add this

Friday, May 9, 2025

tạ ơn đời tạ ơn mẹ

 


Mẹ làm gai nở hoa, tranh 1910, Kay Nielson
Tạ ơn Đời, tạ ơn Mẹ
Tôn Thất Tuệ
2010
Theo kinh Niết Bàn, lấy tất cả vũ trụ vo thành trái cau còn dễ hơn nói cho hết việc sinh (và tử); sữa con bú vú mẹ nhiều hơn nước biển và nhiều ví dụ khác. Sự đầu thai đã có trong hiện tại khi con người mang những dấu tích di truyền của bố mẹ.

Trong sự sinh thành vô tận của vô số cảnh giới của thời gian vô thủy vô chung, có sự sinh thành trên quả đất của chúng ta trong đó người mẹ đóng vai trò quyết định. Dĩ nhiên tất cả đều phải có phối hợp âm dương. Trong thống kê, đàn bà sống lâu hơn đàn ông, kể cả trong các xã hội đàn bà đàn ông đều có quyền hút thuốc uống rượu và xả láng mọi thứ như nhau. Trẻ chết lúc sinh nhiều nhất là con trai.

Nhìn vào thế giới thú vật, con cái bảo vệ và nuôi dưỡng lứa mới sinh. Ngay trước khi sinh, chúng đã tìm nơi an toàn, theo khả năng nhận thức của chúng. Có những côn trùng lúc sinh nở có nhiều chất độc để tấn công kẻ phá hoại gia cang.

Trở lại thế giới người. Hoàn cảnh khó khăn nhất là lúc nguy khốn về tài chánh biểu lộ bản năng - hay ý thức tùy bạn - của người mẹ. Điều đó làm cho con cái thấy rõ sự hy sinh. Lại càng thấy rõ khi người cha vắng bóng vì bất cứ lý do gì.

Con ơi mẹ là Thượng Đế, cho con nguyên lý diệu vời; đó là ý chính của bài đạo ca, thơ của Phạm Thiên Thư. Nguyên lý diệu vời ấy là nguyên lý yêu thương, mẹ truyền cho con qua dây rún. Nhưng khi thực phẩm vật chất và tinh thần không còn đi qua dây rốn ấy, mẹ vẫn tiếp tục cho con tình thương và ý niệm ngoại vật. Hình tròn của vú mẹ, nét hình cung thân thể mẹ tạo cho con ý niệm ngoại vật qua xúc giác. Trẻ thơ thích hình tròn không thích hình vuông.


Và thực phẩm mẹ cho ăn, nếu không phải là một nguyên lý sống, là một nét vẽ trên cuộc đời không bao giờ phai. Một nhà dinh dưỡng Pháp nói: con người có thể quên tổ quốc, tôn giáo, ngôn ngữ ... quên tất cả trừ món ăn đầu tiên trong cuộc đời, do mẹ cho.

Tôi đã đi săn sóc một người già tê liệt nhưng ông ta rất thích thú khi bà vợ cho ăn McDonald. Bà vợ cho biết ông ăn hamburger từ khi mới biết bò. Một người già lúc nhỏ theo cha qua Nga; khi Nga sụp đổ ông trở về Chicago đã 70 chỉ mong ăn junk food. Montaigne, triết gia Pháp, lúc còn rất nhỏ về sống ở vùng quê nơi đó người ta bỏ tỏi vào sữa mà uống, từ đó suốt đời ông cứ dùng món nầy với cái mùi khó chịu trong xã hội quan cách Paris.

Tôi không phải là bác sĩ nhưng học ở Oshawa rằng nước miếng là một vị thuốc nên ăn gạo lức muối mè mà nhai thật nhuyễn đó là thần dược. Bây giờ nói đến cơm mem, e nhiều người ói mữa trong cái vệ sinh hiện đại. Nhưng nhai cơm rồi đút cho con là bài học của chim, nhai nhỏ côn trùng rồi mớm cho con. Cùng với sữa, nước miếng tạo nên những kháng thể tự nhiên trước khi có chủng ngừa.

Nếu ta quan niệm tính chất tự nhiên là điều quí hóa, mẹ là điều tự nhiên lớn nhất, bao trùm nhất. Mẹ cho cả chủng tử, mẹ nuôi chủng từ ấy bằng chính thân xác mình bằng bàn tay khổ cực của mình. Bàn tay mẹ vo gạo, sinh tố trong cám làm da mẹ mịn như công chúa tắm sữa, mà chất chua chất phèn trong đất trong bùn khi mẹ đi cấy hay trồng khoai đã làm da mẹ nứt nẻ, gót mẹ không hồng nữa như ngày xưa.
Trên đường du thuyết, Phật thấy một đống xương khô, bèn ra lệnh đệ tử đem chôn theo tập tục xương đàn ông riêng, đàn bà riêng. Môn đệ hỏi Ngài làm sao phân biệt; Ngài chỉ cho rằng xương đàn bà có vết đen là dấu tích cực nhọc cho con bú và nuôi dưỡng. Tuy là ẩn dụ, chuyện xương đen ngày nay được chứng minh đúng bởi y học. Văn chương VN có nhắc đến điển tích nầy.

Nhưng rồi người ta cũng không để mẹ yên như người ta không để yên thằng bờm có cái quạt mo. Người ta đã dùng cái gọi là duy vật biện chứng, để nói thế nầy thế kia. Thật ra người ta chỉ nói cho qua việc để thực hiện mục đích là hủy bỏ tất cả các giá trị luân lý, dân tộc, những quan niệm ăn sâu vào sự suy nghĩ như thằng bờm, nhưng phải nói cho nó nghe có vần có lối, cho có vẻ triết học.

Họ nói mẹ ta sinh ta là kết quả của một sự truy hoan, chung đụng thân xác. Có tin như vậy, có tin một cách ngây ngô như vậy, đứa trẻ mới chấp nhận sự sắp xếp của nhà nước mà đấu tố cha mẹ như Nguyễn Mạnh Tường đã viết. Câu chuyện không phải là chứng minh đúng sai mà vì một kết quả. Người ta cho phép nói đủ thứ, không kể trước sau, xuôi ngược miễn là đến kết luận Kiều là bông lài cắm bãi cứt trâu trong chiến dịch bài trừ những giá trị cũ.

Nhưng xem cái ngoành ngoạch ấy, ta thấy dẫu sao họ cũng bị lôi cuốn vào cái nhìn phân biệt; phân biệt ta và không ta, vật chất và tinh thần, bản năng và ý thức, thể xác và tâm hồn; thú vật và con người. Và cũng theo truyền thống tây phương lấy một khía cạnh nhỏ làm cơ sở cho một trường phái.
Phải chặt ngay cái đầu con rắn. Ảnh hưởng của mẹ có tính cách quyết định như nói trên qua thực phẩm, qua giáo huấn v.v...Do đó muốn thay thế tình yêu cho mẹ bằng tình yêu cho lãnh tụ, phải chặt ngay từ đầu, càng quyết liệt càng tốt; mẹ đây là mẹ thật hay mẹ chiến sĩ như bà Nguyễn thị Năm. Gorbachev đã được mẹ lén lút bồng đi rửa tội TCG Orthodox và nuôi dưỡng trong tình người; ông đã ra lệnh 700 ngàn lính Nga đồn trú ở Đông Đức án binh bất động để cho dân chúng đạp hàng rào biên giới qua Tây Đức. Tinh thần mẹ ông dạy nào khác tinh thần Á Đông, "mai sau chớ sống một mình".


Sinh hoạt sinh lý đã được nhìn qua các lăng kính quá khích một chiều, cũng dựa trên sự phân biệt, và các quan niệm xã hội từng thời. Nó lồng vào trong những định chế xã hội như thừa tự, mẫu hệ hay phụ hệ. Nhưng thiên nhiên đã dành cho phái nữ những bảo đảm để tiếp tục sinh sản. Chỉ cần một tinh trùng cho một thai noãn nhưng vô số tinh trùng khác nằm trong tình trạng ứng chiến nhưng không có địch để bắn. Trong một tổ ong, có vô số ong sắc to hơn ong thợ nằm trong những ứng viên chồng nữ hoàng ong. Người nuôi ong phải loại bỏ bằng cách để một cái lược chỉ vừa cho ong thợ vào, còn các con ong sắc phải chết bờ chết bụi thay vì ăn hết mật.

Có gì ngạc nhiên khi những chủ thuyết phi nhân chối bỏ, hủy diệt tính chất tự nhiên trong tình mẫu tử và quan hệ gia đình. Platon đã chủ trương bắt hết trẻ con về giáo dục, đào tạo trong mục tiêu như lính chiến bảo vệ chính quyền; nếu chuyện nầy xẩy ra, người ta sẽ dạy trẻ con đánh vào cục đá và vào đầu con chó như nhau.

Nhưng giới văn nghệ thì nhìn sự thương yêu và sự đau thương là một. Trong một truyện ngắn của William Saroyan, Mỹ gốc Armenia (1908-1981), một thanh niên trên một chuyến du lịch dài; giữa đường một kẻ đồng hành phái nữ chuyển bụng. Anh ta phải làm cô đỡ. Anh thấy tiếng khóc la của người mẹ chẳng khác nào tiếng rên la của người tình khi anh giao tiếp bằng thể xác.

Không có loài người trừu tượng mà chỉ có những thành tố hiện hữu. Không có mẹ trừu tượng. Chỉ có những bà mẹ gánh trái mít non, vài trái khế, vài trái thơm từ quê xa lên tỉnh thăm con trọ học. Những bà mẹ ru con suốt đêm vào thời chưa có thuốc ho. Những bà mẹ mua đầu chợ bán cuối chợ, trả tiền vay góp, lúc tối mua được lon gạo đem về. Những bà mẹ có thật, không có trong biện chứng. Chỉ có những bà mẹ chúng ta ngồi ở ngưỡng cửa trông chờ rỗ bánh ế, mẹ vui cho con cái bánh mà buồn hôm nay thua lỗ. Những bà mẹ có thật.
Xin cúi đầu tạ ơn Đời, cúi đầu tạ ơn Mẹ.-



Monday, May 5, 2025

đóng đinh trên thánh giá

 

Phật nhập diệt, tranh Nhật Bổn thế kỷ 14

Đóng đinh trên Thánh Giá 

[Tham luận ngắn tiếp theo next Older Post Giác ngộ và hành hình]

Bài nầy không có gì khó và là chương dễ hiểu nhất của một cuốn sách nói về huyền nhiệm của PG và Thiên Chúa Giáo nguyên thủy. Vì vậy ở đây tác giả nói thêm về sự khác biệt dựa vào một ý niệm hình học, chiều đứng và chiều ngang và cũng là biểu đồ hàm số với hai trục tung hoành. Hơn nữa Suzuki là một nhân vật quan trọng trong Thông Thiên Học nên không ngạc nhiên khi ông đề cập đến TCG.
Sự so sánh chiều đứng và chiều ngang chỉ là một phần trong ba phần của toàn bài. Tổng quát, bài giúp độc giả hiểu một phần lớn yếu lý của PG và có ý niệm về tôn giáo tính (religiosity). Tuy không đề cập những chi tiết người học PG thường gặp như ngũ uẩn, tứ diệu đế, v.v… chương nầy đã phân tích rất rõ ràng về ngã và cách Tây và Đông Phương nhìn nó.
Quan niệm “bất nhị” sẽ giúp chúng ta rất nhiều ở chỗ nầy. “Bất nhị” là một thuật ngữ tuy nghĩa đen chỉ là: không hai. ”Mình với ta tuy hai mà một; ta với mình tuy một hai” là cách hiểu bất nhị rất lý thú. Tâm thâm bất nhị, có nghĩa hai điều có liên hệ mật thiết như hai mặt của đồng xu hay bàn tay, chúng giúp nhau để hiện diện, trong thế động. Bất nhị nới rộng cho biết điện lực không thấy nhưng có qua hiệu ứng của ngọn đèn, bếp lò v.v…Suzuki viết: “Ngã tương đối là ngã siêu nhiên; ngã siêu nhiên là ngã tương đối; chúng không phải là một cũng không phải là hai. Chúng tách rời nhau trong phân tích triết lý, chứ không tách nhau trong thực trạng”.
Mà khó khăn là ở chỗ mình chỉ thấy ngã tương đối, như ngọn đèn chưa phải là điện mà chỉ là một cách thể hiện giới hạn (manifestation limitée); ông Phật hiền hòa mình thấy, ông tướng hung hăn mình thấy là những gợn sóng trên một hồ nước. Hồ nước và sóng không thể xa lìa.
Suzuki viết cho người Tây Phương nên ông nói “the transcendental ego” và “relative ego”, dịch là “ngã siêu nhiên” và “ngã tương đối”. Hai chữ nầy nghe lạ. Trong sách báo Việt không có. “Ngã tương đối” chính là cái ngã mắc dịch (the goddamned self / le fichu moi) mà sư lớn sư nhỏ đều săn đuổi như đuổi tà với tiếng thét hành quân (battle cry): vô ngã là hạnh phúc (?!). Ngã siêu nhiên, thiết nghĩ đó là chân ngã. Nhưng chân ngã ít khi hay không nghe nói vì đến giai đoạn cuối, kinh Niết Bàn mới nói thường (không vô thường), ngã (chân ngã, không vô ngã).
Suzuki khổ công như vậy để thấy ĐP chủ vào ngã siêu nhiên, TP chủ về hiện tượng và xem hiện tượng bất biến, chủ về ngã tương đối. Hình nhi thượng ấy ảnh hưởng đời sống thực tế, chứ không phải việc dóp dép cái lỗ miệng của triết nhân. Khác với Đông Phương với ý niệm vô hình tướng, TP chú trọng đến hữu hình (corporealty) ví như dùng rượu tượng trưng cho máu Chúa, bánh thánh cho thịt Chúa.

Bài nầy không khó và trình bày “tân thời” ghi lại những điều căn bản mà người tu học lắm khi vì nhu cầu sở tri kiến ít chú ý: “PG là một tôn giáo hòa bình, trong lành, bình an và quân bình. PG từ chối tính chất chiến đấu và tách biệt độc quyền; trái lại chấp nhận tinh thần khoáng đạt, bao dung toàn diện, xa lìa các kỳ thị trần gian”. Vì vậy, đấu tranh sắt máu, viết khẩu hiệu hăm dọa, đốt thư viện … không phải là PG. Những kẻ có sở tri kiến biết tối đa về PG; người trì hành tu tập, chiêm nghiệm sẽ biết cái tối thiểu của tôn giáo nầy: giải thoát và giác ngộ. Suzuki không có gì mới lạ, chỉ có công nhắc lai, khi nói:

“Trong giác ngộ, chỉ có tính chất siêu nhiên. Chính nhờ kinh nghiệm giác ngộ mà ai cũng đạt Phật tánh theo đường lối riêng hay chung. Không riêng chỉ một người có thật trong lịch sử, tức là Thích Ca. Với giác ngộ, tức khắc đất trần chuyển hóa thành tịnh độ, bạn không cần bay lên trời và không phải chờ sự chuyển hóa nầy xẩy ra trên thiên cung.”
Vì là một hội viên Thông Thiên Học, tác giả không ngần ngại tỏ ra một sự ngạc nhiên tế nhị, rất trí thức về ảnh hưởng của chiều đứng. Ông viết:
“Chiều thẳng đứng bao hàm hành động, chiến đấu, độc quyền. Vì có tính cách năng động, TCG đôi khi khuấy động, gây xáo trộn. Vì có tính chất chiến đấu và tách biệt, TCG có khuynh hướng áp đặt quyền lực thống trị đối với kẻ khác mặc dù tự nhận chủ trương dân chủ và tình huynh đệ toàn diện.”
Tính chất chinh phục và thách thức thiên nhiên được tìm thấy ở các gác chuông nhọn mà tiếng Pháp gọi là các mũi tên (flèche) phóng thẳng lên trời; đền đài và chùa Đông Phương có nóc nằm ngang, ăn nhập vào thiên nhiên; không những thế, chùa nhỏ như am. Những cột đá vượt lên không là nghệ thuật Ấn Độ bị ảnh hưởng của Hy Lạp, thời Asoka ghi những chiếu chỉ của nhà vua, cách thức sinh hoạt xã hội, và có kinh Phật, nhưng các stèle nầy không phải là PG.
Thầy dạy Pháp Văn của tôi nói rằng Đông Phương thụ động ù lỳ, là passif, négatif trong lúc Tây phương năng động tích cực, actif, positif. Nhưng khi vào lớp triết thì Nguyễn Đăng Thục bảo ĐP mới động. Thằng nhỏ ngớ ngẩn mới biết thầy Pháp văn hướng về chính trị lịch sử 500 năm qua, ông tu xuất; trong lúc ấy thầy triết thì nói về tư tưởng. NĐT cho rằng tư tưởng tây phương là nền triết học ý niệm tĩnh, bất di bất dịch như Descartes nói: je pense donc je suis, tôi hiện hữu đời đời; trong lúc ấy, ĐP xem thế sự đời người là một sinh thành (un devenir / a becoming). Cái nhìn bất nhị của Suzuki thì đã “động” lắm rồi. Vô thường cũng động chứ gì. Thật vậy có vô thường mới đi lên, mới giác ngộ, vô thường giúp ta đi từ nhất xiểng đề đến bên kia bờ, nếu không vô thường thì không thay đổi tâm thái.

Suzuki mượn tạm hình học và biểu đồ hàm số, tung hoành. Với trực giác, đường thẳng trên mức hoàn vũ là một đường cong, mãi nơi kia hai đường trong thế chuyển hóa ba chiều sẽ gặp nhau. Nhờ tính động ĐP nói trên, Suzuki đã không để chiều ngang thành thụ động passif như thầy Pháp văn của tôi nói, hay chiều đứng sẽ gảy đổ. Và ông không thấy bất cứ xung đột nào giữa chiều ngang và chiều đứng, giữa nhập diệt nằm ngang và đóng đinh chiều đứng. Nhưng ông mong mỏi có những hình thức hội nhập linh thiêng nhân bản hơn, ít bạo động hơn. Ông không làm hòa đồng kiểu thánh giá và chữ vạn treo hai bên cổng vào doanh trại sư đoàn hay trung đoàn.

------------------------------------------
Ghi thêm: không rõ Suzuuki đã dùng danh từ nào trong Hán Nhật để chỉ transcendental ego. Nếu là chân ngã thì không nên dịch là ngã siêu nhiên mà nên dùng chân ngã để không có thêm một danh từ mới gây lộn xộn phức tạp. 




giác ngộ và hành hình thập tự giá

Christ Jaune, tranh Gauguin

giác ngộ và hành hình 
crucifixion and enlightenment
Daisetz Teitaro Suzuki (ttt dịch)

1.- Mỗi khi thấy hình Chúa bị đóng đinh trên Thánh Giá, tôi luôn nghĩ đến sự khác biệt sâu rộng giữa Phật Giáo (PG) và Thiên Chúa Giáo (TCG). Sự khác biệt nầy cũng là một biểu tượng tâm lý tách Đông Phương (ĐP) khỏi Tây Phương (TP).
Ngã hiện diện vững mạnh ở TP. Trong lúc ấy, ở ĐP không có ngã; mà không có ngã thì không có gì để đóng đinh.

Có thể phân biệt hai giai đoạn trong quan niệm về ngã. Ngã ở giai đoạn một: tương đối, thuộc tâm lý và kinh nghiệm. Kế tiếp ngã có tính chất siêu nhiên.
Ngã theo kinh nghiệm bị giới hạn, không có sự hiện hữu tự thân. Dù nhìn theo phía nào, nó không có giá trị tuyệt đối vì lệ thuộc các yếu tố khác. Nói khác, chỉ là một ngã tương đối, thành hình vì những sinh hoạt tâm lý, có tính cách giả định, luôn lệ thuộc. Do đó nó không có tự do. Từ đâu mà có ảo giác (sai lạc) rằng nó tự do, độc lập và hữu thực?

Sai lạc đến từ sự thể ngã siêu nhiên bị hiểu lầm khi nó điều hoạt xuyên qua ngã tương đối; và hiểu lầm hai thứ là một.
Ngã tương đối, theo quan niệm nhị nguyên của Mật Tông Tây Tạng, có hai cục diện trong các mối liên hệ, bên trong và bên ngoài. Bên ngoài mà nói, ngã theo kinh nghiệm hay tương đối chỉ là một trong nhiều thứ ngã, nó nằm trong cảnh giới đa dạng, không ngừng qua lại, tiếp xúc với các ngã khác, có tính cách diễn tiến. Nhưng ở trong mà nói (hướng nội), sự liên hệ (của nó với ngã siêu nhiên) liền lạc không thay đổi, toàn diện và hiện tiền. Sự liên lạc bên trong không thể nhận biết dễ dàng như bên ngoài, nhưng không có nghĩa là sự nhận biết không ích lợi gì trong đời sống hằng ngày.
Trái lại, sự tìm gặp ngã siêu nhiên đằng sau ngã tương đối sẽ chiếu rọi vào nguồn vô thức và giúp chúng ta tiếp xúc với vô thức. Rõ ràng, sự nhận chân bên trong không phải là một tri thức bình thường như đối với một sự việc bên ngoài.

Sự khác biệt nầy xẩy ra trong hai đường lối. Đối tượng tri thức thường tình nằm trong không gian và thời gian và có thể đo lường theo khoa học. Đối tượng của tri thức nội tại không phải là sự vật cá biệt. Ngã siêu nhiên không thể tách rời ngã tương đối mà xem xét. Nó được tiếp xúc một cách nhất quán và trực khởi bởi cái ngã tương đối, nếu tách khỏi ngã tương đối thì nó không còn là nó nữa. Ngã tương đối là ngã siêu nhiên; ngã siêu nhiên là ngã tương đối; chúng không phải là một cũng không phải là hai. Chúng tách rời nhau trong phân tích triết lý, chứ không tách nhau trong thực trạng. Không có một kẻ đứng nhìn và một kẻ bị nhìn; người nhìn cũng là người bị nhìn; người bị nhìn cũng là người nhìn.
Khi mối quan hệ giữa ngã tương đối và ngã siêu nhiên không được nhận biết thấu đáo qua trực giác, sự sai lạc, ảo giác xuất hiện. Lúc ấy ngã tương đối tự nhận có tự do, tự sung mãn và hành động theo tư thế nầy. Ngã tương đối không có sự hiện hữu đầy đủ của ngã siêu nhiên. Sai lạc chính là lúc ngã tương đối không thấy bản chất của chính mình và tiếm quyền cái ngã sau lưng mình.

Nhưng cũng rõ ràng như vầy: ngã siêu nhiên cần có ngã tương đối để có một hình thái mà điều hoạt, nhưng không thể đồng hóa với ngã tương đối; sự biến dạng của ngã tương đối không bao hàm sự biến dạng của ngã siêu nhiên.
Ngã siêu nhiên là một tác nhân sáng tạo, ngã tương đối được thụ tạo. Ngã tương đối không phải là một thứ gì có trước và đứng trước mặt ngã siêu nhiên. Ngã siêu nhiên là mẹ của mọi điều.

Tinh thần ĐP qui kết mọi thứ vào ngã siêu nhiên, tuy không luôn theo phương cách ý thức hay phê bình; trong lúc TP tự gắn mình vào ngã tương đối và bắt đầu mọi việc từ đó.
Thay vì đưa ngã tương đối vào quỹ đạo của ngã siêu nhiên (điểm xuất phát), tinh thần TP khư khư níu kéo vào đó. Ngã tương đối, tại bản chất là thiếu sót, đã đưa đến những sai lạc một khi TP tin nó như một thực tại hằng cửu và đóng đinh nó như một thực tại bất biến.

ĐP không hướng về hình tướng (corporeality) của ngã tương đối; nó hiền hòa, êm ả nhập vào lòng của ngã siêu nhiên. Điều nầy cho thấy tại sao Phật nhập Niết Bàn một cách trong lành giữa hai cây sa la; trong sự thương mến không những của đệ tử mà cả muôn loại, người, không phải người, chúng sanh hay không phải chúng sanh. Ngay từ đầu không có ngã chấp (ego substance), cho nên không cần có việc đóng đinh.

Trong TCG, việc đóng đinh trở thành cần thiết; hình tướng (corporeality) đòi hỏi một cái chết bạo động. Và ngay sau cái chết, việc phục sinh phải xẩy ra dưới hình thức nầy hay hình thức nọ, vì hai việc dính liền nhau. Saint Paul nói: Nếu Christ không sống lại, thì việc giảng đạo vô nghĩa, đức tin của chúng ta cũng vô nghĩa, để rồi chúng ta chìm luôn trong tội trọng”.
Việc đóng đinh có hai ý nghĩa: cá thể và nhân bản. Trong ý nghĩa thứ nhất, nó nói lên sự hủy diệt của một ngã cá thể. Trong ý nghĩa thứ hai, nó nói lên chủ thuyết cho rằng Jesus chết thế cho tội lỗi của chúng ta. Trong cả hai khía cạnh ấy “Người Chết” phải sống lại. Không có sự sống lại nầy thì sự hủy diệt cũng chẳng có nghĩa lý gì. Ý nghĩa đôi vừa nêu có thể diễn tả như sau: Nơi Adam, chúng ta chết, nơi Jesus chúng ta sống.

Trong PG, điều cần có là giác ngộ, chứ không phải phục sinh hay đóng đinh. Việc sống lại rất bi đát và mang đầy đủ tính chất người, nhưng nó vẫn còn chút mùi xác thịt. Trong giác ngộ, chỉ có tính chất siêu nhiên.
Chính nhờ kinh nghiệm giác ngộ mà ai cũng đạt Phật tánh theo đường lối riêng hay chung. Không riêng chỉ một người có thật trong lịch sử, tức là Thích Ca.
Việc đóng đinh không có ý nghĩa nếu không được theo ngay sau bởi sự sống lại. Nhưng đất trần, bụi trần vẫn còn dính tuy người sống lại đã lên trời. Với giác ngộ thì khác: tức khắc đất trần chuyển hóa thành tịnh độ, bạn không cần bay lên trời và không phải chờ sự chuyển hóa nầy xẩy ra trên thiên cung.

2.- Các biểu tượng TCG đều liện hệ đến sự khổ đau của con người. Cao điểm của mọi khổ đau là việc đóng đinh trên thập tự giá. PG nói rất nhiều về khổ đau nhưng cao điểm là ông Phật ngồi ở gốc cây bồ đề. Christ đem theo sự khổ đau cho đến giờ chót của kiếp hiện hình trên trái đất. Phật đến phút chót vẫn thuyết giảng về giác ngộ và im lặng qua đời giữa hai cây sa la. Hai cây nầy thẳng đứng, trong lúc Phật nằm theo chiều ngang như chính sự vĩnh cửu.

Christ bị treo trên thập tự giá thẳng đứng, đầy sầu não. Theo tinh thần ĐP cảnh tượng nầy quá bi thương và xốn xang.

Nay dùng hình học để so sánh hình ảnh một người ngồi xếp bằng thiền định và một người bị đóng đinh. Trước tiên, chiều đứng thẳng gợi lên ý niệm hành động, di chuyển và khát vọng. Chiều nằm ngang gợi lên ý niệm hòa bình, sung mãn nội tâm và an lạc. Hình ảnh ngồi cho thấy sự vững chắc, tin tưởng và bất động. Cơ thể trụ trên hai bắp vế của đôi chân xếp chéo; trọng tâm nằm ngay dưới trụ xương sống. Đó là tư thế an toàn nhất của giống hai chân khi còn sống. Đó cũng là biểu tượng của hòa bình, tĩnh túc và tự tin.

Tư thế đứng thường gợi lên tinh thần chiến đấu, công và thủ. Nó cho ta cảm tưởng về sự quan trọng cá nhân phát sinh từ cá thể và uy lực. Khi con người bắt đầu đứng trên hai chân, sự thể nầy chứng minh rằng con người nay khác biệt với loài đi bốn chân; và từ nay ít lệ thuộc với mặt đất, nhờ vào hai chân trước được tự do và nhờ vào sự tăng trưởng của bộ óc.
Sự tăng trưởng nầy và sự độc lập vừa nêu luôn luôn đưa con người đến chỗ sai lạc rằng từ nay mình làm chủ thiên nhiên và điều khiển thiên nhiên một cách đầy đủ nhất. Cộng chung với truyền thống Bible cho rằng con người thống trị mọi vật, sự thể nầy đã làm cho quan niệm thống trị toàn diện nẩy nở quá mức, qua khỏi những giới hạn hữu lý.
Hậu quả là chúng ta nói quá nhiều về sự chinh phục thiên nhiên, mà không nói đến sự cần thiết chinh phục bản chất con người; trong lúc thứ thiên nhiên nầy cần được chinh phục (điều hợp, thuần hóa) hơn bất cứ điều gì khác.

Mặt khác, thế ngồi thiền định giúp người ngồi thấy mình không tách rời mặt đất nhưng đồng thời không bị trói buộc vào mặt đất như phải lội xuống bùn làm trâu đầm. Thật vậy, hắn ta được nâng đỡ bởi mặt đất nhưng ngồi trên đất như một dấu hiệu tinh anh của tính chất siêu nhiên. Hắn ta không bị xiềng vào đất và cũng không tách khỏi đất.

Ngày nay chúng ta ồn ào nói rất nhiều về sự buông bỏ, làm như sự kết hợp, nhập cuộc là điều đáng ghét, gây chết chóc; cho nên phải làm điều trái ngược. Mà thật ra, người ta chỉ nói mà không dám động đến những điều đáng quí, hữu ích cho hạnh lạc xã hội và cá nhân. Hàn Sơn và Thập Đắc hưởng thụ tự do và hạnh lạc theo lối riêng mà người ngoài tưởng hai thi nhân thời triều đại Đường bên Tàu nầy đã buông thả. Thích Ca suốt 80 năm đi khắp nơi thuyết giảng lý giải thoát giác ngộ cho mọi tầng lớp khác nhau về trí tuệ, kinh tế, xã hội, rồi lặng lẽ qua đời bên bờ sông Niranjana. Socrates sinh và chết ở Athens đã dùng nghị lực và trí huệ khai mở tư tưởng cho người đời, đã đem triết lý từ trời cao xuống đất, bình thản uống chén thuốc độc, chấm dứt đời ở tuổi bảy mươi trước sự chứng kiến của các môn đệ.
Chúng ta sẽ nói gì về những cuộc đời của những vị tận dụng, tận hưởng sự thâm sâu của nội tâm? Buông bỏ hay giấn thân?  Những chữ nầy đều không đúng để lượng giá cuộc đời chư vị nầy. Họ hoàn toàn tự do, không bị cản trở bởi bất cứ tư lợi nào. Noi gương chư vị ấy, giác ngộ sẽ cho chúng ta tự do và an lạc, bình yên.


3. Khi Phật đạt giác ngộ tối thượng, Ngài vẫn ở trong tư thế ngồi; không bị xiềng vào mặt đất, cũng không tách khỏi mặt đất; Ngài với đất là một, từ đất mà lớn lên và không bị đất nghiền nát. Như tất cả trẻ thơ của mọi thường dân, Ngài đứng một tay chỉ trời một tay chỉ đất nói: trên trời dưới đất, chỉ có người mới đáng quý.
PG có ba biểu tượng về 1. Sinh, 2. Giác Ngộ, 3. (nhập) Niết Bàn. Đó là đứng, ngồi và nằm. Như vậy PG liên hệ mật thiết với sự sống đời người qua các hình thức hòa bình, không có dấu tích nào của hành vi chiến tranh.

TCG đưa ra nhiều điều khó hiểu, nhất là biểu tượng đóng đinh trên thánh giá. Theo người TCG, sự đóng đinh có nghĩa là đóng đinh ngã hay xác thịt vì không điều khiển được ngã thì chúng ta không thể đạt sự toàn thiện luân lý.
Đây là chỗ khác biệt giữa PG và TCG.

PG ngay từ đầu đã nói rằng không có ngã nào để đóng đinh. Tin có ngã là khởi điểm của mọi sai lạc nguy hại. Thế giới là một mạng lưới của những tương hệ về nghiệp, không có một ai, một tác nhân nào đứng đẳng sau xử dụng lưới theo ý muốn riêng.
TCG có khuynh hướng nhấn mạnh tính chất hữu hình (corporealty), từ đó có biểu tượng đóng đinh, và có hệ luận là biểu tượng ăn thịt và uống máu, được xem như phương pháp kết hợp thành một với Christ. Nhưng người không TCG hỏi có chăng một phương khác để hội nhập với Christ, hòa bình hơn, duy lý hơn, nhân bản hơn, ít bạo động hơn.
Christ bi ám hại trên cây thánh giá dựng đứng; Phật qua đời nằm theo chiều ngang; hai hình ảnh ấy – phải chăng? – có thể mượm tạm mà nói lên sự khác biệt giữa PG và TCG?

Chiều thẳng đứng bao hàm hành động, chiến đấu, độc quyền (tách biệt); chiều nằm ngang bao hàm hòa bình, bao dung, khoáng đạt. Vì có tính cách năng động, TCG đôi khi khuấy động, gây xáo trộn. Vì có tính chất chiến đấu và tách biết, TCG có khuynh hướng áp đặt quyền lực thống trị đối với kẻ khác mặc dù tự nhận chủ trương dân chủ và tình huynh đệ toàn diện.
Riêng ở khía cạnh nầy, PG đứng về phía bên kia, đối diện với TCG.

Chiều ngang theo thân Phật lìa đời lắm lúc cho thấy sự lười biếng, lãnh đạm, sự bất hoạt, tuy PG là tôn giáo vô cùng kiên nhẫn. Nhưng dẫu sao, PG là một tôn giáo hòa bình, trong lành, bình an và quân bình. PG từ chối tính chất chiến đấu và tách biệt độc quyền; trái lại chấp nhận tinh thần khoáng đạt, bao dung toàn diện, xa lìa các kỳ thị trần gian.

Đứng thẳng có nghĩa là sẵn sàng chiến đấu, phải túc trực vì kẻ thù có thể đánh phủ đầu mình bất cứ lúc nào. Nhưng một khi mình thấy kẻ thù nguy hại ấy chỉ là một ảo giác, một ngã tương đối, thì mình làm lành với chính mình và mọi điều, mọi sự để ngủ ngon.

Những khác biệt phân tích theo chiều đứng, chiều ngang không đưa đến bất cứ xung đột nào, nếu được nhìn theo chiều hướng tích cực. Tính chất nằm ngang nếu vẫn giữ vĩnh viễn nằm ngang sẽ đưa đến cái chết. Khi tính chất đứng thẳng mãi mãi là đứng thẳng cứng đờ thì nó sẽ ngã quỵ. Theo đúng với chân lý, sự nằm ngang chỉ có nghĩa là nằm ngang khi nó mang theo khuynh hướng trổi dậy như một đường thẳng chuyển qua thế ba chiều. Với chiều đứng cũng thế; khi vẫn giữ nguyên trạng bất động thì nó không còn là nó nữa, cho nên cần uyển chuyển, dung hòa quân bình với sự sinh động.
(xin xem tiếp tham luận ở next Newer Post Đóng đinh trên thánh giá



Mysticism, Christian and Buddhist
by Daisetz Teitaro Suzuki 1957

Tuesday, April 29, 2025

tri ân vị quốc vong thân



thương tiếc không nguôi
Tôn Thất Tuệ 
2015

Khoảng 1967, tôi có đi theo một người bạn cốt ý ăn thịt bò nướng tại nhà một giáo sư Mỹ trên đường Duy Tân, Saigon. Cùng đến có Patrick Honey, chuyên viên về VN trong phái bộ Anh tại hội nghị Geneve 1954 và là cố vấn của ngoại trưởng Anthony Eden. Chừng mươi thực khách vây quanh ông trò chuyện một hồi không lâu lắm. Honey nói ông ta không ngạc nhiên khi nghe tin chiến tranh bùng nổ tuy dưới dạng du kích chiến, đánh dấu bởi trận Ấp Bắc Bà Bèo (29.09.1959). Theo ông, hơi hướng chiến tranh đã ngửi thấy khi hiệp định Genève xem như đi đến kết cuộc chia đôi VN tuy chưa ký kết. Ông đã đánh hơi trong khi tiếp xúc với nhân viên các cấp của phái bộ CS.
Theo nhà ngữ học nầy, Phạm Văn Đồng tưởng chừng cường quốc giao hết cả nước Viêt Nam cho HCM vì nước Pháp còn tệ hơn một thương binh mất cả tứ chi. HCM đã căm hận đàn anh quốc tế không tiếp tục viện trợ quân sự. Trung Cộng muốn nhân cơ hội nầy chứng tỏ vai anh, ngang với Nga nên đã cố ép HCM chấp nhận cái khôn ngoan thường tình là có còn hơn không. CS chuẩn bị ngay từ đầu bằng cách hô hào tập kết ra bắc thành phần mới được tuyên truyền nhưng để lại thành phần cốt cán.

Thật vậy, về đến Hà Nội, HCM gọi là tả khuynh các nhóm hay cá nhân nào chủ trương lấy hòa bình xây dựng kinh tế nâng cao mức sống dân chúng, cạnh tranh với miền Nam. Kinh nghiệm cho thấy rằng đi theo kiểu phát triển của Triều Tiên chỉ đưa đến thất bại vì phía nam vĩ tuyến 38, Mỹ đổ tiền rất nhiều mà tài nguyên thiên nhiên cũng hơn. Miền Nam VN lại được thiên nhiên ưu đãi giàu có hơn nếu đem so bắc nam Triều Tiên.
Cải cách ruộng đất qua đấu tố, ngoài mục đích làm cho giống như đàn anh CS, nhằm đưa tất cả cơ cấu sản xuất tập trung cho nhà nước để chuẩn bị chiến tranh. Đoàn ngũ hóa nhân dân cũng đi vào mục đích ấy. Nền văn nghệ cũng quyết liệt hơn. Không còn nét dân tộc và lãng mạn như thời kháng chiến. Những tác phẩm có tính cách trực khởi từ tình tự dân tộc như của Hữu Loan, của Việt Lang... đều bị cấm triệt và các tác giả bị tù đày. Về lý thuyết và thực tế cái gọi là dân tộc không còn sức kêu gọi trong giai đoạn mới. Hơn nữa tính chất dân tộc là xương sống của những thứ cần đả phá để thay thế bằng lòng yêu đảng và lãnh tụ. Văn nghệ là văn nghệ sản xuất, là tin tưởng vào lãnh tụ.
Mọi hình thái sinh hoạt, mọi chủ trương chỉ nhắm vào đánh chiếm miền nam dù với hình thức trường kỳ.
Bằng chứng rõ ràng nhất của âm mưu được tìm thấy trong lời thuyết minh của Nguyễn Mạnh Tường trước hội nghị các luật gia về hòa binh 1956 tại Bruxelle (ghi lại trong một hồi ký). Ông đã kêu gọi các đồng nghiệp chấp nhận vũ trang và bạo động là hòa bình. Đừng ngây ngô mà nói hòa bình và võ trang khởi nghĩa là hai thực thể tách lìa và đối kháng; hai thứ đó không như ngày và đêm.
Ông đã than khóc cho một nước VN bị chia cắt bằng con dao là sông Bến Hải. Nói với luật gia, ông dùng ví dụ trong nghề, là các phiên tòa ly dị, con sông nầy là nước mắt của đàn con. NMT đòi thế giới công nhận sự nổi loạn của luật sư Nguyễn Hữu Thọ trong Nam. "Chúng ta không nên hiểu chiến tranh là cái gì nguy hại, không có lằn ranh giữa chiến tranh và hòa bình".  Ông lên án sự hời hợt trong sự suy nghĩ của người bình dân, và ông chủ trương nhìn chiến tranh và hòa bình trong lối suy nghĩ biện chứng, vượt qua lối giải thích nặng phần ngữ âm và cú pháp.
Chỉ cách phía trên chừng mươi trang, NMT đã phân biệt chính trị và luật pháp. Một bên chính trị là mơ hồ như ma như quái; một bên là luật pháp rõ ràng có lằn mức giới định. Nhưng đến đây ông lại kêu gọi các luật gia đồng nghiệp dùng biện chứng cùng tính cách năng động để hiểu chiến tranh chính là hòa bình, vượt lên trên ngôn từ.
NMT quên nói rằng hiệp định Geneve 1954 được ký kết giữa hai phái bộ quân sự CS và Pháp. Nó tạo nên một hình thái phần nào giống tình trạng ở vĩ tuyến 38; quân Nhật bị giải giới bởi Nga phía bắc, Mỹ phía nam; thực tế tạo nên hai nước Triều Tiên. CS đồng ý rút quân về cố thủ phần chia lãnh thổ, phía bắc vĩ tuyến 17.
NMT mang sứ mệnh do CSVN giao phó, cùng với Nguyễn Huy Mân chủ tịch tòa án quân sự để chuẩn bị dư luận quốc tế về âm mưu xâm chiếm miền Nam bằng vũ lực.
Ngoài thực tế chính trị với tiền lệ rút quân ở Triều Tiên, Miền Nam vẫn có sự liên tục chính thống từ khi Bảo Đại tuyên bố độc lập sau thế chiến hai. Miền Nam là một quốc gia; chính phủ vẫn trông vọng một nước Việt duy nhất qua hai phản ứng 1. không chấp nhận dự Hội Nghị Á Phi với sự hiện diện của BV, 2. không chấp nhận đề nghị cả hai miền vào Liên Hiệp Quốc (đúng sai không bàn ở đây).
Kêu gọi luật gia thế giới ủng hộ một cuộc nổi loạn bạo động trong một quốc gia liên tục - ít nhất với lẽ thường - không có tí gì luật pháp. Đáng lý Hội Luật Gia Dân Chủ nầy phải để ý đến tình trạng luật pháp tại BV. Hà Nội đã đàn áp đẫm máu các cuộc nổ dậy, ví như vụ Quỳnh Lưu.
Lời lẽ văn hoa và chuyên nghiệp trước hội nghị che dấu sư hiện diện của CS trong việc hình thành hiệp định Genève. Ông chỉ nói một cách trống rỗng về tình trạng chia cắt. Nhưng ai cũng biết ông đến với một mục đích rõ ràng là bênh vực khởi nghĩa võ trang tại miền Nam. Ông đã cố tình (hay vì không biết) bỏ lững mối liên hệ giữa Nguyễn Hữu Thọ và chính quyền BV. Nhưng thiển nghĩ ông dư sức hiểu ông được phái đi không phải là thừa giấy vẽ voi.
Sau đó trong suốt cuộc hành trình, qua sinh hoạt với từng phái đoàn riêng, ông đã phê phán thậm tệ nền pháp luật BV trên lý thuyết và thực hành. Ông rất khắc khe với cải cách ruộng đất, không tiếc lời xấu xa cho chế độ CS. Nhưng học giả nầy quên hay cố quên rằng chính thể mà ông cho là tồi bại là phi nhân lại là guồng máy chỉ huy công cuộc mà ông ca ngợi. Đó là khởi nghĩa võ trang ở miền Nam. Nói khác ông mong chế độ ông chê trách phủ trùm đến Mũi Cà Mâu. Nếu mấy chữ kế cận trên đây không nằm trong ý tưởng của ông thì vị tiến sĩ đôi của chúng ta rất ngây ngô, hành sử như một luật sư chuyên nghiệp; làm việc cho một đơn đặt hàng nguy hiểm, như trường hợp biện hộ cho một kẻ sát nhân bị bắt quả tang và thú nhận cùng các bằng chứng rõ rệt.
Đây chỉ dùng một đoạn ngắn minh chứng sự chuẩn bị và ý hướng xâm chiếm miền Nam. Ông đã cổ súy sự tự phát võ trang. Điều nầy không mới lạ mà là một đề tài chính trong tuyên truyền của Hà Nội.

Tính cách gọi là "nhân dân" ấy dễ ngụy trang trong du kích chiến. Mà du kích chiến tự nó không thể giải quyết rốt ráo, phải nhường chỗ cho chiến tranh qui ước và diện địa. BV đã đi ngược lối tuyên truyền ấy khi cho những đơn vị lớn vượt Bến Hải xâm vào Quảng Trị 1972; và sau đó chúng ta chứng kiến những trận đánh lớn và xua quân ào ạt chiếm miền Nam ngày 30.04.75.
Chiến trận kết liễu, phô bày trước mắt người miền Nam một miền bắc nghèo nàn và bưng bít; phô bày trước mắt người Bắc một miền Nam không phải là một nhà tù vĩ đại, dân chúng không ăn cơm với cái gáo dừa. Trước chính sách bần cùng hóa, người miền Nam còn ở trong nước, phải nghĩ đến cuộc sống khó khăn, ở ngoài nước chỉ nghĩ đến thân nhân. Họ không có thì giờ để nghĩ đến những người trong cùng chiến tuyến đã chết, vừa chết.
Sự thương tiếc ấy cũng bị lu mờ vì lòng căm hận đối với ván cờ thí xe lấy chốt, căm hận đối với những kẻ có binh quyền để lại cái băng nhựa kêu gọi chiến đấu đến giọt máu cuối cùng mà người thật đã cùng vợ con xô chiếc trực thăng xuống biển sau khi đã đáp an toàn trên tàu chiến ngoài khơi. Dân chúng không tìm ra trung tướng Thiệu, cái trung tướng mà người bằng da thịt tên Nguyễn Văn Thiệu bảo đảm hiện hữu, còn cái tổng thống Thiệu sẽ mất đi. Thì ra tổng thống cũng không, mà trung tướng cũng không.
Tôi không quen ca ngợi kể cả ca ngợi Phật Chúa. Tôi lại không quen ca ngợi những chiến sĩ mọi cấp đã hy sinh, vì chính tôi là một quân nhân biệt phái, đi từ quân trường về nhiệm sở cũ và làm việc tại Saigon cho đến ngày hạ màn. Tôi đã không thấy sự cơ cực của người lính chiến, tôi đã không trực diện với cái chết kề hông. Tôi cảm thấy không đủ tư cách đứng lên đọc một lời cảm niệm, khệ nệ đặt một vòng hoa trên mồ chiến sĩ. Tôi không có quyền hô hào một ai xông vào lửa đạn. Nhưng tôi thấy được phép ta thán sự vong ân bội nghĩa, "bạc như dân".
Vừa đi tù về, một hôm chờ xe buýt, phải căng tai mà nghe để tách xa, khỏi di lụy; nhưng nhờ vậy tôi nghe hai bà nói về cái chết của Phan Thanh Giản mà các sử gia cách mạng cho là vô lối; Phan Thanh Giản không yêu nước, chỉ có những người như Lê Hồng Phong mới yêu nước. Chuyện nầy làm tôi liên tưởng sự phê phán của vài bà tướng bà tá đối với bà Lê Văn Hưng: ông Hưng tự sát là phí đời, không cần thiết, không khôn ngoan tí nào.
Phải rồi, những bà ấy hằng ngày tại Saigon điều khiển mười sáu ông tướng bốn màu nên xem các ông tướng như Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng không hơn gì con bài tứ sắc. Hàng ngày các bà điều khiển cả tiểu đội, nào lái xe cho bà đi chợ, lái xe cho con đi học, các bà có thể ăn lương của họ vì họ mưu cầu chữ thọ, điều khiển họ như tôi tớ. Vì vậy các bà không thể quan niệm cái hào hùng của anh lính trận, không thấy huynh đệ chi binh. Trong vài ngày cuối ở Cần Thơ, tướng Nguyễn Khoa Nam đi thăm bệnh viện dã chiến; một thương bệnh binh cố sức chồm ôm ông, vừa khóc vừa nói: trung tướng đừng bỏ em.
Các bà mang cấp bậc của chồng ấy tốt nhất nên ngậm miệng ăn tiền, vì rất có thể các đức ông chồng đang hung hăng trên diễn đàn cộng đồng, đứng đầu các tổ chức cựu quân nhân, bộ trưởng trong các chính phủ lưu vong. Ở đời có những người mình gặp mà không nói thì mất người, có người mình nói thì mất lời. Chị Hưng ơi, nói với họ làm chi, chị ơi.
Các bà thì sao cũng được còn các ông thì coi không được. Vài ông đã trở cờ. Nhưng điều buồn cười nhất là tất cả các vị ấy, dân sự, quân sự, văn nghệ sĩ đi đúng một khuôn thức: phải chửi lại cộng đồng, và chửi lại quân đội, hai tập thể đã cưu mang họ trong suốt cuộc đời họ. Không chửi như thế có được không? Đó là điều kiện của Hà Nội chăng?
Tôi không nghĩ như vậy, mà đây do tâm thức của kẻ qui hàng rất chi là Đông Chu Liệt Quốc. Ngày xưa Ngô Khởi tự ý giết vợ để cho vua tin. CS đa nghi, các vị ấy phải theo bài học của nhà quân sự Xuân Thu nầy. Rõ ràng, cứu cánh biện minh cho phương tiện; mà đây lại là phương tiện không cần thiết.
Nếu những người nầy thật sự là CS từ đầu (đảng viên hay nằm vùng) nay trở về chủ cũ; đó là những điều đáng buồn, họ không đáng trách. Nhưng đáng miệt thị là những kẻ từ trong trứng nước, lớn lên, giàu có trong ân huệ của miền Nam, hưởng không khí tự do (dù tương đối) quay trở lại làm hại cho miền Nam. Họ thuộc nhiều thành phần trong xã hội, và cũng là nhóm nhiều mồm mép nhất. Họ đáng bị nguyền rủa, trong lúc chúng ta không khinh thị những cán binh CS thực tâm tin tưởng như họ được tuyên truyền. Lớp nầy giống như kẻ bán khai chặt cây táo mà hái trái trong lúc người văn minh dùng thang mà hái rồi tưới nước cho cây.
Trường hợp tệ hại nhất, theo tôi, một ông tướng đã nói rằng nếu quân miền Nam giải phóng miền Bắc thì sự sát hại còn ghê gớm bội phần những điều đã xẩy ra sau 1975 bởi CSVN. Con cá sẩy bao giờ cũng lớn; vì con cá ấy chưa có trong tay, tự mình cảm thấy nó to hay tự ý khếch đại. Có câu hỏi trong Cổ Học Tinh Hoa, vẽ ma dễ hay vẽ người dễ; vẽ ma thì dễ quá, cái mũi không cần cân xứng, vẽ năm mười cái sừng cũng chả sao, nanh dài đến rốn càng tốt.
Biện lý cuộc đã xin tòa phán quyết tử hình cho một kẻ ăn cắp quả trứng gà. Quả trứng gà sẽ thành con gà, con gà sẽ thành bầy gà, sinh ra nhiều tiền, đem tiền đi đầu tư sinh lợi có thể xây cả trăm thành phố. Tòa giảm còn chung thân. Không một ai biết quả trứng có trống hay không.
Hy vọng lối suy diễn ấy chỉ mới có trong sự thôi thúc đặc biệt trong hoàn cảnh hiện nay, để xin điểm, để làm quà của hàng tướng như Ngô Khởi dâng thủ cấp của vợ. Nhưng nếu lối suy luận ấy nằm lòng từ khi các vị ấy còn nắm quyền ở VN, thì khỏi giải thích vì sao con cháu Lạc Hồng chạy re không đem theo được cái mền rách.

Bên trên, tôi có nêu lời Nguyễn Mạnh Tường chỉ trích cái nhìn bình dân, chưa đạt đến mức biện chứng. Nhưng tôi là người bình dân, tôi có cái nhìn rất bình dân.
"Thưa ông, đây là chồng tôi, mới được về hôm nay, xin ông vui lòng cho chồng tôi ở lại vài ngày". Tôi đi theo nhà tôi như đứa tớ dưới làng lên tỉnh giúp việc, qua nhà ông công an khu vực. Ông bất động như một thiền sư chìm sâu trong tam muội. Tôi nghĩ thầm nếu ông không gật đầu, thế nào tôi cũng phải ra chợ Nguyễn Tri Phương ngủ, chứ ở trong nhà thì trăm điều khốn khổ xẩy ra. Nhà tôi nhanh trí nói: Xin ông cho ở chừng ba ngày để sắp xếp đưa mẹ con tôi hồi hương, giao nhà cho chính quyền. Ông ta bậc dậy như ai lấy kim chích đít: "Được, lo sắp xếp mà đi đi nhe".
Căn nhà xập xệ nầy cũng giống như con trâu của một nông dân ngoài Bắc. Con trâu phải dâng hiến cho hợp tác xã, mong họ lấy cho mà đừng đấu tố chủ nhân, đừng xếp vào hàng địa chủ. Cũng giống như nhân viên xã vào nhà đếm gà thấy thiếu một con, không tin là chồn bắt mà đưa gia chủ ra kiểm thảo giết lén con gà sản xuất, trái với tinh thần đạo đức cách mạng.
Nhờ ơn trời đất, nhờ ơn ông bà tổ phụ, tôi có tròm trèm dăm ba chữ tuy không đi đến đâu về duy vật biện chứng, lý thuyết Marx. Tôi không dùng những thứ ấy để nhìn những việc xẩy ra chung quanh. Tôi chỉ là ông nông dân có con trâu làm việc trên đồng cạn dưới đồng sâu nay phải từ bỏ nó mà chưa chắc đã an thân.
Tôi cầu mong các thân hữu chia xẻ cái nhìn bình dân của tôi. Tôi không muốn căn nhà bị chiếm đoạt (bị ép mà dâng hiến), tôi không muốn vợ tôi bị xỉ mặt mắng là thứ vợ ngụy, tôi không muốn con mất các quyền học hành ...và tôi biết trên cuộc đời nầy, có những con người - dù không thành công - hy sinh tính mạng trong mục đích làm cho những việc ấy không xẩy ra. Tôi tri ân những người ấy.
Một ai đứng trên bờ nhìn ra đại dương mà thấy trong lòng biển nước có xác của vợ mình, của con mình cùng với cái máy đuôi tôm khi chiếc ghe không chịu nỗi sóng dập; người ấy cũng biết rằng trên mãnh đất đau khổ của quê nhà, có những kẻ - tuy chưa thành công - đã hy sinh cuộc đời trong mục đích làm cho việc ấy không xẩy ra. Hãy biết ơn những người vô danh ấy.
Một ai thấy miếng đất hương hỏa của mình dành xây nơi thờ cúng tổ tiên nay nằm dưới khu nhà tắm cầu tiêu của một dinh thự mới, khi tự an ủi với lý thuyết vô thường, vô sở trụ ... vẫn biết có những kẻ đã hy sinh trong mục đích ngăn chân điều nầy xây ra; họ thất trận, lắm người quên đi.
Tôi đã mời các thân hữu dạo quanh một vùng rất rộng lớn với ý niệm chiến lược cùng vài nét sơ phát của bối cảnh 1954 rồi đi đến cái nhìn rất nhỏ hẹp bình dân, không kinh điển, không học vị. Cũng giống như hình cái phểu lớn trên bé dưới, đầu voi đuôi chuột. Tôi ước mong cái nhỏ nhoi ấy là nhịp thở e ấp, thầm kín, chân thật và có thật. Mỗi cái nhìn riêng tuy nhỏ bé mà sâu sắc cho từng cá nhân. Cọng chung những thể nghiệm ý thức ấy, chúng ta sẽ có một luồng hơi ấm mới, khơi nóng bầu không khí có phần lạnh nhạt vì thời gian và những yếu tố xâm thực từ bên ngoài. Những khẩu hiệu to lớn ồn ào làm điếc tai không ai nghe; những lời sâu sắc từ tốn thì cô đơn, ít ai nghe.
Giữa hai sự thể ấy là những con người sống thực như mỗi chúng ta trực diện những mất mát, những khổ đau cho chính mình, cho gia đình, cho những người chung quanh. Chúng ta không bị xung động bởi bất cứ ngọn gió nào. Chúng ta có những câu hỏi rất người rất đơn giản và giải đáp ngay.
30.4 chấm dứt một sự cố gắng vô song của rất nhiều chiến sĩ trong mục đích tối hậu chận đứng ngày thảm não ấy. Rất tiếc, thiên cơ đã không giúp họ ngăn chận cảnh nước mất nhà tan và giúp chúng ta khỏi gánh chịu những tai ách trong từng hoàn cảnh cá nhân riêng rẻ.
Những hy sinh âm thầm ấy biết kể làm sao cho hết. Nhưng có kể, cũng xin đừng quên những di lụy trực tiếp của sự kiện những người nằm xuống. Đó là những "sư đoàn" cô nhi quả phụ, những thiếu phụ lo cho chồng thương tật, những bà mẹ cưu mang những đứa con trở thành bất túc, những đứa con không cha như nhà không nóc.
Bức tượng Thương Tiếc đã bị đánh ngã ở nghĩa trang quân đội Biên Hòa. Đầu ngàn năm mới, Taliban đã phá hủy hai tượng Phật vĩ đại từ thời A Lịch Sơn Đại Đế (Alexandre le Grand). Hành vi ấy chỉ thỏa mãn sự kiêu căng của lãnh tụ Hồi giáo nầy và thiệt hại kỹ nghệ du lịch tại chỗ; nó không suy siển tinh thần tôn giáo của thế giới và của người theo Phật.
Cũng thế, Taliban VN đã phá hủy tượng Thương Tiếc bên xa lộ Biên Hòa; nhưng họ không thể trục hạ sự thương tiếc trong mỗi chúng ta. Bức tượng tâm thức ấy, ít nhất, mỗi năm được đem ra sơn phết một lần vào ngày mất nước. Bức tượng ấy không có quá khứ, không có hiện tại, không có tương lai; bức tượng ấy không riêng gì của người mặc áo trận mà của mọi người. Trong tượng ấy, có người đã chết, có người đang sống và còn sống mãi.- 

Monday, April 21, 2025

Cầu Phủ Cam Huế





Cầu Phủ Cam

Cầu Tiệm Rượu
Tôn Thất Tuệ

Dạ thưa, nói chuyện tầm khào trước. Chừng 1972 đói meo ra làm việc ở Vũng Tàu nhưng tuần nào cũng ăn thịt chó, rượu nếp than thả dàn. Số là Trung Tâm Xây Dựng Nông Thôn đóng ở Rạch Dừa, ngoài cổng quốc lộ Bà Rịa Vũng Tàu là một dãy quán thịt chó e cả hai chục tiệm. Mặc sức mà chọn chỗ nào nhựa mận số dách, chỗ nào dồi nâm bờ oan. Nhân viên của tôi nhắm mắt đi cũng tới nơi. Trung Tâm nầy muốn có vẻ cách mạng, đều gọi đại tá chỉ huy trưởng bằng anh, anh Bé thay vì đại tá Bé, huống là tôi.
Sáng thứ ba nào cũng vậy, tui bước vô thì hai hay ba nhân viên chận hỏi: Anh, tối qua anh mơ thấy gì? Nghĩa là thấy chi để đoán số đề vì chiều xổ số. 10 lần đoán là 8 lần trúng; chúng trúng đề thì trả công bằng thịt chó, sống trên đời ăn cái dồi chó, chết xuống âm phủ biết có có mà ăn không.
Hy hữu nhất là ba lần kể sau đây.
Thứ nhất, nằm mơ thấy bảy con rắn sợ quá nhảy qua hàng rào chè tàu thấy ba con nữa. Đến sở, tui nói chuyện rắn, mấy thằng đàn em quyết đánh 73 và trúng thiệt, hẹn đi phất cờ tây ngày mai. Trước khi đi làm, tôi nói mụ nhà đi chợ ghé chỗ quen ghi 5 đồng 73, cả năm nay không đi thăm ông Huyện. Tôi tin bà nhà cũng trúng nho nhỏ thì ra tờ giấy người ta ghi là 75 thay vì 73. Trật lất, cái số con rệp thì cứ rệp rệp dậm chân tại chỗ.
Thứ hai, thấy đại tá Dần chỗ quen biết, chồng chị Hường, nhà ở trong trường Đồng Khánh bên phía Khải Định mượn. Đại tá Dần đi thăm đại tá Bé. Tui phán: tụi bây đánh con cọp nhỏ thử coi. Cọp lớn là 66, cọp vừa là 36, cọp nhỏ là 06. Chiều 4 giờ xổ số quốc gia giúp đồng bào ta trở nên giàu sang mấy hồi. Con cọp con mang số 06 nhảy ra chào mừng tân triệu phú gia. Trúng nữa, thịt chó "again". Xổ số mau lên, nai đồng quê đem lên.
Thứ ba, hai ông Phật ngồi đâu lưng, một ông to một ông nhỏ, không như tượng người Miên đeo cổ hai ông bằng nhau. Tính toán không ra, nhân viên cứ đến hỏi, anh anh đánh số mấy. Tôi đứng dậy, xoay lưng thì thấy tờ lịch hôm qua chưa bóc; tôi giựt xuống bèn nhớ hai ông Phật giáp lưng, ông to ông nhỏ. Thì trên tờ lịch, ngày tây in chữ to, ngày ta in chữ nhỏ. Tôi bảo đệ tử đánh cả hai số ấy, số đầu số đuôi, xuôi ngược. A Di Đà Phật, số đầu số đuôi y chang hai ngày âm dương. Khỏi cần nói thêm; mắm tôm, lá mơ, riềng.

Lây qua Cầu Phủ Cam là như thế nầy: tối qua tôi mơ thấy thầy Võ Văn Dật giải thích giúp công ty xưa SICA ở Đà Nẵng là Société Indochinoise de Commerce et Artisanat vì tôi nghi cấy "xi ca" nầy nằm trong tên gọi cầu Phủ Cam là Cầu Tiệm Rượu hay Cầu Tiệm Rượu Xi Ca. Khi trong tai vẫn còn âm hưởng mấy chữ tiếng Tây, tôi thấy trên écran tấm hình với ghi chú: Cầu Phủ Cam nhìn từ Cầu Bến Ngự; giống như thấy đại tá Dần muốn gặp đại tá Bé để bắt cọp.
Thức giấc, thấy buồn tê tái, người như vữa ra, tuy chỉ nhớ một khúc bờ sông, một bên là hàng rào của tiểu khu quân sự Thừa Thiên, cỏ cao, không có gì đặc biệt. Cảm thấy mình ngang bằng với đại văn hào Albert Camus với câu ngắn khó hiểu: De l'Algérie, on ne guérit jamais (bệnh nhớ Algérie, làm sao mà chữa lành).

Cầu Tiệm Rượu Xi Ca; cái âm "xi ca" chưa chắc đã là Sica Đà Nẵng nhưng có điều tin tưởng chỗ nầy đã không phải là quán rượu, tửu điếm trà đình; có liên quan đến rượu thì có lẽ là nơi sản xuất, nơi phân phối hay văn phòng v.v...

Tôi chưa bao giờ hỏi ai trực tiếp hay trên internet vì sao có tên Cầu Tiệm Rượu, dĩ nhiên là một hổn danh (nick name) như Cầu Ván là Cầu Nam Giao. Bây giờ không biết ra sao. Cứ như những năm trước 1975, ở góc cầu nầy bên phía nhà thờ, hướng về Bến Ngự, là một khu đất lớn hầu như không có nhà cửa gì; bao quanh hai mặt đường Nguyễn Trường Tộ và Phan Chu Trinh là một bức tường vôi, không cao lắm, ngang đầu một người trung bình. Bức tường nầy chạy lên gần đến đường rầy xe lửa đến trước mặt từ đường của gia đình ông Diệm, nơi ông Cẩn ở cho đến đảo chánh 1963.
Tôi tự hỏi phải chăng đó là địa điểm của nhà máy, trụ sở của xi ca. Mãi cho đến 1950, tôi còn nghe hai thứ rượu: rượu lậu và rượu xi ca; rượu lậu là nấu trái phép.
Quá hơn một nửa ngân sách chính quyền thuộc địa Đông Dương là lợi tức của ba công quản: thuốc phiện, muối và rượu (régie d'opium; régie d'alcool, régie du sel), độc quyền của nhà nước thuộc địa. Các tài liệu về công quản rượu và nghiên cứu phát triển kinh tế lẫn hóa học về rượu của BS Calmette và Viện Pasteur không đề cập đến thương hiệu Sica.
Tuy nhiên theo một cuốn sách về quan thuế và công quản xuất bản 1930 tại Hà Nội, việc sản xuất rượu ở Trung Kỳ do 18 lò cất rượu đảm trách; trong đó 10 lò thuộc về Société Industrielle et Commerciale de l'Anam (Công ty kỹ nghệ và thương mại An Nam), bao thầu khai thác với công quản rượu. Hy vọng đấy mới là xi ca (Sica) khác với Sica ở Đà Nẵng.
Bốn góc đường hai bên cầu chỉ có nơi nầy dự đoán là lò nấu rượu (distillerie d'alcool). Góc đối diện cùng bờ sông nhà cửa vườn tượt liền nhau, dính với tư dinh Ngô tổng thống. Bên tê sông góc phía Bến Ngự thuộc giáo phận TCG Thừa Thiên gồm tư dinh tổng giám mục, ăn thông với dòng Nữ Tu Thánh Tâm và nhà in Thánh Tâm. Góc kia là trường Bá Công xưa.
[Cập nhật, một người cố cựu ở Phủ Cam cho biết đúng là Tiệm Rượu Sica, tuy không phải là quán rượu. Từ đó, làng Phủ Cam có thêm nghề nấu rượu. Chúng tôi tưởng tượng thêm, bã rượu hay hèm nuôi heo mau lớn không bệnh, phải chăng từ đó họ đạo nầy nổi tiếng làm nem bên cạnh nghề chằm nón?]

Nếu hiểu cây cầu không chỉ là một vài bằng xi măng cốt sắt mà cả khung cảnh sống bao quanh, góc cầu nầy đã ảnh hưởng đến VN từ khi ông Ngô Đình Khả đốc thúc thi hành chỉ dụ thành lập trường Quốc Học của vua Thành Thái cho đến cuộc đảo chánh 1963, không kể những di lụy trường hạn. Người ta không còn thấy những ông đại biểu, tỉnh trưởng, tư lệnh vùng đứng ngoài đường trước "tiệm rượu xưa" chờ được gọi vô chầu ông cố vấn chỉ đạo tối cao Trung Phần.
Cặp mép bờ sông, các ngôi nhà dân trung bình, không kể dinh thự của bà Cả Lễ đem chúng ta đến những ngoại ô thành phố Âu Châu, mái đỏ và dốc hơn để tránh tuyết đọng. Ngày nay đứng bên kia sông theo đường Hàng Muối, người đời có thể nhìn qua đó mà tưởng đến hôn lễ vô cùng trọng đại giữa con gái của bà Cả và ông Trần Trung Dung, bộ trưởng quốc phòng, hoa tươi phải dùng máy bay DC3 chở trong Nam ra. Và nhớ đến đôi vợ chồng son nầy âm thầm đi nhận xác hai cậu Diệm Nhu đem chôn với một người thân thứ ba là cha Thuận cũng gọi người chết là cậu ruột; và làm tờ khai tử cho tuần vũ Ninh Thuận ở xã Phú Nhuận, Gia Định. Đám ma của nhị vị nầy là dê rô, không nghĩa lý gì với quốc táng ông Diệm tổ chức cho anh cả Ngô Đình Khôi, chết chung lấp chung một lỗ với Phạm Quỳnh. Con trai duy nhất của ông Khôi chết chung với bố, cho nên xẩy ra một cuộc chạy đua làm con trai trưởng, có nghĩa gọi tổng thống bằng chú ruột. Người trúng cử là một ông cựu giám đốc công an Trung Việt, đội đai rơm, tay cầm gậy, đi thụt lui, ôm kiệu đám mà khóc thương cha già.
Lúc ấy cụ cố (mẹ của các Ngô đại nhân) nhờ tay phục dược của BS Quyến mà sống bền; tuy vậy thiên hạ đã tưởng tượng cái đám ma của cụ cố sẽ to gấp trăm lần đám ma ông Khôi, rềnh rang trăm lần hơn cuộc đón rước Đức Cha Thục về Huế. Nhưng người mẹ già đặc biệt đã "buried her three sons", trong nghĩa đã chết sau ba con trai, để không hưởng một đám ma lịch sử. Ấy là tại cái nốt ruồi (chiếu lệ) dưới mắt của ông Diệm. Ông Đỗ Mậu nói việc nầy thầy tử vi Đồng Hới đã đoán khi ông Diệm còn ở bên Mỹ rục rịch trở về.

Nhưng mà thôi, con đường Hàng Muối của tôi ơi, may quá những trái muối chín đen chưa xuất hiện, để không thêm vị mặng đời người, để tôi nhìn thấp. Đứng trên cầu Phủ Cam hay cầu Bến Ngự sẽ thấy Quyết tinh anh như sen trắng; người con gái của thầy Thám dạy Pháp văn làm đối ảnh với bên kia sông những nữ tu Sacré Coeur áo dòng đen, đeo nặng trước ngực những thánh giá kim loại to bản, như chừng nửa kí lô.
Tôi đã quên những trái muối chín mặng nhưng chưa có trái nhãn lồng chín ngọt. Đứng trên cầu, trong tư thế không mặng không ngọt nầy, tôi tự hỏi, và hầu như đã trả lời có, về ảnh hưởng hổ tương giữa tâm và cảnh.

Mỗi người Huế trong tầm nhìn của người nơi khác, nói về thời xa xưa chưa ồn ào náo nhiệt; mỗi người Huế lúc ấy là một thế giới riêng biệt, có chiều sâu riêng. Cầu Ga, cầu Ván, cầu Bến Ngự, cầu Phủ Cam, cầu Kho Rèn, cầu An Cựu, như từng người Huế riêng, có nét mặt riêng có phong thái riêng biệt.

Ôi những cây cầu dễ thương, ôm những khúc sông dễ thương, như những người con gái ven sông. Một Hoàng Lan, một Phương Thảo trên Ga; một Thu Thảo, một Lan vô định và mong manh ở Bến Ngự; một Ngọ Thu, một Bích Diễm gần cầu Phủ Cam; một Thạch Trúc, mấy chị em của Minh Cầm, con thầy Hàm ở Kho Rèn; nơi An Cựu có nữ sĩ bạn đời của Ninh Hạ, có Túy Hạnh, có Thu Lê... À mà quên, cầu Bến Ngự mòn xi măng vì gót chân của Ngọc Thắm, của Bạch Yến...
Có noái cũng không cùng!







Sunday, April 13, 2025

Nguồn gốc lễ Phục Sinh

 


Resurrection, He Qi

Nguồn Gốc Lễ Phục Sinh
The roots of the Easter story

Phục Sinh sắp đến, tín hữu Thiên Chúa Giáo (Christian) nghĩ đến hai nền móng căn bản trong đức tin của họ là: cái chết và sự sống lại của Jesus, xứ Nazareth. Việc nầy không có gì mới vì sự chú tâm nầy đã xuất hiện ngay từ thời Jesus bị hành hình. Tín đồ tin rằng phục sinh không những là một phép lạ mà là bằng chứng cụ thể rằng Jesus đích thực là vị cứu tinh người Do Thái (DT) mong chờ từ lâu để cứu họ khỏi bàn tay của bọn áp bức.
Nhưng phải chăng ý niệm phục sinh tự nó là một tin tưởng duy nhất trong thế kỷ đầu tiên của người DT?
Ý niệm TCG về một Jesus chết đi và sống lại không những làm nòng cốt của toàn thể giáo lý mà nó còn làm cho đức tin TCG tách khỏi Do Thái giáo. Tuy vậy, ý niệm phục sinh đã có từ bao nhiêu thế kỷ trước khi Jesus sống lại.
Isaiad, tìm thấy ở Dead Sea, viết thế kỷ 2 sau JC


Trong huyền sử Ai Cập, thần Osiris được bà vợ tên Isis làm sống lại. Từ đấy mà sinh ra ý niệm phục sinh: "Người thân của ngươi chết sẽ sống lại". Sớm nhất trong các tài liệu bằng chữ viết nói đến sự tái sinh là Chương Isaiah (Book of Isaiah) trong Thánh Kinh. Tập nầy đề cập tương lai tức là thời phán xét cuối cùng, vào lúc người chết sống lại để nhận phán quyết tối thượng của God. Isaiah tiên tri: Người thân của ngươi sẽ sống lại, thân thể ngóc lên đứng lên. Những kẻ chìm sâu trong đất bụi sẽ đứng lên, ca vang sung sướng".
Sau đó Chương Daniel lập lại ý niệm nầy.


Lúc Jesus còn sống, có rất nhiều hệ phái Do Thái giáo tranh nhau ảnh hưởng. Mạnh nhất là nhóm Pharisees đã đưa ý niệm phục sinh vào tư tưởng Do Thái. Theo sử gia thế kỷ thứ nhất Josephus, Pharisees tin rằng linh hồn là bất diệt, sẽ nhập vào thể xác sống lại. Lý thuyết siêu hình nầy đã làm người Do Thái dễ dàng chấp nhận ý niệm Jesus đã sống lại từ xác chết.
Vài thế kỷ sau, các đạo sĩ (Rabbi) đã kết nạp những sơ phát trong Thánh Kinh vào việc sống lại thể xác chết trong thời đại cứu thế (messianic era).

Một nghĩa địa ở Jerusalem
Người  DT tin rằng vị cứu thế đích thực sẽ phải là hậu duệ của vua David sẽ tiêu diệt kẻ thù và tái lập vinh quang hào nhoáng xưa của DT. Trong mấy thế kỷ sau khi Jesus chết, các đạo sĩ giảng rằng linh hồn sẽ sống lại khi vị cứu thế xuất hiện trên quả đất.
Chừng 500 năm sau khi Jesus chết, sách Talmud - tuyển tập quan trọng nhất về giáo luật sau Thánh Kinh - dạy rằng nếu không tin sự hồi sinh, ngươi sẽ không có chỗ đứng trong Thế Giới Sẽ Đến (Olam Ha Ba). Olam Haba là cảnh giới sống của các linh hồn sau khi chết. Đặc biệt, địa ngục không có trong dòng tư tưởng chính thống DT.

Cho đến nay, quan niệm God cho kẻ chết một đời sống được xác nhận trong Amidah, lời cầu nguyện của DT trong các thánh lễ sáng, chiều, tối mỗi ngày.

Đệ tử đầu tiên của Jesus là người DT, những người nầy đã đưa quan niệm phục sinh vào tư tưởng TCG. Tuy vậy, sự hiểu biết về phục sinh trong giới TCG đã đạt những mức độ chưa từng có sau khi Jesus chết.

Theo Phúc Âm Matthew, Jesus, một người DT gốc Galilée đến Jerusalem vài ngày trước lễ Quá Hải (Passover). Ông bị kết tội ly khai chống chính quyền La Mã cùng tội phỉ bán, gây xáo trộn trong dân chúng chuẩn bị hành lễ; lúc ấy Passover là lễ hành hương lớn, dân tứ xứ tụ tập ở Jerusalem.
Jesus bị bắt đưa ra tòa, bị kết án tử hình. La Mã muốn duy trì trật tự La Mã (Pax Romana), ngại rằng các xáo trộn nhỏ trong đám dân hành hương có thể đưa đến nổi loạn; nhiều người cho rằng Jesus là vua của Do Thái.
Jesus bị hành quyết vào ngày thứ sáu (Good Friday) và sống lại ba ngày sau. Cho nên Lễ Phục Sinh vào ngày chủ nhật (Easter Sunday).
Hàng đệ tử đầu tiên không những tin rằng Ngài đã sống lại mà còn tin Ngài là vị Cứu Tinh của người DT mong chờ từ lâu, Ngài thực hiện các lời tiên tri. Tiếp đến Ngài được tin là Đứa Con Thánh Linh của God (The Divine Son of God).
Bản chất của sự sống lại của Jesus là đề tài tranh luận của các học giả và các nhà thần học. Tín hữu tin gì? Phải chăng là một thân xác sống lại làm bằng thịt và máu? hay phải chăng đó là một thực thể tâm linh thuần túy?
Tuy nhiên, sự phục sinh nầy mang một ý nghĩa rộng lớn hơn trong bốn Phúc Âm mà ngày nay làm đức tin của 2 tỷ giáo đồ TCG. Đó là: Jesus đã thắng cái chết; một viên đá nền móng lớn nhất của đức tin TCG.-

====================================================

Nhà Sách Saigon, đường Lê Lợi
=============================

Wednesday, April 9, 2025









Hãy nhìn bề sâu của Tariff
Ray Dalio; Business Insider tóm lược

Tiếp tục quan điểm đã viết thành sách cho rằng các quy tắc của đấu trường kinh tế chính địa thế giới đã tan vỡ, nhà đầu tư tỷ phú Ray Dalio cho rằng vấn đề chính yếu của tariff không phải là các con số mà độc giả cần hiểu sâu các yếu tố chính yếu đã đưa Donald Trump vào Bạch Cung để ấn định các thuế quan nhập cảng hiện nay. Chúng ta đang chứng kiến sự sụp đổ kiểu cổ điển của trật tự trọng yếu của đấu trường tiền tệ, chính trị và địa chính. Sự sụp đổ kiểu nầy chỉ xẩy ra một lần trong đời người, nhưng đã xẩy ra nhiều lần trong lịch sử, khi các môi trường hoàn cảnh trở nên không chịu đựng được nữa.

1. Thị trường HK đặt trên nền móng nợ, bằng cách mua hàng hay vay nợ từ các quốc gia nào có thể sản xuất vật phẩm một cách rẻ hơn, ví dụ Tàu. Nhưng rất nhiều ngành kỹ nghệ đã đi quá xa, và nghiện nợ; hiện tượng nầy làm cho nền kinh tế tắt thở tim ngừng đập (heart attack).

Tỷ số nợ / sản lượng quốc gia tổng gộp là 121% năm 2024, so với 64% năm 2008. Rõ ràng là trật tự tiền tệ nầy phải hay đổi một cách thiếu êm thắm, nhằm thuyên giảm sự thái quá và bất quân bình. HK đang thực hiện vào giai đoạn tiên khởi.

Tương tín suy giảm giữa HK và các nước sản xuất như Tàu tạo nên các áp lực cần thay đổi hệ thống một cách triệt để. Lịch sử cho thấy những hoàn cảnh tương tự đã đưa đến các hệ quả như những vấn đề hiện nay.

2. Mọi nền dân chủ đều mất dạng vì sự cách biệt cơ may, sức sản xuất, giáo dục và mức giàu có. HK cũng theo quy luật ấy.

Những điều kiện nầy được trông rõ trong cuộc tỷ thí giữa các chính trị gia "vì dân hay mỵ dân" tả khuynh lẫn hữu khuynh, tranh nhau quyền lãnh đạo điều hành chính sự. Lịch sử cho biết tình trạng bất bình đẳng đã sinh ra các thủ lãnh độc đoán làm suy yếu nền pháp trị.

3. Không còn nữa, đã qua rồi thời đại HK có uy quyền thống trị xếp đặt trật tự các nước khác phải theo. HK không còn là một đế quốc ảnh hưởng cả thế giới từ thế chiến thứ 2.


Chủ trương hay khẩu hiệu "America First" đánh dấu sự chuyển tiếp nầy.


Trật tự thế giới đa phương và cộng tác được thay thế bằng đường lối đơn phương, dùng quyền lực riêng vào nơi và lúc nào có thể miễn là America first.

AI (artificial intelligence), thiên tai bão bụt, dịch tật sẽ là những yếu tố làm thay đổi luật chơi của thế giới tương lai gần kề.

Chúng ta nên nghiên cứu để biết trong lịch sử các quốc gia đã hành sử thế nào trước hoàn cảnh giống hệt hoàn cảnh hiện nay; cách thức ấn định quan thuế tariff và ngưng trả nợ cho các chính quyền ngoại bang chủ nợ. Chúng ta sẽ thấy những điều không thể tưởng tượng dù không xa hiện tại.