Against economics
David Graeber *** ttt dịch
Giới trách nhiệm quản
trị các nền kinh tế rộng lớn mang cảm nghĩ rằng khoa kinh tế không còn giữ đúng
mục đích nguyên khởi; nói khác, khoa nầy đã được hình thành để giải quyết những
vấn đề nay không còn nữa. Một ví dụ đáng chú ý là ám ảnh của sự lạm phát.
Khoa nầy dạy sinh
viên rằng mục đích kinh tế tối yếu của chính phủ là bảo đảm sự ổn định giá cả,
phải canh chừng nguy cơ của lạm phát. In tiền vô tội vạ tự nó mang tính chất của
một tội trọng. Nếu lạm phát được cầm chân qua sự phối hợp hành động của chính
phủ và ngân hàng trung ương, thì thị trường duy trì một mức khiếm dụng hữu lý
và kinh tế phát triển vững chắc. Chính phủ phải tự giới hạn trong phạm vi quản
lý nguồn tiền tệ.
Xuyên qua chủ
trương tiền tệ làm gốc (monetarism) thập niên 1980 và 1990, những ý niệm trên
đây là tri thức căn bản trong mọi cuộc thảo luận về nguy hại của sự tiêu dùng
công quỹ. Giới học thuật vẫn nói năng như vậy, tuy sự thật bên ngoài không như
vậy. Sau vụ ngưng trệ thụt lùi 2008 (Great Regression), các ngân hàng trung ương in tiền táo bạo để
tạo ra lạm phát và ép người giàu dùng tiền của vào việc hữu ích. Nhưng kết quả
không thành công cả trong hai điều mong muốn.
Nay chúng ta sống
trong một thế giới kinh tế khác với thời trước cuộc khủng hoãng nầy. Thất nghiệp
trầm trọng không làm gia tăng mức lương. In bạc không tạo ra lạm phát. Tuy
nhiên ngôn ngữ trong các cuộc luận bàn công khai, “trí khôn trong sách vở” vẫn
giữ nguyên không si sích.
Kinh
tế không được dạy như một bản lược trình các lý luận, các lý thuyết trái ngược như
ở mọi khoa học xã hội khác; trái lại ngày nay làm như một môn học giống như vật
lý, tiến gần đến chân lý phổ quát của toán học. Dĩ nhiên vẫn có những lý thuyết
kinh tế “ngoài trường quy” (như nữ quyền, Austrian …) nhưng đều không được
đưa vô chương trình học. Kinh tế gia thuộc nhóm nầy được xem là lập dị, tuy họ
đã nhiều lần đoán đúng những biến cố trong đời sống kinh tế thực sự.
Nước
Anh là quốc gia chứng kiến nhiều nhất sự khác biệt giữa đàm luận công cộng và
thực tế kinh tế; không nơi nào nặng nề bằng, có lẽ Anh là nước đầu tiên có rạn nức. Đảng Lao Động (trung tả, center left) cầm quyền trước khi
có vụ sụp nát năm 2008 (Great Regression), phản ứng của cử tri với khẩu hiệu “đuổi bọn vô lại” đã đưa đến một
loạt chính phủ Bảo Thủ. Từ đó, quốc gia nầy đã nhận ra rằng bài học khắc khổ được
tiếp nhận êm xuôi bởi quần chúng Anh, qua sự đồng thuận về những quyết định nhằm
xóa bỏ chính sách bảo trợ (welfare state) và tái phân lợi tức theo hướng đi lên,
nghĩa là vô tay người giàu.
“Không
có cây tiền bạc thần diệu”, câu nói của nữ thủ tướng Theresa May được nhắc nhở
nhiều nhất, tuy nó được thốt ra trong một cuộc bầu cử buồn nãn nhất của lịch sử
đảo quốc; khi có người hỏi tại sao Anh là nước Tây Âu duy nhất đòi đóng học phí
đại học hay khi hỏi phải chăng quốc gia cần có rất nhiều người ngủ ngoài hè phố.
Giá trị đặc biệt của
lời nói nầy là ở chỗ nó không đúng. Có vô số cây tiền bạc thần diệu ở nước Anh
và các nước phát triển khác. Đó là những ngân hàng. Vì tiền trong thời hiện kim
chỉ đơn giản là tín dụng, ngân hàng có thể tạo ra tiền theo nghĩa đen từ chỗ
không có gì, bằng cách đơn giản là cho vay. Hầu hết tiền bạc luân lưu hiện nay ở
Anh là do ngân hàng tạo ra theo cách nầy. Không những quần chúng không biết điều
nầy, mà đa số dân biểu nghị sĩ cũng không biết tiền đâu ra, cứ tưởng là do Xưởng
In Hoàng Gia ấn hành.
Vì
nhiều lý do, các kinh tế gia không biết hết vai trò của ngân hàng. Nhưng họ đã
dùng khá nhiều ngày tháng của thế kỷ 20 để thảo luận tìm tòi những điều gì thực
sự đã xẩy ra khi có người nạp đơn vay tiền. Một trường phái nhấn mạnh rằng ngân
hàng đã chuyển trữ ngân hiện có; trường phái khác cho rằng ngân hàng làm ra tiền
mới; nhưng cả hai đều dựa vào căn bản “hiệu ứng bội nhân”.
Chỉ
có một nhóm nhỏ kinh tế gia ngoài trường quy đưa ra “lý thuyết điều hoạt ngân
hàng là sự tác tạo tín dụng” (credit creation theory of banking): ngân hàng chỉ
vung chiếc đủa thần làm cho tiền xuất hiện, hoàn toàn tin chắc khi được cấp một
tín khoản (dù cả triệu MK) thân chủ sẽ ký thác trở lại vào ngân hàng; như vậy
xuyên qua toàn thể hệ thống, tín dụng và món nợ trung hòa nhau. Thay vì tiền
vay dựa vào sự ký thác, ở đây ký thác là kết quả của vay mượn.
Năm 2014, kinh tế gia Đức, Richard
Werner, phát hiện rằng nhân viên cho vay không cần biết trữ lượng là bao, tiền
đọng là bao, không cần biết gì hết. Người ấy chỉ đơn giản tạo ra tiền từ thinh
không, như trong cõi tiên.
Trước
đây khá lâu, ngân hàng trung ương Bank of England đã phổ biến bản phúc trình tường
tận Money Creation in the Modern Economy với ý chính như trên: sách vở
hiện có - đặc biệt những tài liệu dựa theo quan điểm chính thống của chủ thuyết
tiền tệ - đều sai lạc, khi cho rằng các ngân hàng trung ương mang sứ mệnh chính
yếu là kiểm soát lượng cung ứng tiền bạc. Các ngân hàng nầy không kiểm soát nguồn
tiền tệ mà chỉ ấn định lãi suất khi cho vay những món tiền đã tạo ra. Bank of
England cũng vậy; khi chính phủ muốn vay thì không gom góp tiền từ khu vực tư
mà tự tạo ra số tiền mới từ trước đến nay chưa có.
Phúc trình nầy
không được các hệ thống thông tin nói tới. Các bài bình luận vẫn tiếp tục xuất
hiện làm như thuyết tiền tệ vẫn có giá trị. Các chính trị gia quay quắt không
hiểu tiền tài trợ các chương trình xã hội từ đâu mà ra. Hình như hai bên mặc thị
thân ái hiểu nhau. Một
bên là các nhà chuyên môn một bên là chính trị gia cùng ký giả sống trong hai
thế giới tách lìa nhau.
Robert Skidelsky, 2013
Các học giả bắt đầu nhìn lại quá khứ với nhãn quan mới. Trong số đó có Robert Skidelsky với tác phẩm Money and Government: The Past and Future of Economics. Mặc dù bên ngoài có mục đích trả lời câu hỏi tại sao kinh tế học chánh hệ tỏ ra vô dụng trong thời gian trước và sau khủng hoãng 2008, cuốn sách kể lại lịch sử bộ môn nầy xuyên qua hai khía cạnh ít được bàn tới. Đó là chính phủ và tiền bạc.
Vấn nạn nằm ở bản chất
của tiền bạc. Phải chẳng tiền bạc là một hiện vật cụ thể, một vật thể có giá trị
làm cho việc giao hoán dễ dàng hay là một tín dụng, một phương thức kế toán, một
sự tương thuận xã hội? Hai quan niệm nầy có khi dùng chung; có khi dùng một thời
rồi bỏ mất rồi trở lại v.v… Thời Trung Cổ, giao thương hằng ngày trong vùng Á
Tiểu Á (Eurasia) theo quan niệm tín dụng, tiền bạc là một sự trừu tượng hóa.
Nhưng đến các thế kỷ 16 và 17, các đế quốc Âu Châu xuất hiện tạo nên một đợt sóng
vàng bạc lấy từ Mỹ Châu, và quan niệm tiền bạc thay đổi.
Lịch
sử cho thấy rằng quan niệm vàng khối là tiền bạc thực sự đã đánh dấu các giai
đoạn có bạo động gia tăng toàn diện, nô lệ, có quân đội thường trực cướp bóc mà
các đế quốc Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hòa Lan, Pháp và Anh đã biết rõ. Trong
lãnh vực học thuật, lý thuyết về tiền bạc dựa trên vàng khối đã nầy sinh ra lý
thuyết định lượng tiền bạc (quantity theory of money QTM).
QTM
được đề xướng bởi Jean Bodin trong cuộc luận bàn về nguyên do tại sao lạm phát gây
xáo trộn, đảo lộn giá cả ngay sau khi Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha chiếm Mỹ Châu.
Theo luật sư người Pháp nầy, lạm phát chỉ là vấn đề cung cầu. Lưu lượng khổng lồ
vàng và bạc từ các thuộc địa Tây Ban Nha đã làm hạ giá đồng bạc Âu Châu. Thương
gia thời ấy cho rằng lẽ thường là như vậy. Tuy nhiên luận cứ nầy dựa trên những
giả định sai lạc.
Một
điều là phần lớn vàng và bạc khai thác ở Mexico và Peru không đem về Âu Châu,
và do đó không được đúc thành đồng tiền. Hai quý kim nầy được trực tiếp chuyển
qua Tàu và Ấn để mua gia vị, tơ lụa và các hàng xa xỉ Đông Phương. Nhưng lạm
phát bắt nguồn từ việc đầu cơ các trái phiếu dưới nhiều dạng khác nhau. Do đó QTM
không thể đem ra áp dụng giải thích.
Về
trường hợp lạm phát thế kỷ 17 nầy, cần để ý đến các khía cạnh: tín dụng, tích rữ,
đầu cơ, gia tăng nhịp độ sinh hoạt kinh tế, đầu tư vào kỹ thuật mới …nhưng
không thể nói yếu tố nào quyết định, phải chăng nguồn tiếp liệu tiền bạc ảnh hưởng
giá cả hay giá cả ảnh hưởng nguồn tiếp liệu tiền bạc. Về mặt chuyên môn, có thể
chọn lý thuyết nội sinh hay ngoại sinh (endogenous, exogenous theory). Tăng gấp
đôi số vàng trong một xứ không ảnh hưởng đến giá thịt cá rau quả nếu số quý kim
mới nầy bán cho người giàu đem chôn hay thay gỗ làm ghe thuyền đi dạo. Chính sự
tiêu dùng mới gây ảnh hưởng kinh tế.
Tuy nhiên từ thời Bodin
đến nay, QTM vẫn thắng trong các cuộc tranh luận và ấn định chính sách tài chánh.
Tại Anh năm 1696, ngay sau khi Bank of England được thành lập, xẩy ra vụ tranh
luận, một bên gồm bộ trưởng ngân khố William Lowndes cùng giám đốc xưởng đúc tiền
Isaac Newton và bên kia là triết gia John Locke. Newton đồng ý với Ngân Khố rằng
đồng tiền bằng bạc (silver coin) phải được hạ giá để chận đứng suy sụp vì thiếu
tiền luân lưu (deflation). Locke theo thuyết tiền tệ đến cùng tột, cho rằng chính
phủ phải tự giới hạn trong nhiệm vụ bảo đảm giá trị của tài sản (gồm cả đồng bạc
nầy); sụt giá làm cho giới đầu tư mất định hướng và thiệt hại kẻ cho vay. Locke
đã thắng cuộc.
Kết
cuộc là sự thảm bại vì thiếu tiền luân lưu; tài chánh bị siết chặc đã làm nền kinh
tế co rút; hàng trăm ngàn người thất nghiệp, thiếu hụt sản phẩm, biểu tình, và
nạn đói. Chính phủ phải đưa ra các chính sách ôn hòa (trước tiên là cho phép ngân
hàng giải quyết nợ chiến tranh của chính phủ bằng những giấy nợ và tiếp theo là
bỏ hẳn ngân bản vị). Tuy vậy trong thời gian kế tiếp, các cuộc tranh luận vẫn dành
phần thắng cho quan điểm của Locke chủ trương chính phủ giới hạn, ủng hộ người
cho vay và đồng bạc “cứng”.
Tác
giả Skidelsky cho biết khuôn mẫu nầy được lập lại nhiều lần, năm 1797, thập niên
1840, 1890 và thập niên 1970 với nữ thủ tướng Anh Thatcher và tổng thống Mỹ
Reagan.
Những
biến chuyển nầy cho thấy trình tự kinh tế như sau:
1. Chính phủ theo chính sách tiền cứng.
2.
Thảm nạn kinh tế xẩy ra.
3.
Chính phủ âm thầm bỏ chính sách tiền cứng
4.
Kinh tế phục hồi
5.
Triết thuyết tiền cứng trở lại đàm trường đóng vai trò nhận thức bằng “lẽ thường”.
Phần
nào để giải thích lý do cả một chuổi thất bại liền nhau, tác giả nại ý kiến của
David Hume. Triết gia Scottland nầy đưa ra quan niệm rằng các chấn động bất lợi
ngắn hạn có thể đem đến những mối lợi dài hạn nếu chúng đủ sức khai mở sức mạnh
tự điều chỉnh của thị trường. Từ đó, các kinh tế gia phân biệt các hiệu ứng ngắn
hạn và dài hạn của các sự thay đổi kinh tế, gồm cả các thể lệ can thiệp của chính
phủ.
Sự
phân biệt nầy nhằm bảo vệ lý thuyết quân bình. Ngắn hạn ở đây tiêu biểu một
giai đoạn trong đó thị trường (hay kinh tế thị trường) tạm thời tách khỏi vị trí
quân bình dài hạn vì tác lực của những chấn động ví như quả lắc rời khỏi vị thế
ngưng nghỉ. Do đó chính phủ hãy để thị trường tự tìm vị trí quân bình. Sự can
thiệp của chính phủ để sửa các lệch lạc chỉ làm vấn để phức tạp hơn.
Lập
luận nầy không tránh vài sơ sót có tính cách duy lý. Tiền đề rằng thị trường luôn
luôn có lý, đúng, vào chung cuộc chỉ đứng vững khi có sự đồng thuận của mọi giới
xác định lúc nào là chung cuộc. Kinh tế
gia cho rằng ấy là lúc quân bình nhưng vẫn rất mơ hồ.
Các
chính sách siết chặc tiền tệ (có lợi cho chủ nợ và người giàu) được biện minh
như thuốc đắng chận đứng vật giá leo thang, ngõ hầu thị trường có thể trở về trạng
thái cân bẳng cũ trong dài hạn.
Cuộc
canh tân trọng yếu là thuế lợi tức thâu đầu tiên năm 1814, và tái tục năm 1842
dưới trào thủ tướng Robert Peel. Cho đến 1914, thuế nầy là nguồn lợi tức chính yếu
của công quyền. Chính quyền tân thời không chỉ có một phương cách nầy mà thôi, vì
còn nhiều thứ thuế như địa ốc, thuế thương vụ, thuế tiêu thụ …Thuế lợi tức nhìn
theo chủ thuyết tự do xâm nhập đời tư và gây khó chịu cho người dân.
v
Khoản
giữa thế kỷ 20 gọi là thời đại Keynes, các nước dân chủ tư bản – vì lo sợ cách
mạng Nga và viễn ảnh quần chúng thợ thuyền nổi loạn – đã thực hiện cuộc tái phân
lợi tức chưa từng có trong lịch sử nhân loại, đưa đến sự sung mãn vật chất trong
mọi lãnh vực của xã hội.
John
Maynard Keynes chống CS nhưng ông lo ngại chủ thuyết tư bản sẽ thúc đẩy nhanh
tiến bộ kỹ thuật làm mất nhu cầu nhân lực. Ông chủ trương toàn dụng để giữ giá
trị và sự cần thiết của nhân công. Keynes nhìn sự việc trong thế động, của biến
hóa không ngừng của xã hội loài người. Cùng cách thức ấy, Max Weber cho rằng các
nhà khoa học xã hội không làm việc như các nhà vật lý nghiên cứu những sự kiện
gần như thường tồn ví dụ trọng lực; trái lại, đối tượng nghiên cứu của khoa học
xã hội tự thân không đứng yên một chỗ.
Lý
thuyết kinh tế hiện hữu ngày một tiến gần đến tình trạng như một kho chứa những
dụng cụ gảy nát gỉ sét. Nó nhằm giải quyết vấn đề của mấy thế kỷ trước: phân phối
một cách tối hảo việc làm và lợi tức để phát triển kinh tế ở mức tối đa. Vấn đề
của chúng ta ngày nay không đơn thuần như vậy nữa. Phải nghĩ đến cách trị các
biến chứng của sự sản xuất về kỹ thuật và bằng kỹ thuật; duy trì nhu cầu nhân lực
thực sự; quản trị hữu hiệu, và nhất là tránh sự tàn phá quả đất, của môi sinh.
Kinh
tế gia không thể chỉ sống với các con số thống kê, trong vùng nhỏ hẹp gọi là cơ
sở vi tế, microfoundation.
Kinh
tế học phải dùng những kiến thức ngày một tích lũy thêm trong các lãnh vực khác
như phong trào nữ quyền, tâm lý học, nhân chủng học, (nghiên cứu) lề thói sinh
hoạt kinh tế… Phức tạp đến như vậy vì khuôn dạng thế giới thay đổi, những sáng
kiến mới đều có lợi và có hại. Kinh tế tất phải là môn học có mục đích tối thượng
nhân bản, nếu con người còn được và cần được tôn trọng.
Thay
đổi lề lối suy nghĩ không đơn giản. Tác phẩm của Skidelsky giới thiệu ở đây, nếu
không được toàn bích vẫn có công đặt vấn đề, mà là một vấn đề vô cùng quan trọng,
liên quan toàn diện cuộc sống nhiều người trên một quả đất thu hẹp, động dao động
thớt trong bếp cả làng nghe. Against Economics
No comments:
Post a Comment