kênh lạch miền Nam
ngôn
ngoại, trực giác
Tâm
Thanh
Tôi về Việt Nam ăn
Tết, khi trở lui Oslo, gặp một chuyện trên máy bay, tới bây giờ vẫn còn lấy làm
lạ. Tôi cũng hơi áy náy nữa, nên mong bà ngồi bên tôi chuyến đó, ghế số 27E,
tình cờ đọc được bài này sẽ cho tôi biết tin bà có bình an không, mặc dầu khi
chia tay, bà ra dấu hiệu ‘Cứ yên tâm’.
Đầu tiên khi lên
máy bay tôi đã thấy bà chiếm chỗ của tôi, 27D, mà ngủ li bì. Lạ thật, mới lên
máy bay đã ngủ. Tôi không dám đánh thức vì thấy mặt bà co giật một cách khổ
não, chỉ sợ đụng phải lỡ bà lăn đùng ra thì mang vạ. Đấy, cái gì tôi cũng cứ
nói thật, xin bà bỏ qua. Cuối cùng, vì bị hành khách đi sau thúc quá, tôi đành
bước qua người bà mà vào chỗ ngồi tạm. Trước khi máy bay chuyển bánh ra phi đạo
để cất cánh, cô tiếp viên tới kiểm soát, thấy bà chưa cài dây an toàn, lại bảo
tôi cài cho bà. Một sự lầm tưởng tai hại. Nhưng tôi không đủ lanh trí để cải
chính một cách tế nhị, chẳng lẽ tự dưng tôi nói ‘bả không phải vợ tôi’? Vả lại,
cài giùm cái dây có cần gì phải là vợ chồng? Tôi nghiêng qua người bà tìm mối
dây bên kia, nghe nồng nực mùi dầu cù là. Tôi nín thở cài khóa, tiếng kim loại
ăn khớp kêu lách cách xác nhận là tôi đã làm chu đáo một nhiệm vụ nhỏ, nhưng có
thể trở thành lớn, nếu nói dại có trục trặc gì xảy ra. Nhưng máy bay cất cánh an
toàn. Khi đèn báo hiệu cho phép cởi dây an toàn, tôi cởi cho mình, rồi tần ngần
nghĩ đã cài cho bà, thì tôi cũng nên cởi cho bà.
– Ê! Làm gì kỳ vậy, cha già mắc dịch!
‘Chát!’ Bàn tay tôi bị bắt quả tang đang thò sang lòng bà. Tôi vừa giận vừa xấu
hổ, ức quá mà không dám gây sự lại. Thôi thì phải tự an ủi là bà chưa ngoác mồm
tuôn ra một tràng xỉ vả nặng hơn nữa, và còn may là hành khách chung quanh coi
bộ không ai chú ý tới lời ‘vu cáo’ trắng trợn kia. Tôi đành im lặng chịu trận
cho tới khi nghe bà nói trổng:
– Mắc đái thấy mụ nội. Bao giờ máy bay mới ghé đổ nước, cho hành khách đi đái
không biết?
Được dịp ‘đáp lễ’ sự lỗ mãng của bà bằng sự đàng hoàng và kẻ cả của mình, tôi
chỉ giùm làm phước:
– Toilette ở trước mặt kia kìa, bà.
Bà ngơ ngác nhìn lên rồi ngơ ngác nhìn lại tôi:
– ‘Toa với lết’. ‘Lết’ đi đâu cha nội? Tui mắc đái són ra quần bây giờ nè. Chạy
te không kịp, ở đó mà ‘lết’.
Tôi bỗng nhận ra bên cạnh tôi là một người đàn bà, mặt thuôn dài, lưỡng quyền
cao, khá đẹp, nhưng quê như một cục. Tôi hết giận:
– Bà có biết đọc … xa tới đằng kia nổi không?
– Chữ ta thì đánh vần được chớ, sao không? Mắc cái chữ Tây ôn dịch gì đâu. Mà
biển gì kẻ chữ bằng con kiến!
– Bà khỏi cần đọc chữ cũng được. Lên đó, thấy có cái cửa nào có vẽ hình ông Tây
với bà Đầm, thì bà vào chỗ bà đầm mà … đái.
Bà vừa nhổm dậy đã bị sợi đai trì lại, la to:
– Ối chu cha! Con mẹ đứa nào nó cột eo ếch tui, tế mồ tế mả nhà nó!
Tôi im thin thít, không dám tự thú nhận ‘tội ác’ của mình, chỉ giúp bà mở khóa dây.
Giữa lúc không hề dám mong đợi, tôi lại được bà ban cho một nụ cười tươi rói,
và một giọng ỏn ẻn:
– Té ra hồi nãy chú tính cởi trói cho tui hả? Không biết đứa mắc dịch nào đi tầu
đi xe mà còn phá.
Rồi bà lảo đảo đi lên cầu tiêu, lâu lắm mới thấy trở lại:
– Không thấy nhà cầu đâu hết. Chú giắt tui đi được hôn?
Tôi tính nói ‘bảo đảm bà không kiếm ra cái cầu cá tra trên máy bay đâu’, nhưng
lại im lặng hướng dẫn bà lên cầu tiêu, mở một cửa trống chỉ cho bà vào. Bà ngạc
nhiên:
– Thì hồi nẫy người ta cũng chỉ cho tui cái tủ kín bưng như vầy. Có cầu kiều mẹ
gì đâu?
Đã trót thì trét, tôi kéo bà vào hẳn bên trong, chỉ cho bà cách ngồi cầu, xé giấy,
cách bấm nút xối cầu, rửa tay bằng xà bông, và thoa nước thơm, đủ lễ bộ. Để chắc
ăn, tôi bảo bà làm ơn thực tập thử cái thủ tục quan trọng nhất là nhấn vào cái
nút xối cầu. Bà vừa thò tay nhấn nút, tiếng cống hút rồ lên như cọp táp gà con,
bà ôm chầm lấy tôi la:
– Trời đất thiên địa ơi! Con gì nó rống quá trời!
Khi tôi để bà ở lại và đi ra, có một một cậu Việt Nam đứng chờ, nhìn một cách
hóm hỉnh nói nhỏ:
– Ông bà tình ghê!
Câu này, chắc hôm đó bà không nghe đâu, nhỉ? Về chỗ, tôi vẫn ngồi vào cái ghế
đã bị đổi, đầu tràn ngập những dấu hỏi về người đàn bà kỳ lạ. Bà đi với ai? Đi
đâu? Làm gì? Khi bà trở lại, lò dò mãi không tìm thấy chỗ, tôi phải vẫy tay,
kêu:
– Bà ơi! Đằng này nè!
Tôi nghe từ hàng ghế sau, phía bên trái có giọng đàn bà, tiếng Việt:
– Ông già lấy được bà vợ đẹp, chỉ tội quê không để đâu hết.
Bụng tôi thon thót theo mỗi bước chân của bà, chỉ lo ngại cho những cái đầu người
ngồi dẫy bìa bị tay bà quơ phải, lỡ mà bà nhằm cái đầu tóc giả của một ông Tây
mà vịn thì tôi phải tuyên bố ‘ly dị’ ngay tại chỗ. Nhưng tôi thở phào khi cuối
cùng bà tới được chỗ ngồi bình an, gieo bàn tọa cái rầm, thả ra mùi ‘eau de
Cologne’ pha lẫn mùi dầu cù là.
– Bà đi máy bay lần đầu?
– Chớ lần mấy?
– Bà đi đâu ạ?
– Phần-lan.
– Bà đi thăm bà con bên đó, chắc?
– Bà con hồi nào? Theo chồng.
– Ông nhà sang Phần-lan lâu chưa?
– Chả người Phần-lan …
lưu vực Cửu Long
Bà kể bà làm nghề
chèo ghe đưa khách tại bến đò Vĩnh Long. Chở bạn hàng cũng có, mà sau này chở
khách du lịch cũng có. Thường thì bà chậm chân, không tranh được mấy mối khách
du lịch béo bở. Một hôm bà để ý có một ông khách Tây cứ ngồi uống cà phê đá mà
nhìn bà cả buổi, ‘cái đầu xồm không nhúc nhích’ và ‘cái môi đỏ chót liếm lia’.
Cuối cùng ông đứng lên ra bến, đưa tay gạt hết mấy thằng giành mối ra một bên,
mà tiến thẳng lại ghe bà, chẳng nói chẳng rằng, bước xuống, và bà chèo ghe cho
ông coi cảnh trên sông Cổ Chiên. Bà nói tiếp:
– Chiều về chả rút bóp ra một xấp tiền đô. Tui hổng dám lấy. Thằng chả xòe ra
biểu lấy một ít cũng được. Nhưng chú tính coi – ai lấy kỳ vậy?
Cô tiếp viên đưa
khay ăn tới. Tôi giúp bà hạ bàn xuống, chọn nước uống, và chỉ bà cách dùng mấy
thứ lỉnh kỉnh như dao nĩa, khăn ăn v.v. Và tôi ngạc nhiên tại sao một người
chèo đò nhà quê mà có bàn tay búp mang đẹp như vậy. Bà cầm dao ăn như cầm búa,
nhưng ăn vén khéo và rất … bạo - so với các mệnh phụ phu nhân khác. Vẻ tự nhiên
của bà và những món ăn hấp dẫn với rượu vang khiến tôi lên tinh thần. Tôi thấy
đã đủ thân mật để nói đùa:
– Bà không lấy tiền, chứng tỏ bà mê ông rồi?
Bà cười khinh khích:
– Mê cái mốc xì họ. Bộ ghe chùa sao? Tôi lấy cái tờ có vẽ số 1.
– Sao bà không lấy tờ vẽ số 10 hay 20?
– Lấy đủ công mình thôi chớ.
– Rồi sau đó?
– Sau đó hả? Mấy bữa sau, bữa nào chả cũng trở lại thuê ghe tui đi chơi lòng
vòng… Rồi chả đòi lấy tui.
– Ý! Chết mẹ người ta chưa!
Dầu biết trước bà
đang trên đường đi về nhà chồng, tôi buông ra một câu sững sờ như thế vì hồi kết
cuộc tới một cách đột ngột quá. Không ngờ tiếng reo của tôi đã làm giọng của bà ấm
hơn , thốt ra mà thấy sướng cổ họng. Nhưng thấy sau đó bà im bặt, tôi lại
lo bà giận tôi lỗ mãng.
– Xin lỗi nhé!
– Lỗi gì?
– Dạ, không.
Tôi
chờ đợi một câu truyện hấp dẫn, có đầu đuôi hơn. Tôi muốn biết buổi hẹn hò đầu
tiên ở đâu? ông tỏ tình thế nào? tại sao bà biết ông thương mình thiệt? cái gì
làm cho bà thích ông? ông làm nghề gì? có tổ chức đám cưới không? Nhưng bà
không kể nữa, tiếp tục ăn món tráng miệng, khen ngon.
Tôi
uống sang ly Cognac thứ ba, nghe ra giọng nhừa nhựa của chính mình:
– Dô! Dô! Mừng cho mối tình của bà! Đẹp thấy … mẹ!
Bà nhìn tôi, cau mặt:
– Ê! Chú hổng nên bắt chước tui ăn nói cái kiểu ẩu tả đó.
Thế
ra bà vẫn biết mình ăn nói khác thường. Tôi chữa:
– Bà nói ngon lành hết xảy, chứ đâu có … ẩu tả.
– Chú nói thiệt tình hay xí gạt tui?
– Tui xí gạt bà làm mẹ gì? Bà là người tốt muốn chết.
– Chú coi bộ cũng được, nên tui khuyên chú đừng bắt chước tui. Tui trót học
thói xấu, không sửa được. Không muốn sửa. Thằng khốn nạn đó …
Tôi ngạc nhiên, tại
sao mới ‘thằng chả’ thân mật đã lên cấp ‘thằng khốn nạn’?
– Bà nói ai … khốn nạn?
– Thằng chồng của má tui.
– ‘Chồng của má’, tức thị là cha?
– Cha ghẻ tui đó. Mà tui có kêu chả bằng cha đâu.
– Sao vậy?
– Nó nhậu say rồi đánh đập mẹ tui tối ngày. Một hôm nó định giở trò súc vật với
tui, mẹ tui bắt gặp, nó đánh mẹ tui bất tỉnh nhơn sự, tui quơ con dao yếm, huơ
cho nó ớn mà giang ra, ai dè nó tự lao thây vào lãnh dao, chết ngắt. Đúng là số
chả chết. Bị ma men vật. Tui .. tui không cố ý. Ông tòa cũng thông cảm cho tui
như vậy. Tui chỉ bị ba năm tù. Lúc má tui đau nặng, người ta lại thả cho về sớm
gần năm để nuôi bả.
Bà ngưng kể, khóc.
Tôi im lặng để bà khóc tự nhiên, nhưng thấy bà khóc mãi, tôi an ủi:
– Việc đã qua rồi. Bà đừng buồn nữa.
Bà mủi lòng, khóc mùi hơn:
– Tui nhớ má tui với thằng Mẫn quá. Tui bỏ đi thiệt là tệ. Không ai coi chừng
má tui với nó hết trơn.
– Thằng Mẫn là ai?
– Nó là em cùng mẹ khác cha với tui. Nó bị tàn tật, què giò.
– Cha em là ai?
– Thằng chồng mắc toi của mẹ tui, chứ ai?
Tôi
quay nhìn khuôn mặt hiền lành đẫm nước mắt và nghĩ có lẽ chính khuôn mặt này đã
làm cho các quan tòa giảm khinh cho bà tội vô ý giết người. Phải tay tôi, đã
cho bà trắng án. Rồi như bấm nút, bà nín bặt, chùi nước mắt, nói ráo hoảnh:
– Bảy năm cãi lộn với thằng cha ghẻ và hai năm tù, hết thảy chín năm, tui quen
ăn nói ba trợn. Sửa lại thấy … miệng lạt nhách.
Bà
nói xong than:
– Tui mắc ói quá. Trước khi lên máy bay đã uống ba viên thuốc, mà còn mắc ói.
– Hèn gì bà vừa lên máy bay đã ngủ li bì.
Tôi
vừa kịp banh cái bao ói thì bà ọc ra. Bà lại lấy dầu cù là ra xức. Cái nồng nàn
của những chuyến đò đêm, cái ngất ngưởng của những chuyến xe đò trưa nắng, cái
bệnh viện lưu động đó, dầu cù là con hổ. Hai mươi năm mới gặp lại, gặp lại vẫn
nồng nàn. Tôi bật ghế cho bà nằm nghỉ. Tôi cũng ngả người, nhắm mắt, suy nghĩ
miên man về câu chuyện của bà. Thỉnh thoảng tôi hé mắt, thấy bà chăm chú coi
phim trên màn ảnh truyền hình. Tôi chỉ cho bà đeo ống nghe. Tay chạm phải bộ
tóc thật rậm, khỏe mạnh.
Không biết máy bay
đã bay tới đâu và mấy giờ ở dưới mặt đất. Tôi có cảm tưởng thời gian và không
gian như đọng lại ở một nơi xa lạ, không liên quan tới trái đất. Nhưng tôi vẫn
tưởng tượng dưới đó hàng mấy tỉ người đang lao xao cười, khóc, nói thật và nói
dối, thông cảm và ngộ nhận, bằng nhiều thứ ngôn ngữ, chân ngôn xen lẫn ngụy
ngôn.
Tôi
thức giấc đã nghe nhiều người rục rịch. Bà đã bật ghế thẳng, ngồi đan áo, tôi hỏi:
– Bà không ngủ?
– Ngủ mẹ gì được. Vừa chợp mắt đã nghe tiếng gà gáy.
Tôi
ngạc nhiên:
– Trên máy bay, làm gì có gà kìa?
Bà
không do dự:
– Chắc nó gáy trong đầu tui. Bị ở nhà quê, nghe gà gáy riết, quen đi, cứ gần hừng
sáng là nghe gà gáy trong tai.
Hình như bà giao tiếp
với thế giới bên ngoài bằng trực giác. Thuần trực giác. Tôi chắc người đàn ông
gặp bà trên bến đò Vĩnh Long cũng có trực giác rất mạnh. Tôi thích nghe tiếp
câu truyện về họ.
– Tại sao ông không về Việt Nam … rước dâu?
– Chú đừng kiêu ngạo tui… Chả đòi sang đó chớ. Nhưng tui không cho. Tui nói dìa
chi tốn tiền. Tui xin món tiền đó cho thằng Mẫn ăn học, chả bằng lòng, gởi tiền
dìa rồi.
Khi
bà dẹp len và kim đan để chuẩn bị ăn điểm tâm, tôi hỏi:
– Bà đan áo cho ông?
– Bển nghe nói lạnh lắm.
Chúng
tôi ăn xong, máy bay qua một vùng ‘ổ gà trời’, hổng lên hổng xuống. Đèn báo nhắc
cài dây an toàn. Lần này tôi chỉ cho bà cái khóa. Hành khách đi máy bay gặp những
báo hiệu cài dây thế nào cũng ít nhiều lo lắng. Rủi ro, ai biết? Loa phóng
thanh loan báo có bão, nhưng hành khách có thể yên tâm. Tôi lòn tay dưới gầm ghế,
lấy cái phao cấp cứu. Bà hỏi:
– Cái gì vậy?
– Cái phao cấp cứu. Tôi chỉ kiểm soát xem nó có đó không, để mình yên tâm.
– Tui đi sông đi nước hai chục năm trời, chẳng phao phiếc gì, cũng chẳng chết.
Hôm đầu thằng chả xuống ghe cũng bày đặt hỏi phao, tui nói không cần, chả cũng
chịu. Riết rồi chả nói đi ghe với tui mà không mang phao mới thích.
Bà
không lộ một thoáng lo âu nào. Tôi có cảm tưởng người đàn bà này bay trên 10
ngàn bộ cao mà tưởng mình đang bơi xuồng trên sông Cổ Chiên, xuồng lật, chỉ
việc nhào xuống nước bơi. Tôi cất phao trở lại chỗ cũ, hỏi:
– Bà có chắc ông sẽ ra đón không?
– Tui chắc mà. Tui biết ai là người tin được. Tui biết thằng cha này không bao
giờ nói xạo.
lâu đài Suoomenlinna, Helsinky
Tôi cảm phục lòng
tin của bà lắm, bà ạ: Bà bước thẳng lên mây đến với chồng. Tôi nghĩ mọi người
trên chuyến bay này đều biết trước về cuộc hành trình, và biết điểm tới. Chỉ có
bà nhắm mắt mà bước lên mây, không biết điểm tới nằm chỗ nào trên mặt đất. Bà
đi tới với chồng, chứ không đi tới một nơi nào cả. Không một giây hồ nghi. Câu
hỏi ‘Liệu ông chồng có tới đón không?’ chỉ bám vào đầu tôi, một con người thường
thấy quá nhiều sóng lớn trên biển đời, lòng tin thường bị nhận chìm, đến nỗi mỗi
bước đi về sau trở thành một dấu hỏi.
Tôi
phải chờ bảy tiếng đồng hồ tại Copenhagen để được chuyển máy bay đi Oslo. Lịch
trình bay đã ghi như vậy từ đầu. Còn bà, theo lịch trình lẽ ra chỉ phải chờ ba
tiếng để chuyển máy bay, nhưng vì trục trặc đình công sao đó, phải thêm hai tiếng
trễ nải. Chính hai tiếng trễ nải này khiến cho tôi lo ngại giùm bà. Tôi đề nghị:
– Bà nên báo cho chồng bà biết máy bay trễ.
– Chả biết mà … Cái gì chả cũng biết hết đó.
‘Cái
gì chả cũng biết’, đã tin chắc như vậy, thì thôi, kệ bà. Tôi hướng dẫn bà đi
coi các gian hàng trong sân bay. Bà bị kích thích mạnh vì vẻ tráng lệ và đồ vật
bày trong các cửa hiệu. Bà trầm trồ, reo vui. Tôi hỏi bà có định mua cái gì làm
quà cho chồng không, vì đồ ở đây miễn thuế, rẻ hơn ở ngoài, bà nói:
– Tui mang theo nhiều đồ lắm, khỏi cần mua. Chú đừng cười nghe, tôi may ba bộ
birama, kho một nồi tôm, và mua năm ký bánh phòng tôm, hai ký kẹo dừa. Nghe nói
mấy thứ này ở bên tây không có. Mèn ơi! Tây u gì mà nó thích ăn tôm kho tầu gì
đâu …
Đi với bà, tôi có
cái vui thích như đi bên cạnh một đứa trẻ tò mò. Trẻ ngoan nữa, vì bà từ chối
khi tôi đề nghị mua tặng một cái máy sấy tóc mà bà rất thích.
– Ai lại để chú mua, kỳ chết. Để chả mua cho tui, nếu tui còn thích.
Theo
tôi, bà có một bộ tóc mây quá đẹp. Tôi hy vọng ông chồng sẽ thuyết phục được bà
đừng uốn tóc. Tôi thăm dò:
– Tóc bà để tự nhiên như thế đẹp hơn.
– Biết đâu thằng chả.
‘Biết
đâu thằng chả’, thế là cả nhan sắc bà cũng giao cho ông luôn.
– Hèn gì.
– Chú lẩm bẩm cái gì?
– Dạ, không. À, tôi định nói con gấu bông kia nhỏ bé quá, hèn gì ai cũng muốn bồng.
Tuy nhiên, bà càng
tin tưởng, phó thác một cách ngây thơ, đầu óc đầy sạn của tôi càng nghi ngại. Rủi
chồng bà không tới, bà sẽ xoay xở ra sao ở nơi xa lạ? Khi đi qua một trạm điện
thoại, tôi đề nghị:
– Bà nên điện thoại cho ông báo tin máy bay trễ, để ông khỏi lo.
Bà
ngẫm nghĩ, rồi trả lời:
– Chú nói có lý. Nhưng làm sao ra nhà dây thép bây giờ?
Tôi
lấy cái thẻ nhựa của tôi tra vào máy điện thoại, và quay số bà ghi trong một tờ
giấy nhét cẩn thận trong bóp. Chuông điện thoại reo. Bỗng tôi ngại ngùng, có thể
người đàn ông nghe tiếng tôi ở đầu dây bên này, biết tôi đứng bên cạnh vợ ông
và đâm ghen không. Tôi vội trao máy cho bà trước khi đầu dây bên kia trả lời.
Tôi nghe bà la oang oang bằng tiếng Việt :
– Ê! Ông Ron đó hả! Ê ông có nghe không, Ron, Ron, Ron?!
Bà
nói liên hồi, xăng xái. Bà bụm bàn tay trước ống nói mà hét lên, cũng không có
tiếng trả lời. Tôi nhớ đã thử lại nhiều lần nhưng không ai trả lời. Tôi an ủi:
– Có lẽ ông đã đi đón bà, và đang chờ ngoài phi trường.
nữ tiếp viên Finnair, thập niên 1960
Sắp
tới giờ bà phải lên máy bay, tôi cần được giải đáp vấn nạn lớn nhất rằng tại
sao một con người ăn nói mộc mạc như bà lại có thể làm cho một người đàn ông lạ
say mê cưới làm vợ. Và, mặc dầu bà thường kể ‘chả biểu, chả nói’, nhưng nói bằng
ngôn ngữ gì? Suốt cuộc hành trình, tôi biết bà không hiểu một chữ tiếng Tây tiếng
Mỹ, làm cách nào ông bà hiểu nhau, hiểu một cách thâm sâu như thế? Cụ thể nhất
là có thiệt ông hẹn bà sang Phần-lan chuyến này? Và có chắc tất cả mọi chuyện
không bắt đầu từ một sự … hiểu lầm nào đó do bất đồng ngôn ngữ? Tôi hắng giặng
hỏi:
– Tôi hỏi không phải, ông bà nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt hay tiếng Phần-lan?
Bà xăng xái:
– Tiếng Việt mình, thằng chả có hiểu con mẹ gì. Còn cái tiếng quỉ tiếng
ma gì của chả, tui cũng đách hiểu.
Cũng
hay. Nhờ không biết tiếng Việt, ông khỏi cần hiểu ‘con mẹ’ với ‘cái đách’ là
gì. Có lẽ chỉ cần hiểu gật đầu là ‘có’ và lắc đầu là ‘không’, hai tín hiệu mà nếu
thông suốt, minh bạch, con người đỡ được bao nhiêu phiền trược trong cái biên
giới u minh nửa không, nửa có, của ngôn ngữ. Tôi nghe nói bộ óc điện toán cũng
chỉ biết ‘gật đầu’ và ‘lắc đầu’.
Phương chi, con người,
không phải chỉ có bộ óc, mà còn trái tim kỳ diệu. Điều này làm cho tôi, khi tiếng
loa mời hành khách đi Helsinki vang lên, cảm thấy bớt áy náy. Cái gì làm cho một
người đàn ông từ Helsinki sang tận bến đò Vĩnh Long gặp bà, thì cũng đang hướng
dẫn bà từ Vĩnh Long sang Helsinki bình an.
Bà le te ra cổng số
39, tươm tất trong cái áo vét xanh đậm và quần tây thẳng nếp. Tôi đứng ngoài, bịn
rịn nhìn theo, bà quay lại vẫy tay. Cái vẫy tay cũng không giống ai, bàn tay
đưa ngang vai, lòng úp xuống, ngón tay phẩy phẩy ra phía ngoài, như giục tôi cứ
đi đi. Cứ yên tâm.
Quốc Gia Hành Chánh Miền Đông,
Dec 2017
finlandia Jean Sibelius
Jean Sibelius (1865-1957)