add this

Sunday, July 7, 2024

VC và Khmer Rouge (bài cũ)

 

mỏ vẹt chỉa vào Saigon

mắm tôm . mắm bò hóc 

Tôn Tht Tu

1983, tôi theo Patty Dotzenrod từ Bangkok đi Aranyaprathet để làm thông ngôn nhưng đến nơi thì không có đồng bào tỵ nạn để phỏng vấn; có lẽ cô ấy biết vì sao. Cả phái đoàn lửng thửng quanh phố nghèo, lai rai cà phê cà pháo thì có lệnh phải ra khỏi khu vực trước ba giờ chiều. Tôi về Bangkok ngủ qua đêm, sáng mai ra đọc tờ Bangkok Post thì biết chỗ hôm qua mình đến có đánh nhau giữa Khmers Rouges và nhóm Xom Xản, có hình chụp Xom Xản ngồi ghế sau Honda 75 đang di chuyển.

Chuyện nầy tôi kể làm quà khai vị, chứ thật ra nó ở vào một chi tiết rất nhỏ trong bài trích dịch về sự xung đột giữa VC và Khmers Rouges (KR) 1979. Sau khi VN chiếm hoàn toàn Cambodia, KR lập những căn cứ trên đất Thái, đánh đá lung tung, nào đánh đá với VC, nhóm Sihanouk, nhóm Xom Xản, đánh đá nội bộ. Thay vì tự giải tán, KR được Bắc Kinh và Bangkok hổ trợ lập mật khu trên đất Thái dưới danh nghĩa tỵ nạn. Tôi quen một người Mỹ lúc ấy đứng đầu Frontier Operation chuyên chở gạo lên biên giới cho từng đoàn dân Khmers qua đất Thái rồi trở về; hết gạo lại qua. 

Chúng tôi trích dịch chừng 1/5 một bài rất dài về VNCS và Cambodia của Yves Lacoste xuất bản tại Pháp năm 1989 trong tập san tam cá nguyệt Hérodote mà ông làm chủ bút. 

Bài lược dịch có ý chính như sau: căn cứ vào phương pháp văn hóa chính địa và lịch sử, học thuật đi đến giả thuyết rằng VNCS chỉ có một lý do duy nhất để tấn công ở mức độ vô cùng rộng lớn Cambodia là không để cho Khmers Rouges tấn công từ khu mỏ vẹt cách Saigon dưới 50 km như ngòi nổ làm nổ thùng thuốc súng Saigon vì thế lực chính trị kinh tế của Hoa kiều Chợ Lớn, các giáo phái, dân chúng bất mãn.

Dễ người dễ ta. Nếu đầu chóp mỏ con vịt gần Saigon dưới 50 km (35 miles) thì nó chỉa vào đất địch như một cul de sac; đối phương ở hai bên bắn vào hay thắt miệng túi càn khôn thì vịt chỉ làm tiết canh mà thôi.

Ngạc nhiên Yves Lacoste có nói toàn vùng Đông Dương thuộc Pháp mà không đặt vấn đề Miên Việt hiện đại trong khung cảnh Đông Dương. Thực tế, VN dù quốc gia hay CS, không thể ở yên nếu Cambodia là một đối thủ tiếp tay cho các thế lực muốn nhai nuốt VN. Miền Nam mất là vì từ 1954, Cambodia đã theo phe trung lập thân cộng. Sihanouk ký mật ước cho VC dùng hải cảng duy nhất Kompon Som bốc dỡ vũ khí tiếp liệu chuyển đến biên giới, quân đội Miên bao thầu để ăn công; mật ước nầy cho dùng lãnh thổ Miên làm đường chuyển quân và tiếp liệu. Nhờ đường nầy mà VC chiếm cao nguyên Boloven. (Qui tient Boloven tiendra l’Indochine - ai chiếm Boloven sẽ chiếm Đông Dương). Nixon đã cho dội bom triệt hạ mật khu trên đất Miên nhưng sau đó hậu cần nầy được xây dựng tối tân hơn để đánh đòn quyết liệt vào Bình Long, Phước Long, Xuân Lộc. Xe tăng vào Saigon qua đường của ông hoàng cho mượn. Tuy chú trọng chính địa, tác giả chỉ nói KR chống Sihanouk mà Sihanouk đang cho VC mượn đường, ông không quảng diễn về quân sự ở điểm nầy.

Trước 1954, sân khấu chính trị quân sự chính yếu là VN thế mà Việt Minh không chiếm nhiều đất, lại chiếm rất nhiều đất của Miên và Lào. Vùng biên giới Lào Thái là một khu kinh tế, và cũng nhờ đó mới có thể chuyển vận quân đội ở Điện Biên Phủ 1953. Mặc dù Trung Cộng giúp nhiều vũ khí cho Pathet Lào, Việt Minh hoàn toàn chi phối phong trào CS Lào. Theo mệnh lệnh của VM, hoàng thân Souvanouvong lập đảng CS Lào, lấy vợ VN. VM muốn “thực dân” (coloniser) nhiều hơn xưa, khi thúc đẩy phong trào Tây Tiến. Như vậy, Lào đã giúp rất nhiều để VM chiếm giữ phía bắc vỹ tuyến 17 năm 1954; Lào tiếp tục cho mượn đường xâm nhập theo đường Trường Sơn. Cuối đường này là lãnh thổ Cambodia. Lãnh thổ của Sihanouk là – không phải duy nhất – một trong những điều kiện tiên quyết để chiếm miền Nam, như dàn phóng hỏa tiển vào Saigon.

CSVN không đủ phương tiện để có một nhánh CS thân thiện chiếm Phnom Penh; rất sớm KR đưa ra chủ trương quốc gia Miên quá khích chống Hà Nội. Hà Nội không muốn KR đóng lại vai trò Sihanouk quấy phá VNCH xưa.

Cuốn sách Les Miracles françaises en Indochine xb 1930 ca ngợi những phép lạ của người Pháp có kể phép lạ hòa bình Đông Dương nhờ chính sách cai trị của các quan toàn quyền, giữ cho các xứ không đánh nhau hay bị ngoại xâm. Pháp muốn Union Indochinoise thành một quốc gia xây dựng trên nền văn hóa Pháp; dân chúng ba miền đi lại tự do không phải trình giấy tờ ở biên giới.

Người VN không đồng ý và muốn có một quốc gia thống nhất ba miền, khác biệt với Miên Lào. Phạm Quỳnh đã dùng chữ nghĩa để phân biệt. Ông nói Indochine gồm “Indo” và Chine. Indo là Lào và Miên trong ảnh hưởng Phật Giáo Theravada, Pali và Sanscrit; Chine là VN với văn hóa Trung Hoa và Hán tự như Đại Hàn và Nhật Bổn. Cuộc vận động nầy gián tiếp làm nẩy sinh các hình thức quốc gia của Miên và Lào nhưng ba xứ sẽ hòa hợp trong một khối thịnh vượng chung (a commonwealth) chứ không phải liên bang, sống riêng hay sống chung chẳng sao, miễn là hòa bình với nhau.

Lào và Miên cũng bắt đầu xác lập tư cách quốc gia, và chống đối việc “thực dân trong thực dân” của người Việt và đã có các cuộc nổi loạn chống VN trong những năm 1930 và 1931. Nhưng người Pháp đã tìm mọi cách không để Đông Dương thành một chiến trường; xứ quan trọng nhất là VN không bị hai xứ kia quấy nhiễu.

Một cách tổng quát, ổn định của VN chỉ có thể duy trì khi ổn định toàn Đông Dương được duy trì dù với phương tiện nào.

Không như Yves Lacoste nhận xét, Cam bốt đã tấn công và chiếm nhiều nơi khác như Phú Quốc, Thổ Châu, sát hại người Việt đến số ngàn (sau đó bị đẩy lui). Chưa có đụng độ trong khu mỏ vẹt thuộc Vùng 3 Chiến Thuật xưa.

Như trên đã nói, khu mỏ vẹt như cái túi, cul de sac, dễ bị túm đầu. KR đã đánh trận lớn ở Tây Ninh nhưng không ở trong vùng nầy. Nhiễu loạn từ KR xẩy ra ở biên giới vùng châu thổ, dễ bề tiến thoái. Ngày 18.04.1978, KR đã chiếm xã Ba Chức, quận Tri Tôn Châu Đốc, cách biên giới 7 km và đã giết sạch dân chúng, chỉ có HAI người sống sót, với 3.157 tử vong, tương đương số nạn nhân Mậu Thân Huế do tay VC làm ra.

Hà Nội cho biết từ lúc ấy Pol Pot đã chuẩn bị 10 sư đoàn đột nhập VN và Hà Nội xuất quân ngày 07 thg 12.1978 để chiếm cả nước Cam bốt trong vòng một tháng, trong chiến lược lấy công làm thủ.

Nhưng về chính địa (geopolitic) chóng hay chầy, Hà Nội, bằng mọi phương tiện, không để yên cho KR làm chủ Phnom Penh, ăn rồi chỉ mài gươm mài dao chỉa vào nhà hàng xóm. Hy vọng lối nhìn của chúng tôi thực tế hơn Yves Lacoste.

 

VC  Khmers Rouges

Yves Lacoste

Từ khi Khmers Rouges (KR) chiếm quyền, bang giao Việt Miên trở nên xấu xa nhất. Mới trông rất nghịch thường vì cả hai xứ vừa chuyển qua giai đoạn CS và hai đảng CS Miên Việt theo nguyên tắc là đồng minh, là anh em. Học thuật có thể làm sáng tỏ những nguyên nhân sâu xa của cuộc tương tranh nầy qua sử ký và địa dư và qua các dạng thức kinh tế và hành chánh Đông Dương thời thuộc địa.

Pháp đã nhập chung vào khuôn khổ một Liên Quốc Đông Dương các lãnh thổ chiếm đoạt là Miên, Lào và Việt. Tuy vậy đặc biệt ở VN, việc thuộc địa mới thiết yếu, đem lại nhiều hậu quả quan trọng, chứ còn hai xứ kia không làm gì nhiều cho đại cuộc. Vì vậy, những phong trào chống đô hộ thực dân mang nhiều tính chất VN hơn cả. Khi phong trào CS xuất hiện giữa hai thế chiến, đảng CS Đông Dương được thành lập nhưng cốt lỏi đảng viên đều là người Việt. Năm 1945, HCM giải tán đảng nầy và lập ra một đảng CS VN và một đảng CS Miên nhỏ hơn mà đa số đảng viên là người Việt qua Miên làm việc cho các công ty thương mãi thuộc địa.

Một đảng CS thực sự của Miên được phát triển chậm hơn, từ thập niên 1960, vào thời kỳ Trung Cộng đóng vai trò quan trọng trong phong trào CS quốc tế và bắt đầu đối kháng Liên Xô. Do đó, khác với trường hợp VN có nhiều liên hệ bền vững và lâu năm với Nga, nhóm CS mới người Miên, Khmers Rouges, chỉ giữ mối quan hệ với Trung Cộng. Đấy cũng là phương tiện để thoát cảnh đàn anh VN đè đầu và khai thác các bất đồng.

Trong thập niên 1960, KR bắt đầu một loạt chiến dịch chống Sihanouk đang trị vì ở Phnom Penh. Lúc ấy CS VN ủng hộ mạnh mẽ ông hoàng vì được phép mượn vùng đất phía đông Miên làm đường xâm nhập Miền Nam VN, là vùng tiếp giáp với đường Trường Sơn.

Những móc nối bên trong nầy, tuy ít được biết đến, đã gây nhiều hậu quả bền dai và được che dấu để tránh phương hại liên hệ Hoa Việt. Nhưng từ chiến thắng chung 1975, tức thì trổi dậy những mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa hai đảng CS Miên Việt, đồng thời có bất hòa Hoa Việt.

Đối với Tàu, việc triệt thoái của quân Mỹ (mà Tàu đã giúp thành tựu từ 1972) có nghĩa là Tàu sẽ tái lập vai trò lịch sử và quyền uy ở ĐNÁ.

Tại Cam bốt, KR vì lý do ý thức hệ và chính địa, thích Bắc Kinh không thích Hà Nội. Theo KR, chủ trương quốc gia quá khích chống VN sẽ có số đông dân chúng Miên hưởng ứng. Dân Miên lúc ấy buộc thi hành đường lối tập thể hóa bắt chước khuôn mẫu Tàu nhưng được đẩy mạnh quá xa và bạo động tối đa.

Tuy nhiên, KR không đồng tình chống VN, hơn nữa, trong nội bộ nhiều nhóm chống nhau giành quyền điều khiển quốc gia, thậm chí có nhóm còn nhờ VN giúp sức hạ bệ Pol Pot. Nhưng Pol Pot nhanh tay hạ sát hết các đối thủ. Pol Pot cũng ra lệnh tàn sát bất cứ ai có liên hệ với người Việt, bà con thân thuộc với người Khmer Knom, tức là nửa triệu người Miên tiếp tục sống trên đất Việt theo biên giới người Pháp ấn định. Năm 1977, Hà Nội đã dùng thành phần Knom nầy và những người KR bỏ ngũ thành lập phong trào nhằm lật đổ Pol Pot và tách Cam bốt khỏi bạo tàn KR.

Cuối năm 1978, VN hành quân tấn công và chiếm toàn lãnh thổ Cam bốt. Hành động quân sự với tầm mức như thế không thể làm dư luận thế giới khỏi sửng sốt; hơn nữa là chiến tranh giữa hai quốc gia XHCN. Trung Cộng phải kết án chủ nghĩa bá quyền của VN do Liên Xô xúi dục. Ngạc nhiên ở điểm sự đe dọa của KR chưa đến mức thậm nguy phải hành động triệt để thế ấy, không kể nguy cơ Trung Cộng có thể viện binh ồ ạt đến Cam bốt và VN đối đầu hai phía địch.

Tuy vậy, Hà Nội vẫn quyết định chiếm toàn cõi Cam bốt. Hẳn rõ Hà Nội có những lý do khác.

Giới quan sát có thể nhận ra sau khi phân tích tình hình chính địa của vùng đất xưa kia là VNCH. Trước tiên hãy biết rõ về lằn ranh giới giữa hai quốc gia, đặc biệt trong lưu vực Cửu Long. Lãnh thổ Miên có chỗ dôi ra hết sức đáng chú ý, mệnh danh là khu mỏ vẹt (bec de canard, mỏ vịt). Xuất phát từ vùng nầy, các cuộc tấn công hay xâm nhập xẩy ra cách Saigon dưới 50 km. Khu dân cư đông đảo thị tứ nầy nầy có 3 triệu người mà một phần rất lớn là người Tàu Chợ Lớn. Người Tàu đã đặt chân từ thế kỷ 17 gồm những thành phần không chịu thần phục nhà Mãn Thanh.

Người Tàu Chợ Lớn và lục tỉnh vẫn thường xuyên liên lạc với Hoa Lục cộng sản và các cộng đồng Tàu khác ở ĐNÁ. 1975 trong khi miền Nam rụng rã, người Tàu Saigon Chợ Lớn vẫn nuôi ý nghĩ rằng HK sẽ can thiệp trở lại và để tránh đổ nát cho đô thành nầy, các phe phái sẽ đồng ý cho Saigon trở thành một thành phố tự do, một Hongkong mới, một Singapour mới. Thực tế không thế. Tuy vậy, một số Hoa nhân tin rằng những biến cố mới có thể làm sống dậy viễn tượng nầy.

Người Tàu, (trước 1975 nắm giữ hầu hết các sinh hoạt thương mãi, tài chánh và kỹ nghệ) nay hết sức bất mãn vì chính quyền CS đã tịch thu gia sản và cơ nghiệp. Tập thể Hoa kiều nầy còn hốt hoãng thêm với tin đồn tuyên truyền của Trung Cộng rằng VC sẽ ra lệnh tàn sát hằng loạt như các pogrom dành cho người Do Thái. Tình hình sẽ đưa đến nguy cơ nổi loạn.

Chiến thắng 1975 là chiến thắng quân sự, không phải là chiến thắng chính trị. Từ khi HK chấm dứt viện trợ, dân chúng thiếu kém mọi bề và sống trong sự bức bách của công an. Chính quyền mới không nhân nhượng những người đã làm việc cho chính quyền cũ và phái bộ HK.

Saigon là một kho thuốc súng có thể bùng nổ bất cứ lúc nào mà ngòi nổ chính là các cuộc tấn công của KR từ vùng mỏ vẹt kế cận. Thêm nữa, giữa Saigon và biên giới là vùng đất sống của đại đa số dân chúng miền Nam; nổi loạn có thể xuất phát từ đây. Thành phần dân số ở đây về văn hóa khác biệt với các nơi khác. Vùng nầy có người Khmers, có người TCG di cư và các giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo. Các giáo phái nầy thành lập từ đầu thế kỷ 20 bắt đầu dung nạp những dân quê từ miền Bắc vào, vì nghèo bị bỏ rơi, và khốn khổ vì nạn cho vay cắt cổ. Đến giữa thế kỷ 20, vì ý thức hệ và chính trị, các giáo phái trở nên chống cộng từ tâm thức và đã truy nã VC giữa hai cuộc chiến Đông Dương, 1945 đến 1975. Các vùng thuộc quyền kiểm soát của hai nhóm nầy không bị tàn phá vì oanh tạc không quân.

Ở Miền Nam, địa dư văn hóa không xa lìa địa dư chính địa. Thật vậy, sau thảm bại bất ngờ của VNCH 1975, các giáo phái phải từ bỏ chiến tranh công khai. Nhưng năm 1978, lãnh đạo CS lo sợ rằng Cao Đài và Hòa Hảo sẽ cầm súng trở lại, hòa điệu với cuộc tấn công rộng lớn của KR từ biên giới.

Nhận xét trên đây về tình hình miền Nam 1978 có tính cách chính địa cho phép các quan sát viên đưa ra giả thuyết rằng chính quyền đương cuộc Hà Nội quyết định tấn công toàn diện Cam bốt là vì muốn ngăn chận cuộc nổi loạn trong Nam, hơn là vì mối đe dọa biểu kiến của KR.

Trong ba thành tố (Hoa kiều Chợ Lớn, các giáo phái, KR) yếu tố áp lực quân sự của KR dễ giải quyết nhất, chỉ cần một cuộc hành quân có chuẩn bị đầy đủ.

(Nguy hiểm KR đã dẹp yên), cuộc nổi loạn không xẩy ra. Sau đó, hàng ngàn hằng vạn người phải ra đi trong những điều kiện xấu xa nhất. Vụ Cam bốt chưa xong, tiếp tục làm tâm điểm chính địa ĐNÁ.

(Tính đến số báo nầy) nay đã 10 năm từ khi quân VN chiếm đóng Cam bốt. Sự hiện diện nầy không cần thiết nếu KR tự giải tán và không rút lui vào các mật khu biên giới Thái Miên. Thật vậy, mặc dù thế giới đã tìm thấy bằng chứng tàn ác vô biên của tay chân của Pol Pot, chính phủ Bắc Kinh vẫn ủng hộ KR với sự đồng lõa của Thái Lan. Bangkok cho phép KR thành lập các căn cứ dọc theo biên giới, dưới danh nghĩa trại tỵ nạn. Đối với người Thái, đấy là cơ hội để một lần nữa can thiệp vào nội tình Miên, tiếp tục từ mấy thế kỷ trước cho đến cuối thế chiến 2 đã sáp nhập nhiều tỉnh của người Miên.

Đáng ngạc nhiên thêm nữa là HK – liên hệ mật thiết với Thái Lan và biết rõ hành động của KR – vẫn ủng hộ chính sách biên giới của Thái Lan và duy trì ghế đại diện của Pol Pot tại Liên Hiệp Quốc.----

============================================== 

Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Saigon

====================================


No comments:

Post a Comment