tự tìm giá trị con người
the lost dignity of man
manas journal 1986, ttt dịch
Nếu trở lui chừng một trăm năm trong lịch sử tri thức,
chúng ta sẽ bắt gặp những sức mạnh đã nẩy sinh những điều ổn định (chắc chắn)
trong nửa đầu của thế kỷ 20 nhưng cũng có thể nhận dạng những hạt giống của các
sự bất ổn vô định ngày nay (*bài viết 1986). Sự tin tưởng vững chắc lối duy vật
của Marx trong chủ thuyết cách mạng toàn diện và sự thiết lập chủ nghĩa xã hội
“khoa học” đã đặt chân đứng nhiều nơi trên thế giới, thổi một nguồn công lực
sâu rộng trong việc chuyển quyền uy chính trị vào tay những lãnh tụ chính trị
đã được tôi luyện cứng rắn. Lý thuyết phân tâm khai triển bởi Freud đã lấp đầy
chỗ trống tư tưởng Tây Phương trong lãnh vực tâm lý học. Tác lực của Marx và
Freud đối với văn chương thì ai cũng thấy rõ và trình bày khắp nơi. Giữa cuộc vận
hành ấy, năm 1896 Antoine Becquerel đã tìm ra năng lực phóng xạ
(radioactivity), một đòn chí tử cho mô hình nguyên tử ‘bi da’ (của John Dalton, nguyên tử nhỏ nhất không chia thêm được nữa) và đưa đến lý
thuyết năng lượng của Einstein.
Có lẽ công trình nhiều ảnh hưởng nhất của nửa cuối thế
kỷ 20 là thuyết tiến hóa của Darwin, thuyết nầy đã thắng sự chống đối thần học
và đã ngự trị một mình khá lâu cho đến khi Alfred Russel Wallace, và nhiều kẻ
khác, đặt câu hỏi làm người ta nhận định rằng việc Darwin chỉ nhấn mạnh đến
tình cờ và chọn lọc tự nhiên (làm nguyên nhân và đường hướng của sự phát triển tiến
hóa) không còn chút hiệu quả để giải thích sự hình thành của Newton hay
Beethoven từ bùn đất.
Ngày nay khi chúng ta nhìn ra thiên nhiên bị tàn phá vì kỹ
thuật, khi nghe những lời báo động của các nhà môi sinh, khi nghe lời cáo buộc của những
nhà nông học có suy tư, khi suy nghiệm về mối đe dọa triền miên của chiến tranh hạch
nhân, khi ghi nhận sự gia tăng khủng bố trong một thế giới đầy bất công và quân phiệt,
những khi ấy, sự hoài nghi và vô định bất ổn của chúng ta trải ra dàn ra nhiều
hơn những sự ổn cố được quan niệm và tin tưởng trong quá khứ. Tôn giáo không
còn nằm trong lòng tin tưởng của chúng ta.
Albert Schweitzer |
Gandhi |
Ngoại trừ vài khuôn mặt phi thường như Gandhi và
Schweitzer, giới tôn giáo ngày nay không còn được kính trọng; đồng thời, khoa học
gia, như những người sáng chế bom, được nhìn với con mắt nghi ngờ về tài năng đặc
biệt của họ. Không còn ai tin vào ý nghĩ cho rằng khoa học đang ghép chắp những mẫu
kiến thức nhỏ để rồi giải thích toàn thể thế giới và để cho phép mọi cá nhân sống
trong hòa bình. Khoa học có thể sai lạc, có nhiểu lỗi lầm. Hầu như khoa học chỉ
có việc chính là sửa sai những lỗi lầm trong quá khứ, không biết rồi ra những sửa
sai hôm nay phải chăng sẽ trở thành những lỗi lầm cần sửa sai nhiều lần nữa hay không.
Nhưng có thể chăng chúng ta thực sự sống trong một thế
giới không ngờ trước được, đầy ngập những bất ổn vô định, một thế giới mà các
thức giả nói không có một nghĩa lý, không có mục đích nào to lớn hơn mục đích
nhỏ nhoi từng cá nhân một? Câu trả lời là dường như có thể, nhưng không thể dài
lâu. Con người cần đức tin mà sống theo, thích đáng, nếu có, là một đức tin xây
dựng trên sự hiểu biết. Như vậy thời gian hiện tại là lúc lựa chọn niềm tin.
Nhiều người đang làm việc nầy cho chính mình hay cho kẻ khác. Họ đang điều
nghiên các nguồn tài nguyên là khoa học và tôn giáo, để đi đến một tôn giáo triết
lý. Tôn giáo rất cần thiết, vì chỉ trong tôn giáo chúng ta mới có một ý niệm về
nghĩa lý cho chính mình và thế giới.
Thế còn khoa học đóng góp gì cho cuộc tìm kiếm nầy?
Chúng ta không sống trong thế kỷ 19, với đức tin ngày nay đã phai mờ (khoa học
đủ sức giải quyết mọi vấn đề). Khoa học đã minh thị tuyên bố (nó) không có siêu
hình, không có lý thuyết về nghĩa lý; chống lại khuynh hướng nội tại tìm kiếm sự
thành đạt một mục đích rộng lớn hơn.
Thomas S. Kuhn trong cuốn Structure of Scientific Revolutions chứng minh rằng khoa học của một
thời chỉ quá lắm là một trạm dừng chân, (hy vọng) trên đường tìm chân lý, nhưng
luôn phải xét lại toàn diện và thay đổi. Theo Carl Poppers, nhiều tín điểu được
tin là khoa học nhưng thực sự chỉ là những mệnh danh của thời đại. Ấn bản mùa thu
1985 tạp chí Et Cetera đã đăng loạt
bài trình bày nhiều khía cạnh sự chỉ trích của Poppers đối với khoa học. Mở đầu,
tác giả Fred Eidlin đưa ra câu hỏi:
Sao mà con người có thể hoạch định và thi hành một
cuộc cải cách xã hội tận gốc, dựa theo sự hướng dẫn của các lý thuyết xã hội mơ
hồ và sai lạc về luân lý?
Kẻ chủ trương cách mạng bạo động thường không biết hay
bỏ qua những câu hỏi về căn bản của lý thyết đem ra dùng. Poppers chống lại
cách mạng toàn diện (kiểu Marx, phá vỡ tất cả… bất cứ gì hiện hữu) chẳng phải
vì cho rằng điều đó không cần thiết, mà vì không ai đủ tài đủ sức để hiểu toàn diện vấn đề;
khoa học xã hội chưa phải là một khoa học chính cống.
Làm sao biết được các hậu quả tốt xấu? v.v…nhất là làm
sao kiểm soát ngăn chận bạo động sau khi khai mào bạo động?
Joseph Skvorecky, nhà văn Czech-Canada, đã viết:
Joseph Skvorecky (1924 - 2012) |
Các cuộc cách mạng bạo động CS thế kỷ 20 đã xơi tái một
trăm triệu đàn ông, đàn bà và trẻ con. Cuộc đánh chén nhậu nhẹt xôm tụ nầy để lại cái gì?
Căn bản chính yếu là còn lại hai điều, cả hai đã được tiên đoán theo lối chính
thống Mac Lê: - chính quyền nhà nước sẽ tự hủy sẽ rút lui và con người chủ
nghĩa xã hội mới. Đúng vậy, một nhà nước tự rút lui thành một khối Mafia, một
chế độ cảnh sát tuyệt đối. Tội trong nghĩ tưởng, thứ khôi hài chua chát trong
truyện của Orwell… đã thành một thực tế trong “xã hội chủ nghĩa thứ thiệt”, tên
mà cha ghẻ của đảng CS Tiệp Khắc đặt cho nền móng hiện thực của xứ nầy. Đúng vậy,
con người XHCN mới hoặc là nạn nhân, hoặc là kẻ tàn bạo (làm cho kẻ khác thành
nạn nhân).
Bỉnh bút tờ Et Cetera viết tiếp:
Giá quá đắc trong nỗi thống khổ chết chóc của người
dân đặt ra một vấn đề luân lý vô cùng cấp thiết là chận hỏi các nhà cách mạng bạo
động những câu hỏi căn bản. Ngay cả trong giả định cứu cánh được cho phép dùng
để biện minh phương tiện, vẫn phải đặt ra câu hỏi: có hay không có một nền tảng
vững chắc để tin tưởng rằng phương tiện sẽ đem lại cứu cánh? Không có sự hiểu
biết nầy, không kẻ nào có thể biện minh về phương diện luân lý một quyết định
xúc tiến một chương trình như thế, đồng thời nại rằng quyết định nầy đã dựa
trên sự đắng đo lợi hại và nguy biến.
Kẻ cổ súy bạo động hoặc không biết hoặc tránh những vấn
nạn ấy. Họ có thể trả lời: không thể làm trứng chiên nếu không đập vỡ trứng –
cách mạng không phải là buổi tiệc trà – những gì hiện có đều xấu xa, cần có thứ
gì thế vào. Những câu đáp ấy dĩ nhiên không đến đâu nếu xét đầy đủ vấn đề. Họ
xem là thực, như một tiền đề nòng cốt, rằng cách mạng sẽ mang lại kết quả một xã
hội tốt đẹp hơn, và tránh né câu hỏi làm sao biết sự thật sẽ phải là như vậy.
&
Bây giờ xin nói đến nguồn tài nguyên thứ hai là tôn
giáo. Đây là câu hỏi to lớn vì mọi nơi đều có sự thay đổi thái độ từ việc chấp
nhận tôn giáo truyền kiếp theo truyền thống chuyền qua hoài nghi thắc mắc. Cuốn The
New Religion của Jacob Needleman sẽ giúp chúng ta hiểu nhiều về sự thay đổi
nầy. Tác giả viết: cuộc cách mạng chống các định chế tôn giáo lâu đời ở Tây phương
chỉ là một phần của hiện tượng tâm linh đang chuyển hóa lối nhìn về Thượng Đế
và những khả thể của con người. Thiên hạ tự tách rời khỏi các hình thức và vây
hãm của các tôn giáo Abrahamic chẳng phải vì ngưng tìm kiếm những giải đáp siêu
thăng mà trái lại cuộc tìm kiếm xẩy ra với mức độ thượng thừa. Theo ông, hằng
trăm ngàn người Mỹ đã hướng về các tôn giáo Đông phương hay tìm tòi tra cứu cốt
lõi huyền nhiệm của tôn giáo đang theo. Thư quán tràn đầy sách báo về huyền học
Đông phương, các bài khỏa cứu về chiêm tinh, về luân hồi, trạng thái thức tĩnh
của trí tuệ v.v… Sinh viên khắp nơi đòi có các ngành học về Phật Giáo, Ấn Giáo,
huyền học …. Hơn thế nữa, giới cao niên gồm các nhà tâm lý, giáo sĩ của các tín
ngưỡng cùng theo thế hệ trẻ để nhận ra phải chăng Đông Phương có đủ sự thông hiểu
cần thiết để đem biếu cho xã hội đang bị đe dọa và các tôn giáo đang ở trong cơn lốc.
Tác lực của những khuynh hướng nầy buộc Tây Phương phải soát xét toàn diện nguồn
ý thức tri năng của mình, việc chưa từng có từ khi mở đầu cuộc cách mạng khoa học.
Trong cùng luồng suy nghĩ với Needleman, Quincy Howe,
Jr đã xuất bản cuốn Reincarnation For
Christian 1974. Lời tựa cho thấy khá nhiều nội dung: Thời gian đã chín muồi
để người Christian suy nghĩ một cách không dè đặt về các ý kiến một thời bị cho
là kỳ quái và ngoại vi. Điều nầy không có nghĩa người Christian lìa bỏ quá khứ
để theo đuổi sự thay đổi vì cần thay đổi. Kết quả sẽ là một hợp kim không góc cạnh,
không tên riêng bao gồm các tôn giáo Đông Phương, những triết lý dân gian, và
óc lạc quan khoa học. Điều nầy có nghĩa người Christian sẽ tiếp đón trong đời sống
tâm linh của họ những ý tưởng xem như những chân lý không bàn cãi trong khu vực
ngoài thế giới Christian, như người Christian đã tiếp đón những ý nghĩ loại nầy
trong các lãnh vực khác như khoa học v.v… Cá nhân tôi, tôi tin tưởng vào chủ
thuyết luân hồi và điều nầy đóng góp cho khung sườn sinh hoạt của đời sống
Christian. Tôi tin tưởng người Christian ngày nay không còn cứng cỏi để rủ bỏ một
tín điều đã được thử thách ba ngàn năm nay.
Vẫn ở trong lý thuyết chính thống rằng Thượng Đế sáng
tạo từ hư vô (ex nihilo), những người tin vào luân hồi cho rằng đó là hành vi
phóng phát (emanation) hơn là sáng tạo. Quan niệm nầy của Plotinus giống như lý
thuyết cổ đại Ấn về Brahman và Atman. Theo trường phái Vedenta (thuộc hệ thống
Veda), bản chất tinh anh của con người là Atman, chân ngã hay linh ngã. Mục
tiêu tối thượng của đời sống tâm linh là sự hội nhập đầy đủ và toàn bích giữa
Atman và Brahman; Brahman xem như Thượng Đế, một thực thể tuyệt đối không hình
tướng. Nhưng mãnh vụn ánh sáng từ đại thể siêu nhiên đã quên nguồn gốc của mình
vì đã mất khả năng tự giác, chìm đắm trong biển luân hồi mộng tưởng; vô minh đã
tạo ra tâm phân biệt đại ngã tiểu ngã. Vô minh làm chìm đắm trong luân hồi như
trong ẩn dụ của Platon về người đánh xe và hai con ngựa đen và trắng (Phaedrus
Fables)*.
Nhưng đồng thời nên nhớ rằng các kiếp sống liên kế là
phương tiện tiến hóa của linh hồn; linh hồn tích lũy ý thức, tiến đến mức ngộ đạt
sự nhất thống giữa cuộc sống hạn hữu và đại thể siêu nhiên, đó cũng là chu kỳ
cuối cùng trên tiến trình tạo dựng và hoàn thiện linh hồn. Nhất nhất ở mọi giai
đoạn đều có sự hiện diện của nghiệp lực và luật nhân quả.
Nghiệp đã làm cho nhiều người Christian sùng tín không
vừa lòng. Nhưng nghiệp giải trừ hoàn toàn trách nhiệm của Thượng Đế về sự thống
khổ trần gian. Con người nhận lãnh trách nhiệm vĩnh viễn và đẩy đủ về đời sống
của mình, biết lòng vị kỷ và tà niệm tạo nên những nghịch cảnh trên đầu mình.
Quince Howe đã cố gắng đưa quan niệm luân hồi tới gần
nền Christian chính thống. Ông đã minh chứng sự tương đồng trong quan niệm của
Platon và Đông Phương rằng linh hồn – với bản chất tự tại siêu nhiên, godlike –
có đủ khả năng vươn lên cao hơn hoàn cảnh thực tại và kiến lập tự mình, cho mình
một định mệnh. Nếu không chịu làm như vậy thì đừng trách ai vì sao mình mất giá
trị con người.----
dalida
No comments:
Post a Comment