Gặp nhau đầu xuân, tranh Oji, Nhật Bản 1857
Cõi Tạm
Mai Thảo
Nghỉ hè nghỉ phép,
ta thường đi chơi xa, trú ngụ tạm tại khách sạn. Dăm ba bữa nửa tháng, lại trở
về nhà. Thường khi về nhà, lọt vào khung cảnh cũ, ngả mình trên chiếc giường
quen thuộc, ta luôn luôn cảm thấy thoải mái, thú vị. Khách sạn là cõi tạm, nhà
là cõi thực. Cuộc đời này là một cõi tạm. Hầu như mọi người đều nghĩ như vậy.
Nhưng cái cõi tạm này, chúng ta tạm trú hơi lâu, quen hơi quen tiếng, nên khó rời.
Biết là tạm mà vẫn cứ thích ở… khách sạn!
Ông bạn da đen của tôi,
rất tha thiết được chầu Chúa, đạo Cơ Đốc thuần thành, Chúa Nhật nào cũng đi nhà
thờ, trong túi không bao giờ quên tờ giấy hai chục đô cúng dường, cuốn Thánh
Kinh luôn luôn đeo theo người, nói câu nào cũng mời Chúa về góp tiếng cho chắc
ăn. Một bữa, thấy ông vất vả với công việc, tôi giỡn:
“Này,
Gabriel, cuộc sống coi bộ nhiều mồ hôi quá nhỉ?”
Bạn
tôi cười nhe hàm răng trắng lạnh.
“Đời
mà! Chúa đã phán “Con phải đổ mồ hôi trán lấy bát cơm ăn”. Mình cứ phải theo ý
Chúa vậy chứ sao.”
Tôi
làm bộ tỉnh phán theo.
“Tôi
thấy cậu là con cưng của Chúa, sao không xin Chúa cất về ngồi bên chân Chúa cho
nhàn hạ cái thân!”
Gabriel
lắc đầu quầy quậy.
“Còn
sớm quá! Tôi còn mấy đứa con nhỏ phải nuôi, chắc Chúa cũng hoãn cho một thời
gian nữa chứ!”
Bạn
tôi không nói rõ một thời gian là bao lâu, nhưng bằng vào cái lắc đầu hung hãn
như vậy, tôi dè chừng chắc là phải lâu lắm!
Một ông bạn khác,
ung thư thời kỳ cuối, con cái đã chồng vợ đâu vào đấy, đời chẳng còn gì phải lo
lắng, cuộc sống rất thoải mái về vật chất, nhưng cái đau đớn của tật bệnh thật
khôn lường, chép miệng than thở khi tôi tới chơi:
“Mình
cũng tới tuổi rồi. Nhưng nếu Trời cho ít năm nữa thì quý hóa quá!”
Mai Thảo 1996, ảnh Nguyễn Bá Khanh
Sống có vất vả, đau
đớn đến thế nào chăng nữa, vẫn cứ thích bám vào cõi tạm. Sao vậy? Bởi vì cái
cõi mà người ta gọi là vĩnh hằng, miên viễn, vô ưu… ta chưa hề biết tới chăng?
Hay là bởi vì từ cõi tạm bước qua cõi thật đó, người ta phải xuôi tay nằm dưới
ba tấc đất hoặc uốn người trong ngọn lửa thiêu? Toàn những trò khó chơi cả.
Nhà
sinh học Susanne Wiigh-Maesak, người Thụy Điển, vừa phát minh ra một trò mới.
Trò này coi bộ dễ chịu hơn. Thi hài người chết sẽ được làm lạnh vô cùng nhanh đến
-18 độ C và sau đó nhúng vào nitơ lỏng có nhiệt độ -196 độ. Thi hài, sau khi được
lấy ra khỏi dung dịch siêu lạnh, trở nên giòn tan như kính và vỡ vụn thành một
hợp chất dạng bột. Tất cả số nước còn lại được hút vào một khoang chân không,
trước khi cho chạy qua một màn kim loại để lọc bỏ tất cả những vật thể còn sót
lại (những thứ cấy ghép trong thân thể) chưa phân hủy. Bột thi hài, sau đó, có
thể được thiêu đốt, hoặc được chôn trong một quách làm bằng tinh bột bắp, đặt
trong hố nông khoảng 30 phân. Sau khoảng một năm, oxy và vi khuẩn sẽ phá hủy
chúng hoàn toàn, biến thi hài trở thành cát bụi. Bà Wiigh-Maesak cho biết bà đã
đăng bạ bản quyền phương pháp này ở 35 quốc gia. Phương pháp này giúp tránh làm
vẩn đục môi trường như hai phương pháp thông dụng hiện nay là hỏa thiêu và chôn
dưới đất quá sâu làm trì trệ quá trình phân hủy.
Không phải là các
nhà sinh học, mấy ông bạn tôi cũng bầy ra nhiều cách… vượt biên từ cõi sống qua
cõi chết vui lắm.
Ông
Luân Hoán cãi cọ với… thinh không.
Không từ đất sao phải về với đất
thịt xương này không thể mất khơi
khơi
khi tôi chết xin đem giùm thi thể
chia cho thù lẫn bạn nhậu chơi.
Ông
Lưu Nguyễn cứ thiên thai lơ lửng.
Mai này ta sẽ ra đi
người ơi có nhớ có gì nhắn không
trăm năm mây trắng bềnh bồng
về nơi đã đến mà lòng thảnh thơi.
Dặn
dò rối rít xong các ông ấy đi… uống cà phê. Bởi vì cái chết vẫn chưa trong tầm
mắt. Cõi tạm này mới đích thực trong tầm tay. Tạm lâu ngày dễ có ảo tưởng đây mới
là cõi thật.
Susanne Wiigh-Maesak
Đời người được bao
lâu? Trăm năm trong cõi người ta. Trăm năm? Mấy người được trăm năm? Bà
cụ 114 tuổi của kỷ lục Guinness vừa qui tiên, nhà cầm quyền Việt Nam đang vận động
cho một cụ bà Việt nam, cũng 114 tuổi, được ghi vào thay thế. Lóng rày, coi bộ
Việt Nam ham giữ kỷ lục thế giới dữ. Hết bánh dầy, bánh chưng, bánh tét lớn nhất
thế giới (có ở đâu khác làm thứ bánh này không nhỉ?), nay muốn đầu tư vào kỷ lục
tới sự sống của con người (bệnh kỷ lục có phải là một biến tấu thời mở cửa của
bệnh thành tích ngày cũ chăng?). Kỷ lục là thứ xịn. Thường thường bực trung khó
với tới. Ông anh tôi bảo cứ sáu chục cái xuân già là gỡ đủ sở hụi rồi. Thêm được
năm nào là bonus của trời đất, cứ hân hoan mà cám ơn!
Trong cái thời gian
sống chỉ là tích tắc so với đời sống của vũ trụ, con người quậy như điên. Đủ
món ăn chơi. Kèn cựa, khích bác, tranh giành, lừa đảo, xô đẩy, chém giết… nhau.
Mỗi người cố thu vén cho riêng mình. Nhà sang, xe xịn, lợi danh, tiền bạc… Mặc
sức mà vung tay vung chân. Mặc sức mà lèn cho đầy túi tham. Nhiều người sống
trong cái sân si tối tăm trong suốt cuộc sống. Trẻ, tiết vịt còn chảy rần rần
trong người, hung hăng con bọ xít đã đành. Già, máu tưởng đã phải nhiễm lạnh mà
vẫn cứ sân sân si si phát khiếp. Như bà Margaret Ann Thomas-Irving, 58 tuổi, dân
Hartford, Connecticut chẳng hạn. Từ tháng 10/2002 đến tháng 7/2003, trong vòng
chưa đầy một năm, đã một mình cướp nhà băng tới 12 lần. Tổng cộng số tiền cướp
được là 19 ngàn đô. Vũ khí của bà chỉ là khẩu súng đồ chơi con nít, hoặc ngon
hơn, chẳng súng siếc gì cả chỉ dọa nhân viên ngân hàng là trong ví có súng là họ
nộp tiền ngon ơ!
Cướp có nghệ thuật
hơn là hai vợ chồng James Roland Clark, 71 tuổi, và Deloris Jane Clark, 66 tuổi,
dân Florida. Ông chồng xách một bao cát vào ngân hàng dọa là chất nổ, bà vợ rồ
sẵn máy xe chờ ở ngoài cửa. Cướp xong ông chạy ra phóng lên xe vù mất. Nhờ một
gói thuốc nhuộm cho phát nổ sau đó cảnh sát mới tóm được hai ông bà già chịu
chơi này.
Bà
già Connie Parker, 74 tuổi, cư ngụ ở Nassau, New York vừa trúng số độc đắc 25
triệu. Khi đi lãnh thì, sau khi trừ thuế má, bà cầm tay được 7,3 triệu. Bà ôm
chặt lấy tiền, nhất định không chia cho ông chồng Kenneth Parker, 77 tuổi, đang
bị ung thư phổi thời kỳ cuối. Ông chồng cho biết là ông đã đưa cho bà 20 đô để
bà đi mua số nhưng bà cãi lại bà đã mua số bằng tiền riêng của bà. Ông chồng tức
giận đâm hai đơn một lúc. Một đơn đòi chia tiền, một đơn xin ly dị sau 16 năm
rưỡi chung sống. Rút cục, cụ đi đường cụ tôi đường tôi, và bà Connie phải thỏa
thuận chia cho ông chồng một số tiền không rõ là bao nhiêu nhưng, theo tiết lộ
không chính thức, là một phần ba số tiền bà lãnh.
Thất thập cổ lai hy. Hiếm có thiệt! Sống
đã từng ấy tuổi tưởng tay chân đã làm biếng nhấc lên nhấc xuống, ai ngờ vẫn cứ
chụp giật như máy. Để làm chi? Ôm về cõi viên mãn chăng? Cõi bình an đó có cần
những thứ phù phiếm của cõi tạm này không?
Một
cặp vợ chồng già đã trên 80 tuổi mà vẫn khỏe mạnh. Họ ăn uống kiêng khem và tập
thể dục hàng ngày. Không may hai cụ qua đời do một tai nạn xe buýt, họ lên
thiên đàng và được thánh Phêrô đón tiếp nồng hậu. Thánh Phêrô đưa hai người đi
coi nhà bếp khổng lồ, hồ bơi, phòng tắm hơi, sân golf… Lóa mắt vì sự sang trọng
của ngôi nhà, cụ ông hỏi thánh Phêrô:
“Chúng
tôi có phải trả tiền cho những thứ này không?”
“Tất
cả đều miễn phí, đây là thiên đàng mà!”
Đến
giờ ăn, thánh Phêrô đưa hai cụ đến môt phòng ăn sang trọng, thức ăn ê hề. Cụ
ông hỏi.
“Thưa
Ngài, tất cả các món ăn này cũng miễn phí cả sao?”
“Tất
nhiên!”
Cụ
ông lại rụt rè hỏi tiếp.
“Chúng
tôi có thể ăn tùy thích, không phải lo ngại dư mỡ, đường, cholesterol chứ ạ?”
“Không,
tôi đã bảo là cụ đang ở trên thiên đường cơ mà! Cụ có thể ăn uống no say tùy
thích mà không sợ bị mập phì, đái đường hay nhồi máu tim gì cả.”
Bỗng
nhiên mặt cụ ông trở nên đỏ gay, quay sang cụ bà quát to:
“Tất
cả do lỗi của bà! Nếu bà không ép tôi phải ăn uống kiêng cữ và tập thể dục hàng
ngày thì tôi đã lên đây sớm hơn mười năm rồi!”
Cõi mông lung đó
đâu phải chỉ có thiên đường. Những nơi khác có vui như vậy không?
Hai
bợm nhậu ngồi bên chai rượu đã cạn quá nửa. Một ông hỏi:
“Ông
bạn nghĩ là có thế giới bên kia hay không?”
Ông
bạn gục gặc đầu.
“Có
chứ! Mà chắc ở bển cũng vui vẻ lắm, nhậu nhẹt lu bù.”
“Sao
ông biết?”
“Thì
ông thấy đấy. Mấy chả đi có cha nào thèm quay về đâu!”
Dương sao âm vậy…
Dân gian vẫn cứ tin như thế. Cái cõi đầy bí ẩn đó được hiểu như là một nối dài
của cõi tạm này, cũng có cuộc sống và những cung cách sống cụ thể như nhau. Vậy
nên mới có dịch vụ gửi UPS không thiếu thứ gì qua cõi mờ ảo đó. Nhà cửa, xe cộ,
quần áo, nồi niêu soong chảo, vàng bạc, tiền đô giấy lớn 100.000, và cả…. điện
thoại di động nữa! Mấy bà thương chồng cũng không quên gửi những nàng hầu trắng
trẻo xinh đẹp xuống cho các ông chồng bớt cô đơn. Dĩ nhiên, trước khi hóa vàng,
mấy bà không quên rạch mặt, chọc mù mắt hình nhân để thỏa cơn ghen kéo dài qua
hai cõi!
Tin
như thế bị coi là tin nhảm. Mê tín! Nhưng mâm cơm cúng ngày giỗ ngày tết chắc
có ý nghĩa khác. Không ai nghĩ là người từ cõi kia về ăn như chúng ta ăn (cơm
canh còn nguyên đó chứ có hụt đi chút nào đâu!) nhưng làn khói nhang ấm áp mời
người quá cố về thụ lộc được hiểu như là một cách tưởng nhớ tới người thân đã
bước sang cõi khác trước chúng ta. Tấm lòng thương tưởng của chúng ta thể hiện
qua cách cúng những món ăn mà người thân quá cố ưa thích khi còn sinh tiền.
Trong
nghĩa trang, một ông dọn cơm canh cúng trên mộ vợ. Một ông người bản xứ thành
kính đặt bó hoa trên ngôi mộ bên cạnh. Lễ bái, cầu kinh xong, ông bản xứ hỏi
ông Việt Nam:
“Bộ
ông tin rằng vợ ông có thể về ăn được những thức ăn ông cúng như vậy chăng?”
Ông
Việt Nam bình thản hỏi lại:
“Bộ
ông cũng tin rằng vợ ông có thể về ngửi được bó hoa ông đặt trên mộ kia chăng?”
Chỉ
một bước ngắn, chúng ta chuyển từ cõi này qua cõi khác. Ai cũng ngại ngần trước
nhịp bước vô định này. Cõi tạm, cõi… khách sạn, chúng ta đã quen nếp sống. Cõi
thực, cõi… nhà, chúng ta u u minh minh. Cái bước dùng dằng từ một chỗ đứng cân
bằng trên mặt đất sang chỗ chênh vênh mây trời là cái bước mỗi con người phải
trải qua. Điều chắc chắn sẽ xảy ra này chúng ta không muốn nghĩ tới. Càng thêm
tuổi, chúng ta càng làm lơ không muốn nghĩ tới. Không nghĩ thì làm sao mà hiểu
được.
Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao khi đã nằm trong đất
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi.-
* * * * * * * * * * * * * * * * * *