Jacqueline Kennedy và Sihanouk
Sihanouk,
Sihanouk, Sihanouk
…
Michael Field 1980 điểm sách, ttt dịch
War and Hope: The Case for
Cambodia
by Prince Norodom Sihanouk.
Ấn
bản Anh ngữ cuốn sách thứ hai của Sihanouk được trình làng vào lúc ông hoàng
tuyên bố chấm dứt mọi hoạt động chính trị, và không đi đâu xa khỏi nước ngoại
trừ Singapore, Úc và vài nước khác. Như vậy ngầm hiểu ông sẽ không đến thăm đồng
bào tỵ nạn ở biên giới Thái, mặc dầu Thái cuối cùng cho biết sẽ tiếp đón ông. Nếu
ông nói thực lòng thì có nghĩa hủy bỏ mọi cố gắng triệu tập hội nghị Genvève để
trung lập hóa Kampuchea (KPC), xứ mà ông cho nay thành cái áo rách sau một thập
niên chiến tranh và tự hủy.
Nhưng
ông hoàng đã từng tuyên bố nhiều lần như thế. Vậy thì không nên ngây ngô mà cho
rằng đây là lời rút lui chắc chắn. Trong những ngày nắng đẹp thời thịnh trị từ
1955 đến 1965 có hòa bình và sung túc, Sihanouk nhiều lần “sạt bình điện” (nguyên văn recharge) uy tín bằng
cách công khai tuyên bố với lời lẽ thảm thiết sẽ từ chức và giao số mệnh KPC
cho đế quốc tây phương và cộng sản. Liền sau đó có cuộc biểu tình của Thanh
Niên Hoàng Gia Khmer mà ông là lãnh tụ, khẩn nài ông ở lại cứu nạn cho quốc
gia. Một đại sứ Anh đã so sánh diễn tiến nầy với thái độ dân biểu Anh cứ “em chả
em chả muốn, xin trả ghế lại”.
1956 lần đầu tiên
tôi đến Phnom Penh. Kinh đô tưng bừng trong đường lối tuyên truyền chính thức của
Sihanouk: “cõi mộng hòa bình, êm ả vui tươi đối với người ngoại quốc trái ngược không khí căng thẳng và khắc khổ của một Saigon trong tay Ngô Đình Diệm”.
Sihanouk có sự ủng hộ của nông dân mù chữ và thế hệ lớn tuổi mừng nền độc lập
không đập đổ lối sống nhàn hạ của họ. Hoài nghi và phê bình xuất phát từ sinh
viên và giới trẻ Âu hóa, tuy ít khi dám nói ra, phẩn uất thực tại độc đoán núp
sau “nền dân chủ trực tiếp” của Sihanouk. Chủ nghĩa xã hội Phật Giáo, ý thức hệ
mơ hồ của chế độ, dường như thích hợp với một dân tộc dễ dàng tha thứ sau bao
thế kỷ thụ động nhiều lần bị gián đoạn bằng những cuộc bạo động chết chóc nguy hại.
Cuối thập niên 60,
sự hòa hợp xã hội nầy tan vỡ. Sau bao năm cầm quyền, Sihanouk không thể được giải
trừ trách nhiệm về tình trạng tham nhũng leo thang ở Phnom Penh và sự đàn áp
tàn bạo của quân đội hoàng gia đối với sự phản kháng sơ sài của nông dân. Những
lần đánh đập bằng gậy gộc xẩy ra đầu tiên năm 1967. Về sau Khmer Đỏ đã hoàn thiện
cải biến phương pháp nầy để khỏi tốn đạn.
Nhưng cho đến khi sự
việc trở nên tồi tệ năm 1965, Sihanouk là một trong những lãnh tụ quốc gia sáng
giá của Thế Giới Thứ Ba. Ông đã dùng trực giác đặc biệt lèo lái Kampuchea khỏi
lâm vào chiến tranh. Lối chơi nước đôi của ông gây bực tức cho HK và Tây Phương
nói chung. Nhưng năm 1961 khi cuộc khủng hoãng Lào gia tăng, giới ngoại giao
tây phương hướng về ông, yêu cầu ông đưa ra một giải pháp kỳ diệu; đó là đường
lối trung lập đã thành công ở nước Miên. Sự dàn xếp Lào không kéo dài được bao
lâu nhưng không do lỗi của ông. Ông đã lưu ý Tây Phương rằng các chính sách về Lào
sau hiệp định Genève 54 đã thất bại cho nên nay quá trễ Lào không thể theo đường
lối trung lập.
Chu An Lai viếng
KPC lần đầu tiên một năm sau khi gặp Sihanouk tại hội nghị Á Phi Bandung 1955.
Lần đến thứ hai 1960 đặt nền móng vững chắc cho mối bang giao thân thiện để rồi
có những hậu quá sâu xa cho Sihanouk và KPC. Sự gia tăng thân hữu Tàu Miên làm
Bộ Ngoại Giao Mỹ phẩn nộ, vì lúc ấy chính sách Á Châu thập niên 50 của Mỹ nằm
trọn trong sự thù nghịch không thuyên giảm với Bắc Kinh.
Các sứ quán Tây
Phương đầy ắp cố vấn sùng máu. Một người Anh nói: Sihanouk công nhận Bắc Kinh
có nghĩa là Đông Nam Á đi đong: vị trị địa dư của KPC sẽ xoay ngược thế cờ của
Miền Nam VN; Thái Lan và Mã Lai cũng lâm nguy trực tiếp; ngay cả không lưu và hải
vận đến Hongkong và Nhật cũng bị đe đọa. Lời tiên tri đen tối nầy là trạng thái
tâm thần của thời đại.
Sứ quán HK tại
Phnom Penh có vài nhà ngoại giao có cảm nhận âm thầm về tình thế. Đại sứ Carl
Strom khuyến cáo nên hiểu rõ thêm về chủ trương trung lập của Sihanouk nhưng bị
quở trách không phải từ Washington mà từ đại sứ ở Saigon, kết án ông bị nặng “bệnh
địa phương”. Tuy nhiên các cố gắng giảm thiểu sự bộc phát chống Mỹ cũng khá rắc
rối. Hy vọng làm ông vừa lòng, trong dịp trình diễn nhân ngày Độc Lập Mỹ, một ban hợp ca đã hát quốc ca KPC ‘Nokoreach’. Sihanouk không chút xúc động mà tỏ ra
giận dữ hơn trên các báo Mỹ.
Trước
các lời bình luận không thân thiện của New York Times và các báo chính, một mặt
Sihanouk tuông tràn nộ khí, một mặt khoái cảm. Tuy nói thích báo chỉ trích hơn
báo khen, ông hoàng đã ra lệnh bộ thông tin của Chau Seng chận mọi sự chuyển tin
điện ra khỏi biên giới nếu đi quá xa, (Chau Seng bị Khmer Đỏ tra tấn và giết).
Từ 1956 cho đến đảo
chính Lon Nol, Sihanouk thu dụng một người Pháp nhiều khả năng viết diễn văn và
làm kẻ thân tín tâm tình: Charles Meyer, cựu nhân viên Sở Địa Dư Đông Dương của
Pháp. Gọi Meyer là cố vấn, giáo thọ, phụ tá không đủ để diễn tả mối quan hệ một
thời giữa một ông hoàng đòi hỏi đủ điều, lắm khi hờn dỗi và một nhà trí thức
Pháp rất thực tiển không viễn vông. Cuối cùng khi chiến tranh đã bất lợi cho
vương quốc, Sihanouk khó lòng ra khỏi các biến chuyển tiếp nhau cùng các cách giải
quyết vụng về.
Nay
theo như những gì Meyer kể, Sihanouk đánh đu giữa trung lập cổ điển và các nhượng
bộ mâu thuẩn của hai bên Bắc Việt và HK. Meyer không ngần ngại kết tội Sihanouk vô
trách nhiệm trong những năm trước 1970. Ông đã dùng hầu hết thời gian để làm
phim mà kết quả không phải Sihanouk mà dân Miên trả quá cao đổi lấy lối giải
trí nầy. Cuốn Sau Nụ
Cười Miên (Derrière le sourire Khmer) hẳn làm Sihaunouk bực tức xem đó là sự
phản bội, không còn giữ các sự kín đáo tâm tình ngày xưa; không có người ngoại
quốc nào thân cận với Sihanouk bằng tác giả. Cuốn sách mô tả đầy đủ nhất sự
nghiệp của Sihanouk trước 1970, viết rõ ràng, học thức và nhiều
giá trị.
Meyer không ngớt ca
tụng tài năng của Sihanouk đã đưa xứ sở của ông khỏi sự kiếm soát của Pháp và
tách khỏi sự dính líu của HK thời kế tiếp hiệp định Genève 1954. Nhưng tiếp
đó, tác giả đã vạch ra sự băng hoại mất sạch phẩm chất của chính quyền KPC
trong thập niên 60. Tác giả tin rằng hư danh, tự kiêu và lòng mong trả thù là
những động lực mạnh nhất làm cho Sihanouk nhập phe với Khmer Đỏ, nhóm mà ông
thanh trừng và đã biết có chủ trương cực đoan giết chóc làm phương tiện chính.
Ngày nay, người tỵ
nạn ở Paris và các nơi khác vẫn qui trách nhiệm cho Sihanouk trong thảm cảnh
nầy. Nhưng với những ai can đảm tìm ra tìm lối thoát, thì đấy thuộc về quá khứ.
Dù lịch sử phán xét thế nào, Sihanouk vẫn là (thời điểm 1980) người Khmer duy
nhất có tầm vóc, có một chút hy vọng mong manh – so sánh với mớ bòng bong nham
nhở hiện tại – có khả thể vận động thành hình một giải pháp quốc tế khả dĩ cứu
dân Khmer khỏi diệt vong đang đe dọa trầm trọng.
Với những ai tin, hay
cố gắng tin, sự hồi phục của cựu hoàng, War
and Hope là cuốn sách cần thiết để khuyến khích và xóa mờ ảo tưởng. Nguyên
bản Chronicle de guerre et d’espoir
mang ít nhiều phong thái của de Gaule nhưng đi sâu hơn thì nhiều khác biệt.
Lối
biện giải xưa vẫn còn nhưng âm vận đạm bạc hơn, buồn hơn; tuy là kẻ được ân huệ
sống sót khỏi lò sát sanh Khmer, Sihanouk đã sống qua chuổi ngày dài cay nghiệt
câu lưu tại gia, không biết chết lúc nào. Không còn nét vui tươi bóng bẩy trong các loạt diễn văn tại
các nghị trường Phnom Penh. Bài viết ảm đạm, ngắn và căn bản là bi quan. Vài chỗ
khiếm nhã. Nhưng đáng chú ý là không nêu chi tiết nào về cuộc sống ngày qua
ngày sau khi ông chọn Bắc Kinh mà tá túc và giao cho Khmer đặc quyền và uy tín
to lớn của mình.
Từ đầu chí cuối
Sihanouk tố cao Khmer Đỏ nhưng chỉ đưa ra một số ít chi tiết cụ thể. Ông kể trẻ
con dùng chó, mèo, cóc, nhái thực tập cách giết người để áp dụng trong việc tiêu
trừ thành phần thuộc xã hội cũ. Ông nói đã chứng kiến tận mắt khi ở trong trại
giam.
Sihanouk
không phải bận tâm thương tiếc gia đình, bạn hữu và ủng hộ viên chết hay mất tích.
Chất vua, tính cách uy nghi hoàng gia ép ông than khóc trong bóng tối chăng?
Cuốn sách là một lời
công kích có phân tích lý luận chống giới lãnh đạo Khmer Đỏ. Nhưng nó gợi ý rằng
niềm hy vọng duy nhất là theo đuổi chính sách khôn vặt xảo quyệt là sống chung
với quân xâm lăng Việt Nam. Ông nhấn mạnh rằng sự kỳ thị chủng tộc thô bạo của
Khmer Đỏ, ngông nghênh, tham vọng đã khiêu khích VN xâm chiếm; nhất là vì sự diệt
chủng và ảo vọng tuyệt đối đòi lại đất.
Lòng tin tưởng vào
nhu cầu sống chung Miên Việt, luồn lách giữa mâu thuẩn Nga Hoa đã đưa ông đến các
sự so sánh ngoài tầm: sau thế chiến 2, Pháp và Đức xích lại gần nhau; Mỹ cộng
tác với Nhật. Sự so sánh khập khểnh nầy giống như so sánh việc giết người của
Khmer Đỏ với việc nhân vật Desdemona trong bi kịch Ortello của Shakespeare bị
chồng giết oan. Nhưng với kẻ đã quá biết
cá tính bồng bột của Sihanouk thì không lấy chi làm lạ. Nó ăn khớp với nghề phim ảnh, với
sở thích dành cho tranh vẽ vĩa hè, pa tê phoa (pâté de foie) và rượu sâm banh.
Những sở thích ấy
công hiến các ký giả các màu sắc của năm tháng. Tây Phương không biết rằng
Sihanouk không có gia sản riêng và không dùng địa vị để làm giàu. Trong bối cảnh
duy nhất nầy, ông không cần tiền của riêng: ông chỉ rút tiền ngân khố quốc gia
để thỏa mãn các nhu cầu riêng. Cũng không có kế toán sổ sách hành chánh. Trong
các cuộc du hành kế cận nhau, ông luôn đem theo một tùy viên:
Ang Kim Khoan, giám đốc hệ thống khách sạn của chính phủ, ôm một xách bạc
và traveller’s checks, thanh toán các chi phí ăn ở của ông hoàng và bầu đoàn.
Qua ông, người ta
tìm thấy một nhà độc trị Á Châu, điểm thêm một chút Pháp. Le Cambodge c’est moi, ông đã nói như vậy.
(Louis xiv: L’état c’est moi). Ký giả Jean Lacouture nói ông đã phải tới Phnom
Penh để xem KPC có thật hay là điều bịa đặt của Sihanouk. Câu nói nầy tàn nhẫn
dù bây giờ hay lúc xưa, nhưng nó cũng thoang thoảng một nước KPC trong đầu óc mộng
mơ của Sihanouk từ một nước đã biến mất vì oanh tạc của Mỹ, vì “trật tự mới” của
Khmer Đỏ, vì sự thuộc địa hóa của VN.
Cuốn sách kèm theo
bức ảnh Sihanouk tay cầm máy chụp hình đang quan sát xoi mói một đập thủy điện
nhỏ, “tự túc tự cường tự biên tự diễn” ở một hợp tác xã Khmer Đỏ. Có lắm điều
sai trong các viện trợ Tây Phương và CS do ông dàn xếp, nhưng những điều được
thực hiện không tệ hại như chỗ nầy. Dưới quyền Sihanouk Phnom Penh trở thành một
thành phố nhỏ gây nhiều ấn tượng, đường sá sạch sẽ, nhiều công viên với nhiều
tác phẩm điêu khắc. Hình ảnh trên thế giới và tư cách hội viên Liên Hiệp Quốc
phải ghi là công trạng của ông.
Sử gia về giai đoạn
bệ rạc nầy sẽ tìm được trong hồi ký buồn nản nầy của Sihanouk những sự phát
giác về cấp lãnh đạo Khmer Đỏ. Ngây thơ và tự trách, ông giải thích ông được chọn
làm bung xung. Khi không được phép đánh lại Lon Nol “vì vị trí quốc
tế không thể thay thế”, ông muốn rút lui về tỵ nạn ở Pháp. Nhưng vợ ông công
chúa Monique khóc lóc xin ông ở lại; ông nghe theo. Một lần nữa, ông được van xin hoàn thành sứ mệnh cứu quốc. Lần nầy bởi vợ ông.
Sihanouk đã châm biếm
gọi lãnh tụ Khmer Đỏ là những nhà trí thức thượng thừa, có bằng cấp cao của
Pháp. Khieu Samphan thay ông làm quốc trưởng có bằng tiến sĩ kinh tế. Thioum
Mumm là người Miên duy nhất từ trước đến nay tốt nghiệp École Polytechnique;
hai người quá vãng Hou Yuon và Hu Nim có bằng tiến sĩ luật (cả hai bị tra tấn
và giết do ganh tỵ của Pol Pot). Ông đề nghị chế độ đại nghị đa đảng. Nhưng đối
ảnh của lý tưởng nầy là viễn tượng bi quan về một sự trở về của Khmer Đỏ để tạo ra
địa ngục trần gian.
(Film)The Killing Field, real but not real enough
Cuốn sách mang thông điệp minh bạch của ông hoàng: giải pháp duy nhất là một nước KPC độc lập, trung lập, hòa bình và rộng mở.
Sihanouk
mập mờ mâu thuẩn không giải thích vì sao ông tự lưu đày qua Bình Nhưỡng, nơi đó
ông là bạn thân và người ngưỡng mộ Kim II-Sung, lãnh tụ vĩ đại và nhà dân chủ. Độc
giả có thể đoán Sianouk muốn che lấp một điều thất vọng. VN không bao giờ rút
khỏi KPC nếu Tàu tiếp tục “dạy những bài học”. Nếu Tàu thành công có nghĩa là
Pol Pot hay một kẻ độc đoán tương tự sẽ trở về KPC.
Mặc dù hòa hoãn với
Hà Nội, ông xem chính phủ Hen Samrin là bù nhìn và quả quyết quân xâm lăng đã tạo
ra nạn đói trầm trọng khó chấm dứt.
Trong
mấy trang cuối cùng, tác giả công nhận rằng Tàu, chung cuộc sẽ là một quyền lực
trội yếu trong vùng, sẽ ủng hộ một nhân vật nào đó, kể cả thành phần phản động,
để phá vỡ hoạt động của Nga.
Điều nầy có thể áp
dụng cho Sihanouk nếu ông chơi ván cờ Tàu; cũng cho In Tam hay bất cứ đàn em cũ
của Lon Nol, hay ngay cả nhóm nhỏ cứng đầu quốc gia của Son Sann dám đánh cả VN
lẫn Khmer Đỏ (trong số ủng hộ cựu thủ tướng nầy có thành phần còn sót lại của đảng
dân chủ đã từng chống đối Sihanouk vào thời tranh đấu độc lập khỏi người Pháp).
Sihanouk còn tin tưởng: nếu sống sót qua nạn đói và chiến tranh và nếu có đủ thực
phẩm ăn mà suy nghĩ và hành động cho chính mình, Khmer Đỏ sẽ chọn một chính thể
dân chủ tự do. Nhưng chân lý tự thành nầy, đã đúng với nhiều nơi, không thể thực
hiện ở vùng ảnh hưởng chính trị-địa dư Đông Nam Á nầy.
Dưới mấy chữ “kính
tặng dân tộc Khmer yêu dấu của tôi”, Sihanouk phơi bày thảm trạng của một dân tộc
Khmer đang dẫy chết quằn quại trong cuộc xung đột không kiềm chế của hai thứ cộng
sản.
The New York Review of Books Oct 23, 1980
Cambodia, C’est Moi, Michael Filed
Norodom Sihanouk
Norodom Sihanouk
Good job, Monsieur le roi!
Tôn Thất Tuệ
Sihanouk,
Sihanouk, Sihanouk
là đề bài tôi bịa để dịch Cambodia c’est
moi, tôi không thể dấu diếm đó là một lời than thở, chỉ nói lên phần nhỏ cảm
nhận của Michael Field tác giả bài điểm sách, cũng không thể dấu diếm ngay từ đầu
sự thiếu cảm tình với ông vua Miên mà khuôn mặt theo tướng số Á Đông là “sournois”
(nguy hiểm tráo trở). Người như vậy không đáng nêu tên nhưng nghiệt ở chỗ linh
hồn người ấy là con đường chuyên chở những tai ách, ít nhất cho Miền Nam VN và
những người Việt không CS.
Đó
cũng là lý do tôi minh họa mục nầy với bức hình Sihanouk tiếp đón Jacqueline Kennedy năm 1967. Ký ức còn rõ rệt, 4 năm trước Sihanouk đã tổ chức tưng bừng mừng
Kennedy bị bắn chết, đến nỗi HK phải phản đối và Sihanouk triệu hồi đại sứ Miên, không 'noblesse oblige' của một quốc trưởng đối với một quốc trưởng.
Sihanouk muốn lấy cảm tình của Mỹ sau khi bị cắt viện trợ. Jacqueline đang “đói”
đèn màu đã bất cố kiêm sĩ muốn được chúc tụng bởi kẻ phỉ nhổ chồng.
Theo
một người Việt suốt đời chỉ nói về ông Diệm để tự biện minh, người đứng đầu chế độ cộng hòa tiếp
Sihanouk mà không cười, tỏ ra kiêu ngạo làm Sihanouk đã đi Bắc Kinh ngay sau đó
và mở đầu cho việc cống hiến Cambodia vào thế cờ của CS để trả thù. Sự tiếp đón
có thể xẩy ra trong tình trạng nầy, vì VN luôn coi Miên là mọi, còn thấp hơn Lào. Tuy vậy, nhận xét nầy quá đáng, hơn nữa Sihanouk không nói gì về cuộc gặp gỡ.
Sihanouk
làm vua do sự chỉ định của toàn quyền Đông Dương, học quân sự ở Saumur mang cấp
bậc trung úy của Pháp. Quanh ông hoàng không biết bao nhiêu người Pháp, không
thể thiếu đảng viên CS Pháp. Mặt khác, Pháp quan niệm đế quốc thuộc địa là vinh
quang (De Gaule: France n’est pas France sans gloire) đến chết vẫn phải giữ như đã
làm ở Algérie, trong khi với Anh là kinh doanh, bất lợi thì bỏ. Pháp đã đeo riết
KPC thúc đẩy trung lập hóa Miền Nam VN.
Sihanouk,
mê hư danh, như Charles Meyer viết, thành lãnh tụ, ngồi ngang Nerhu, Chu An Lai …
trong các tổ chức như Á Phi, các quốc gia không liên kết mà thực chất là của CS;
Á Phi Ấn Tàu; Ấn lúc ấy hoàn toàn lệ thuộc Nga. Tại Bandung, Chu An Lai đã thu
hút Sihanouk vào quỹ đạo.
Michael
Field, người điểm sách, 1980, khuyên đừng ngây ngô nói ông hoàng rút lui. Thật vậy, cho đến khi chết,
Sihanouk vẫn đeo riết vào quyền hành. Field đã thiết thực tiên tri, nếu cần “bắt
mèo …” thì Sihanouk chính là con mèo. Sau 1980, Sihanouk vẫn là lá bài.
Field
sai lầm khá nhiều, tuy không hoàn toàn, khi nói theo Charles Meyer rằng hư danh đã
làm Sihanouk cộng tác Khmer Đỏ. Thực tế 1975, Sihanouk làm theo chỉ thị của Tàu
về làm bung xung, đang lưu vọng ở Tàu, Khmer là con của Tàu. Bình thường, thì Pháp
là nơi thích ứng nhất cho Sihanouk lưu vong nhưng tính kỹ nên đã qua Bắc Kinh và
Bình Nhưỡng. Đem bài viết về tương lai chừng 20 năm thì nhận xét của Myer thêm
thiếu sót vì bao lần Sihanouk không muốn Khmer có mặt trong sự sắp xếp mới, ớn
quá nó giam tui, nhưng phải theo Tàu để cho Khmer Đỏ có vị trí quan trọng.
Field
trích lời Sihanouk rằng vì địa vị quốc tế không thể thay đổi (tự cho), Sihanouk không thể
chống lại Lon Nol mà muốn tỵ nạn ở Pháp. Thực tế Sihanouk tích cực chống Lon
Nol, về quân sự, chính trị và ngoại giao.
Đầu
năm 1964, Sihanouk ký mật ước với Hà Nội cho phép Tàu chuyển viện trợ qua hải cảng
duy nhất Sihanoukville, quân đội KPC vận chuyển lấy tiền công và cho phép VC dùng
đường mòn Sihanouk đưa tiếp liệu từ ngoài Bắc.
Được
nước, sứ quán Tàu phát hành tài liệu sách báo, họp hành ... tạo ý thức cách mạng CS mà Sihanouk
thấy mình là mục tiêu hạ bệ, nên ông gây khó khăn cho phái bộ ngoại giao nầy, làm
mất lòng Bắc Kinh. Sihanouk nhân khi biết Jacqueline muốn xem Đế Thiên Đế Thích đã
mời bà qua Miên và nhờ bà sắp xếp gặp đại sứ Mỹ tại Ấn là Chester Bowles xin tái
lập quan hệ ngoại giao và than phiền VC quá nhiều trong đất KPC và nếu Mỹ thả
bom thì cứ việc, ông làm lơ. Sournois! Trong cuốn sách, Sihanouk nói Mỹ thả bom làm cho
KPC tiêu tan. Vì bom, lính VC phải vào các khu dân cư Miên. Sihanouk bèn công
nhận chính phủ của Mặt Trận để được hứa hết chiến tranh sẽ rút quân ra khỏi nước.
Đồng thời lần đầu tiên Sihanouk công nhận sự hiện diện của VC trên đất Miên. HK
khoái chí bèn tái lập ngoại giao ba tháng sau. (xin xem Wikidepia rõ hơn:
Sihanouk).
Michael Field khá sâu sắc khi xếp chung tính tình bồng bột của Sihanouk với phim ảnh, thịt nguội và champagne. Sihanouk đề nghị chính thể đại nghị đa đảng và tự do trong khi ông đã cai trị độc đoán, một mình một chiếu. Óc mộng mơ làm ông hy vọng Khmer Đỏ sẽ chủ trương tự do, nhân ái và dân chủ. Ông đã lăng ba vi bộ, đu bay không biết chóng mặt. Nhưng những nhân vật chính ở Hà Nội và Bắc Kinh, trong lúc ấy, đi rất vững chắc trên đất Miên đến những mục đích nhắm từ lâu. [những bước chân đó có chăng là cho ông vài đặc quyền đặc lợi dân Miên phả trả].
Du
kích chiến là điều kiện cần nhưng chưa đủ, muốn kết liễu cuộc chiến phải dùng
chiến tranh quy ước. Riêng ở giai đoạn du kích, mật khu là điều kiện tiên quyết.
1949, Mao Trạch Đông chiếm Tàu lục địa, đã làm nhiều người bi quan tương lai của
Pháp ở Đông Dương vì Tàu là một mật khu vô cùng quan trọng dọc theo biên giới. Đảng
CS Hy Lạp đang khi gần thành công chiếm cả nước lại bỏ cuộc; chỉ vì lý do duy
nhất Albany không cho phép đặt mật khu, hậu phương chất giữ vũ khí, trại
huấn luyện, bệnh viện… Éo le, khôi hài của lịch sử 1972, Nixon cho dội bom phá
hết mật khu VC trên đất Miên phía sau cao nguyên Boloven; nhưng sau đó chỗ nầy
trở lại thành một mật khu kiên cố và lợi hại nhất, quyết định cuộc chiến. Ngay đến
phút chót, Khmer Đỏ đã chiếm Phnom Penh hai tháng trước Saigon, đã mở
rộng đường vô. CS không cần nhảy vào Nam Vang ám sát chủ soái, lập một chính phủ thân thiện giúp ích thành lập mật khu, hành lang vận tải. Sihanouk đã lo rồi, đã phục vụ đắc lực cho Hà Nội và Bắc Kinh. Good job, monsieur le
roi!
Lại
buồn cười, chiến lược gia chống Cộng quyên tiền lập mật khu để phục quốc, nhưng
mật khu lại rất xa VN, không ở biên giới. Họ nói ở Thái Lan mà Thái thì cách VN
cả một nước Lào và một nước Miên đỏ lòm.
Khi
người Miên nói sẽ dùng Thái Lan làm mật khu để trở về Chùa Tháp thì còn tin được. Người mình
California biết thêm “mật khu dĩa giấy”, đang được đưa vào từ điển chiến
tranh.