add this

Tuesday, September 13, 2016

tìm một quê hương nhân bản


Hòn Vọng Phu - Đèo Cả
Hòn Vọng Phu, Đèo Cả Khánh Hòa Phú Yên

nghiệt ngã đến bao giờ?
tôn thất tuệ

À tôi nhớ ra rồi, tên của người thầy giáo là Daru. Các thuộc địa Pháp đều có trường tiếng tây ở nhiều cấp giúp cho dân địa phương tiến thân; có thể ghê gớm như Bùi Bằng Đoàn hay chỉ là thầy ký ngồi ghi sổ tiền đi chợ ở một nhà quan. Cũng vậy, trên xứ Algérie Bắc Phi ở một ngôi làng xa, thầy Daru, người Pháp một mình trông coi ngôi trường nhỏ, được đối xử như một người con trong thôn xóm. Cả ba nước thuộc địa ngó qua Địa Trung Hải đã rục rịch những bất ổn, khơi mào sự đòi độc lập. Chính quyền thuộc địa đã phải vận dụng tài nguyên nhân sự bằng cách ghép mọi người Pháp vào công việc trị an, kể cả thành phần tôn giáo. Vậy huống chi Daru, thầy giáo trường làng lớp ba.

Hôm ấy nghỉ dạy vì trời lạnh quá. Từ trên đĩnh đồi, Daru nhìn xuống hai người đang đi lên con dốc sỏi đá. Trên lưng ngựa là sen đầm Balducci quen biết; và người kia là tù nhân Ả Rập đi bộ theo sau, họ đang hướng về nơi Daru ở. Daru được lệnh giải tù nhân về bộ chỉ huy cảnh sát tỉnh; tuy không đồng ý, vì nhiệm vụ Daru phải ký xác nhận hiện đang cầm giữ tù nhân nầy. Khi Balducci đi khuất, Darus mở trói cho tội nhân, mời lên chỗ cư ngụ, ngủ lại sáng mai sẽ tính sau. Daru lo ăn uống đầy đủ, chỗ ngủ ấm áp, tuy suốt đêm cứ sợ người kia trở chứng. Sáng hôm sau, hai người cùng dùng điểm tâm. Daru còn đưa cho một ít tiền rồi chỉ cho thấy ngã ba dưới chân đồi; muốn trình diện cảnh sát thì theo hướng đông, còn đi về hướng nam có thể ẩn náu theo dân du mục. Sau khi từ biệt, Daru vẫn đứng yên ở cổng cho đến khi thấy người kia rẻ theo hướng có chính quyền. Daru trở về phòng riêng, ngang qua lớp, chàng thấy trên bảng hình bản đồ lục giác bài địa dư nước Pháp vẫn còn với sông xanh núi đỏ. Chàng thấy có thêm một dòng chữ lạ, cứng cáp không như chữ học trò. “Mầy giải giao người anh em của chúng tau; mày phải trả món nợ này”. Tu as livré notre frère. Tu paieras.

Mấy dòng trên tôi ghi lại khi hồi tưởng truyện ngắn Hôte của Albert Camus. Tôi không nhớ rốt ráo câu chuyện nhưng những yếu tố trên nằm trong đề tài hiện sinh như cô đơn, ngộ nhận v.v; tác giả sinh ở Algérie, đã từng hoạt động kháng chiến chống Đức.
Cũng tại Bắc Phi theo như chuyện phim kể lại bởi một cựu sinh viên Sư Phạm Saigon, một đại úy biệt kích Pháp được thả xuống Algérie để bắt một lãnh tụ kháng chiến. Vượt qua nhiều gian nguy, toán của viên đại úy đã hoàn thành nhiệm vụ và giải tù binh bằng máy bay về Pháp, vị sĩ quan này còn mang theo một đứa bé không cha mẹ về như đứa con nuôi anh ta gặp trên đường nhiệm vụ. Dưới chân thang máy bay là những chiếc xe bóng lộn và một giới chức cao cấp đón người tù binh như một thượng khách! Việc làm của toán biệt kích thành vô nghĩa!

L'hôteHôte cho thấy một Daru bị hàm oan, nhưng có thể giải thích được vì sự ngộ nhận dựa trên sự kiện có thật, thấy rõ là chàng dẫn tội nhân từ anh lính sen đầm, kinh nghiệm cá nhân thời tao loạn có thể cho anh thấy mối nghi ngờ trước khi nhìn lên bảng có lời đe dọa. Anh tiếp nhận một cách chậm chạp.

Nay hãy nhìn phim kia.  Đại úy nhà ta như bị cái lưới trời, thiên la địa võng chụp xuống theo lối bẩy chim. Thế à, người ta cung nghinh đón tiếp kẻ anh phải khổ công đi bắt sống, chỉ thiếu kèn trống và cờ xí. Chính anh bị truốt bỏ ý nghĩa, mục đích việc làm gian nguy. Ý nghĩa việc làm, dù không đúng trên bình diện hoàn vũ, là keo sơn móc mối con người và con người; móc nối thành chuổi hành động, suy nghĩ, những thời khắc của riêng một con người.

Ý nghĩa không thể bị / được tiền tệ hóa (monétiser, monetize). Một người được thuê đào từng lỗ đất khá sâu; đào xong chủ nhà ra xem rồi ra lệnh lấp lại, và đào chỗ khác. Hắn ta bỏ cuộc khi được yêu cầu đào lần thứ tư vì thấy việc nầy vô nghĩa lý, hắn phải làm việc phi lý dù được trả tiền. Sau khi được giải thích mục đích là tìm một kỷ vật mà người cha không kịp chỉ rõ trước khi chết; hắn ta vui vẻ và đào nhanh hơn. Câu chuyện giáo khoa nầy giải thích trường hợp nhân viên phải xin đi chỗ khác khi bị ngồi chơi xơi nước mà hưởng đủ lương; ngồi chơi xơi nước trong khi kẻ khác thì đầu tắt mặt tối kêu than mệt mỏi. Kẻ ấy thấy mình vô dụng, đứng ngoài hệ thống, nói cho văn hoa là một thứ lưu đày trên sinh quán.

Sự mất ý nghĩa vì bị tướt đoạt hay tự mình rủ bỏ điều bị buộc nhận là giá trị, sự mất nầy khởi đầu diễn trình gọi là vong thân, tha hóa, phẩn nộ ... Nói dễ hiểu là rời rạc, nhân tâm ly tán, lòng người đảo điên. Nói theo xã hội học, thiếu sự tương thuận (consensus). Thật vậy, làm sao người thọ thuế thản nhiên, khi một ông tổng thống công du mỗi ngày tốn 200 triệu dollars; Obama đã đốt một tỷ bạc khi đi Ấn Độ. Vợ tổng thống Marcos có ba ngàn đôi giày khi dân Phi Luật Tân moi rác mà sống bị rác đè chết vì núi rác lở sau cơn mưa. Cái gì là ý nghĩa phải cầm cờ tôn giáo không phải của mình mà đi biểu tình đón tiếp một người trong tộc họ kẻ cầm quyền?

Nói vậy mới hiểu Gandhi. Vị thánh nầy muốn xây dụng một Ấn Độ với tinh thần mà ông kêu gọi dân chúng hun đúc: vì hạnh phục cá nhân, của gia đình và xã hội, từ bỏ óc nô lệ làm giàu cho người Anh.

Tôi đang đến gần điểm chủ chốt: đi tìm một quê nhà bằng, bởi, của người đời và đời người. Cho kiểu cách một tý, quê nhà nhân bản. Như vậy quê ấy không mang tính cách trừu tượng, một xã hội vô tưởng, cũng không có tính cách tôn giáo như cõi Cực Lạc của Phật Di Đà, vùng đất của Chúa có thánh Phê Rô canh giữ, hay cảnh giới của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ vv…

Quê nhà ấy được thấy qua trực giác như Thằng Bờm đã thấy lẽ công bằng nguyên thủy gồm hai vế cân xứng là nắm xôi và cái quạt mo. Khi người đời bị triệt tiêu, đời người cũng chết theo. Thế kỷ 20 là thế kỷ nhiều máu nhất, buồn nản nhất. Thời trung cổ Âu châu được xem như một đêm dài, nông nô bị xiềng bởi cái xiềng vô hình trong nông trại của chủ, nhưng vẫn có chút không khí mà thở còn nghe những chàng du ca ngồi trên mình ngựa gãy những khúc đàn êm. Họ còn chút gì gọi là suy nghĩ, dẫu rằng cách suy nghĩ bị điều kiện hóa bởi các thứ thần học lạc hậu. Vẫn trong khung cảnh Âu Châu, những thời như Phục Hưng, cổ điển, duy lý vv… đi kèm theo các triều đại độc tài.  Nói vậy, nhưng dù bạn không được phép hô hào nơi công viên, vua Louis 14 không đến đầu giường bảo bạn suy nghĩ thế nào, nhào nắn tư tưởng theo một khuôn đúc của triều đình.

 Qua đến thế kỷ 20, ý nghĩa cuộc sống bị cắt cụt đến tận vô thức. Đó là lý do có những tiếng kêu. Thống thiết nhất là Koestler: (ở Sô Viết ) cường quyền là cực đại, con người là số không, bản ngã chỉ là một ảo tưởng văn phạm. André Malraux: cuộc đời chẳng có giá trị gì, nhưng không có gì có giá trị như cuộc đời. Tôi không rành văn học nhưng cứ nghĩ phong trào muôn dạng gọi là hiện sinh, tuy không giải quyết được nhiều như những học thuyết tôn giáo và tâm linh, đã làm được việc báo động nguy cơ hủy diệt sự hiện sinh.

Hiện sinh đó là sự sống bình thường, không thiên thần không thú vật. Hiện sinh đó nhận chân bởi những con người tầm thường. Họ chia sẻ với một tác giả nào đó đã nói: không có cái chết, chỉ có những người chết. Khi không tìm ra lẽ sống hay ý nghĩa cuộc sống bị rứt bỏ, mình xem như đã chết. Vì vậy có thể hiểu vì sao có kẻ tự tử, vì một giá trị nào đó mất đi, dĩ nhiên giá trị chủ quan như một mối tình vv…

Cũng vậy, đại úy biệt kích nhà ta đã chết điếng, chết đứng như Từ Hải khi thấy sự chờ đợi của mình đã chệch hướng, biến chính mình làm đồ chơi của những thế lực chính trị. Ông đã ghép đứa bé mồ côi vào chính mình, đồng thời nhận biết cả hai không còn gì ngoại trừ chính cái cô đơn, lạc loài. Toi et moi, nous sommes seuls, tous les deux. Cả hai đi vào một thế giới không hồn, thế giới ấy là thế giới khách quan hay nội tại chẳng quan trọng. Nhưng bên trong thì nhiều hơn. In me there has been a soulless world. Đây không phải là trạng thái tự tại hồn nhiên mà trái lại, sôi động, đau đớn, như con cá hất lên đất khô, cố tìm sống qua chút âm ẩm còn trên da.

Daru và đại úy biệt kích đã đến mức cô đơn tuyệt đối. Hãy so sánh với một nhân vật phụ của Hawthorne; hồn ma. Hồn ma của người đã chết trở về đứng bên lò sưởi, nhìn những người thân còn sống ngồi quanh cây đèn măng sông; hồn ma muốn thốt lên một lời thương mến nhưng khóa kín miệng. Mình đã bị bắn ra ngoài như những tinh thể không chịu nỗi sức ly tâm. Bây giờ thốt ra tiếng nồng thơm thì mình là con ma, người ta sẽ mời thầy mời cha về trừ quỷ ám. Và dĩ nhiên hình ảnh thân yêu (là chính mình) cũng mất đi trong lòng những người kia. Thôi hãy lui ra tàng cây rộng.

Thật vậy, hai bên không còn sự thuận hợp, nói theo xã hội học thì làm sao được việc cũng như Khổng Tử nói nội ngoại bất tề sự bất thành.  Nhưng đất sống của viên đại úy khác với trường hợp của hồn ma, hồn ma thành hình vì những cơ duyên tự nhiên của thành trụ hoại không. Không phải là cảnh lòng người ly tán; hồn ma chơi vơi theo kiểu hồn ma; kẻ còn sống vẫn tiếp tục nếp cũ.

Ông quan ba vẫn phải sống trên cái quê nhà đất cát, núi non, cái quê nhà vô cơ (inorganic), ngày một khô thêm vì nông dân dùng phân hóa học, vì xứ sở ngày một nhiều độc tố. Kẻ có quyền suy nghĩ và sống khác với giới bị trị. Dân thì bất cập mà quan quyền thì thái quá (uy lực, tài sản v.v…)

Như một cơ chế tự nhiên trong tâm sinh học, sự ước mơ chờ đợi đã đến với ông để xoa dịu vết thương tâm lý. Ông mơ ước có một quê hương nhân bản, quê hương của đời người và người đời. Nhưng sức người có hạn. Liều thuốc ước mơ đã bào mòn bao tử làm cho bệnh nhân cầm nắm được trong tay sự nghiệt ngã tấy nguyên hình từ những ước mơ nhỏ nhoi không vời đến được, những cơn ác mộng, những hoài niệm đau thương, những tương tác dùi cui chấm mắm nêm. Một chân trong thế giới vô cơ, một chân trong thế giới không hồn có thật trong nội tâm.

Ai ai trong hoàn cảnh tương tự đều tự hỏi: Biết đến bao giờ mới có một quê hương nhân bản? Chở đợi nghiệt ngã. Khi nào mới ngưng?
Khi thành tượng đá như thiếu phụ trông chồng nơi Hòn Vọng Phu.-


No comments:

Post a Comment