add this

Tuesday, March 19, 2019

đào mồ ...Franco


El Valle de los Caidos
Tây Ban Nha, quá khứ, hiện tại
Spain Exhumes Its Painful Past
Omar G. Encarnacion, ttt dịch

Hiếm có kẻ độc tài nào hưởng phận lành và tôn kính, trong khung cảnh dân chủ, sau khi chết như thống tướng tổng tư lệnh Francisco Franco, người cai trị Tây Ban Nha (TBN) từ khi chấm dứt Nội Chiến 1939 cho đến khi chết 1975. Nơi an nghỉ của Franco, El Valle de los Caídos (Thung lũng của những người nằm xuống) ở ngoại ô Madrid là tượng đài công cộng to lớn nhất của TBN, hoàn tất 1959 đánh dấu 20 năm ngày chấm dứt nội chiến. Danh địa nầy có một thánh giá lưu niệm to nhất hoàn cầu, có một nhà thờ dưới đất to nhất trong thế giới Thiên Chúa Giáo, được giáo hoàng John XXIII thánh hóa năm 1960, có một bao lơn rộng rãi nhìn ra phía trường sơn hùng vĩ Guadarrama.

Lăng mộ của Franco nằm chính giữa khu mộ của thánh đường; một nhóm nhỏ linh mục dòng Benedictine, ở luôn trong El Valle hằng ngày cầu nguyện cho linh hồn Franco. Thánh lễ chủ nhật có ca đoàn thiếu nhi hát nhạc Gregoire. Hằng năm vào ngày húy kỵ 20 thg 11 của Franco, vài trăm cảm tình viên đến hành hương và cung bái ‘El Caudillo’ (lãnh tụ chính trị và quân sự) và nhớ đến gia tài của chế độ Falange.

Franco 1939 

Nhưng nay nếu theo đúng đường hướng của thủ tướng Pedro Sanchez (thuộc đảng Xã Hội), El Valle sẽ có bộ mắt mới. Tháng 6, 2018, Sanchez công bố ý định của ông là chuyển hài cốt Franco khỏi El Valle, dời đến một chỗ khác, và biến thánh địa của chủ nghĩa Franco thành nơi tưởng niệm nạn nhân của phát xít. Sanchez giải thích rõ ràng như sau: Một điều “không thể tưởng tượng ở Đức và Ý, hai nước đã là nạn nhân phát xít độc tài, cũng sẽ phải là không tưởng tượng cho xứ sở TBN”.
Như vậy, nếu được thực hiện, dự án El Valle sẽ là bước tiến rất dài trong việc giải quyết những hệ lụy kinh tởm của Nội Chiến và nền độc tài Franco.

Theo sử gia Paul Preston, con số thương vong trong ba năm từ 1936-1939 vô cùng kinh hãi, gây ra bởi phe Franco. Cuốn The Spanish Holocaust cho biết lực lượng của Franco đã tấn công chính quyền Đệ Nhị Cộng Hòa do dân bầu đã tạo nên con số tử vong các loại là gần một triệu người. 200.000 binh sĩ chết trên chiến trường. 200.000 bị hành quyết bởi quân Franco trong cuộc khủng bố đỏ, ngoại trừ 4.000 tu sĩ bị trả thù bởi các thành phần vô chính phủ, cộng sản, quá khích xã hội. Không thể nói con số thường dân bị quân Franco thả bom trong thành phố hay vùng quê.
Những năm hậu chiến cũng không kém tàn bạo. Trong chính sách tận diệt phe chống đối, 20.000 bị hành quyết ngay sau khi ngưng bắn; 370.000 bị đưa vô trại tập trung, chết bệnh chết đói… Nửa triệu người bị đày.
Mãi cho đến 2011, người dân TBN mới biết chế độ Franco đã điều khiển vụ đánh cắp 300.000 trẻ sơ sinh khỏi tay bố mẹ “thiếu tinh thần” và bán cho các gia đình “được (Chúa) chấp thuận”. Được điều động bởi một mạn lưới hắc ám gồm các nam nữ tu sĩ, bác sĩ và công chức, lúc đầu nhằm bắt trẻ nít để trừng phạt cha mẹ “đỏ”,  kế hoạch nầy trở nên một kinh doanh nhiều lợi nhuận.*


Argentine học bài Franco bắt trẻ con, phản đối hoài công

Không giống các với các chính thể dân chủ chuyển tiếp, chương trình giải thể chế độ không dự trù một tòa án liên hệ. Không có việc truy tố các tội nhân trong chính thể Franco như việc tuyên án tử hình các viên chức Nazi tại tòa Nuremberg hay việc tuyên xử tù chung thân bởi tòa quân sự dành cho các kẻ cầm đầu Dirty War* ở Argentine. TBN cũng không có đến việc tha tội cho những người cấu kết với chính quyền độc ác như khi hạ bệ độc tài Salazar ở lân quốc Portugal, cũng không có một thứ như Ủy Hội Hòa Giải ở Nam Phi kê khai tội ác của nhóm kỳ thị apartheid.
Liên Hiệp Quốc đã nhiều lần buộc tội TBN vi phạm nhân quyền ở mức độ trầm trọng và không làm gì thỏa đáng cho nạn nhân nội chiến.

Franco không bị hạ bệ bởi kẻ thù, trái lại chết bình yên trên giường bệnh. Điều nầy cho phép chính quyền độc đoán nầy cải dạng thành một nền dân chủ sau khi lãnh tụ chết.

Một yếu tố không rõ rệt nhưng ảnh hưởng mạnh, đó là sự thuận hợp gọi là “minh ước tha thứ.” Với sự ủng hộ của quần chúng đã ê chề thương đau nội chiến và muốn có nhanh một nền dân chủ, sự thỏa hiệp chính trị nầy khiến các chính trị gia khắp đấu trường ý thức hệ bỏ qua việc thảo luận ai chịu trách nhiệm và không đưa ra một chính sách nào có thể gợi lại sự đau thương. Họ muốn có một nền dân chủ không dựa trên các sự xung đột. Thậm chí những đề tài như bù trừ bồi thường, xin lỗi hay truy niệm cũng được xem là trái với minh ước tha thứ. Chỉ có một điều đáng nói về nội chiến là khuyên không nên nói tới.
Năm 1986, ngày 50 năm bắt đầu chiến tranh chỉ được đánh dấu bởi một hành vi chính thức duy nhất là lời tuyên bố của thủ tướng Filipe Gonzalez: “Tính chất huynh đệ tương tàn của nội chiến làm cho việc tưởng niệm trở nên không thích đáng. Nội chiến đã chìm sâu vào quá khứ và không chút dính líu đến thực tại của xứ sở”. Những gì phát ra từ miệng vị thủ tướng tả khuynh đầu tiên làm cho lời thệ nguyện giữ im lặng được kéo dài lâu hơn.

Mãi cho đến mấy năm đầu ngàn năm mới, những tập thể như Hội Cựu Tù Nhân của Franco, Hội Tái Lập Ký Ức Lịch Sử đã bắt đầu vận động đổi thay, lập luận rằng nền dân chủ TBN không cần sự che chở của bệnh quên. Các nhóm nầy được hâm nóng vì sự việc TBN đã không thể dẫn độ Pinochet, độc tài Chile, từ Anh để truy tố tội sát hại nhiều công dân TBN và tội với nhân loại; họ vận dụng vụ nầy để lưu ý dân chúng biết rằng việc chuyển tiếp từ độc tài qua dân chủ chưa hoàn tất.

Áp lực đòi duyệt xét quá khứ đã lên cao với đạo luật 2007 có tên: Ký Ức Lịch Sử. Phán định lập pháp nầy – thi hành bởi chính phủ của thủ tướng Jose Luis Rodriguez Zapatero – tuyên bố chế độ Franco là bất chính và đưa ra chương trình đền bù các nạn nhân của sự độc ác thời nội chiến và thời độc tài tiếp theo.
Nhưng luật nầy ngừng ở chỗ thay đổi các đền đài “có ý nghĩa lịch sử” như El Valle. Quyết định nầy phản ảnh thái độ dân chúng lúc ấy; đa số chống lại việc sửa đổi quy mô đài tưởng niệm Franco. Sự do dự nầy cũng cho thấy dân TBN vẫn lơ lửng về Franco. Năm 2008, lần cuối, chính phủ thăm dò ý kiến toàn quốc về Franco: 58% cho rằng “Franco vừa tốt vừa xấu”. Nhưng các cuộc thăm dò dư luận hiện nay cho biết đa số nhận định rằng Franco không đáng được sùng bái tại El Valle.
Mặt khác, đề nghị của chính phủ Sanchez còn nằm trên đường dài phải đi để đến chỗ dung hòa với hệ lụy còn sâu sắc của nội chiến.

Từ nguồn gốc, từ huyền thoại cho đến đường nét kiến trúc, El Valle đã nằm trong tiếng xấu. Việc xây dựng khởi công 1940 để đánh dấu chiến thắng của Franco trong cái gọi là “Chiến tranh cứu rỗi”. Như vậy công trình nầy nhằm tán dương huyền thoại lâu dài nhất của chế độ Franco: đã cứu TBN khỏi sự xáo trộn và bạo động của những năm cộng hòa. Để dân chúng bày tỏ lòng tri ân, Franco không dùng tiền quốc gia để xây El Valle mà dùng nhiều phương pháp gây quỹ khác nhau, trong đó có xổ số đặc biệt toàn quốc.
Theo dự tính đầu tiên, chỉ một năm là xong. Nhưng những khó khăn kinh tế hậu chiến và khó khoét núi đá xây thánh đường buột công trình phải kéo dài 20 mới xong. Để xúc tiến dự án, chế độ Franco phải ép tù binh cộng hòa làm việc tại công trường; tù nhân được hứa sẽ rút ngắn thời gian giam giữ để thưởng công. Năm 2005, nhật báo ABC ở Madrid ước lượng 20 ngàn “cộng hòa” làm việc tại đấy.

 mồ 4.500 tù binh ở Raphael, khai quật 2008

Vào thời Giáo Hoàng đến thánh hóa El Valle, ý nghĩa biểu tượng ngôi đền dài nầy đã thay đổi triệt để: từ đài chiến thắng của Franco đến đài tưởng niệm và hòa giải quốc gia. Sự chuyển hướng nầy nhằm lôi kéo thế giới, gồm Hoa Kỳ, lúc nầy Franco đang tự đánh bóng là một chiến sĩ hàng đầu chống Cộng của Tây Phương. Để đạt mục đích nầy, Franco ra lệnh chôn gấp một số xương cốt của các nạn nhân cả hai bên cuộc tranh chấp, biến nơi nầy thành mồ tập thể lớn nhất thế giới.
Đến nay 33.833 thi hài được chôn tại El Valle, nhiều trường hợp thân nhân không biết hay không ưng thuận. Trong nhiều năm qua, thân nhân không biết các thành viên trong gia đình chôn ở đấy đã tranh đấu đem xương cốt về. Cho đến rất gần đây, chỉ một số nhỏ đạt sự mong cầu. Năm 2016, tòa cho phép khai quật mồ hai anh em ruột là Manuel và Antonio Ramino Lapena Altabas.  Sau khi bị quân Franco hành quyết năm 1936, thi thể cả hai được đem về chôn tại quê quán là tỉnh Catalayud, đông bắc TBN. Sau đó, gia đình không hay biết rằng xương cốt đã được đưa về El Valle 1959 lúc khánh thành. Ngoại trừ sự hiện diện của mấy bộ xương ‘cộng hòa’, đài kỷ niệm không có chút gì liên quan đến hòa đồng quốc gia.
Được mô tả là phát xít và bán cổ điển, thẩm mỹ kiến trúc của công trình nầy – qua tác phẩm của hai kiến trúc sư Pedro Muguruza và Diego Mendez, cùng điêu khắc gia Juan de Avalos – vinh danh đế quốc TBN và đặc biệt vinh danh tu viện hoàng gia El Escorial bên cạnh, do vua Philip II xây thế kỷ 16. Chẳng phải tình cờ: không có giai đoạn nào trong lịch sử TBN có thể sánh ngang với triều đại Philip II trong việc tạo dựng quyền lực hoàn cầu và giáo quyền độc tôn của TCG La Mã tại TBN.

Madrid El Escorial panoramatu viện hoàng gia El Escorial

Tuy vậy, trên hết mọi điều, El Valle vinh hiển các anh hùng và tử đạo trong cuộc thánh chiến vừa TCG vừa quốc gia do Franco lãnh đạo. Dường như để nhấn mạnh điểm nầy, bên cạnh mồ của Franco, ngôi mộ duy nhất có tên là của Jose Antonio Primo de Rivera, sáng lập viên Falange (đảng duy nhất được cấp phép trong xứ TBN của Franco). Rivera bị ám sát năm 1936, một cuộc ám sát hấp tấp đưa đến nội chiến.

Với tiếng không lành nầy, El Valle chiếm một chỗ kỳ dị trong ý thức và lương tri của cả nước. Người TBN khai phóng không những xem El Valle là một sự bối rối của quốc gia mà còn cho là một sáng chế không thể cứu chữa, không đáng để biến thành đài tưởng niệm nội chiến.
Các nhóm khủng bố muốn cho nổ tung El Valle thành cát bụi. Năm 1999, nhóm Cách Mạng Chống Phát Xít (Grapo) đã đặt mìn làm hư một số ghế lễ, 2005 tổ chức ly khai của Basque Eta tuyên bố trách nhiệm giật sập một cây cầu trong công viên El Valle.
Nhưng với người TBN, họ bình thản sinh sống, xem như trên đời không có cái gọi là El Valle. Tuyệt đại đa số người viếng là du khách ngoại quốc (hằng năm 240 ngàn). Thật vậy, người bản xứ đến thăm gồm một nhóm nhỏ tôn sùng Franco. Viễn ảnh một El Valle thay đổi đã đưa họ xuống đường với biểu ngữ: “no se toca” (đừng đụng tới).

Đề nghị của chính phủ Sanchez không thả vào chỗ trống không, bởi vì nó mang theo tiềm năng lợi ích về chính trị. Ông thủ tướng kỳ vọng rằng đương đầu trực diện với thứ chính trị lừa đảo liên quan đến ký ức nội chiến sẽ bảo đảm rằng việc ông thăng tiến tháng 6 vừa qua bằng phiếu bất tín nhiệm chính phủ Mariano Rajoy không phải là chuyện nhỏ, chuyện tầm thường trong lịch sử TBN. Thật vậy, lật ngược vị trí của El Valle nằm trong sách lược để thắng cử vào kỳ bầu phiếu năm 2020.

Trước tiên và trên hết, Sanchez hy vọng làm hăng say hậu cứ tả khuynh, ngõ hầu củng cố liên minh mong manh đưa ông lên ghế thủ tướng, gồm đảng Xã Hội của ông, đảng Podemos (populist) và các đảng quốc gia ở Catalonia và Basque.
Về ý thức hệ, liên minh nầy cũng chính là liên minh ngày xưa nhận mũi dùi đàn áp của Franco. Chuyển hóa El Valle là ưu tiên một của phe Xã Hội từ khi thi hành Luật Ký Ức Lịch Sử nhưng chính phủ tiền nhiệm Rajoy từ 2011 đến 2018 đã làm lu mờ sáng kiến nầy: Một bản phúc trình năm 2011 của một ủy ban chuyên gia  - đề nghị di dời mả Franco là bước đầu tiên để chuyển hóa toàn diện – đã được nghị viện TBN hậu thuẩn bằng cuộc bỏ phiếu không ép buộc năm 2017 nhưng Rajoy lờ đi.

Sanchez muốn khiêu khích phe đối lập đứng lên bênh vực Franco và những di lụy của chế độ độc tài. Lúc đó đến phiên mình, Sanchez sẽ mô tả phe hữu như hàng phế thải, dư đồ của chủ nghĩa Franco. Cho đến nay giới bảo thủ thẳng tay lên án Sanchez đã khơi lại vết thương, đáng lẽ để nó nằm yên. “Tôi sẽ không chi một euro để khai quật mồ Franco” là lập trường thủ lãnh mới của đảng Vì Dân. Đây cũng là lập luận họ dùng để chống dự luật Ký Ưc Lịch Sử.
Nhưng lập luận ấy không thể chận việc thông qua dự luật và nay có lẽ nó không thể chận việc dời mồ Franco. Dư luận quần chúng muốn vậy. Hội Đồng Giám Mục TBN – trước kia phản đối kịch kiệt dự luật nói trên – nay tuyên bố sẽ đứng trung lập trong vấn đề nầy.

Manifestació10J-293.JPG
Catalonia biều tình đòi độc lập

Đồng thời Sancez hy vọng việc quật mồ Franco sẽ gởi một thông điệp minh bạch đến vùng đất bướng bỉnh Catalonia rằng TBN đã được giải thoát khỏi quá khứ Franco. Chủ trương ly khai Catalonia thường được biện minh với lý do tiểu bang nhỏ bé nầy bị chèn ép vào thế kẹt của quá khứ. Thật vậy, Madrid không có cách gì để hóa giải đòi hỏi của Catalonia khác hơn cách đem xương cốt Franco khỏi El Valle.

Sau cùng Sanchez hy vọng thành công chính trị bằng cách thống nhất TBN. Vì cuộc khủng hoảng Catalonia, thống nhất quốc gia trở thành vấn đề quan yếu trong chính trị TBN, vượt xa mối lo âu kinh tế. Thống nhất quốc gia là chìa khóa thành công của đảng Công Dân; đảng nầy có hậu cứ là Catalonia nhưng phản đối mạnh mẽ việc ly khai. Theo các cuộc thăm dò, đảng nầy có thể đánh bại liên minh của Sanchez.

Sứ mệnh của Sanchez không thiếu chôn gai, đặc biệt nếu đi quá trớn. Hiểu điều nầy, ông không có hành động gì phá vỡ chính sách tha thứ (ví dụ đòi truy tố cộng sự viên của Franco; thực tế họ đã quá già, kèm theo hủy bỏ đạo luật ân xá 1977; hoặc thành lập ủy ban điều tra trách nhiệm tội ác thời nội chiến).
Sanchez nếu không khéo léo, sẽ gây ra những luồng khí nóng bất lợi. El Valle là một địa điểm tôn giáo, có nghĩa giáo hội TCG sẽ có phản ứng riêng. Các linh mục Benedictines hiện trụ trì đài kỷ niệm luôn phản đối các thay đổi lớn nhỏ. Xử sự làm sao với xương cốt của Rivera; Rivera, không như Franco, đã bị giết thực sự vì các xung đột nội chiến. Còn cái tên ‘El Valle de los Caidos’ phải thay chăng vì giống như công thức tôn sùng người chết trong phe Franco: “Caídos por Dios y por España” (nằm xuống vì Chúa và vì TBN). Vẫn còn một câu hỏi bỏ ngõ: những kẻ trung thành với phe thua có thèm cái El Valle, có xem El Valle là nơi thích hợp để tưởng niệm những vị đã bỏ mình vì dân chủ vì tự do hay không. Những người ủng hộ cộng hòa trả giá cao nhất ngày nay là nạn nhân chiến tranh bị bỏ quên nhiều nhất, chính họ lùi vào bóng tối không tiếng nói dù muốn dù không.----
Spain Exhumes Its Painful Past

* Năm 2013, khi Hồng Y Bergolio xứ Argentine trở thành đương kim Giáo Hoàng Francis, nhiều câu hỏi được đặt ra phải chăng GH ủng hộ và nhúng tay vào Dirty War hay không. Mọi việc êm xuôi trong vòng một tháng; điều nầy điều nọ được cải chính, ngoại trừ sự im lặng của Ngài.  Nhân dịp nầy, thiên hạ nói lại những kinh hãi trong vòng 10 năm (1974 - 1983) Dirty War từ bàn tay của nhóm quân phiệt lên cầm quyền, như một nhánh nhỏ của Operation Condor ở Nam Mỹ nhằm mục đích diệt trừ tả khuynh. Bên cạnh "thú vui" giết người như thả nạn nhân từ máy bay, thả vào hầm cá sấu, còn có vụ bắt trẻ con, học bài của Franco đồng thời dựa vào một thứ thần học kỳ quái. Có tinh thần dân chủ muốn cải tiến đều là quỷ, thời Franco gọi là "bất túc luân lý", cần giết đi, nhưng bắt con của chúng để cứu rỗi, sống theo đường lối chính thống của tôn giáo, làm con của lớp lãnh đạo. Dịp nầy The New York Times đăng lại lời kêu gọi của một thiếu nữ tìm hài cốt của cha mẹ. Cô cho biết, hằng ngày vào bữa ăn, cha nàng đều dằng cây súng lên bàn, huyên thuyên kể công hôm đó đã giết ai. Khi khá lớn, nàng biết rằng "cha chính trị và tôn giáo" đã giết bố mẹ đẻ (bio parents) để cứu rỗi nàng thoát khỏi một lũ Satan.




See the source image
quốc kỳ TBN



No comments:

Post a Comment