add this

Sunday, April 19, 2020

Quốc Học Đồng Khánh chia rẻ đôi bờ


Quốc Học Đồng Khánh chia rẻ đôi bờ
Tôn Tht Tu

Lâu lắm tôi không về Huế mà ở Huế thì cũng như không; tôi không để ý gì bên ngoài nhưng còn nhớ con đường chia rẻ "đôi ta" nó nằm giữa cuộc đối thoại: chuông QH muốn chi, muốn chi?; trống ĐK muốn chồng, muốn chồng. Con đường nầy ít ai đi nhất, mà rất kỳ cục trong thiết kế đô thị.
Trong số những khúc đường ngắn làm thành ngã ba với Lê Lợi, đoạn nầy không có ngõ mở ra. "Có lẽ", vì tôi chưa bao giờ đi qua đường cạnh hông Nhà Thương nhưng ở góc Ngô Quyền có nhà xác, cổng lớn không bít bùng như QH và ĐK.
Những đoạn ngắn nầy từ Ga có tên Nam Giao, Trần Thúc Nhẫn, Phan Bội Châu, Nguyễn Trường Tộ và tạm gọi đường Nhà Xác; thiệt ra tôi đã quên đường Lê Lai giữa ĐK và Tòa Tỉnh nhưng bị chận ở lao Thừa Phủ nên không đi tiếp đến Ngô Quyền. Gọi là đường ngắn vì công dụng phân chia các khu xây cất lớn nhưng trừ đường Nhà Xác và Lê Lai, các nơi khác được kéo dài và phát triển. Nam Giao chạy lên dốc để được nêu tên trong bài hát của Duy Khánh "dốc Nam Giao còn cao thương nhớ", nhà cửa hai bên. Trần Thúc Nhẫn có vài villa trước khi đâm xuống chợ Bến Ngự, có nhà những người đẹp Minh Đa, Kim Phú, Kim Liên, Xuân Lan, Ngọc Thắm... Trần Thúc Nhẫn tiếp nhận Phan Bội Châu. Phan Bội Châu gần Lê Lợi có vài villa kiểu tây nhìn qua hông QH, sau đó mở rộng làm đường chính cho khu Bến Ngự.

Ít phát triển nhất là Nguyễn Trường Tộ giữa hai trường của "thằng cu và con cấy". Thời xưa chửa có (không phải có chửa nhé) lon nhom, ly giấy, bao nylon, nên khúc nầy chỉ có cỏ rậm hai bên, phủ cả lề vôi và dĩ nhiên không có lối đi bộ xi măng như bây giờ. NTT sau khi làm việc phân chia, đổi hướng với góc độ rất nhỏ, mở rộng, đi thẳng qua cầu, đâm ngay vào nhà thờ Phủ Cam; nổi tiếng với tư dinh Ngô Tổng Thống.
Bức ảnh nầy tôi phải nhìn cả mấy phút, định tâm mới nhìn ra phía bên có cổng vuông kiosk là ĐK, nhưng tôi chưa bao giờ thấy kiosk nầy và đoạn tường có các hình tròn và hình như chông sắt bên trên.
Ấy là nói về thời xa xưa khi lịch sử "còn rất trẻ". Tôi còn nhớ suốt khúc đường nầy, hai trường không có cổng ra vào. Ngay cả mấy gian nhà phụ mà vách hông là tường thành cũng không có cửa sổ mở ra; lúc Khải Định còn "ở rể" thì ông tổng giám thị Nguyễn Hoài ở đây, còn thấy trong hình. Nhưng bên QH phía hông Phan Bội Châu thì có cửa cho học sinh ra vào. Ít khi thấy người đi; mà cũng ít khi chộ đoàn xe của Ngô Tổng Thống về thăm nhà ở Phủ Cam (đi lối khác).

Thời đại QH của tôi bắt đầu ở phòng học cuối trên lầu gần đường. Tôi nhìn mãi mỗi ngày sự cô tịch tuy cô tịch chẳng lạ gì ở Huế thời đó; hình ảnh tầm thường không sắc diện cá biệt chìm sâu vào lòng để về sau giúp tôi hiểu thêm ý của Lâm Ngữ Đường rằng hy vọng như con đường không có lúc đầu nhưng người đi mãi mà thành. Bước đi của nhà văn nầy là bước đi của người và thú rừng. Nhưng bước đi trên khúc đường vắng nầy là những bước rất thật trong lòng, ít nhất, của những học sinh hai trường nam nữ ngồi học trên lầu nhìn xuống.
Nhưng cảm ơn nhà thiết kế đô thị, đã - ngoài dự tính - để một chút riêng tư cho lũ học trò thời xưa, không có sự nhộn nhịp phía Lê Lợi. Bây giờ thế nào chẳng rõ làm sao. Khúc đường nầy không phải là đường em đi hằn lên bóng tóc thề, hay anh theo Ngọ về; vì có ai đi mô mà theo. Nhưng sao nó vẫn là con đường của tâm hồn khó tả vô cùng. Khi đã tan nát đời hoa, tôi đã viết một bài vè ngắn về một ngôi trường như một linh đài nhật nguyệt nơi em trì niệm tiếng nồng thơm, ngàn tu sĩ quỳ sau em học đạo. Nhưng thi cảm vẫn từ ngôi trường nầy; "má non" của tôi cũng la lết đánh thẻ mấy năm tiểu học trước khi vô Nam. Thời gian xóa bao niềm yêu thương…!?


============== === 

No comments:

Post a Comment