add this

Monday, July 11, 2016

đàn bà, truyện ngắn

dương liễu (thùy dương, phi lao)

đàn bà
truyện ngắn tôn thất tuệ

Mai xoa đầu đứa bé ôm chân mẹ, thản nhiên nói: “con hải tặc đấy, bốn tuổi rồi”. Đưa mắt ra cửa sổ, nàng tiếp:
“Anh nghĩ có buồn không, nó lớn rồi nên em rảnh một tý; có thì giờ suy nghĩ về quãng đời qua. Tinh thần em suy sụp. Mẹ già yếu mắt mù lòa, em ôm lấy mà nuôi; may nhờ có trợ cấp xã hội, em nuôi mẹ và con như cái ‘job’ của Reagan. Ngoài ra em vẽ phần phát họa theo mẫu cho một người Mỹ rồi bà vẽ tỉếp. Loại tranh hàng loạt nầy bán được lắm nên họ thuê em một bức mười đồng, mỗi tháng kiếm hơn trăm bạc, chơi một bát hụi. Tích thiểu thành đa; ít lâu nữa nhờ trời em sẽ mở một tiệm sửa áo quần để rủ áo từ quan, rời Tòa Bạch Cung. Anh nghe có sợ không?”

Mai cười tự nhiên. Lần đầu tiên tôi đến apartment nầy một mình. Các bạn giới thiệu tôi quen Mai không bao giờ nói câu chuyện đứa con hải tặc ấy. Tôi suy nghĩ mung lung, không nói, hồi tưởng cảnh hảm hiếp trên chiếc tàu của tôi cùng thời gian Mai vượt biên.

Bà cụ gọi Mai vào giúp việc gì. Trở ra, Mai đưa tôi gói thuốc lá loại nhẹ cho phụ nữ. Tôi nhìn có vẻ thắc mắc nên nàng nói:
“Em không hút thuốc đâu. Hôm nọ ông Kinh và anh đến để quên. Nhà không có diêm quẹt xin anh dùng lò gas”.

Mai đưa tôi vào bếp. Mấy con dán bò quanh. Mai dùng chiếc dép tả xung hữu đột. Mai lấy tay bốc chiến lợi phẩm khoe con. Ngồi thừ xuống ghế ở bàn ăn, cô nàng chỉ tay vào đứa bé gái, nói:
“Sawadi (tiếng Thái), phước nhà, nó thông minh, không quá xí gái. May, gã đánh cá ấy không đen. Hiên, lại đây mẹ coi cái răng ra sao.”

Tôi đánh trống lãng: “Đẹp quá chứ gì nữa. Lớn lên sẽ biết tay, nó làm bao kẻ xao xuyến. Đời thường là một kiếp sầu đau gieo cho bao chàng trai; lời Việt bản nhạc Nam Mỹ tả sóng chiều.

Sóng vỗ vào chiều, sóng vỗ vào thuyền hay sóng vỗ vào đời? Biển cả chỉ mặn như nước mắt. Đừng cười em dùng chữ cải lương và làm dáng triết gia. Ai đã sống thực mà không phải là triết gia, nhất là khi trực diện cái sống chết của một phần thân thể hay của chính mình. Em muốn nói quyết định phá thai.”

Mai đứng dậy chỉ tay vào hàng cây xanh ngoài đường rồi tiếp:
“Anh cũng đến Songkhla rồi chứ. Đứng trong bệnh xá em nhìn những cây dương liễu in rõ lên nền trời và biển. Em thấy có gì linh thiêng cao mãi vời cao. Một sự sống tự nó đẹp hơn gì cả. Nó làm em sống sau một đoạn đường trên biển dài và đau khổ. Em muốn ói. Đưa tay xoa bụng em thấy dịu bớt, em biết có sự sống dưới tay em và dưới lớp mỡ. Nó đang sống như những cây liễu đang sống. Em đi vào từ chối đề nghị của bác sĩ người Pháp.
“Thật ra em đã suy nghĩ nhiều. Trước khi lên nhà thương, em nằm mơ thấy ba. Ba đẹp trai lắm; nhiều cô nhiều bà chạy theo. Mẹ một mặt sợ mất chồng, một mặt khoái tỉ. Không rõ ba có làm ai lỡ làng trước và sau khi lấy vợ hay không. Nếu có phải chăng vì vậy em gánh chịu hôm nay? Mình hay nói đời cha ăn mặn đời con uống nước. Nếu đúng là định luật, gánh nặng hôm nay xem như một cách đền ơn công sinh thành; còn đứa con trong bụng nó cần sự sống, nó không tội tình gì. Từ đó em thương mến nó vô cùng. Một đời người bắt đầu. Em không cần biết và không thể biết sự sống bắt nguồn từ đâu, nhưng biết nó đang lớn dần. Vì hoàn cảnh đặc biệt, người ta đưa mẹ và em đến một trại khác không chung với người cùng tàu. Em nói có thai ở VN và chồng em đi lạc khi khởi hành. Trại nầy cũng có những cây dương liễu như Songkhla. Mỗi ngày em nhìn các đọt xanh mà tưởng tượng sự lớn dần của đứa con. Vì vậy đặt tên nó là Liễu Hiên; mái nhà liễu phủ êm mơ. Em làm thơ có được không”?

Bà cụ lên tiếng gọi cháu. Mai vỗ vai con nói:
“Ngoại kêu kìa. Mẹ thương em lắm. Đến phi trường mẹ cười an ủi em bằng câu ca dao: trai đi có vợ, gái về có con; trời mưa lâm râm cây trâm có trái con gái có chồng đàn ông có vợ. À, anh nói ở cửa sổ phòng anh có cây trâm trái đỏ. Mẹ hát thế đó, chắc anh sẽ có vợ vì cây trâm đã có trái”.

Tôi đáp:
“Không đúng theo thứ tự ấy. Cây trâm ở nhà anh có trái sau khi anh đã có vợ. Em không biết anh đã có vợ và ba con”.
Mai làm ra vẻ lơ đảng nói:
“Anh độc thân mà, độc thân tại chỗ.

Tôi trở lại siêu thị Hoa Hinh cho Mai mua một món thiếu. Tôi ngồi nguyên trong xe đọc một tài liệu về người vượt biển. Quay người, tôi thấy Mai đã đứng ngoài nhìn vào; tôi vội cuốn lại, chuồi dưới ghế với vẻ luống cuống. Cô nàng tinh nghịch nói:
“Làm như đọc thư mèo bị vợ bắt được. Gớm, dấu kỷ quá sợ tôi đọc à?
“Sợ chứ, sợ em buồn cho số phận phụ nữ, cho …
“Cho em? Không đâu. Con Hiên đâu phải là con của hải tặc. Nó có cha mà, cũng người Việt như anh”.

Mai ngưng hẳn. Cho đến bản Stop, tôi gợi chuyện:
“Bấy lâu nay, cứ thấy Hiên là anh thương tủi cho con bé không bố và đau đớn cho em. Hôm kể như trên, em quên bốn chữ hạ hồi phân giải. Bây giờ xin phân giải dùm tôi”. 

Mai vui vẻ đáp:
“Câu chuyện bắt đầu bằng hải tặc, rồi không phải hải tặc mà rồi hải tặc. Lối hàng đôi nầy có thể làm anh đau đớn hơn chuyện trên.
“Tàu em may quá, đi năm ngày không sóng gió. Qua ngày thứ sáu cũng là ngày áp chót, một thuyền đánh cá Thái chận ghe em lại. Mọi người qua tàu lớn ngồi như tù binh. Lúc đầu họ cho bọn em ăn xôi, bánh, nước uống. Tiếp đến là màn lục soát trên người, nạp hết vàng bạc, đồng hồ v.v… Năm đứa có vẻ là cấp chỉ huy đi quanh, đám theo sau là một lũ lâu la cầm gậy cầm dao cười đùa nham nhở. Em ngồi trong góc nhìn ra phía trước. Khởi đầu chúng kéo ra khỏi hàng các cô gái trẻ tuổi, chúng tha những thiếu phụ có chồng con hay mang thai. So với những điều nghe trên đài phát thanh hay thư nhà, đám nầy còn nhân đạo hơn nhiều.
“Cạnh em là một thanh niên ngang tuổi. Trong khi em có ý định nói anh ta đóng kịch là vợ chồng, người đàn ông ấy tự ý xích lại gần, lấy tay xoa bụng em như để tránh cơn đau của bà bầu. May hơn nữa một cô bé chừng bốn tuổi ngả đầu vào chân em vì quen trong những ngày nằm chờ trên bãi. Nhờ đó bọn chúng tha em, cọng với mặt mày hem huốt đầy dầu máy, kết quả của những ngày siêng năng tát nước.
“Hôm sau tàu ghé đất liền lúc mới sáng. Em không nhớ mặt người thanh niên ấy rõ ràng vì những sự việc xẩy ra như ác mộng. Sau khi thỏa mãn dục vọng, hải tặc đuổi tất cả xuống ghe lúc nhá nhem tối. Lên bờ, chẳng rõ mộng thực ra sao. Em cũng không chú ý đến anh ta, phần còn lo cho mẹ. Ngày kế, vì có nét chữ viết rõ rệt, em làm danh sách theo lệnh của cảnh sát địa phương, em mới biết người đóng vai chồng em mặt mũi ra sao và mang tên Lê Hội. 
"Em đứng dậy lễ độ nói: ‘Cảm ơn anh đã giúp tôi qua cơn khốn khổ; anh thật thông minh quyền biến’. Hội nhếch cười nửa miệng rồi quay đi.
“Đoàn người đến một nơi gần biên giới Mã Lai. Quang cảnh giống như một làng ở Bồng Sơn Bình Định với rừng dừa dày chịt. Dân chúng theo đạo Hồi, nói tiếng Mã Lai, không ăn thịt heo. Sự hiện diện của phe ta tạo một niềm vui cho làng Panrapa. Lúc ấy trái mùa đánh cá, dân chúng nghỉ để sửa nhà cửa, sửa thuyền…Cả một thôn đến trường học nói tiếng quốc tế (ra dấu tay), cho thức ăn, quần áo, v.v…

Coconut Palms, Koh Samui, Thailand, Southeast Asia Photographic Print
rừng dừa ven biển Nam Thái
Hội là người đầu tiên mặc chiếc xà rông nhiều màu; chiều chiều dáng đâm chiêu nhìn ra biển trông rất triết gia. Thời gian sáu ngày trên đất liền, có lẽ không ai có một ý nghĩ gì về nhau, cái gì cũng nhấp nhô như còn trên sóng. Cả ghe được đưa về trại Songkhla. Trại nầy gom góp các nhóm nhỏ chờ đủ chuyến đưa về miền đông bắc theo chính sách mới của Thái. Songkhla trên đường tàn lụi.
“Mẹ bắt đầu đau trở lại nên em cũng được ở lại, còn 24 người kia cùng 500 đồng bào di chuyển đi Shikieu. Phần chẳng thân ai, phần đoàn xe khởi hành lúc mờ sáng, em không tiễn đưa ai. Từng nhóm nhỏ vẫn đều đều vào trại rồi lại đưa đi như một trung tâm mộ lính. Gia đình em vẫn ở tiếp cho đến hai tháng sau.
“Đến Shikiew em gặp Hội ở cổng vì anh là chức sắc trong trại. Người chồng năm xưa (?) đưa em đến một building còn trống, xách đồ đạt cho em rất ân cần. Sau đó Hội lo cho em đủ thứ, từ cái thùng xách nước cho đến chiếc chiếu v.v… Em rất cảm động, dĩ nhiên”.

Tôi đậu xe ở cửa để đem đồ đạt vào nhà cho dễ. Bé Hiên cũng khuân một xách. Tôi nhìn nó một cách hơi khác qua phần kể trên. Vào nhà tôi ngồi yên, chờ đợi câu chuyện. Mai vừa xếp các thứ vào nơi thích ứng vừa nói:
“Dạo ấy còn cái lạnh rơi rớt để qua mùa nóng. Bầu trời không tối lắm; quang cảnh nên thơ, thích hợp để chuyện trò. Những phiến đá trồi ra khỏi mặt đất biến thành những ghế đá mộng mơ nơi công viên trữ tình. Người ta rạo rực tình yêu; các cặp trai gái đưa nhau đi uống café ở gốc cây. Vì sao phải yêu nhau như thế, không yêu nhau có được không? Mà trông thật vui. Nhất là các cô, họ tươi vui ra, ăn mặc sửa soạn hơn làm mình cũng vui lây. Chả lẽ cứ buồn hoài, chả lẽ cứ ngồi than quá khứ mất đi, khổ đau trên biển. Cho họ sống một chút chứ”.

Tôi nói: “Đúng vậy, tình yêu là vế bên kia để quân bình với khủng hoảng, với lo sợ. Xin lỗi em nhé, nói cái nầy. Lính Lê Dương ngày xưa đi trận về là nhào ngay ra ổ điếm để trấn áp cái sợ vào sinh ra tử. Anh mở ngoặc đơn, dĩ nhiên không thể xem hành động đó là tình yêu, đồng hóa là mạ lỵ những kẻ yêu đương. Nhưng dẫu sao đó là một hình thái hạ đẳng trong một cảnh trí khác thường. Người vượt biển đã quá kinh hãi với sóng gió, với hải tặc cướp chém, họ cần một chút an ủi của tình yêu, có gì lạ đâu”.

Mai tiếp: “Mà em cũng yêu, yêu Hội; Hội yêu em; bọn nầy yêu nhau. Đơn giản như hai với hai là bốn. Bọn em lấy nhau. Lúc đầu mẹ cản. Bà chỉ nói vỏn vẹn là thấy có cái gì không ổn. Lúc ấy mẹ bệnh, bà nói: ‘Mẹ bệnh, mẹ sắp chết’. Người sắp chết thấy nhiều điều rất rõ nên em nói dối đã có thai và mẹ phải chấp nhận”.

Mai cầm con gà đông lạnh đưa vào vòi nước cho tan đá, rồi lấy dao gọt mấy củ khoai lang, bẻ đôi củ cà rốt đưa cho tôi một nửa rồi nói:
“Cà rốt ăn sống tốt lắm. Em sẽ nấu cà ri gà. Tiệc cưới của bọn em cũng chỉ có nồi cà ri gà như thế nầy. Ai chê đám cưới, ai cười đám ma. Tỵ nạn mà”.

Tôi nôn nóng nghe nốt chuyện hải tặc mà không hải tặc nầy nên cắt lời: “Còn mấy ‘mai’ (miles) mới đến nơi”?
“Anh còn ăn cà ri rồi mới về chứ. Mà em cũng kể nhanh cho rồi, đâu phải làm tiểu thuyết. Bọn em có con ngay năm đầu, con rất sớm, là con Hiên đây. Qua Mỹ là chạm ngay vào tường kinh tế gia đình. Trợ cấp chỉ đủ trả tiền nhà và sống mức tối thiểu. Hội bắt đầu gàn dở và uống nhiều bia.
“Với bản năng của người mẹ, em đi làm thêm, rửa chén ở một nhà hàng lãnh tiền mặt. Hy vọng thời gian sẽ làm Hội thích ứng với hoàn cảnh sống. Ai cũng nói với em rằng đàn ông chỉ có một công việc duy nhất là chán đời. Nhưng Hội bắt đầu yêu đời trở lại bằng cách yêu một người Phi Luật Tân. 

Vấn đề không phải chỗ đó. Ai cũng có tự do. Đàng nầy Hội tìm mọi cách gây sự để chứng minh em bê bối. Thoạt đầu chê em Mỹ hóa bằng cách mua mì lát thay vì mì ổ kiểu VN. Em đâu có bắt cả nhà ăn mì thế cơm; mì nầy mềm cho mẹ, và dễ làm sandwich đem theo không bách tách. Chuyện không có gì mà làm ra khổ quá. Vẫn chuyện bếp núc.

“Một hôm ba ông bạn kéo về ba chai Napoléon. Em phải nấu mồi cho bắc. Ngoài cá khô nướng là gà nấu bia. Vì gấp đi làm em mở lửa lớn, nước sôi làm các thứ bị bấn. Ông xã em tận dụng óc khôi hài, bỏ vào máy xay trái cây nghiền nát. Hai ông bạn cười đắc chí rồi đứng dậy đi mua giò heo về nấu giả cầy.
“Em cố làm lành bằng cách bỏ buổi làm chờ hai ông kia đem thịt về nấu. Ông bạn thứ ba, nãy giờ không có ý kiến gì, nói tiếng Pháp với chồng em là bảo em đi làm, nếu không em sẽ phá nồi giả cầy. Ông tưởng em không biết; em còn biết ông nói sai văn phạm nữa. Em ngán ngẩm ớn tận cổ. Để chứng tỏ em biết điều người Paris ấy nói, em vẫn ở nhà không đụng tới cây dao cái thớt, mặc cho bốn vị Lưu Linh trời trăng mây gió”.

Mai ngồi cúi mặt lúc lâu. Tôi vẫn giữ im lặng, không nhúc nhích. Cô nàng đứng phắt dậy, chạy đến bếp và nói lớn:
“Ôi thôi rồi; cái nồi cà ri nầy cũng nát như nồi gà nấu rượu, em chẳng hay ho gì; chồng la, bạn chồng la là phải rồi”.

“Chẳng sao, khách khứa hay cúng kiến gì mà lo, có nhừ thì mẹ Mai dùng dễ, cháu Hiên cũng thế. Còn anh thì răng cấm rụng gần hết. Mấy năm trong tù không dùng cái răng thì răng rụng mới phải”.
“Miệng anh dẻo như kẹo kéo, tán gái mềm môi”.

Nồi gà đưa ra bàn với ổ bánh mì kiểu VN. Tôi và Mai cùng ăn. Bà cụ chưa đến bữa; còn Hiên ngủ khì giữa nhà. Mai nói:
“Không đến nỗi bấn lắm anh nhỉ. Em kể tiếp. Đến chín giờ tối, họ vẫn còn khề khà. Lo xong cho mẹ và con, em vào phòng ngủ; ngán ngẩm cho cảnh đời; chồng như thế, bạn chồng như thế. Còn đâu cái dáng triết nhân của Hội trên đất Nam Thái, còn đâu những sự ân cần trong trại. Kiểm điểm thời gian quen nhau đến nay, em thấy không lỗi gì.
“Em đứng dậy bật đèn nhìn mình trong gương. Em già đi. Ở bên nhà, ở bên trại, ăn uống thiếu thốn, qua đây công việc bề bộn, không tiền son phấn và áo quần. Lỗi em? Đáng lẽ Hội lo điều đó cho em. Hay vì mẹ cản? Không, Hội không biết điều đó. Hay vì thái độ im lặng của em từ khi chồng dỡ trò khó chịu. Hay chồng em cần cải lại để có dịp tuông ra những bực tức gây nên từ những mặc cảm; đến nay chỉ một đài phát thanh của Hội. Hay Hội cần em to tiếng để đánh em hầu thỏa mãn, trả thù những oan ức mà Hội có thể đã gặp trong những ngày qua”.

Gió thổi mạnh, cánh cửa mở tung. Mai đến đóng lại. Vừa trở về bàn ăn, cô nàng tiếp:
“Cửa mở thế nầy, cửa mở thế nầy đêm hôm; gió lạnh say rượu thì trúng gió. Suy nghĩ miên man, em ngủ hồi nào không hay; thức dậy đã gần sáng, em đi ra phòng khách, cửa mở thế nầy, gió ùa vào. Chồng em nằm trên sofa, hai người kia giữa sàn, còn ông nói tiếng Pháp không thấy đâu. Đi mà quên đóng cửa chăng? Bậy quá. Trộm cắp như rươi, khu nầy mà. May nhà chẳng có máy móc gì. Say rượu trúng gió rồi chết trong nhà thì khổ cho em.
“Chén đủa, chai lọ, thức ăn vung vải. Từ thùng rác bốc ra một mùi tanh ói, phòng vệ sinh dơ dáy. Dọn dẹp mệt quá, nhưng chán hơn nữa là cảnh hai người đàn ông không quen nằm chàng hảng chề hê, giày dép còn nguyên trong chân. Em không biết nói làm sao. Mẹ em ngủ dậy trưa mà mắt lại không rõ, con Hiên thì còn nhỏ. Thôi, chỉ để mình em thấy cảnh nầy”.

Tôi vẫn giữ im lặng, tiếp tục ăn. Tôi hết sức cẩn thận, không tỏ một thái độ nào về Hội vì Hội là chồng Mai. Cần cẩn thận, lời nói có thể sai lệch vì quả thật tôi đã mến Mai với mức độ tăng dần. Để làm nhẹ bầu không khí, tôi đùa:
“Ăn đi chứ. Anh ăn xong rồi đấy. Em chỉ nói mà quên ăn. Cà ri ngon quá”.
“Cà ri như nếp nát. Anh lịch sự có thừa, em mừng anh đã không bỏ cả nồi vào máy xay trái cây như chồng em. Em pha cho anh một tách café nhé. Café Pháp kiểu VN, có cái nồi ngồi trên cái cốc. Dạo trước em mua café bột cho tiện; Hội chê em Mỹ hóa cũng như chê em mua mì lát.
“À, tách café. Em dọn xong nhà cửa, ba ông ma men vẫn còn vui trong giấc ngủ. Em tự tìm một niềm vui, dù giả tạo. Em bỏ café vào ba cái lọc để sẵn trên bàn; lấy sáu quả trừng để trên bếp cho bớt lạnh, lấy giấy bạc gói ba khúc bánh mì bỏ trong lò nướng. Chén dĩa, muỗng nĩa đủ cho ba thực khách.
“Một ông khách thức dậy trước kéo hai người kia dậy. Lúc ấy đã chín giờ. Em bảo Hội có sẵn ba khăn tắm và mời các ông sử dụng tiện nghi trong nhà. Hội vào rửa mặt trước. Khi cả ba người đã ra ngồi đủ ở phòng khách, ấm nước đã sôi. Vừa rót nước vào bình lọc, em nói: ‘Mời các anh. Hôm qua chắc chẳng ăn gì; để em chiên trứng dùng tạm’. Không ai ư hử môt tiếng. Mở cửa tủ lấy chai dầu thì em nghe một ông khách nói: ‘Thôi, mình đi ra Croissant Doré; thằng quỉ gì, thằng Tâm, đang chờ. À mà trưa nay còn đám đầy năm con lão Bách’.

“Hội đi vào bếp bảo em đưa hai chục. Em vào phòng; Hội đứng ở cửa. Lục lọi trong ví không tiền; sau rốt lẫn trong xấp food stamp còn một tờ mười và một tờ năm. Em đưa Hội tờ lớn nhất, giữ lại năm đồng. Hội vẫn đứng không đi. Một cảm giác đau đớn chạy khắp thân thể. Năm hôm nữa tiền xã hội mới về. Dạo ấy em chưa vẽ cho bà Mỹ; hôm trước đó em còn mấy chục thì đóng bát hụi một trăm. Một bà mẹ trong nhà với một đứa con nhỏ, chỉ có năm đồng và xấp food stamp. Hơn ai hết Hội biết rõ hoàn cảnh gia đình.
“Đó là hành động cuối cùng, giọt nước tràn ly, làm em mở miệng. Em cố giữ nước mắt vì sợ Hội hiểu lầm. Em nói nhỏ nhẹ, như tự nói cho mình nghe: ‘cứ như thế nầy thì không thể ăn ở với nhau’. Hội chỉ gật đầu nhưng vẫn đứng yên. Tự nhiên em thấy thương con người đóng kịch là chồng trên tàu cho em khỏi bị hải tặc.
"Người chồng giả cao thượng ấy đã thành người chồng thiệt đối đãi với em thế nầy. Chẳng hiểu sao em đưa nốt tờ năm đồng còn lại.
“Hội đi không chào em. Hai người kia có vẻ kiểu cách với hai chữ chào bà, cái kiểu cách kỳ cục so với thời gian trong nhà em. Họ đi rồi; em ngồi thừ xuống ghế. Trước mặt, những giọt café còn rơi xuống ly thủy tinh. Những giọt cuối cùng nên rơi chẫm rãi và nước mắt em cũng rơi xuống như những giọt café kia. Em khóc cho chính em và khóc vì niềm vui nhỏ vừa rồi chỉ phí công.”

Mai đưa tay xoay ly café trước mặt tôi nửa vòng như nâng niu, rồi cúi đầu đưa mặt gần, nhìn kỷ những giọt nước đen đang rơi. Những giọt nước mắt của Mai cũng rơi theo. Đưa tay chùi mắt, nàng nói:
“Lần trước em khóc vì đau đớn ê chề, lần nầy khóc vì vui, pha café có người chờ uống. Cảm ơn anh. Em mua lon café nầy từ ngày anh đến nhà chơi. Em nhớ anh có làm bài thơ về quán café. Hôm nay anh có làm thơ không? À, ít tuần sau chuyện café không người uống vừa kể, em có đọc một bài thơ về café của anh trên tờ báo, em cho nó dở ẹt. Em chê ba ông thi sĩ, nhà văn chỉ bềnh bồng, không thấy ly café chua chát của em. Em chê anh có buồn không?"
“Có gì mà buồn; nhưng hy vọng đọc lại em sẽ thích khi có người uống café”.

Café đã hết giọt, Mai vẫn ngồi yên không nói. Khối nước đen tuyền trong ly trắng tinh như cái gì sâu thẳm đủ sức hàm chứa nỗi bao la tâm tưởng, như mắt nhung đen. Mai chống tay lên má, tiếp tục nhìn ly café lắng yên. Mắt Mai như rơi thỏm vào khối nước đen kia.
Mai trông triền miên, tươi hơn nhiều so với ngày tôi mới quen cách đây hai tháng. Mai mặc chiếc áo mới. Tôi sực nhớ nhận xét của Mai về các cô trong trại Shikiew tươi vui với tình yêu mới. Mai từ từ lấy tay ra khỏi má và từ từ gục đầu để nguyên mái tóc trên khăn trắng. Gió thổi đưa một phần tóc quấn ly café. Mai ngẩn đầu dậy ngơ ngác như từ một thế giới khác đến, nhìn tôi rồi nhìn ra ly café mà nói:
“Sao anh không uống? À em quên lấy đường”.

Cảm nghĩ của tôi lúc ấy, mọi người mọi vật đều tan biến, chỉ có ly café ở thế độc tôn. Mai thêm nước sôi và lấy thìa khuấy tan đường. Bé Hiên thức dậy. Mai bồng đến bàn và múc cho con một tô cà ri. Tôi nói:
“Cà ri cay sao nó ăn được?”
“Nó con hải tặc Thái Lan mà. Thái Lan ăn cay nhất thế giới. Em kể nốt câu chuyện. Mà đến đâu rồi?”
“Đoạn ba ly café và em tìm ra mười lăm đồng trong xấp food stamp”.

Hôm ấy Hội đi luôn; không điện thoại cho em. Em dửng dưng có thừa vì đã biết có ngày như vậy. Gần hai tháng sau, cháu của Hội đến lấy áo quần, vật dụng đem về cho cậu. Em nghĩ đó là lối nói khéo xác nhận việc bỏ đi. Đến thế là cùng. Được, em lấy cái va li còn ghi địa chỉ của người bảo trợ, bỏ tất cả các thứ vào. Bỏ một cái áo vào, em thấy mình bớt nặng. Em hăng say.
“Nhưng em khựng lại khi gặp ở tận hộc tủ, anh biết không? cái xà rông người ta cho ở đảo còn giữ làm kỷ niệm. Em đau đớn ngồi phạch xuống đất như xây xẩm. Cầm nó trong tay khó quyết định giữ hay bỏ vào va li cho Hội.
“Cái xà rông Hội quấn ở làng Panrapa, mỗi chiều đứng bên hàng dừa nước, dáng rất triết nhân. Cái xà rông ấy là hình ảnh đầu tiên cho em thấy sự lưu đày, sự xa xứ. Đến một nơi phải mặc xiêm y của người; ra đi trần truồng, trút bỏ những gì đã móc lên mình và đã thành một phần đích thực của đời mình như thôn xóm, trường học, những món ăn quen thuộc, mồ mã … Chiếc xà rông trên con người đã cứu em khỏi tay của những gã cũng mặc những chiếc xà rông như thế khi tàu em gặp nạn. Chiếc xà rông còn đây nhưng con người năm xưa không còn nữa”.


Southern
Xà rông cổ điển Nam Thái
Mai kể làm tôi nhớ mình cũng mặc chiếc xà rông như thế. Vào lần cướp thứ bảy, tôi chỉ còn trên người chiếc áo thun và cái quần xà lỏn; một tên hải tặc đã soát xét chiếc quần của tôi tận trong lai, xé rách các đường may để tìm vàng và dollars; không có gì cả, hắn bực tức ném xuống biển. Lên đất liền, họ cho tôi cái “quần một ống” ấy. Nhưng tôi không thấy ý niệm mặc xiêm y của xứ người như Mai nói. Thật ra đó chỉ là một trong muôn ngàn cách nói về sự lưu lạc. Tôi thấy buồn thấm thía, nhờ vậy không nôn nóng chờ hết câu chuyện. Mai tiếp:
“Anh ạ, em giữ chiếc xà rông, lưu dấu một thời Hội thương yêu em và em đáp lại. Em đã dâng hiến cuộc đời cho một người em kính trọng, em mang ơn. Có hôm em lấy chiếc xà rông đắp lên mình con. Tấm vãi ấy có thể mất đi, nhưng lưu dấu thứ hai nằm bên dưới vẫn còn mãi, lớn dần; bé Hiên. Nó sinh ra một thời em thấy yên ổn bên người chồng, khởi đầu giai đoạn mới sống trên xứ người. Bây giờ em phải đi nốt đoạn đường của em”. 

Tôi cắt ngang: “Một trong những lý do chính của khổ đau đời người là bám víu vào những điều không thường tồn, cái vô thường”.
“Không, em không đủ sức bàn luận những điều như vô thường…Em chỉ nói em đặt để cuộc đời em vào điều em thấy không có thực. Điều gọi là tình yêu của Hội dành cho em chỉ là bất thường”.
                                        ***
Những cây palm ở đây không cao, không lạc lõng trên không như ở Los Angeles hay Van Nuy. Lũ palm đứng kề nhau như rừng dừa ở bãi biển Mỹ Khê, Quảng Ngãi. Mùa hè nên sáu giờ chiều mà vẫn còn sáng, tôi ngồi trên bãi cát Pacific Beach. Bé Hiên ở mãi bờ nước, đùa chơi với quả bóng lớn bằng ngực. Mai ngồi bên tôi trông chừng con. Tôi lượm những cây gỗ lép trong những cây kem người ta quẳng xuống đất, vẽ trên mặt cát những vòng tròn móc vào nhau như dấu hiệu Thế Vận Hội, nhiều hơn, to nhỏ không đều nhau. Mai đưa tay xóa hết tác phẩm hội họa của tôi, rồi vẽ những đường thẳng cho đến khỏi tầm tay. Nàng nói:
“Sao không vẽ những gì suông sẻ mà vòng vo làm gì cho khổ trí”.
“Muốn vòng vo thì nó vòng vo; muốn thẳng thì nó thẳng. Đường thẳng và vòng tròn chỉ là một, nếu đặt trên một tầm mức rộng lớn. Những gì đã xong trở lại về gốc rễ ăn sâu tự ngàn xưa, còn trong dòng thời gian miên viễn như con rắn cắn đuôi”.

Mai ngẫm nghĩ rồi gật gù:
“Đường thẳng mà vòng tròn nghe nó ra sao nhưng Hội ra đi là đường thẳng rồi trở về là đường cong. Phải rồi, Hội trở về, em nói cho anh nghe. Em vẫn là vợ chứ gì. Có gì người ta vẫn kêu em. Nói tầm bậy như giả dụ Hội chết, con nầy cũng phải lo chôn. Em không biết anh đi đâu; đứa cháu đến lấy quần áo rồi đi luôn. Còn em thì như què. Lúc ấy đã tối, Hội trở về. Bé Hiên mừng bố, trẻ thơ thì vậy nhưng em vẫn lạnh lùng. Mặt chồng em bơ phờ, anh không nói năn gì. Em đoán Hội thẹn không nói ngay ý định trở về. Em mời ăn cơm cũng không đáp. Thức ăn còn trên bàn, đơn giản, tí cải chua, một dĩa cá kho và hột gà chiên. Em không đủ nồng nhiệt để ra góc đường mua chai bia. Lễ lạc với người chồng bạc bẽo như thế đã đủ lắm rồi.
“Mùa hè loay hoay đã chín giờ. Bé Hiên đã đi ngủ. Em thật khó xử, không lẽ đuổi Hội đi, đâu đến mức cạn tào ráo mán. Khó xử hơn là Hội ngồi ngay cạnh đống áo quần em nhận kết nút ngày mai phải giao. Em đành nằm nghỉ, ngày mai rồi tính”.

Tôi dặm vào: “Thì ra đó mà khâu mà vá. Muốn nói chuyện thì nói, còn không thì nín thinh. Ông có ăn thịt ăn cá gì cô; đâu phải cọp beo mà sợ bị nhai bị nuốt”.
“Có chứ, Hội ăn thịt em mới rắc rối thêm. Anh nói thế cũng có lý. Việc mình mình làm. Em chán nản làm sao, rồi con ma làm biếng giữ em mãi trong giường, mơ màng ngủ hồi nào không biết. Hội đột nhập gia cư, tấn công như vũ bão. Nói thật với anh, lâu ngày không gần đàn ông, em hoàn toàn bị chi phối bởi luật âm dương. Nhưng cuộc gặp gỡ hết sức bất thường, nó không có tính chất vợ chồng.
“Em chỉ là một thân xác như bất cứ thân xác nào. Mà còn tệ hơn nữa, còn thua lỗ. Một người đàn bà bán mình biết rõ bên kia là ai, hành động với tư cách nào, tiếp đến họ có chút tiền, giao kèo, giao ước đã làm xong. Còn đàng nầy, em vẫn xem Hội là chồng dù tương giao trắc trở. Sự thật không như em tưởng.
“Khoái cảm chốc lát chỉ làm thời gian còn lại thêm rùng rợn. Dưới mắt Hội em là thứ gì? Mua vui một chốc không mất tiền. Anh nói lính Lê Dương sau trận đánh ùa vào xóm bình khang. Không lẽ đây là ông Lê Dương và nhà em là ổ điếm”.

Mai nhìn xuống đất. Tôi đoán qua nét mặt Mai không thẹn vì kể chuyện chăn gối nhưng bực bội nghịch cảnh. Trước mắt chúng tôi các cặp trai gái trong áo quần tắm ôm nhau hôn nhau ra riết. Tôi ngồi yên cho câu chuyện qua đi, phần muốn hưởng một buổi chiều nắng, phần vì không rõ những uẩn khúc. Những sự việc như vậy không đơn thuần trong một lúc duy nhất; trên chuổi dài, cái nầy kéo qua cái nọ như từng lớp sóng. 

Mai tiếp: “Sau trận mây mưa chớp nhoáng, Hội ra về, đóng dập cửa. Đó là lần cuối cùng vợ chồng gặp nhau. Đã phụ phàng nay lại thêm phũ phàng. Điều quan trọng xẩy ra trong đầu em là người cứu em khỏi bàn tay hải tặc đã thực sự là hải tặc; em xem Hội đã cưởng hiếp em, còn những phản ứng cơ thể của em chỉ có tính chất phản xạ. Hải tặc, quân cướp biển. Chính vì vậy em nói với anh bé Hiên là con hải tặc”.
“Em hồ đồ, à xin lỗi, mâu thuẩn đấy nhé. Bé sinh vào lúc vợ chồng em hạnh phúc trong trại. Hôn nhân của em êm thấm; chỉ trừ mẹ phản đối mà Hội cũng không biết điều đó. Không nên làm cho vấn để rắc rối thêm. Kể ra em xem Hội như hải tặc cũng hơi nặng tay. Sao em không chịu tha thứ mà chận hết ngõ về, ngõ về của chính em và của chồng em. Chuyện vợ chồng nên nói vô, không ai nói ra. Em là người có thể làm điều đó”.

Mai quả quyết và có phần đanh đá:
“Không đâu, Hội xem em như miếng thịt bò hay hình nộm đổ nước ấm phồng lên, ôm ấp cho đỡ ghiền”.
“Em cũng biết mấy thứ ấy à?”
“Đừng làm em mất dòng ý tưởng. Không kể nữa đâu. Mà sao anh biết em đủ sức mở một ngõ về?”
“Em thông minh. Có lần em cho rằng sự im lặng của em không cho Hội có dịp tuôn xả những bực tức dồn nén, em nói chỉ có một đài phát thanh là của Hội. Đi xa hơn tý nữa thử xem. Biết đâu em vô ý đã làm điều gì động chạm đến phần thâm sâu nhất trong đời Hội, có thể chính Hội cũng không rõ nữa. Hay Hội không tin em yêu thật, chịu làm vợ để cảm ơn nghĩa cử trên tàu khi gặp hải tặc, trong lúc em vọng đến một kẻ cao sang hơn. Chỉ ví dụ thôi.”
“Nói vậy có trời mới biết. Em yêu thật. Có gì sai quấy nếu tình yêu khởi đầu bằng sự cảm ơn. Nếu đã anh hùng thì đi luôn, cần gì trở lại chụp giật, gạt gỡ.
“Từ ngày đứa cháu đến lấy áo quần, em không còn uống thứ thuốc 28 viên mỗi tháng; nên em … có thai sau lần đó. Ý nghĩ phá thai ám ảnh em, em không muốn có con với hải tặc. Em tự cho cái quyền phá thai như các cô gái gặp nạn trên biển”.

Tôi kinh hãi đang ngồi bên cạnh một thiếu phụ duyên dáng có một quyết định ghê gớm. Quyết định chấm dứt cuộc sống của một thai nhi vì một căn cứ không có gì vững chắc, nếu không nói là vô lý. Cái gọi là hải tặc nơi Hội sau cuộc giao tiếp mà nàng cho là hiếp dâm. Về tư tưởng, nó giống quyết định tiêu diệt một nhóm người, nhân danh sự độc tôn chủng tộc, nhân danh cách mạng vô sản v.v… Tất cả xuất phát từ tâm, từ vọng tưởng cấu hợp vì duyên khởi mà thực chất là huyễn. Phán cho chồng hai chữ hải tặc để chấm dứt đời sống măng non trong bụng. Lực là thế, tác là thế, nhân là thế, duyên là thế ….
Đầu óc tôi chứa đầy những hình ảnh tù đày, những phim về người Do Thái, về cuộc thảm sát Kampuchea, tất cả vì vọng giả như kiểu Mai đối với người chồng. Do đó tôi không hỏi từ đâu cô nàng quyết định phá thai trước khi nói rõ bé Hiên có bố VN. Mai tự ý giải thích như sau:

Nói vậy chứ thực hiện khó lắm. Trở ngại nhất là tìm đâu ra ông chồng để ký tờ thỏa thuận; tiếp đến nhiều thứ nhiêu khê. Em suy nghĩ về kiếp sống của đứa bé trong bụng, nó không tội tình gì. Em thấy mình không bằng một thiếu nữ trong trại Songkhla cùng tên với em; Mai nhỏ hơn bốn tuổi.
“Ở trại nầy, cơ quan phụ trách y tế là Médecins Sans Frontières. Vì biết chút tiếng Pháp, em lên bệnh viện thông dịch ọ ẹ, mỗi ngày được trợ cấp mười baht của Thái (giá một tô hủ tiếu). Dịp nầy em quen Mai, vì trùng tên nên thân nhau.
“Hôm đứng nhìn hàng cây xanh gần nhà, em nhớ lại chuyện của Mai. Hàng liễu xanh cho Mai thấy cái gì linh thiêng cao mãi vời cao, những cây liễu đang sống như đứa bé đang sống dưới lớp da bụng. Cô đã nhất quyết từ chối với bác sĩ người Pháp. Cũng như Mai kia, Mai nầy bỏ ý định phá thai. Chuyện của (Bạch) Mai em kể anh nghe và ngụy tạo là trường hợp của em để xí gạt anh”.

“Thế thì đứa con đâu rồi, không lẽ cho làm con nuôi”?
“Từ từ cái đã. À nói cho xong. Ba tháng sau em nóng sốt và hư thai. Thế là xong việc. Phá thì không ổn, đẻ con ra nuôi khó lắm mà nó ra đời không có gì ưng ý. Đến đấy anh rõ vì sao em nói bắt đầu từ hải tặc, rồi không phải hải tặc mà rồi hải tặc. Biết đâu anh có thể dùng nó viết một truyện ngắn, thêm mắm thêm muối là đủ. Nhớ đừng đề tên em”.

Tôi đáp: “Lối kể chuyện của Mai hấp dẫn; có máy ghi lại viết ra là đủ, cần gì thêm mắm thêm muối. Nếu em viết văn thì hay lắm. Nhưng đây là chuyện đời nên không thể đóng kết như vậy. Có cách gì em xóa ý tưởng (Hội là) hải tặc không? Chính nó là một ngõ cụt, một bế tắc; chính em phải khai thông. Em tự kiềm hãm em trong một giới hạn. Vì một ý niệm em áp đặt cho em, em đã đến gần quyết định chấm dứt cuộc sống của đứa con trong bụng. Tâm của em đã bị khống chế. Rồi lực xuất phát từ đó, tác từ đó; nhân, duyên, quả, báo đều qui hội”.
“Ông lại giảng kinh Phật cho tôi chăng, khổ quá, khổ đã nhiều rồi”.
“Nói động một tý là nhảy đựng nhảy đột. Tôi không phải là Phật, chẳng tu hành gì. Mà Phật làm gì có một người đẹp như Mai để nói chuyện bên bờ biển. Anh chỉ thấy một cái gì không ổn.”
“Ổn chứ. Chồng em bỏ nhà ra đi. Khỏi bị hạch xách, khỏi thấy cảnh mấy người lạ nằm ngủ chàng hảng giữa nhà vì quá say. Em yên ổn lo cho mẹ và con. Nói thì bần tiện nhưng bớt đi một miệng ăn, tuy ăn uống bên Mỹ không khó khăn như bên nhà. Anh lúc nào cũng triết lý”.

Xa xa là những chiến thuyền hải quân Mỹ màu xám di chuyển chậm chạp. Gần bờ hơn, những chiếc thuyền buồm nhiều màu sắc nhởn nhơ theo sóng. Một chiếc tàu chở khách nhàn du chạy bằng bánh xe như thuở dân Mỹ mới đến đi trên sông Tennessee. Thanh bình ngự trị. Trên bờ của biển nước ấy là quận hạt San Diego, dưới con mắt của Mai, một hải tặc đã xuất hiện. Cấu tạo ý tưởng đã biến vùng đất khô thành Vịnh Xiêm La mà Mai trong thực tế đang hụp lặn tuy cô nàng cho là yên ổn. Đó là ngõ cụt của thiếu phụ duyên dáng ngồi bên tôi

Tôi hỏi: "Em có thù hận Hội hay không?”
“Không, không, thù hận cái gì? Sự việc đã ngoài tầm tay”.
“Có, sao mà không được. Chữ hải tặc đã nói lên đầy đủ lòng căm hận ấy. Cây nhân sinh không thể tưới bằng căm hận”.
Mai cười mỉa mai: “Cây nhân sinh, cây nhân sâm chứ, bán thiếu gì ngoài tiệm thuốc bắc, cần gì tưới. Anh là đàn ông, không thể hiểu đàn bà. Đàn ông bao giờ cũng bênh vực đàn ông. Dưới con mắt đàn ông, đàn bà là cái gì xấu xa, kinh tởm, họ tự cho mình là những nhân vật trong Thủy Hử chỉ khổ vì đàn bà. Anh chẳng khác gì. Gớm nhỉ! Làm sao anh hiểu được đàn bà.
                                
***
Tôi hiểu chứ nhưng Mai đánh phủ đầu như vậy tôi chỉ ngồi yên chờ cơ hội khác cũng như không muốn nàng cụt hứng. Tôi hiểu chứ. Tôi không sống với mẹ, mẹ chết vì nhiễm trùng khi sinh tôi. Bố tôi cũng chết lúc loạn lạc sáu năm sau. Mấy chị em nằm trong sự bảo trợ của nhà ngoại, nói rõ là người dì chồng chết sớm không tái giá. Đó là người đàn bà vĩ đại nhất trong thế giới thu nhỏ trực tiếp đối với tôi. Trước mắt tôi là một biển lớn; tôi đem cái to tát ấy làm cái to lớn của ân đức người đàn bà ấy dành cho chị em tôi. Đầu óc tôi nhỏ bé không thể hồi tưởng những phút cơ hàn, những giờ sinh tử trong cảnh chiến tranh giữa thập niên 1940 nhưng quá khứ dồn tới như những lớp sóng.

Tôi chán nản không muốn nói chuyện với Mai. Cả hai đi vào những suy nghĩ riêng, hay đến chỗ bế tắc đụng phải những vấn đề tổng quát như đàn ông, đàn bà, ai tiểu nhân, ai quân tử, những câu hỏi với những giải đáp không chính xác. Tôi luôn tránh những nhận xét rộng lớn như thế. Theo tôi, Mai chỉ có một vấn đề là người chồng phụ bạc mà nàng ghét, xem như hải tặc.

Tuy chú tâm đến từng con người một, tôi luôn đặt sự việc trong một chuổi dài của sự kiện, trong sự liên hệ chặt chẽ giữa các yếu tố nhiều khi xa quá cuộc đời hiện tại. Tôi muốn nói trùng trùng duyên khởi theo cách nhìn Đông Phương. Chính vì vậy Mai mới là người hiểu câu chuyện rõ ràng nhất, nhưng tôi muốn Mai nhìn rộng lớn, không giới hạn trong một ý niệm đơn thuần.

Mai lấy lược chải tóc rối bù vì gió biển. Những sợi tóc dài suông sẻ như dòng sông cho ánh sáng chảy dài, làm lối đi cho nắng chiều. Nàng búi cao, dùng cây viết Bic làm trâm cài ngang. Gọn gàn hơn, trông thông minh hơn nhưng cũng đanh đá hơn. Tôi nhìn cái cổ cao, tương xứng với đôi vai phần nào mảnh mai. Tôi nghĩ nếu Mai cắt kiểu ‘garcon’ thì đẹp lắm như một nữ sinh trung học. Nhưng tôi buột miệng nói:
“Mai nầy, nếu em làm ni cô thì đẹp lắm vì để lộ cái cổ xinh đẹp”.
“Anh rõ là đàn ông. Biết tôi có chồng có con, ông mới tán kiểu ấy. Với các cô thì nói cắt cao mặc áo thun. Lúc trước có cô nào thất tình với anh rồi đi tu sao?”
“Cô quí mái tóc lắm sao?”
Mai cười gằn:
“Cái răng cái tóc là gốc con người. Đàn ông lo sói tóc, đàn bà lo gội đầu; xem TV thì biết bao nhiêu thuốc shampoo, bao nhiêu tiệm uống tóc. Anh có dám cạo trọc đầu hay không? Một chút đó thôi cũng rõ anh không thể hiểu đàn bà và sẵn sàng bênh vực đàn ông”.

Tôi biết chứ, ít nhất trong thế giới nhỏ bé gần gũi với tôi, với những sinh hoạt bình thường, giới trung lưu. Tôi tủm tỉm cười. Mai áy náy hỏi tại sao. Đợi một hồi lâu tôi mới mở miệng.
                                
***


Sau hơn hai năm từ ngày thăm nuôi lần đầu tiên và duy nhất, tôi thấy nhà tôi lúng túng với đầu tóc. Tóc dài chứng tỏ đã lâu không cắt mà bà không còn ở cái tuổi để mái tóc kiểu học trò Đồng Khánh quá nửa lưng; cũng không thể búi như các thiếu phụ đứng tuổi. Sự thiếu chải chuốt ấy biểu lộ cuộc sống không ăn nhập vào dòng đời chung, nói khác biểu lộ cung cách của người vợ có chồng đi trại tập trung, biểu lộ đời sống nội tâm và kinh tế gia đình.

Tuy không được phép về Saigon mà phải trình diện ngay ở xã ấp, tôi về bừa nơi sống cũ với gian nhà khiêm tốn vừa mua một năm trước khi đi tù. Nhà tôi tay cầm cuốn sổ đưa tôi đến nhà ông công an khu vực. Bà trịnh trọng nói: ‘Thưa ông, đây là chồng tôi đi học tập mới về, xin ông cho tạm trú ít ngày’. Tôi lạnh cả người. Thứ luật pháp ban sáng ở Tây Ninh họ bảo tôi phải tôn trọng khi thả tôi ra sao mà lạnh thế. Cái nhà của tôi, vợ chồng tu bổ, thu gọn chỗ nào để than, chỗ nào để củi, nay tôi trở về vợ phải đi xin phép. Đó là luật nhưng tôi không phải là luật gia.

Kèo nài mãi mới được phép năm ngày trong thành phố mang tên mới. Nhà tôi phải nói rõ sắp xếp công việc đưa cả nhà đi vùng kinh tế mới. Điều đó có nghĩa giao căn nhà cho cách mạng, thi hành sự thỏa thuận trước để cho chồng về.
Bọn tôi phải chùng lén gỡ mấy tấm thiếc sau bếp, chuyền qua nhà người quen. Nếu biết họ sẽ ghép tội phá hoại. Đồ đạt không có gì quí giá nhưng phải tống táng cho xong, còn không thì biết để đâu mà thuê xe chở về cái chòi tranh thì vô lý quá. Cái giường gỗ cũng tháo banh bó lại chờ người đến lấy.

Bên dưới tôi phát giác dăm bảy thùng giấy. Tôi nhấc lên thì đáy đã mục, đổ tháo những cuốn sách quen thuộc. Tôi chợt nhớ chính tôi đã để những thứ ấy dưới chỗ nằm vì các kệ sách đã đầy. Nhờ vậy chúng còn lại sau chiến dịch thu đốt sách báo văn hóa đồi trụy. Tôi hỏi tại sao nhà tôi không bán ký; bà im lặng và bảo tôi cứ mang đi, về sau mối ăn hết.

Chòi tranh của tôi chiếm nửa trái đồi và có hơn một mẫu đất khô, cạnh con suối nhỏ. Phong cảnh hữu tình nhưng không có lòng dạ nào mà thưởng thức. Tuy vậy phải vén khéo cỏ rác để khỏi rắn rít và cháy về mùa khô. Sau một tháng đặt chân vào vùng đất mới, khi tôi đang đắp cái thành đất quanh cái giếng dưới triền, ba đứa con chạy xuống vừa cười vừa la: ‘đầu thầy chùa nấu canh chua ba bốn ngày còn chua’. Tôi rầy chúng vì sợ mích lòng mấy cô bên chùa liên ranh.
Chúng cho biết nhà tôi xuống tóc vì có khấn vái cho tôi được trở về. Đã xế chiều nên tôi cầm cây cuốc đi lên. Nhà tôi ngồi bên đống khoai mì, đầu chít khăn nâu như một nhà tu. Thằng út chạy  lại vo cái đầu trọc rồi hát nữa: đầu thầy chùa nấu canh chua ba bốn ngày còn chua.

Tôi phải kể cho Mai dài dòng về quảng đời trên vì đường về còn xa mà xe đông lắm. Tôi muốn Mai hiểu rằng cần nhìn sự việc trong những hoàn cảnh riêng rẻ mà không gói trọn trong những ý niệm tổng quát. Tôi muốn giải thích rằng tôi hiểu đàn bà, ít nhất hai người trong cuộc đời tôi, dì và vợ. Tôi không về theo phe đàn ông.
Từ hôm tiếp xúc với Mai trên bãi biển, tôi có ý nghĩ hơi khác về phụ nữ. Nói vậy đã là bậy vì rơi vào trường hợp tổng quát như đã chỉ trích Mai. Tuy nhiên tôi vẫn cho rằng đàn bà dứt gánh rất dễ dàng, có lúc tàn nhẫn nếu không nói là cố chấp. Nhưng mặt khác sự chịu đựng, nhẫn nhục nơi họ không ai chối cải.

Tôi đến thăm Mai thưa dần vì không muốn xuất hiện vào lúc giao động mà đôi bên trong cuộc tưởng như đã xong. Với Mai, tôi chỉ ghi nhận. Tôi thật lẩm cẩm cứ xem cuộc đời của Mai khốn khổ hơn mình.  Không đúng thế, tôi còn khổ hơn Mai. Một lần tôi rời công trường huyện lúc chưa sáng sau cả tháng làm không công, mỗi ngày lãnh hai lon bo bo. Đi bộ qua khỏi bìa rừng là khu nhà tranh kinh tế mới. Một thiếu phụ trẻ xinh, trông rất thành phố, trút nồi khoai mì nóng vào cái rỗ tre, bao quanh bởi bốn đứa con thật khôi ngô và hớn hở chờ bữa điểm tâm kiểu thời cách mạng mới. Tôi đau đớn xót xa cho gia đình ấy, tôi như muốn khóc và quên sỏi đá dưới đôi chân không giày dép. Một lúc sau tôi cười thầm, tự cho mình ngố, ở nhà có ngày vợ tôi không có khoai mì nấu cho con ăn, hoàn cảnh còn tệ hơn thế nữa nhưng tôi đã quen và không thấy xót xa.

Sống mãi bên Mỹ với những bức bách kinh tế, tôi không thấy mình vừa mất nước vừa nhà tan. Mai dẫu sao cũng vượt biên với mẹ rồi lập gia đình với người đi cùng tàu; còn tôi, tôi để lại tất cả. Cái tất cả nầy không gồm danh vọng cũ mà gồm sự êm ấm trong chu vi nhỏ bé của gia đình, cái rộng lớn trong vòng tay của đất nước xa xưa. Chấn thương ấy cứ đeo sát bên tôi như hình với bóng. Có hôm tôi cau có với Mai rằng Cali không có một dòng sông như Cửu Long, không có những ngày mưa rả rích, không có trái khế chua quẹt với ruốt. Thật ra tôi nào ghét chi Cali nhưng đó cũng như con bệnh nằm trên giường tìm cách gây gổ cô y tá xinh đẹp.

Wallpaper san diego, california, pacific ocean, san diego, california, pacific
Pacific Beach, San Diego

Chấn thương đã trở thành tác nhân của chấn thương như cái búa cứ đánh vào đầu. Nhưng được một cái là San Diego không đến mức xô bồ như Los Angeles, họa đồ đô thị không có nét vuông thước thợ, lát chả vô tình như bàn cờ của Quận Cam. Nó có những đường cong, ngõ quanh duyên dáng, chỗ thấp chỗ cao ẩn hiện như hòn non bộ. Dù có ai cho là bệnh tưởng, mà bệnh tưởng quá rồi còn chi nữa, tôi vẫn nghĩ thị xã nầy như một nhà thương trong đó có một kẻ bệnh tâm thần vì những chấn thương của thời cuộc.

Tôi quen dăm ba người trong phái đẹp, tôi đều xem họ là những cô y tá trong cái bệnh viện San Diego nói trên. Những sự quen biết nầy càng làm tôi cô đơn hơn. Ngạn ngữ có câu: ‘nước xa không thể chữa lửa gần’. Nguồn an vui nằm tận đâu xa, nơi gia đình ở quê nhà, nơi dòng sông êm ngọt không có ở Cali. Tuy vậy lắm lúc cái cô đơn ấy có phần tích cực. Mỗi người một nét riêng tạo cho tôi nhiều thi cảm. Hảo Tiên là nụ cười sâu. Cung Hạnh chính là khối màu ném vào khung vải thành bức chân dung. Nữ sinh Thùy Vũ đem tôi về những giờ cấm túc mà cứ nghĩ đến người Bao Vinh mình bỏ học đến thăm mà bị phạt. Tôi không biết gì về họ ngoài những danh xưng xã hội như cô giáo, học sinh, họa sĩ v.v...

Duy chỉ Mai mới cho biết vài uẩn khúc của đời tư. Nhưng rứa cũng đã là quá nhiều rồi. Như đã nói, tôi đến thăm Mai thưa dần, mà cũng chẳng có chi thêm để nghe, để nói. Lâu lâu gặp nàng ở chùa hay hội hè cộng đồng v.v…Một hôm tôi tình cờ gặp Mai tại bữa cơm đồng hương và thân hữu Vĩnh Long.

Trong một ngày rất gần nàng sẽ di chuyển qua một tiểu bang khác, cùng người bà con mở tiệm sửa áo quần; nơi ấy nhiều điều kiện thuận tiện hơn, tiền thuê nhà và cửa hàng rất rẻ, giá sinh hoạt không cao như Cali. Mai dự định sẽ không xin trợ cấp xã hội, mà chỉ xin trợ cấp y tế cho mẹ. Nhưng lối nói không chắc nịch như xưa. Mới trông như có gì không thật. Trước đây, nàng bảo đảm với tôi rằng không nhất thiết phải nói mọi điều nhưng những gì đã nói ra đều là sự thật.

Tuy vậy, tôi mong nàng nói dối. Tôi mong nàng không nói ra là đã giải quyết ổn thỏa với người chồng; đi nơi khác khỏi cái vùng nhiều mồm mép chào xáo, xa những con ma men nát rượu, trưa đầy năm, tối sinh nhật. Lần nầy cũng như lấy chồng mới. Có lấy thì lấy liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha. Tôi mong một lời dối đáng yêu.

Hơn hai tuần sau, Mai gọi tôi từ điện thoại công cộng ở cây xăng Shell bên xa lộ 8, và sẽ nhập chung đường số 10 để vào sâu trong Arizona. Nàng không muốn tôi đưa tiễn, quà cáp (tôi thêm: nước mắt cá sấu). Hôm trước cậu em họ đã thuê một xe ‘van’ qua đón gia đình Mai và đã rời San Diego ba giờ trước, hiện đang mua thêm nhiên liệu. Mai nói khi áo quần đứt nút sút khuy thì gởi cho nàng sửa không mất tiền. Tôi lưu ý chuẩn bị nước uống vì sẽ phải đi qua sa mạc; lưu ý tài xế xem kỷ dầu nước. Mai nói đã lo trước, có nồi xôi gà rô ti; còn đường sá đừng lo vì cậu em là anh hùng xa lộ. Tôi hỏi khéo nàng sẽ đi đâu bằng cách nói rằng đường xuyên bang nầy sau khi chạy qua Vòng Đai Mặt Trời sẽ chấm dứt ở nơi trồng rất nhiều khế và chanh. Mai chỉ tinh nghịch: “của chua ai thấy cũng thèm, anh nào khác chi ai”. Tôi đáp: “anh chỉ hảo ngọt”. Mai cười ha hả.

Tôi buồn chứ, mọi từ biệt đều buồn. Buồn nhưng chưa đến mức lâm ly đổ nước mắt (cá sấu?). Ngay lúc ấy tôi có ý định viết một truyện ngắn từ câu chuyện của Mai. Tôi muốn làm “thượng đế” (trong ngoặc kép) bằng cách cho một kết cuộc có hậu trong truyền thống văn dĩ tải đạo và không khí hài hòa. Người chồng trở về trong tình thương và trách nhiệm. Người vợ chân thành tiếp đón mà không cần những tiếng trịch thượng như tha lỗi, tái công chuộc tội, thương hại kẻ bơ vơ v.v…

Cả hai đối xứ với nhau trong tư thế vừa to lớn và vừa bé nhỏ. Nhỏ bé như hạt muối rơi vào biển cả, to lớn như biển cả tiếp nhận hạt muối. Họ đã tìm ra ý nghĩa và cứu cánh là yêu thương và được yêu thương; họ đã tìm ra một nguồn ý lực mới, ở trong tình cảnh ‘khô mộc phùng xuân’ (cây khô gặp mùa xuân đến) như chim đi xây tổ ấm mới. Vì Mai đang đến xa lộ số 10, thượng đế tôi sẽ cho nàng định cư cuối con đường Đông Tây nầy, tức là Florida; rồi tôi còn cho xuống mãi điểm cực nam trên những hòn đảo nhỏ. Ngoài những miếng vườn nhỏ nhiệt đới như trong Thành Nội Huế, Key West cát mặn có những hàng phi lao, thùy dương hay dương liễu như Đại Lãnh Nha Trang, Cảnh Dương Huế, và ngay cả Songkhla Thái Lan, những cây liễu xanh Mai dùng đặt tên con.

KW

Tôi chụp ngay tờ giấy ghi kẻo quên ý nghĩ của Mai về chiếc xà rông, quần một ống người ta cho Hội ở Nam Thái: nó là dấu hiệu đầu tiên của sự lưu đày: đến một nơi phải mặc xiêm y xứ người, ra đi trần truồng như nhộng, cắt bỏ những thứ đã thành các bộ phận của thân thể như người thân, lối xóm, trường học, mồ mã v.v…
Tôi viết một lèo được bảy trang giấy học trò thì thấm mệt. Lúc đó chưa có nhan đề; trước khi tiếp tục, tôi cho nó cái tên không ăn nhập vào đâu: Đàn Bà./-


Ngô Thy Miên  Dc Mơ   Ngc Lan


...........................



No comments:

Post a Comment