Doãn Quốc Sỹ
chiếc chiếu hoa cạp điều
Doãn
Quốc
Sỹ
Quê tôi cách Hà Nội chừng 5 cây số. Khi cuộc kháng chiến
toàn quốc bùng nổ thì gia đình tôi tản cư lên Nhã Nam thuộc huyện Yên Thế, Bắc
Giang. Đến năm 1948 khi cậu tôi từ Vĩnh Yên lên thăm chúng tôi lần đầu thì toàn
thể gia đình chúng tôi ai nấy đều có màu da nửa vàng nửa xám xịt vì sốt rét rừng.
Anh chị phải cho các cháu tản cư về mạn dưới như chúng
tôi - lời cậu tôi nói với thầy mẹ tôi - chứ cứ như thế này thì không chết cũng
chẳng còn ra hồn người nữa.
Sau ngót hai năm tản cư gia đình tôi khánh tận rồi. Có
lẽ vì nghĩ vậy nên thầy mẹ tôi tìm cách nói thác:
- Ngày xưa vùng Yên Thế Thượng này độc nhưng nay vì có
nhiều người lên khai phá nên khí hậu cũng không đáng ngại lắm.
Cậu tôi không chịu:
- Anh chị về Vĩnh Yên gần chúng tôi cho có anh có em,
vừa tránh được nạn sốt rét rừng vừa có cơ buôn bán khá. (Dạo đó Vĩnh Yên còn là
cửa ngõ của việc thông thương giữa Liên khu III với Bắc Việt).
Rồi cậu tôi về Vĩnh Yên. Hai tháng sau người lại lên,
nhất quyết đón gia đình tôi xuôi, nói là nơi ăn chốn ở đã thu xếp đâu vào đó cả.
Thế là gia đình tôi xuôi Vĩnh Yên, còn một mình tôi ở
lại Sở Thông Tin Liên khu III. Công tác của tôi là đi tuyên truyền mười điều
kháng chiến trong toàn huyện Yên Thế. Vì lưu động như vậy nên tôi cũng quên đi
nỗi buồn gia đình phân cách đôi nơi. Nỗi buồn đó chỉ đến thắc mắc lòng tôi mỗi
khi trở về trụ sở kiểm điểm công tác. Trụ Sở Thông Tin ở một làng bên tả ngạn
sông Thương, gần một bến đò đẹp vào bậc nhất Bắc Giang, bến đò Lục Liễu. Để
tăng phần thơ mộng cho cái tên đó tôi vẫn thường dịch nôm là "Bến đò liễu
xanh".
Thư của em tôi tới báo cho hay gia đình đã tới tản cư
cùng làng với gia đình cậu mợ tôi. Làng đó ở ngay bến Rau, bên này là Vĩnh Yên,
bên kia là Sơn Tây rất thuận tiện cho việc buôn bán.
Rủi thay, thầy mẹ tôi vừa đến Vĩnh Yên thì Pháp mở chiến
dịch càn quét khắp vùng Sơn Tây rồi thiết lập thêm đồn quân dọc theo hữu ngạn
sông Hồng từ Sơn Tây ngược lên đến Việt Trì. Các ngả đường giao thông với Liên
khu III đều bị quân Lê Dương phục kích ráo riết.
Cậu tôi đã rơi vào ổ phục kích may thoát được người. Mẹ
tôi phải ngừng chuyện buôn bán.
Nghe nói làng N.H. bên hữu ngạn sông Đáy gần chân dãy
núi Tam Đảo là một làng trù mật, chuyên bán đỗ, gia đình tôi bèn chuyển đến đây
theo sáng kiến của mẹ tôị; khi tới nơi, mẹ tôi mới thấy rằng mình đã nhầm. Trước
đấy một năm thì địa điểm này buôn bán được vì hầu như dân chúng toàn hạt Vĩnh
Yên đổ xô về để tránh Pháp tấn công, nhưng nay, tình hình tạm yên ai nấy trở về
chốn cũ, địa điểm N.H. trở lại chốn trầm mặt của chốn chuyển tiếp giữa vùng
trung du bên dưới với vùng đèo heo hút gió bên trên.
Vừa lúc đó tôi xin thôi ở sở Thông Tin về.
Mẹ tôi mừng lắm vì người vẫn thường nói: "Thời loạn
lạc gia đình nên gần nhau nhỡ có thế nàọ...". Hình như trong óc người - có
thể nói trong óc mỗi người trong gia đình tôi - đều luôn luôn lo sợ cảnh một
người bị chết vì bom đạn rồi mất xác vì gia đình không kịp biết để nhìn nhận.
Niềm vui đoàn tụ giúp chúng tôi bớt buồn nản khi thu xếp gồng gánh trở lại huyện
Yên Lạc. Lần này gia đình tôi không dám ở gần bến đò Rau nữa vì sợ phi cơ oanh
tạc, mà ở một làng cách huyện Yên Lạc chừng gần một cây số. Gia đình cậu tôi ở
ngay làng bên. Lẽ cố nhiên cả hai gia đình chúng tôi cùng nghèo túng lắm, nghèo
túng đến nỗi cậu mợ tôi, thày me tôi cũng không dám sang nhà thăm nhau, chỉ chiều
chiều ra gặp nhau trên quãng đường đá nối huyện Yên Lạc với bến đò Rau.
Tôi gặp lại người yêu cũ từ Phủ Lý (Khu III) chạy lên.
Chúng tôi thành vợ chồng, tuy có ký giấy tờ tại Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chính
Huyện - cậu mợ tôi là những người làm chứng - nhưng đám cưới hoàn toàn êm ả, y
như một đám cưới vụng trộm.
Em gái lớn tôi xoay đi buôn gạo, ngày ngày kĩu kịt đi
về 20 cây số kiếm chút lãị Ở Yên Thế tuy bị sốt rét nhưng nhà ở giữa rừng ít lo
bị địch tấn công bất ngờ; tuy cũng nghèo túng nhưng còn có đất rộng để tăng gia
rau cỏ và nuôi được lợn gà.
Về đây những buổi ăn cháo ngô trừ bữa, mẹ tôi thường
có ý khép cửa giữa lại.
Em gái tôi đã phải đi chợ thật xa để đong gạo rẻ mà rồi
tính ra lời lãi cũng chẳng được là bao. Các cụ giải thích hiện tượng kinh tế
này bằng câu: "Thóc gạo có tinh", mẹ tôi làm tương gánh đi các chợ xa
bán để kiếm thêm. Vợ tôi tạng người yếu nhưng khéo tay, không làm được việc nặng,
nàng phụ trách những việc nhẹ như rang đỗ tương, ủ mốc, pha muối vào nước
tương...
Dạo đó trường Luật mở ở gần chợ Me (Vĩnh Yên), tôi có
ghi tên theo học nốt năm thứ ba hy vọng ngày thành tài sẽ ra thẩm phán, đồng
lương họa có cao để giúp gia đình. Vì hoàn cảnh kháng chiến các giáo sư thường
từ nơi xa lại trường sở dạy liền trong mấy ngày, sau đó sinh viên tự tìm tài liệu
nghiên cứu thêm. Có khi thời gian nghiên cứu lấy dài hơn một tháng mới có giáo
sư mới. Tôi triệt để lợi dụng khoảng cách này để bon về giúp đỡ gia đình những
công việc nặng.
Mùa đông năm đó rét lạ lùng. Gió hun hút giật từng cơn
buốt như dao cắt từng mảnh thịt hở, thế mà hôm nào mẹ và em gái tôi cũng phải dậy
từ bốn giờ rưỡi sáng để sửa soạn gồng gánh ra đi. Quần áo và chăn chiếu của gia
đình tôi thiếu mất nhiều. Thằng em thứ ba của tôi có được cái chiếu rách mướp vừa
nằm vừa đắp, chân thò ra ngoài thì nó lấy rơm phủ lên.
- "Ấy cứ thế mà ấm ra phết anh ạ" - Nó vừa
cười khoái trí vừa nói với tôi như vậy.
Các em trai em gái tôi đã lớn cả, chúng tôi hầu như
thường thi đua trong việc nhường nhịn nhau. Mẹ tôi chỉ còn thắc mắc về thằng em
út của tôi. Nó còn nhỏ tuổi quá chưa thể tìm nguồn vui ở tinh thần để quên đói
rét. Tương đối với cả nhà nó được mặc lành nhất. Nó mặc cái áo đỏ chót có những
vệt chữ nho đen và những đường kim tuyến (nguyên đó là câu đối người ta phúng
bà tôi hồi chưa tác chiến). Câu đối đỏ thì may áo, còn nẹp xa teng vàng mẹ tôi
cố gạn may thêm cho nó chiếc áo di-lê*. Chúng tôi gọi đùa nó là "anh cờ đỏ
sao vàng". Đêm đến rét quá không đủ chăn ấm, nó thường khóc khậm khạch. Chỉ
cần có thêm đôi chiếu nữa thì cả nhà đủ ấm.
- "Chiếu cói kỵ gió". - Mẹ tôi bảo thế.
Nhưng đến ăn còn chẳng đủ làm sao chúng tôi mua được
đôi chiếu bây giờ?
Hôm đó suốt từ sáng sớm đến trưa phi cơ bay từng đoàn
bắn phá và dội bom liên tiếp xuống các chợ lân cận: chợ Me, chợ Vàng, chợ An Lạc...
Mọi ngày chỉ khoảng bốn giờ chiều mẹ tôi có mặt ở nhà. Ngày đó giời đã xế chiều
mà người vẫn chưa về. Toàn thể gia đình tôi bắt đầu sốt ruột tuy không ai nói một
câu.
Chiều ngả màu sẫm. Gió bấc rít trong bụi tre già làm nền
cho tiếng khàn khàn của lũ quạ lục đục trong ổ, gió bấc xoáy từng vòng cuồng loạn
dứt từng vốc lá tre, lá bưởi vàng úa rồi lại nhào vút mất hút ra ngoài cánh đồng
bát ngát hiu quạnh.
Mẹ tôi vẫn chưa về.
Trong óc tôi thoáng hiện những cảnh chợ bị phi cơ tàn
phá, những hình người không kịp xuống hầm bị đạn chết gục bên cột lều tay còn
quờ ôm những đồ hàng của mình, những hình người bị bom napalm thiêu rụi như những
thân chuối cháy đen... Và tôi vùng ra cổng.
Thày tôi biết ý hẹn với:
- Con cứ thẳng đường ra bến Rau. Mẹ con thường về đường
ấy.
Ra tới cổng làng, tôi đi như bay theo đường đã định, cổ
họng nghẹn ngào, dạ cồn lên như lửa đốt. Con đường như rộng thênh thang, cánh đồng
ngập trong bóng chiều xẫm và trong gió bấc, càng trở thành mênh mông. Tôi vun
vút nhảy qua các hố phá hoại mà đi như một bóng ma cô độc đương muốn biến theo
luồng gió.
Từ xa như có bóng người đi lại. Chắc người đó ở chợ
Rau về. Để tôi phải hỏi tin tức về việc phi cơ oanh tạc hôm nay.
Hình như trên đòn gánh người đó có vắt ngang một cái
gì.
Tôi lướt vội lên. Trời ơi, mẹ tôi!
Hai mẹ con mừng mừng tủi tủi như gặp nhau ở cửa âm ti.
Tôi hỏi: "Sao mẹ về muộn thế, cả nhà lo tưởng
phát điên lên". Mẹ tôi cho biết hàng hôm nay bán ở chợ không hết, người phải
đi sâu vào một vài làng lân cận để bán nốt. Rồi khi xuống khỏi đê, qua cái lạch
lớn, thấy có chiếc chiếu trôi, vội tìm cách vớt lên và giặt luôn bên lạch. Đó
là chiếc chiếu còn khá tốt tuy chiều rộng bị xén đi mất một phần ba.
Mẹ tôi chỉ vào chiếc chiếu phơi trên đòn gánh nói:
- Về đến nhà thì chiếu vừa khô con ạ. Tối hôm nay thằng
Tư - tên thằng em út tôi - có chiếu đắp ấm.
- Mẹ ơi, "giàu con út, khó con út", mẹ chẳng
để ý gì đến chúng con, chỉ chăm chút cho chú Tư thôi.
Mẹ tôi đi trước, gió ngược chiều nên tiếng tôi mất hút
về phía sau. Tuy nghe tiếng được tiếng không, mẹ tôi vẫn hiểu câu nói đùa. Người
vừa giữ cái chiếu vừa quay nhìn tôi mỉm cười.
Tối hôm đó khi đi ngủ thằng chú Tư được mẹ tôi đắp cho
chiếc chiếu vớt ở lạch. Chân nó thò ra một tí khiến tôi nhận thấy chiếc bí tất
cũ vàng xỉn của tôi, chỗ đầu rách được buộc túm lại để các ngón chân xinh của
nó khỏi "thoát ly" ra ngoài.
Dạo đó chỉ còn một tháng nữa là tết. Tôi lại có dịp tạm
rời trường Luật, đợi đến qua giêng mới có giáo sư. Tôi về vừa đúng lúc gia đình
đương cần nhân công xay thóc giã gạo. Vốn của gia đình tôi còn đong được năm nồi
thóc. Dùng số tiền đó làm tiền đặt, mẹ tôi có thể đong về được tám nồi. Theo
như mẹ tôi tính mỗi nồi thóc làm được lợi ít ra là hai ca gạo, vị chi với tám nồi
thóc, chúng tôi sẽ lợi ít nhất là một nồi rưỡi gạo. Cứ như vậy mà đủ việc liền
trong một tháng, nghĩa là vừa đến tết, thì chúng tôi có thừa tiền đong gạo nếp
gói bánh chưng và mua thịt cá để đón một mùa xuân kháng chiến tương đối huy
hoàng.
Chúng tôi sắp xếp ổn thỏa với các nhà có cối xay cối
giã rồi bắt đầu vào việc. Thầy tôi trông nom mấy đứa nhỏ sửa soạn cơm nước. Tôi
và thằng em giai xay thóc trong khi mẹ tôi điều khiển vợ tôi và cô em gái sàng
gạo. Xay hết thóc chúng tôi đã có gạo đem đi giã, giã đến đâu mẹ và em tôi sàng
tấm sẩy cám đến đấy. Trong khi xay thóc tôi nhẩm ôn các đạo luật, các án lệ để
sửa soạn kỳ thi cuối niên khóa. Khi giã gạo với vợ, tôi cùng nàng thủ thỉ xây mộng
tương lai. Ngày kháng chiến thành công hẳn chúng tôi đã có những đứa con kháu
khỉnh, đã trở về quê hương dựng lại căn nhà xinh, sống tự do bình dị trong tổ ấm
gia đình.
Ngày đầu chúng tôi làm được tám nồi thóc với số gạo dư
là hai nồi. Một cụ già ở đấy gật gù nói: "Vạn sự xuất ư nho, đúng thật. Học
trò thì cái gì cũng làm được. Cứ bảo người Hà nội không chịu được lam lũ!"
Ngày hôm sau có tin Pháp đánh lên Vĩnh yên. Những người
có thóc giữ lại. Mẹ tôi phải vất vả lắm mới mua được bằng giá khá cao sáu nồi
thóc để chúng tôi có việc làm.
Pháp chiếm Vĩnh Yên. Tiền Hồ Chí Minh sụt giá vùn vụt.
Vẫn số tiền cũ giờ đây chưa chắc mẹ tôi đã mua nổi bốn nồi thóc.
Quân Pháp theo sông đào tiến lên chiếm chợ Me. Dân
chúng xao xác chuẩn bị chạy. Số tiền trong tay mẹ tôi hầu trở thành giấy lộn.
Chúng tôi ăn một bữa quà bánh đúc, lúc giả tiền thấy vợi hẳn túi. Viễn ảnh những
ngày đầu xuân có gạo nếp, có thịt gà, thịt lợn bị giập vùi trong khói súng và
biến thành một điểm mong manh chết đuối giữa cảnh tàn phá rùng rợn của bom đạn
tơi bời cha lạc con vợ lạc chồng, anh em tán loạn mỗi người một phương.
Dạo đó tuy đã có phong trào "rèn cán chỉnh
cơ" nhưng chưa có cố vấn Tàu, chưa có chính sách "ba cùng", học
tập đấu tố nên mặc dầu kinh tế nguy ngập ai nấy vẫn tin tưởng ở ngày mai huy
hoàng của dân tộc, tin tưởng ở thắng lợi cuối cùng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của
già Hồ (như lời tuyên truyền phát thanh chiều chiều).
de Lattre de Tassigny
Sang hạ tuần tháng chạp, suốt ngày mưa phùn gió bấc lạnh
như cắt ruột. Không hiểu là vì rét nhiều hơn hay là vì chúng tôi đã bắt đầu giảm
khẩu phần! Chiếc chiếu mẹ tôi vớt ở lạch đắp cho thằng em út đã rách xơ xác.
Trong khi gia đình tôi giật gấu vá vai tìm cách nhường nhau miếng cơm manh chiếu
thì xảy cuộc hỗn chiến giữa quân đội Pháp và quân đội Kháng Chiến ở chân núi
Tam Đảo. Để giữ vững ưu thế quân sự về mình tại mặt trận Vĩnh Yên, tướng Pháp
De L. ** quyết định hy sinh đoàn quân hắn, và hạ lệnh cho thả bom tận diệt đôi
bên.
(Trong cái điên đảo của một cuộc thế lọc lừa phản trắc,
người ta dày xéo lên tình người, điềm nhiên hy sinh xương máu đồng bào đồng loại
nơi này cho quyền lợi thực dân, nơi kia cho học thuyết giai cấp. Tôi không ghê
tởm những bộ mặt lãnh tụ như chúng sao được?)
Từ chân núi Tam Đảo quân Pháp đánh tỏa ra ba mặt, đồng
thời từ hữu ngạn sông Hồng, một toán Lê Dương vượt sang càn quét bến Rau ở tả
ngạn. Dân chúng từ bốn mặt chạy về huyện Yên Lạc, đổ xô vào các làng. Mẹ tôi
bèn thổi cơm hàng gánh đến bán cho họ.
Trong số rất đông các người ở làng Rau mang đồ đạc chạy
đến làng Lũng Thượng, có gia đình ông Lý Cựu vốn là bà con với ông chủ nhà nơi
tôi tản cư. Ông Lý nói chuyện với thầy tôi rất tương đắc nhất là khi ông biết
tôi đương học trường luật thi ra thẩm phán.
Ông nói:
- Tôi có thằng cháu năm nay lên sáu; giời cho làm người,
sau này kháng chiến thành công, tôi nhất định sẽ gởi cháu lên Hà Nội phiền ông
bà và cậu Cả trông nom giúp cho thành thân người.
Quân Pháp sau khi từ chợ Me vượt qua sông Đáy tiến sâu
vào huyện Lập Thạch đốt phá một ngày rồi rút lui về tỉnh. Cánh quân tiến sang tả
ngạn sông Hồng đốt phá bến đò Rau cũng rút lui về vị trí cũ bên hữu ngạn. Dân
chúng chạy loạn lục tục đâu trở về đấy ngay để còn kịp sửa soạn tết.
Làng Lũng Thượng trở lại yên tĩnh.
Trưa hôm đó mẹ tôi ra phía bụi tre đầu nhà thấy cong
queo dưới hầm trú ẩn một chiếc chiếu hoa cạp điều. Đúng là chiếc chiếu của một
gia đình chạy loạn nào khi về mừng quá bỏ quên.
Mẹ tôi nói: "Thôi thế cũng là giời thương mà cho
nhà mình!"
Đã lâu lắm, đêm đó tôi mới thấy thằng em út tôi có chiếc
chiếu đắp kín chân không trông thấy đôi bí tất buộc túm chỗ rách. Sáng ra, mẹ
tôi cẩn thận gấp chiếu rồi vắt lên chiếc giây thừng căng cao ngang mái nhà. Thế
là từ đây đêm đêm nghe tiếng gió rít và những hạt mưa táp vào đầu hồi tôi cũng
yên chí cho các em đã tạm đủ chiếu nằm, chiếu đắp.
Hai ngày sau, tới buổi sớm
ba mươi tết, khi sực tỉnh, tôi thấy không khí trong làng có vẻ tưng bừng hơn vì
những tiếng bàn tán xôn xao xen với tiếng cười ròn rã ngoài đường xóm. Tôi vùng
dậy ra thẳng ngõ. Trời tuy lạnh ngọt nhưng quang đãng và êm ả vô cùng. Tôi gặp
mọi người mắt ai nấy sáng sáng ngời tin tưởng. Thì ra ở khắp các tường làng đều
đã kẻ khẩu hiệu:
"Chuẩn bị tổng phản công".
Đồng bào thủ đô bàn nhau ngày về nhận nhà nhận cửa, đồng
bào địa phương hơi có vẻ ngậm ngùi tưởng như giờ phút chia tay đã điểm.
Buổi trưa hôm đó ông Lý Cựu từ làng Rau mang theo vài
thứ xa xỉ phẩm làm quà biếu ông chủ nhà vào dịp tết. Ông Lý Cựu có xuống căn
nhà dưới thăm thầy tôi. Câu chuyện vừa xong phần xã giao thường lệ thì ông ngửng
nhìn thấy chiếc chiếu hoa cạp điều vắt ở giây thừng, ông đứng nhỏm dậy chạy lại
kéo tuột xuống nói gọn:
- Chiếc chiếu này của tôi.
Mẹ tôi chợt có một cử chỉ phản ứng của một người mẹ
gìn giữ con trong cơn nguy biến.
Người nói:
- "Ấy chiếc chiếu đó của nhà tôi..."
Mẹ tôi vốn là một Phật tử trung thành. Người chỉ nói
được đến đấy thì lương tâm Phật tử trở lại và người lúng túng quay nhìn ra ngõ.
Ông Lý Cựu thản nhiên gấp chiếu lại, cắp gọn nách rồi
thản nhiên nói:
- Không, chiếc chiếu của tôi. Tôi mua đôi chiếu cặp điều
từ năm mới tác chiến, một chiếc còn trên kia.
Thì ra đôi chiếu đó, ông Lý mang đến gửi ông chủ nhà
trong dịp vừa qua, rồi những người đến chạy loạn tự động mượn đem ra giải ở bụi
tre nghỉ tạm, lúc về vì chiếu rơi xuống hầm trú ẩn nên họ quên không trả lại chỗ
cũ.
Tuy chỉ một thoáng qua nhận biết sự thể là vậy, tôi vẫn
chưa chịu và tiếp lời mẹ tôi:
- Chiếc chiếu này mẹ mua của một người ở chợ Lầm. (Ý
tôi muốn nói người đó lấy chiếc chiếu ở đây mang ra chợ Lầm bán).
Ông Lý vẫn thản nhiên, thản nhiên một cách cương quyết:
- Không, chiếc chiếu này của tôi.
Rồi ông cắp chiếu đi thẳng lên nhà. Lúc đó tôi cũng vừa
trở lại với tôi để nhớ ra rằng cuối năm nay tôi đã thi xong, có thể ra làm thẩm
phán. Tôi thoáng nghe phía sau tiếng vợ tôi thở dài rồi quay vào buồng.
Tối hôm đó khi thấy tôi lấy chiếc chiếu rách cũ vớt ở
lạch đắp cho thằng em út, mẹ tôi chép miệng nói khẽ:
- Thôi, sang giêng trời bắt đầu ấm, vả lại cũng sắp tổng
phản công rồi!
"Vả lại cũng sắp tổng phản công rồi!" - mẹ
tôi nghĩ thật chí lý. Tổng phản công để bờ cõi được vinh quang độc lập, để mọi
người được trở về dựng lại quê hương yên vui.
Tôi hiểu khi đó hầu hết các gia đình khác cũng như
chúng tôi, chịu đựng bao nhục nhằn với những phút sa ngã nhỏ như chuyện chiếc
chiếu hoa cạp điều. Tất cả những hy sinh đó - kể cả hy sinh một chút danh dự
cho sự yếu đuối thường tình của con người - tuy dằn vặt, ray rứt mà không tàn
phá nổi niềm vui trong sáng, thanh thản của tâm hồn, vì ai nấy vẫn sống ngợp hy
vọng một ngày mai vinh quang.
Sớm mùng một năm đó mẹ tôi ra chùa lễ. Người quỳ rất
lâu trước bàn thờ Phật. Giọng người thành kính thiết tha cầu đức Phật phù hộ
cho chóng trở lại ỵên bình, gia đình được qua thì đói khỏi thì loạn.
Tiếng người khấn đôi khi nức nở. Tôi nghe, nước mắt như
muốn trào ra.
Cộng sản dìm nhân loại trong thiếu thốn để chứng minh
nguyên lý "Vật chất quyết định hết thảy". Chúng lầm! Con người càng từng
trải cảnh thiếu thốn vật chất, niềm tin và đạo đức càng được hun đúc và tình cảm
thêm dạt dào. Sau này khi về vùng quốc gia, rồi di cư vào Nam tôi còn trải qua
nhiều gian lao nghèo túng và nhiều lần bị khinh rẻ, nhưng dù nghèo túng đến
đâu, dù bị khinh rẻ đến đâu, điều đau nhục nhất với tôi vẫn là chuyện chiếc chiếu
hoa cạp điều, tuy thực tình câu chuyện chỉ giản dị có vậy.
Cách đây ít lâu khi mua được đôi chiếu hoa Phát Diệm ở
đường Hai Mươi về giải lên phản cho con nằm, tôi thấy vợ tôi chợt úp mặt vào
hai bàn tay trước bàn gương. Có lẽ nàng nghĩ đến câu chuyện chiếc chiếu hoa cạp
điều khi xưa. Chuyện đó như biến thành chiếc phao sẫm màu, bất chấp mọi giông tố
vẫn nổi lềnh bềnh trên biển, biển thời gian của đời, biển kỷ niệm của hồn. Cũng
kể từ sau ngày xảy chuyện đó, thái độ tôi đối với người đời khác xưa nhiều. Tôi
thận trọng tránh mọi thái độ hẹp hòi, kiêu ngạo, ích kỷ, sắc cạnh. Lòng dễ xúc
động, tôi thương người như thương chính thân mình vậy. Tôi thương những em nhỏ
sớm phải lăn lưng vào cuộc đời để tự nuôi sống, tôi thương những người đói khát
ham ăn ham uống, tôi thương những hình ảnh lam lũ một sương hai nắng, những
hình ảnh giật gấu vá vai, tôi thương những “kẻ thù dân tộc” hôm qua, ngày nay
thất thế ngơ ngác đi giữa kinh thành.
Ở thế giới thực dân tư bản người ta tung vật chất ra để
giam lỏng linh hồn. Ở thế giới thực dân cộng sản, người ta phong tỏa vật chất để
mua rẻ linh hồn. Cả hai cùng thất bại! Linh hồn nhân loại chỉ có thể mua được bằng
tình thương yêu rộng rãi và chân thành.
Thấy tôi hằng kiềm chế được nóng giận và nhất là vẫn mỉm
cười, khi ứa nước mắt các bạn bè thân thường khen tôi có thái độ hồn nhiên của
Trang Chu.
Các bạn yêu quý của tôi! Các bạn có ngờ chăng thái độ hồn nhiên đó là kết quả của
biết bao cảnh cơ hàn mà tôi và những người thân của tôi đã trải qua, trong đó
có chuyện chiếc chiếu hoa cạp điều!
Ghi chú của blogger
*gilet ** Jean de Lattre de Tassigny
Dốc Mơ, Ngô Thụy Miên, Ngọc Lan
================================================
No comments:
Post a Comment