Phật nhập diệt, tranh Nhật Bản thế kỳ 14 - Yellow Christ, tranh Gauguin 1889
giác ngộ và hành hình trên thập tự giá
crucifixion and enlightenment
Daisetz Teitaro Suzuki (ttt dịch)
1. Mỗi khi thấy hình Chúa bị đóng đinh trên
Thánh Giá, tôi luôn nghĩ đến sự khác biệt sâu rộng giữa Phật Giáo (PG) và Thiên
Chúa Giáo (TCG). Sự khác biệt nầy cũng là một biểu tượng tâm lý tách Đông
Phương (ĐP) khỏi Tây Phương (TP).
Ngã hiện diện vững mạnh ở TP. Trong lúc ấy, ở ĐP không có ngã; mà không có ngã
thì không có gì để đóng đinh.
Có thể phân biệt
hai giai đoạn trong quan niệm về ngã. Ngã ở giai đoạn một: tương đối, thuộc tâm
lý và kinh nghiệm. Kế tiếp ngã có tính chất siêu nhiên.
Ngã
theo kinh nghiệm bị giới hạn, không có sự hiện hữu tự thân. Dù nhìn theo phía
nào, nó không có giá trị tuyệt đối vì lệ thuộc các yếu tố khác. Nói khác, chỉ
là một ngã tương đối, thành hình vì những sinh hoạt tâm lý, có tính cách giả định,
luôn lệ thuộc. Do đó nó không có tự do. Từ đâu mà có ảo giác (sai lạc) rằng nó
tự do, độc lập và hữu thực?
Sai lạc đến từ sự
thể ngã siêu nhiên bị hiểu lầm khi nó điều hoạt xuyên qua ngã tương đối; và hiểu
lầm hai thứ là một.
Ngã
tương đối, theo quan niệm nhị nguyên của Mật Tông Tây Tạng, có hai cục diện
trong các mối liên hệ, bên trong và bên ngoài. Bên ngoài mà nói, ngã theo kinh
nghiệm hay tương đối chỉ là một trong nhiều thứ ngã, nó nằm trong cảnh giới đa
dạng, không ngừng qua lại, tiếp xúc với các ngã khác, có tính cách diễn tiến.
Nhưng ở trong mà nói (hướng nội), sự liên hệ (của nó với ngã siêu nhiên) liền
lạc không thay đổi, toàn diện và hiện tiền. Sự liên lạc bên trong không thể nhận
biết dễ dàng như bên ngoài, nhưng không có nghĩa là sự nhận biết không ích lợi
gì trong đời sống hằng ngày.
Trái
lại, sự tìm gặp ngã siêu nhiên đằng sau ngã tương đối sẽ chiếu rọi vào nguồn
vô thức và giúp chúng ta tiếp xúc với vô thức. Rõ ràng, sự nhận chân bên trong
không phải là một tri thức bình thường như đối với một sự việc bên ngoài.
Sự khác biệt nầy xẩy
ra trong hai đường lối. Đối tượng tri thức thường tình nằm trong không gian và
thời gian và có thể đo lường theo khoa học. Đối tượng của tri thức nội tại không
phải là sự vật cá biệt. Ngã siêu nhiên không thể tách rời ngã tương đối mà xem
xét. Nó được tiếp xúc một cách nhất quán và trực khởi bởi cái ngã tương đối, nếu
tách khỏi ngã tương đối thì nó không còn là nó nữa. Ngã tương đối là ngã siêu
nhiên; ngã siêu nhiên là ngã tương đối; chúng không phải là một cũng không phải
là hai. Chúng tách rời nhau trong phân tích triết lý, chứ không tách nhau trong
thực trạng. Không có một kẻ đứng nhìn và một kẻ bị nhìn; người nhìn cũng là người
bị nhìn; người bị nhìn cũng là người nhìn.
Khi
mối quan hệ giữa ngã tương đối và ngã siêu nhiên không được nhận biết thấu đáo
qua trực giác, sự sai lạc, ảo giác xuất hiện. Lúc ấy ngã tương đối tự nhận có tự
do, tự sung mãn và hành động theo tư thế nầy. Ngã tương đối không có sự hiện hữu
đầy đủ của ngã siêu nhiên. Sai lạc chính là lúc ngã tương đối không thấy bản chất
của chính mình và tiếm quyền cái ngã sau lưng mình.
Nhưng cũng rõ ràng
như vầy: ngã siêu nhiên cần có ngã tương đối để có một hình thái mà điều hoạt,
nhưng không thể đồng hóa với ngã tương đối; sự biến dạng của ngã tương đối không
bao hàm sự biến dạng của ngã siêu nhiên.
Ngã
siêu nhiên là một tác nhân sáng tạo, ngã tương đối được thụ tạo. Ngã tương đối
không phải là một thứ gì có trước và đứng trước mặt ngã siêu nhiên. Ngã siêu nhiên
là mẹ của mọi điều.
Tinh thần ĐP qui kết
mọi thứ vào ngã siêu nhiên, tuy không luôn theo phương cách ý thức hay phê bình;
trong lúc TP tự gắn mình vào ngã tương đối và bắt đầu mọi việc từ đó.
Thay
vì đưa ngã tương đối vào quỹ đạo của ngã siêu nhiên (điểm xuất phát), tinh thần
TP khư khư níu kéo vào đó. Ngã tương đối, tại bản chất là thiếu sót, đã đưa đến
những sai lạc một khi TP tin nó như một thực tại hằng cửu và đóng đinh nó như một
thực tại bất biến.
ĐP không hướng về hình
tướng (corporeality) của ngã tương đối; nó hiền hòa, êm ả nhập vào lòng của ngã
siêu nhiên. Điều nầy cho thấy tại sao Phật nhập Niết Bàn một cách trong lành giữa
hai cây sa la; trong sự thương mến không những của đệ tử mà cả muôn loại, người,
không phải người, chúng sanh hay không phải chúng sanh. Ngay từ đầu không có ngã
chấp (ego substance), cho nên không cần có việc đóng đinh.
Trong TCG, việc đóng
đinh trở thành cần thiết; hình tướng (corporeality) đòi hỏi một cái chết bạo động.
Và ngay sau cái chết, việc phục sinh phải xẩy ra dưới hình thức nầy hay hình thức
nọ, vì hai việc dính liền nhau. Saint Paul nói: Nếu Christ không sống lại, thì
việc giảng đạo vô nghĩa, đức tin của chúng ta cũng vô nghĩa, để rồi chúng ta chìm
luôn trong tội trọng”.
Việc
đóng đinh có hai ý nghĩa: cá thể và nhân bản. Trong ý nghĩa thứ nhất, nó nói lên
sự hủy diệt của một ngã cá thể. Trong ý nghĩa thứ hai, nó nói lên chủ thuyết
cho rằng Jesus chết thế cho tội lỗi của chúng ta. Trong cả hai khía cạnh ấy “Người
Chết” phải sống lại. Không có sự sống lại nầy thì sự hủy diệt cũng chẳng có nghĩa
lý gì. Ý nghĩa đôi vừa nêu có thể diễn tả như sau: Nơi Adam, chúng ta chết, nơi
Jesus chúng ta sống.
Trong PG, điều cần
có là giác ngộ, chứ không phải phục sinh hay đóng đinh. Việc sống lại rất bi đát
và mang đầy đủ tính chất người, nhưng nó vẫn còn chút mùi xác thịt. Trong giác
ngộ, chỉ có tính chất siêu nhiên.
Chính
nhờ kinh nghiệm giác ngộ mà ai cũng đạt Phật tánh theo đường lối riêng hay
chung. Không riêng chỉ một người có thật trong lịch sử, tức là Thích Ca.
Việc
đóng đinh không có ý nghĩa nếu không được theo ngay sau bởi sự sống lại. Nhưng đất
trần, bụi trần vẫn còn dính tuy người sống lại đã lên trời. Với giác ngộ thì khác:
tức khắc đất trần chuyển hóa thành tịnh độ, bạn không cần bay lên trời và không
phải chờ sự chuyển hóa nầy xẩy ra trên thiên cung.
2.- Các biểu tượng TCG đều liện hệ đến sự
khổ đau của con người. Cao điểm của mọi khổ đau là việc đóng đinh trên thập tự
giá. PG nói rất nhiều về khổ đau nhưng cao điểm là ông Phật ngồi ở gốc cây bồ đề.
Christ đem theo sự khổ đau cho đến giờ chót của kiếp hiện hình trên trái đất.
Phật đến phút chót vẫn thuyết giảng về giác ngộ và im lặng qua đời giữa hai cây
sa la. Hai cây nầy thẳng đứng, trong lúc Phật nằm theo chiều ngang như chính sự
vĩnh cửu.
Christ
bị treo trên thập tự giá thẳng đứng, đầy sầu não. Theo tinh thần ĐP cảnh tượng
nầy quá bi thương và xốn xang.
Nay dùng hình học để
so sánh hình ảnh một người ngồi xếp bằng thiền định và một người bị đóng đinh. Trước
tiên, chiều đứng thẳng gợi lên ý niệm hành động, di chuyển và khát vọng. Chiều
nằm ngang gợi lên ý niệm hòa bình, sung mãn nội tâm và an lạc. Hình ảnh ngồi
cho thấy sự vững chắc, tin tưởng và bất động. Cơ thể trụ trên hai bắp vế của đôi
chân xếp chéo; trọng tâm nằm ngay dưới trụ xương sống. Đó là tư thế an toàn nhất
của giống hai chân khi còn sống. Đó cũng là biểu tượng của hòa bình, tĩnh túc và
tự tin.
Tư thế đứng thường
gợi lên tinh thần chiến đấu, công và thủ. Nó cho ta cảm tưởng về sự quan trọng
cá nhân phát sinh từ cá thể và uy lực. Khi con người bắt đầu đứng trên hai chân,
sự thể nầy chứng minh rằng con người nay khác biệt với loài đi bốn chân; và từ
nay ít lệ thuộc với mặt đất, nhờ vào hai chân trước được tự do và nhờ vào sự tăng
trưởng của bộ óc.
Sự
tăng trưởng nầy và sự độc lập vừa nêu luôn luôn đưa con người đến chỗ sai lạc rằng
từ nay mình làm chủ thiên nhiên và điều khiển thiên nhiên một cách đầy đủ nhất.
Cộng chung với truyền thống Bible cho rằng con người thống trị mọi vật, sự thể
nầy đã làm cho quan niệm thống trị toàn diện nẩy nở quá mức, qua khỏi những giới
hạn hữu lý.
Hậu
quả là chúng ta nói quá nhiều về sự chinh phục thiên nhiên, mà không nói đến sự
cần thiết chinh phục bản chất con người; trong lúc thứ thiên nhiên nầy cần được
chinh phục (điều hợp, thuần hóa) hơn bất cứ điều gì khác.
Mặt khác, thế ngồi
thiền định giúp người ngồi thấy mình không tách rời mặt đất nhưng đồng thời không bị trói buộc vào mặt đất như phải lội xuống bùn làm trâu đầm. Thật vậy, hắn ta được
nâng đỡ bởi mặt đất nhưng ngồi trên đất như một dấu hiệu tinh anh của tính chất
siêu nhiên. Hắn ta không bị xiềng vào đất và cũng không tách khỏi đất.
Ngày nay chúng ta ồn
ào nói rất nhiều về sự buông bỏ, làm như sự kết hợp, nhập cuộc là điều đáng ghét,
gây chết chóc; cho nên phải làm điều trái ngược. Mà thật ra, người ta chỉ nói mà
không dám động đến những điều đáng quí, hữu ích cho hạnh lạc xã hội và cá nhân.
Hàn Sơn và Thập Đắc hưởng thụ tự do và hạnh lạc theo lối riêng mà người ngoài tưởng
hai thi nhân thời triều đại Đường bên Tàu nầy đã buông thả. Thích Ca suốt 80 năm đi khắp nơi thuyết giảng lý
giải thoát giác ngộ cho mọi tầng lớp khác nhau về trí tuệ, kinh tế, xã hội, rồi
lặng lẽ qua đời bên bờ sông Niranjana. Socrates sinh và chết ở Athens đã dùng nghị
lực và trí huệ khai mở tư tưởng cho người đời, đã đem triết lý từ trời cao xuống
đất, bình thản uống chén thuốc độc, chấm dứt đời ở tuổi bảy mươi trước sự chứng
kiến của các môn đệ.
Chúng
ta sẽ nói gì về những cuộc đời của những vị tận dụng, tận hưởng sự thâm sâu của
nội tâm? Buông bỏ hay giấn thân? Những
chữ nầy đều không đúng để lượng giá cuộc đời chư vị nầy. Họ hoàn toàn tự do, không
bị cản trở bởi bất cứ tư lợi nào. Noi gương
chư vị ấy, giác ngộ sẽ cho chúng ta tự do và an lạc, bình yên.
3. Khi Phật đạt giác ngộ tối thượng, Ngài vẫn ở trong tư thế ngồi; không bị xiềng vào mặt đất, cũng không tách khỏi mặt đất; Ngài với đất là một, từ đất mà lớn lên và không bị đất nghiền nát. Như tất cả trẻ thơ của mọi thường dân, Ngài đứng một tay chỉ trời một tay chỉ đất nói: trên trời dưới đất, chỉ có người mới đáng quý.
PG
có ba biểu tượng về 1. Sinh, 2. Giác Ngộ, 3. (nhập) Niết Bàn. Đó là đứng, ngồi
và nằm. Như vậy PG liên hệ mật thiết với sự sống đời người qua các hình thức hòa
bình, không có dấu tích nào của hành vi chiến tranh.
TCG đưa ra nhiều điều
khó hiểu, nhất là biểu tượng đóng đinh trên thánh giá. Theo người TCG, sự đóng đinh
có nghĩa là đóng đinh ngã hay xác thịt vì không điều khiển được ngã thì chúng
ta không thể đạt sự toàn thiện luân lý.
Đây
là chỗ khác biệt giữa PG và TCG.
PG
ngay từ đầu đã nói rằng không có ngã nào để đóng đinh. Tin có ngã là khởi điểm
của mọi sai lạc nguy hại. Thế giới là một mạng lưới của những tương hệ về nghiệp,
không có một ai, một tác nhân nào đứng đẳng sau xử dụng lưới theo ý muốn riêng.
TCG
có khuynh hướng nhấn mạnh tính chất hữu hình (corporealty), từ đó có biểu tượng
đóng đinh, và có hệ luận là biểu tượng ăn thịt và uống máu, được xem như phương
pháp kết hợp thành một với Christ. Nhưng người không TCG hỏi có chăng một phương
khác để hội nhập với Christ, hòa bình hơn, duy lý hơn, nhân bản hơn, ít bạo động
hơn.
Christ
bi ám hại trên cây thánh giá dựng đứng; Phật qua đời nằm theo chiều ngang; hai hình
ảnh ấy – phải chăng? – có thể mượm tạm mà nói lên sự khác biệt giữa PG và TCG?
Chiều thẳng đứng
bao hàm hành động, chiến đấu, độc quyền (tách biệt); chiều nằm ngang bao hàm hòa
bình, bao dung, khoáng đạt. Vì có tính cách năng động, TCG đôi khi khuấy động, gây
xáo trộn. Vì có tính chất chiến đấu và tách biết, TCG có khuynh hướng áp đặt
quyền lực thống trị đối với kẻ khác mặc dù tự nhận chủ trương dân chủ và tình
huynh đệ toàn diện.
Riêng
ở khía cạnh nầy, PG đứng về phía bên kia, đối diện với TCG.
Chiều ngang theo thân
Phật lìa đời lắm lúc cho thấy sự lười biếng, lãnh đạm, sự bất hoạt, tuy PG là tôn
giáo vô cùng kiên nhẫn. Nhưng dẫu sao, PG là một tôn giáo hòa bình, trong lành,
bình an và quân bình. PG từ chối tính chất chiến đấu và tách biệt độc quyền; trái
lại chấp nhận tinh thần khoáng đạt, bao dung toàn diện, xa lìa các kỳ thị trần
gian.
Đứng
thẳng có nghĩa là sẵn sàng chiến đấu, phải túc trực vì kẻ thù có thể đánh phủ đầu
mình bất cứ lúc nào. Nhưng một khi mình thấy kẻ thù nguy hại ấy chỉ là một ảo
giác, một ngã tương đối, thì mình làm lành với chính mình và mọi điều, mọi sự để
ngủ ngon.
Những khác biệt phân
tích theo chiều đứng, chiều ngang không đưa đến bất cứ xung đột nào, nếu được
nhìn theo chiều hướng tích cực. Tính chất nằm ngang nếu vẫn giữ vĩnh viễn nằm
ngang sẽ đưa đến cái chết. Khi tính chất đứng thẳng mãi mãi là đứng thẳng cứng đờ
thì nó sẽ ngã quỵ. Theo đúng với chân lý, sự nằm ngang chỉ có nghĩa là nằm
ngang khi nó mang theo khuynh hướng trổi dậy như một đường thẳng chuyển qua thế
ba chiều. Với chiều đứng cũng thế; khi vẫn giữ nguyên trạng bất động thì nó không
còn là nó nữa, cho nên cần uyển chuyển, dung hòa quân bình với sự sinh động.
Mysticism, Christian and Buddhist
by Daisetz Teitaro Suzuki
1957
Chapter VI: Crucifixion and Enlightenment
Ann-Sophie Mutter
No comments:
Post a Comment