add this

Monday, April 15, 2019

bổn sư của Putin



tranh Kazimir Malevich, nông dân trong nạn đói 1933
Bổn Sư của Vladimir Putin
Ivan Ilyin, Putin’s Philosopher of Russian Fascism
Timothy Snyder, ttt dịch

Có người Nga kia thấy quỷ Satan trong con mắt, đặt God trên bàn khám phân tâm, tin tưởng xứ sở của mình sẽ cứu nguy thế giới. Một God đang hấp hối là chứng tích thất bại. Lúc khởi thủy có Thánh Điển, trong suốt và hoàn hảo, tức là Lời của God. Nhưng rồi God mắc phải một lỗi lầm thời niên thiếu. God tạo ra thế giới để thể hiện chính mình nhưng chẳng may tự làm hư mình và rút lui ôm tủi nhục. Chính God chứ không phải Adam làm ra tội tổ tông, dấy lên sự không toàn hảo. Khi xuất hiện trên thế giới, loài người thấy các sự việc và có những cảm nhận không thể ghép vào khuôn đúng ý của God. Mọi tư tưởng hay lòng đam mê cá nhân đều giúp Satan đứng vững trên thế giới.

Như vậy người Nga nầy, một triết gia, đã thấy lịch sử là một điều thất sủng. Từ khi khai thiên lập địa cho đến bây giờ, chẳng có thứ gì mang một ý nghĩa. Thế giới là một đống lộn xộn gồm những mãnh vụn vô nghĩa. Con người càng tìm hiểu bao nhiêu thì sẽ mang tội bấy nhiêu. Xã hội tân thời, đa dạng và kiểu cách, đã làm gia tăng các sự thiếu sót và đưa God đến chốn lưu đày. God chỉ có một hy vọng là một quốc gia có trí óc theo sau lưng một Lãnh Tụ để sửa chữa thế giới nầy và cứu nguy cho cả các đấng linh thiêng (như God). Thánh điển là điều tốt duy nhất vì mang theo nguyên tắc kết tụ; do đó mọi phương tiện đều được biện minh.

Như vậy, triết gia Nga nầy, tên Ivan Ilyn, đã quan niệm ra được lý thuyết phát xít* Nga và Thiên Chúa Giáo. Sinh 1883, ông hoàn tất luận thuyết God thất bại  không lâu trước Cách Mạng Nga 1917. Sau khi bị trục xuất khỏi nước năm 1922 bởi chính quyền mà ông chán ghét, Ilyin quy phục chính nghĩa của Mussolini và viết lời xin lỗi việc sát hại lãnh tụ xã hội chống bầu cử mờ ám có lợi cho phát xít.

Lưu trú ở Đức và Thụy Sĩ, thập niên 1920 và 1930 ông viết cho người Nga Trắng lưu vong (trắng phân biệt với đỏ CS) bỏ xứ sau cuộc thảm bại nội chiến; những năm 40 và 50 thì viết cho người Nga tin vào sự sụp đổ của uy quyền xô viết. Ilyin viết không mệt, 20 cuốn tiếng Nga, 20 cuốn tiếng Đức; nhiều tác phẩm rườm rà và sai lạc, mâu thuẩn. Nhưng ông có một luồng suy nghĩ mạch lạc xuyên qua một số thập niên; đó là sự biện minh về luân lý và siêu hình cho nền độc đoán chính trị tuyệt đối (political totalitarianism) được diễn tả đơn giản thực tế dễ dùng cho một nhà nước phát xít. Một trong những quan niệm nòng cốt là luật pháp hay ý thức pháp trị. Đối với Ilyin thời trai trẻ, luật pháp là hiện thân của niềm hy vọng trong ý thức tổng quát mọi người Nga, như môi trường và điều kiện cần thiết để xây dựng một quốc gia tân tiến. Nhưng với một Ilyin đứng tuổi và phản cách mạng, đó là một ý thức đặc biệt cho phép tự thị lấy quyền lực làm luật pháp. Mặc dù ông chết âm thầm năm 1954, tác phẩm của ông được hồi sinh sau sự sụp đổ của Liên Xô (USSR) năm 1991 và đang chỉ đường cho giới cầm quyền Nga hiện nay.

Từ những năm đầu của thế kỷ 21, Liên Bang Nga là một nước mới, thành hình năm 1991 từ lãnh thổ của các cộng hòa xô viết. Quốc gia nầy nhỏ hơn Đế Quốc Nga xưa kia, xa cách nhau bảy thập niên lịch sử xô viết. Tuy vậy, Liên Bang Nga ngày nay giống hệt Đế Quốc Xưa thời niên thiếu của Ilyin về một khía cạnh tối yếu sau đây: chưa có một nền pháp trị làm nguyên tắc điều hành chính quyền.

Hành trình tư tưởng của Ilyin – từ tính chất tổng quát phổ cập của hy vọng chuyển qua chủ nghĩa quốc gia độc đoán – nay được tìm thấy lại trong các bài diễn văn, các lời tuyên bố của các chính trị gia Nga. Vì Ilyin mở đường trình bày sự thất bại pháp trị là một điểm son của Nga, chính quyền ăn cướp đã dùng ý kiến của ông để biện bạch cho chính quyền vô tội về bất bình đẳng kinh tế ngày nay. Trong mấy năm qua, Putin đã dùng vài ý niệm đặc sắc của Ilyin về chính trị-địa dư trong việc cải cách quốc nội và ngoại giao. Khi biến chính trị thế giới thành cuộc thảo luận về sự đe doạ tinh thần, giới ưu tú Nga đã nhờ sách của Ilyin để mô tả Ukraine, Âu Châu và HK là những mối nguy từ bên ngoài chỉa vào Nga.
 *
Triết gia Ilyin đã so chiếu vấn đề Nga với các nhà tư tưởng Đức. Ông là đứa con của Ngân Đại (Silver Age), đế quốc cuối triều Romanov. Cha thuộc quý tộc Nga; mẹ Tin Lành đã đổi qua Chính Thống Giáo**. Thời sinh viên ở Moscow 1901 đến 1905, Ilyin chuyên về triết học, có nghĩa là học về Immanuel Kant. Tư tưởng của Kant lúc ấy thịnh hành các đại học Âu Châu và Nga. Theo đó, con người khác với các thứ thụ sinh khác vì có lý trí; lý trí cho phép con người làm các sự lựa chọn có ý nghĩa; con người có tự do đặt mình dưới pháp luật vì thấy tinh lý của nó và chấp nhận tinh lý ấy.

Luật pháp lúc ấy là đối tượng ước mong của tầng lớp trí thức, tầng lớp có suy nghĩ. Sinh viên luật Nga, có thể hơn các đồng môn Âu Châu, xem luật là một nguồn chuyển hóa thay đổi. Luật là thuốc giải độc, thuốc trị sự cai trị độc đoán của Nga hoàng. Tuy còn trẻ đầy hy vọng, Ilyin đã xem dân Nga là những người trong tưởng tượng của Kant. Ông nôn nóng một cuộc nổi đậy rộng lớn đẩy mạnh giáo dục quần chúng. Khi chiến tranh Nga Nhật tạo điều kiện thuận tiện cho cách mạng, ông bảo vệ bênh vực quyền hội họp tự do. Cùng tình nhân Natalia Vokach, ông dịch các tập kỷ yếu vô chính phủ từ tiếng Đức qua tiếng Nga. Nga hoàng buộc phải nhượng bộ, ban hành hiến pháp mới 1906 có qui định thành lập nghị viện Nga. Mặc dù được lựa chọn để bảo vệ quyền lợi địa chủ, nghị viên có quyền lập pháp. Đã hai lần Nga hoàng giải tán nghị viện và thay đổi cách bầu cử có lợi cho thành phần bảo thủ. Như vậy, không thể nói hiến pháp mới đã tạo ra pháp trị ở Nga.

Trong thời gian dạy luật ở đại học, 1909, Ilyin đã xuất bản một luận văn bay bướm bằng hai thứ tiếng Nga Đức về sự khác biệt thuần lý (trừu tượng ý niệm) giữa luật và quyền lực. Thế nhưng làm sao đưa luật vào thực tế một cách hữu ích cho xã hội? Kant đã để trống, không có ý kiến về sự sai biệt giữa tinh lý của luật và thực tế chuyên quyền. May có Hegel nhảy ra với niềm hy vọng rằng điều nầy và các mâu thuẩn khác sẽ được giải quyết bởi, và theo, thời gian. Lịch sử, theo như người lạc quan Ilyin thấy nơi Hegel, diễn biến nhờ sự thẩm nhập dần dà của Thánh Linh vào thế giới. Mọi thời đại đều vượt qua cái cũ và tạo nên cuộc khủng hoảng gieo mầm cho thời đại sắp đến. Quần chúng trâu bò sẽ gần giống các thân hữu giác ngộ; lòng ham muốn sống sẽ nhường bước cho một trật tự chính trị.

Triết gia của chúng ta, vì hiểu rõ thông điệp nầy, trở thành đoàn tàu chở tinh thần với những viễn ảnh mê hồn. Giống như các nhà trí thức cùng thế hệ hay lớn hơn, chàng thanh niên Ilyin bước vào hấp lực của Hegel. Nhưng khi đại đa số dân quê cho thấy sự ngưng trệ trong việc lưu truyền ý nghĩa của luật trong xã hội Nga, ông hoài nghi Thánh Linh có thể đem lại những thay đổi lịch sử. Ông thấy rằng người Nga, kể cả giai cấp của ông và dân thủ đô, đều trọng vật chất một cách tồi bại. Khi bàn luận về lịch sử và chính trị thập niên 1910, ông kết án các đối thủ mang những tệ hai, những chứng thuộc về tính dục (sexual perversion).

Năm 1913, Ilyin quan ngại chứng nầy trở thành căn bệnh của cả nước. Và cho rằng chỉ có Freud mới là kẻ cứu rỗi nước Nga. Theo những gì Ilyin đọc được của Freud, văn minh hình thành từ sự thỏa thuận tập thể đồng ý dẹp bỏ các hành động căn bản; cá nhân trả một giá tâm lý khi hy sinh bản chất tự nhiên để đổi lấy văn hóa. Chỉ có một cách duy nhất đem kinh nghiệm vô thức lên trí thức, đó là nằm trên giường khám bệnh của nhà phân tâm học, nghe theo những điểu chỉ bảo. Phân tâm học như vậy cho chúng ta một hình thù của tư tưởng không như ở triết lý Hegel mà Ilyin nghiên cứu trước đây. Song song với việc soạn thảo luận văn về Hegel, ông ta biến thành kẻ tiên phong của ngành phân tâm học ở Nga, và đã cùng tình nhân Natalia đi Vienne nhờ Freud chẩn khám. Như vậy, vào lúc bắt đầu thế chiến I, Ilyin đã ở kinh đô vương triều Habslurg, một trong những kẻ thù chính của Nga.

Năm 1915 ông viết cho một người bạn rằng: những người Đức bên trong của tôi làm tôi bối rối bận rộn hơn người Đức bên ngoài. Bên ngoài là nước Đức và Áo tuyên chiến với Nga; bên trong là triết gia Edmund Husserl, kẻ giúp ông ta nắm vững thế thượng phong đối với các nhà tư tưởng khác, và cũng là thầy dạy đại học Gottingen năm 1911.
Husserl (1859-1938), sáng lập trường phái hiện tượng luận, đã nêu ra phương pháp giúp triết gia quán nghiệm về thế giới. Triết gia phải tìm cách quên ngã chấp của mình cũng như các quan niệm tiên khởi, và quán xét trực nghiệm đối tượng như nó hiện diện trong tư thế hình thể riêng của nó. Theo lối diễn tả riêng của Ilyin, triết gia nắm vững trong tư tưởng đối tượng nghiên cứu cho đến khi đạt sự trong suốt rốt ráo và hiển nhiên. Phương pháp của Husserl được Ilyin đơn giản hóa thành một hành vi triết lý, nhờ đó, triết gia có thể giữ an bình cho vũ trụ và những thứ trong đó – tức là các triết gia khác, thế giới và cả God – bẳng cách giữ yên bình tâm trí của chính mình.

Giống như tín đồ Chính Thống giáo chiêm ngưỡng một thánh ảnh, Ilyin – trái với Husserl – tin tưởng ông có thể thấy một thực tại siêu hình qua một thực tại hữu hình. Khi giảng luận về Husserl, Ilyin tìm gặp một đề tài trong sách triết và sửa ngay tại chỗ. Ông kết luận rằng khi Hegel đề cập Thánh Linh tức là nói đến God và Hegel đã sai lầm khi thấy lịch sử di động. God không thể tự hiện thân trên thế giới vì bản chất của God khác biệt hoàn toàn không chỗ hở đối với bản chất của thế giới. Hegel không thể chứng minh rằng mọi sự việc đều cấu kết với một nguyên tắc, rằng mọi tình cờ đều nằm trong một kế hoạch, rằng mọi chi tiết đều là phần bộ của một tổng thể v.v…God đã khơi mào lịch sử và sau đó bị chận đường không còn làm nên việc chi khác.

 
thánh ảnh (icon) Ba Bàn Tay

Ilyin tiêu biểu cho giới trí thức Nga nhanh chóng nhiệt tình chấp nhận những tư tưởng mâu thuẩn của Đức. Nhờ hiểu biết về Husserl, Ilyin có thể sắp xếp vào trật tự các “người Đức bên trong”. Kant đã gợi ý vấn đề tiên khởi với các triết gia Nga: làm sao thiết lập nền pháp trị. Đáp lại, Hegel hình như có giải pháp: Thánh linh sẽ đi xuyên qua lịch sử. Freud thì xem Nga là vấn đề tính dục (sexual) hơn là vấn đề tinh thần. Husserl cho phép Ilyin giao trách nhiệm cho God giải quyết sự thất bại chính trị và sự rối loạn tính dục. Triết lý là sự quán ngưỡng God và God sẽ trị lành bệnh. Triết nhân của chúng ta kiểm soát tất cả, duyệt xét tất cả - các triết gia khác, thế giới và God. Tuy vậy, dẫu có liên lạc với linh thiêng, lịch sử vẫn tiếp tục; “dòng biến cố” vẫn chảy.

Thật vậy, cho dù Ilyin quán ngưỡng God, hằng triệu người chém giết nhau, cùng chết trên chiến trường khắp Ấu Châu. Ông viết luận án trong khi Đế Quốc Nga thắng rồi mất đất trên tuyến miền Đông trong thế chiến 1. Tháng hai, 1917 chế độ Nga hoàng được thay thế bằng một trật tự hiến định mới. Tân chính phủ đi chưa vững nhưng vẫn tiếp tục cuộc chiến tốn kém. Tháng tư, Đức đưa Lenine về Nga trong một toa tàu bí mật đóng kín để cùng nhóm Bôn chê vít làm cuộc cách mạng thứ hai vào tháng 11, hứa cấp đất cho dân quê và hòa bình cho mọi người. Qua năm mới Bôn chê vít đã cầm quyền, Hồng Quân đương đầu với nội chiến, Cheka (mật vụ) bảo vệ cách mạng bằng khủng bố.

Thế chiến 1 cho thành phần cách mạng một dịp may, đồng thời cũng mở đường cho giới phản cách mạng. Khắp Âu châu, các nhóm cực hữu xem cách mạng Nga là một thứ cơ hội nào đó. Thảm kịch cách mạng và phản cách mạng với kết cuộc khác nhau diễn ra ở Đức, Ý, Hung Gia Lợi. Nhưng không nơi nào có cuộc xung đột lâu dài, đổ nhiều máu và hăng say như trên phần đất xưa kia của Đế Quốc Nga. Nội chiến kéo đài, kéo theo nạn đói và thảm sát hằng loạt; số người chết bằng số tử vong của cả thế chiến 1.

Nga, con số tử thương hãi hùng, những tương tranh liên tiếp, sự sụp đổ của đế quốc, đã làm cho một số tư tưởng bừng lên thay vì bị bỏ quên hay được xem là vô nghĩa. Không có chiến tranh, Lenine chỉ là một bóng mờ trong lịch sử tư tưởng Mát xít. Không có Lenine thì Ilyin không thể đi đến kết luận chính trị cực hữu viết vào luận án.

Lenine và Ilyin không quen nhau, nhưng cuộc “gặp gỡ” cách mạng và phản cách mạng rất kỳ dị. Lenine có tên cúng cơm là Ilyich và dùng bút hiệu Ilyin. Ilyin tên thiệt đã đọc và phê bình tác phẩm của Ilyin mới. Khi Ilyin bị Cheka bắt vì tội phản động, Lenine đã can thiệp để tỏ lòng kính nể các tác phẩm triết lý của bị can. Sư tương tác trí thức giữa hai người bắt đầu từ 1917 và có ảnh hưởng cho đến ngày nay. Cả hai đều bắt đầu bẳng sự ngưỡng mộ lời hứa của Hegel về một nền tổng trị (totality). Cả hai đều giải thích Hegel theo lối cấp tiến, đồng ý với nhau cần tiêu diệt giai cấp trung lưu, không đồng ý với nhau về hình thái chung cuộc của một cộng đồng không giai cấp.

Lenine đồng ý với Hegel lịch sử tiến triển qua các cuộc xung đột. Người Mát xít Lenine tin có sự xung đột giữa tư sản và vô sản. Nhưng Lenine thêm sáng kiến mới là thợ thuyền cần có sự hướng dẫn của một đảng có kỷ luật biết rõ những qui luật của lịch sử. Lenine đi xa hơn nữa: năm 1917 nói thêm rằng những người biết qui luật lịch sử đã biết lúc nào có thể bẻ gảy các qui luật ấy; "lúc nào" là cuộc cách mạng xã hội trong đế quốc Nga nơi chủ nghĩa tư bản yếu và ít công nhân.  Ông tin bản chất tốt của con người bị mắc kẹt trong các điều kiện lịch sử sẽ được giải thoát bằng hành động lịch sử.

Những người Mát xít như Lenine đều là vô thần, nghĩ rằng khi nói đến Thánh Linh, Hegel hàm chỉ God đồng thời kéo theo những quan niệm thần học. Cho nên họ thay Thánh linh bằng xã hội. Ilyin không phải là tín đồ Thiên Chúa tiêu biểu nhưng ông tin vào God; ông đồng ý với người Mát xít rằng Hegel muốn nói God nhưng God của Hegel đã tạo ra một thế giới điêu tàn. Với Mát xít, tư hữu là công cụ của tội tổ tông; hủy tư hữu đi thì cái tốt nơi con người được giải thoát. Với Ilyin, sáng thế của God, tại bản chất, đã là tội tổ tông, không có một giây phút nào đẹp đẽ trong lịch sử, không có cái tốt nội tại nơi con người. Giải thoát không có được nhờ sự hiểu biết lịch sử mà từ sự xóa bỏ lịch sử. Người đời thì hủ bại, linh thiêng thì xa không vói kịp, cho nên giải cứu bằng chính trị là hão huyền.

Ilyin, tuy vậy, vẫn luận rằng nhân loại cần những anh hùng, tầm vóc to hơn người thường để nắm quyền hành; chính trị có nghĩa là chờ mong gặp sự tổng trị đã mất và tin quốc gia sẽ được phục hưng. Ilyin đang tìm một danh xưng, một hình thức cho ý thức hệ mới.
**
Ilyin bị trục xuất năm 1922, khi liên bang Xô Viết được thành lập. Trí tưởng tượng của ông đã bị chinh phục bởi các gót chân đạp lên Rome của Mussolini, tức là cuộc đảo chánh thiết lập chính thể phát xít đầu tiên trên thế giới. Ông tin tưởng rằng những hành động cứng rắn của những người cứng rắn sẽ cứu chữa những sai sót của nhân quần thế thái. Ông đến Ý, viết những bài ca tụng “lãnh tụ”. Luận án “Dùng bạo lực diệt tai ách” vừa viết xong không những đặt nền móng siêu hình cho thuyết phát xít mà còn biện minh hệ thống cai trị đang lên. Không như Jesus chủ trương “yêu kẻ thù”, ông cần nhận diện kẻ thù để tiêu diệt. Thiên Chúa Giáo, theo đó, đang tìm kiếm một triết gia sáng suốt có thể nhân danh tình thương chọn một thứ bạo động quyết liệt. Ai đối nghịch với cuộc tranh đấu oai hùng chống quỷ quái sẽ trở thành quỷ quái không hơn không kém.

 
Mussolini và Hitler

Quan niệm thần học ấy được đưa vào chính trị. Các nền dân chủ không chống Bôn sê vít trái lại còn giúp đỡ, cả hai thứ ấy cần được quét sạch bằng các cuộc đảo chánh bạo động. Ông dùng trở lại danh từ Thánh Linh làm nguồn cảm hứng của phát xít. Tác phẩm của ông nhằm gởi đến người Nga Trắng chống Bôn sê vít và mong nó được dùng làm kim chỉ nam.

Ilyin cảm thấy khốn khổ vì chính Ý chứ không phải Nga đã lập ra đường lối phát xít. Cho nên khi viết về tương lai của phát xít Nga, ông nói rằng việc Nga Trắng chống Bôn sê vít là tiền sử của cả đường lối phát xít nói chung. Sâu hơn, rộng hơn phát xít vì nó duy trì sự liên hệ giữa tôn giáo và nhu cầu tổng trị. “Hỡi những người anh em Trắng phát xít của tôi, tinh thần Trắng bất diệt”. Lời tuyên bố nầy năm 1920 đã phủ nhận hy vọng của chính tác giả năm 1910, hy vọng một nền pháp trị cho Nga.

Mặc dù say sưa với phát xít Ý, Ilyin vẫn nhờ Đức mà có nơi ẩn náu tỵ nạn chính trị từ 1922 đến 1938, làm giảng viên, làm công chức. Từ Berlin, ông nghe ngóng tin nhà về cuộc tranh nhau nối ngôi Lenine và kết cuộc Staline lên cầm quyền. Năm 1933, Ilyin xuất bản một cuốn sách dày bằng tiếng Đức, mô tả nạn đói gây ra bởi sự tập sản hóa nông nghiệp Nga.

Ngay sau đó, ông viết tiếng Nga gởi cho người Nga lưu vong ca ngợi biến cố còn tươi mới là sự nắm quyền của Hitler năm 1933. Theo ông, Hitler đã làm được việc lớn khi đình chỉ pháp trị sau vụ cháy trụ sở Quốc Hội. Hitler, cũng như Mussolini, là một nhà lãnh đạo vượt lịch sử mang theo sứ mệnh phòng thủ. Ông viết: Việc chống trả Bôn sê vít sẽ phải đến và nó đã đến. Các nền văn minh Âu châu đã bị tuyên án tử hình (bởi Bôn sê vit). Nhưng chừng nào Mussolini còn lãnh đạo Ý, Hitler Đức, việc hành quyết sẽ đình hoãng. Nazis đã hình thành Thánh Linh chung với người Nga. Nazis làm đúng khi tẩy chay thương nghiệp Do Thái và kết án Do Thái làm nên tất cả những tai ách Đức phải gánh chịu. Nhưng trên hết, Ilyin cố thuyết phục người Nga và Âu Châu rằng Hitler đúng khi đối xử người Do Thái như là tay chân của Bôn sê vịt. Điều nầy trở về tuyên truyền lúc xưa của Nga Trắng trong thời nội chiến. Ghép chung hai nhóm nầy manh nha từ thiên kiến của Chính Thống Giáo cho rằng Do Thái canh giữ ranh giới thiện và ác; đem vào đời sống mới, cách mạng là địa ngục, Do Thái giữ cửa, không cho ai ra khỏi địa ngục và không ai được vô thiên đường.

Trước và sau nội chiến, nhiều người Nga Trắng tỵ nạn ở Đức mang theo một tài liệu căn bản cho chủ trương bài Do Thái. Đó là cuốn sách ngụy tạo “Protocols of the Elders of Zion,” kê rõ kế hoạch thống trị của người Do Thái. Từ trước đến lúc nầy, Hitler chỉ xem tư bản Do Thái là đáng ngại; nay lại thêm cộng sản. Từ đó Hitler vững tin Do Thái là nguồn gốc mọi điều đe dọa dân tộc Đức. Xem đó, Hitler chỉ là cậu học sinh trường “Nga Trắng” mà Ilyin cố thuyết phục người theo.

Diễn biến thực sự trên sân khấu không như ý muốn. Khi những năm 1930 đã qua, Ilyin đã bắt đầu hoài nghi cố gắng của Nazis thúc đẩy phát xít Nga. Dễ hiểu, Hitler xem người Nga hạ đẳng, chỉ ủng hộ phát xít Ấu Châu chừng nào có lợi cho chính nghĩa phát xít Đức. Ilyin bắt đầu lưu ý người Nga Trắng hãy coi chừng Nazis. Bị chính quyền nghi kỵ, ông mất việc và trốn qua Thụy Sĩ năm 1938. Lòng vẫn giữ tin tưởng rằng phong trào Nga Trắng đã đi trước phát xít Ý và Đức quốc xã; thế nào Nga cũng phải có một thứ phát xít cao hơn, đẹp hơn.
***
Từ một cao địa an toàn gần Zurich, Ilyin quan sát sự bùng nỗ thế chiến 2. Đó là giai đoạn gây lúng túng cho người cộng sản và kẻ thù của họ, khi Nga và Đức ký minh ước Molotov-Ribbentrop. Mật ước nầy tuy nhằm chia nhau Đông Ấu chỉ là một liên minh trên giấy tờ. Tháng 9, 1939 cả Đức lẫn Nga xâm chiếm Ba Lan, hai bên chạm nhau.  Đến 1941 thì mọi việc đều trở ngược, quân đội Đức đánh vào Liên Xô.  Mặc dù dè dặc với Nazis, Ilyin xem vụ tấn công nầy là một sự trừng phạt Bôn sê vit. Sau khi Nga thắng trận ở Stalinegrad và chiến cuộc cho thấy Đức sẽ thua, Ilyin lại thay đổi lập trường một lần nữa. Trong suốt mấy năm liền ông vẫn mô tả chiến tranh nầy chỉ là một trong những cuộc phá hoại phẩm hạnh cao quý của Nga.

Nước Nga vô tội trở thành một đề tài chính. Ý niệm nầy giúp ông hoàn tất lý thuyết phát xít: thế giới hủ bại, cần có sự cứu rỗi từ một quốc gia có khả năng toàn trị, đó là nước Nga sạch sẽ, không vết nhơ. Càng về già, Ilyin quanh quần trong nước Nga quá khứ không được nhìn như lịch sử mà là những huyền thoại về giá trị quê hương cần được bảo vệ chống sự xâm nhập từ bên ngoài. Nga là một đế quốc trắng tinh. Một lãnh thổ nhỏ quanh Moscow trở thành Đế Quốc Nga, xưa nay chừng đó, không tấn công kẻ khác. Ngay cả khi đã bành trường, Nga vẫn là nạn nhân vì Âu Châu không biết sự cao cả của Nga khi lấy thêm nhiều đất. Luôn bị phong tỏa, cho nên quá khứ của Nga là một cuộc phòng thủ tự vệ. Do đó từ khi chấp nhận Thiên Chúa Giáo ở mức độ đầy đủ nhất, Nga đã chịu một ngàn năm khổ đau.

Mấy trăm trang nhạt nhẽo không đề cập hiện tình lịch sử hay những điều Nga đã thực sự làm. Đó là vì lịch sử không có ý nghĩa, chỉ gồm những sự kiện ba vớ. Sự thật về một quốc gia, Ilyin viết, là trong sáng và khách quan cho dù bằng chứng có ra sao. Sự thật của Nga là tính cách thuộc về God, không thấy được nhưng cũng không xóa mờ được. Nga không phải là một quốc gia gồm các cá nhân và các định chế, dù bên ngoài trông như vậy; Nga là một cơ thể sống, một đơn vị sống hữu cơ. Quan niệm của Ilyin về sự trở về với God trên phương diện chính trị đòi hỏi hủy bỏ cá nhân, tập thể và cả nhân loại.

Ông không tham gia cuộc chuyển hướng chính trị Âu Châu qua phía tả khuynh hay sự chấn hưng các nền dân chủ. Quan trọng hơn hết là ông không chịu thừa nhận rằng thời đại thuộc địa Âu châu đã chấm dứt. Ông vẫn xem Tây Ban Nha với Franco, Bồ Đào Nha với Salazar là những khuôn mẫu đáng theo.

Thế chiến thứ hai không phải là sự trừng phạt Nga như ông đã quan niệm năm 1941. Trái lại, Hồng Quân trổi dậy ca khúc khải hoàng năm 1945. Biên giới xô viết mở rộng hướng Tây, còn thêm một đế quốc phía ngoài gồm các chế độ theo khuôn mẫu Nga ở Đông Ấu. Thời gian đã thay đổi, không còn cho phép mộng mơ như ở thập niên 1920 rằng Nga Trắng sẽ trở về cầm quyền. Trong cơn mơ ấy, Ilyin viết một số đề nghị về hiến pháp và một số vấn đề cho thời hậu xô viết. An ủi cho ông, ngày nay thực sự là hậu xô viết, gia sản tinh thần của được được đem ra dùng.

Những lời khuyến cáo đề nghị cho hậu chiến không khác gì đề nghị tiền chiến, vẫn mang nền móng siêu hình và biện giải cho phát xít. Ilyin tiên đoán “nhà độc tài quốc gia” sẽ nhảy ra từ một nơi nào vượt qua lịch sử, có thể từ một cảnh giới huyền hoặc, nhưng đồng thời đầy đủ là một con người như Mussolini. Mà phải là nam giới, rồi quyền năng tự nhiên mà có. Dân chúng sẽ cúi đầu trước “mầm sống nầy của nước Nga”. Trong kế hoạch của Ilyin, lãnh tụ nầy đảm trách mọi khía cạnh của đời sống chính trị, đứng đầu hành pháp, lập pháp, tư pháp và quân lực. Quyền hành pháp của Người không giới hạn. Sự tuyển lựa chính trị được tổ chức trên căn bản phi dân chủ.
*
Nga ngày nay là một nền chính quyền ăn cướp (kleptocracy) sống nhờ truyền thông, không phải là một nền cai trị độc đoán tôn giáo như Ilyin nghĩ tưởng. Nhưng tư tưởng của ông ta giúp thế giới thấy nhiều khía cạnh kỳ thú của đời sống chính trị Nga. Putin, một chính trị gia hậu xô viết xuất thân từ một cảnh giới huyễn ảo và Putin đã đưa các tư tưởng của Ilyin vào đường lối chính trị tối thượng; việc Putin nắm quyền xẩy ra đúng bài bản Ilyin đã viết từ lâu.                                                                             
Putin xem như một kẻ vô danh khi được tổng thống hậu xô viết thứ nhất chỉ định làm thủ tướng năm 1999. Putin được chọn như chọn diễn viên đóng một vai nào đó (casting call). Cận thần của Yelsin hỏi nhau nhân vật nào trên TV được nhiều khán thính giả thích nhất. Thăm dò dư luận cho biết đó là một điệp viên Nga nói tiếng Đức trong một chương trình truyền hình về những năm 1970. Nhân vật nầy đúng như cuộc đời của Putin: cựu nhân viên tình báo KGB hoạt động ở Đông Đức. Chọn Putin thì đúng quá.

Ngay sau khi nhậm chức thủ tướng, Putin đã tạo uy tín cho mình bằng câu chuyện huyễn nhưng nhiều máu thực. Vào lúc mấy khu chúng cư ở các thành phố Nga bị đặt bom, Putin tuyên bố người muslim gài chất nổ và bắt đầu chiến tranh với Chechnya. Những bằng chứng thu lượm được cho thấy hầu như rõ rệt tổ chức an ninh Nga FSB là tác giả.

Khi được bầu làm tổng thống năm 2000, Putin đoan quyết rằng Nga sẽ trở thành một quốc gia pháp trị. Thay vào đó, Putin đã thành công đem tội phạm kinh tế vào chính quyền, biến nạn tham nhũng thành quyền uy trộm cướp. Một khi chính phủ là trung tâm tội ác, thì nền pháp trị lủng đoạn, bất bình đẳng lang rộng, cải cách không thể thực hiện.

Putin chiến thắng các sứ quân Nga có nghĩa là kiểm soát các đài TV của họ, có nghĩa Putin đã nắm phương tiện truyền thông trong tay. Khuynh hướng thông tin-giải trí (infotainment) đến chỗ trọn vẹn ở Nga; cống hiến một thực tại thế vì, tạo một đức tin dành cho các đức hạnh Nga nhưng bóp méo các sự kiện. Tuyên truyền Nga đã tạo ra một cảnh giới lộn xộn và tối mờ như Ilyin tưởng tượng trong sự vô tội của Nga. Việc làm mới của Putin bồi thêm cho “nguồn tâm linh”. Năm 2005, Putin phục hồi Ilyin thành triết gia của triều đình Kremlin.

2018, Putin bắt đầu trích dẫn Ilyin trong diễn văn đọc tại nghị viện liên bang và đưa hài cốt của Ilyin về Nga. Hoàng tử trong bóng tối hậu trường Vladislav Surkov, thiên tài tuyên truyền, chấp nhận ý kiến của Ilyin rằng văn hóa Nga là sự chiêm nghiệm tìm về một tổng thể; Surkov ghét các sự kiện không kém Ilyin, tóm lược tác phẩm của Ilyin để tạo ra một trường thiên về một nước Nga vô tội bao quanh bởi các xứ thù nghịch. Chủ tịch đảng của Putin khuyên thanh niên đọc Ilyin. Chánh án tòa hiến pháp, bộ trưởng ngoại giao và các giáo lãnh Chính Thống Giáo đều trích dẫn tác giả nầy.

Năm 2000, Putin lên cầm quyền như một anh hùng xuất thân từ cảnh giới huyền ảo; 2012 trở lại như một kẻ phá hủy nền pháp trị. Nước Nga của Putin diễn lại thảm kịch của Nga thời Ilyin xưa kia. Hy vọng của người chủ trương tự do về pháp trị đã tan biến. Ilyn chuyển sự thất bại nầy qua thuyết phát xít; ngày nay lý thuyết kia thành sự thật. Nhờ đó Putin đã chuyển thất bại trong giai đoạn đầu (không thể thiết lập pháp trị) qua lời hứa giai đoạn hai bằng sự xác nhận những giá trị, phẩm hạnh của Nga.

Nếu Nga không thể thiết lập nền pháp trị, Nga sẽ tiêu diệt các lân quốc thành công hay đang muốn làm việc nầy. Ilyin, theo tinh thần của nhà tư tưởng luật học Nazi Carl Schmitt, viết rằng chính trị là “nghệ thuật nhận diện và vô hiệu hóa kẻ thù”. Thập niên thứ hai của thế kỷ nầy, lời hứa của Putin không nhắm về luật pháp mà nhắm đến sự đè bẹp lân quốc nào “cao máu yêu luật pháp”. Liên Hiệp Ấu Châu, khối kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là kẻ hợp tác kinh tế quan trọng nhất của Nga, dựa trên nền tản là sự thừa nhận rằng sự tương thuận hợp pháp là căn bản của các sự hợp tác có kết quả giữa các quốc gia có pháp trị.

Từ cuối 2011 đến đầu năm 2012, Putin bạch hóa một ý thức hệ mới theo đường lối của Ilyin, đặt Nga trong thế đối nghịch với khuôn mẫu ấy của Âu Châu. Trên báo Izvestiia số ngày Oct 3, 2011, Putin công bố sự hình thành Công Đồng Âu Á đối thủ, gồm các quốc gia không thể thi hành pháp trị. Jan 23, trên báo Nezavisimaia, Putin trích dẫn Ilyin, trình bày sự kết nạp các quốc gia dựa trên phẩm hạnh chứ không phải thành quả. Pháp trị không phải là khát vọng chung, mà chỉ là một mãnh vụn trong văn minh Tây phương. Trong lúc ấy, văn hóa Nga sẽ kết nối Nga với các nước hậu xô viết như Ukraine. Bài thứ ba, trên báo Moskovkie Novosti số Feb 27, 2012,  đưa ra một kết luận chính trị. Ilyin đã tưởng tượng rằng: Nga là cơ thể tinh thần không những chỉ phục vụ các quốc gia theo Chính Thống Giáo, các quốc gia trên lục địa Âu Á mà phục vụ mọi quốc gia trên thế giới”. Cũng giống vậy, Putin tiên đoán rằng tổ chức Âu Á sẽ qua mặt Liên Hiệp Âu Châu, sẽ đưa các hội viên vào một thực thể rộng lớn hơn từ Lisbon đến Vladivostok.

Cách thức Putin trở lại chức vụ tổng thống đã hủy hoại nền pháp trị. Ông nhậm chức vì có đa số phiếu quốc hội, nhưng những người bỏ phiếu nầy trúng cử gian lận, dân chúng phản đối thì ông bảo là tay sai ngoại bang. Khi ngoài đường sôi sục, Putin ngồi trong một đài phát thanh với một ký gia phát xít, ông vui thích với điều ông nghĩ Ilyin sẽ phải nói nếu còn sống và thấy cảnh tượng nầy. Nó như thế nầy: xứ sở của chúng ta còn bệnh, nhưng chúng ta không thể rời giường của bà mẹ bệnh. Ý thâm sâu của Putin muốn người đối thoại đọc kỹ thêm đoạn triết gia nầy bàn về bầu cử. Theo đó bầu cử chỉ lấy lệ, không dùng đường lối dân chủ để chọn lãnh tụ. Putin không nhận ra một điều nghịch thường khác nơi Ilyin. Ông nầy đã bị mật vụ Cheka bắt, thẩm vấn và trục xuất; suốt đời ông chỉ mơ ngày Xô viết sụp đổ, và đồ hình tổ chức tưởng tượng một nước Nga mới, nhân viên của KGB không được nắm những chức vụ nào hết. Nhưng oái ăm Putin là một nhân viên cao cấp KGB hậu thân của Cheka đang ca tụng Ilyin và đem hải cốt về Nga cải táng.

Việc cải táng nầy cũng không thiếu mâu thuẩn. Hài cốt của Ilyin được chôn trong một tu viện, nơi đây NVVD, hậu thân của Cheka và tiền thân của KGB, chôn xác hằng ngàn công dân Xô viết bị hành quyết trong đợt Khủng Bổ Lớn. Khi đến viếng mộ Ilyin đặt vòng hoa, Putin được tháp tùng bởi một tăng lữ Chính Thống Giáo, người đã xem các đao phủ thủ NKVN là những người Nga ái quốc, nghĩa là người tốt. Trong thời gian xẩy ra việc chôn cất nầy, thủ lãnh giáo hội Chính Thống Nga trước kia là nhân viên KGB. Sau rốt, lời biện minh sát hại tập thể của Ilyin cũng giống lời biện minh của Bôn sê vít: để bảo vệ cái tốt tuyệt đối.
Vừa qua, nhân khi đọc cuốn sách thứ hai của Ilyin có ghi lời biện minh nầy, một nhà phê bình đã viết như sau: Ilyin là mật vụ của God. Ông được cải táng thế ấy, với tất cả vinh dự thể hiện bởi mật vụ làm người của God và bởi người của God làm mật vụ.

Ilyin, thể xác và linh hồn, trở về nước Nga mà ông bị ép buộc phải từ biệt. Nhưng xin nhở rõ: ông ta chống hệ thống xô viết. Tuy vậy, một khi Liên Bang Cộng Hòa Xô Viết chấm dứt hiện diện, nó thuộc về lịch sử; và quá khứ, đối với Ilyin, chỉ là nguyên liệu tri thức dùng để viết nầy nọ về một phẩm hạnh bất diệt. Sửa đổi chút đĩnh quan điểm của Ilyin về sự vô tội của Nga, các nhà lãnh đạo hiện nay xem Liên Bang Xô viết không phải là sự áp đặt ngoại bang trên đầu nước Nga, như Ilyin nhận xét; trái lại chính nó cũng là nước Nga đầy đủ phẩm hạnh, dù bề ngoài có ra sao. Những lỗi lầm của hệ thống viết Xô Viết chỉ là những phản ứng cần thiết trước những đối nghịch mà Tây Phương gây sự trước.

nh hưởng chính trị của Ilyin rất phức tạp khó lượng định. Tuy nhiên, có thể nêu một ví dụ cụ thể là định hướng mới của Nga đối với Ukraine.
Ukraine, giống như Liên Bang Nga, là một xứ mới, thành lập từ lãnh thổ của một cộng hòa xô viết năm 1991. Trong liên bang cũ, Ukraine có dân số đông nhất sau Nga; chung biên giới dài với Nga phía đông và bắc, cùng biên giới với Liên Hiệp Âu Châu phía Tây. Trong hai mươi năm đầu từ khi giải tán Liên Bang Xô Viết, bang giao giữa Ukraine và Nga được cả hai bên duy trì theo luật quốc tế, nhất là các luật sư Nga luôn nhấn mạnh các quan niệm truyền thống như chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Nhưng khi Putin trở lại chính trường năm 2012, đường lối luật pháp nhường chỗ cho đường lối thuộc địa. Từ lúc ấy, chính sách của Nga về Ukraine đặt trên căn bản những nguyên tắc đầu tiên (do Ilyin đề ra). Kế hoạch cộng đồng Âu Á do Putin công bố, theo ý của Ilyin, ngầm hiểu như một tiền đề rằng Ukraine sẽ gia nhập.

GolodomorKharkiv.jpg
nạn đói U kraine 1932 do nông nghiệp tập thể hóa
Putin biện minh cố gắng của Nga lôi kéo Ukraine vào tổ chức Âu Á bằng mô biểu hữu cơ của Ilyin sáp nhập Nga và Ukraine thành một dân tộc. Quan niệm hữu cơ bao trùm Ukraine va chạm với khái niệm ít văn chương triết lý về việc cải tổ chính quyền Ukraine. Năm 2013, Liên Hiệp Âu Châu trở thành đề tài thảo luận chính trị và được dân chúng để ý. Thoả hiệp gia nhập được xem như phương cách hữu hiệu giải quyết vần đề trọng đại nhất của xứ sở là yếu kém pháp trị. Vừa hăm dọa vừa hứa hẹn, Putin áp lực tổng thống Yanukovych từ chối ký thỏa ước mặc dù đã thương thuyết xong.

Thanh niên xuống đường biểu tình yêu cầu ký kết; các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy nguyện vọng của họ nền pháp trị. Chính quyền đàn áp và bắn lén hơn trăm người chết; tổng thống trốn qua Nga. Quân đội Nga tiến vào Ukraine. Nga rất giỏi tuyên truyền, hùng hồn dùng quan niệm văn minh, văn hóa Nga thành công thuyết phục các quan sát viên Tây Phương. Sáu tháng đầu năm 2014 chứng kiến cuộc tranh luận phải chăng Ukraine là một phần của văn hóa Nga; phải chăng huyền thoại quá khứ cho phép Nga xâm chiếm các lân bang tự chủ độc lập. Quan sát viên Ấu Châu không thấy sai lầm và nguy hiểm khi dùng ý niệm văn hóa (và va chạm văn hóa) cho phép Nga tùy tiện hành động; chấp nhận lập luận văn hóa là chấp nhận sự bất bình đẳng giữa các quốc gia, nguy hại cho các nền dân chủ mà Tây phương đã xây dựng bao thế kỷ qua. Người Ukraine thực tế không văn chương hoa mỹ, chỉ không muốn thấy một nền quyền hành ăn cướp như ở Nga. Riêng Putin, ông phải làm mọi điều để đòi hỏi thực tế của Ukraine thành vô vọng.

Lý thuyết của Ilyin được dùng làm vũ khí quan trọng trong các cuộc điều động quân sĩ năm 2014. Quân Nga chiếm đảo Crimea, đến nơi họ phân phát cho các cấp quyền địa phương ấn bản tác phẩm của Ilyin nhan đề: “Sứ Mệnh của chúng ta”. Sau khi sáp nhập đảo nầy, Putin lại dùng Ilyin để giải thích việc làm nầy, đồng thời thực hiện cuộc động binh trọng yếu thứ hai để chiếm hai tỉnh tây nam là Donetsk và Luhansk. Tư lệnh hành quân cũng theo tinh thần Ilyin tuyên bố: Nếu thế giới được cứu khỏi các cơ cấu quỷ quái như HK, mọi người sẽ sống dễ dàng; ngày ấy sẽ đến và đang đến”.

Ilyin có thể là nhà tiên tri của thời đại nầy, thời đại hậu xô viết. Sự bất dung của ông dành cho thế giới cho phép chính trị thành hình trong trạng thái huyễn ảo. Ông đã nâng tình trạng phi pháp, vô pháp luật thành một đức hạnh thuần túy và tuyệt đối, trái ngược hoàn toàn với nền móng tư tưởng của hệ thống chính trị tây phương. Ông đã cho thấy những điều trong Thiên Chúa Giáo bị làm mờ ám như chối bỏ Jesus. Nhưng trên hết, tư tưởng của ông được dùng để hồi sinh chủ trương phát xít, như một trào lưu, một thời thượng hấp dẫn, không riêng ở Nga mà khắp nơi, nước giàu, nước nghèo, chậm tiến hay tân tiến. Có nên suy nghĩ chẳng?

Ghi chú của người dịch
*Fascisme  Fasci tiếng Ý là một bó như bó đũa, bó củi. Tiếp đến fasci theo nghĩa bóng là tổ chức đoàn thể như hiệp hội thanh niên, nghiệp đoàn, văn đoàn. Mussolini là những người đầu tiên dùng chữ fascist: the Fascist Revolutionary Party (Partito Fascista Rivoluzionario or PFR). Huy hiệu Mussolini có hình bó củi
Mussolini's personal standard a gold fasces on blue flag


**Chính Thống Giáo: Eastern Orthodox (Eastern Catholic) Church, xuất hiện khi TCG chia đôi 1045 thành hai giáo hội đông và tây đối nghịch. Ngôn ngữ thông thường nói gọn là Orthodox và Vatican.
mmnmmnmmnnnnnnnmmmmmmmmeee 


Image result for grace park violinist
Grace Park

No comments:

Post a Comment