực có giả có. Lúc ấy đã có tin tướng Đồng Văn Khuyên cố vấn cho tướng Cao Văn Viên về một mô hình rút quân. Chỉ một tin như vậy đủ thấy sự thay đổi trầm trọng. Ông Viên, sinh ở Vạn Tượng, Lào, trước khi có sự oanh tạc thật sự bắc vĩ tuyến 17, chủ trương như Lý Thường Kiệt, lấy công làm thủ bằng cách đánh qua Tàu, tức là tấn công Bắc Việt ít nhất bằng máy bay. Nay thì ông tướng nghĩ khác. Ở một mức độ nhỏ hơn, nhiều người đã bán đồ đạt, và ngủ trên sàn nhà. Trong thời gian trên, tình cờ tôi gặp Robert Shaplen tại một tư gia người bạn cao niên. Nhà báo Mỹ nầy mời tôi một điếu xì gà nhỏ của Cuba. Ôi thật là ngon, tự nhiên có cảm tình với anh Râu Fidel, cảm tình chốc lác, xin nói rõ.
Robert Shaplen rất khôn ngoan. Ông nói rất gần đây, người Mỹ sẽ rời VN. Ông giải thích rất chi là khoa học. Ông chỉ vào bà chủ nhà đã hơn 50 và nói các bà nội trợ Mỹ đã quyết định như vậy; họ bỏ phiếu cho những người muốn rút lui và không viện trợ. Vì sao? Vì các ông chửi Mỹ quá; chính trị gia và đàn ông như tôi không hề hấn, nhưng các bà thì rất sensitive. Tôi làm ra như thích thú với lời giải thích bằng cách không nói đến chuyện Mỹ Tàu đã sắp xếp. Chủ nhà rất muốn tôi nói chuyện để mong ông ấy tiết lộ thêm. Phần tôi, tôi cũng háu thắng và nói 1964, tôi đã nói việc Mỹ bỏ VN trên tuần báo sinh viên. Tôi minh xác đây không phải là tiên tri thời cuộc mà đáp lời tuyên bố ở phi trường của luật sư Trần Văn Tuyên rằng thế giới Tự Do không bao giờ bỏ tiền đồn VN, tôi chỉ nói một khả thể (possibility) tự nhiên của chiến lược. (Mỉa mai thay, trước 30.4.75 không lâu, LS Tuyên cầm đầu một số dân biểu đòi Mỹ rút quân và ngưng viện trợ cho VNCH). Jay Hendon, trưởng phòng UPI, có vợ VN, đã công khai nghi tôi có ý gì khác; dễ hiểu vì lúc ấy đang có vụ Maddox. Robert Shaplen mời tôi điếu xì gà thứ hai với câu khen ngợi (!?): ông là một viễn tượng gia (visionary).
A Di Đà Phật, ra đi mẹ có dặn lòng, chanh chua mua lấy, ngọt bòng chớ mua. Lời của Robert Shaplen quả là ngọt bòng, xin không dám nhận.
Tôi không có một viễn tượng nào mà chỉ có nỗi buồn hơi khó chịu, tôi không để ý vì cứ nghĩ nó tiếp tục những nỗi buồn từ nhỏ vào thời chiến tranh. Tôi không bán đồ đạt, vì chẳng có gì mà bán ngoài gần trăm cuốn sách cũ mua gần cái nhà tiêu, đối diện với Khai Trí trên đường Bonard. Lạm phát phi tiển đi lên cùng nhịp độ của chiến tranh vây hãm đời người; thời ấy ai cũng nhớ đến nhát dao nhập cảng bởi các học vị kinh tế tốt nghiệp Âu Mỹ: tội về ai, TVA, taxe de valeur augmentée, cho nên chẳng có tiền mua cái gì. Dân tiếp vụ nơi đường Nguyễn Du bán rất nhiều mì ăn liền nikka ramen mối mọt. Tiếc quá lúc ấy chưa có thi sĩ Nguyễn Đức Sơn dạy cho cái khôn ngoan của loài người: dòi một bên còn ta một bên khi ông ăn trái mận rụng cuối mùa.
Hương vị của điếu xì gà thoáng qua, nhường chỗ cho những điếu Bastos xanh, người anh em của những điếu Gaulois hay Gital tabac noir đem từ bên Maroc hai trăm năm nay. Anh Cảnh đánh máy cũng chơi thứ hạng nặng nầy nên trở thành đồng minh của tôi, phòng khi môi hở răng lạnh. Anh Cảnh cũng như bác Tường thỉnh thoảng hé mở vài ý nghĩ chính trị, nhưng cũng rất chuẩn mức, đúng là trong nhà định chuẩn.
Về ĐC tôi không còn cảnh chiều thứ bảy không tiền xe về thăm gia đình. Tôi đứng ở Rạch Dừa bên dãy quán bán thịt chó, nhìn những chiếc xe quay về Saigon mang theo những khuôn mặt nắng rám. Tôi cố nhìn thử có ai quen trên những xế hộp ấy, không phải để xin đi một đoạn đường mà thử biết mình nằm đâu trong cái danh giá xã hội. Chẳng một ma nào quen. Tốt nhất là vào ngân hàng Bà Sương đầu ngõ vào trung tâm, quẹt cái credit card vô hình mua lửa bao thuốc lá. Đại Tá Quách Huỳnh Hà, vừa quá vãng giữa 2010 để lại bài viết huynh đệ chi binh, ra Vũng Tàu thực hiện cuộc cách mạng hành chánh, đã lấy căn nhà gỗ ngoài thị xã, cho nên nhà tôi và các cháu phải về nhà ngoại ở Phú Lâm.
Cuộc cách mạng hành chánh ấy gồm những bài lý thuyết chính trị, những phương thức giản dị hóa hành chánh dành cho tất cả nhân viên cao cấp mà giảng viên là những cán bộ vừa được học hôm trước thế nào là một bưu điệp, một điện tín. Các ông thầy cách mạng nầy đã vào trung tâm theo thể thức tuyển mộ của Mỹ, nay qui vào thể lệ VNCH thì không cần một điều kiện bằng cấp. Một thông dịch viên nhìn vào nét chữ đánh máy không dấu "danh ca", nói với Mỹ người kia trước khi vào trung tâm là một famous singer; đương sự không nhận mình là famous singer mà là đánh cá đánh tôm. Một cuộc cách mạng trong chuổi dài cách mạng của nước mình.
Các vị như anh Kiệt của chúng ta phải mang theo mình cây Garand. Trong lúc ấy, cây súng nầy đã được thay thế trên chiến trường bằng cây M16. Garand chỉ dùng cho đội cơ bản thao diễn, trong lễ chào cờ hay đám ma. Còn mấy ông phó tỉnh học sau tôi thì đem cả samsonite bạc để xài ở Saigon sau khóa học. Trong dịp này tôi được giới thiệu với anh Kiệt. Và do đó có sự can thiệp của anh Tâm với tổng nha công vụ và bộ quốc phòng đưa tôi về VQGĐC. Và từ đó tôi có một khung cảnh làm việc khác hẳn từ nội dung đến hình thức với các nét sơ phát nói trên.
Thực tế nhất là lương bỗng rất hậu, tôi không bị giới hạn trong chỉ số đốc sự mà theo cơ quan tự trị. Xem lúa mới cho mượn tiền. Với "bồ lúa" kha khá, tôi mua được bát hụi và sang căn nhà xập xệ thuộc khu gia binh gần chợ cá Trần Quốc Toản. Mỗi khi mưa to thì ngập lụt đôi chút nhưng không quá tệ như những con đường Saigon của thời cách mạng đỏ. Tuy đóng khung trong 4 mét ngang 15 mét dọc, với cái nóng xế chiều thiêu đốt từ hướng tây, nó cũng đủ sức dung chứa một gia đình 5 người lớn nhỏ. Ông hàng xóm của tôi là Trịnh Cung, người gây ồn ào lời qua tiếng lại về Trịnh Công Sơn và là người bây giờ có cô hầu non ngang tuổi cháu ngoại. Cứ nhìn chuyện của ông họa sĩ nầy, ta có quyền nói đây là dương cơ đại địa, theo danh từ phong thủy.
Nhưng
"Thưa ông, đây là chồng tôi, mới được về hôm nay, xin ông vui lòng cho chồng tôi ở lại vài ngày". Tôi đi theo nhà tôi như đứa tớ dưới làng lên tỉnh giúp việc, qua nhà ông công an khu vực. Ông bất động như một thiền sư chìm sâu trong tam muội. Tôi nghĩ thầm nếu ông không gật đầu, thế nào tôi cũng phải ra chợ Nguyễn Tri Phương ngủ, chứ ở trong nhà thì trăm điều khốn khổ xẩy ra. Nhà tôi nhanh trí nói: Xin ông cho ở chừng ba ngày để sắp xếp đưa mẹ con tôi hồi hương, giao nhà cho chính quyền. Ông ta bật dậy như ai lấy kim chích đít: 'Được, lo sắp xếp mà đi đi nhe' ".
Căn nhà xập xệ nầy cũng giống như con trâu của một nông dân ngoài Bắc. Con trâu phải dâng hiến cho hợp tác xã, mong họ lấy cho mà đừng đấu tố chủ nhân, đừng xếp vào hàng địa chủ.
Vâng, tôi xin được an toàn, bỏ của lấy người như nông dân kia. Nhà tôi hứa giao cho chính quyền địa phương để cho tôi ra khỏi cải tạo. Người em sầu mộng của muôn đời, kẻ có đến Viện hai lần lãnh lương, cho nó cái tên căn nhà định chuẩn. Vâng, phụ nữ nhiều nhân tính hơn đám đàn ông ồn ào chúng tôi. Cánh cửa Hòn Ngọc Viễn Đông đã khép lại, "mãnh quần hồng hoen ố rượu rơi". Và trái mận của thi sĩ Nguyễn Đức Sơn, sâu đã ăn hết từ đầu chí cuối, ăn hết cả gốc cây. Căn nhà bên hông Chợ Cá đổi lấy mảnh quần hồng rách nát, tệ hơn hoen ố rượu rơi.
Cologne New Philharmonic Orchestra
No comments:
Post a Comment