chiều trên sông Thương
Đặng Thế Phong, cuộc đời, tình
duyên
Lê Hoàng Long
Suy từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây,
người tài hoa là người bạc mệnh, kẻ hồng nhan thường đa truân. Nhìn vào làng
nhạc, nhạc sĩ Đặng Thế Phong là điển hình rõ nét nhất.
Đặng Thế Phong sinh năm 1918 tại
thành phố Nam Định. Ông là con trai của thông phán Đang Thế Hiển,Sở trước bạ Nam
Định. Thân phụ ông chẳng may mất sớm, gia đình túng thiểu, ông phải bỏ học khi
đang theo học năm thứ hai bậc thành chung (deuxième année primaire supérieure,
nay là lớp bảy cấp hai phổ thông). Vướng vào cái nghiệp văn nghệ từ nhỏ, ông đã
lên Hà Nội theo học trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương (Ecole supérieure de
Beanx Arts) với tư cách bàng thính viên (auditeur libre). Đặng Thế
Phong đã thực sự lấy nghề nuôi nghiệp: thời gian theo học này, ông đã phải vẽ
tranh cho báo Học Sinh (chủ báo là
nhà văn Phạm Cao Củng) để có tiền ăn học. Trong một kỳ thi, ông đã vẽ một bức
tranh cây cụt, không có một cành nào. Lúc nạp bài, giáo sư Tardieu, thầy dạy ông
đã nói rằng có lẽ Đặng Thế Phong không thọ!
Ông đã phiêu du vào Sài Gòn rồi sang
Nam Vang vào đầu năm 1941 và mở một lớp dạy nhạc tại kinh đô xứ Chùa Tháp cho
đến mùa thu 1941 ông lại trở về Hà Nội.
Đặng Thế Phong
Cũng giống như Mozart lúc sinh thời, Đặng Thế Phong là một nhạc sĩ rất nghèo, nên cuộc sống của ông chật vật. Ngoài tài làm nhạc, vẽ tranh, ông còn có giọng hát khá hay, tuy chưa được là Ténor nhưng cũng được khán giả hâm mộ. Lần đầu tiên ông lên sân khấu, hát bài Con Thuyền Không Bến tại rạp chiếu bóng Olympia (phố Hàng Da Hà Nội) vào năm 1940, được hoan nghênh nhiệt liệt. Đặng Thế Phong là một thiên tài, nhưng vẫn không có được cuộc sống sung túc giữa cố đô Thăng Long lúc bấy giờ vì nhạc và tranh dù có hay, có đẹp đến mấy chăng nữa cũng chẳng có mấy ai mua. Thời ấy, chính quyền bảo hộ Pháp có mở một phòng triến lãm tranh tại hội Khai Trí Tiến Đức, khu Bờ Hồ Hoàn Kiếm. Sau lễ khai mạc được ông Đốc Lý thành phố Hà Nội đến cắt băng, người ta thấy những người đến xem tranh phần rất lớn toàn là ông Tây, bà đầm, còn người Việt thì đúng là lơ thơ tơ liễu buông mành, nhìn kỹ thấy toàn là các quan ta, những công chức cao cấp, giới trí thức, thượng lưu chứ chẳng thấy một dân thường nào! Ngoài ra, thời bấy giờ chính quyền Pháp có tổ chức mở phòng triển lãm là bảo trợ cho các hoạ sĩ Pháp trưng bày tranh của mình còn hoạ sĩ Việt Nam thì số người lọt được vào, ta có thể đếm trên đầu ngón tay. Đến nhạc thì nếu có in, mỗi lần xuất bản cũng chỉ in nhiều nhất là 500 bản, dân chúng chưa yêu chuộng nhạc cải cách (tân nhạc) nên dù có thực tài thì cũng không thể có được một cuộc sống sung túc nếu nhờ vào sức lao động nghệ thuật!
Đặng Thế Phong phải chịu một cuộc
sống khó khăn, chật vật trong "kiếp con tằm đến thác vẫn còn vương tơ"
cho đến đầu năm 1942, ông từ giã cõi đời tại căn gác hẹp ở phố Hàng Đồng Nam
Định vì bệnh lao màng (tuberculose péritonique), hưởng dương 24 tuổi,
tuổi son trẻ, đầy thơ mộng, sắp bước vào thời xây dựng sự nghiệp (tam thập nhi
lập).
Cuộc đời của Đặng Thế Phong thật quá
ngắn ngủi nhưng đời sống tinh thần của ông rất phong phú và thi vị. Sáng tác
chỉ có ba bài: Con Thuyền Không Bến, Đêm Thu, Giọt Mưa Thu,
nhưng bài nào cũng trở thành vĩnh cửu, qua hơn nửa thế kỷ vẫn là những bài hay
nhất của làng nhạc Việt Nam. Nhạc hứng chân thành đều phát xuất từ con tim, vì
thế mà sáng tác của ông có hồn, đi vào lòng người và sống mãi! Qua Đặng Thế
Phong, ta chứng minh được văn nghệ tính bằng phẩm chứ không tính lượng. Con
người làm văn nghệ viết được một câu để đời đã là khó, được một tác phẩm để đời
là đáng mãn nguyện lắm rồi. Với âm nhạc, người chuyên sử dụng một nhạc cụ điêu
luyện được tôn kính hơn là người biết sử dụng nhiều thứ đàn, chẳng thế nào có
được một thứ thật tuyệt hảo. Về sáng tác cũng vậy, làm cho nhiều, cố nặn cho
lắm, thể điệu nào cũng có bài thì dù viết cả ngàn bài chưa chắc đă có lấy một
bài có giá trị nghệ thuật và vĩnh cửu! Chỉ sáng tác có ba bài thôi, Đặng Thế
Phong đã sống mãi trong lòng mọi người, chắc chắn là hơn người có cả ba trăm
bài mà chẳng có một bài nào để người ta nhớ!
Với nghệ thuật nói chung, âm nhạc
nói riêng, muốn thành công là phải có tài năng thiên phú chứ không thể nhờ vào
thời gian, kiên nhẫn, sách vở, trường lớp hay bằng cấp mà đạt được! Vì thế
chúng tôi dám tôn vinh Đặng Thế Phong là một thiên tài của làng nhạc Việt, thật
không ngoa.
Cuộc đời Đặng Thế Phong đã có được
một mối tình thật chung thủy tuyệt đẹp: Khi còn ở Nam Định, Đặng Thế Phong đã
đem lòng yêu một thiếu nữ buôn bán ở Chợ Sắt, chợ duy nhất và lớn nhất của
thành phố. Cô này không đẹp nhưng lại rất có duyên. Sau nhiều ngày đi chơi chợ,
Đặng Thế Phong đã lọt vào mắt mỹ nhân. Cặp tình nhân trai tài, gái đảm đã dìu
nhau vào cuộc tình thật trong sáng và cao thượng! Điều đáng ca ngợi là chàng
nhạc sĩ tài hoa họ Đặng không bao giờ đụng chạm đến đồng tiền của người yêu, dù
cho người đẹp, tên Tuyết, nhiều lần khôn khéo bày tỏ lòng mình muốn giúp chàng.
Những buổi chiều trời quang, mây tạnh hay gió mát, trăng thanh, hai người đều
dìu nhau trên những con đường ngoại ô để tâm tình. Thời bấy giờ, nhiều thanh
niên rất ngưỡng mộ Đặng Thế Phong, khi biết mối tình của cặp Phong - Tuyết, đều
mến trọng và tôn kính là một cuộc tình lý tưởng!
Đặc biệt nhất là mấy cô gái phố Hàng
Đồng, gia đình rất khá giả tỏ lòng yêu mến Đặng Thế Phong, nhưng ông vẫn một
lòng yêu cô Tuyết, dù cô không đẹp bằng mấy cô kia. Có một hôm, mấy cô kia đang
đứng nói chuyện với nhau thấy Đặng Thế Phong đi qua, với lối đi có vẻ vội vã.
Thấy bóng ông, mấy cô ngưng bặt, rồi chẳng cô ai bảo cô nào, tất cả ánh mắt đều
hướng về ông như dán chặt vào người ông vậy. Khi Đặng Thế Phong vừa bước tới
ngang chỗ các cô thì một giọng nói đầy hờn dỗi pha thêm mai mỉa, được nói lớn
lên, cố ý cho Đặng Thế Phong nghe thấy:
- Mấy chị đứng dịch ra, người ta đi
vội kẻo trễ hẹn!
Đặng Thế Phong nghe rõ nhưng coi như
điếc, cứ rảo bước như không có gì xảy ra. Đến nơi hẹn, gặp cô Tuyết đã đứng
chờ, Đặng Thế Phong kể cho cô nghe vụ vừa bị chọc ghẹo. Cô Tuyết không nói gì
mà chỉ tủm tỉm cười với ánh mắt nhìn người yêu thật là trìu mến. Về nhà, Đặng
Thế Phong không nói ra với anh chị em mà thầm thì kể cho ông chú họ, cùng lứa
tuổi, là ông Nguyễn Trường Thọ biết thôi. Ngoài ra, ông còn kể cho ông Thọ nghe
chuyện cô Tuyết có một chàng thông phán trẻ, đẹp trai, có tiền, có địa vị, làm
ở Tòa Đốc Lý thành phố theo đuổi, còn nhờ cả hai người mai mối nhưng cô nhất
quyết khước từ, bất chấp cả lời dị nghị của mọi người, nhất là gia đình cố ý
gán ghép.
Năm 1940, Đặng Thế Phong phải tạm xa
cô Tuyết để lên Bắc Giang ít ngày. Ai đã đến Bắc Giang là biết thị xã này có
con sông Thương, một con sông có hai dòng nước, bên đục, bên trong. Kẻ viết bài
này, lúc bé học ở Bắc Giang, vào những ngày hè nóng bức, cùng bạn bè ra sông
bơi. Đứng từ trên cầu ra tháp nước khá cao, nhìn thấy rõ hai dòng nước đục
trong rõ rệt! Ở Bắc Giang, một buổi tối trăng sao vằng vặc, Đặng Thế Phong đã
cùng bạn bè thuê thuyền cấm sào rồi cùng nhau chén chú, chén anh hàn huyên mọi
chuyện. Đang lúc đang vui thì có người ra dưa cho Đặng Thế Phong một bao thư. Ông
ngưng ngay chuyện trò và vào trong khoang, lấy bao diêm ra đốt lửa để coi thư
và đây đúng là thư của cô Tuyết, từ thành Nam gửi lên cho ông. Đọc xong thư,
ông có vẻ buồn và suy nghĩ. Bạn bè thắc mắc nên hỏi, được ông cho biết thư báo
tin cô Tuyết nhuốm bệnh cả tuần rồi và nhớ ông lung lắm nên có lẽ ông phải về
Nam Định gấp! Chính đêm này, lúc đêm sắp tàn, Đặng Thế Phong thao thức không
sao chợp mắt được, đã ngồi dậy sáng tác được tác phẩm Con Thuyền Không Bến buồn não ruột:
Đêm nay thu sang cùng heo may
Đêm nay sương lam mờ chân mây
Thuyền ai lờ lững trôi xuôi giòng
Như nhớ thương ai trùng tơ lòng...
... Lướt theo chiều gió
Một con thuyền theo trăng trong
Trôi trên sông Thương nước chảy đôi dòng
Biết đâu bờ bến?
Thuyền ơi thuyền trôi nơi nao
Trên con sông Thương nào ai biết nông sâu...?
Đêm nay sương lam mờ chân mây
Thuyền ai lờ lững trôi xuôi giòng
Như nhớ thương ai trùng tơ lòng...
... Lướt theo chiều gió
Một con thuyền theo trăng trong
Trôi trên sông Thương nước chảy đôi dòng
Biết đâu bờ bến?
Thuyền ơi thuyền trôi nơi nao
Trên con sông Thương nào ai biết nông sâu...?
Hai hôm sau Đặng Thế Phong từ giã
bạn bè, rút ngắn thời gian để về Nam Định. Được tin Đặng Thế Phong đã về, cô
Tuyết thấy bệnh thuyên giảm rất nhanh. Và tối hôm sau hai người hẹn gặp lại
nhau. Lúc ấy miền Bắc đang vào Thu, gió heo may kéo về mang cái lạnh. Tối hôm
ấy trăng lên muộn, trời tối gió nhẹ làm cho hai người thấy thích thú đi bên
nhau để sưởi ấm lòng nhau sau bao ngày xa cách. Dìu nhau đến nơi cũ, Đặng Thế
Phong ghé sát tai cô Tuyết, hát nhẹ nhàng, giọng rạt rào tình cảm như rót vào
tai cô bài Con Thuyền Không Bến mà ông vừa sáng tác trong một
đêm trắng trên sông Thương vì thương nhớ cô. Khi hát xong, Đặng Thế Phong phải
lấy khăn tay ra nhẹ nhàng lau hai giòng lệ đang từ từ chảy xuống má cô với lòng
xúc động không kém! Lúc ra về, Đặng Thế Phong nói: - Làm được một bài
nhạc nhờ em, nay về được hát cho em là người đầu tiên nghe, thế là anh sung
sướng lắm rồi!
Cô Tuyết cũng đáp lại lòng tri
kỷ: - Là một người đàn bà tầm thường như em mà đã làm cho anh có được
một bài hát thì với em đó là một vinh dự, một hạnh phúc thật cao sang, không
phải ai ở trên đời cũng có được! Tình anh trao cho em thật trọn vẹn, thật bất
diệt, chắc chắn không bao giờ hình ảnh anh bị phai mờ trong tim trong óc em
được, bây giờ và mãi mãi. Đến lúc ấy chị Hằng mới ló mặt ra dịu dàng nhìn
xuống trần thế và chứng giám hai người yêu nhau đang đứng sát bên nhau sau khi
đã uống cạn lời nói của nhau. Sau hôm ấy, Đặng Thế Phong mới cho phổ biến rất
hạn chế trong đám thanh niên tỉnh nhà bài Con Thuyền Không Bến,
được mọi người yêu chuộng nên rất nhiều người biết đến.
Chính vì thế mà có một người ở Hà
Nội mời Đặng Thế Phong lên Hà Nội để hát tại rạp chiếu bóng Olympia bài hát của
mình. Trong buổi ấy, Đặng Thế Phong ra sân khấu hát Con Thuyền Không Bến đầy xúc động vì ngay ở hàng ghế đầu, cô Tuyết
đã bỏ hẳn một ngày chợ để lên Hà Nội nghe người yêu hát bài làm vì mình và cho
mình! Riêng với Đặng Thế Phong, ông xúc động là phải vì với số khán giả đông
đảo không đáng ngại mà là trong lòng ông thầm nghĩ hát hôm nay rất cần và chỉ
cần để một người nghe là đủ nên phải mang hết tài trí ra biểu diễn sao cho
thành công! Hát xong, khán giả vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt.
Sau một thời gian ở Bắc Giang, ông
nhuốm bệnh. Vì lúc đó bệnh lao là nan y nên ông dấu mọi người, ai biết đều sợ
bị lây nhiễm không hiểu sao cô Tuyết biết được. Cô Tuyết rất tế nhị và khôn
khéo hỏi Đặng Thế Phong:
- Sao dạo này em thấy anh gầy và
xanh lắm, Anh có bệnh gì không mà em thấy sút lắm! Anh đi nhà thương khám và
thuốc men, cho khoẻ để mình còn tính đến tương lai!
Ông ậm ừ cho qua. Từ đó cô Tuyết âm
thầm tìm mọi cách để giúp người yêu trong lúc nhà nghèo bệnh trọng. Đặng Thế
Phong cũng đến nhà thương để khám bệnh. Sau khi dò hỏi, biết bệnh của ông, cô
Tuyết nhân quen với một số y sĩ (médecin indochinois) làm ở nhà thương,
mua thuốc rồi nhờ ông ta nhận là thuốc của nhà thương, ông lấy cho Đặng Thế
Phong.
Thuốc bệnh lao lúc ấy vừa hiếm lại
vừa đắt, cô Tuyết không những không ngại tốn kém, mà còn thường xuyên gặp Phong
để săn sóc một cách kín đáo, kể cả không sợ bị lây. Về phần Đặng Thế Phong thì
ông không hề biết thuốc là của cô Tuyết mua cho mình.
Mùa xuân năm 1941, cô Tuyết từ Nam
Định lên Hà Nội dể tiễn chân và tạm biệt Đặng Thế Phong vào Sài Gòn (rồi đi Nam
Vang). Ở kinh đô xứ Chùa Tháp, ở Hòn Ngọc Viễn Đông một thời gian thấy cuộc
sống cũng không được thoải mái như ý mong muốn, Đặng Thế Phong trở về Hà Nội.
Về lần này, Đặng Thế Phong không về Nam Định mà thuê một căn gác hẹp tường cây,
mái lá ở làng trồng hoa Ngọc Hà, vùng ngoại ô thành phố Hà Nội. Đặng Thế Phong
ở chung với chú là ông Nguyễn Trường Thọ. Bệnh tình Đặng Thế Phong tái phát
ngày một nặng vì người bị bệnh này phải mua thuốc men đầy đủ, phải nghỉ ngơi và
ăn uống tẩm bổ tối đa mà những điều phải ắt có và đầy đủ này, với Đặng Thế
Phong không thể có được. Chính vì thế mà không tuần nào là cô Tuyết không lên
thăm và lo chữa bệnh cho Đặng Thế Phong.
Tháng Bảy mưa ngâu tầm tã, rả rích
suốt ngày này sang ngày nọ, tháng này qua tháng khác, gió lạnh kéo về, nhà thì
tường cây, mái lá, lạnh buốt lọt xương, cuộc sống kham khổ khiến bệnh tình Đặng
Thế Phong ngày càng trầm trọng. Từng cơn ho làm rũ người, tiếp đến những cơn
thổ huyết làm cho Đặng Thế Phong ngày một sút hẳn đi. Một mình trên giường
bệnh, Đặng Thế Phong nhớ gia đình thì ít mà nhớ người yêu thì nhiều. Thân xác
thì bệnh tật khó qua, tâm trí thì luôn luôn phải vật lộn với trăm ngàn ý nghĩ
và hình ảnh cuộc tình tươi đẹp nên bệnh mỗi lúc một tăng. Còn đâu những cuộc
hẹn hò thơ mộng, quên làm sao được những lời thủ thỉ ân tình và hy vọng gì ở
những ước vọng được thành đôi chim nhạn tung trời mà bay, tất cả đã được Đặng
Thế Phong ngày đêm ray rứt , tiếc thương, muốn níu kéo lại thì cũng chẳng còn
gì dể bám víu!
Đặng Thế Phong đã mang lấy nghiệp
vào thân thì đời con tằm đến thác cũng còn vương tơ, tránh sao thoát khỏi cái
lưới trời thưa mà khó lọt ấy? Chính vì lẽ ấy mà Đặng Thế Phong đã thực sự thể
hiện được câu các cụ đã dạy cọp chết để da, người ta chết để tiếng, dù cuộc đời
ông ngắn ngủi với 24 mùa lá rụng, một cuộc đời ngắn đến nổi đo chửa đầy gang!
Thế rồi, một hôm mưa rơi tầm tã,
giọt mưa lộp bộp trên mái lá, thánh thót từng giọt xuống đường, Đặng Thế Phong
buồn quá, con tim như thắt lại, máu trào lên để có được một nhạc hứng lai láng,
tràn trề khiến ông gượng ngồi dậy viết một hơi điệu nhạc buồn da diết, não nề.
Ông viết xong bèn đặt tên cho sáng tác mới ấy là Vạn Cổ Sầu. Chập
tối ông Thọ về có thêm dăm người bạn đến thăm, Đặng Thế Phong ôm đàn hát cho
mọi người nghe. Nét mặt của mọi người nín thở nghe, đều buồn như muốn khóc.
Nghe xong, ai nấy đều khen bài hát thật hay, xoáy vào tim vào óc nhưng cái tên
bài bi thảm quá, nên sửa lại thì hơn. Chính vì thế mà Đặng Thế Phong, đổi tên
là Giọt Mưa Thu. Có lẽ đây là cái điềm báo trước, là lời di chúc tạ
từ nên Đặng Thế Phong lấy mưa ngâu, mùa mưa là giòng nước mắt tuôn chảy lênh
láng của Chức Nữ với Ngưu Lang để ví cuộc tình Phong - Tuyết cũng phải cùng
chung số phận phũ phàng giống vậy chăng?
Đến một ngày cuối năm 1941, biết
mình khó qua khỏi lưỡi hái của tử thần, Đặng Thế Phong mới ngỏ ý trở về Nam
Định để được chết tại quê nhà và muốn ông Thọ dìu ông về. Về nhà, lần này cô
Tuyết đích thân đến hàng ngày để chăm sóc, thuốc men cho Đặng Thế Phong, không
ngại mệt mỏi và không sợ nguy hiểm đến bản thân mình. Những người quen biết đến
thăm, thấy cảnh ấy đều mũi lòng và khâm phục lẫn mến thương cuộc tình cao quý,
chung thủy của cặp Phong - Tuyết.
Không biết có phải là tại thần giao
cách cảm hay không mà một hôm, nhạc sĩ Bùi Công Kỳ đột nhiên từ Hà Nội về Nam
Định thăm Đặng Thế Phong lại vừa đúng lúc Đặng Thế Phong sắp lìa đời. Trên
giường bệnh, phút lâm chung, không nói gì được với nhau, Bùi Công Kỳ ôm đàn hát
cho Đặng Thế Phong nghe một lần chót bài Giọt Mưa Thu, Giọng hát
Bùi Công Kỳ vừa dứt thì mọi người nhìn thấy Đặng Thế Phong mở cặp mắt nhìn như
ngỏ lời chào vĩnh biệt rồi nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng.
Một vì sao Bắc Đẩu của làng nhạc
Việt Nam, vừa ló dạng trên bầu trời đã vụt tắt gây niềm xúc động mãnh liệt và
niềm thương tiếc vô bờ trong lòng mọi người! Trong tang lễ, nam nữ thanh niên
của thành Nam đã lũ lượt kéo nhau đi, chật cả phố phường để tiễn đưa Đặng nhạc
sĩ đến nơi an nghỉ cuối cùng với rất nhiều cặp mắt rưng rưng lệ! Cô Tuyết xin
phép và được cả hai gia đình, mặc đại tang, đúng như một người vợ trong tang lễ
chồng, thật là cảm động.
Năm 1960, tại Phú Nhuận, tôi được
tiếp một thiếu phụ chưa hề quen biết. Sau lời chào hỏi, bà tự giới thiệu tên là
Tuyết, người Nam Định, di cư vào Nam hiện ở Ban Mê Thuộc. Nhân lần vô tình đọc
trên báo Tự Do, thấy quảng cáo trước cuốn Nhạc sĩ danh tiếng hiện đại (tập II)
của tôi sắp xuất bản, viết về năm nhạc sĩ trong đó có Đặng Thế Phong, nên bà về
gặp tôi để xin tôi cho bà mượn hình của cố nhạc sĩ, chụp lại để về thờ. Trước
kia, bà đã có nhưng lúc sắp di cư tấm ảnh đó bị thất lạc, kiếm mãi không sao
thấy. Tôi vội lấy ảnh đưa ngay. Cậu cháu đi theo bà mang ngay ra tiệm hình ở
đầu hẻm chụp gấp lấy ngay, xong trở vào gửi trả lại. Trong lúc cậu cháu đi chụp
hình, tôi có hỏi bà về chuyện tình tươi đẹp như bài thơ trong sáng như trăng
mười sáu thì bà Tuyết xác nhận những điều tôi biết là đúng và còn bổ sung cho
tôi thêm ít nhiều chi tiết. Bà cũng không quên nói lên điều thắc mắc là tại sao
tôi biết rõ thế? Tôi nói thật ngay là được ông chú Nguyễn Trường Thọ cho tôi
mượn ảnh, kể rành rẽ cuộc đời ái tình của Đặng Thế Phong cho tôi nghe. Bà cười
và nói:
- Chú Thọ tuy là chú nhưng cùng tuổi
với anh Phong, nên hai người vừa là chú cháu vừa có tình bạn bè nên trong gia
đình chỉ có chú Thọ là được anh Phong tâm sự mà thôi. Thảo nào ông biết quá rõ,
quá đúng và quá đủ!
Sau lời cám ơn và trước khi ra về,
bà Tuyết còn nói với tôi câu cuối cùng, đến nay đã 35 năm rồi, tôi vẫn còn nhớ
:
- Cho đến ngày hôm nay, và mãi mãi
về sau, tôi tôn thờ anh Phong và đời tôi luôn luôn thương nhớ anh ấy với tất cả
cái gì trân trọng nhất.
Viết ra những giòng trên đây, tôi
xin được phép coi là nén hương lòng, suy tôn một bậc đàn anh khả kính và khả
ái. Tuy anh đã ra người thiên cổ hơn nửa thế kỷ rồi, những Con Thuyền
Không Bến, Đêm Thu, Giọt Mưa Thu vẫn là những vì sao sáng rực trên bầu
trời ca nhạc. Thể xác anh có thể trở về hư không nhưng tinh anh vẫn còn lại
muôn đời với giang sơn gấm vóc này. Cuộc đời con người ta, sinh ký, tử quy đó
là luật muôn đời của tạo hoá nhưng khi sống cho ra sống, lúc về được qua Khải
Hoàn Môn, khi cất ba tiếng khóc chào đời, mọi người hân hoan cười mừng đón ta,
khi nhoẻn miệng cười để lìa đời, mọi người thương tiếc khóc ta, thế mới thật là
sống, mới đáng sống! Anh đã vĩnh viễn ra đi nhưng tất cả những thế hệ hậu sinh,
dù chưa được biết anh, khi hát những bài hát bất hủ của anh để lại, đều tưởng
nhớ đến anh, một thiên tài mà ta có thể nói anh là một MOZART của Việt Nam, với
tất cả tấm lòng kính mến trang trọng nhất!
Tôi cả tin rằng, dưới suối vàng. anh
cũng có thể mỉm cười mãn nguyện. Hiển linh, anh về chứng giám và nhận cho nén
tâm nhang này.
Đặng Thế Phong, Thái Thanh
(Lê Hoàng Long là tác giả bản nhạc Gợi Giấc Mơ Xưa)
Đặng Thế Phong, Thái Thanh
No comments:
Post a Comment