những khúc sông ngắn, những khúc ruột đứt
lìa
Tôn Thất Tuệ
Nhìn tấm ảnh của Trang, phượng đỏ không đỏ thắm,
không đỏ kiểu đạp lên anh em mà sống; hài hòa như cái am nhỏ làm chùa, không
mũi tên bắn lên không trung thách thức với thiên nhiên. Phan Kế Bính nói: đi
thuyền trong sông như đi trong hồ vậy. Lúc nầy sông Hương: hỷ nộ ai lạc chi vị
phát, tự tại như Quán Tự Tại Bồ Tát. Hạnh phúc của dòng sông.
Nhà tôi nghèo nhưng người bà con giàu ở gần nhau, có
người giúp việc, nói về lúc chưa có bằng “ri me” (tiểu học). Thỉnh thoảng chị ở
đi thăm nhà rồi đem về chừng chục trái bắp ngon lắm. Có lần tôi xin đi theo cho
biết bắp đất biền như thế nào, mà ở bên cồn nghe sợ quá: quạ quạ cha mi chết mạ
mi chôn qua bên cồn khóc hụ hụ. Đò ngang đi chừng nửa sông, chị lấy nón lá múc
nước uống ngon lành, tuy trời không nóng, còn mát lắm. Càng xa quê càng thấy cử
chỉ nầy nói lên hạnh phúc của dòng sông.
Đò ngang Vỹ Dạ cặp vào bờ đất lài, không dựng đứng như
ở Long Hồ. Cho nên nói hạnh phúc của dòng sông chỉ có nghĩa tương đối.
Chừng 1956, các tráng đoàn Hướng Đạo ở Huế
xin được hai cây sắt đường rầy khá dài và dùng đò chở lên Long Hồ làm một cây cầu
bắc qua một rảnh thông thủy vì những cây cầu cũ đã bị nước cuốn đi cùng đất.
Những người lớn tuổi nói về chuyện đất chài của làng nầy;
mỗi năm một chút thì bây giờ sông đã lùi vào mấy cây số. Người lớn nói dân Long
Hồ cứ nhìn ra sông thì thấy bên kia là Nguyệt Hồ (Thủy Biều) cát bồi thêm ra và họ nói đất
doi ra như vậy là từ bên Long Hồ đưa qua. Có người đã tìm cách nhờ chính quyền lúc ấy cho họ phần đất bồi nầy để bù lại việc mất đất vì nước xoáy.
Long Hồ thuộc vùng sơn cước; muốn đến nơi thì bạn phải
chạy theo Chùa Linh Mụ. Trong lúc ấy Nguyệt Hồ (Thủy Biều) thì bạn phải đi từ Cầu Lòn, phía Đồng Bàu Vá, Phường Đúc, lò vôi Long Thọ.
Long Hồ ở vào thế phản cung, khi sông Hương đổi
hướng một góc vuông. Từ Tuần xuống, đến Long Hồ dòng nước quẹo bên phải để chảy
về Linh Mụ và thành phố. Phản cung là ở ngoài vành tròn, cho nên khi dòng nước
còn thẳng thì đâm ngay vào Long Hồ. Trong lúc ấy, Nguyệt Hồ nằm trong bụng của
cánh cung.
Theo sách địa (phong thủy), nhà ở nơi phản cung sẽ bị
xe cộ chỉa vào làm xáo trộn, gây chấn động, tạo nên một từ trường bất lợi. Nếu
vòng đất là một con rồng thì mộ chôn phía ngoài không ích lợi gì, phải chôn ở
phía kia để con rồng bao quanh. Như vậy Long Hồ đứng đó mà nhận những mũi tên.
Nói rộng ra, thành nội cũng ở trong thế phản cung, đưa lưng cho kẻ khác thoi.
Hình học tiếng Pháp, géometrie, có ngữ căn là địa lý bắt nguồn từ thuật đo
đạt ruộng đất, vẽ bản đồ để định mốc trở lại sau khi cơn lũ tràn qua kéo theo
các bờ be làm ranh giới; ức đoán từ lưu vực sông Nil, Ai Cập. Nhưng đất chài, đất lỡ thì lấy đâu mà đo. Còn những phần
phù sa bồi bên kia làng Nguyệt Hồ đâu phải đất bên Long Hồ đem qua. Đất lỡ đã
tan trong nước chảy về hạ lưu làm cho lòng sông Hương cạn, gây lụt lội. Đất
bồi bên Nguyệt Hồ từ thượng nguồn, như Mũi Cà Mâu ngày một thêm phù sa.
Tình trạng nầy ngày một nguy ngập hơn cho Long Hồ khi
thượng nguồn bị đốn cây vô tội vạ, không có gì làm chậm dòng nước; đất đã trơ
trọi và đất sét đổ xuống sông Hương đục ngầu. Bên cạnh cái chết của Long Hồ, cả
đất thần kinh mất đi nét trong suốt của sông Hương, nét trong suốt cần thiết
cho đời sống vật chất và tinh thần người Huế.
Mà hình như người ta không bỏ xứ mà đi, cứ lùi dần, lùi
dần cho đến chân núi Kim Phụng chăng? Việc nầy cũng nằm trong sự ly kỳ khó hiểu
của loài người. Sau bao nhiêu thiên tai, dân chúng trở về. Núi lửa cũng vậy thôi,
khi đất còn nóng vì phún thạch, đồng bào đã kéo nhau về, ở Nam Dương, ở Ý. Vừa
tự trị tách khỏi Pakistan chưa được đôi ba năm, Bangladesh đã bị mưa bão cào sạch
vùng màu mỡ bên biển, dân chúng trở về nếu còn sống sót. Dễ hiểu, cọp dữ, thời
tiết khó không nguy hại bằng người dữ, nên chẳng bỏ đi.
Đất sụp của Long Hồ không trách nhiệm về sự đục ngầu cầm canh vĩnh viễn hiện nay. Người Huế vẫn còn mơ mộng thích nhìn những đàn cá lội nước trong; có chi lạ mô, rứa mà học sinh qua cầu cứ đứng mà nhìn cá ở nửa sông
cạn vì ba vài sắt sập còn dưới nước.
Ba vài sắt nầy từ 1945 đã nằm chờ, theo binh thư là mai phục, cho đến 1953 để giữ lại những bụi tre nguyên gốc và một
con cọp nhe răng mà nước đưa từ thượng nguồn về. Chúa sơn lâm đã chết cùng với
mấy cửa thành sập, báo hiệu sự ra đi vĩnh viễn của một vương triều. Theo chính [trị]
sử (có khác với chánh sử không?) Bảo Đại ăn chơi bị truất phế để Ngô Chí Sĩ lèo
lái con thuyền quốc gia. Nhưng cọp chết nằm dưới sông chỉ nhe răng cười. Được rồi,
tui đã cười rồi đó, mấy ôn mấy mụ hãy để tui trôi xuống biển. Cười nữa, tui sẽ bị
Cao Bá Quát rầy: Thế sự thăng trầm quân mạc vấn. Yên ba thâm xứ hữu ngư châu. (Cười hỏi lên voi xuống chó làm chi cho mệt, trông kìa: sâu, sâu nơi chốn xa kia, trong sóng vỡ tỏa ra như
khói, có chiếc thuyền câu lấp ló thấy rồi không).
Sông nầy có cây cầu sáu vài mười hai nhịp, em qua không
kịp tội lắm anh ơi. Một hôm tôi đứng trên cầu nầy nhìn về phía núi, già quá nửa
buổi chiều, đúng, một buổi chiều trốn học. Hầu như tôi tự nói trong vô thức rằng
học để làm gì. Rồi tôi độc thoại: ông thầy đích thực của đời ta là ngọn núi chiều
màu tím thẩm rơi xuống sông nhuộm thẩm cả dòng sông. Tôi không giải thích, vì
có hiểu chi mô, chỉ có một cảm nhận mong lung. Có thể màu núi tím thẩm
chính là màu áo tím của nàng. Nàng đã rơi xuống sông, sông ôm giữ nàng, nàng là
sông, sông là nàng như Trang Chu hóa bướm.
Và sông nầy, có lần tôi đi bộ trên
đường Lẻ Loi (Lê Lợi), tôi tự hỏi nếu tôi phải xa dòng sông nầy thì sao; tôi tự
trả lời e chết thôi. May đây không phải là lời thề; ít lâu sau tôi xa dòng
sông, không bao giờ trở về mà không chết mới hay chơ. "Dòng sông
nàng" hiểu tôi, đừng lấy máu viết lời thề gian dối; có xa nhau thì vẫn giữ
thuở hoang sơ trong dấu lặng dài mấy triệu trường canh. Huế ơi, xưa kia, Hàn Mặc
Tử, áo em trắng quá nhìn không ra; bây giờ, áo em đỏ quá nhìn không ra.
Đã lâu hơn 15 năm, tôi thường xem TV giảo nghiệm để giải
tội hay để buộc tội chính xác hơn. DNA đóng góp rất nhiều trong nhiệm vụ nầy. Khoa
vạn vật quả quyết mọi dòng nước đều có lý lịch sinh học của nó là DNA như mọi cá
nhân. Họ đã lấy nước trong phổi của một nạn nhân chết vì bị dìm xuống nước, nước
nầy có DNA cùng với một con suối, nhờ đó tìm ra nhiều bằng chứng của tội ác.
Sông Hương không to dài như sông Tiền sông Hậu nhưng không phải nhỏ, vậy nếu
đúng thì DNA của nó mang mùi hương. Nếu không có mùi hương thì mùi hương của nó
không làm mất mùi trà hay chè.
Danh tự chẳng có giá trị giá trị gì. Không thích thì gọi
rivière des odeurs – sông xú khí; thích thì nói Rivière de Parfum. Vạn pháp do
tâm tạo. Kỳ thật không ai có ác ý với dòng sông; có khi sống sượng cần thiết để
nói một thực trạng. Núi Ngự không cây chim ngủ đất / sông Hương vắng khách đ… kêu
trời.
Vẫn là do tâm tạo; nhưng cái tâm nầy lành; nó trở
thành một hương thơm, xin lỗi thiếu chữ phải mượn, hương lòng, hương của diệu
tâm, phủ lấy dòng sông.
Dĩ nhiên đã có từ những người xa xưa thời Chàm cổ;
nhưng hậu thế từ khi vượt qua Hoành Sơn lập xứ Đàng Trong, dừng chân ở Phú Xuân
đã đổ nhiều hương lòng cho dòng sông và tiếp tục, tiếp tục. Nguyễn Huệ cũng đã
khấn vái với Trời Đất bên dòng sông rồi mới đem quân ra Đống Đa; Nguyễn Ánh sau
đó cũng bị cầm chân ở đây tuy nơi nầy không có vết tích các triều xưa, không có
lúa xanh cá tươi ở Gia Định Mỹ Tho; để lại thân xác giữa hai cánh tay Tả và Hữu
Ngạn níu vào nhau ở Tuần, Đò Ba Bến. Cứ thế, tiếp tục và tiếp tục đổ vào dòng
sông những tâm tình.
Triết lý Đông Phương cho rằng giống hữu tình và giống
vô tình có khác chi nhau về bản chất. Cho nên một trong những huệ năng là biết vật
vô tri tiếp nhận những làn sóng tâm trí của giống hữu tình rồi chiếu trở lại. Đi
qua một thành phố, bạn thấy nóng nực và sợ hãi, cố đi ra ngay, bạn tìm hiểu thì
biết khu vực nầy nhiều bạo động; có những khu vực bạn đi qua thấy luyến lưu
không muốn rời bỏ. Tượng Phật trong chùa, thánh giá trong nhà thờ gây cho bạn
nhiều ấn tượng vì bổn đạo ngày ngày phóng vào những thiện tâm, những ước mong.
Dùng lập luận trên, ít nhất từ khi có Phú Xuân như nói
trên, sông Hương đã đầy hương lòng của bao thế hệ; rồi đến phiên mình trải rộng
hương lòng mà ôm thế sự buồn vui, mà buồn nhiều hơn vui, nhục nhiều hơn vinh. Thứ
hương chân thật (tình dữ vô tình) khác với nước hoa, eau de Cologne, có tính
cách khử trùng, tạm quên những đau buồn, làm cho người Huế hướng nội và im lặng, giữ kín trong lòng, dù lòng có đứt chín đoạn, chín chìu.
Hương lòng ấy làm cho người Huế thật sự là Huế, không
lăng xăng múa rối như một thứ kích động của thời đại, nhúc nhích ngo ngoe trong
trạng thái tâm thần bất ổn. Hương lòng ấy khử trùng, tạm dùng nước sông bùn mà
chèo ghe, mà biết rằng núi rừng đã trơ cây; mà biết rằng sông Hương và tư tưởng
cần sự trong lành. Trí khôn của loài người rồi ra chỉ có ba điều: phân biệt thiện
ác, bình thản trước điều không thể sửa đổi, can đảm làm điều có thể sửa đổi.
Can đảm tin rằng con cháu sẽ vì sông Hương mà trồng cây lập rừng lại như thế giới
hiện rủ nhau đi Namibia, Phi Châu trồng cây chận gió chống sự sa mạc hóa.
Ôi, rừng linh, sông thơm đi về đâu!? Ngậm ngùi lắm đó.---
giữ kín trong lòng
tôn
thất tuệ
Chi lạ rứa chiều nay tôi muốn khóc
một ý thơ ngày đó tuổi học trò
một nữ sinh miền xa ngoài Huế
mới nghĩ thôi nhưng đã khóc đẫm trong lòng.
Này em ơi có gì mà lạ
em thẹn thùng không khóc bằng liễu rũ
em làm sao tuôn được nguồn khơi
vì còn đó dòng sông Hương ướt má
khuôn mặt hiền xứ Huế khuôn mặt em.
Đất Phú Xuân lún chân Nguyễn Huệ
tiếng Duy Tân bụi cát hát tung bay
tìm hủy diệt cho ngai vàng tối nghĩa
vì tâm tình không thể ngủ
trong lớp áo rồng hoa.
Nhìn thế sự khiêm cung ủ dột
những thớ rêu che phủ gạch bát tràng
hàng cây bách ngẩn ngơ những hỏi
đứng chi đây hương toả chốn không người.
Chi lạ rứa vì sao em không khóc
khóc bậc lên xối xả mảnh đất lành
xin đừng để những giọt sầu nguội lạnh
dấu thời gian khằn kín nẻo linh hồn.
Em dành chăng để tưới rêu phong cung miếu?
chôn xứ nầy thêm âm thầm tí nữa rồi sao?
Ồ anh biết em dành để tưới bờ mi em thêm đậm
để che thêm nỗi khổ trong lòng.
Và chiều nay anh thấm sầu sương biển
lạnh linh hồn như đám hải âu
trên bờ đá đếm từng cơn gió một
đếm thì thầm tiếng nước xóa chân chim.
Anh chợt nhớ một lần em muốn khóc
và ví thử chiều kia em khóc thật
thì chiều nay anh đã khóc thật như em.
Lỗi tại em, em dấu kín trong lòng. --
một ý thơ ngày đó tuổi học trò
một nữ sinh miền xa ngoài Huế
mới nghĩ thôi nhưng đã khóc đẫm trong lòng.
Này em ơi có gì mà lạ
em thẹn thùng không khóc bằng liễu rũ
em làm sao tuôn được nguồn khơi
vì còn đó dòng sông Hương ướt má
khuôn mặt hiền xứ Huế khuôn mặt em.
Đất Phú Xuân lún chân Nguyễn Huệ
tiếng Duy Tân bụi cát hát tung bay
tìm hủy diệt cho ngai vàng tối nghĩa
vì tâm tình không thể ngủ
trong lớp áo rồng hoa.
Nhìn thế sự khiêm cung ủ dột
những thớ rêu che phủ gạch bát tràng
hàng cây bách ngẩn ngơ những hỏi
đứng chi đây hương toả chốn không người.
Chi lạ rứa vì sao em không khóc
khóc bậc lên xối xả mảnh đất lành
xin đừng để những giọt sầu nguội lạnh
dấu thời gian khằn kín nẻo linh hồn.
Em dành chăng để tưới rêu phong cung miếu?
chôn xứ nầy thêm âm thầm tí nữa rồi sao?
Ồ anh biết em dành để tưới bờ mi em thêm đậm
để che thêm nỗi khổ trong lòng.
Và chiều nay anh thấm sầu sương biển
lạnh linh hồn như đám hải âu
trên bờ đá đếm từng cơn gió một
đếm thì thầm tiếng nước xóa chân chim.
Anh chợt nhớ một lần em muốn khóc
và ví thử chiều kia em khóc thật
thì chiều nay anh đã khóc thật như em.
Lỗi tại em, em dấu kín trong lòng. --
No comments:
Post a Comment