chiều Đại Hàn, thầy Nguyễn Văn
tôn
thất tuệ
Tự nhiên, tôi muốn thành nhà phê bình âm nhạc "một
ngày", "just one day" khi lỗ tai trâu đang gởi tiệm hớt tóc nhờ ngoáy. Số là tôi mới mua chai nước tương trong chợ Đại Hàn, và cũng thấy
Đại Hàn văn minh trước Nhật Bổn. Khi bán đảo Liêu Đông là đế quốc Liêu và là
nhà Đại Kim, Đại Hàn không những là cái cầu cho quần đảo Phù Tang nhận văn minh
của Lục Địa, mà còn là nơi thử thách tinh luyện mọi thứ trước khi Nhật tiếp
nhận. Những đổi thay chính trị đã đưa giới trí thức có học Đại Hàn qua Nhật vì
chỉ cách cái eo biển. Hôm qua tôi cũng đọc một đoạn thơ ngắn của một người Đại
Hàn chết trong tù Nhật vì chống việc bải bỏ chữ Đại Hàn. Từ trong xà lim, thi
sĩ nhìn ra sân tuyết như tờ giấy trắng mà những con chim se sẻ viết suốt ngày:
“Chirp,
chirp” they repeat with their beaks:
with their feet, they practice their writing.
All day long they practice their writing,
with their feet, they practice their writing.
All day long they practice their writing,
but
the only thing they can write is “chirp”.
(có
thể Yun Don-ju tự mình là con chim câm, chỉ có thể viết một chữ chíp chíp)
Rứa thì tôi đang có một buổi chiều Đại Hàn. Tôi đã bỏ rơi người
đep Ann-Sophie Mutter, tuy tôi đã xem nghe tận mắt tại San Diego qua khúc vĩ cầm
của Beethoven. Hôm nay tôi nghe đến ba lần ngón đàn của Clara Jumi-Kang, quán quân rất
nhiều cuộc tranh tài thế giới. Ann-Sophie vui buồn không để lộ, coi bộ đã cứng
tay. Có lẽ tôi thích Kang vì tương Đại Hàn.
Học giả Karl Haas mấy chục năm vùng vẫy, vẫy vùng trên làn sóng
điện nói về độ rề mi. Nếu ông đã đem hòa tấu khúc số 8 của Beethoven tặng, và tả
cuộc đời của, các anh hùng lái xe 18 bánh khắp nẻo đường thế giới thì tôi
cũng có thể dùng concerto pour violon nầy mà tả sự phiêu lưu đơn độc gió bụi trở
về thái hòa của tâm và cảnh.
Trước Beethoven, dàn nhạc chỉ đóng vai trò phụ họa cho danh
thủ độc tấu. Qua khúc nầy, dàn nhạc chia sẻ nhiệm vụ mô tả nỗi niềm của người sáng
tác, lắm khi đối thoại như kiểu ta với ta. Nơi đây dàn nhạc như một bức trường
thành, giữ “yên mặt trận miền tây”; đến độ có thể xem phần độc tấu như một nụ cười
một ánh mắt của một khối thâm sâu chưa tỏa lộ.
Khác với những cầm tấu khúc khác, ở đây dàn nhạc nắm phần chính
trình bày nhạc đề chính. Nhạc đề như một giai điệu rút ngắn, là nắm ruột, như
trọng tâm trong vật lý, nơi giữ cho vật dụng đứng vững. Đó cũng là chỗ chung
cho những giao động đi qua.
Một truyện ngắn, một bài thơ có thể chỉ đưa độc giả đến bìa
rừng và yêu cầu đi tiếp, như kiểu hiện sinh là đặt vấn đề. Nhưng nhạc, ngắn dài,
đều phải tròn trịnh, bao quanh cái “air” ấy. Tuy vậy, khai thác nhạc đề là chuyện
khác.
Tôi muốn trở về với Kang và nhắc ý của một kẻ khác rằng với
Kang ta có 44 phút đẹp nhất từ khi thời gian được tạo dựng. Chỉ nịnh đầm mà thôi
vì cần bao nhiêu bàn tay khác.
Sau nhiều lần nhập nhằng, nói qua nói về như sư tử hý cầu, ở
phút 34.47, khách lãng du nở nụ cười kín đáo vì sự chao đảo đã được bù trừ bởi nhạc
đề chính do dàn nhạc cung ứng, mở đầu giai đoạn hạnh phúc nhất của concerto. Từ
đây danh thủ đảm nhận nhiều hơn nhạc đề chính không như ở hai hành âm trước. Cả
mọi người xoay quanh sự thái hòa như con thuyền không chòng chành, mà chỉ lên
xuống theo gió nhẹ.
Trong những concerto vĩ cầm danh tiếng, bản nầy trong sáng
nhất, ấm cúng nhất, và quí phái nhất. Nó như không bao giờ chấm dứt; ở nhiều nơi
thính giả sẵn sàng vỗ tay thì chưa hết, chưa hết.
Có thể dùng khúc nhạc nầy mà nói những chuyện triết lý như bản
lai diện mục, trở về với chân tướng. Nhưng nó đi xa hơn, thực tế hơn cho thấy hạnh
phúc của yên bình thực sự, của hòa nhịp.
Trong chiều Đại Hàn nầy, tôi chứng nghiệm trực giác chỗ gặp
nhau của triết lý và của nghệ thuật, sự yên ổn trở về, không có sự phân biệt
danh thủ và dàn nhạc, không có phân biệt giữa cá nhân và chủng loại, không có sự
phân biệt hữu hình và vô hình.
Chiều Đại Hàn nầy, tôi cũng nhận tin vị thầy cũ đã qua đời
ngày 17.02.2019 hưởng thọ 92 tuổi. Giáo sư Nguyễn Văn đã dạy tôi 1952 lớp đệ thất
Nguyễn Tri Phương, môn luân lý mỗi tuần một giờ.
Mãi cho đến gần đây, tôi mới nhờ Phan Chu Trinh mà biết rằng
luân lý chỉ là những tập tục, đúng chỗ nầy không đúng chỗ kia, đúng lúc nầy sai
lúc kia, chẳng khác Pascal nói sự thật là sai lầm hay ngược lại ở hai bên núi
Pyrenées. Nhà cách mạng xứ Quảng lưu ý cần biết thêm triết lý cao xa ngoài những
hình thức ấy để biết đạo lý.
Nhờ vậy tôi tự đính chính mà nói rằng thầy Nguyễn Văn đã dạy
đạo lý, thầy dạy chúng tôi nghĩa vụ đối với nhân loại, thương mến muôn loài, thương
mến thiên nhiên. Thầy còn dạy bổn phận với chính mình. Đừng để mình u muội, thân
thể phải tráng kiệm, đừng bê tha, đừng tự tử. Các bậc Phật Thánh cũng làm chừng
đó thôi.
Tôi biết thầy đánh cờ tướng rất cao. Nghe nói thầy thắng nhiều
lần tại các hội chợ mở ở Thương Bạc hay trường Thượng Tứ. Thầy không phiền đối
phương suy nghĩ rất lâu, nhưng khi bên kia đi xong thì thầy chơi cái bụp, đi
con cờ của mình như ngày nay đánh với computer.
Thầy rất giỏi chữ Hán nhưng không bao giờ khoe đã đọc sách
thánh hiền Khổng Lão Thích. Thầy không khệ nệ như lớp người tiếng Tây gọi là pédant,
ra vẻ trí thức.
Thầy đã ra đi. Không chi vui, không có chi buồn; cho nên không
cần phải cổ bồn như Trang Tử, không có chi phải khóc la. Thầy đã trở về với nhạc
đề của vũ trụ. Người gốc Sịa, thế nào thầy cũng quen biết thi sĩ Trụ Vũ; Trụ Vũ
thì “cửa hồn tôi khép lại không cho vũ trụ lòn vô”.
Nhưng vũ trụ không có cửa. Thầy như tiếng vĩ cầm của
Beethoven đi vào vũ trụ hài hòa, đánh cờ với Schubert, bút thoại với Bạch Cư Dị .... để lại cho học trò những tuế toái này kia như
ta là ai, chết và nhập niết bàn có khác nhau không.
Chiều nay, tôi sẽ vừa nghe Kang đàn Beethoven, vừa ăn cơm trắng
với nước tương Đại Hàn. Trước khi dùng bữa, tôi sẽ mời thầy thưởng thức mùi thơm
gạo mới, như hương lòng của chính tôi, và của những đứa học trò nhớ thương thầy.-
Clara
Jumi-Kang
Con rất xúc động khi đọc bài viết, xin cảm ơn chú đã cho con cơ hội được biết thêm về cha con của một thời cha rất trẻ ❤
ReplyDelete