tượng Lenine ở Bucarest bị hạ 1990
nga nga, tàu tàu...
The
Anatomy of Collapse
Roderick MacFarguhar, ttt dịch
Giống như Bắc Kinh
1989, tại Moscou 1991 tám kẻ chủ trương cứng rắn lập chiến hào cuối cùng để bảo
vệ chủ nghĩa CS, chẳng dùng lý thuyết mà dùng bạo lực. Điều khác biệt là bên Tàu,
thủ lãnh cải cách Đặng Tiểu Bình về phe với các bàn tay sắt; ông có đủ quyền lực
chận sự chia rẻ trong quân đội và đạo diễn vụ đàn áp đẫm máu Thiên An Môn. Cùng
theo kinh nghiệm ấy, có thể nghĩ rằng 1991 nếu Gorbachev đứng chung với nhóm đảo
chánh thì hệ thống CS vẫn còn ở Liên Xô.
Sự sụp đổ đường lối
CS ở “quê hương vô sản” là một chưởng chính trị và tâm lý đau đớn cho lãnh tụ đại
lão già nua trong đảng CS Tàu (CST). Tuy vậy, trong lúc đảng CS Nga (CSN) nằm
ngay bờ tiêu diệt thì CST đã vượt qua sự thách thức sống còn và quy tập lực lượng
về một mối. Sử sách, tài liệu, hồi ký, phim ảnh … tràn ngập các phương tiện
truyền thông để kỷ niệm sinh nhật 70 của đảng; trong lúc ấy báo chí chỉ sơ sài
nhắc qua vụ Thiên An Môn hai năm trước để cho thấy tương phản giữa lớp trẻ hoang
tưởng và các đại lão vinh quang rực rỡ như bao giờ.
Các quan sát viên đến
tận nơi nhận thấy xứ Tàu không bị lay động bởi các hổn loạn kiểu Nga. Đám biểu
tình 1989 đi tù hay trốn ra nước khác. Giới trí thức có tinh thần cải cách đành
im lặng hậm hực trong lúc chính quyền quyết tìm cho ra cảm tình viên cuối cùng
của phong trào sinh viên nổi dậy. Hoàn toàn trái ngược với Moscou trước và sau
chính biến làm cho CSN thổ huyết gần đến chết, Bắc Kinh thông báo số đảng viên
gia tăng, đạt con số quá 50 triệu. CST muốn nói sẽ trường tồn, không bị giới hạn
trong 70 năm nói trong Thánh Kinh.
Điều gì làm cho CST
sống dai trong khi các các chế độ CS Đông Âu băng vữa và CSN đã đi đến giai đoạn
cuối hoàn tất việc chuyển quyền cho người không CS?
Khác biệt giữa Tàu
và Đông Âu là ở chỗ chính thể CS Tàu xuất phát tại chỗ, là sản phẩm của một chiến
thắng quân sự do người địa phương lãnh đạo, chứ không phải bị áp đặt bởi bàn
tay Xô Viết. Đa số dân chúng căm ghét chính phủ; bên cạnh mong ước mạnh mẽ một
nền dân chủ của giới trí thức, ai cũng thấy rõ mức độ cao rộng của sự bất mãn của
dân chúng đô thị vào thời 1989 đối với tham nhũng và lạm phát. Nhưng độc lập thoát
ách nô lệ không thành vấn đề quan yếu như ở Ba Lan, Đông Đức, Hung Gia Lợi và
Tiệp Khắc cùng thời điểm ấy.
Lãnh đạo già nua của
Tàu được sinh viên “cống hiến” một cuộc cách mạng ôn hòa êm dịu trong hòa bình
khi biểu tình năm 1989. Nhưng họ lo ngại sẽ nẩy sinh một phong trào công nhân độc
lập như kiểu Solidarity ở Ba Lan. Tuy vài niên trưởng đề nghị hòa hoãn kéo dài
và không dùng quân đội để dẹp loạn như kiểu Đông Đức, CST dùng giải pháp Lỗ Mã
Ni, tức là quyết liệt bạo hành.
Vì sao không làm
theo Gorbachev là dùng nền dân chủ chính trị theo mục đích riêng để vẫn tồn tại? Sự khác biệt về thế hệ có thể giải thích giúp. Gorbachev là lãnh đạo thuộc
thế hệ thứ tư hay thứ năm, ra đời sau cách mạng 1907. Ông bước vào ghế lãnh đạo
để thấy rằng Liên Xô đã thua Tây phương trong cuộc cạnh tranh dài 60 năm, bắt đầu
với kế hoạch năm năm của Staline và chính sách New Deal của Roosevelt. Không có
cải cách kinh tế triệt để thì chế độ ông thừa hưởng sẽ tuột dốc; không có cải cách
chính trị thì không cách nào phá vỡ sự ù lì nha lại, và giải trừ sự thờ ơ của
dân chúng, kết quả của 70 năm CS cai trị. Cho dù tình hình gay cấn nguy kịch, quay đầu
lui còn nguy hiểm hơn, tệ lậu hơn.
Trái lại, ở Tàu, Đặng
Tiểu Bình có thể đem lại một sức lực mới cho nền kinh tế trong thập niên 1980 bằng
cách cắt bỏ xiềng xích của nông dân trong gông cùm tập thể hóa theo kiểu Xô viết.
Năm 1989, mặc dầu cải cách kỹ nghệ gặp nhiều trở ngại, ông vẫn có lý tin rằng một
nước Tàu do CS lãnh đạo sẽ trở thành một quốc gia tân tiến và hùng mạnh, không
cần phải nhượng bộ đủ thứ cho các nhà cải cách chính trị. Vậy thì không có lý gì một
kẻ thuộc thế hệ cách mạng thứ nhất, đã từng là chính trị viên trong quân đội thắng
trận nội chiến, chai lỳ vì đấu tranh trong cuộc cách mạng văn hóa của Mao, không
lý gì kẻ ấy lại trao kết quả của một đời người cho đám người trẻ thiếu trang bị
biểu tình hòa bình ngoài đường phố.
Vẫn
còn câu hỏi tại sao có sự nức rạn trong các đảng CS từ Bá Linh đến Bắc Kinh, những
đảng cứng hơn đá, thường được cho là có kỷ luật sắt, tổ chức khít khao.
Nhà nước tổ chức
theo mô hình của Staline được mô tả như một tam giác độc tài toàn diện mà bên
trong có thêm một tam giác thứ hai. Nằm trên đĩnh tam giác ngoài là lãnh tụ “kính
yêu”, nguồn cảm hứng chính thức, là đấng phải tuân theo phải nghe lời. Một cạnh
nâng đợ đĩnh là hệ thống thư lại đảng và nhà nước có nhiệm vụ thi hành lệnh của
lãnh tụ; cạnh kia là chủ thuyết Mac Lê (thêm tư tưởng Mao ở Tàu) bảo đảm tính cách
chính thống, chính truyền của lãnh tụ và là nơi ghi giữ ý nghĩ của lãnh tụ. Cạnh
đáy là quân đội giữ vững bảo vệ toàn thể cơ cấu. Tam giác nhỏ thứ hai nằm trong tam
giác ngoài gồm đủ loại hệ thống: an ninh, cảnh sát, mật vụ, đoàn thể .... giúp cho tam giác ngoài giữ vững
xã hội trong lồng, trong chuồng.
Ở Đông Âu, cơ cấu
chính trị nội bộ có những yếu tố ngoại xứ. Đĩnh đích thực của tam giác không phải
là các phó vương địa phương như Honecker Đông Đức, hay Jaruzelski Ba Lan, mà là Khrushchev ...; chính ông nầy mới giải thích chủ thuyết Mac Lê; kẻ bảo vệ tối thượng
của chế độ không phải là quân đội mà là hồng quân Nga chiếm đóng; bằng chứng rõ
rệt là vụ Nga đàn áp Hung Gia Lợi khi thủ tướng Imre Nagy cầm đầu cuộc cách mạng
1956 hầu đưa xứ sở khỏi khối CS theo tinh thần chủ nghĩa quốc gia. Người cai trị
các xứ chư hầu không được tự do hành động trong xã hội mà phải hành động đúng
theo đường hướng của Moscou. Trong thập niên 1970, theo chính sách hòa hoãn,
Brezhnev khuyến khích các nhóm xã hội Đông Âu đưa ra các sáng kiến theo tinh thần
hiệp định Helsinki. Nhờ đó Ba Lan mới dám nhận tín dụng của Tây phương để đổi với
việc dân chủ hóa. Khi Gorbachev quyết định bỏ đế quốc Xô viết và đặc biệt khi Hồng
Quân không bảo vệ các phó vương (khác với những năm 1953, 1956, 1968, 1979) thì
tam giác bên trong không còn đủ sức kềm chế công dân bất mãn.
Ở Liên Xô, glasnost
(tự do ngôn luận) đã gây khốn khổ cho cạnh ý thức hệ của tam giác ngoài trong lúc
perestroika (chỉnh đốn cơ cấu) đã đâm toạt cạnh nha lại (nhà nước và đảng). Trí
thức, công nhân, các nhóm thiểu số có thêm nhiều tự do nhờ khối đá đã rạn nức.
Dân chúng nhận định rằng cái gì cũng đẹp hơn cuộc sống trong cái tam giác ấy. Dân
chúng đã biểu lộ điều nầy khi xuống đường chống đảo chánh.
Ở Nga lẫn Đông Âu,
thành phần quốc gia và trí thức đã nắm mọi cơ hội hiếm có hay không có nếu không
có Gorbachev. Ông đã quyết định những việc tày trời như sau: cho phép cật vấn,
chỉ trích chủ thuyết Mac Lê; cho phép tấn công nha lại, và không dùng bạo lực.
Hãy xét trường hợp Ba Lan. Không ai phủ nhận lòng can đảm của công nhân đứng dậy
những năm 1970, 1976 và 1980, nhưng khối đá tam giác tại đấy không vỡ tung vì các
áp lực từ bên trong mà vì cái vung tay của “đĩnh”, tức là sự mở cửa của Gorbachev.
Nay nhảy qua Tàu.
Theo lời cáo buộc của các cụ CS bát tuần, “ô nhiễm” tinh thần từ Âu Châu là yếu
tố gây ra biểu tình Thiên An Môn. Nhưng tư tưởng Tây phương chỉ có thể thẩm nhập
Tàu vì Mao và Đặng đã làm suy yếu cơ cấu độc tài từ thượng tầng. Năm 1966, Mao
xua Hồng Vệ Binh (học sinh) tấn công thành phần nha lại của nhà nước-đảng; sáu
bảy năm tiếp theo CS Tàu không có hệ thống hành chánh nào, các viên chức cao cấp
mỗi người có nhóm quần thần riêng lo liệu mọi thứ.
Thật vậy, từ đĩnh của
tam giác, Mao đã dùng hai cạnh (ý thức hệ và quân đội bảo vệ) chống lại
cạnh thứ ba của tam giác, có ý dùng thành phần ưu tú của Hồng Vệ Binh thay cho lớp
nha lại cạo giấy già nua. Nhưng khi học sinh chém giết nhau, Mao buộc lòng giải tán Hồng Vệ Binh và để cho quân đội (People’s Liberation Army) đảm nhiệm
công việc của đảng. Về sau Mao và Đặng phải tranh đấu khó khăn yêu cầu quân đội
trả lại quyền năng chính trị, cho phép một đảng hồi sinh nắm giữ chức vụ bình
thường.
Mặc dù được hồi phục
chính thức, CST không bao giờ lấy lại được uy tín và uy quyền trước Cách Mạng Văn
Hóa của Mao. Để trả lời vì sao, xin đọc đoạn văn sau đây Mao viết năm 1927 vào
những ngày cách mạng nông thôn:
“Đội
vương miện” cho địa chủ và tuần diễu khắp làng … Một cái mũ bằng giấy rất cao
chụp lên đầu một ác bá địa phương, mang những chữ như: cường hào địa phương
v.v…, hắn bị kéo đi bằng một sợi dây, có những đám đông đi trước và sau hắn.
Thỉnh thoảng có đánh phèn la, phất cờ gây chú ý. Lối trừng phạt nầy, hơn bất cứ
cách nào khác, làm cho địa chủ cường hào run sợ. Kẻ nào được đăng quan bằng cái
mũ giấy nầy sẽ mất mặt và không bao giờ dám ngẩng đầu lên.
Không những chỉ những
cấp lãnh đạo thất sủng trong cuộc cách mạng văn hóa như Đặng Tiểu Bình bị mất mặt
vì được “đăng quan” như trên, mà chính cả đảng CS Tàu mất mặt. Có thể Mao chỉ đơn
giản tin tưởng đang thanh lọc thành phần phản động khỏi đảng, nhưng quảng đại
quần chúng không phân biệt cá nhân lãnh đạo và cơ quan. Ví dụ đa số dân biểu thượng
hạ viện Mỹ phải vô tù vì tham nhũng thì chắc chắn quốc hội không thể còn nguyên
uy tín như xưa.
Mặc dù hầu hết nạn
nhân đã được phục hồi danh dự, CST không thể tái lập vị thế xưa. Đặng Tiểu Bình
cũng đóng góp vào việc hủy bỏ tính cách chính thống của đảng, tuy theo phương cách
khác. Cuối cùng khi thoát thai thành người kế vị Mao năm 1978, Đặng Tiểu Bình nói
với các đồng nghiệp như sau:
Phẩm
chất lãnh đạo do đảng chỉ định ở một đơn vị kinh tế sẽ được xác định bởi phương
pháp quản trị tân tiến, sự canh tân kỹ thuật, gia tăng hiệu năng của nhân lực,
lợi nhuận, lợi tức cá nhân của từng người thợ. Phẩm chất lãnh đạo do đảng chỉ định
trong mọi lãnh vực cũng đều sẽ được suy xét cùng các tiêu chuẩn như thế.
Nói khác, tiêu chuẩn
để định giá trị của cấp lãnh đạo và đảng viên là sự hữu hiệu kinh tế. Tuy gợi lên
mười năm lãng phí của cách mạng văn hóa, ý niệm nầy khác xa với quan niệm của Staline,
đảng là tổ chức duy nhất có khả năng qui tụ các cấp lãnh đạo đấu tranh vô sản; cũng
như Lưu Thiếu Kỳ xác định rằng tính chất vô sản của CST được ấn định bởi sự đấu
tranh chính trị và đời sống chính trị, giáo dục ý thức hệ và lãnh đạo ý thức hệ
và chính trị.
Khi
nhấn mạnh kỹ năng quản trị và sự lãnh đạo kinh tế, thẩm quyền chuyên môn là căn
bản ủy nhiệm, Đặng Tiểu Bình đã gạt bỏ quyền của CST cai trị với tư cách tiên
phong của vô sản. Ông còn tạo thêm khó khăn cho đảng khi soát xét tra hỏi lý
thuyết Mac Lê cùng tư tưởng của Mao phải chăng đủ sức ấn định tính chất chính thống
của Đảng.
Đặng Tiểu Bình
Đặng Tiểu Bình cũng
từ bỏ vị trí đĩnh cao bằng cách từ chối những chức vụ mà Mao đảm trách, ngoại
trừ chủ tịch ủy ban quân vụ. Ông đã đi đến sự thuận hợp từ nay không ai có thể
thống trị đồng nghiệp như Mao nữa. Như vậy, tuy được xem là trọng tài tối hậu, ông
đã làm cho hình tam giác mờ đi ở đĩnh, hai cạnh sườn bị nứt, chỉ còn cạnh đáy
quân đội còn giữ nguyên. Ông cũng làm yếu tam giác nhỏ thứ hai bên trong bằng cách
không coi trọng đấu tranh giai cấp và tuyên bố mọi người bình đẳng trước pháp
luật.
Đồng thởi, họ Đặng đã
giúp sức cho ba nguồn sinh lực đang bị gông cùm: nông dân, bằng cách hủy bỏ sự
kiểm soát của đảng qua hệ thống tập thể và cho họ tự canh tác theo từng gia đình
riêng rẻ; dân chúng thành thị bằng cách khuyến khích mở các xưởng tư, và cung cấp
dịch vụ; và thứ ba, trí thức và sinh viên bằng “giải cảng”, mở cửa trông ra xứ
người, cho phép du lịch và phổ biến các tư tưởng, một cách tương đối tự do. Ba
lớp người trên đều ý thức rằng Tàu đã đi thụt lùi quá xa dưới sự lãnh đạo của
CST, cay đắng nhìn những quốc gia từng bị chiến tranh tàn phá, Nhật, Nam Hàn và
Đài Loan dạy cho bài học rằng Tàu cẩn bỏ nhu cầu ở lỳ trong tình trạng chậm tiến.
chữ Tàu: dân chủ nữ thần
Cái chết của Hồ Diệu
Bang có thể là ngòi lửa châm cháy cánh đồng cỏ xã hội đã khô. Không thể nói
sinh viên đã hiểu đầy đủ ý nghĩa hai chữ dân chủ; nhưng họ và đồng hương ở Bắc
Kinh và các thị trấn khác biết rằng họ muốn thoát ách đàn áp. Thư lại, nhà tuyên
truyền và ngay cả lãnh đạo đảng đã ủng hộ. Bước cùng của ý thức hệ đảng đã hiện
rõ nơi bức tượng “nữ thần dân chủ” đối diện với tượng của Mao. Thiếu sự hổ trợ
từ bên ngoài, tam giác nhỏ bên trong đã bị vô hiệu hóa, họ Đặng phải nhờ Quân Đội
Giải Phóng Nhân Dân cùng lúc đóng vai trò của cả hai tam giác ngoài và trong.
Yếu tố chung các cuộc
đảo lộn khắp khối CS chính là sự tấn công từ thượng tầng chứ không phải từ áp lực
bên trong. Các hệ thống độc tài tuyệt đối đủ sức cầm cự điều ngự các áp lực từ
các khối dân trong xã hội nhưng tan rả khi lãnh đạo, vì muốn thay đổi triệt để,
đã khơi mào những thách thức bên ngoài và có những hành động bất lợi cho hệ thống.
Chủ trương “tập
trung dân chủ” là một sự bao che cho hệ thống đẳng cấp dựa trên sự tuân thủ
nghe lời không thắc mắc. Vì không có hậu thuẩn của dân chúng tại địa phương, các
đảng bộ không có khả năng độc lập để sống còn, trái lại tồn tại nhờ sức mạnh bên
trên bang cho, chứ không phải nhờ sức mạnh từ bên dưới. Khi lãnh đạo tối cao dùng
vị thế cá nhân để tiêu diệt thuộc cấp, phản ứng chung sẽ là sự chấp nhận thụ động
cứng như đá, câm như trìa. Đó là trường hợp Nga thập niên 1930, Tàu 1960 và Đông
Âu vào những năm 1980.
Sự khác biệt giữa một
bên là Staline và bên kia gồm Mao, Đặng và Gorbachev như thế nầy. Staline xua tổ
chức xã hội chống giới thư lại, dùng phần nầy diệt phần kia trong guồng máy nhà
nước. Một thời gian dài, mật vụ đã đảm nhiệm mọi công việc chính của đảng, song
song với nhiệm vụ bình thường là kiểm soát toàn xã hội. Thế nhưng người dân thường
ngoài phố không bao giờ được phép nghĩ rằng đảng sẽ bị hủy diệt để cho mình một
cơ hội hành động theo ý muốn.
Ngay
trước cuộc chính biến tháng tám, các lãnh tụ trội yếu của Nga như Yelsin đã bỏ đảng,
cho thấy họ có ý định thành lập một tổ chức chính trị mới. Chủ thuyết Mac Lê và
di sản của cách mạng bôn sê vít và chính cả Lenine được đem ra hạch hỏi. Giá như
đảo chánh thành công, phe chủ trương không thể phục hồi những yếu tố chuyên biệt
của hệ thống CS; họ sẽ thiết lập nền độc tài quân phiệt khiếp đãm theo kiểu Napoléon
Bonaparte. Đảo chánh thất bại cho thấy cạnh đáy của tam giác quyền lực là Hồng
Quân đã bị lủng đoạn bởi các sự chia rẽ đến từ glasnost và perestroika. Số phận
nầy cũng đã đến với cột trụ của tam giác nhỏ là KGB; bằng chứng là sự kéo sập tượng
Dzerzhinski (1877-1926; cha đẻ của mật vụ Cheka).
Thiếu sự nương tựa
truyền thống của đảng, của chủ thuyết và của quân đội, vị trí lãnh đạo của
Gorbachev rất tế nhị. Mặc dù không đúng, nhưng hiểu được, khi tái thừa nhận tầm
quan trọng của CSN, Gorbachev trong sáu năm qua đặt ra một nền móng mới: chỉ có
sự ủy nhiệm của dân chúng mới là nguồn gốc của sự chính thống của mọi cơ cấu chính
trị cai trị USSR ngày nay.
Nhưng Yelsin nắm điều
nầy và chuyển đổi quy chế chính trị cá nhân và được bầu làm tổng thống cộng hoà
Nga. Với vị trí mới nầy, Yelsin đang tìm câu giải đáp là chức vụ tổng thống toàn
Xô Viết có chăng đủ sức liên kết các cộng hòa trong liên bang vào thời đại mới.
Sau
chính biến bất thành, Yelsin công bố ý muốn thành lập một quân đội riêng cho cộng
hòa Nga và ông đã cấm hay giới hạn hoạt động của đảng CS tại Moscou và nhiều nơi
khác trong cộng hòa nầy. Sự thể nầy cho thấy (1991) việc giải tán hoàn toàn tam
giác độc tài Xô viết chỉ là vấn đề thời gian.
Bên Tàu cũng vậy, sự
băng hoại đã đi quá xa. Nền độc tài tuyệt đối đang run rẩy nhưng vẫn được duy
trì bởi ý chí chung và đoàn kết của lớp già bao quanh Đặng Tiểu Bình. Vai trò lịch
sử của họ trong tư cách anh hùng cách mạng – chứ không phải đảng CS, tư tưởng
Mao hay quân đội – đã cho chế độ một điều giống giống của sự liên tục, của sự bất
khả thẩm nhập, cũng như một bóng mờ tả tơi của điều gọi là tính chất chính thống
của quyền lực. Họ không còn sống bao lâu để tiếp tục như vậy.
Thật vậy, khá kỳ dị,
tình hình chính trị Tàu thập niên cuối giống như thập niên đầu của thế kỷ 20. Lúc
ấy, ý thức hệ cổ truyền giao chính mệnh cho giới cai trị nay bị hủy bỏ khi các định
chế quốc gia được canh tân hóa. Hệ thống nha lại dựa trên ý thức hệ nầy nay không
còn quyền lực; công chức có kỹ năng mới được trọng dụng. Cũng vậy, tuy dân chúng
ly loạn, một chế độ sạt nghiệp vẫn được duy trì từ hậu trường với một ông vua bao dàn làm màu mè bên ngoài. Nhưng khi Từ Hy thái hậu chết năm 1908, tam giác quyền thế cổ truyền đã
mất yếu tố quan trọng nhất và bốn năm sau hệ thống hoàng triều mất dạng.
Trong chỗ trống do
cái chết của Từ Hy, chỉ có nhà binh mới có thể sử dụng quyền uy. Một vị tướng danh
tiếng lúc ấy là Viên Thế Khải đã dàn xếp cho hoàng đế cuối cùng thoái vị, lập nên
nền cộng hòa kế tiếp rồi tái lập hệ thống quyền hành xưa và lên làm vua trong
83 ngày, rồi kéo theo nạn sứ quân. 80 năm
sau, nhiều điều trong tấn tuồng nầy được diễn lại. Sau vụ Thiên An Môn, quân đội
tự nắm trọng trách sắp xếp quyền hành khi Đặng Tiểu Bình rời khỏi sân khấu. Thượng
tướng Dương Bạch Băng xuất hiện đảm trách chính sự, tuy kinh nghiệm ở Nga cho
thấy giới quân sự không thể điều khiển một quân lực chia rẻ một khi tam giác
quyền uy sụp đổ.
Hệ thống CS Tàu không
thể sống sót; những cột trụ chống đở đã mục; đảng CS Tàu không có mục đích nào
khác. Khi ra đời 70 năm trước, nó có mục đích tái thống nhất quốc gia, trả thù
những nhục nhã ngoại quốc đặt lên đầu, phát triển kinh tế và chuyển hóa xã hội.
Cách mạng 1949 thực sự đã tái thống nhất mọi lãnh thổ của vương triều xưa, và bắt
đầu đứng dậy như một cường quốc chưa từng có một trăm năm nay.
Nhưng 42 năm nối đuôi
nhau chứng kiến những cuộc thí nghiệm kinh tế và xã hội vô cùng nguy hại. Những
chương trình cải cách do Đặng Tiểu Bình đệ trình là lời xác nhận rằng kinh tế
CS không làm được tích sự gì, rằng sự chuyển cải xã hội theo lối CS là một tai ách.
Ở tuổi 70, đảng CS Tàu cũng như CS Nga tranh sống chỉ để giữ quyền hành đã nắm được
từ thời cách mạng xa xưa. Khi lớp trẻ lên thế các “cha già cách mạng”, thì họ thấy
vô số vấn đề khác rất quan trọng cho quyền lợi quốc gia, như trường hợp
Gorbachev.
Về
tuổi thọ bình thường, Thánh Thi trong Thánh Kinh (Psalms) viết: số năm đời người
gồm ba bó cộng mười (three-score years and ten; 20 x 3 + 10 =70). Nhưng nếu vì
sức lực riêng mà sống đến bốn bó (90) thì cũng chỉ có nhọc nhằn và sầu khổ.
Già
hơn 70 rồi, đảng CS Tàu còn kéo lê ngày dài nhọc nhằn và sầu thảm. Thiên An Môn
cho thấy xã hội có thể thách thức chính quyền độc tài. Thiên An Môn là một chiến
thắng kiểu Pyrrhic, thắng trong trường hạn nhưng bây giờ đành thua. Tuy có hai
bối cảnh khá khác biệt, và mục tiêu gần như đối nghịch, Thiên An Môn và đảo chánh
bất thành ở Nga cho thấy đã đến lúc các nhà nước độc tài phải cáo chung. (Aug
29, 1991)
===================================================================================================================