add this

Wednesday, March 9, 2016

Hồ Xuân Hương làm đĩ (?!)

Vịnh Hạ Long

Hồ Xuân Hương làm đĩ?
Theo bài nghiên cứu bên dưới, Xuân Diệu ghi nhận rằng Hồ Xuân Hương là kỹ nữ (nói toạc là làm đĩ). Tác giả minh chứng luận điệu nầy sẽ gảy đổ.
Trần Nhuận Minh ở trong nước quê Quảng Ninh. Quảng Ninh là quê quán và nhiệm sở chồng HXH và là nơi bà sinh sống. Quảng Ninh cũng là vùng có vịnh Hạ Long và sông Bạch Đằng.
Trần Nhuận Minh không những chỉ phê phán Xuân Diệu mà còn quả quyết rằng các bài thơ “tục” là của người khác gán ghép cho HXH. Điều nầy trước đây Hoàng Xuân Hãn và Trần Thanh Mại đã nói. Tác giả vẫn còn nhẹ tay vì còn sợ bóng ma Xuân Diệu có quyền sinh sát.
Chừng giữa thập niên 1950, Hà Như Chi, trong một cuốn sách giáo khoa Việt văn, đã viết rằng HXH mặt mày xấu xí, rỗ hoa, da ngâm đen, tình duyên trắc trở. Giáo sư đã dùng sự dồn nén giống tính lối phân tâm học của Freud mà nói rằng nữ thi sĩ nầy đã lấy những danh từ thuộc bộ phận sinh dục để thỏa mãn libido.
Rất tiếc không thể biết xuất xứ. ttt

Đã xác định được năm sinh năm mất
của bà Tham Hiệp Trấn Yên Quảng
Nhân đó bàn thêm về thơ Nôm Hồ Xuân Hương
Trn Nhun Ninh

Xung quanh tiểu sử của nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772-1822), có một số điều đã được thời gian bạch hóa. Bà là vợ kế (chứ không phải vợ lẽ) quan tham hiệp trấn Yên Quảng (tỉnh Quảng Ninh ngày nay). Bà đã hai lần từ Nghi Tàm (Hồ Tây,Thăng Long) về Yên Quảng thăm người yêu, là ông Trần Phúc Hiển, để lại 2 bài thơ tình chữ Nôm viết bên bờ sông Bạch Đằng và 5 bài thơ viết về Vịnh Hạ Long bằng chữ Hán, đã in trong tập Lưu Hương Ký, từ năm 1814. Như vậy, bà ở hẳn tại Yên Quảng từ năm 1815 (khi ông Hiển cưới bà, thường cho bà dự vào việc quan) đến khi chồng bà bị án tử hình, vì đã nhận hối lộ 700 quan tiền, (dù bố chồng bà là tướng Trần Phúc Nhân, đã từng giúp vua Gia Long đánh thắng Tây Sơn rồi tử trận). Việc chồng bà chết ở Yên Quảng năm 1819 còn ghi trong Thực Lục của nhà Nguyễn.
Căn cứ vào các tài liệu mới tìm ta, năm sinh của Hồ Xuân Hương là 1772, đặc biệt năm mất là 1822. Điều đó đã được dòng họ Hồ, Quỳnh Đôi Nghệ An, quê hương bà, cho khắc vào tấm bia đá lớn, thờ ở ngay đầu làng.
Nếu năm mất được xác nhận là 1822, thì nơi mất là chùa Giải Oan ở Yên Tử. Sau khi chồng chết, để thể hiện lòng thủy chung đúng đạo nhà nho, bà đi tu ở Yên Tử và khi mãn tang chồng thì chết theo chồng ở đây. Bà yêu thi hào Nguyễn Du, điều đó cũng đã rõ vì bà có thơ tặng người yêu cũ là Nguyễn Du, in trong Lưu Hương Ký hẳn hoi. Chắc bà có tâm sự với người bạn thân nhất của Nguyễn Du là Phạm Quí Thích, nên trước khi bà tự tử, Phạm Quí Thích có đến Yên Tử thăm bà. Chồng bà (Trần Phúc Hiển) mất năm 1819, người cũ của bà (Nguyễn Du) mất năm 1820, bà mất năm 1822.
Năm 1823, phủ Tam Đới, mà ông Hiển từng làm tri phủ khoảng hơn 10 năm trước, mới đổi tên là phủ Vĩnh Tường.
Vậy bài thơ Khóc ông phủ Vĩnh Tường mà hàng chục năm nay gán bừa cho bà là không phải của bà vậy. Ấy là chưa kể, khi chồng chết vì án tử hình, liệu có bà vợ nào nỡ khóc chồng: Cán cân tạo hóa rơi đâu mất / Miệng túi càn khôn khép lại rồi. Ta hiểu cán cân kia và miệng túi ấy là cái gì rồi. Khóc thế không những vô văn hóa mà còn vô cả đạo lý nữa. Ấy là chưa kể, phủ Vĩnh Tường có tên, khi Hồ Xuân Hương đã chết rồi. Còn mộ bà hiện nay ở đâu? Sau mấy năm hung táng ở Yên Tử, thân nhân đã đưa hài cốt bà về nơi ở của bà trước khi làm vợ kế ông Hiển, là ở Nghi Tàm, gần Hồ Tây. Căn cứ vào bài thơ của Tùng Thiện vương Nguyễn Phúc Miên Thẩm, con vua Minh Mạng, em ruột vua Thiệu Trị nhà Nguyễn, in trong Thượng Sơn Thi Tập, thì nơi đó ở bên hồ Tây, và bây giờ có thể là ở lòng hồ, gần bờ hồ.
Trong tập Lưu Hương Ký, mà theo lời tựa của Tốn Phong viết ở đầu sách, khắc in năm 1814, thì Hồ Xuân Hương nói rằng: “đây là toàn bộ thơ của cuộc đời tôi từ trước đến nay”, trong đó không có một bài thơ nào trong số hơn 100 bài thơ Nôm truyền tụng được gán cho người mà Xuân Diệu vinh danh là Bà chúa thơ Nôm.
Trong bài tựa nói trên, viết tháng 3 năm Giáp Tuất (1814), Tốn Phong nhận xét: thơ Hồ Xuân Hương "xuất phát từ cảm hứng nhưng biết dừng lại ở phạm vi lễ nghĩa. Vui mà không đến nỗi buông tuồng...thơ đúng phép mà văn hoa”. Như vậy thơ thực của bà hoàn toàn xa lạ với thơ được coi là của bà.
Xuân Diệu còn khẳng định nét đặc thù để bà có lối thơ ám chỉ cái ấy của phụ nữ và chuyện ấy trong buồng kín, (dù đã được viết rất tài) tạo thành đặc sắc nhất thế giới của thơ bà vì bà làm kỹ nữ, mà bất cứ quyển từ điển tiếng Việt nào cũng ghi kỹ nữ là mãi dâm, là làm đĩ. Trong cuốn Các Nhà Thơ Cổ Điển Việt Nam, [phần Hồ Xuân Hương, bà chúa thơ Nôm], có một mục viết hoa THIÊN TÀI, KĨ NỮ Xuân Diệu viết:
“tâm hồn Xuân Hương đẹp đẽ như vậy. Và do một số điều kiện sinh lí nào đó, với do hoàn cảnh gia đình xã hội ở thời đại Xuân Hương, tâm hồn ấy cũng là hiện tượng độc đáo kì lạ, có thể nói là một không hai trong văn học Việt Nam, có lẽ trong văn học thế giới. Đó là một kĩ nữ.” Xuân Diệu còn nói rõ: “Chẳng lẽ bây giờ, ta yêu cầu Xuân Hương đừng là kĩ nữ nữa? Như vậy là ta đã mất Xuân Hương.”
Đến đây thì ai cũng biết: nhà thơ Xuân Hương họ Hồ, Quỳnh Đôi, Nghệ An, vợ kế quan tham hiệp trấn Yên Quảng (tỉnh Quảng Ninh ngày nay), người từng yêu cần chánh điện học sĩ – hầu tước Nguyễn Du, chú ruột vợ vua Gia Long, em tể tướng Nguyễn Khản, con tể tướng Nguyễn Nghiễm… bản thân bà cũng có anh con bà cả làm tể tướng, bố chồng hàm thái bảo, một trong ba tước cao nhất của triều đình, không phải là gái làm nghề … mãi dâm.
Trong nghiên cứu khoa học, cứ liệu nền tảng không vững vàng, ổn định, thì các luận điểm đưa ra, chắc chắn không vững bền, dù tác giả của những luận điểm ấy là một người có uy tín rất lớn. Theo tôi, công trình rất nổi tiếng Hồ Xuân Hương, bà chúa thơ Nôm này của Xuân Diệu sớm hay muộn sẽ tự sụp đổ.



 Tôi đồng tình với nhận định của giáo sư Hoàng Xuân Hãn đưa ra tại Paris (Pháp) năm 1952 và giáo sư Trần Thanh Mại, đưa ra tại Hà Nội năm 1964, cho rằng, toàn thể thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương, tất thảy đều không phải của Hồ Xuân Hương mà là thơ dân gian của các ông đồ, sáng tác và nhuận sắc cùng thời với truyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn
Để hiểu diễn trình dân gian hóa thơ được gọi là của Hồ Xuân Hương, tôi chỉ dẫn một bài là Chơi Đu đã có trong thơ Lê Thánh Tông (1442 – 1497)

Bốn cột lang nha khéo trồng
Ả đánh cái, ả còn ngong
Vái thổ địa, khom khom cật
Khấn hoàng thiên, ngửa ngửa lòng…

Tôi thấy thơ vua Lê, âm hưởng rất hay, hình ảnh rất đẹp và sang trọng. Bốn cột người đứng đầu xã (lang nha) đã cho trồng, để dựng cây đu. Ả lên chơi đu (đánh cái) rồi, ả còn chờ đến lượt mình. Chữ ngong chính là chứ ngóng biến dạng. Hai câu tả chơi đu rất chính xác mà rất gợi cảm, khi cây đu quay lại, người cúi xuống là vái đất, lúc cây đu hất lên, người ngửa ra là khấn trời…Hai câu thơ rất tài nghệ đó, khi bị “Hồ Xuân Hương hoá” là lập tức có “mùi giường chiếu”, để người đọc hình dung cái “chuyện kia”:
 Trai cong gối hạc, khom khom cật
Gái uốn lưng ong, ngửa ngửa lòng…
Xin dẫn thêm nguyên văn hai bài thơ của Hồ Xuân Hương trong Lưu Hương Ký để các bạn cùng đọc. Bài thứ nhất viết về mối tình của bà với quan tham hiệp trấn Yên Quảng, Trần Phúc Hiển, lúc bà về thăm ông, ở trấn lị Yên Quảng, bên bờ sông Bạch Đằng, khi ông chưa cưới bà làm vợ. Đọc bài thơ này, các bạn sẽ thấy bà Hồ Xuân Hương yêu ông Hiển đến mức nào, chỉ lo ông Hiển không giữ lời hứa với mình:

Bạch Đằng Giang Tạm Biệt

Khấp khểnh đường mây bước lại dừng
Là duyên là nợ phải hay chăng
Vun hoa khéo kẻo lay cành gấm
Vục nước mà xem động bóng giăng
Lòng nọ chớ rằng mây nhạt nhạt
Lời kia nay đã núi giăng giăng
Với nhau tình nghĩa sao là trọn
Chớ có lưng vơi cỡ nước Đằng… (1813)

Các sách đều chú thích nước Đằng là một quốc gia nhỏ bé bên Trung Quốc. Theo tôi, chú thích thế là sai. Nước Đằng chỉ là nước sông Bạch Đằng khi lưng, khi vơi theo mức lên xuống của thuỷ triều. Bà Hương nhắc ông Hiển lòng dạ yêu bà chớ có như thế.

Bài thứ hai là nỗi nhớ người cũ, gửi Nguyễn Du.


Cảm Cựu Kiêm Trình Cần Chánh Học Sĩ Nguyễn Hầu
(Hầu Nghi Xuân Tiên Điền Nhân)

Dặm khách muôn ngàn nỗi nhớ mong
Mượn ai tới đấy gửi cho cùng
Chữ tình chốc đã ba năm vẹn
Giấc mộng rồi ra nửa khắc không
Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập
Phấn son càng tủi phận long đong
Biết còn mảy chút sương siu mấy
Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng chong - 1813

Nguyên tác ghi rõ Hầu người làng Tiên Điền huyện Nghi Xuân. Như vậy, Nguyễn Hầu ở đây đúng là Nguyễn Du, người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, được phong tước Hầu, tháng 2 năm Quí Dậu (1813), vua Gia Long bổ nhiệm làm cần chánh điện học sĩ, rồi cử làm chánh sứ sang Trung Quốc.

Để kết thúc, tôi nghĩ nên đọc lại hai bài thơ truyền tụng, được coi là của Hồ Xuân Hương, để xem xét, đối chiếu, suy ngẫm:

Giếng Nước
Ngõ ngay thăm thẳm tới nhà ông
Giếng tốt thảnh thơi, giếng lạ lùng
Cầu trắng phau phau đôi ván ghép
Nước trong leo lẻo một dòng thông
Cỏ gà lún phún leo quanh mép
Cá diếc le te lách giữa dòng
Giếng ấy thanh tao, ai chẳng biết.
Đó ai dám thả nạ dòng dòng.
[Thả dòng dòng, cũng gọi là đòng đòng, là thả con cá nhỏ vào giếng].

Dệt Cửi
Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau
Con cò mấp máy suốt đêm thâu
Hai chân đạp xuống năng năng nhắc
Một suốt đâm ngang thích thích mau
Rộng hẹp nhỏ to vừa vặn cả
Ngắn dài khuôn khổ cũng như nhau
Chị nào muốn tốt ngâm cho kỹ
Chờ đến ba thu mới giãi màu…
Trn Nhun Ninh






3 comments:

  1. Cho hỏi bác Tôn Thất Tuệ, bài viết này của Trần Nhuận Minh có phải là đã đăng trên vanvn.vn không? Nhờ bác dẫn nguồn giùm?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Dạ thưa, lâu lắm tôi không xem mục comment trên blog vì ít ai comment. Cuối phần dẫn nhập, tôi có ghi rõ không biết xuất xứ. Nhiều bạn gời cho các bài đề xem trên email, họ thường ít khi đề xuất xứ, có khi không ghi tên tác giả. Tôi tìm gặp bài nầy khi dọn dẹp thùng thơ thì thấy nó được chuyển tiếp (forward) đến tôi sau ba lược, các địa chì đã được xóa, người gởi trực tiêp không biết nguồn gốc. Tôi thiệt tình chưa thấy vanvn.vn. Blog nầy không quảng cáo, người đọc không trả tiền, thiết nghĩ theo thông lệ, bản quyền cho phép đăng nếu có tính chất giáo dục và phổ biến hạn hẹp. Tôi sẽ cố gắng tìm xuất xứ và trình chư vị nếu tìm ra. ***Tôi có đọc một bài về Trần Nhuận Minh, ông giáo nhà văn nầy được tỉnh Quảng Ninh cho giải thường văn chương, nhất là vì hai bài thơ, nhưng sau hai năm hai bài thơ nầy lại là nguyên nhân ông bị rút lại giải thưởng. Tôi còn nhớ một bài gần gần như thế nầy: anh học sinh ấy chạy ra can một học sinh khác đang hành hung một thầy giáo thì bị đấm chết trong lúc truyền hình ca ngợi nước ta có nền giáo dục tốt đẹp nhất thế giới.

      Delete
  2. Đọc các bài trên tôi chợt nhớ hơn 40 năm trước có đứa bình bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ của HMT cũng theo quan điểm/lý luận khá là duy vật. Ai có giữ bài bình thơ đó xin phổ biến cho mọi người cùng biết.

    ReplyDelete