Tây Gia Địa - Westmoreland
tôn thất tuệ
(phúc đáp một thân hữu gởi lời xin lỗi của Westmoreland, tên Tàu là Tây Gia Địa)
Carl von Clausewits (1780-1831) được xem là lý thuyết gia giỏi nhất về chiến tranh. Cuốn De La Guerre của ông tướng Đức nằm trên đầu giường của Lenine. Cha đẻ của bôn sê vít đã diễn đạt ý tưởng trong sách qua nhiều câu nói hợp thời. Có thể sáng kiến tạo nên chức vụ chính ủy do sự nhấn mạnh của Clausewits về tinh thần, tâm lý và tính cách chính trị của chiến tranh. Chính ủy từ cấp lớn cho đến cái nhỏ nhất là tổ tam tam. Trong bài viết ngắn Đồng Cỏ Miên, Trần Vũ cho biết cứ hai tân binh quân dịch (theo danh từ cũ) trong Nam thì có một anh lính Bắc làm chính ủy điều khiển, trong vụ CS đánh qua Miên 1979.
Clausewits nổi danh vì câu: quân sự chỉ là phương tiện của chính trị. Nhưng câu nầy và phần lớn cuốn sách được trình bày khoa học khúc chiết, tom góp kinh nghiệm của cả Đông Tây Kim Cổ. Lưu Bang hiểu hơn thế nữa: ta mưu lược không bằng Trương Lương, nội trị không bằng Tiêu Hà, quân sự không bằng Hàn Tín nhưng ta đã dùng cả ba người để tạo nên cơ đồ nhà Hán.
Obama không phải là tổng tư lệnh đầu tiên không một ngày đi lính. Clinton còn trốn lính chạy qua Anh. Một ông thượng của North Carolina nói nếu Clinton đến tiểu bang nầy thì lính không tiếp. Nhiều tướng lãnh đã phản đối, họ xem Clinton như tất cả các tổng tư lệnh khác.
Khi bắt đầu tranh cử nội bộ đảng Dân Chủ, vị TNS da đen nầy có phần nao núng về việc không có kinh nghiệm quân sự; đối thủ Hillary, tuy là nữ nhi, có thể dựa vào kinh nghiệm của chồng trong tám năm tại WH. HiIllary đã cho chạy một negative ad, tôi nhớ mài mại là một em bé thức dậy giữa khuya như chiến tranh tới, chỉ có người đem lại an bình là Hillary, chứ kêu "Ô ba má" thì được cái xái gì, xôi hỏng bỏng không. Liền lúc ấy, nhiều ông tướng ra mặt trên các đài như CNN, Fox News mong Obama nói xa gần sẽ chọn làm ông phó, hay quân sư quạt mo, chủ tịch Hội Đồng An Ninh. Obama không đủ sức thấy như Lưu Bang.
Tập tục dân sự điều khiển quân sự có từ ngày lập quốc, và thành luật 1947; cựu quân nhân phải đã giải ngũ 10 năm trước, về sau còn bảy năm. Tướng Alexander Haig làm bộ ngoại giao thời Reagan tuy ông muốn Pentagone hơn. Có ngoại lệ, quốc hội chấp nhận tướng Marshall làm bộ trưởng QP, giữ nguyên cấp bậc và không phải giải ngũ. Cập nhật 2017, tướng Mathis được rút bớt thời gian hưu cần thiết để vào nội cát của Donald Trump. HK chỉ có hai ông cựu tướng làm tông tông. Ulysses Grant và Dwight Eisenhower cả hai đều được một số sử gia cho là hai ông TT xoàng nhất. (như Eisenhower đã để cho Nga vô Châu Mỹ, trái với chủ thuyết Monroe). Vai trò tổng tư lệnh do hiến định. Dân sự Roosevelt đã điều động tướng Marshall, tướng Eisenhower...trên chiến trường Âu Châu. Thế chiến thứ hai cho thấy quốc phòng mang nhiều khía cạnh mới, nhất là bom nguyên tử; cho đến ngày nay kỹ thuật đã thay đổi bộ máy chiến tranh. Do đó các TT dân sự phải tìm hiểu thêm và cần nhiều cố vấn chuyên môn như các tướng lãnh. Tuy nhiên dân sự vẫn nắm quyền quyết định dù lớn hay nhỏ. Dẫu sao, theo lý luận, TT vẫn có cái nhìn bao quát hơn sau khi được các bộ sở quan tường trình. Đó là chưa kể sự kèn cựa giữa quân đội và các cơ quan khác như CIA, cần có người cao hơn để thấu triệt. Khi Henry Ford chết, Roosevelt đã buộc người con trai bỏ đơn vị hành quân ở Âu Châu về điều khiền công ty xe hơi của bố, vì nó cần thiết cho chiến tranh.
Hùng hổ uy danh như McArthur phải tuân thủ lệnh của TT Truman; phải theo chủ trương của Truman hướng về Âu Châu nhiều hơn ở Á Châu; Truman không đồng ý với McArthur triệt hạ CS Tàu.
Vì vậy như có bạn nói, tướng lãnh chỉ làm theo lệnh của TT; điều nầy không có gì sai quấy. [Tuy cần thiết, xin lỗi đã đi hơi xa trước khi vào điểm chính].
Sau khi rời chức vụ tư lệnh MACV, tướng Tây Gia Địa (‘Westy’ Westmoreland) về nước làm tham mưu trưởng lục quân, chức phận cao nhất của ông. Vì vậy, ông không thể nhân danh toàn thể quân lực Mỹ để xin lỗi xin phải. On behalf of the United States Armed Forces, I would like to apologize to the veterans of the South Vietnamese Armed Forces for abandoning you guys.
Quá lắm ông chỉ nói rằng toàn quân lực Mỹ đáng lý phải xin lỗi v.v.. Nhưng trên căn bản, Armed Forces cũng không làm gì hơn ngoài việc tuân lệnh từ WH. Người có thẩm quyền xin lỗi (nếu cần) là các ông TT hay các ông phó mang quốc thư đến Saigon. Westy ơi, bỏ qua đi Tám.
Có cảm tưởng Westy hậm hực vì phải ra đi chưa kịp thí nghiệm đường lối attrition, lấy phương tiện dồi dào làm địch phải từ bỏ chiến trường, (lấy thịt đè người chăng?); ông chủ trương đánh qua Miên và Lào để làm tê liệt đường mòn HCM. Hỏa lực phải tăng, quân số phải tăng. Lúc Westy mới đến nhậm chức phó MACV, 1964 quân Mỹ chỉ 16 ngàn; con số nầy lên 535 ngàn khi ông về nước 1968. Ông bạn Lại Tình Xuyên (đã khuất) của tôi trong trường Thủ Đức nói: bom dây thì con giun cũng không sống; Ông Westmoreland kinh thật.
Hoặc giả Westy buồn mất cơ hội để thành một McArthur, ông tướng vùng vẫy trong một môi trường giống mình: Đối đầu với CS, một nước Đại Hàn chia đôi, cùng nền văn hóa đông phương, cùng giống dân da vàng.
Westy tin rằng ông có thể dồn VC tập trung để đánh lớn thì địch không thể chống với hỏa lực Mỹ. Việc nầy hao hao giống giống hy vọng của Pháp sẽ dập VC tại Điện Biên Phủ, sau những trận như Hòa Bình… Trận Khe Sanh to lớn làm cho Westy tin tưởng thêm về chiến lược mới.
Tin tưởng ấy làm cho ông không thấy mục đích của Tết Mậu Thân, vì ông cho các trận đánh khắp nơi nầy chỉ làm xao lãng chú tâm và phân tán lực lượng dành cho Khe Sanh. Lời của HCM về Mậu Thân là đánh vào hang ổ của địch. Nói thật không phải để tuyên truyền.
Du kích chiến tự nó không thể giải quyết rốt ráo cuộc chiến; chung cuộc phải thực hiện ở giai đoạn tiếp là chiến tranh quy ước, xuất đầu lộ diện, chứ không chỉ bắn lén. Mặt khác, du kích đã có kết quả trong chính sách lấy nông thôn bao vây thành thị; không lẽ bao vây rồi mà không đi vô thành phố, hang ổ của địch. Mậu Thân báo hiệu cuộc chiến diện địa và quy ước. Nói vậy thì tự nhiên trở lại quan niệm của Westy chăng? Nhiều nhà phân tích cho rằng Khe Sanh chỉ để làm xao lãng chú ý dành cho Mậu Thân. Nhận định nên dựa vào thực tế, rằng Mậu Thân - thất bại về quân sự - đã làm rạn nứt (để rồi vết nứt rộng thêm) cho miền Nam. BV rất tiếc không thể thừa thắng xông lên, mà phải chờ.
Nhiều trận địa chiến xẩy ra tuy không to như Khe Sanh, dần dần BV đi mạnh vào chiến tranh quy ước, nhất là đã cho quân vượt Bến Hải, trái với tuyên truyền chiến tranh miền Nam do nhân dân đứng dậy. Cuối cùng chiến tranh quy ước đã kết thúc cuộc chiến, chứ không phải du kích chiến, vì du kích quân không có xe tăng.
Mậu Thân đã đảo ngược hình ảnh về chiến tranh VN mà Westy mô tả trước mắt người Mỹ. Ông nói chúng ta đánh đâu thắng đó. Truyền hình CBS đã minh chứng Westy tìm cách che dấu nhiều thứ; Westy không thể thắng kiện nên đã đồng ý cho CBS xúy xóa bỏ qua. Ít lâu sau Mậu Thân Westy rời chức vụ MACV; Mậu Thân chỉ làm cho sự ra đi xẩy ra nhanh hơn vì việc thuyên chuyển Westy đã sắp xếp xong.
TT Nixon thuyết trình cuộc tấn công Cambodia 1970
Westy ở trong quân đội cho đến 1972, chức vụ cuối là Chief of Staff of the US Army. Sáu năm tại vị thế nầy, Westy đã thấy liên quân Mỹ Việt đánh qua Cambodia 1970 như ông chủ trương. Vô số cơ vạn vũ khí, tiếp liệu đã bị tịch thu, hầm hố bị phá hủy nhưng không thực hiện mục tiêu Nixon thuyết trình trước báo chí là để bắt trọn Văn Phòng Trung Ương Cục Miền Nam. Chiến trường Cambodia gồm những nghịch lý: a- hai chính phủ do Mỹ ủng hộ ở hai quốc gia kế cận không hiểu kẻ kia là thù hay bạn sau vụ Lon Nol cho giết rất nhiều người Việt; b- mật khu bị phá hủy rồi bành trướng hơn.
Trong lý thuyết du kích, căn cứ địa hầu như là một điều kiện cần và đủ. (CS Hy Lạp phải bỏ cuộc khi Albanie không cho duy trì mật khu tiếp viện), Phe CS bắt buộc phải tái lập căn cứ địa trên đất Cambodia. Lần nầy có sách vở hơn. Sihanouk bị lật đổ, thành lập chính phủ lưu vọng, công du các nước CS. Cựu hoàng thành công trong việc thuyết phục TC ủng hộ Khmer Đỏ để thực hiện nội chiến, và BV từ đó dễ dàng tái lập căn cứ địa dưới chân Cao Nguyên Boloven, bọc hông Saigon.
Westy là con cưng của bộ trưởng QP McNamara; hai thầy trò đều chủ trương attrition. McNamara nổi tiếng với hàng rào điện tử chận xâm nhập bằng đường bộ (cập nhật 2017, Donald Trump muốn áp dụng ở biên giới Mexico). Westy được vài ký giả cho là ông tướng rực rỡ nhất (the most flamboyant); được TT Johnson ghé thăm nhân khi khi dự đám ma thủ tướng Úc chết trôi, được báo chí nói đến nhiều nhất. Westy đã làm sáng ngôi vị quân sự, không muốn quân sự làm phương tiện cho chính trị trong quan niệm chính thống mà Clausewitz đã trình bày rõ ràng.
Ông đã đưa không phải một mà hai vị chủ tịch Thiệu Kỳ cùng gặp Johnson.
Bức hình về cuộc gặp gỡ nầy cho thấy Westy không kể chi đến lịch sự ngoại giao quốc tế. Westy đã đứng ngang với Johnson còn hai ông Thiệu Kỳ đứng bên cạnh. Theo nghi lễ hiện nay được các nước công nhận, vua, dù vua ở một đảo quốc rất nhỏ, được xếp chỗ ngồi chỗ đứng cao hơn tổng thống dù của nước lớn nhất. Ít nhất Westy cũng để ông Thiệu đứng một bên Johnson. Hơn nữa nơi gặp gỡ là trên nước VN dù ở trong một căn cứ quân đội Mỹ. Noblesse oblige?!!!!
|
TT Johnson và Westmoreland |
Không nhớ ai đã nói “quân đội” là cha. Nguyễn Khánh hay Nguyễn Cao Kỳ. Nhưng dân chúng thì: tiên sư cha tướng. Cái flamboyant của Westy được diễn tả bên phía VN bởi Nhị Vị Chủ Tịch mà Westy ủng hộ hết mình.
Flamboyant dễ thấy nhất là câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc mà phi công lái máy bay qua Đài Loan rước vũ nữ sexy; và hình ảnh bà chủ tịch hành pháp mặc áo quần phi công ủy lạo chiến sĩ ngoài mặt trận, đi ciné phải xem trước khi vô xê.
Các nhân vật lịch sử như Trần Hưng Đạo, Đào Duy Từ, Trần Nguyên Hản … đều phải nhập ngũ để làm thánh tổ (patron saint) của các binh chủng như hải quân, công binh, thiết giáp. Các ông lính mới nầy đứng gát ở các công viên cùng ba người Thủy Quân Lục Chiến trước Quốc Hội. Đường phố thấy nhiều tướng hơn. Trước đây, trong quân đội Pháp, đại tá nhảy lên thiếu tướng hai sao; vì ngu dốt một ông Hòa Hảo được phong thiếu tướng thì chỉ mua một sao. Ai cũng cười nhưng nó khơi mào cho ý niệm chuẩn tướng một sao mà nhị vị chủ tịch dùng để ban quyền lợi cho đàn em mà không làm mấy vị thiếu tướng hiện hữu buồn trách. Các tiệm thời trang có thêm nhiều bà tướng tới thăm mua.
Tính chất quân sự còn diễn tả qua câu nói cuối cùng của ông Thiệu trước khi ra đi: toàn dân sẽ mất một tổng thống Thiệu, nhưng sẽ còn một trung tướng Thiệu để bảo vệ đồng bào. Rất tiếc không có bác sĩ nào chẻ ngài ra làm đôi cho nên khi tổng thống Thiệu trốn chạy thì trung tướng tướng Thiệu chạy mất. Thân sinh của tướng Thiệu là kép hát gốc Bình Định. Khi cùng gánh hát đến Phan Rang, ông gặp thân mẫu tương lai của ông Thiệu, và dừng bước giang hồ nơi đất xưa của Chàm. Trước khi màn kéo, diễn viên thường hát một câu rất mùi; tuy đã ôm cây dao lút cán trong bụng mà vẫn cố ca lên mấy câu: hận đời đen bạc, giận kẻ bạc tình, xa quê hương nhớ mẹ già …trước khi lìa đời; hay anh kép độc bị địch đuổi sát đít còn quay lại phân bua: tam thập lục kế tẩu vi thượng sách.
Trước khi lìa thế cuộc, như một diễn viên khi màn sắp hạ, Westmoreland, Tây Gia Địa, ca một lời mùi mẫm, “xin lỗi, xin lỗi…” như chút dầu làm trơn tru, qua truông cho dễ. Xem hát xong thì về, khán thính giả mấy ai thức khuya mà nghĩ xem đào kép nói chi; xướng ca vô loại, nói chi thì nói, vô tội vạ mà. Tạo hóa gây chi cuộc hý trường?
Phụ chú:
On behalf of the United States Armed Forces, I would like to apologize to the veterans of the South Vietnamese Armed Forces for abandoning you guys.
Westy phải dùng The Republic of Vietnam, không nên dùng South Vietnamese vì không tương hợp với vế trước: The United State Armed Forces. Thành ngữ "you guy" tuy thân mật không thể dùng trong một lời tuyên bố liên quan đến sống chết của nhiều người. Dẫu sao vẫn còn hơn câu nói phi nhân phi lý phi chính trị của Fulbright: việc rút quân khỏi VN không gây cho ông thượng nghị sĩ cảm giác gì khác hơn là cảm giác nơi ông, khi đội football sinh viên Arkansas thua độiTexas. (đã đăng 20.08.2014)