mấy lần thất thủ kinh đô
Võ Hương An
* 2005
Tặng
những người
Huế xa xứ
30 năm (1975-2005)
Tròn hai hoa giáp
xoay vòng, (Ất Dậu 1885 -Ất Dậu 2005) 120 năm chẳn. Một trăm hai mươi năm
không phải chỉ một lần mất Huế. Mỗi lần như thế, đều lưu lại một dấu in
văn hóa riêng, làm cho Huế không lẫn với “ai” khác được.
Võ Hương An
Cách nay 120
năm, nửa đêm 22 tháng Năm năm Ất Dậu quan tướng Tôn Thất Thuyết ra lệnh nổ
súng vào Tòa Khâm Sứ Pháp ở bên kia bờ sông Hương, và đồn Mang Cá ở phía đông bắc
Kinh thành, nghĩ rằng sẽ mở đầu một trận phục thù, đánh cho quân Pháp manh
giáp không còn, giành lại quyền tự chủ. Ai hay lực bất tòng tâm, sáng ngày
23 (5/7/1885), quân Pháp phản công dữ dội, kinh đô thất thủ, quân chết như rạ
[1], dân chết như củi, triều đình tứ tán, vua Hàm Nghi ở ngôi chưa ấm chỗ
đã phải xuất bôn, ba năm rày đây mai đó trong vùng rừng núi Quảng Bình-Hà Tĩnh,
cầm đầu cuộc kháng chiến Cần Vương không kết quả.
Những gì sử sách
ghi chép không gây xúc động trong lòng tôi cho bằng đọc Hạnh Thục Ca của Nguyễn Nhược Thị
[2] và nghe mụ Mì nói vè Thất thủ Kinh đô, dù đó chỉ là kinh đô ngọai sử,
nhưng tình cảm thì xoáy vào lòng người. Mụ Mì, người đàn bà mù, sống cô đơn
trong túp lều tranh sau lưng lầu ông Hoàng Tùng Đệ [3], ngày ngày chân đất áo
dài vá chằm vá đụp, lang thang khắp chốn kinh thành, nói vè Thất thủ Kinh đô,
vè Cô Thông Tằm … để kiếm vài xu sống qua ngày. Mệ ngoại tôi và mạ
tôi thuộc lòng nhiều đoạn của bài vè, vậy mà mỗi lần nghe mụ Mì gõ cặp sanh
cầm nhịp và cất tiếng khàn khàn kể chuyện kinh đô khói lửa, vẫn không cầm được
nước mắt. Biến cố đó đau thương quá, người ta không phải chỉ chết vì tên
bay đạn lạc, mà còn chết vì chen nhau chạy loạn, xéo lên nhau lấy đường mà
chạy, đạp lên nhau mà chết. Ông già bà cả kể chuyện rằng có người ôm trắp
của mà chạy, bị xô đẩy, trắp của rơi xuống, tiếc của đứt ruột, vừa cúi xuống lượm
thì bị sóng người ở sau phủ tới, và chết với của.
Từ đó cứ mỗi tháng
Năm (âm lịch), từ mồng mười trở đi, hầu như ngày nào đi đâu trong thành phố
cũng có thể ngửi thấy hương thơm của nhang trầm và mùi khen khét của vàng
mã đốt cháy phảng phất trong gió. Cả thành phố cùng giỗ 23 tháng Năm. Triều
đình có giỗ của triều đình [4], địa phương có lễ cúng của địa phương. Nhiều
địa phương hình thành những tập thể gọi là Phổ Hăm ba tháng Năm, hàng năm
đóng góp tiền bạc để tổ chức lễ cúng cô hồn một cách trọng thể.
Mạ
tôi tuy đã có chân trong Phổ Hăm ba tháng Năm của xóm, nhưng, cũng như nhiều
gia đình khác trong xóm trong phường, đến ngày 23 vẫn bày bàn trước ngõ, bên lề
đường để cúng cô hồn; lễ vật đơn sơ nhưng cần thiết với người chạy lọan: cháo
loãng (cháo thánh) để húp nhanh cho đỡ đói, gạo muối để làm lương thực đi đường,
và ghè nước chè xanh, kèm theo cái gáo dừa với mấy cái tô sành cho bà
con đỡ khát. Hương thắp suốt ngày, đến tối mịt mới đốt vàng mã, gồm rất
nhiều áo binh, giấy tiền và giấy vàng bạc. Người ta không phải chỉ cúng giỗ
trong một ngày hăm ba tháng Năm; người ta cúng lai rai từ mồng mười trở đi
cho đến hết tháng. Không đâu trên đất nước lại có lễ giỗ tập thể lạ lùng
như thế như ở Huế.
Một người bạn Huế lập
nghiệp ở Sàigòn, khi gặp lại tôi sau biến cố Tết Mậu Thân, 1968, đã hỏi tôi rằng,
“Anh đã nghe bài hát Chuyện một chiếc cầu đã gãy của
Trầm Tử Thiêng chưa? Anh biết không, khi nghe tin cầu Trường Tiền bị giật sập,
tôi buồn ngơ ngẩn như mất một cái chi rất gắn bó với mình. Đến khi nghe
bài hát của Trầm Tử Thiêng, tôi không khóc mà ứa nước mắt. Nó đâu phải chỉ là một
cây cầu, nó là Huế của mình.”
Ôi
chao! Một người đàn ông Huế chảy nước mắt cho Huế khi xa xứ mà ngó về quê hương
điêu linh, vậy thì có lạ chi mạ tôi và mệ ngọai tôi khóc cho kinh đô thất thủ,
dù chỉ nghe kể lại bằng lời vè mộc mạc. Trước đó 22 năm (1946) cầu Trường
Tiền cũng đã bị hy sinh một cách vô lối cùng với một số cung điện trong hoàng
thành vào một đêm lạnh tháng Chạp tây, trong chủ trương tiêu thổ kháng chiến. Nhưng
chiếc cầu gãy lần đó hầu như không để lại một ấn tượng u ám nào trong lòng người
cố đô. Nó khác với lần gãy gục thứ hai, về mặt tác động tâm lý.
Chuyện thất thủ
kinh đô lần thứ nhất chỉ xảy ra trong một ngày. Chuyện tang tóc đổ nát trên Huế
83 năm sau đó kéo dài cả tháng trời trong cảnh u ám của trời đất với mưa phùn lạnh
lẽo, đêm cũng như ngày. Thời Tây chiếm kinh đô, thảm cảnh chỉ diễn ra
trong Thành Nội với mấy cửa thành phía đông, phía tây và phía bắc vì nghẽn dân
chạy loạn; vùng phụ cận Huế vẫn yên tĩnh. Lính và dân chết nhiều vì tên
bay đạn lạc, vì đạp lên nhau mà chạy, nhưng chỉ có hoảng sợ mà chưa thấy
bóng hận thù. Mậu Thân thì khác. Ngoài 10 phường trong Thành Nội, thì
Tả Ngạn, Hữu Ngạn sông Hương cũng cùng chung số phận. Nếu đem chuyện
thất thủ đời xưa ra sánh với chuyện thất thủ thời nay thì thiệt hại tài sản và
sinh mạng phải nhân lên mấy chục lần. Hơn năm ngàn sinh mạng đã ra đi trong oan
khiên và tức tưởi bằng tiếng cắc bụp giữa đêm khuya, bằng đầu cuốc, sống rựa đập
xuống trên đầu trên trốt, không kịp kêu cha kêu mạ, ới vợ, ới con.
Từ sau vụ phát giác
những mồ chôn tập thể trong khu vực phía sau trường Trung học Gia Hội và
chùa Áo Vàng, cả thành phố như lâm vào cảnh hậu địa chấn với những toán người
trang bị cuốc thuổng lang thang núi này, bãi kia, đồng nọ để đào bới tìm
kiếm thân nhân. Như Nguyễn Nhược Thị xưa kia, Nhã Ca đã viết Giải
khăn sô cho Huế cho cả thiên hạ và con cháu mai sau cùng hay, nhưng vẫn
chưa nói hết niềm đau và nỗi mất mát, kinh hoàng, của lần thất thủ kinh đô
thứ hai nầy. Xem ra, vết thương do Tây làm ra không độc cho bằng người
cùng dòng máu. Già trăm năm trước, Nguyễn Du đã viết câu Đống
xương vô định đã cao bằng đầu để bình luận về sự nghiệp của Từ Hải. Tưởng
rằng đó chỉ là chuyện thơ phú văn chương, mãi đến khi bước chân vào trường tiểu
học Bảng Lãng để xem thành tích Khe Đá Mài mới thấy đống xương vô định
đã cao bằng đầu là cái chi rất thực, rất cụ thể, khỏi phải tưởng tượng xa
gần chi cả. Thiệt thấy mà rùng mình [6].
Ngày xưa, thất
thủ cũng có chết chóc và đổ nát, nhưng lòng người dân vẫn gắn bó cố đô, chưa ai
đành lòng bỏ đi. Sau Mậu Thân thì tinh thần và tình cảm bắt đầu lung
lay. Khi trật tự vãn hồi, tôi nhận ra bạn bè, bà con có người rời Huế từ
bao giờ không hay. Họ bỏ Huế đi luôn, để định cư một nơi khác an toàn
hơn, mà mình cứ tưởng như họ đi chơi, đi mua hàng, đi thăm bà con ở
Sàigòn, như họ vẫn thường đi. Họ sợ chi? Mỗi người mỗi hòan cảnh,
khó mà trả lời một cách chính xác, nhưng họ giống nhau ở một điểm là sợ cái màn
ngày đi trình diện, tưởng chỉ vài tiếng đồng hồ “làm việc” rồi về, ai ngờ thiên
thu vĩnh biệt, không biết nơi mô mà chạp mã; họ sợ những vụ xử không
phiên tòa, của người anh em, vốn ưa khử lầm hơn bỏ sót.
Yên yên đâu chừng
được bốn năm thì tới ngày phượng nở ve kêu 1972, có tên thường gọi
là Mùa hè đỏ lửa. Cổ thành Quảng Trị thất thủ. Làn sóng đồng bào Quảng
Trị sau khi quét qua Đại lộ Kinh hoàng đã biến thành đợt sóng thần, cuốn dân Huế
vô Đà Nẵng ào ạt hối hả, sợ rằng chậm chân thì chết. Trong khi dòng người
ngày đêm bương bả vượt đèo Hải Vân bằng mọi phương tiện, kể cả xe cày và
xe bò, đi bộ, và xe ba gác, thì tôi và anh bạn mỗi người một chiếc Honda,
từ Đà Nẵng ngược đường ra Huế để cõng ông già vào, bởi ông không chịu đi
theo gia đình người bạn mà tôi đã tin cậy gởi gắm, mà nhất định chờ cho được thằng
con trai đích thân đem xe ra rước. Ông cụ có biết đâu rằng lúc đó có
xe hơi mười bánh cũng không đi Huế được, vì sóng kinh hoàng đã ngập đường rồi; chỉ
có xe gắn máy mới lạng lách được thôi! Hôm trước cháy chợ Đông Ba. Có người
nói, cháy chợ thì chớ chạy, nhưng có người cãi lại, tầm bậy, chợ cháy
thì chạy chớ (chứ’), nên người ta cứ mạnh ai nấy chạy, chạy không ngoái đầu ngó
lui. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được cái không khí của một thành phố chết là
chuyến về Huế bằng xe Honda lần đó. Đường sá vắng tanh, phố xá, nhà cửa,
hàng quán, đều cửa đóng im ỉm. Mình đi trong thành phố quê hương mà e dè,
rờn rợn như đi giữa miền đất lạ. Nhưng tiền hung mà hậu cát, rồi sóng gió
qua đi, dân Huế lại lục tục vượt đèo Hải Vân trở về. Tuy chỉ là một lần
suýt nữa thì thất thủ, nhưng dân Huế lại mỏn đi, bởi những điều mắt thấy hoặc
tai nghe về Đại lộ Kinh hoàng rùng rợn quá, họ không muốn rơi vào cái
bẫy sập đó như đồng bào Quảng Trị đã mắc, thôi thì cao chạy xa bay càng sớm
càng tốt. Nhưng có đi xa lắm thì người Huế bỏ xứ lúc đó cũng chỉ tới
Sàigòn. Không một ai, kể cả người có tiền, nghĩ rằng họ có thể đi xa hơn
. . .
Mùa Xuân năm đó, 1975
Tết
Ất Mão, 1975, nhằm ngày 11 tháng 2 năm 1975. Ăn Tết được hơn một tháng thì
đã nghe “động chiến phong”. Đến giữa tháng Ba thì Huế cùng người anh
em Quảng Trị tái diễn cảnh di tản của mùa hè đỏ lửa 72, ban đầu còn ở
mức độ thấp, rồi bỗng lên cơn hối hả khi có tin đồn ngày 23 tháng 3 đường đèo sẽ
bị cắt. Huế chính thức thất thủ ngày 26 tháng 3, nhưng thực ra Huế đã mất
trong bỏ ngõ khi quân đội rút về Thuận An. Nỗi mừng đại gia đình đoàn tụ
toàn vẹn ở Đà Nẵng chưa kịp lên men thì ba ngày sau Đà Nẵng cũng buông tay cho
sấu nuốt.
Trong
khi vợ bụng mang dạ chửa, một nách ba đứa con dại với vạn nỗi âu lo, thì tôi
cùng hàng vạn người khác lên núi học làm người tốt.
Ngày
đi, tre chửa mọc măng,
Ngày
về măng đã mấy lần thành tre.
Phải hơn một
năm sau khi trở về trần tôi mới được phép về thăm lại Huế xưa, nhìn lại ngôi
nhà thời thơ ấu, dẫy mớ cỏ mọc hỗn trên nấm mộ ông bà già. Hai người em
gái thấy lại ông anh khác xưa nhiều quá, òa lên khóc. Tôi cười, “Khóc chi
mà khóc, qua bao sóng gió mà còn được thấy mặt anh em như ri là quí rồi”.
Tôi thấy ngôi nhà cũ kỹ điêu tàn hơn, mấy gốc cây quen thuộc trở thành lạ
lẫm, bởi chúng không còn trẻ trung như ngày tôi thấy lần cuối, chúng trở thành
trung niên hay bô lão mất rồi, nhất là cái gốc hồng trứng mà tôi đã bỏ nhiều
công chăm sóc.
Ở một nơi vốn ra đường
không gặp học trò thì cũng gặp bà con hay bạn bè, người quen biết, vậy mà
trong ba ngày liền, ra đường chẳng thấy ai là cố nhân; mãi cho đến ngày thứ
năm mới tình cờ gặp lại chàng họ Trương, giáo sư Sử Địa, ở dốc cầu Bến Ngự. Hai
đứa bở ngỡ nhìn nhau. Câu chào sau mấy năm không chộ mặt là “mình mất dạy
mấy năm ni rồi.” Thầy giáo mà “mất dạy” thì đường cùng rồi, vì đất
trời đâu còn chỗ để thối vi sư! Tìm tới nhà thăm người bạn cũ, hai đứa
đã từng đóng vai rể phụ cho nhau năm xưa, thì gặp một ông lão tóc trắng như cước
ra chào vồn vã. Cũng may lão không để râu nên tôi mới nhận ra đó là bạn
mình. Ngắm cái đầu bạc của bạn, không khỏi gật gù mỉm cười, “Ta ở trong bạc
đầu còn có lý, ngươi ở ngoài mà cũng đầu bạc là răng?”
Bạn
bè, người quen như lá mùa thu. Sau lần thất thủ kinh đô thứ ba này, người
ta đành đọan bỏ Huế mà đi, thí thân liều mạng mà đi, cầm bằng tù tội và sóng
gió đại dương là canh bạc đen đủi của cuộc đời mà thôi. Cái điều trước đó
không hề có ai nghĩ tới là liệu có đi đến nơi nào xa hơn Sàigòn hay không, thì
nay họ quyết đi xa hơn cả hải trình Kha Luân Bố đi tìm tân thế giới, họ cả gan
vượt Thái Bình Dương, chứ Đại Tây Dương thì sá chi!
Bước qua năm 1990,
lại một đợt ra đi khác của Huế, dân HO. Từ HO-1 đến HO-7 còn thấy lai rai
năm bảy gia đình, qua HO-8 và HO-9 thì phải gọi là HO-Huế. Trong mỗi đợt
vô ra Sàigòn lập thủ tục, nào phỏng vấn, nào chích ngừa, bầu đoàn thê tử của họ
chiếm trọn một hai toa tàu xuyên Việt, là thường. Đây là những chuyến đi
có kèn có trống, nghĩa là có chén rượu giã từ hay đưa tiễn, chứ không phải chun
bụi lũi bờ như mấy năm trước, thiệt là hết rồi cơn bỉ cực, thiệt là có ông
trời ngó lại.
Mới đó mà đã ba
mươi năm xa Huế. Ngày xưa, nàng Kiều xa nhà, xa người yêu chỉ có mười lăm
năm mà còn được Tiên Điền tiền bối hạ cho một câu rằng Mười lăm năm ấy
biết bao nhiêu tình, huống chi ta xa những ba mươi năm, phải không, hỡi những
người Huế ra đi từ độ 75 xa xôi đó? Những chú bé oa oa năm ấy, nay đã ở
cái tuổi tam thập nhi lập, đang vững vàng bước đi trên quê hương mới, lòng
không vướng một chút mây mờ của quá khứ thất thủ kinh đô, dù xa hay gần.
Những cô bé cùng tuổi thì nay hẳn đã tay bồng tay dắt mà sức đua tranh có kém
chi trai. Rất nhiều, rất nhiều cuộc đời cũ được tái tạo khởi sắc, rất nhiều
rất nhiều cuộc đời mới đang hăm hở tiến về phía trước. Tất cả gíống nhau ở
chỗ sợi dây rốn chưa cắt, vẫn còn nhớ Huế. VHA tháng 3.2005
----------
[1] Trong trận đánh
này quân Pháp chỉ chết 18 người, bị thương 80, còn quân Việt thì chết lên
số ngàn ( Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược , Q.2, Paris, 1987, tr. 324), chưa kể
thường dân.
[2] Bà tên thật là Nguyễn Thị Bích (1830-1909), con
quan Bố Chánh Nguyễn Nhược San, có văn tài, học thức, nên được tuyển vào cung từ
đầu đời Tự Đức. Đến đời Thành Thái được phong làm Tam giai Lễ Tân. Người
ta xem bà như là thư ký riêng của Hòang Thái hậu Từ Dũ. Hạnh Thục Ca là hồi
ký về biến cố thất thủ kinh đô mà bà là nhân chứng.
[3] Hòang thân Vĩnh Cẩn, em họ vua Bảo Đại.
[4] Năm 1894, đời Thành Thái, môt đàn Âm hồn được lập ở
khu Lý Thiện gần cửa Quảng Đức (khu Cầu Đất ngày nay) để tế tướng sĩ và dân
chúng chết trong ngày thất thủ Kinh đô. Một quan Võ cao cấp đứng chủ tế,
với lễ tam sanh (heo, bò, dê) xôi chè, hương ,đèn, trà, cau, trầu , rựu, vàng mã.
[5] Tên một nhạc phẩm của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng.
[6] Trong khi rút lui, VC đã dẫn theo hàng trăm người
bị bắt trong khu Phủ Cam-Từ Đàm lên núi, tất cả đều bị trói bằng dây điện thọai.
Đến khu vực khe Đá Mài, tất cả đều bị hạ sát bằng súng máy, xác vất xuống
khe. Vụ này được phát hiện năm 1969, thời Đại tá Lê Văn Thân làm Tỉnh trưởng..
===========================================
Trầm Tử Thiêng * Duy Khánh & Hương Lan
Saigon trong cơn gió bụi 1975
No comments:
Post a Comment