lòng người vú em
Alma Guillermoprioto
điểm phim Roma 2018
Nước
chảy trên màn ảnh mấy phút phim mới bắt đầu với một thiếu phụ một tay cầm xô nước,
một tay cầm chổi chà. Vùng lót gạch dưới cán chổi là hiên xe của một căn nhà
trong khu phố cổ của Mexico City. Nếu bạn là khán giả Mễ thì bạn biết ngay người
đàn bà ấy là người giúp việc quét dọn hằng ngày vào buổi sáng. Bạn biết ngay
nghề nghiệp của bà ta trước khi thấy mặt, vì nước da ngâm đen, áo quần nghèo nàn,
mà còn tỏ ra bình thản và kiên nhẫn.
Quận Colonia Roma không còn tráng lệ như xưa và ngôi nhà nầy cũng đã xuống dốc, tuy khá rộng.
Ngoài cô giúp việc Cleo nầy và bà bếp Adela, gia đình chủ khá đông gồm bảy người:
hai vợ chồng, bốn đứa con và má vợ.
Ngôi
nhà nầy thực tế chính là nhà xưa kia của đạo diễn Alfonso Cuaron của phim Roma
nầy. Hư hư thực thực, cuốn phim như kể lại thời thơ ấu sôi động của Alfonso. Nhưng
đây lại có thêm nhân vật chính, Cleo, người giữ trẻ với lòng thương mến hơn cả
của cha mẹ hay các người giữ em khác.
Cleo
nói chuyện với Adela bằng thổ ngữ Mixteco, tức là cả hai cùng gốc miền cao nguyên
vô cùng nghèo phía nam gồm hai tiểu bang Puebla và Oaxaca (thực tế Yalitza
Aparicio ở nơi quê quán Oaxaca khi được mời đóng vai Cleo, nay cô là một giáo
viên tiểu học). Vóc dáng nhỏ thó và khuôn mặt cũng đủ nói lên điều nầy. Các sắc
dân khác nhau đã đến định cư, khác nhau về ngôn ngữ tập tục và cả tầm vỏc. Giống
xương dài như Apache, Mexicas; thứ đến là Zapotec, Mayas yểu điệu vừa vặn hơn;
thấp nhỏ nhất là nhóm Mixteco của Cleo.
Cleo
có đến hai gia đình. Một gia đình ở quê nhà trên cao nguyên, gia đình thứ hai ở
phố phường Roma, nơi nàng làm việc và sống tại chỗ. Vú em, giữ trẻ thường được
xem là một phần bộ của gia đình, mà gia đình là hình ảnh nhỏ của xã hội, là viên
gạch xây dựng xã hội. Nhưng trong trường hợp nầy, Cleo thuộc về một gia đình với
những tính chất: có đẳng cấp tôn ti, bóc lột, bất công, bất ổn nhưng lại vô cùng
trung thành và đầy yêu thương.
Cleo
và Adela hình như có họ với nhau. Adela lớn hơn, có lẽ đã đi trước về thành phố
để, cũng như Cleo về sau, tìm một cuộc sống khả dĩ tốt đẹp hơn cuộc sống tự tồn
với chuổi ngày vô tận làm lụng; cuộc sống ấy đã kéo dài biến phụ nữ thành những
bà già khú trước khi đến tuổi 40.
xương rồng, vườn bách thảo Oaxaca
Đời
sống ở thủ đô vừa nhộn nhịp vừa vui thú, đối với một Cleo thẹn thùng. Công việc
nhẹ nhàng hơn, không như “một thứ trừng phạt” ở quê nhà. Cleo ở chung Adela
trong một căn phòng nhỏ phía sau; lúc nào cũng có thể mua ổ bánh mì hay chai nước
ngọt. Cả hai đều may có bà chủ dễ chịu, mỗi tuần có một ngày nghỉ. Như bất cứ bà
nội trợ toàn thời gian nào, Cleo có những ngày dài như ngày của các đứa trẻ. Nàng
hát ru chúng ngủ, ấp ủ khi chúng thức; nàng tự nuôi dưỡng tâm linh bằng những cặp
mắt trẻ thơ đầy yêu thương khi nàng chúc chúng ngủ ngon. Cleo ít nói năng khi chúng
vây quanh, một phần tiếng Spanish của nàng không trôi chảy. Nhưng với Adela, cả
hai trò chuyện ríu rít huyên thuyên bằng tiếng Mixteco về bồ bịch, chủ nhà và các
em.
Cleo
phải lòng một chàng thị thành khôn lanh tên Fermin. Gã là đứa con trong căn nhà
ổ chuột, ngoại ô thủ đô Nezahualcóyotl. Hiện nay chỗ nầy phát triển với triệu dân;
nhưng vào thời nói trong phim là một khu sình lầy rất rộng, không đèn đường, không
nước máy, không đường điện thoại. Nơi đây làm trạm dừng chân đầu tiên của những
người bỏ quê nghèo lên tỉnh. Fermin rượu chè say sưa nhưng học được
võ thuật trở thành một kẻ nhiều sức mạnh, múa gậy tài tình.
Thế rồi dĩ nhiên Cleo mang bầu; và dĩ nhiên Fermin đã dứt bỏ nàng khi biết tin
nầy. Cleo tìm đến Nezahualcóyotl, Fermin nói bào thai không phải của hắn và gọi
Cleo là con điếm thúi. Nhìn các xe rác đậu sau bãi tập của nhóm công
phu, khán giả biết rõ Fermin là người làm rác.
Bao
nhiều điều xẩy ra cho Cleo. Biến cố nguy hại nhất xẩy ra vào dịp lễ Corpus
Christi, lễ chuyển mình Thánh Chúa nhằm vào ngày 10 tháng 6, 1971. Một Cleo
mang thai gần sinh và bà ngoại các em của cùng đến tiệm bàn ghế mua một
cái nôi cho đứa bé sắp sinh. Trong ý hướng nhà đạo diễn tái tạo một ngày lễ
Corpus Christi có thật trong đời, chúng ta thấy hai người đàn bà đi xuyên qua một
cảnh đường phố mà dân Mễ kéo nhau xem cho biết: dọc theo đường phố là những hàng
thiết vận xa nhà binh, xe cảnh sát và cảnh sát viên mang súng đầy mình, và những
người mặc thường phục căng đầy khí tiết, không cần che dấu vũ khí. Chúng ta cũng
thấy đông đảo thanh niên đi bộ hướng về đường Ribera de San Cosme, để nhập
chung với nhóm biểu tình cách đó vài khúc phố. Trong lịch sử, chưa được ba năm
sau cuộc thảm sát trong dịp Thế Vận Hội thì xẩy cuộc tuần hành Corpus Christi rầm
rộ nhất từ xưa. Cuộc biểu tình bắt đầu với bài quốc ca. Lúc ấy nhạc hậu trường vọng lên quốc ca như ngày xưa. Phim tiếp với những tiếng kêu kinh
hãi làm cho khách tiệm bàn ghế dồn đến cửa sổ trông ra.
Ngã tư Ribera de San Cosme Ave có tiệm bán bàn ghế
Bàng
hoàng, họ thấy cuộc phản đối tan rả trước sự tấn công của những người dùng gậy
gộc và súng. Đoàn biểu tình phân tán như đoàn kiến bị lửa đốt. Giờ đây sự
kinh hãi đã từ ngoài đường đi vào trong, đến tận hông của Cleo. Một nhóm sát nhân
mặc thường phục ùa vào phòng chưng bày bàn ghế, chỉa súng vào một người biểu tình bị thương chạy vào trốn. Chàng thanh niên bị bắn chết ngay. Một khẩu súng khác chỉa vào mặt
Cleo; phía sau mũi súng ấy là một khuôn mặt đằng đằng sát khí hung bạo rừng rú;
không ai khác hơn là Fermin. Còn nhớ trong lịch sử cuộc tàn sát ngày lễ Corpus
Christi, số đông trong những người đàn áp biểu tình là nhân viên sở rác dưới
quyền điều khiển của các ma đầu trong đảng cầm quyền. Sau lần nhận diện điên đảo
nầy, Fermin thối lui, hổn loạn tiếp tục; vì xúc động Cleo vỡ bể nước ối, đưa đi bệnh viện, nhưng đứa bé chết trong bụng, giải phẩu lấy ra cũng không cứu được.
Khi
tôi còn nhỏ, gia đình lúc nào cũng có người giữ em. Cha mẹ tôi sạch túi, hai bữa
nhiều khi chỉ có bánh mì không và cà phê đen. Nhưng lúc nào cũng có người giữ em. Mặc
dầu cha mẹ tôi trả tiền không đều, khi đực khi cái, chị không bao giờ thôi việc.
Trật tự xã hội thời ấy như vậy.
Carmela
cho tôi ăn điểm tâm khi không có cha mẹ ở nhà. Chị đem tôi theo bất cứ chỗ nào chị đi
tới: ra chợ, đi mua thức ăn hằng ngày, tiệm sửa giày; ra công viên ngồi trên ghế
đá nhìn các con bồ câu, rúc vào lòng chị hỏi lia lịa cái nầy cái kia, và ngay cả chị đem tôi theo về làng xa là Xochimilco. Nơi đây người thân của chị trú ngụ. Và
chính nơi đây trên con đường đất bụi, giữa những cánh đồng bắp và những con kênh
nhỏ, lần đầu tiên tôi thấy một đám tang vào lúc ngày tàn đêm sắp đến: một bài
hát run rẩy trong không trung; mươi lăm người đưa tiển, đàn ông đội nón cói rộng
vành, đàn bà quấn khăn dệt (rebozo) quanh mình; ai cũng cầm một cành hoa hay cây đèn; ở
giữa có một chiếc hòm nhỏ màu trắng mang thi hài của một “thiên thần nhỏ” (angelito),
một hài nhi chết.
Và
nay ở Roma cũng có một hài nhi chết; một trẻ sơ sinh chết mà nàng Cloe héo hắc đang
nhìn người ta cẩn thận bao kín bằng một khăn liệm nhỏ. Trong quá khứ, các
angelito thường bay khỏi lòng mẹ cho nên việc nầy coi rất thường. Bà nội tôi sinh
12 lần nhưng chỉ sáu đứa sống sót. Tùy theo người cha và nếu hôn nhân ổn định, đàn
bà thường có bầu để rồi phải xoay xở nuôi năm, tám hay mười đứa con. Đàn bà có
thể chết sớm, phần nhiều vào lúc vượt cạn. Lúc ấy người cha thường tục huyền. Người
vợ mới lo việc nhà và thường muốn chồng nghĩ đến con mình thay vì con vợ trước.
Gia
đình có thể mong manh và là chốn nguy hiểm như Cleo đã biết. Trong thời gian
mang thai, Cleo chứng kiến tan vỡ hôn nhân của ông bà chủ nhà. Người chồng mà
chúng ta lần đầu tiên thấy về nhà với chiếc xe Ford Galaxie kiêu kỳ, quá to so
với chỗ đậu, cũng là bác sĩ giải phẩu Cleo với thai nhi chết trong bụng, người chồng ấy nay có cuộc tình mới; ông đã theo lệnh trái tim là
bỏ vợ và gia đình.
Tôi
đã hỏi chuyện một số người giúp việc như Cleo. Thật khó cạy miệng mấy
người trẻ, nhất là trong trường hợp từ quê lên. Lý do là sợ nói điều
chi sai, sợ mất việc. Nhưng những bà khá lớn thì nhiều điều phân bua. Ngạc nhiên
là phần đông cho biết họ hạnh phúc trong những gia đình nầy, tuy lắm kẻ than
phiền lương lậu rất kém. Tôi thường nghe những lời phẩn nộ đối với chủ đã sa thải
không báo trước và không để ý đến tấm lòng của họ. Nghĩ về những đứa trẻ họ chăm
sóc thì sao? Một người nói: bị đuổi, chúng tôi phải bỏ mất những đứa bé chứ
sao. Nhưng rồi phải tập thương mến những đứa mới, và luôn sợ bị đuổi và mất chúng lần nữa. Một bà đã khóc ròng và than thở: “người ta không để ý đến một sự kiện là
chúng tôi yêu thương những đứa trẻ nầy”.
Nếu
không hỏi đi hỏi lại thì không ai nói thêm về một sự kiện khác. Đó là những người
giữ em nầy có con để lại nơi quê xa như Oaxaca, Hildago, Guerrero …cho bà
nội ngoại, cô dì nuôi nấng. Nhiều lần tôi tự hỏi làm sao một vú em có thể an
lòng với hoàn cảnh khó khăn nầy.
Bà
đi làm cho người ta để bảo đảm cho các con một tương lai tốt đẹp hơn cuộc sống trước
mắt. Có thể rằng trong khi các con ăn thịt ôi, xúp loãng thì bà ăn như hoàng hậu.
Lũ trẻ dưới sự chăm sóc của bà đòi cho được điện thoại cầm tay mới nhất thì ở
quê một điện thoại hư nát cả nhà xài chung. Con cái của chủ vào đại học hàng đầu,
học điều hay ho, hanh thông trên đường đời. Trong lúc ấy con của bà phải khó khăn
lắm mới bỏ các việc làm tay chân. Bà thân tình với con cái nhà người, con của bà
không biết bà trong nghĩa thân thích yêu quý.
Như
thế ấy, Cleo yêu mến bốn đứa con của ông bà chủ. Nàng đã làm một phép lạ cho chúng.
Cleo đã cứu sống hai em khỏi chết trôi trong cuộc đi tắm biển mặc dầu trước đó
nàng chưa bao giờ thấy biển và nàng không biết bơi. (Cuộc du ngoạn nầy do bà chủ tổ chức để nhà trống cho chồng về dọn đồ đạt ra đi). Nhưng có một điều rốt cuộc
Cleo phải chấp nhận: nàng không muốn sinh đứa con của kẻ sát nhân Fermin, tuy nàng không gây cái chết cho thai nhi.
Đạo
diễn Cuaron không muốn tìm cách vừa lòng khán thính giải bên ngoài Mexico cho nên
chuyên chú xứ sở nầy, xoay quanh một nhân vật tầm thường là vú em Cleo, trong sự
quyến quận tình thương ở cấp độ khả thi, đồng thời diễn tả cuộc sống sinh động
trên quê hương của ông. Roma cũng là đời sống của nhà đạo diễn. Vú em Cleo chính là vú em Libo ngày nào của ông. Tấm lòng của Cleo và của Libo được làm nổi bật bởi những bạo hành bên ngoài xã hội. Cuaron đưa cuộc thảm sát ngày Corpus Christi vào câu chuyện một vú em âm thầm; các nhà phê bình cho đó là một quái chiêu theo nghĩa đẹp.
Roma kết nạp rất nhiều thứ: gà tây đạp mái ve vảng
trong hội chợ đầu năm, bán hàng ngoài đường, cánh đồng bắp đang lên tươi tốt,
thanh niên bị sát hại, người giàu nhảy múa theo điệu ‘conga’; có cô gái nghèo từ
núi rừng Mixteco xuống phố không muốn sinh con với gã sát nhân nhưng cứu sống
hai trẻ em khác…trèo cầu thang phía ngoài rung rinh để lên tầng thượng có bồn nước
để giặt áo quần sau chuyến du ngoạn biển. Khi tôi xem phim nầy ở New York, khán
giả toàn rạp ngồi yên, im lặng nhìn bản liệt kê tài tử và nhân vật trên bối cảnh
gây suy tư với cầu thang sắp gảy cùng bóng dáng Cleo và nền trời trong sáng. Khán giả
ngồi yên im lặng cho đến khi đèn sáng, thở dài, ra về.
The NY Reviews of Book Feb7,2019
No comments:
Post a Comment