xe đạp xưa phanh đũa
BA BỒ TIẾNG TÂY
Tôn Thất Tuệ
Rhum Deoda . Rua lon . Bà đầm . Nhà hai xuyệt .
Mụ Đăng . Congaï...
Tiếng tây tui để ba mo, đến khi tây hỏi tui mò không
ra. Ăng lê chất đủ ba kho, đến khi Mỹ nói co dò bái bai. Nhà em muốn nói hưu
nói nai lung tung nhưng thay đổi ý kiến là nêu một số tiếng Pháp mà một vài người
quên viết ra sao. Chúng tôi thường để trong ngoặc đơn sau khi phiên âm. Một số
nay không được dùng nữa nhưng dùng khi đọc người xưa.
Chiếc xe đạp ngoài cách dùng như xe thồ là hình ảnh dễ
thương nhất ở Huế, khi hai người “đạp” (không phải đạp mái nhé) song song lên
Tra Am và Ngự Bình, xuống Bao Vinh, ghé qua Sình... Hơn phân nửa các bộ phận của
xe đạp được gọi bằng tiếng Tây.
Quan trọng nhất là ru líp (roue libre), bánh vòng tự
do, mượn từ thành ngữ “roue libre” chạy tự do như xuống dốc. Khi không đạp, xe
vẫn chạy theo trớn. Bên trong có con cóc, croquet, luôn ngóc lên nhờ một lò xo
bên dưới để móc ru líp vào sên khi đạp tới; khi đạp lui thì con cóc bị đè xuống,
và đạp lui xe vẫn không lui (antiretour). Khi con cóc liệt âm liệt dương liệt
giường liệt chiếu - để thành liệt sĩ - thì đạp lui cũng như tới xe đứng yên;
hãy đem ra Bác Xoáy, Bác Hòa nhờ lấy dây cước thép làm cái lò xo cho nó ngóc
lên với đời. Khác với roue libre, pi nhông (pignon) không có con cóc, đạp lui
thì nó lui như xe đua và xe xiệc. Dân chơi xài pignon không cần phanh, ngưng đạp
là phanh.
|
sơ đồ bên trong roue libre |
Hai chữ ‘xe cuộc’ thông dụng hơn xe đua (bicyclette de
course). Xin phân biệt với “cuốc xe”. Con trai thì thích sắm xe “demi-course”,
cái yên nhỏ như trái bắp, bánh xe nhỏ, trơn tru chỉ cần những thứ không có
không được, tuy nhiên vẫn dùng roue libre.
Ghi đông - guidon *** Phanh – frein *** Gạt đờ bu -
garde-boue *** Sên – chaine *** Gạt đờ sên (garde-chaine) *** Bót ba ga -
porte-bagages *** Pê đan – pédale *** Đề ray đơ – dérailleur *** Moi dơ –
moyeu, trục bánh xe.
Đuya ra – Duraluminum, nhôm. Duraluminum là một thương
hiệu Đức chế biến nhôm aluminium nhưng được hiểu là nhôm, nhất là trong ngành
xe đạp. Chiếc xe toàn nhôm rất quý. Thứ đến dò dĩa đuya ra. Từ thập niên 1950,
nhôm được dùng chế biến nhiều bộ phận xe đạp như ghi đông, garde boue, garde
chaine, tay phanh; dò dĩa (manivelle et plateau) không hoàn toàn sắt như xe quý
Alcyon xưa.
Một số danh tự đã phiên âm chưa hẳn là Việt hóa
Tờ re di – treillis (áo quần nhà binh nhưng được hiểu
là áo quần trận)
Bốt đờ xô – botte de saut (giày cổ cao nhảy dù)
Xắc ma ranh – sac de marin (nghĩa đen: túi xách của thủy
thủ) ai đi lính VNCH cũng biết.
Cạc bin – carabine [E. Carbine]
Ga răng – Garand, súng trường Garand
Cà nông – canon
Lon – gallon, cấp bậc. Mỗi khi lên lon đều có nhậu nhẹt,
“toi ni rua lon”
Xia ra – cirage, đánh giày cho bóng mới đi phép được.
Mề đay – Médaille, huy chương
Lính Lê Dương – Légionnaire lính trong đoàn viễn chinh
(La Légion Étrangère)
Kê pi – képi, nón nồi của quân đội Pháp.
Săn đá (đồn săn đá, giày săn đá) đọc trại chữ soldat,
người lính.
Mìn – mine
Hoa lai nhơn - glaïeul
Hoa tuy lip - tulipe
Măng cụt – mangoustan, trái giáng châu
Mac ga rít – marguerite
Đầm – dame [nhảy đầm, ông tây, bà đầm]. Bà đầm là hình
nữ thần Marianne, tượng trưng cách mạng cộng hòa Pháp, đúc trên đồng tiền gọi
là bạc bà đầm. Sử gia Nguyễn Thiệu Lâu nói chính phủ thuộc địa Pháp đã dùng bạc
bà đầm khiêu dụ đi lính đánh người Việt kháng cự như Phan Đình Phùng. Nhưng nằm
với bà đầm thì ấm, tiền nhân đã nói trước: đầm ấm như sấm Trạng Trình.
Bi đông (bình ton) – bidon
Sen đầm - gendarme
Xơ, bà - sœur , nữ tu, ngày xưa là 'nonne' gần với tiếng
Anh ‘nun’. Bà con Huế, có anh Thuận, mê bà xơ Monique gần chết.
Cơ – queue de billard, gậy đánh bi da như đuôi bò. Bây
giờ có hai chữ "cơ thủ". Cơ đờ sơ van (queue de cheval) tóc búi như
đuôi ngựa. Hắn trên cơ nên tui mất bồ. “Trên cơ” thành ngữ mới, nhớ đến “cao cờ”.
Piano à queue: dương cầm lớn nằm ngang; dương cầm nhỏ đứng gọi là piano droit.
Cơ - Coeur (tim). Hình trái tim trên con bài cơ.
Rô – carreau. Hình con bài rô. Cơ rô chuồng bích. Bích
/ pique, mũi nhọn đầu kiếm.
Ca rô – carreau, gạch men vuông. Vải ca rô: vải in những
lằn màu tạo ra những hình có góc như hình vuông, chữ nhật.
Cúp – coupe; thợ cúp, thợ hớt tóc. Coiffeur: chỗ hớt
tóc đàn ông, không thấy hiệu coupe de cheveux. Cúp ca rê: carré, tóc cắt kiểu
nhà binh, bàn chải.
Bi da – billard, xin đừng nhầm với pizza
Bi – bille như đánh bi – viết bi nguyên tử / stylo à
bille / ballpen
Bi hoặc ống buy - ống xi măng lớn hạ dần làm thành giếng,
từ “puits”.
Bơ – beurre. Trái bơ: avocado
Bồi – boy, Pháp hóa, kẻ phục dịch thuộc dân xứ thuộc địa.
Làm bồi cho tây: bầy tôi / bồi tây. Con bài bồi, ấn bản Pháp là V, valet, Anh
là J, janitor; là người bồi. Bồi bút, bồi bếp.
Phó mát – fromage
Da ua - yaourt
Sâm banh – champagne
Cô nhác – cognac như Martell. Remy Martin
Rum – Rhum nấu bằng đường mía, Saigon một thời khoái tỷ
“rum đéo đã”, Rhum Déoda.
Bit tết – bifteck
Van – vin (rouge, blanc)- vũ điệu valse. Tango,
calypso….
Ga – gare ; khác với gaz, khí đốt…
Pin - pile
Mô tô – moto, xe bình bịch; ô tô – auto
Cà rốt- carotte
Cà rem - crème
Xì gà - cigare, cigarette
Rô ti, gà - poulet rôti
La cót, trứng gà – oeuf à la coque. Coque là vỏ trứng,
đừng nhầm coq gà trống. Trứng gà luộc, lòng đỏ còn tươi, chỉ lòng trắng đông. Dọn
ra còn nguyên vỏ.
Xi vê – món nấu civet, giống như ragout và rượu chát đỏ.
Gát, nhà thuốc gát – pharmacie de garde
Sô cô la – chocolat
Xà lang – chaland, phà. Guốc xà lang, hình bầu như chiếc
chaland của nam giới, lắm khi không sơn làm bằng gỗ mứt lâu mòn.
Xà phòng – savon
Dét – phụ tùng, hàng thay thế. Pièce de rechange
Bia – bière
Cà phê – café. Café còn nghĩa là quán cà phê. Xin đừng
nhầm với cafeteria, nghĩa đầu tiên là chỗ ăn trưa của công nhân. Một thời
Saigon có nhiều cafeteria thay tên cũ như Cafeteria Hân ở Dakao.
Xi nê – ciné, cinema
Phớt – feutre, nỉ. Mũ phớt, mũ dạ, nón hướng đạo,
GĐPT, mũ phở
Rê em xê – không do tiếng Pháp mà người mình đọc ba chữ
GMC (General Motor Company) trước xe 10 bánh Mỹ viện trợ Pháp từ 1949. Rê em xê
có nghĩa là chiếc xe lớn. Nghĩa bóng: số lượng lớn. Anh ấy có một rê em xê bồ đẹp
nhưng quyết định lấy cô vợ xấu hoắc. Một rê em xê khoai sắn…
Cùi dìa – cuillière, cái thìa
Xe tăng – tank
A xit – acide
ốc xi – oxigène / hít ro: hydrogène / ni tơ :
nitrogène
banh – balle, ballon; ping pong / volley
xẹc - Cercle Sportif
xẹc – nỉ, serge. Bộ côm lê xẹc / complet en serge.
tem – timbre / tem thơ, timbre de poste / con niêm
timbre de taxe
ác quy – accu (rút gọn từ accumulateur, bình tích trữ)
xuyệt – sur, trên . Nhà tôi hai xuyệt nhưng dễ tìm. Một
xuyệt: 57/3; hai xuyệt là 57 / 3 /24. Đọc: năm bảy xuyệt (sur) ba…. xuyệt 24
Manh – (faute de) main, lỗi bóng chạm vào tay, gọi
chung các lỗi trên sân cỏ.
Ba lua – poids lourd, xe hạng nặng.
Ki lô – kilo rút ngắn từ kilogramme
Mét – mètre. Kilomètre (một ngàn mét, cây số, cư la mật)
centimètre (một phân 1/100 của mét; millimètre (1/1,000m). Bê ca đít sết: BK17,
trụ cây số 17 Borne de kilomètre 17 gần An Lỗ. BK17 được hiểu rộng là quốc lộ
Huế Quảng Trị mà Bernard Fall gọi là La Rue sans Joie (Street without Joy) làm
tên sách về chiến tranh VN trước 1954.
Lít – litre, đơn vị thể tích, lít nước mắm, lít dầu,
lít gạo.
Gam – Gramme, tem phiếu 5 gam mì chính, bột ngọt
Gam – gamme, thang âm thứ, trưởng, gamme majeure /
mineure. Luận điệu tuyên truyền: đổi gam
Num mê ro – numéro, biến nghĩa là số phận.
Cà mèn – gamelle
Bê on – vitamine B1
Vê đơ – V deux / vợ hai (flanco-annamito)
I cà rết – i grec, y, i dài
Gạt xông – garçon, con trai; tóc con gái cắt ngắn như
con trai.
Sọt – short, Pháp hóa, quần ngắn, không phải quần lót,
quần xà lỏn culotte
|
noeud de papillon |
Cà vạt – cravate, khô mực. Nơ ngang: noeud de papillon
Nơ – noeud. Nơ ngang thay cà vạt noeud de papillon.
Noeud, nơ, nút hoa bằng dây vải màu, ruy băng – ruban.
Ét ô ét – S.O.S. kêu cứu.
Ngó quanh còn nhiều lắm. Xa lông, xốp pha, xia rô, bê
tông, lò xo (ressort) trên cái giường lò xo, hai ông bà nằm co, bốn cái chân thò lò,
ông đưa tay qua mò, mụ thất kinh không cho, ông bảo đứng 'no' đã có nhà nước
no.
Với hơn 100 chữ nầy, tui đủ sức đi làm bồi cho tây.
Tôi còn biết thêm một chữ tây nữa là Congaï, số nhiều Congaïs, mẫu tự i có hai
chấm trémas. Hai chữ “con gái” đã Pháp hóa (franciser) từ lâu và vô tự vị. Danh
tự nầy mang một ý nghĩa không đơn giản như người gái trinh kia đã chết rồi, hai
con ngựa trắng chạy làm đôi. Tuy được thích nghĩa là fille annamite, sách báo mẫu
quốc dùng để gọi một số phụ nữ lấy tây chính thức và bán chính thức, hoặc giao
du với quân viễn chính. Có cuốn sách nói rằng Congaï thích qua Pháp sống và
thích trở về quê mà chết và đem theo ông chồng về đó mà chết luôn. Sách cũng
nói mấy bà nầy bỏ thuốc độc cho chồng chết khi đã tiêu xài hết của.
Ở Bến Ngự nhiều lần tôi ra quán của anh Ngạc mua cà
phê đen đem về cho người lớn uống trừ đau bụng, tôi nghe mấy cô hầu bàn nói:
“pa mỏi nháng” cho đến qúa 80 tôi mới hiểu là: ”pas de moyen”, không cách gì,
‘’no way’’.
Trước 1945, vài lần trăng sáng, tôi theo mấy chị lớn
ra “phá nhà” Mụ Đăng trong dãy liên kế cho thuê của ông Tùng, gần nhà cũ của Bạch
Yến, bà Tập; trây bùn vào tay nắm hột xoài bằng sành để Mụ Đăng về mở cửa bẩn
tay. Tôi chưa bao giờ thấy Mụ Đăng. Sau mới biết Mụ Đăng ‘’đăng xê’’ trong quán
rượu Morin, buổi tối không có nhà. Té ra lúc đó mình đã học Pháp văn từ lúc còn
nhỏ, chưa biết chữ Staline. Nghe nói Mụ Đăng người làng Chuồn. Hy vọng Mụ Đăng
sống đời êm thấm, có những lúc ngồi gốc cây me mà hát ‘La Cumparsita’ điệu
tango, không như vũ nữ Cẩm Nhung bị tạt a xít.
========================================================
|
Huế 1961 ================================ |