CHỢ HUẾ tranh HIẾU HỒ
Tôn Thất Tuệ
Xin mời xem họa phẩm của Hiếu Hồ "Chợ Huế".
Màu đen không tụ thành một khối như áo hồng của cô gánh chuối. Màu nầy ở khắp nơi: quần lãnh đen, mái tóc đen, bóng đen dưới nón ... Màu đen dàn ra như một thế trận, như cái mâm đồng bên trên có những hoa màu. Mạn lưới nầy như trọng lực giữ cho mọi vật không bay lơ lửng tầng không và duy trì một bố cục ăn khớp. Màu đen còn nói thêm độ đậm của các màu khác cũng như chiều sâu nội tâm của tác giả và người xem. Các màu không chói lọi mệt mắt, không dùng màu nguyên, mà dùng màu pha. Màu sắc hài hòa, có trật tự như bố cục của âm nhạc.
Màu sắc phối hợp là như thế. Nhưng thực tế các chợ kể cả chợ Huế có màu sắc như vậy không? Câu hỏi nầy đặt đúng cho ngành nhiếp ảnh nhưng không xẩy ra cho hội họa; nếu hội họa đưọc tự do diễn tả những cảm quan vượt trên thị giác. Tuy có phần trừu tượng, trực giác cho thấy hội họa muốn nói đến một sự có thể là, có thể hiện diện (something that could be; quelque chose qui soit).
Một cái nhìn lồng vào cái nhìn của giác quan, có người nói là 'metaview'; nhìn bên trên như metaphysic, siêu hình học, nhìn khác như khuôn mặt góc cạnh lập thể.
Quý vị đã không phạt trách chung tôi với câu thơ: bầy chim là hạt đậu, nét trầm tư là mạch máu của loài hoa; thì xin quý vị cho phép Hiếu Hồ mặc cho các phụ nữ gánh gồng, buôn thúng bán bưng những chiếc áo màu xinh tươi. Màu nơi y phục tỏa ra từ những tâm hồn rất đẹp trong vườn hoa của nhân loại.
Các nhân vật nầy đã, đang và sẽ là những bà mẹ. "Con ơi, mẹ là Thượng Đế, cho con nguyên lý cuộc đời" (nguyên lý yêu thương, Phạm Thiên Thư). Các người nầy sẽ mặc áo gấm về làng chung của loài người.
Lần trước chúng tôi đã 'share' bức hình vào FB riêng và ghi những ý nghĩ như trên. Một thân hữu thẳng tính đã trách tác giả và người share cố ý đánh bóng chế độ. Ai cũng quần rách áo xơ, áo đen nâu làm chi có bà bán gạo mặc áo gấm vàng?!
Chúng tôi không ngạc nhiên, những xét trong thời đại đã bị điều kiện hóa bởi tình thế, không nên trách. Theo báo chí bây giờ là vũ khí hóa (weaponize) các chủ đề để tranh thắng thua. Nhưng rất tiếc sự việc đã ngăn chận những cảm quan nghệ thuật. Chúng tôi đã nhiều lần bị "bắn". Một lần chúng tôi mượn ý niệm hoa tạng của Phật giáo mà viết: cho hoa nở ngoài vòng sinh diệt, thì có một nhà văn khuyên tôi nên đi mua hoa plastic để hoa không tàn phai rơi rụng.
Chúng tôi xin tự lộng quyền mà nói bức tranh Chợ Huế nầy là một ước mơ hòa điệu như Cung Tiến ước mợ "thời hoàng kim xa quá, biết đến bao giờ tái sinh cho người". Thế rồi Hiếu Hồ đến gần với nhac sĩ nầy. "đời lập tự những hoang sơ", hoang sơ như ngồi trệt xuống đất, trân quý những thúng gạo, hột ngọc của trời.
Bên trên đã nói đến một khả thể có thể đến (something that could be; quelque chose qui soit) nay thì nói thêm chút nũa, bức tranh trình một ước nguyện thái hòa, nó trở thành một điều phải có (something that should be, quelque chose qui doit être). Đó là nhiệm vụ của nghệ thuật, triết học và tôn giáo trong đó có hội họa.
No comments:
Post a Comment