add this

Wednesday, May 8, 2024

Lương Quán Nguyệt Biều Huế




Cầu Bến Lội nối liền hai thôn Lương Nguyệt

Từ làng Lương Quán
Tôn Thất Tuệ
(nhân tấm ảnh đường vắng Nguyệt Biều)

Trên ảnh hay họa, chúng tôi đều thích con đường cong, ở xa kia chạy mất vào chỗ không thấy, vì nó gợi lên cái xa xôi, u uẩn của im lặng, của nội tâm. Con đường hẹp chạy về đâu sau khi qua khúc nối ngắn như bắt tay nhau chào hỏi. Bâng khuâng tự nhiên vì lắng thinh tự nó là một nỗi sầu nhè nhẹ, nên thơ và huyền nhiệm.
Tác giả tự định vị ở Nguyệt Biều cho nên chúng tôi dự đoán hai thôn Lương và Nguyệt là hai làng xưa Nguyệt Biều và Lương Quán. Cứ tạm xem là vậy mà múa bút đếm chữ ăn tiền. À mà quên nói, vườn chuối xanh tốt ứng với bài địa lý, làng nầy đất bồi, nhiều cây trái như thanh trà, đối diện với Long Hồ bên kia sông đất lở, lùi vào chân núi.
Càng nói thêm chúng tôi càng tự thấy không biết gì về Huế, sinh ra như con gà khỏi vỏ trứng; "chó ỷ thế nhà, gà ỷ thế vườn", mắt không qua khỏi vườn...

Thật vậy, chúng tôi chưa đến Nguyệt Biều, mà nói chi Nguyệt Biều, Phường Đúc cũng chưa, mà Phường Đúc có nhà thờ hệ nhì, hệ của mình. Nhưng hai chữ Lương Quán không xa lạ, mà còn quá gần.
Sau 1945, mấy đứa út được chiến tranh tha chết phân tán nhiều nơi. Chúng tôi về Bến Ngự sống trong từ đường bên ngoại, do cậu tộc trưởng trông coi. Nhà trước mặt Lục Lộ (công chánh) và cậu làm trưởng toán công nhân sửa đường. Lúc ấy các xe hủ lô còn dùng máy hơi nước, như tàu hỏa, dùng củi; thỉnh thoảng cậu đem về ít cúi dư. Khi tàu hỏa bỏ máy hơi nước mà dùng máy chạy dầu thì Lục Lộ cũng đổi xe hủ lô qua dầu. Cậu xin đem về dầu "ma dút" (mazout), kẹo đặc hơn dầu Diesel, chúng tôi thắp đèn học bài với hai anh con cậu lớn hơn đôi tuổi.

C
ho đến nay sau gần 80 năm chúng tôi không hiểu vì lý do gì làm tôi nghĩ mợ, vợ của cậu, là một trong những người đàn bà khổ nhất trên trái đất từ khi có trái đất.
Hầu như mọi ngày, cậu và hai cô con gái đầu cứ to tiếng chửi mợ đủ thứ và luôn kêu tên Lương Quán, cái làng gốc của mợ. Hai người con gái lớn nầy có bán buôn bên Chợ Đông Ba. Cứ mỗi lần phong ba trổi dậy, hai anh trai con của cậu kéo nhau ra xa như tránh tên bay đạn lạc.
Mợ già hẳn đi, tôi đoán chừng 40, nhưng đã khòm lưng. Nhà không nuôi heo nhưng mợ lụm khụm làm việc suốt ngày. Sau vườn có mươi gốc chuối, mươi cây cau. Mợ lượm mo cau, cắt lá chuối khô chụm hay cắt lá chuối xanh cho con gái đem dùng ngoài chợ. Mợ có một "vườn" môn ngọt, to bằng hai bộ ngựa, nằm ngay ản nước vì môn ngọt trồng sình. Tôi nghĩ đó là nơi mợ thích nhất vì những bẹ môn cao xanh. Vườn môn làm nhiều việc lắm; bẹ môn nấu cháo, làm dưa, môn đòn gánh là thứ tuyệt hảo dung hòa giữa bột và lá xanh. Hằng năm mợ nhổ lên hết, cắt ngang gần tận gốc, bỏ củ trồng lại để chúng không thành môn vôi.

Nói vậy thì mợ cô đơn biết chừng nào. Tôi không thấy ai là bà con xa gần bên mợ đến thăm; cũng không thấy mợ về nhà cha mẹ.
Tôi cũng cô đơn, thường theo giúp mợ, mợ sai đi mua bó chè thì đi, chẻ củi, nhổ cỏ với mợ. Trên có nói nói vườn môn ngọt. Bẹ môn cao ngang ngực, lá to như lá sen. Mợ thường bắc đòn ngồi ở ản nước nhìn ra vườn môn.
Mợ thường nói với tôi một điều nay gần 80 năm tôi mới chủ quan nói là hiểu. Đơn giản vô cùng: chụm củi ngược là điều 'không nên'. Không nên có tính cách tôn giáo, tín ngưỡng như không nên bổ báng thần linh, chửi ông bà. Trước khi chụm, phải xem củi đầu đuôi xuôi ngược ra ra sao, và phải chụm xuôi, phía dưới đun vào trước.
Tôi nghĩ - viết đến đây tôi đang khóc - người đàn bà mù chữ và bất hạnh ấy dùng trực giác mà thấy có trật tự, một thuận thảo cần tôn trọng. Nhưng trật tự ấy chỉ là ước mong vì mợ sống trong cái bất thuận thảo của chồng và con.

Mợ thường ngồi ở ản nước nhìn ra vườn môn và nhiều lần nói câu lục bát nầy:
Nguyệt Biều Lương Quán không xa
Cách một Ông Dái mà ra hai làng.
Mợ nói Ông Dái là một hòn đá rất to, trơn tru như cái trứng vịt, ai cũng xem là một ông thần, hòn đá là ranh giữa hai làng.
Túy Hồng có nói đến liên hệ mật thiết giữa hai làng; nữ văn sĩ xứ Huế diễn ta gần giống:
Nguyệt Biều Lương Quán không xa
cách một con hói mà ra hai làng.
Thiết nghĩ Ông Dái và con hói là hai yếu tố không tương phản. Các nhà Huế học sẽ cho biết nhiều hơn.
Như với 'không nên chụm củi ngược', câu ca dao về Lương Quán từ miệng mợ gợi lên nhiều suy nghĩ tâm tình.
Vâng, mợ không:
Chiều chiều ra đúng ngõ sau
trông về quê mẹ ruột đau chín chìu.
Lương Quán và Bến Ngự không phải là hai làng gần nhau trên lưu vực Hồng Hà, mà cách nhau đủ thứ kiến trúc cao thấp. Nhưng trong tâm thức, mợ vẫn vọng về cố hương Lương Quán.

C
a dao "chiều chiều" chỉ được bàn về từ ngữ và thứ luân lý sách vở chín chìu đau thương. Các luận sĩ không để ý nguyên lý rằng ngôn ngữ chính là đời sống. Nó cho thấy hoàn cảnh của người con gái về làm dâu nhà người là tách biệt với gia đình mẹ cha. Thân phận làm dâu biến thiên từ cực dương đến cực âm. Thậm tệ như con chó được nuôi trong nhà:
Chó béo đẹp mặt chủ nhà
Nàng dâu rách mát mụ gia thẹn thùng.
Mụ gia có thể đi tìm dâu để giao hết gia sản, trông coi ruộng đồng, trâu bò, nồi niêu, tiền cất, của chôn ...
Mợ cũng thuộc thân phận làm dâu, nằm giữa hai thái cực ấy. Nhưng theo ngu ý, có thể vườn môn ngọt xoa dịu phần nào nỗi nhớ nhà nhớ cố hương Lương Quán, giảm thiểu phần nhỏ khắc khoải một an bình thiếu vắng.
Mẹ chúng tôi, chú bác ruột với chồng mợ, chúng tôi nghĩ mẹ hạnh phúc hơn. 1956, mộ mẹ gần chùa Quốc Ân được dời về gần chùa Tây Thiên. Khi lấy cốt, chúng tôi tìm được một miếng vải kết cườm của đôi hài.
Tôi sống nơi từ đường nầy từ 1950 đến 1962. Ba năm cuối thì mấy người con gái của mợ không ở đấy nữa. Thỉnh thoảng cậu rượu vào thì lõm bõm vài chữ Lương Quán tặng vợ.
Tôi đi Saigon không liên lạc với Huế. Không biết cậu mợ chết lúc nào.
Chuyện về mợ không ngừng ở đấy. 2010, chị tôi cho biết mợ chết và người ta liệm và chôn mợ theo lối trừ trùng. Tôi đứng dậy, ra vườn không hỏi gì thêm. Chị tôi nay đã chết.
Trừ trùng! tôi không biết thủ tục trừ trùng áp dụng vào việc chôn liệm mợ gồm những gì. Trừ trùng là một dị đoan của thầy pháp, để trừ chết trùng của con cháu. Làm đủ thứ như bỏ bùa vào miệng, làm thứ nầy thứ khác, hòm neo thêm nhiều bận, thầy pháp hét la đuổi quỷ, lấy roi cây dâu đánh vào hòm trừ ma. Có phép yểm chôn theo một cây dao v.v....Chết rồi mà không được yên.
Nói lại, không biết họ đã làm thủ tục trừ trùng ra sao. Nhưng chắc chắn, mợ không được mang đôi hài cườm như mẹ. Tôi thương mợ như thương mẹ. Mợ làng Lương Quán, mẹ làng Dương Xuân Thượng. Hai làng không nối tiếp bằng Ông Dái hay con hói, nhưng móc nối vô hình giữa hai người đàn bà trong đại gia đình Nguyễn Trọng, Phường Phú Vĩnh, Tỉnh Thừa Thiên.







No comments:

Post a Comment