add this

Wednesday, August 26, 2020

sơn nữ Cà Pha


















Út Bach Lan (1935-2016)
sơn nữ phà ca
thuongcangthuquan * 2017

Hồi còn nhỏ ở quê, bà vú của tôi ưa nằm võng tòn ten ca vọng cổ bắt chước Út Bạch Lan. Mấy câu vọng cổ gọi trai buồn rười rượi nhất là vào lúc trời đêm. Rồi bà vú có thai bỏ thị xã Tuy Hòa theo trai về phía bên kia đèo Cù Mông để đẻ con. Bà vú bỏ thằng nhỏ là tôi ở lại thị xã một mình. Chiều chiều, tôi ưa đứng sân nhà sau ngóng nhìn cái đường rầy tàu lửa đi tít về một phương xa. Một anh lính đa tình đã mang bà vú của tôi đi xe lửa hút qua đèo.
Nghĩ lại… Số tôi ưa bị đàn bà bỏ, hồi đó mới có ba tuổi tôi đã bị đàn bà bỏ rơi rồi. Nhưng tôi chưa hề than khóc khi bị bỏ rơi, tôi chỉ biết ôm vết thương của mình cào cào cho đã ngứa rồi cười cười.

Bà vú đi rồi, mẹ tôi thế chỗ, lại nghêu ngao nằm trên võng tòn ten mà hát: Ngày mai đám cưới người ta, tại sao sơn nữ Phà Ca lại buồn? Thú thật, mẹ tôi ca vọng cổ bằng giọng Quảng Nam không hay cũng không buồn, chẳng hút đàn ông con trai được như giọng bà vú của tôi, chắc vì mẹ tôi đã có hai con, đã hết “quota” xin đám cưới. Còn bà vú của tôi hồi đó là gái chưa chồng, gái chưa chồng hễ cất giọng ca vọng cổ gọi trai là trai tới…
Chuyện đó thấm thoát đã năm mươi mấy năm rồi. Nếu bà vú còn sống tới giờ này chắc đã quá bảy mươi, trời mà cho trẻ cũng hết dám làm sơn nữ nằm võng tòn ten ca vọng cổ… Nếu còn sống, bà vú của tôi nay đã thành lão bà bà.

Tôi nghe hai người đàn bà trong cuộc đời của tôi hát câu Ngày mai đám cưới người ta, tại sao sơn nữ Phà Ca lại buồn? từ thuở còn rất nhỏ. Hai câu vọng cổ đó khi tôi về Sài Gòn sống và đi học, ít khi nào tôi nghe được lần nữa, tưởng chừng như nàng sơn nữ Phà Ca biến mất luôn rồi.

Thế nhưng, một đêm cách đây hai mươi năm đi thuyền buôn dừng ngang ở mũi Lazoret Nhà Bè chờ nước thuận, trong buổi tối chập chùng tôi lại nghe từ xóm vắng bên sông vọng ra tiếng hát của một người đàn ông chắc đang thất tình nên giọng nghe buồn thấy mẹ: Ngày mai đám cưới người ta, tại sao sơn nữ Phà Ca lại buồn?
Tôi nói với thằng thủy thủ phụ việc trên tàu, nó là người địa phương Phú Xuân sống gần khu này từ nhỏ:
- Mày cho tao lên bờ một lát, gần bốn tiếng nữa mới có nước mà đi, nằm hoài trên xà-lan buồn quá.
Nó hỏi:
- Anh đi xuống bờ làm chi vậy? Sóng nước mênh mông nguy hiểm lắm, khúc sông này có nhiều người chết trôi lắm đó, coi chừng mada kéo cẳng sẩy chưn.
Tôi cương quyết:
- Phải đi vô xóm thôi, tao vô kiếm coi thằng cha nào ca vọng cổ mà buồn thê thảm quá vậy. Tao nằm đây nghe giọng nó ca văng vẳng buồn chịu không nổi, phải kiếm ra nó để hỏi buồn cái con mẹ gì mà buồn dữ vậy?

Thằng nhỏ lầm bầm khó chịu rồi cũng phải cầm cây đèn sạc bước xuống bờ chung với tôi. Nó cầm cái đèn sạc bình lò dò đi trong đêm, tôi đi theo sau bước thấp bước cao trên con đường sình lầy dẫn từ bến đò Bà Chúa Xứ vô xóm trong để tìm cho ra cái chòi có thằng đàn ông đang ca bài sơn nữ Phà Ca. Thằng cha nào không biết mà dỗ con dở ẹc để con khóc rân trời, chắc đứa nhỏ nghe đi nghe lại hoài hai câu vọng cổ Phà Ca nên phát chán mà khóc như chó tru. Hay là đứa nhỏ bú vú cha mà cha nó không có sữa nên nó đói? Đi gần tới chòi, tôi nghe tiếng người đàn ông thở dài trong đêm:
- Ngủ đi con, ngủ đi con. Để ba ca cho con ngủ ngon nè. Ù ơ… Ngày mai đám cưới người ta…
Thằng thủy thủ dẫn tôi tới trước căn chòi lá rồi hỏi:
- Người ta đang cố ru con ngủ, anh đòi vô nhà nói chuyện tào lao quấy rầy làm con người ta khóc nữa thì sao?
Tôi tần ngần:
- Mày nói cũng phải, chắc tụi mình đứng đây nghỉ chân một lát rồi quay về lại xà-lan. Từ ngoài vô tới đây cũng trăm thước rồi, cho tao nghỉ một lát rồi về.

Nghe tiếng chúng tôi nói chuyện phía bên ngoài, từ phía trong chòi người đàn ông hỏi vọng ra:
- Ai đó? Ai kiếm tôi đó?
Tôi trả lời:
- Không phải kiếm, tình cờ đi ngang nghe ông ca vọng cổ buồn quá, hay quá nên đứng lại nghe ké chút thôi.
Tiếng người đàn ông:  
-Tôi hát ru con ngủ đó mà, tối nay thấy coi bộ nó phát ban khó ngủ nên khóc hoài. Ngày thường tôi ca hai lần sơn nữ Phà Ca là nó ngủ mất đất rồi. Nãy giờ ca gần tiếng đồng hồ nó cứ khóc hoài. Chắc nó nhớ má nó.

Lại nghe tiếng con nít cất giọng tru não nùng. Người đàn ông dỗ dành:
- Ngủ đi con, ráng ngủ ngon đi con ba thương con nhiều. Ba xin lỗi con nha, đừng giận ba nha. Thương nhất đời là con đó mà, ba thương con mãi mãi nghe. Được chưa?
Tôi phì cười nói vọng vào:
See the source image-Trời, cha nội nói chuyện với con nít mà sao giống nói chuyện với bồ bịch người yêu quá vậy?
Người đàn ông:
- Đời tôi buồn lắm anh ơi, tôi là gà trống nuôi con một mình.
Tôi rất vô duyên to tiếng hỏi vọng vào:
- Sao là gà trống nuôi con? Má nó đi bán muối hả?
Không nghe người đàn ông trả lời, chỉ nghe tiếng con nít khóc tru càng lúc càng gay. Thằng thủy thủ nắm lấy tay tôi giục:
- Đi về thôi anh. Anh làm người ta khó xử rồi. Anh hỏi gì đâu không hà. Anh thì không biết ông Hai Nhẫn này chớ tôi thì biết rành tại tôi người ở đây. Vợ ổng đi qua xứ khác bỏ con lại cho ổng nuôi.
Tôi chửi thề:
- Đụ bà con mẹ nào mà ác vậy?
Thằng nhỏ lại giục:
- Thôi đi đi, chuyện nhà của người ta anh xía vô làm gì. Kệ mẹ người ta…

Hai giờ sáng xà-lan nhổ neo đi về hướng kinh Nước Mặn. Đứng bên cạnh tôi thằng nhỏ thủy thủ lầu bầu:
- Đàn bà xứ này đẹp đẹp chút là bỏ nhà đi Đài Loan. Đàn ông xứ này hễ có vợ đẹp là phải biết chuẩn bị làm gà trống. Gà trống thiến mới ác chớ, gáy to không được chỉ ca vọng cổ e-e.
Tôi cười:
- Mày mới mười tám mà sao nói chuyện như ông già. Hay mày là gà trống thiến?
Nó cười:
- Tôi thà không có vợ còn hơn. Có vợ rồi vì nghèo vợ nó bắt mình nuôi con cho nó đi xứ khác làm ăn hay lấy chồng thì mình rầu biết mấy. Như ông Hai Nhẫn ru con anh thấy chưa. Mấy đứa con nít thích bú vú đàn bà chớ có đứa nào chịu bú vú đàn ông. Như ông Hai Nhẫn tôi đoán chắc ổng dúi mặt con ổng vô ngực để ru mà nó cũng không thèm. Chắc đàn ông hôi nách bất nhơn con nít không chịu nổi.
Tôi hỏi thằng nhỏ: -
Bộ vợ Hai Nhẫn đẹp lắm hả?
Thằng nhỏ cười:
- Ừ, bả đẹp lắm. Hồi đó bả từ Sài Gòn về dưới Lazoret này dạy tiểu học, Hai Nhẫn cũng đẹp trai nên hai người thương nhau lấy nhau. Họ hiếm con, khổ nỗi sống chung được bốn năm năm vừa sanh được đứa con đầu là bả bỏ nhà đi rồi. Nghe nói qua Đài Loan lấy chồng giống y như mấy người đàn bà đẹp trong xóm Bà Chúa Xứ vậy.

Chờ nước được hai ba lần nữa thì tôi tự mình quyết làm quen với Hai Nhẫn, và khi con Hai Nhẫn được ba bốn tuổi thì Hai Nhẫn không còn hát ru con nữa vì đứa trẻ lớn lên sẽ thôi không còn nhỏng nhẻo khi nó biết rõ nó mồ côi. Khi nào nhớ vợ, thì anh chồng gà trống nuôi con nằm mình ên trên chiếc võng tòn ten ca sơn nữ Phà Ca hay Tình anh bán chiếu. Tôi nói với Hai Nhẫn:
-Tôi viết một câu chuyện về người mẹ bỏ con cho chồng nuôi đi lấy Đài Loan, chuyện giống chuyện của nhà ông, ông có giận không?
Hai Nhẫn:
- Giận hờn gì. Ở đây đàn ông nào có vợ đẹp một chút cũng giống tôi, cũng một mình cho con bú. Con nít mọc răng nghiến vú đàn ông của mình đau thấy mẹ. Mình ca sơn nữ Phà Ca để tưởng tượng mình là một người đàn bà thứ thiệt, mà hễ làm đàn bà thì phải cho con bú, con bú nó lỡ cắn vú mình đau thì phải chịu thôi. Có tưởng tượng được mình là một người mẹ thứ thiệt thì mình mới có can đảm nuôi con. Nếu con mình có hỏi “Má con đâu?” thì mình phải biết hãnh diện trả lời: Ta vừa là cha vừa là mẹ của con. Khi con khóc ta ru con ngủ, khi con đòi bú ta trật vú tẹt lét ra cho con bú liền. Mẹ con có cho con bú thì cũng giống như ta thôi, có khi không điệu nghệ bằng ta đâu. Bởi vì ngoài kỹ thuật cho con nít bú ta còn có một tấm lòng với đứa con tội nghiệp bị mẹ nó bỏ rơi.

Nói thiệt, nghe chuyện đàn ông chìa vú cho con bú tôi không thấy hấp dẫn chút nào. Trái lại, tự nhiên cảm thấy nhột nhột kỳ kỳ.
Nhân duyên của tôi với mũi Lazoret bắt đầu từ hai câu vọng cổ vang lên trong đêm buồn của Hai Nhẫn. Sau này có lần tôi nói với Hai Nhẫn:
- Đàn ông buồn vì thất tình thấy dáng vẻ đã hết sức kỳ cục, đàn ông ru con rên khóc vì bị vợ bỏ coi còn kỳ cục hơn.
Hai Nhẫn mặt buồn nói:
- Ngày nào anh rớt vô hoàn cảnh như tôi anh mới biết kỳ cục hay không kỳ cục. Tới hồi buồn tình thì ai cũng hèn yếu cũng rên khóc như ai chớ có ai cười hahaha được hả anh?

Năm sáu mươi tuổi… không biết sao tôi ưa nghĩ về những chuyện rất cũ. Hôm nay, không biết ai nhắc mà tôi ca một mình trong bóng đêm cô tịch: Ngày mai đám cưới người ta, tại sao sơn nữ Phà Ca lại buồn? 
05/04/2017.

==========================================



No comments:

Post a Comment