bốn nữ sinh Đồng Khánh 1969, bờ sông Bến Ngựthấy những vô định
của đời người
Tôn Thất
Tuệ
Hôm thấy đâu đó một tấm hình, xa xa có ngôi nhà trệt;
tôi liền đoán thuộc trường Quốc Học Huế; ngôi nhà bên trái từ ngoài vào là văn
phòng giám thị, gần gũi hơn, nhất là vì các thầy giám thị lo việc nhận đơn đi
thi.
Bỗng dưng tôi hình tượng trong đầu câu đố: không chợ
mà đông không sông mà lội. Sân trường không có cỏ may dính quần để phải lội qua
sông cạn. Không chợ mà đông ấy là trường học với học sinh tụ tập. Kỳ thật tôi
không nghĩ đến các chợ chữ bình thường; tôi nhớ đến những lần không chợ mà đông
bởi cha mẹ trên sân trường cũ. Cha mẹ đến chờ, có khi đến vài ngày mới có, kết
quả thi tú tài bán toàn hai kỳ; bốn buổi chợ một năm (không kể bốn buổi sau thi
vấn đáp, rứa là tám lần nhóm chợ). Lặng phắt như tờ, không cần micro mà nghe rõ
lời chánh chủ khảo đứng trên thềm cao đọc danh sách trúng tuyển từ mấy tờ quay
roneo.
Thấy cảnh nầy mới thấm hiểu nền văn minh bằng cấp, đến
phải ê chề như nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng phải than: thi ơi là thi, sinh mi làm chi để
mà có buồn vui nước mắt, để “thi hỏng tú tài ta chạy vòng vòng ta chạy vòng
quanh” (Nguyễn Tất Nhiên). Để thấy rằng đau vì thi hỏng chẳng khác cái đau ngày
còn thơ, chỉ đau trên thân thể mà cha mẹ đau trên tinh thần. Đối với chư vị
ngày nay lục thập, thất thập, chưa đến nỗi: phi tú tài bất thành phu phụ, nhưng
con ma đại, tiểu đăng khoa vẫn đang cầm cái lưỡi hái quanh quẩn đâu đây. Những
tâm hồn phóng khoáng và thực tế phải “qua xóm lá miễu linh khấn vái, cho đỗ đạt
lấy nàng làm vợ, xé mảnh bẳng lót tả cho con”.
Khi tôi bước vô lớp ba “ê côn mẹ dòng lô xanh cu tô”
(école maison l’eau cinq couteaux, trường nhà nước Nam Giao) thì không còn nghe
rằng cuối năm sẽ phải đi thi lấy bằng mà về sau mới biết là yếu lược. Không rõ
kỳ thi nầy hủy bỏ từ lúc nào, nhưng tôi biết mấy thầy thông thầy phán có bằng yếu
lược. Lúc xưa lớp ba (cours préparatoire) đã ghê gớm lắm. Kỳ thi đầu tiên của
tôi là thi bằng tiểu học, anh bạn học trước một năm nhận bằng có thêm tiếng
tây, của tôi thì không. Phải đậu mới thi vô đệ thất trường công hay nhận vào
trường tư.
Bốn năm sau lại phải đi thi “đíp lôm” đậu mới vô đệ
tam được. Nhưng năm sau thì không ai còn phải thi, đủ trung bình là lên đệ nhị
cấp. Tú tài bán còn thêm vấn đáp, thi các môn đã thi viết và các môn phụ như sử
địa. Hỏng hai kỳ vấn đáp thì tay trắng. À mà con cái nạn bảng gót, không được
thi kỳ hai vì điểm quá tệ.
|
cỗng Đồng Khánh 1950 |
Chuyện thi cử dài hơn một thiên tình sử lâm ly. Các bậc
trưởng thượng kể rằng thời Pháp, thí sinh phải biết chắc nữ giám khảo vấn đáp có
chồng hay chưa để xưng cho đúng: Mademoiselle hay Madame. [còn nguyên xi mà dám
nói Madame?!; đã có chồng, đâu phải gái ế gái già mà gọi Mademoiselle ?!]. Đến thời
của tôi thì không tế nhị đến thế. Ban C khổ nhất là bài thi vào tay giám khảo mới
bên Tây về, bài mô cũng cho nửa điểm, “demi point”, viết tiếng Tây như chó
ngáp. [Mở ngoặc, theo thầy cũ của tôi hiện hơn 90, qua đời 2018, có ông giáo về dạy tiếng
Pháp ở đại học văn khoa ra một đề luận sai văn phạm; không lẽ cho thầy de, viện bèn cho dạy Việt Văn, thầy rất ồn
ào, thầy bỏ vợ, chộp một o nhất C). Nhưng nếu vào tay các thầy như Ngô Đốc Khánh, Cao Hữu Hoành, Nguyễn Quới thì
còn vớt vát từ 5 đến 9/20, có thể lấy Anh văn hay triết bù vào. Theo thầy
Khánh, cho nửa điểm là kiêu ngạo, tiếng Pháp và văn học Pháp như rừng, một hai
năm bên Pháp chưa được một gánh củi làm sao so với rừng; hơn nữa, học sinh VN
không có người Pháp mà tiếp xúc để nói năng cho quen. Hai thầy Khánh, Hoành
không bao giờ ra khỏi trí óc tôi.
Lại tình cờ gặp một bài thơ chuyện chàng và nàng thi hỏng,
nàng về quê học bài ôn cho yên tĩnh hẹn hai tháng sau sẽ gặp nhau cùng đi thi
(kỳ hai). Nhưng phòng thi còn một chỗ để trống mà hội đồng đã dành cho nàng.
Em về quê sau mùa thi,
Không ngờ là một biệt ly suốt đời.
Nàng đã “theo chồng bỏ cuộc chơi” hay đã “mất tích”
theo thời đại ngả nghiêng. Chuyện ấy không quan trọng, xẩy ra đều đều; nhưng niềm
đau của tác giả cần được, và đã được, tôn trọng.
Với người đọc, một mặt chuyện riêng tư “vô tận của mình
riêng”, mặt khác có thể là một mảnh đời chung, mang tính chất phổ quát, một hoàn
cảnh. Việc bỏ học, bỏ thi trong một xã hội trọng khoa bảng đè nặng trên tâm lý
chung.
Nhà nghèo thì con gái bỏ học trước. Que sera sera,
nhưng trước mắt mất đi viễn ảnh làm kẻ có bằng cấp, được trọng vọng trong xã hội
khép kín đất Phú Xuân, theo mẹ đi buôn đi bán thì có giàu vẫn ở cuối bậc thang sĩ
nông công thương. Người sành điệu thì đi nghễ ở hàng đường, hàng nón, hàng vải
chợ Đông Ba, giả vờ làm khách hàng thì cũng được thưởng một nụ cười tự nhiên,
không thấy trề môi bỉu mép, những con mắt nguýt có đuôi của các nường nhà quyền
quý.
Mới rồi, tháng 4 -2018, mấy trự "quá đát", từ việc đưa
tin tình trạng sức khỏe một cựu nữ sinh QH đã nêu lên tên những người đẹp xứ Huế
mình biết, lớn hơn, ngang tuổi, nhỏ hơn, lập thành một danh sách. Từ Tố Cần (cầu
Ga) cho đến Vân Linh (Cầu Đất), Thạch Trúc (cầu Kho Rèn), cho đến Bích Thọ,
Bạch Yến, Ngọc Thắm, Minh Đa (Bến Ngự) ..., họ không quên Kim Đính, Bao Vinh,
có núng đồng tiền đem cả vũ trụ bao la nhét vào cũng chưa đầy, vẫn còn chỗ cho
những ánh mắt si tình.
Nhưng xét lại, không ai bỏ học, không ai bán nón, bán
vải hay đang bán sách, bao sách, không ai bỏ thi. Cũng là một thứ thiệt thòi chơ
bộ.
Trong vài người con gái mà tôi thấy biết khi mở mắt
nhìn ra khỏi bếp, cô bé Lan tý teo bên kia bờ sông Bến Ngự qua bên ni giặt áo
quần bến Viễn Đệ có bệ đá. Năm sáu năm sau Lan ngày ngày đi học Đồng Khánh, khoảng
đệ ngũ thì không thấy nữa; tôi không quen, không biết chính xác Lan ở đâu, nhưng mất Lan trên đường Phan Bội
Châu như buồn mất mặt trăng, tuy chị Hằng rất xa, quá xa. Một chiều thu, vào thời
gian có quyền (sic) vểnh cái mặt mo tú kép lên trời, tôi ghé tiệm bánh mì
Chaffanjon đã chuyển nhượng cho người Việt mua cái bánh sừng trâu có lạp xưởng;
lui chừng mươi bước vô trong, (bà chủ, con bà chủ?) Lan nhìn ra; đến đường Lý Thường Kiệt tôi mới nhận
biết điều đó; cảm ơn Lan, không còn thấy Lan một lần nào khác nữa, nhưng từ hôm ấy mãi cho đến
suốt đời, tôi đã biết nhìn xuống và thấy những vô định, những mong manh của cuộc
đời.-
=============================================================
nhớ một mùa thi tình ra đi
Nguyễn Phúc Bá
Có một mùa hè tôi nhớ
mãi,
Tan trường hẹn ngày thi gặp lại,
Em về quê xa miền nắng gió,
Sách vở nơi đây tôi miệt mài.
Mùa thi năm ấy tôi nhớ
mãi,
Tháng tám phượng hồng vẫn chưa phai,
Giữa sân trường mênh mông áo trắng,
Có tôi đang ngơ ngác tìm ai.
Hai tháng xa cách em có
biết,
Đèn khuya bóng đổ tràn trang viết
Chập chờn ai vờn sau từng chữ,
Có người đang nhớ người da diết.
* * *
Em về quê sau mùa thi,
Không ngờ là một biệt ly suốt đời,
Đây là sự thật hở trời?
Em thi không đỗ tơi bời lòng tôi!
Giã từ mà hóa chia phôi,
Em không trở lại thả trôi chuyện mình,
Còn mỗi tôi buồn lặng thinh,
Mỗi năm tháng tám nhớ tình đã xa.-
No comments:
Post a Comment