add this

Tuesday, June 12, 2018

tượng Phật có từ lúc nào?


Buddha with Hercules Protector
Tượng Phật và Hercule hộ vệ, nghệ thuật Kandhara

Ấn Độ và Văn Minh La Hy
Cultural links between India & the Greco-Roman world  

Sanujit 12 Feb 2011, ttt lược dịch

Cyrus Đại Đế (558-530 tTC) đã tạo dựng đế quốc bá quyền đầu tiên từ Hy Lạp cho đến sông Indus, dưới triều danh tiếng Achaemenid, Ba Tư. Bia mộ người thừa kế Darius đệ nhất có ghi Kandhara (Afghanistan) trong danh sách các thống địa của đế quốc Ba Tư.
Cho đến năm 380 tTC, các vùng thuộc bán đảo Ấn trong tình trạng ngưng trệ nhưng một số các địa điểm nhỏ khác lại tự phát triển. Năm 327 tTC, Alexandre đại đế đã chiếm đế quốc Ba Tư và thành lập những cơ sở chính trị nơi nơi trên các lãnh thổ. Năm sau nhà vua đã lâm vào cuộc chiến gay go đối đầu với vương lãnh Ấn là Porus gần sông Jhelum ngày nay. Vương quốc của Porus phía đông giáp ranh với vương quốc hùng mạnh Magadha, thuộc triều vua Nanda. Theo sử gia Hy Lạp (HL) Plutarch, quân sĩ mất tinh thần; trước viễn ảnh giao tranh với một lực lượng người, ngựa, voi dàn khắp bên kia sông Hằng, họ nổi loạn chống lại quyết định qua sông. Alexandre nhượng bộ và, trước khi rút lui, để lực lượng HL ở lại và cho họ tự quản ở nơi bây giờ là thành phố Taxila, Pakistan.

Alexandre chết năm 323 tTC; sau đó Seleucus được chỉ định làm thống đốc Babylone. Tuy bị Antigonus đánh đuổi khỏi kinh thành, tám năm sau Seleucus trở lại, chiếm hoàn toàn Ba Tư và Media, trước khi chinh phục Punjab (hiện nay Bắc Ấn) và Pakistan năm 305 tTC.

Xưa nữa trước các cuộc chiến nầy, nhiều danh tự khác nhau để chỉ HL được tìm thấy trong các tài liệu tiền sử. Nhưng điều gọi là HL hóa thực sự bắt đầu từ khi Alexandre chết. Trong những thập niên vừa qua, ông đã chinh phục hoàn toàn đế quốc Ba Tư, lật đổ vua Darius 1, thâu tóm các vùng đất ở Tiểu Á, Levant, Ai Cập, Lưỡng Hà Địa, và những vùng hiện nay là Afghanistan, Pakistan, các thảo nguyên Trung Á, nói chung những vùng mà người HL đã biết đến.

Cuộc đông chinh chỉ tạo cho ông một vấn đề là sự cách xa: làm sao vẫn còn liên lạc, không bị cắt đứt với với thế giới HL sau lưng? Sự móc nối nầy là điều kiện tất yếu để được tiếp tế và viện binh. Theo ông chỉ có một kế hoạch duy nhất.

Ông đã đặt để quân đội thành những nhóm nhân chủng và thành lập các đô thị tại các vị trí chiến lược. Đó là các lính đánh thuê và cựu chiến binh nay không được điều động vào các chiến dịch. Bên cạnh ý nghĩa ngầm về quân sự và làm đường tiếp tế, các thị trấn nầy còn thống trị vùng quê chung quanh và nhất là bành trướng ảnh hưởng HL ở phía Đông. Plutarch viết: Sau khi thành lập hơn 70 thị trấn trong vùng dân mọi rợ và đặt nền pháp trị HL ở Á Châu, Alexandre đã xóa sạch lối sống hoang dã và mang rợ nơi đây.

Thật vậy, Alexandre đã mở lối cho những đợt di dân đông đảo; những kẻ kế vị cũng tiếp tục chính sách nầy bằng cách kêu gọi dân HL đến định cư các vùng mới chiếm đoạt. 75 năm sau khi ông chết, dân HL đã ùa vào phía đông, ít nhất 250 thuộc địa HL đã xuất hiện. Hiện tượng nầy không xẩy ra 300 năm trước vào lúc vùng Địa Trung Hải đã thành vùng nói tiếng HL.
Thí dụ cụ thể là thành phố Ay Khanoum vừa mới tìm thấy tại biên giới Nga và Afghanistan, không xa Tàu, tiêu biểu HL, có vận động trường, có đền đài, kiến trúc hành chánh. Tuy vậy thị trấn nầy không hoàn toàn HL, có những đền miếu và các di tích nghệ thuật Đông phương; điều nầy cho thấy người HL và người địa phương đã chấp nhận các hình thái tôn giáo của nhau.

Một trong những điều kỳ thú nhất là cột đá khắc một bài thơ dài tiếng HL của Clearchus, đệ tử của Aristote, chưng nơi công cọng cho mọi người xem. Clearchus chỉ ghi lời dạy của những người HL nổi tiếng, làm triết lý cho người dân thường và là kết nối của người HL với quê xa, đồng thời đóng góp vào nền văn hóa dân dã và cũng là đường lối dễ để cho dân cư tiếp xúc với văn hóa HL.

Như vậy ảnh hưởng của HL đã đến tận Viễn Đông; người mới đến và người tại chỗ đã dung hòa tập tục, tôn giáo và lối sống của nhau. Tuy không xâm chiếm hoàn toàn Đông phương, văn hóa HL đã giúp cho khu vực nầy một phương tiện giao tiếp với Tây Phương. Nói khác, chủ trương bành trướng HL đã tạo nên mối quan hệ chung cho Đông Phương, bán đảo HL và khu vục Địa Trung Hải. HL đã ảnh hưởng sâu sắc Rome để Rome trở thành một trung tâm quyền lực kế tiếp. Về phía nầy, Alexandre đã khai sinh thành phố Alexandria, Ai Cập, Antioch ở Syrie, Seleucia, Iraq. Tuy vậy, các người kế vị không theo đường hướng nầy nữa.

Các thành phố kiểu HL giống đô thị ngày nay ở nhiều điểm. Đó là một trung tâm văn hóa, có nhà hát, đền đài và thư viện; một nơi học hỏi, nơi tụ tập nhà văn, nhà thơ, thầy giáo và nghệ sĩ. Nơi đây dân chúng có thể tìm giải trí vui thích; nơi buôn bán, nơi chế tạo sản phẩm, là một thị trường nông phẩm trồng quanh vùng. Nói gọn, đô thị kiểu HL mang lại những cơ hội văn hóa và kinh tế, nhưng không cấu thành những doanh nghiệp liên hiệp tập đoàn. Hàng hóa thuộc loại quý phẩm được chuyên chở bằng đoàn lạc đà như vàng bạc, châu báu, tơ lụa. Từ đó có danh từ đường tơ lụa (silk road). Dần dà, đoàn vận tải còn mang theo những nhu yếu phẩm khác như dầu olive, vải vóc, trà, gia vị; tiếp đến là vũ khí bằng kim loại.

Từ 180 tTC đến năm thứ 10 sau TC, hơn 30 vị vua HL nối tiếp nhau cai trị vùng đất rộng với tên gọi Vương Quốc Ấn Hy, đánh dấu bởi việc vua Demetrius chiếm Ấn năm 180, và đặt trung tâm sinh hoạt tại Bắc Afghanistan ngày nay. Danh xưng vương quốc Ấn Hy không rõ rệt, bao gồm nhiều lãnh thổ có kinh đô riêng. Taxila hiện nay ở Pakistan có lẽ nằm trong số những thủ phủ của giới cầm quyền HL. Đáng chú ý là vương quốc nầy đã thực tế đứng riêng rẻ, tách khỏi gốc HL xưa.

Trong 200 năm cai trị, các vua Ấn Hy đã kết hợp ngôn ngữ và các biểu tượng HL và Ấn (bằng chứng là chữ viết trên tiền chì); cũng như đã trộn lẫn lối hành đạo cổ xưa của HL, Ấn giáo và Phật giáo, qua các bằng chứng khảo cổ; đặc biệt là sự giúp đỡ cho Phật giáo phát triển. Những vua nầy đã đạt sự dung hợp văn hóa ở mức độ tốt đẹp chưa từng có trong lịch sử, đặc biệt là sự quảng bá nghệ thuật Phật Giáo-Hy Lạp.

Theo sử liệu Ấn, quân HL đã giúp Chandrapupta Maurya (nội tổ của Asoka) lật đổ triểu đại Nanda và thành lập đế quốc Maurya khắp vùng Tây Bắc Ấn, năm 312 tTC. Năm 303, Seleucus đưa quân vào Ấn đối đầu với Chandragupta. Hai bên giản hòa và thành lập một liên minh. Seleucus gả con gái cho vua Ấn, nhượng các vùng đất Kandhara, Herat, Kabul và Makaran, để ngược lại nhận 500 voi chiến mà ông dùng trong trân đánh Ipsus.

Seleucus đã gởi đại sứ đầu tiên đến triều Maurya: Magasthenes, nhà nhân chủng học. Nhân khi thi hành nhiệm vụ, nhà ngoại giao nầy đã viết cuốn Indica. Theo ông, người Ấn tiền sử đã biết Dionysus, thần rượu và nghệ thuật, đã biết Hercule; đến thời Alexandre thì huyền thoại HL được nhiều người biết hơn. Sách cũng nói về địa dư như đề cập đến Hy Mã Lạp Sơn và đảo Tích Lan.

Về tôn giáo Ấn, tác giả cho rằng dân chúng thờ phụng Hercule qua Shiva, và Dionysus qua Krishna hay Indra. Nhưng không một dòng về PG; điều nầy cho phép suy diễn rằng PG chưa được bành trướng trước thời Asoka.
Các sử gia hậu thế ghi nhận vua Demetrius và Menander đã thống lãnh một đế quốc rộng lớn hơn đế quốc của Alexandre Đại Đế, từ sông Bea hiện nay cho đến Hy Mã Lạp Sơn. Đồng xu đầu tiên mang hình Menander với ghi chú ‘kẻ cứu tinh’ (của người HL di trú?).
Tiền cổ Ấn, mặt trước ghi Menander vị cứu tinh, mặt sau bàn tay chiến thắng
Các đồng tiền về sau có hai ngôn ngữ: mặt trước tiếng HL mặt sau tiếng Pali. Đấy là minh chứng hùng hồn sự dung hòa tương nhượng giữa các nền văn hóa khác nhau, điều chưa từng thấy trong lịch sử HL.

Menander (hay Milinda), nguyên gốc là một vị tướng của Demetrius, là vị vua Ấn Hy thành công nhất và cai trị một lãnh thổ vô cùng rộng lớn. Từ thế kỷ thứ nhất, xuất hiện thành ngữ “Menander Mons” để chỉ dãy núi viễn đông của tiểu lục địa Ấn, ngày nay là núi Naga, ghi rõ trong bản đồ thế giới của Ptolemy, thế kỷ 1. Dưới triều của ông có rất nhiều loại tiền chì hơn bất cứ thời vua nào; có một loạt thống nhất một mặt ghi ông là kẻ bảo vệ dân chúng, còn mặt kia tùy địa phương. Menander còn được biết tiếng trong kinh sách Phật Giáo qua tạng điển “Vấn đáp Milinda” (Kinh Na Tiên)*. Ông đã theo PG và tu chứng quả La Hán.

Cần nhận biết rằng sự xuất hiện của PG tại Ấn đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong thế giới nghệ thuật, văn hóa, triết lý và tôn giáo. Nó có tầm ảnh hưởng lớn hơn bất cứ tín ngưỡng nào, nó đem lại một bình minh mới xuyên qua Á và Âu châu.

Phật Cồ Đàm qua đời ở tuổi 80 giữa 486 và 473 tTC. Theo một số nhà nghiên cứu hiện nay, Phật không có ý định thiết lập một tôn giáo mới và không xem học thuyết của mình tách biệt với những tín ngưỡng dân gian đương thời.  Dù điều nầy chưa có gì xác quyết, những môn đệ của ngài đã đưa ngài lên bậc thần thánh, thờ phụng ngài lúc còn sống và lúc ngài quá vãng, tiếp tục tôn thờ qua các biểu tượng như tháp, việc nhập niết bàn, việc giác ngộ, gốc bồ đề…  Đệ tử và vua chúa quanh vùng chia nhau tro cốt đem về xây tháp thờ riêng. Đến thế kỷ thứ ba, Asoka khai quật các nơi chôn cất nầy, phân tán nhỏ để nhiều nơi khác ở Ấn thờ trong các tháp.

Những hình chạm trỗ tại các tháp ở Bharhut và Sanchi cho thấy các đám đông cúi lạy những biểu tượng của Phật. Thật vậy, điêu khắc không chạm hình Phật mà chỉ có hình Pháp Luân, hai dấu chân, hay gốc bồ đề …
Trường phái nghệ thuật và điêu khắc Kandhara giành được vinh dự tạo ra hình ảnh đầu tiên của Phật, tuy nhiên học giả Ấn cho rằng hình ảnh Phật xuất phát từ phía nam của Delhi.

Quanh thời gian Menander chết năm 140 tTC, người Trung Á Kushans đã xâm chiếm đế quốc Ấn Hy và chấm dứt nền cai trị của người Hy Lạp. Chính quyền mới tiếp tục hổ trợ truyền thống nghệ thuật HL. Thời đại Kushans được xem là thời hoàng kim của Kandhara, có rất nhiều công trình điêu khắc tuyệt mỹ.

Văn minh Kandhara đạt mức sáng chói nhất dưới triều Kanisha (128-151) với các thành phố phát triển như vùng Taxila. Peshawar trở thành kinh đô của một đế quốc rộng lớn chạy dài từ khu Bengal cực đông của Ấn đến tận Trung Á. Kanisha là người bảo trợ PG quan trọng nhất; PG đã bành trướng từ Trung Á cho đến Viễn Đông tiếp giáp đế quốc nhà Hán. Kandhara trở thành thánh địa của PG, hấp dẫn những kẻ hành hương Trung Hoa đến xem đền đài và học hỏi kinh sách.

Tại đây PG đại thừa đã nẩy nở đầy đủ và Đức Phật được hình dung theo nhân dạng.


Gandhara Buddha
Tượng Phật, trường phái Kandhara
Dưới thời Kushans, nhiều tháp mới được xây thêm, tháp cũ được nới rộng. Các tượng Phật to lớn được dựng ở các tu viện hay chạm theo vách đá núi. Kanisha cho xây một tháp lớn cao 400 feet (chừng 120 mét) ở Peshawar. Pháp Hiền và Huyền Trang có ghi trong ký sự tây du. Công trình kiến trúc nầy bị phá hủy và xây lại nhiều lần, nhưng lần cuối bị phá sập bởi Ghazni thế kỷ 11.

Vào thế kỷ 19, quân sĩ và công chức Anh bắt đầu chú ý đến cổ sử của bán lục địa Ấn. Thập niên 1830 ghi nhận hai sự kiện, thứ nhất là tìm thấy nhiều đồng xu thuộc giai đoạn sau Asoka và thứ hai dịch các du ký của người Tàu. Các tài liệu nầy cho thấy địa điểm và các họa đồ đền chùa PG. Hai sự việc nầy đã dựng lại lịch sử của Kandhara. 1848, nhiều điêu khắc được tìm thấy phía bắc Preshwar. 1860, vị trí thành phố Taxila được xác định và tiếp theo vô số tượng Phật đã được khai quật trong thung lũng Preshwar. Công trình khảo cổ từ 1912 đến 1934 đã phát giác nhiều thành phố Hy Lạp, Kushans, nhiều tháp và tu viện.

Những đồng tiền thời kỳ đầu triều Kanisha mang hình ảnh các thần linh HL và dùng tiếng HL ghi các huyền sử. Những đồng tiền kế dùng chữ địa phương Bactria hay Iran, hình ảnh thần linh HL được thay thế bằng thần linh Iran; người Kushan nói tiếng Iran.

Tuy hiếm,  vẫn có một số đồng xu mà mặt trước là Kanisha mà mặt sau là Phật đứng, theo lối HL, bên dưới có ghi tiếng HL là Boddo. Trên sáu đồng tiền, hình Phật có tai dài khá bất thường. Sự khác lạ nầy vẫn còn được duy trì nơi các tượng tiêu biểu cho nền nghệ thuật Kandhara thế kỷ 3 và 4. Các tượng nầy tóc bối rất dày, quắn và cuộn thành núm tròn; có vài tượng có râu.

Vua Demetrius có thể là người mẫu hình ảnh Phật. Những tượng Phật đầu tiên kiểu HL có những đường nét như một ông vua. Những tượng đầu tiên nầy mang hình ảnh chính vị vua nầy, người được thần thánh hóa nhưng thân thiện và bảo vệ dân chúng Ấn. Dần dà, những bức tượng kế tiếp mang thêm nhiều yếu tố PG và trở thành tâm điểm của phong trào PG và trở thành hình ảnh Phật trong nghệ thuật PG-HL.

T
rong nghệ thuật Kandhara, Phật xuất hiện dưới sự bảo trợ của Hercule. Vị thần nầy cũng đứng sau lưng vua Demetrius trên các đồng xu.


Các vị thần trong huyền thoại HL cũng đã được đưa vào các biểu tượng PG một cách uyển chuyển và ăn nhịp. Ít lâu sau, hình Phật và cảnh đời sống của Ngài có khắp nơi trong các kiến trúc HL, nhiều nhất ở các cột trụ và móng chính. Bên cạnh hình Ngài còn có nhiều người cổ võ mặc y phục HL.

Theo truyền thuyết Mathura là nơi sinh của Krishna, một trong hai vị thần chính yếu của Ấn Giáo. Khu vực nầy cách Delhi 145 km về phía nam, cùng với Kandhara là hai trung tâm đầu tiên sản xuất hình tượng của Phật vào thế kỷ thứ nhất Công Nguyên. Nhưng tác phẩm hai nơi nầy khá khác nhau.

Tượng ở Kandhara rõ rệt theo lối La Hy: Phật có đầu tóc gợn sóng và búi lên cao, và mặc áo như người La Mã. Tượng phía Nam thì giống các vị thần “phồn thực” thời xưa, tóc ngắn hơn, mặc áo mỏng nhẹ hơn. Giống nhất là ở các tượng đứng vĩ đại vào đoạn đầu của thời đại Kushan. Cả bao nhiêu năm, cả thế kỷ, điêu khắc gia phải đục đẻo đá ong đỏ thành từng khối rồi đem về ráp ở nơi cách xa.


Những tượng đứng nầy, cũng như các tượng ngồi, nói lên một nghị lực bao la: vai rộng, ngực nở, hai chân vững và hai bàn chân cách nhau. Đặc điểm nữa là cạo tóc chỉ để núm nhỏ trên đĩnh đầu; mặt tròn cười tươi, tay phải đưa lên bắt ấn rất tự tin và tay trái thả thỏng rất hiền hòa; y áo gần sát thân, xếp, cuốn móc vào vai trái, vai phải để trần. Thay đổi mới là đài sư tử thay vì đài sen. Về sau, Phật có thêm tóc ngắn và cuộn tròn từng nhúm nhỏ. Ngày nay các biểu tượng nầy được dùng tới và xem như tiêu chuẩn trong việc hành đạo khắp thế giới.

Dưới ảnh hưởng nghệ thuật Mathura, nhiều hình tượng nữ giới (yakshi) được khắc chạm ở các cột trụ, hành lang, cỗng các điện PG và Kỳ Na Giáo (Janism), trông rất gợi cảm. Các nàng có mông to, eo nhỏ, nữ trang đầy người, gợi lên hình ảnh những vũ nữ xưa ở Thung Lũng Indus. Các hình khỏa thể hay bán khỏa thể nói lên sự dung hợp, và cũng làm cho PG không bị tách rời khỏi khung cảnh xã hội chung; cũng là một yếu tố phát triển cho tôn giáo mới nầy.


Yakshi
Yakshi
Bên cạnh nghệ thuật điêu khắc, văn hóa HL ảnh hưởng đến văn tự. Tiếng Pali và Phạn đã dùng rất nhiều chữ mới gốc HL. Vua chúa vẫn nói tiếng HL, một số ít còn dùng ngôn ngữ nơi sinh như Iran. Năm 180 Kanisha thay ngôn ngữ chính thức HL bằng tiếng Bactrian của quê tổ, và cho khắc chữ mới trên đồng xu. Tuy vậy tiếng HL vẫn còn dùng trên nhiều đồng tiền khác, trong thư mục, chạm trên bia đá cho đến khi Muslim chiếm Ấn vào thế kỷ thứ 7.

Khoa chiêm tinh và thiên văn HL được người địa phương đón nhận. Người Ấn từ văn minh xưa đã rất giỏi về toán học nhưng không tự mãn mà từ chối những kiến thức khoa học của kẻ chiến thắng.

Tác dụng của văn hóa HL rất phức tạp chưa có thể phân loại rõ ràng. Nét trội yếu nhất là sự phát triển của PG trong nghệ thuất hình tượng (như đã nói trên) và tư tưởng. Giới học thuật đồng ý rằng PG đại thừa là một phong trào rõ rệt xuất hiện ở tiểu lục địa Ấn vào lúc đế quốc Ấn Hy hưng thịnh. Đại Thừa rộng rãi hơn so với Theravada Tiểu Thừa trong thế giới PG ngày nay. Đại Thừa là con đường giúp chúng sinh giác ngộ hoàn toàn, và cũng được gọi là bồ tát đạo.

Theo sự nghiên cứu của Seishi Karashima, danh từ Mahayana (đại thừa) biến dạng từ chữ “mahajana” (đại trí) trong bản dịch Kinh Pháp Hoa đầu tiên bằng tiếng Prakrit (Kandhara) vào thế kỷ thứ nhất. Khi chuyển qua chữ Phạn, danh xưng mahayana, (tuy phát âm gần nhau) mang thêm ý nghĩa là bồ tát thừa.

PG Á Châu (chính yếu gồm đại thừa và Tịnh Độ) xuất phát từ PG cổ xưa của Ấn Hy, truyền bá theo Đường Tơ Lụa. Khi mới bắt đầu, đại thừa tiếp nhận ảnh hưởng từ sự thờ phụng sùng bái của dân chúng Ấn, và các thuyết thần học Ba Tư, La-Hy du nhập từ phía tây bắc.

Nhiều lý thuyết đại thừa sơ khởi như bản thể luận, duy thức luận, liên hệ với tư tưởng HL đang luân lưu trong khối người HL-PG. Tuy vậy, không thể tìm thấy trong học thuật HL những điều đã có từ thời A Hàm như vô ngã, tánh không.-


The Empire of Alexander the Great
Đế quốc Hy Lạp của Alexandre

**************

bản iếng Anh đầy đủ đây
*Đọc Questrions of Milinda đây
*Kinh Na Tiên Tỳ Kheo, Cao Hữu Đính dịch ở đây




1 comment:

  1. Dạ, quý huynh công phu biên khảo dịch thuật.
    Xin bái phục & cảm ơn.
    Dạ đệ đọc không cũng nhoè mắt.
    Xin share lên FB.

    ReplyDelete