Thương nhớ cá kèo
Thùy Lan Vy
Thập niên 50 quê tôi
thật sự sống trong cảnh thanh bình, gạo trắng nước trong, mức chênh lệch giàu nghèo không đáng kể. Gò Công họp chợ trong không khí an
lành, chuyện móc túi, giựt dọc hình như không có. Đàn bà con gái trong tỉnh đi
chợ đều mặc áo dài.
Thuở
tôi vừa mới vào trường tiểu học, xóm Cầu Huyện tôi ở thật hiền lành, với khoảng
gần mười ngôi nhà trải dài cặp lộ, bên kia là con kênh, mỗi nhà có rào rõ ràng. Chiều chiều thường có những chiếc xe ngựa có trống có phèn la, hai bên hông
xe treo bảng quảng cáo tuồng hát rong ruổi chậm chậm khắp các nẻo đường để phát
chương trình trình diễn trong đêm.
Rạp Bình An Gò Công
luôn luôn có gánh hát từ Sài Gòn xuống trình diễn… Cứ mỗi lần nghe tiếng trống
xe rao hát là tôi được phép chạy ra ngõ chờ xe tới xin cho được tấm chương
trình… Chị tôi cùng với mấy người bạn chung xóm chuyền nhau xem tờ chương
trình, dĩ nhiên không quên bàn tán về các đào kép trong gánh… để rồi cười
với nhau vui vẽ… Nhiều lần tôi nhận được tấm chương trình bằng chữ Tàu, các chị
tôi cười chọc tôi
–
Tại em giống chệt đó…
–
Tối nay mình mua vé hạng cá kèo đi coi hát ….
Trong
trí tôi nhận biết hạng cá kèo là thứ hạng từ bằng tới thấp hơn hạng chót. Ba
tôi trong một bữa ăn có nói về chuyện nầy:
–
Tháng lúa gần chín miệt làng Tăng Hòa cá kèo đặc ruộng, đứng trên bờ nhìn xuống
mặt nước thấy chi chít đầu cá kèo, hạng cá kèo là vậy đó… Không có ghế ngồi đứng
sau hàng ghế hạng chót cũng đơm đặc đầu người…
Gia đình tôi thuộc
hạng giữa của trung lưu và nghèo, cho nên việc chi tiêu tiền bạc phải hết sức
dè xẻn, bữa cơm thường có hai món, món canh và mòn mặn. Cũng có khi thay canh bằng
món xào. Con cá kèo rất thường được mẹ hay chị tôi làm món ăn trong ngày. Cứ mỗi
lần ngồi vào mâm cơm, ba tôi, nhìn thấy dĩa cá kèo, thường nói:
–
Cá kèo nầy là do đất sanh. Mùa khô ruộng đất nẻ đồng, vậy mà mưa xuống vài đám,
ruộng nổi nước là có cá kèo.
Nghe
ba nói, tôi ghi nhớ mà không thắc mắc…
Mười lăm năm lưu lạc
đất người, thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ đến những món ăn làm từ cá kèo, với bàn tay
khéo léo của mẹ tôi, nhớ lại tôi còn thấy thèm… nhiều lần tôi mua cá kèo đông lạnh
trong vài chợ Việt Nam… Nhưng dù tôi cũng kho nấu chiên xào giống hệt mẹ tôi
nhưng, thịt cá cứng ngắc, ăn chẳng ngọt ngào…
Những
thức ăn làm từ cá kèo của mẹ bây giờ tôi chỉ còn được ăn trong mơ… để rồi tỉnh
giấc…lau vội giòng nước mắt lén chảy ướt má.
Trời
Gò Công tháng gió chướng, ngọn gió độc xứ Gò (Gió nào độc bằng gió Gò Công), gà
vịt cũng thường bị toi vào tháng nầy… Có gió chướng là có hoa so đũa, có trái đậu
rồng, hai loại nầy chỉ xuất hiện vào những ngày tháng cuối thu.
Tan
buổi học về, trời hanh nắng, chén cơm rang buổi sáng lót lòng đã đi chơi đâu mất,
bụng đói cồn cào… bước vô nhà, bỗng khịt mũi, mùi canh chua từ nhà bếp phưởng
phất đâu đây…Nhìn mâm cơm mẹ dọn sẵn, tôi đã thấy cồn cào.
Tô
canh chua bông so đũa, lẫn với đậu rồng xắt liễn, nấu với cá kèo, nêm rau tần
dày lá với ớt sừng trâu chín đỏ cắt khoanh mỏng xéo, dĩa nước mắm trong dầm ớt
chim ỉa, chén cơm bốc khói, mâm cơm chỉ một món nhưng ăn hoài, ăn no cành hông
mà vẫn còn muốn ăn nữa…
Tôi
ăn luôn 5 chén cơm loại chén có hình rồng, mẹ nêm đường, muối, mẹ dầm me, mùi
chua cay, ngọt , mặn thật hòa họp, cá kèo mập tròn, bụng cá béo ngậy với vị
đăng đắng của mật cá, ngon khó tả, cho tới bây giờ xứ người nhớ lại, tôi nuốt
miệng không mà cũng thấy ngon…Xong bữa cơm bụng căng tròn lưng đẫm mồ hôi, quá
đã….
Trương Định quê quán Gò Công
Thuở
còn nhỏ, tôi là con út nên thường quẩn quanh bên mẹ, mỗi lần mẹ đi chợ về có
mua cá kèo là tôi có phận sự canh mấy con gà cho mẹ làm cá, sơ ý một chút là gà
cắp cá chạy te te, rượt theo bắt lại đủ mệt.
Cá
kèo mẹ để trong rổ, lựa thế đất bằng ngoài sân mẹ ướp cá với tro bếp rồi cầm từng
con chà trên mặt đất cho sạch vảy và nhớt cá, sau đó mới để cá vào rổ, nhận rổ
vào chậu nước chà cá nhiều lần…cá kèo đen đúa bây giờ trở nên trắng trẻo. Mẹ
dùng dao nhỏ, sau khi liếc sơ vào một cái khu tộ, mẹ bắt đầu cắt bỏ đầu cá, bầy
gà sau khi cá làm xong thì bầu diều cũng căng cứng vì đầu cá. Loại cá nầy sống
khá lâu trên cạn.
Cũng
cá kèo mẹ dùng gắp tre cặp gắp nướng. Cá gặp lửa than hồng riu riu chín tới từ
từ cho tới khi da nứt vàng nghín mẹ để cá vào dĩa. Nước mắm chanh đường tỏi ớt,
củ cải trắng mẹ xắt lát mỏng rồi xắt lại thành sợi, ngâm cải vào tô giấm có pha
chút đường muối và chút nước lã, rau quế mẹ xắt nhuyển. Cá kèo nướng được mẹ đặt
nằm khít trên dĩa, mẹ chan ngập nước mắm ớt, trải trên mặt một lớp củ cải ngâm
dấm, trên lớp củ cải là lớp rau quế. Bên xứ lạ nầy có tiền biết đi đâu để mua
dĩa cá nướng nầy đây, thêm một món bông bí xào với thịt ba chỉ. Cơm ăn với cá
kèo nướng, bông bí xào thêm xị rượu đế Bình Ân, khà một tiếng quên hết chuyện đời.
Chị
Hai tôi thường kho mắm với cá kèo. Mắm cá sặt mua của bà thầy Thanh, kho rục lọc
bỏ xương. Cá kèo, chị để nguyên con, nêm đường cho mắm dịu, canh sôi hớt bọt,
cá vừa chín tới, trái đâu bắp chị cắt mỗi trái làm ba khúc, cà dái dê chị cắt miếng
bằng ngón tay cái…thả hết vào nồi mắm, chờ lửa sôi lại chị nêm thêm hành, ớt…Nhà
bếp trống vách vậy mà mùi mắm vẫn bốc thơm lừng, gây cồn cào bao tử…
Buổi
chiều trời mưa rả rích, cảnh trời mưa mùa lúa chín. Mưa không lớn nhưng dai dẳng
dễ làm lòng người se lại, dễ gợi nhớ những kỷ niệm êm đềm đã trôi qua…,những cô
gái mới về nhà chồng dễ nhớ tới người tình cũ …gian nhà bếp trống vách, bộ ván
cũ nhỏ, vừa dùng để nồi cơm trả cá, đi chợ về bày biện trên ván, vừa dùng làm
bàn ăn.
Ba,
anh, và tôi ngồi ghế đầu quanh góc ván. Mẹ, chị ngồi trên ván. Mâm nhôm, với một
tô nước mắm kho, một dĩa bàn đựng cá kèo, một dĩa dưa leo, khế chua, chuối
chát, một tô tai bèo đựng rau thơm, gồm tía tô, rau quế, dấp cá, húm cây, một
dĩa đậu bắp hấp cơm …mấy trái ớt chỉ thiên vừa hườm chín…
Trời
nhá nhem tối, ngọn đèn dầu khêu ngọn cao, cơm gạo sóc nâu nóng bốc khói…Anh kể
chuyện trường, chị kể chuyện lớp, mẹ kể chuyện ngoài chợ…. Mâm cơm gia đình ấm
cúng bên ngọn đèn dầu với đầy đủ mọi người trong nhà… Cảnh nầy, hy vọng kiếp
sau tôi mới tìm thấy lại được…
Ngoài
trời mưa vẫn còn rả rích. Nồi cơm cạn dần, mẹ lại tủ thức ăn mang ra một dĩa vú sữa đã cắt sẵn ăn tráng miệng. Mẹ ơi! bàn tay của mẹ, bàn tay mềm dịu chăm sóc
đàn con bây giờ con biết tìm đâu?
Có
nhiều hôm cá kèo mẹ không nướng mà chiên tươi. mẹ dầm nước mắm me đường tỏi ớt
thật cay, cá kèo chiên tươi ăn kèm với đậu rồng xắt xéo xào với tôm bạc lột vỏ
(dân Gò Công phân biệt tôm càng, tôm trứng, tôm đất, tôm bạc, tôm chấu, tôm
tích…rồi tới tép rong, tép mòng… sau cùng là con ruốc, ruốc là loại tép ở biển,
nhiều nơi tôi nghe người dân gọi con tôm đất tôm bạc…là con tép đất, tép bạc. Vậy
chớ khi con tép đất nầy phơi khô sao không gọi bằng con tép khô).
Gò
Công thuở tôi còn nhỏ, cá kèo rất rẻ. Tôi nhớ có năm, bà con (gia đình chị Phụng,
gia đình chị hai E) từ Bến Chùa mang cho nhà tôi mỗi lần hàng mấy trăm con cá
kèo. Thuở đó cá kèo được tính bằng đôi (mỗi đôi hai con)
Về
đây nhậu tôi nhớ hoài món khô cá kèo nướng dầm nước mắm me. Cá kèo làm khô, nướng
lên thịt ngọt lại thơm, nước mắm me dầm ớt, mùi chua ngọt của nước mắm, hòa với
vị ngọt thơm của khô cá…thì cạn ly đầy ta lại rót đầy ly cạn.
Con
cá kèo kho nêm hẹ rắc tiêu là món thường ăn của dân miền lục tỉnh. Cá kèo kho
khô, cá cong mình lại quyện hẹ tiêu, kèm chút rau thơm khế chua dưa leo… mới
nghe nói đã bắt thèm. Nhưng cá kèo kho chỉ, dân Việt lưu vong khó biết làm.
Thời
Gò Công thanh bình, thời tôi còn thơ trẻ, chạy chơi quanh nhà, khi bắn kè, lúc
đá cầu, nồi cơm chiều gần cạn mẹ luôn luôn chắt cho tôi một chén nước cơm. Gạo
thời đó cho nước cơm thật béo. Chén nước cơm để nguội trên mặt đóng một lớp váng,
chạy chơi nhớ tới cử, tôi vô bếp bưng chén nước cơm uống ngon lành.
Con
cá kèo kho như bình thường. Khi thấy nước rút gần cạn, cho vào nửa chén nước
cơm chắt, chờ sôi lại vài dạo cho nước hơi kẹo, nêm hẹ (cá kèo kho chỉ nêm hẹ
mà không nêm hành), dùng đủa vẽ cá. Cá gắp khỏi dĩa sẽ có một sợi chỉ nước cá
vương theo, nên gọi là cá kèo kho chỉ. Thịt cá kèo ăn bị phong, tuy nhiên Ông
Trời sinh ra thứ độc, ông cũng sinh ra thứ để trừ, mật con cá kèo là thứ giải
phong.
Thời
cá kèo đơm đầu đặc ruộng, có dịp về Tăng Hòa, hay Bình Luông Đông, bạn bè gặp
nhau chén chú chén anh, với mấy món nhậu miền quê. Gà giò xào lá ớt, lòng gà
chưng hột vịt… tiệc gần tàn, vợ bạn mình múc đầy một tô lớn…cháo cá kèo. Thường
món cháo là phải dùng gạo. Riêng
cháo cá kèo chỉ có nước và thịt cá kèo nhưng vẫn gọi là cháo.
Có
ăn qua chén cháo cá kèo mới thấy thấm “món ngon vật lạ miền Nam”. Cá kèo còn nhảy
soi sói, nồi nước đang sôi thả nguyên rổ cá sống vào, khơi già lửa, cho tới khi
nào cá rục, dung đũa bếp (đũa cái) quậy vài lần cho cá rã thịt, dùng rổ thưa lọc
bỏ xương, chụm lửa riu riu, canh hớt sạch bọt, nêm nước mắm, hành xắt nhuyển,
tiêu đâm vừa bể… Uống rượu đế, mình mầy nóng hổi, húp một muổng cháo cá kèo vị
ngọt lâng lâng từ miệng trôi xuống tận bao tử.. tỉnh rượu ngay…
Vị
cay của tiêu, thơm mùi hành, nêm nếm vừa ăn… ngon ngọt làm sao tả hết được,
không lẽ ngồi đó múc cháo ăn hoài… đâu phải người miền Nam nào cũng được ăn món
nầy (Món nầy cũng nấu giống như món cháo cá khoai ở biền Vàm Láng).
Khoảng
thập niên 50, 60 cá kèo dành cho dân dã miệt ruộng vườn, nhưng với
bàn tay khéo léo của người nội trợ, cá kèo được chế biến thành nhiều món ăn rất
ngon miệng lại rẻ tiền… làm món nhậu cũng rất bắt mồi.
Đất
người khác phong thổ quê mình, có nhiều con cá, cọng rau, tìm đỏ con mắt không
thấy. Tiệc tùng sang trọng ai đi đãi khách món cá kèo kho chỉ, món canh chua…
Chỉ có trong mâm cơm gia đình, dọn trên bộ ván sơ sài bên ngọn đèn dầu lửa mới
thấy hết cảnh ấm cúng của mâm cơm chiều. Cả gia đình sum họp chuyện trò vui vẻ…
với đầy đủ hương vị ngon ngọt của cọng rau con cá quê nhà.
Chiều
ở đây, đi làm về thui thủi một mình, vợ làm khác ca, con im ỉm trong phòng, cá
thịt đông lạnh nhạt phèo, cố ăn mà sống. Tôi vẫn thường nấu canh rau, ăn cho
trơn cổ dễ nuốt chén cơm xứ người, có thèm canh chua cá kèo cũng chỉ để nuốt nước
miếng, chứ biết làm sao hơn.
Cũng
tại bàn tay của mẹ chăm sóc miếng ăn thức uống cho con từ ngày còn thơ trẻ. Những
món ăn nhà nghèo nhưng đầy đủ ngọt ngào của con cá cọng rau vùng quê. Hương tay
của mẹ ủ ấm đời con… cho nên bây giờ sống đời xa xứ con mới thấy thèm hương vị
quê nhà.
Đời sống vật chất ở
đây đầy đủ… nhưng mẹ ơi! Buổi chiều nào trời mưa, đi làm về, con đứng tựa cửa
kiếng nhìn ra sân… mắt của con mờ dần… Con nhìn thấy ngoài sân hàng cây so đủa,
trổ trắng bông đang nghiêng mình theo gió trong cơn mưa chiều… Cá kèo ơi ta nhớ…
nhớ canh chua cá kèo!
Đình Trung, Gò Công
tư dinh tỉnh trưởng Gò Công 1920
Tỉnh Gò Công do chính quyền Pháp thành lập năm 1900;
năm 1956, VNCH biến GC thành một quận sáp nhập vào tỉnh Định Tường
cho đến 1963 trở lại quy chế hàng tỉnh, mang tên cũ là tỉnh Gò Công
trực thuộc Vùng Bốn Chiến Thuật
======================================================
tư dinh tỉnh trưởng Gò Công 1920
Tỉnh Gò Công do chính quyền Pháp thành lập năm 1900;
năm 1956, VNCH biến GC thành một quận sáp nhập vào tỉnh Định Tường
cho đến 1963 trở lại quy chế hàng tỉnh, mang tên cũ là tỉnh Gò Công
trực thuộc Vùng Bốn Chiến Thuật
======================================================
No comments:
Post a Comment