Con
đò ghé vào cầu tàu Thủ Thiêm bên kia sông. Chàng không nhìn đồng hồ tay, chỉ ước
lượng cuộc sang sông mất chừng 15 phút đồng hồ. Cặp tình nhân nhảy lên cầu trước
mọi người. Chàng nghĩ họ là một cặp vợ chồng trẻ, họ nóng ruột muốn được
về gần nhau trong một căn phòng kín, trên một chiếc giường. Chàng nghĩ đến
Tình Yêu. Với chàng Tình Yêu lúc nào cũng viết Hoa, hoa hai chữ T và Y. Chàng
thấy Tình Yêu thật là đáng quý, chỉ có Tình Yêu là chân thật và đáng để cho con
người hy sinh. Giữa những ngày chiến tranh ác liệt này, sau những mùa bi thảm
tang tóc kéo dài – và còn đe dọa kéo dài hơn nữa – Vào nhà thờ, vào nhà chùa, một
nửa đàn đến lễ chít khăn tang trắng. Tình trạng nhiều khăn tang trắng ấy diễn
ra ở ngay những đô thị. Trong cảnh chiến tranh tang tóc ấy Tình Yêu lại càng
đáng quý.
Nhưng
thứ Tình Yêu mà chàng thường viết chỉ là thứ Tình Yêu nam nữ, trong đó có những
chiếc hôn nồng cháy lửa tình. Đứng trên mũi đò, nhìn theo đôi người trẻ tuổi đi
bên nhau, bước những bước dài, vội, tham lam, thèm muốn, hy vọng và đẹp, chàng
nghĩ đến chuyện một ngày nào đó, khi cuộc khủng hoảng đang làm tim chàng tan
nát, làm tâm trí chàng rã rơi, làm chàng đôi lúc như mê loạn, dịu đi, khi
chàng trở lại mức làm việc như cũ – nghĩa là mỗi buổi chiều, buổi tối, ngồi vào
bàn viết một mạch lên giấy một truyện ngắn, và khi buông bút xuống bàn, chui
vào mùng ngủ là xong Truyện. Là Quên. Sáng hôm sau không cần đọc lại, chỉ có việc đem truyện đến tòa soạn, đưa bài, lấy tiền, và quên.
Chàng
sẽ viết một truyện dài về Tình Yêu, trong truyện chỉ có hai nhân vật nam và nữ
– chàng và nàng – vào truyện chàng và nàng là thanh niên, thiếu nữ, giữa truyện
họ là đàn ông, đàn bà. Truyện dài ấy sẽ chỉ viết về những nỗi yêu đương sung sướng
và khổ sở của hai người yêu nhau. Truyện sẽ có những đoạn tả thật dài, thật đẹp
về những cuốc yêu đương, tả với một kỹ thuật tân kỳ, che dấu bởi những ngôn từ
hoa lá muôn mầu, mơ hồ và đẹp, gợi cho người đọc tưởng tượng. Một tác phẩm
để đời.
Chàng
đi lên cầu tàu. Chàng là người cuối cùng ra khỏi đó. Cầu sắt chìm trong bóng tối.
Gió bên sông này thổi lộng hơn gió bên thành phố.
Chợ
Thủ Thiêm lấp loáng ánh đèn. Chàng nghĩ đến danh từ “để đời, tác phẩm để đời.” Mười năm trước đây, khi chàng mới nổi
tên tuổi, mới viết và mới xuất bản tác phẩm Vũ
Nữ Sài Gòn.
Vũ
Nữ Sài Gòn được chàng trang trọng đem đến tặng một văn sĩ đàn
anh; chàng được ông ban cho hai câu:
“Tôi đọc Vũ Nữ Sài Gòn, tôi nghĩ: Ông tác giả này cứ
đem nước hoa rắc vào chuồng xí.”
Và:
Chàng nhớ rõ những lời ông đàn anh văn nghệ nói năm
xưa. Ông đàn anh văn nghệ nổi tiếng và có tiếng – đôi khi mang tiếng – là một
nhà phù thủy văn nghệ, một người bị coi là muốn làm lãnh tụ văn nghệ và thường
lèo lái những anh làm văn non tay, kém bản lãnh, viết theo ý ông, như những ông
phù thủy sai khiến âm binh đi tác hại. Vì vậy, khi nghe ông đàn anh hỏi đến
chuyện “viết để đời” chàng nghĩ: “Ông muốn sai tôi viết gì đây?” Chàng mỉm cười,
đáp:
“Tôi chưa nghĩ đến chuyện viết để đời.”
Chàng muốn nói thêm:
“Tôi chưa cần nghĩ đến chuyện đó.”
Và:
“Tôi thích viết nên tôi viết. Tôi không có ảo vọng những
gì tôi viết sẽ sống lâu ở đời.”
Xong chàng không nói. Chàng thấy ngay ông đàn anh văn
nghệ hiểu thái độ bất phục tùng ông của chàng, ông ta nói sang chuyện khác.
Chàng biết nếu chàng là một anh viết văn yếu kém, ngu non, khi nghe đàn anh hỏi
như thế sẽ nói:
“Em cũng muốn viết để đời nhưng chưa biết phải viết ra
sao.”
Ông đàn anh sẽ nói:
“Chú nên viết như vầy… như vầy …”
Ông sẽ dậy bảo đàn em như Khổng Minh bầy kế.
Nhưng đến bây giờ thì chàng thấy chàng cần viết “một
cài gì để đời.” Đi trên cầu sắt, chàng ngước mặt nhìn lên trời đêm có sao lấp
lánh, tưởng tượng ra khuôn mặt yêu đương, kiều diễm mà chàng thương yêu:
“Anh yêu em. Anh nhớ em.” – Chàng nói trong tim, tiếng
nói không âm thanh như bay lên trời cao, như vang vang bên tai chàng – “Anh cần
có em. Anh chỉ cần có em thôi. Có em sống bên anh, yêu anh, anh làm được tất cả
mọi việc. Không có em bên anh, anh không làm được việc gì hết. Không có em, anh
sẽ sa ngã, anh sẽ chết, con chúng ta sẽ khổ.”
Nhiều lần chàng cảm thấy trong những ngón tay bàn tay
phải của chàng có sức sống, một nguồn tình ý dồi dào chờ được tuôn ra
thành chữ. Chàng thấy chắc chắn bàn tay chàng sẽ viết được nhiều, sẽ viết hay.
Vào lúc đó bàn tay chàng chưa viết, song có một ngày nào đó bàn tay chàng sẽ viết
hết.
Chàng nghĩ: “Anh chỉ cần có Em.”
Chàng đi qua trước chợ Thủ Thiêm. Tám, chín giờ tối,
trước chợ, tiệm mì, hủ tíu còn sáng đèn. Phố chợ còn tủ thuốc điếu, sạp khô bò,
vịt lộn. Đôi tình nhân đứng mua bánh mì ở xe bánh mì trước chợ. Dưới ánh đèn xe
bánh mì, chàng thấy người thiếu nữ cầm bó hoa nylon mầu. Chàng nhớ anh Văn Thuật.
Thời anh còn sống, anh viết bài “Hoa Giấy
Vô Duyên,” nay nếu anh Văn Thuật còn sống, có thể anh viết bài “Hoa Nylon bền.”
o O o
Con đường đi vào Xóm Đình tối om. Bên con đường nhỏ có
nhiều vũng nước. Trời mới mưa hồi chiều. Đã quen với con đường này, chàng vẫn
đi nhanh được vào xóm mặc dù bóng tối.
Căn nhà chàng đến có ánh đèn le lói. Chàng bước từ mảnh
sân xi-măng lên thềm, cất tiếng hỏi vào nhà:
“Có ai còn thức không?”
Trong nhà có tiếng người đàn bà hỏi ra:
“Ai đó?”
“Tôi muốn gặp bà Sáu Phùng.”
Qua hàng song cửa, chàng thấy người đàn bà nằm trên
giường ngồi dậy, chàng nghe tiếng guốc:
“Tôi đây. Mời thầy vô.”
Người đàn bà mở cánh cửa gỗ.
“Tôi đang chờ thầy. Tôi về nghe nói thầy qua tìm tôi.
Tội quá.”
“Tôi qua hai lần rồi. Tôi có chuyện cần hỏi bà.”
“Mời thầy vô.”
Chàng bước vào căn nhà nhỏ. Bà Sáu đi vào nhà trong,
bưng ra cây đèn dầu tây cỡ lớn. Sau nhiều phút đi trong bóng tôi, chàng thấy
anh đèn dầu tỏa sáng khắp phòng. Chàng nhìn rõ bà Sáu Phùng, bà thầy bói mà chàng
đã nghe Doãn Bình nói đến. Bà ta trạc 50 tuổi, tóc búi, mặt tròn, không có vẻ sắc
sảo. Bà bận áo bà ba trắng, quần thâm.
Cây đèn dầu được đặt lên chiếc bàn giữa nhà, giữa bàn
có chai nước lọc, mấy cái ly.
“Nhà hết nước trà. Thầy uống nước lọc vậy.”
Chàng lấy thuốc lá ra châm lửa hút.
“Bà để mặc tôi. Tôi không khát.”
Bà Sáu trở vào nhà trong lần nữa. Bà lấy ra bàn mấy
quyển sách, một cỗ bài Tây. Đeo cặp kính lão lên, bà bắt đầu xem tướng tay cho
ông khách trẻ.
Giọng bà rõ ràng, đầy thẩm quyền, như giọng thầy giáo
giảng bài. Bà nói chàng như con ngựa hay nhưng chưa gặp thời, chỉ được người ta
dùng, xong việc là ngừng: “Thầy như con ngựa có công cứu nhà vua, nhưng bị người
ta tranh mất công.”
Bà nói từ hai năm trở lại đây công việc làm ăn của
chàng càng ngày càng xuống, và cũng chỉ mới từ hai năm nay chàng mới tin có quỷ
thần, mới tin chuyện cúng kiến, bói toán.
“Trước đây thầy không tin gì hết. Nghe ai nói chuyện
quỷ thần, thầy không nhạo báng, nhưng thầy chỉ cười, bỏ qua. Hai năm nay thầy mới
tin.”
Chàng gật đầu: “Bà nói đúng.”
Chàng nói tiếp: “Bà xem giùm tôi gia đình tôi có chuyện
gì xáo trộn không?”
Bà Sáu khựng lại: “Thầy để tôi coi từ từ. Tôi sẽ nói hết.
Có nhiều chuyện nhưng thầy hỏi làm tôi quên.”
Chàng vội nói: “Tôi xin lỗi. Vì tôi sốt ruột nên mới hỏi.
Tôi không hỏi nữa đâu, xin bà cứ từ từ mà nói.”
Từ Sài Gòn sang Thủ Thiêm, năm 1960. Thiếu nữ ngồi giữa
đò che dù
Những lời tiên đoán vô thưởng vô phạt của bà Sáu không
làm chàng chú ý:
“Từ tháng bẩy, tháng tám tới đây, công việc của thầy
khá lắm. Thầy có trốn ở đâu người ta cũng tìm đến mời thầy.”
Chàng chờ mãi cho đến lúc bà Sáu đặt bộ bài Tây lên
bàn. Chàng biết qua về việc bói bài Tây. Đại khái: bài Tây rất linh, bói bài
Tây có thể cho người ta biết được những chuyện xẩy ra trong thời gian gần, lâu
nhất là trong một tháng; bài Tây không cho biết những việc xa.
Chàng nhìn vào những cây bài được bà Thầy xếp lên bàn
thành bốn hàng. Chàng thấy trên quẻ bài, cây bài tượng trưng cho chàng và cây
bài là người đàn bà chàng yêu thương đứng xa nhau.
Bà Sáu nhìn, ngắm, điểm nhẹ ngón tay lên mấy cây bài,
bà nói như nói một mình:
“Chà… Cái bà tuổi Mùi này bả phá thầy dữ quá. Không
còn việc nào mà bà tuổi Mùi này không làm để cho thầy phải khổ.”
Chàng thấy lạnh nơi xương sống khi nghe nói đến “người
đàn bà tuổi Mùi.” Chàng sợ chàng bị nghe nói;
“Bà tuổi Mùi này đi luôn rồi. Bả không trở về với thầy
nữa đâu.”
Chàng nói:
“Bà cho tôi kể để bà coi cho tôi rõ hơn.”
“Dạ.”
“Người đàn bà tuổi Mùi là vợ tôi. Vợ chồng tôi giận
nhau, vợ tôi bỏ đi. Đã một tháng nay. Vợ chồng tôi thương nhau. Tôi chắc vợ tôi
chỉ buồn mà bỏ đi ít lâu. Bà coi giùm tôi bao giờ thì vợ tôi trở về với tôi?
Bà Sáu kiểm lại mấy quân bài:
“Có lẽ cô ấy đi xa rồi .”
Bà ngập ngừng rồi nói tiếp:
“Kiếp này thầy và cố ấy không chung sống với nhau nữa
đâu.”
Bà thu hết cổ bài lại, xóc bài rồi đặt lại lên bàn:
“Thầy cân đôi.”
Chàng chia cỗ bài làm hai.
Bà Sáu đẩy ra mười cây bài lập úp.
“Thầy lấy tay mặt một cây, tay trái một cây.”
Chàng làm theo lời bà.
Bà Sáu lật từng cây bài lên. Rồi bà xếp bài theo một
kiểu khác. Sau một khoảng thời gian với chàng dài như thế kỷ, chàng nghe nói:
“Thầy yên tâm. Cô ấy không đi luôn đâu, hai người có
duyên nợ vợ chồng với nhau mà. Làm sao bỏ nhau được.”
Những tiếng nói dịu ngọt như làn nước trong, mát,
chẩy vào, thấm vào mảnh đất tâm hồn khô nóng, chờ đợi của chàng. Chàng được biết
là vợ chàng vẫn yêu thương chàng và nàng vẫn sống ở Sài Gòn, ở ngay môt nơi nào
đó gần chàng, nàng vẫn biết tin chàng và các con, rất có thể nàng có về thăm
nhà mà chàng không biết.
“Đến ngày 11 tháng này, thể nào cô ấy cũng về. Tôi nói
ngày 11 là trung bình, có thể cô ấy về sớm hơn, có thể về muộn hơn, nhưng không
quá ngày rằm tháng này. Thầy tin tôi đi. Nếu quá rằm cô ấy không về tôi không
làm thầy nữa.”
Tim chàng đập mạnh. Chàng xúc động đến quên hỏi: “Sao
bà vừa nói vợ tôi sẽ không về với tôi.” Đến khi ngồi trên con thuyền trở về Sài
Gòn, chàng mới nhớ chàng đã không hỏi câu đó, Chàng chỉ nhớ bà thầy nói vợ
chàng sắp trở về với chàng.
Đò ra giữa sông. Đêm, sông rộng mông mênh. Đêm về
khuya, gió trên sông thổi mạnh. Sóng từng đợt liên tiếp đánh vào mạn đò. Những
tòa nhà cao sáng ánh đèn: Majestic, Caravelle, IMEX. Chàng nhìn lên, nhận ra từng
tòa nhà. Sài Gòn trôi dài trước mắt chàng như trên màn ảnh đại vĩ tuyến .
Lời nói của người đàn bà Thủ Thiêm văng vẳng bên tai
chàng:
“Thầy chỉ cần cầm một nén hương nửa đêm ra đứng giữa
trời khấn vái. Thầy chưa cầu xin thần linh bao giờ, nay thầy xin, chắc chắn sẽ
linh lắm”.
Chàng nhìn lại Thủ Thiêm. Trời đêm trên Thủ Thiêm
những ngôi sao sáng hơn, chàng nhìn lên trời, khấn thầm:
“Xin cho tôi được găp lại nàng. Xin cho vợ tôi về với
tôi.”
Lời cầu nguyện được chàng gửi tới tất cả những vị có
quyền phép trong thế giới hữu hình và vô hình trong đó có nàng và chàng.
Hết Truyện Ngắn Người Đàn Bà Tuổi Mùi.
=====================================================
Hoàng Hải Thủy: Ngày 8 tháng 10, 2016, tôi ra Trung Tâm
EDEN hớt tóc. Ông Hoàng Thơ đã qua đời, Trung Tâm Eden, Falls Church, Fairfax,
vẫn còn hai tiệm Barber Hoàng Thơ. Hai tiệm nay do các con của ông Hoàng Thơ
thay ông làm chủ. Ông chủ tiệm Hoàng Thơ hiện nay cho tôi mấy số báo từ California gửi
sang. Trong số có tờ Thế Giới Nghệ Sĩ.
Tôi xúc động khi thấy
trong báo có bài “Người Đàn Bà Tuổi Mùi,” một truyện ngắn của tôi, Hoàng Hải Thủy.
Dòng chữ cuối bài ghi: “Trích báo Tâm Tình Số 6, phát hành ngày 9 tháng 7 năm
1966.”
Xin viết thêm: “… Tâm Tình ra ngày 9 tháng 7 năm 1966 ở
Sài Gòn” là thừa. Chuyện nên viết ở đây là Người Đàn Bà Tuổi Mùi đã được viết trước hôm nay 50 năm.
50 năm – hoa mỹ là “Nửa Thế Kỷ..” – năm ấy cuộc đời
chưa có Công Tử Hà Đông, chưa có Viết ở Rừng Phong.
Năm ấy cuộc đời chỉ có Người Đàn Bà Tuổi Mùi và người mới viết văn là Hoàng Hải Thủy.
Tôi – HHT – không cần viết ra, quí vị độc giả của tôi,
những vị thường đọc những bài tôi viết, khi đọc Người Đàn Bà Tuổi Mùi chắc thấy
trong đó toàn là chuyện thật.
Tôi đã sống với người Đàn Bà Tuổi Mùi của tôi 40 năm ở
Sài Gòn, 20 năm ở Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Đất Trích.
Chiều vào Thu, Rừng Phong nắng thu vàng..
Mùa thu mây trắng xây thành
Tình Em mầu ấy có xanh da trời.
Hoa Lòng Em có về tươi?
Môi Em có thắm nửa đời vì Anh?
Saigon năm xưa
No comments:
Post a Comment