nhân cách Bình Nguyên Lộc
Mai Thảo
Thời
gian đầu, sau khi cộng sản đã lấy nốt được miền Nam là thời gian còn được để
yên, chưa bị kết tội, chưa bị lùng bắt, tôi thường sáng sáng một mình đạp xe đạp
qua một Sài Gòn tan nát tới thăm một nhà thơ và một nhà văn, người trước Bắc,
người sau Nam, cả hai đều thuộc thế hệ trước tôi, cả hai đều đã tên tuổi lẫy lừng
từ thời tiền chiến. Những thăm viếng thường xuyên này của tôi, giữa Sài Gòn và
trong đổi đời lúc đó được đọc bởi hai điều. Một, hai khuôn mặt lớn ấy của văn học
Miền Nam, từ quốc nạn 1975, đã đóng kín địa chỉ, dựng cao lũy hoa, cắt đứt với
đời, không ra khỏi nhà, muốn gặp họ tôi phải tìm tới. Hai, giữa cái thể chế
chuyên chính đã trùm kín, chưa bao giờ trong đời tôi lại cảm thấy sự cần thiết
lớn lao phải giữ chặt lấy một số thân tình bền vững tôi hằng mến yêu và kính trọng.
Và hai đối tượng của thăm viếng thường xuyên thì với tôi lại là hai niềm mến
yêu và kính trọng vô cùng. Nhà thơ miền Bắc tôi vừa nói tới là Vũ Hoàng Chương.
Và nhà văn miền Nam, Bình Nguyên Lộc.
Vũ Hoàng Chương thời gian đó ở khá xa, mãi bên vùng Khánh Hội, trong một ngõ hẻm khuất khúc giữa phường Cây Bàng, trên căn Gác Bút lừng tiếng, nơi thi sĩ bị công an cộng sản tới bắt đem giam nhốt vào khám Chí Hòa rồi trở về trong hấp hối lâm chung và lìa đời ở đó. Bình Nguyên Lộc ở gần hơn.
Vũ Hoàng Chương thời gian đó ở khá xa, mãi bên vùng Khánh Hội, trong một ngõ hẻm khuất khúc giữa phường Cây Bàng, trên căn Gác Bút lừng tiếng, nơi thi sĩ bị công an cộng sản tới bắt đem giam nhốt vào khám Chí Hòa rồi trở về trong hấp hối lâm chung và lìa đời ở đó. Bình Nguyên Lộc ở gần hơn.
Thăm
viếng do vậy cũng ngắn đường hơn, trong cuối đáy một con ngõ yên tĩnh một thời
Vũ Hoàng Chương đã ở, khu Cô Giang Cô Bắc, đầu ngõ là con đường Huỳnh Quang
Tiên, khúc từ con ngõ nhìn ra có những vì tường xám của hãng thuốc lá MIC chạy
dài trước mặt.
Vũ Hoàng Chương
Tới
ngõ, tôi xuống xe dắt bộ đi vào, và ngừng lại trước một căn nhà một tầng cổ cũ,
căn nhà này là của gia đình Bình Nguyên Lộc, nhà văn chỉ mới dọn về ở một thời
gian từ sau cái chết của người con trai lớn là Bác sĩ Giám Đốc Dưỡng Trí Viện
Biên Hòa, để sống gần với người chị ruột ở căn nhà kế cận.
Mở
cánh cổng thấp, dựa xe vào thành tường, bên cạnh hai chậu vạn niên thanh trấn
môn xanh ngắt, một màu xanh muôn thuở, tôi gõ nhẹ tay vào thành cửa đóng kín.
Nhớ lần nào tôi cũng phải đứng chờ ít phút, nhưng không lần nào phải trở về.
Căn nhà yên lặng hoàn toàn. Tiếng gõ cửa ngân vào thật sâu thật xa ở bên trong,
rồi là tiếng chân người đi ra. Rồi là cánh cửa hé mở từ từ và cái thân hình nhỏ
bé, bộ đồ ngủ lùng thùng và cái mái tóc rẽ giữa duy nhất của văn học miền Nam,
cái mái tóc rẽ giữa của Bình Nguyên Lộc.
Bao
nhiêu lần như bao nhiêu lần, và cảm giác này càng rõ rệt những buổi sáng tới bạn
sau vực thẳm 1975, lần nào nhìn thấy Bình Nguyên Lộc, tao nhã, gầy guộc, trên
cái nền mờ tối của căn nhà đóng kín, tôi cũng có được tức khắc, ở trong tôi,
như một mầu nhiệm êm đềm, một ấm áp và một yên tâm không thể nào tả được. Ấm áp
như thế giới tiểu thuyết Bình Nguyên Lộc, không siêu hình, không gió bão, thế
giới đã bốn mươi năm văn học ở trong đời sống và làm cho đời sống muôn vàn tươi
thắm. Yên tâm như văn phong, nhân cách Bình Nguyên Lộc, dung dị mà bác học, đơn
giản mà trí thức, Bình Nguyên Lộc con người và Bình Nguyên Lộc tác phẩm chính
là niềm yên tâm lớn nhất một thời của văn học chúng ta.
Mai Thảo
Thấy
anh, lần nào tôi cũng nói, cảm động thành thực:
–
Còn được tới thăm anh.
Lần
nào anh cũng cười:
–
Còn được gặp anh. Vào đây.
Anh
bảo tôi đưa xe vào nhà, kẻo xe mất “hết đường tới thăm bạn”. Đoạn đóng cửa lại,
bật ngọn đèn đầu giường và đi về phía sau đun một ấm nước.
Giữa
đám sách vở, tài liệu bề bộn, cạnh một chỗ nằm cũng là chỗ ngồi làm việc của
ông, trước một khay trà, thật bình dân, không cầu kỳ như khay trà Vũ Hoàng
Chương và những điếu thuốc đen ông đốt theo một nhịp điệu đều đặn, tôi thường ở
rất lâu với Bình Nguyên Lộc. Tới trưa. Tới sau trưa. Tới cái gạt tàn có ngọn. Tới
bình trà nguội tiếp thêm một bình trà. Một vài lần còn tới giữa bữa cơm ông ấy
lấy thêm bát đĩa ép tôi cùng ăn, bữa ăn cực kỳ thanh đạm, chỉ một soong cơm và
một con cá khô hấp nóng. Phải, nhớ lần nào tôi cũng ở lại thật lâu. Với cái mái
tóc rẽ giữa. Với những cử chỉ chậm rãi. Với cặp mắt thông minh sau làn khói. Với
những đứng ngồi lên xuống từ tốn. Trong cái thế giới rất riêng tây, cách biệt của
Bình Nguyên Lộc, càng riêng tây, càng cách biệt từ cộng sản đã vào tới Sài Gòn.
Những
lần tới thăm Bình Nguyên Lộc như vậy, ông thường nói ít lời như một tạ lỗi, nhờ
tôi nói lại với anh em, với mọi người. Rằng từ ngày người con trai lớn mất, ông
đã chẳng muốn đi đâu. Rằng chứng áp huyết nặng tối kỵ những di chuyển, những họp
mặt. Rằng “họ” đã vào tới rồi, thành phố là của “họ”, đời sống chẳng còn gì
đáng thấy, đóng cửa trong nhà thôi.
Lập
luận về một thái độ sống thu vào im lặng và ẩn dật, thoạt nghe ở Bình Nguyên Lộc
tưởng thật dễ dàng. Sự thật, nó chẳng dễ dàng chút nào, với Bình Nguyên Lộc, với
chế độ mới và Bình Nguyên Lộc, suốt thời gian ở đó. Và lý do giản dị chỉ là ông
chẳng phải là một người viết văn như bất cứ một người viết văn nào mà là nhà
văn hàng đầu, nhà văn lớn nhất miền Nam.
Bây
giờ, đó là thời gian từ 30 tháng tư 75, tới đầu 76, Trung Ương Đảng Cộng Sản ở
Hà Nội, tuy chưa phát động đàn áp và cầm tù văn nghệ sĩ, đã cho thi hành ở Sài
Gòn một chính sách lũng đoạn hàng ngũ văn nghệ cực kỳ hiểm độc. Chính sách đó
nhằm tạo kỳ thị, gây chia rẽ, giữa những nhà văn miền Bắc vào Nam trong đợt di
cư 1954 với những nhà văn sinh trưởng ở Nam Phần. Suốt ba mươi năm văn học, Nam
Bắc đã một nhà, Bắc Nam đã bằng hữu. Cộng sản muốn chấm dứt tình trạng hòa đồng
tốt đẹp đó. Và người chúng đã dành hết mọi nỗ lực khuynh đảo là Bình Nguyên Lộc.
Thoạt đầu là đám văn nghệ nằm vùng. Như Sơn Nam, Vũ Hạnh. Kế đó, đến nhóm văn
nghệ của Mặt Trận Giải Phóng về thành, tạm thời được nắm giữ những địa vị quan
trọng như Trần Bạch Đằng, Giang Nam, Anh Đức, nhiều kẻ đã quen biết Bình Nguyên
Lộc từ xưa. Cuối cùng là đám nhà văn, nhà thơ công thần của chế độ và vào từ Hà
Nội như Nguyễn Công Hoan, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận. Tất cả, trên
từng địa vị khác biệt, đã viết thư, điện thoại ân cần thăm hỏi tác giả Đò Dọc,
về sức khỏe, về đời sống của ông, nói thân thế ông mãi an toàn, sinh kế vẫn bảo
đảm, sự nghiệp không chôn vùi, ông vẫn nhà văn lớn. Tất cả đã lần lượt đến khu
Cô Giang Cô Bắc, tươi cười, nhã nhặn gõ cửa xin gặp người trong ngôi nhà có hai
chậu vạn niên thanh. Bình Nguyên Lộc tiếp hết, từ tốn, chững chạc vậy thôi. Duy
có một lần, không sao được, ông phải tới dự đại hội văn nghệ thống nhất lần thứ
nhất ở Bộ Thông Tin cũ đường Phan Đình Phùng. Kỳ họp này, Vũ Hạnh, Thanh Nghị
báo cáo kể công, Sơn Nam đóng trò nhiệt tình khóc lóc, riêng Bình Nguyên Lộc ngồi
im lặng từ đầu đến cuối, không chịu phát biểu một lời nào.
Đó
là lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng của tiếp xúc Bình Nguyên Lộc với chế độ
mới. Cố nhân quen biết tương đối thân thiết nhất với anh là Giang Nam, được Thế
Lữ ca ngợi là tiếng thơ cách mạng lớn nhất miền Nam, về Sài Gòn giữ chức vụ Chủ
Tịch Hội Văn Nghệ Giải Phóng, mặc dù đã viết cho Bình Nguyên Lộc một lá thư thật
dài, thật tình cảm, cũng thất bại. Thư mời Bình Nguyên Lộc tới trụ sở Hội. Mời
sinh hoạt. Mời hội họp. Mời viết lại. Và Bình Nguyên Lộc đã nhã nhặn viết một
lá thư trả lời. Nói ông rất đau yếu. Nói bị chứng áp huyết. Nói chẳng còn làm
được gì. Nói chẳng thể đi đâu. Nói xin được yên thân. Cuối cùng rồi mọi ve vuốt,
mọi khuynh loát đều chịu thua, đều lùi bước trước sự nhã nhặn khước từ, trước
cái nhân cách và sự tự trọng chói lọi của Bình Nguyên Lộc. Họ đành để cho Bình
Nguyên Lộc được cách biệt, được một mình, được vẫn mãi mãi là Bình Nguyên Lộc
trong căn nhà đóng kín.
Nhân
cách trí thức độc lập ấy của Bình Nguyên Lộc, thái độ tuyệt vời của người nhà
văn miền Nam ở Bình Nguyên Lộc, không một lần nào, ông phô trương mà chúng tôi
đều biết, cả miền Nam đều biết và sung sướng vô cùng và quý mến rất mực.
Nhớ
Bình Nguyên Lộc ở xa, tin tức quê nhà đã lâu không nhận được, chẳng biết vẫn
còn hay đã mất, những lần sau cùng tới khu Cô Giang Cô Bắc, hình ảnh hai chậu vạn
niên đại xanh ngắt một màu xanh muôn thuở trước ngôi nhà văn học đóng kín, lại
trở về, xanh ngắt trong tôi.
Bình
Nguyên Lộc. Cái mái tóc rẽ giữa, hai miền trung dung phân định như tấm lòng người
quân tử một đường ngôi đời thẳng tắp. Bình Nguyên Lộc, bộ đồ lụa trắng, rất
thông phán tòa sứ, rất trăng nước miền Nam, trên chiếc cyclo đạp chậm đưa ông tới
gặp các tòa soạn Nghệ Thuật, Văn, Vấn Đề chúng tôi làm, phần lớn là anh em nhà
văn miền Bắc. Không có Nam Bắc với Bình Nguyên Lộc, chỉ có văn chương, chỉ có hợp
tác, chỉ có bằng hữu. Tôi làm biếng lắm, ít khi đi đâu, đến chơi tôi nhé. Thân
tình, hòa nhã. Cái truyện ngắn này dục tôi viết gấp, thì phải viết gấp, không
được tốt lắm, thôi dùng tạm vậy. Nhũn nhặn, bình dị. Một năm trong bốn năm liền
cùng ở chung trong Hội Đồng Giám Khảo giải thưởng Văn Chương toàn quốc, ông từ
chối nói chứng áp huyết không còn leo nổi những bực thềm cao của Dinh Độc Lập,
cặp mắt đã yếu chẳng thể nào đọc hết được những tác phẩm dự thi. Nài mãi mới nhận.
Nhưng cười, giao hẹn: “Vậy phải đọc hết giùm tôi, rồi đưa cho tôi đọc mười cuốn
khá nhất.” Nghiêm chỉnh. Ngay thẳng.
Rồi
là cái công trình Văn Học cuối đời của Bình Nguyên Lộc. Cuốn Nguồn Gốc Mã
Lai Của Dân Tộc Việt Nam đã phác thảo, đã in thành sách, trọn năm năm trời,
tìm kiếm, sưu tập, thu thập thêm một kho tàng tài liệu mới, đã hoàn tất thành một
biên khảo vĩ đại hơn một ngàn trang. Cộng Sản vào Nam. Thiên biên khảo kỳ công
vẫn còn là bản thảo. Một lần tới thăm, tôi hỏi Bình Nguyên Lộc về công trình
văn học đó. Và đó cũng là lần thứ nhất tôi thấy Bình Nguyên Lộc buồn phiền và
thất vọng. Trèo qua cái giường ngủ, ông lấy từ một giá sách cao xuống một tập bản
thảo nặng chĩu, trao nó cho tôi.
Giọng
ông trào lộng mà nụ cười thật buồn:
–
Nó đây.
Và
chỉ tay lên cái giá sách bụi bậm:
–
Kia là mồ chôn nó.
Kế
đó, ông thuật cho tôi hay về số phận của thiên biên khảo lịch sử, mà nguồn gốc
dân tộc Việt, theo sử quan và chứng minh Bình Nguyên Lộc, không từ miền Bắc xuống
mà từ biển ngoài vào. Một nhóm những người cao cấp về biên khảo lịch sử của nhà
nước CS từ Hà Nội vào, được nghe nói về công trình biên khảo này của Bình
Nguyên Lộc. Họ tới. Tỏ lòng ngưỡng mộ, rồi xin được mượn tập bản thảo về đọc,
nói sẽ có nhận xét, sẽ có thảo luận. Mấy tuần sau, tập bản thảo được gửi trả lại
với một lá thư ngắn nói quan điểm lịch sử nói chung và nguồn gốc dân tộc nói
riêng của Bình Nguyên Lộc hoàn toàn thoái hóa và sai lầm đối với quan điểm biện
chứng duy vật lịch sử cách mạng, khoa học và tiến bộ.
Thuật
lại xong, ông lắc đầu, sự thất vọng hiện rõ nhưng giọng nói vẫn từ tốn:
–
Thế là gạt bỏ, thế là phủ nhận. Nói là để đối chiếu, để thảo luận, mà không có
gì ráo trọi. Tôi buồn vì cái công trình của mình, nhưng buồn hơn cả là cái sự gạt
bỏ của miền Bắc đồi với sách tôi không phải là một thái độ văn học, không hề được
đặt trên căn bản văn học. Nói đến văn học, tuyệt đối không thể nói đến một lập
luận, một giá trị độc tôn nào. Phải nhiều lập luận khác biệt, phải nhiều khái
niệm đối nghịch, một vấn đề văn học, một nghi vấn lịch sử mới được chiếu sáng.
Khoa học lịch sử thiết yếu phải có được yếu tính và tinh thần đó. Tôi buồn nhất
là ở cái sự không có tranh luận, không có đối thoại ấy mà thôi. Chứ không hoàn
toàn vì sách tôi không bao giờ còn hy vọng được in ra.
Tập
bản thảo nghìn trang, mồ chôn là cái giá sách bụi bậm. Hai chậu vạn niên thanh
xanh ngắt một màu xanh muôn thuở. Trí thức dựng cao lũy hoa. Một nhân cách chói
lòa trong tự trọng một đời, đã tám năm im lặng trong ngôi nhà đóng kín. Chẳng
bao giờ tôi còn được sáng sáng tới thăm Bình Nguyên Lộc nữa và Vũ Hoàng Chương
đã mất. Nhưng ở thật xa và cách thật lâu rồi mà rõ thì vẫn thật rõ. Về Bình
Nguyên Lộc, nhà văn miền Nam hàng đầu của văn học ta rõ bởi cái ánh sáng ấy,
cái ánh sáng của một nhân cách rực rỡ, tôi đã nhìn thấy không ngừng, sau đổi đời
và giữa cộng sản, sáng sáng đạp xe qua một Sài Gòn đổi chủ ngừng xe lại trước
nhà có hai chậu vạn niên thanh.
======================================================
Biên Hòa; xe gắn máy Bridgestone (bản hiệu đỏ) xuất hiện khoảng 1970
No comments:
Post a Comment