add this

Thursday, November 26, 2020

Bi hài kịch còn dài

 

1986, 4.125 miles nắm tay nhau từ New York đến Long Beach, kêu gọi trợ giúp  homeless

Happy Thanksgiving 2020

Bi hài kịch còn dài

Tôn Tht Tu

Xưa Tàu có câu: lâm cuộc giả nguy; bàng quan giả liệu. Người trong cuộc cờ thì bí rối; người đứng ngoài thấy rõ. VN mình cụ thể hơn: đứng ngoài sáng nước cờ. Vì vậy không nên dùng tấm gỗ lớn làm bàn cờ để khỏi dùng làm vũ khí đánh mấy người ngoài nói vô. Khó khăn nhất là xem đánh cờ mà giữ im lặng.

Trong cuộc cờ Trump / Biden nầy, mình nói vô nói ra nhị vị không biết tiếng Việt nhưng phe của mỗi vị thì đáng nguy, xách bàn cờ phạn bể đầu. Outside no talk (snack bar E.)

Tránh nhảy vào sẽ giúp mình thấy đâu là fake news hoặc hoàn toàn hoặc một phần. Nữ văn sĩ Thanh Vân viết về Huế đi xe lửa khứ hồi Huế Hà Nội rêu rao xe lửa VN đẹp sang hơn xe lửa Canada, Pháp và Mỹ. Bà cố công tô điểm  cho đoàn tàu mà phòng sinh phải đóng khi tàu vô sân ga, không để rơi rớt vật quý xuống bến. Nhưng không vì sai lầm chủ ý tuyên truyền nầy mà phủ nhận sự hiện diện xóm Chợ Cống gần Đập Đá bà tả hay ho.

Hai bên chỉ yes / no, mail ballot có gian lận hay không.

Phe nói không gian lận vì đã có bầu cử thời Lincohn, phe nói có, căn cứ vào việc ghi danh tên lậu, địa chỉ ma, con chó cũng gởi mail bầu. Một người Nhật ở Nevada được gởi khống chỉ (form), ông không điền vì chỉ là dân thẻ xanh. Thấy lùng xùng, ông muốn chắc đi hỏi thì tên ông có trong danh sách; ông lo sợ nếu không chỉnh sửa thì ông sẽ bị tội không được nhập tịch. Nếu ông không có tên, chúng ta không thể kết tội chính quyền gởi form cho ông vì họ không biết ông có quyền công dân hay không. Tôi nhận đến tám lần khống chỉ.

Cũng vậy, chính quyền có thể gởi cho người vừa chết hay chưa cập nhật sổ tử. Nhưng nếu gia đình có ý gian thì điền gởi. Đó là những chỗ trống sơ hở, biến mail ballot không chính xác bằng việc đến thùng phiếu, phải có căn cước, người lớn tuổi phải đem hóa đơn điện nước có tên và địa chỉ, nếu không còn lái xe.

Nại lần bầu cử thời Lincohn giống như nhà băng xét “good credit history” trong quá khứ có thiếu nợ trả trể v.v… mà cho vay nhưng vẫn không tránh việc không trả nợ. Nhà băng không ngu; không trả nợ thì xiết nhà, và trong số tiền bạn trả hằng tháng có tiền bảo hiểm món nợ; đó là chưa kể đe dọa bad credit sẽ theo mình, không mua được chiếc xe, không thuê chỗ mở quán thịt chó.

Từ Thương Chu, nhà Hạ v.v...thành cao hào sâu bảo vệ an toàn cho triều đình. Nhưng phương pháp nầy vô nghĩa khi xuất hiện súng vồng cầu, súng cà nông; do đó nẩy sinh nhu cầu phòng thủ xa (defense lointaine).

Trước 1992, thâu ngân viên Wal Mart có thể thấy một người ăn mặc lùi xùi như một supervisor đến chỉ cách tính tiền để khỏi hại cho công ty và khỏi hại cho khách hàng. Cô không biết đó là Mít tơ Samuel Walton, hoàng đế vương triều Walmart. Theo ông, lối chưng hàng tự do, khách hàng vào chọn thứ nầy thứ kia thành hình được, căn cứ vào sự tự trọng của người Mỹ, không trộm cắp.

Nhưng tinh thần và hạnh kiểm nầy không còn nữa, cho nên Sam mới bày ra người bảo vệ, security guards và chứng minh chi phí security thấp hơn số mất vì trộm cắp. Các doanh nghiệp đều làm theo. Việc ấy cũng như thành cao hào sâu và súng cà nông.

Thời xưa, đến thư viện bạn được cho xem một cuốn sổ tên sách hay về sau thêm hộc phiếu (fichier); bạn chọn và nhân viên vô trong sâu lôi ra. Dewey tự hỏi vì sao không cho bạn vô tận nơi, chọn sách nầy sách kia, hoặc chỉ xem lời tựa mục lục. Do đó chúng ta có hệ thống thư viện Dewey, xuất hiện đầu tiên trong các phòng thông tin Mỹ và trường Quốc Gia Hành Chánh. Cũng như các cửa hàng áo quần son phấn nầy nọ của Walton, thư viện nầy dựa vào sự tự trọng của người dùng. Nhưng sách vẫn mất rất nhiều. Do đó các thư viện có hệ thống báo động ở cửa.

1964, tôi thấy ở New Zealand, tiền mua báo bỏ ngay trong rỗ, bạn có thể lấy tiền thối v.v... nhưng không có nơi người anh em là Australia lúc ấy đã tạp nham, người NZ cho rằng họ "more British than the Australian", tự trọng hơn, gentleman hơn.

Dominion tự nó không gian lận, chỉ là công cụ của kẻ gian lận. Vài tiểu bang Trump thắng đã dùng Dominion. Nhưng vấn đề là Dominion dễ dùng, dễ phục vụ kẻ tà ý, có một video cho thấy rất dễ thay đổi kết quả. Tổ chức việc gian lận không phức tạp, chỉ một người đã đủ. Con dao nguy hiểm không an toàn không nhất thiết sẽ giết người, nhưng giúp hung thủ giết người nhanh hơn, dễ hơn so với con dao cùn.

Sau thế chiến, kỹ nghệ chiến tranh đưa ra luận thuyết rằng bom nguyên tử trong tay người tốt không nguy hiểm bằng lưỡi dao cạo râu trong tay tên khủng bố; cho nên cứ sản xuất; giới chống thì nói biết ai tốt ai xấu, trước tiên là không nên làm ra bom; đừng làm ra phương tiện, nói theo nhà Phật là tạo ra duyên (để phụ với nhân).

Các governor, các secretary of state là phụ mẫu chi dân, cha mẹ không cho con nít chơi dao. Tiểu bang Texas không dùng; trước đó nhiều vị dân biểu DC đã lưu ý. Rất khôi hài, giữa năm 2019, thống đốc Georgia Brian Kemp mua Dominion giá 150 triệu. Bà thủ lãnh da màu Stacy Abram la làng tham nhũng mua đồ nguy hiểm, phá hoại các cuộc bầu cử, phản lai ý dân; bà cùng tổ chức Fair Fight Voting Right tố cáo trên TV rằng Kemp mua “hackable voting machine”.

Người ủng hộ Trump không nên quá khó chịu về việc Giáo Hoàng Francis hỷ hạ với ông Joe Biden. Trong lịch sử, GH phải là nhà chính trị và là nhà quân sự. Một nhà tu khổ hạnh trong rừng, đã khóc không chịu nhận mời làm Đức Thánh Cha. Ngài không có kinh nghiệm chính trị quân sự nên năm tháng sau, Ngài từ chức. Đó là GH Celestine V. (xem phụ bản).

Nếu chủ trương phá thai ngược với giáo lý TCG thì Bill Clinton có tội nhiều hơn, Bill đã tạo ra một Justice Ginsgurg phất cờ abortioniste. Đại hội đảng mừng Bill tranh cử bằng những chương trình cấp tiến như tự do khuyến khích phá thai, đồng tính luyến ái, hôn nhân cùng giống tính, trợ cấp các bệnh viện phá thai. Nhưng Vatican vẫn có đại sứ trong suốt thời gian Bill ở WH. Barack Obama đã từng theo Liberation Theology (thần học giải phóng) chủ trương cấp tiến, bao động ở Nam Mỹ chống với Vatican; điều đó không làm cho đại sứ Tòa Thánh thất nghiệp.

Cả thế giới và đặc biệt chính phủ Mỹ vẫn thù tiếp một nước Tàu Cộng không bầu cử, chỉ có một nhóm CS khát máu tự xưng lãnh đạo; nhiều lần báo chí hỏi các tổng thống Mỹ vì sao chơi với đám phi nhân quyền, mấy ông chỉ cười, đưa hàm rằng trắng ngà như anh bảy chà kem Hynos Saigon. Nghe nói GH đã gần đến một thỏa hiệp, tương nhượng, với Bắc Kinh v/v bổ nhiệm giáo lãnh.

Người không biết đường cá lội vì không biến thân làm ráy

Người không biết lối lượn chim bay vì không chịu mang kiếp bồ câu.

Người không biết trò chơi của ảo giác vì chưa trực diện với cô đơn.

Ôi em ơi, hãy cùng anh làm chính trị để biết các chính trị gia.

Let's be politicians to understand politicians, my darling!

------------------------------------------

Celestine V A History of Papal Resignations - HISTORY

họa phẩm Niccolo di Tammaso
Đạo sĩ ẩn danh Pietro Angelio đã thành GH Celestine V năm 1294. Vị tiền nhiệm Nicholas IV từ trần năm 1292. Diễn trình thay thế trồi lên thụt xuống, trong hai năm không đến đâu; lâu quá đến độ có một vị hồng y được đề cử đã chết trước cuộc bầu. Các vị dự tranh không ai đủ túc số làm Đại Diện Chúa. Rome ở trong tình trạng vô định và bất an.

Cuối cùng nhóm thủ lãnh giáo hội nhận một bức thư của một tu sĩ cao niên, đã từng sống 60 năm nơi thâm sơn Trung Ý. Tu sĩ nhiều tuổi nầy tên  Pietro báo động các hồng ý rằng God sẽ trừng phạt nặng tay, nếu không nhanh chóng bầu xong một giáo hoàng.

Không rõ vì sợ God hay thiếu ứng viên nặng ký, toàn thể hồng y tôn trọng thông điệp nầy và tức khắc chọn Pietro là Tân Giáo Hoàng. Tu sĩ 79 tuổi nầy nhiều lần từ chối nhưng phải thuận ý để thành GH Celestine V. Trực diện tính cách trần tục vũ bạo trong chính trị Vatican, Ngài hối tiếc đã nhận lời đề nghị. Và từ một trong giáo lệnh đầu tiên, Ngài xác nhận quyền thoái vị của giáo hoàng. Vài tuần sau ngày ban hành, GH Celestine V từ chức để trở về đời sống đạm bạc xưa. Nhưng Ngài bị vị kế nhiệm GH Bonifac quản thúc đến chết năm 1296, thọ 81 tuổi. Ngài được phong thánh năm 1313, tuy thời gian tại vị chưa được nửa năm.

Saturday, November 21, 2020

chén gỗ, chén ngọc


chén gỗ, chén ngọc

Tôn Tht Tu

Diogene sống ngoài đường, trong xó, trong cái thùng gỗ v.v... thấy một em bé bụm hai bàn tay uống nước nơi công viên. Ông bèn vất "của cải tài sản quí giá" là cái chén gỗ (như vỏ dừa làm gáo của VN) và từ đó theo bài học của bé ấy. Triết gia lập dị nầy được biết với hành động thắp đèn bang ngày tìm người hiền; nhưng "sex revolution" gọi ông là "a street masturbator", kẻ thủ dâm ngoài đường.

Ông chủ trương chống xa xỉ, hồi ấy quá hai ngàn năm trước Hy Lạp đã có những đô thị lớn đã đẩy mạnh sự ham thích tiêu thụ đi trước thời nay. Do đó, hành vi vất cái chén gỗ được xem là đòn quyết liệt như Vân Môn thiền sư trả lời Phật là que gạt cứt (như toilet paper ngày nay) khi được hỏi Phật là gì.

Diogene đã tự giải thoát khỏi sự bó buộc của cái chén để uống nước. Nhưng ông vẫn lệ thuộc cái chén làm bằng thứ mẹ cho là hai bàn tay. Nếu bồn nước công viên rộng, ông có thể cúi xuống húp, hay lội xuống hồ, xuống sông. Gặp lúc khô hạn, nước chỉ còn một xăng ti mét chiều sâu trong lỗ chân trâu sâu, miệng lỗ không đủ rộng, ông phải bẻ cây sậy, ống lá đu đủ, cọng rơm, v.v... để hút nước nếu không muốn chết khô.

Hoàn cảnh giới hạn nầy cho thấy chừng nào con người vẫn còn kiếp hiện hình con người cần những thứ tạm gọi là khung sườn (work frame / frame work). Đứa bé cần nôi tre, nôi gỗ v.v...Kroutchev ghi trong hồi ký ông đắc lực thi hành lệnh của Staline tàn phá Peterburg để xây đắp tân đô Moscou; như vậy chỉ phá cái cũ để tiếp tục cần cái khung mới.

Người mọi rợ, chặt cây táo để hái một trái táo, người văn minh trèo lên hái trái táo, rào cây tưới nước. Tôi đã mười năm làm cu li cho một college gần nhà; trường nầy cũng như county tại chỗ gồm 95% người da sậm (dark skin). Nhiều sinh viên ngồi trên thành ghế với cái thân bồ tượng với một cô bạn ngồi phía dưới. Khi quét dọn, tôi bảo đừng, chỉ vì nguy hiểm còn cái ghế hư thì bỏ, tôi được trả lời: it's not your business (việc gì anh phải chỉa cái mồn thối vào?). Câu lạc bộ sinh viên nầy lắm khi thành phòng triển lãm. Cả một cái bánh pizza đường kính chừng từ 15 đến 20 cm bay lên tường tung tóe như giai thoại Picasso nhúng màu vào đuôi con bò đưa đến gần khung vải, đánh bò đau, bò vẽ thành tranh lập thể. Việc chùi dọn là của tôi; tôi làm thân, kể câu chuyện bò vẽ, thì họa sĩ phán rằng: US is not my country, I'm a product of the slavery. (HK không phải là xứ sở của tôi, tôi chỉ là sản phẩm của chế độ nô lệ).

Tôi hứa (không làm được) sẽ tìm một bài viết đáng lẽ trao giải Nobel tôi đã đọc trong một tuyển tập có ghi xuất xứ từ tạp chí thời trang Cosmopolitan. Tác giả kể lại chuyện đi tìm quê tổ ở Phi Châu. Nhà văn nầy đã dùng ngữ học, lịch sử, khảo cổ, nhân chủng học.... so sánh với ký ức truyền khẩu, những câu hát. Ông hy vọng đã đến nơi đó ở Phi Châu. Nhưng nơi đó không còn gì, không dấu tích cũ; những xóm làng xa xa quanh đó đã Âu Hóa. Tôi cũng kể cho anh ta nghe công việc gần giống vừa công bố hai năm trước: nhiều nhà văn, ký giả đã cùng nhau về được quê xưa nhưng như Lưu Nguyễn từ Bồng Lai trở về. Xa cách về lối sống và được dân tại chỗ tiếp với các lời hậm hực mỉa mai. Họ cảm thấy gần với người hàng xóm da trắng; cái gần trong tâm tưởng không tìm được trọn vẹn; cái gần trong cuộc sống tuy tạp chủng mà cần nhau. Họ chưa biết cái khôn của người Việt: bán bà con xa mua xóm giềng gần.

Đại tá Nguyễn Bé và ông Phạm Duy là hai người đầu tiên rất sớm đưa ra khẩu hiệu xin nhận nơi đây làm quê hương. Hai ông đã bị chửi vô cùng thậm tệ, làm nhụt chí trở về lấy lại xứ sở trong tay CS. Tôi đến Mỹ 1984; lúc ấy thì người di tản đầu tiên đã có chín năm, quá dư thời gian trú ngụ để nhập quốc tịch. Có lẽ họ đã làm từ 1980 nhưng không ai xưng là công dân Mỹ, họ dấu kín. Lúc ấy có người hãnh diện có đứa con không biết ăn hamburger Big Mac, là yêu nước là dân tộc.

Đảng Cộng Hòa hoạt động trước nhất với chiêu bài CH chống cộng cùng với người Cambodia và Lào. TT Bush cha đã đến dự buổi họp mặt CH Đông Dương, tại Mile Square Park, Fountain Valley; không lâu trước hay sau phim The Killing Field nói về diệt chủng của Khmer Rouge. Một vài người thất vọng vì ước muốn bất thành khi đảng CH chỉ định một người Cambodia làm trưởng ban Đông Dương Vụ. Một số người khác âm thầm vận động gia nhập đảng Dân Chủ, trong đó tôi biết ông Nguyễn Thanh Trang chủ một nhà hàng ở San Diego (và hình như có cả nhà văn Lê Tất Điều?). Lúc tôi còn ở đó, vấn đề đảng CH hay DC không ai để ý. Nhưng qua tin tức khi ở tiểu bang khác thì thấy sự ủng hộ Bush con rất rầm rộ, rất chi là Việt Nam hóa.

Một nhân vật tự xưng là có đủ căn bản lịch sử, pháp lý, có chứng từ truyền ngôi để nối ngôi nhà Nguyễn với sự ủng hộ của George Bush qua cơ bút: Bạch tượng hống, hồng quỷ tất tiêu. (Voi trắng CH hú thì VC chết toi). Hãy bỏ phiếu cho Bush, ông ấy sẽ về VN đuổi hết CS, tái lập nhà Nguyễn. Nguyễn đi Nguyễn lại về. Bush có về VN sau khi tái đắc cử mặc áo rộng xanh dung dăng dung dẻ ở Hà Nội, với Putin và các tổng thống, thủ tướng khác. Đó là việc của chính khứa chính khách, họ không suy nghĩ như mình.

Vị cựu dân biểu VNCH đơn vị Quảng Trị tên Nghi được bầu làm chủ tịch cộng đồng San Diego cuối thập niên 1980. Diễn văn nhậm chức của ông nhắc tới nhắc lui sự kiện ông được bầu sẽ rút ngắn sự chờ đợi ngày về vinh quang của toàn thể người Việt hải ngoại. Có vài người khách Mỹ giữ những chức vụ trong chính quyền địa phương; ai cũng lên sân khấu và chấm dứt đáp từ như nhau: tôi là...CH / DC hãy bỏ phiếu cho tôi, vote me, vote for me. Giống như cựu TNS Bob Dole bắt đầu sự nghiệp ở Kansas bằng cách đi từng nhà nói: I'm Dole, like Dole banana, vote for me. (Tôi là Dole, Dole như tên chuối già cui Dole).

Cái nhìn kiểu bạch tượng hú chẳng khác cái nhìn bánh pizza trên tường, cả hai đều vô bổ, không tìm ra và xây đắp một khung sườn để tạm dung.

Học giả Suzuki nói: thế ngồi thiền định giúp người ngồi thấy mình không tách rời mặt đất nhưng đồng thời không bị trói buộc vào mặt đất như phải lội xuống bùn làm trâu đầm. Hắn ta được nâng đỡ bởi mặt đất nhưng ngồi trên đất như một dấu hiệu tinh anh của tính chất siêu nhiên. Hắn ta không bị xiềng vào đất và cũng không tách khỏi đất.

Nếu chúng ta sống trên đất khách hay trên mãnh đất tự do nào khác, tư tưởng không bị xấm lấn; mà có nhận thức và tâm thái của thiền giả, thì chính là hạnh phúc quân bình, không cần đập vỡ chén gỗ, chén đá; không cần mua chén ngọc, chén vàng.---


Saigon thanh lịch ngày xưa

Sunday, November 15, 2020

Mỹ bỏ rơi Tây Tạng

Arrested Histories: Tibet, the CIA, and Memories of a Forgotten War (McGranahan)

 Mỹ bỏ rơi Tây Tạng

Tibet: The CIA’s Cancelled War
Jonathan Mirsky, ttt dịch

Hơn một thế kỷ nay, bang giao của Mỹ với Tây Tạng (TT) được đánh dấu bởi hai đặc điểm là HK cúi lạy Bắc Kinh và HK gởi đến Đạt Lai Lạc Ma (ĐLLM) những lời chúc tụng rỗng tếch. Năm 1908, nhà ngoại giao Mỹ tên William Rockhill đã khuyến cáo ĐLLM thứ 13 rằng: liên lạc mật thiết và thân thiện với Tàu là điều tuyệt đối cần thiết, bởi lẽ Tây Tạng – vì lợi ích riêng của chính mình - hiện là, và phải tiếp tục như vậy, một phần của đế quốc Đại Thanh (Mãn Châu).  Hơn trăm năm sau với vị ĐLLM thứ 14, cũng ngần ấy không sai chạy. Năm 2011, sau cuộc gặp mặt với Obama ở White House, ĐLLM được dẫn ra cửa sau ngang qua các thùng rác để ra về. Điều nầy xẩy ra nhằm tránh lời kết án của Bắc Kinh, vì với Tàu một lời chỉ trích qua loa về Tàu và TT là can thiệp nội bộ.

 Tuy nhiên, trong suốt 20 năm từ khi Tàu thôn tính TT, CIA đã thực hiện một hoạt vụ ngầm để huấn luyện người Tây Tạng chống đối và thu lượm tin tức về Tàu, đồng thời ngăn chận sự bành trướng của CS trên thế giới. Dù không được biết nhiều, chương trình nầy tối thiểu đã tạo được một “cú tình báo” ngoạn mục cũng như gây hậu thuẩn cho ĐLLM. Nhưng chiều hôm trước ngày Nixon gặp Mao năm 1972, chương trình đột nhiên bị hủy bỏ và HK trở lại chính sách xa cách truyền thống đối với Tây Tạng. Tuy nhiên quyết định nầy không chấm dứt mối nghi kỵ truyền kiếp nằm lòng trong bang giao Tàu Mỹ. Không những biết, Tàu còn công bố bạch thư về chương trình nầy của CIA. Tuy kê rõ các nguồn tin Tây phương đáng tin cậy về các hoạt động kín kia, ấn phẩm nầy chỉ lên án phản loạn là do “bè đảng ĐLLM” danh hiệu ngày nay Tàu vẫn tiếp tục dùng.

Cuộc nổi dậy bắt đầu sau khi Hồng Quân Tàu đánh bại phe quốc gia, chiếm đóng TT và sau khi Bắc Kinh ép chính phủ ĐLLM công nhận nền hành chánh cai trị của Tàu khắp xứ. Năm 1955, một nhóm lãnh tụ TT địa phương đã bí mật chuẩn bị cuộc nổi dậy có vũ trang và một năm sau thì hành động, bao vây trụ sở chính quyền địa phương, giết hằng trăm nhân viên và người Hán. Tháng 5, 1957, một tổ chức phản loạn và một lực lượng tấn công được hình thành, giết nhiều CS, gián đoạn lưu thông, đánh các cơ sở dân sự và quân sự của Tàu đồn trú tại chỗ.

Vào lúc nầy, phe phản loạn được HK ủng hộ. Đầu thập niên 1950, CIA đã tìm cách giúp người TT, trong đường lối chung là bao vây CS Tàu; những năm cuối thập niên, “dự án xiệc” (Project Circus) đã chính thức được xúc tiến, kháng chiến quân TT được không vận ra ngoại quốc huấn luyện, vũ khí và đạn được thả xuống các vị trí chiến lược bên trong TT. Năm 1959, CIA đã mở trại huấn luyện bí mật dành cho người TT mới được tuyển, gần Leadville, Colorado (lý do chọn nơi nầy, một phần vì nó có độ cao 10 ngàn feets tương đương độ cao Hy Mã Lạp Sơn của TT). Theo một nguồn tin, 170 “du kích quân Kamba” đã học hết chương trình huấn luyện nầy.

Các cố gắng của CIA không tạo được cuộc nổi dậy của quần chúng đuổi quân Tàu chiếm đóng. Nhưng CIA đã đạt một trong những thành quả tình báo lớn nhất trong Chiến Tranh Lạnh. Kháng quân TT đã thu thập với khối lượng khổng lồ các tài liệu của bộ binh Tàu và chuyển cho CIA năm 1961. Nhờ vậy Mỹ biết rằng lính Tàu mất tinh thần sau khi hay tin nạn đói trầm trọng hoành hành toàn quốc trong chiến dịch Bước Tiến Nhảy Vọt. Tuy nhiên thập niên kế, giới chức HK không đồng ý với nhau về các hoạt động của CIA ở TT. Từ 1971, khi Kissinger sắp xếp cho Nixon gặp Mao, chương trình thu nhỏ lại.

“Mặc dầu TT không được đưa lên bàn thảo luận ở Bắc Kinh, thời kỳ Mỹ ủng hộ chính nghĩa TT đã qua rồi”; đó là ý kiến trong hồi ký của John Kenneth Knaus, 40 năm trong nghề tình báo; ông nói tiếp: Không có một vai trò nào dành cho TT trong phương trình của Kissinger. Năm 1975, TT Ford trịnh trọng nói với Đặng Tiểu Bình: Tôi xin bảo đảm với Phó Thủ Tướng rằng chúng tôi phản đối và không ủng hộ bất cứ hành động nào của chính phủ HK liên quan đến TT”.

Nhiều người bạn của TT và người ngưỡng mộ ĐLLM (kẻ chủ trương bất bạo động) tin rằng ĐLLM không biết gì về chương trình nầy của CIA. Nhưng Gyalo Thondup, một trong những người em trai của ĐLLM dính líu chặt chẻ với hoạt vụ nầy. Knaus, cũng hoạt động trong cùng chương trình, đã viết rõ: Gyalo Thondup đã tường trình ĐLLM những đường nét tổng quát về hậu thuẩn của CIA. Cũng theo Knaus cơ quan nầy đã trợ cấp ĐLLM mỗi tháng 15 ngàn MK từ cuối thập niên 1950 và chấm dứt năm 1974.

Năm 1999, tôi hỏi ĐLLM phải chăng hoạt động của CIA có hại cho TT. “Có chứ, đúng như thế”, ông trả lời. Ông cho rằng sự can thiệp nầy rất có hại, vì nó chỉ nhằm phục vụ quyền lợi của HK hơn là giúp người TT trong trường hạn. Ông nói: Một khi chính sách về Tàu của HK thay đổi, họ ngưng giúp đỡ. Nếu không thì chúng tôi có thể tiếp tục. Nhiều người TT kỳ vọng CIA sẽ thả dù tiếp viện, nhưng Tàu đến và họ bị tiêu diệt. Mỹ có chương trình riêng khác với TT”.

Đúng vậy, sự khác biệt về mục đích cứu cánh nêu trên đã được Carole McGranahan khai thác tìm hiểu để viết cuốn Arrested Histories: Tibet, the CIA, and Memories of a Forgotten War (2010). Mặc dù dùng nhiều thuật ngữ nhân chủng học khó hiểu, tác giả nói tiếng TT nầy đã cày sâu sự khác biệt giữa kháng quân TT và người hợp tác tình báo ngoại quốc. Bà nêu một ví dụ độc đáo là vụ phục kích một sĩ quan cao cấp Tàu lấy tài liệu. Chiến công nầy được diễn tả trong một bức tranh rùng rợn, khổ lớn, hiện chưng bày tại viện bào tàng của CIA ở Washington. Khối tài liệu nầy cho biết tinh thần lính Tàu suy giảm, đồng thời nói lên mức độ bạo động trầm trọng lính Tàu gây ra ở TT. Chính nhờ chuyện nầy mà chính phủ lưu vong TT mới có bằng chứng cụ thể về sự độc ác của Tàu.

McGranahan, tuy vậy, vô cùng ngạc nhiên trong các lần phỏng vấn cựu kháng binh không đề cập đến vụ trên. Bà tự hỏi: Tại sao một thành đạt hiếm hoi mà HK và chính phủ TT công nhận có giá trị quan trọng không để lại dấu vết nào trong ký ức của họ”.
Một lý do là họ không được cho biết tầm quan trọng và giá trị của các tài liệu nầy, mà họ cũng không được đọc tới. Một người giải thích như sau: quân chúng tôi tấn công đoàn xe vận tải và lấy nhiều tài liệu của Tàu. Sau đó được tăng lương. Không ai biết nội dung mà cũng không ai hỏi đến. Vả lại, hỏi nhiều sinh nghi. Người chỉ huy phục kích nói rằng ông được CIA thưởng chiếc đồng hồ Omega có ngày tháng và ngoài ra không biết gì hơn.
Trong khi không đề cập đến chiến công nầy, kháng binh chỉ cho thấy lòng ngưỡng mộ ĐLLM và muốn ông trở về đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo tối cao của một nước TT độc lập.

Sau khi CIA chấm dứt sứ mệnh nầy, TT đã bị đẩy ra khỏi rìa của chính sách Mỹ đối với Tây Tạng. Tác giả Knaus tiếp tục trình bày sự lạnh nhạt nầy trong cuốn sách thứ hai khác. Thực trạng bây giờ Mỹ đã xem Tàu là một cường quốc. Theo Knaus, lời tuyên bố sau đây của phụ tá bộ trưởng ngoại giao Mỹ phụ trách Á Châu Marshall Green có thể tóm lược các lời biện minh lui lui tới tới về việc Mỹ bỏ rơi TT. “Chúng tôi không thể làm gì hơn để giúp TT, ngoài cách cải thiện bang giao với CS Tàu để thuyết phục họ nhẹ tay với người TT. Đây rõ là một sự hợp lý hóa”.

Bill Clinton đã nói với Giang Trạch Dân lúc ấy chủ tịch CS Tàu trong cuộc gặp gỡ 1998: “tôi đồng ý rằng TT là một phần của Tàu, một vùng tự trị của Tàu; và tôi hiểu vì sao quý quốc xem đó là điều kiện tiên quyết để đối thoại với ĐLLM”. Bill nói tiếp: Tôi đã nhiều lần thảo luận với ĐLLM; tôi tin ông ấy là một người ngay thẳng, tôi cũng tin tưởng rằng nếu ông có dịp gặp Giang chủ tịch thì nhị vị sẽ quý mến nhau”. Giang Trạch Dân ngửa người cười rộ. Lời nói của Bill đã bị gạch bỏ khỏi bản chuyển ngữ chính thức của Tàu. (Tibet: The CIA’s Cancelled War)


Friday, November 6, 2020

thằng Gò và con nhồng biết nói







thằng Gò và con nhồng biết nói

Trương Hùng * 10.2019

Cứ mỗi lần ông tám Suy đi ngang nhà thằng Gò là đều phải nghe cái giọng the thé...sắc lẻm phát ra từ cái mỏ con nhồng nhốt trong cái lồng tre treo trước cửa nhà nó.

- dziệt cọng...nằm dzùng...diệt cọng... nằm dzùng!

Ông tám Suy giận trong bụng lắm! " Ước gì tao chụp được mày...tao nhổ trụi lông...bẻ hai cái cánh...cho chết bà...mày luôn!"...

Nhưng vì nó không kêu tên ông, nên ông dằn cơn giận, cúi đầu giả lơ như không biết cho qua chuyện ...

Còn mấy anh lính trong chốt cổng sau ga xe lửa mỗi lần đi ngang thì con nhồng nó mừng nó kêu:

- Dziệt Nam Cộng Hòa...Dziệt Nam Cộng Hòa...muôn năm... muôn năm...

Ông tám Suy...suy nghĩ lung lắm! Dzậy là do thằng Gò nó dạy cho con nhồng nói...chớ bà ngoại thằng Gò cả ngày ngoài chợ..."cắt lễ giác hơi"...lo kiếm tiền độ nhựt...còn bữa đói bữa no...hơi sức đâu mà dạy nó nói...tào lao thiên địa dzậy!

Được rồi! nay mai...sẽ cho thằng Gò bài học về cái dzụ dạy con nhồng ...đặt điều ...vu khống cho ông!...mà cũng hổng được! ... mà nó có nghi ngờ gì mình đâu! Thằng Gò nó có tật bẩm sinh đụng tới nó lỡ nó có bề gì...thì lỡ việc lớn hết!

1.

Thằng Gò, nó sinh ra thiếu tháng...nó bị dị tật lưng gù từ lúc lọt lòng mẹ, thiếu ăn nên ốm gầy trơ xương,

Mặt nó hiền lành, cái miệng nó hô, hay hả ra lòi hai cái răng cửa to như hột bắp đá, giống như nó đang cười cầu tài với ai đó!

Nó chỉ cao chừng một thước tây trở lại vì lưng nó gù!

Nhà nó ở xóm đường rày sau chợ...mặt tiền nhà nó quanh năm đối diện hai thanh đường rày song song gối lên những thanh tà-vẹt cũ gỉ sét sắp lớp dài dài trên lớp đá xanh lởm chởm sắt cạnh bên dưới.

Cách cửa ra vô nhà nó chừng già hai thước tây...đường rày kéo dài lên ga cuối Sài Gòn ở đường Phạm Ngũ Lão nhìn xéo chợ Bến Thành ... nên những âm thanh còi tàu hú vang inh ỏi, bánh sắt nghiến trên đường rày đã trở thành những nốt nhạc rầm rập... xình xịch... ken két... quen tai và xe lửa chạy qua như tiếng gõ nhịp đồng hồ chính xác trong tuổi thơ nó.

Nó không có bạn, cả ngày chỉ thui thủi một mình trong nhà với bà ngoại nó. Có lúc nó lầm lủi đi trên những thanh tà-vẹt vào cái chốt lính gác ở cổng sau ga, cái lô-cốt chồng chất những bao cát sơ sài nằm sát bên dưới tàng cây trứng cá già, cũng chỉ ước mong ngắm nghía mấy cây súng trường, sờ mó cây đại liên thật bự mà có thuê tiền nó cũng không vác nổi. Nó nhờ mấy chú lính níu cành trứng cá xuống rồi nó hái đầy một túi áo, ngồi dựa lưng vào bao cát lô cốt công sự rồi thưởng thức từng trái một, mỉm cười vu vơ, hát ngọng nghịu... "Anh em ơi! đừng sợ cao bồi! Nó có súng mình có dao găm! Nó bóp cò mình nhảy dzô đâm. Nó chết rồi mình lấy...năm trăm!". Rồi tự thưởng cho mình từng trái trứng cá ngọt lịm, cười cười lòi ra hai cái răng cửa!

Trong tiểu đội lính gác ai thấy nó cũng thương, nghĩ là nó bị bịnh tật, nên không ai để ý và cũng không ngăn cấm nó tới chơi! Có lúc chờ anh ba Tàng đi công chuyện, đứng đợi lâu bên cây trứng cá bị kiến cắn nó mới chịu vừa gãi vừa nhăn nhó đi về.

Chỉ có anh ba Tàng binh nhì trong tiểu đội lính là thấy nó tội...hể ảnh đi chợ là mua mấy cục kẹo đi ngang nhà cho nó...

- Chèng ơi! sao ngồi mình ên buồn dzậy; hể rảnh em dzô chỗ anh chơi!

- dạ, cám ơn anh ba.

Rồi nó cười lòi hai ba cái răng...

Hai ngày nay không gặp anh ba Tàng nó cảm thấy bồn chồn, buồn bực, tâm hồn nó trống vắng lạ thường, ăn ít cơm và hay nhìn ra khoảng trời mông lung.

Bà ngoại nó hỏi:

- Gò...

- Dạ, goại!

- qua giờ ...tao thấy mầy bỏ ăn...có chiện gì hả?

- dạ, hông...goại!

- sao hổng ăn!

- dạ, anh ba Tàng...ảnh dzìa quê lâu quá...con trông ảnh...ghê!

Bà ngoại nó tằng hắng lên giọng:

- bà con...anh em ruột rà máu mủ...gì mà trông dữ hông biết!

- dạ, ảnh hứa lên...đem cho con... con nhồng!

- mèng ơi! ta hứa thì để từ từ ta lên đã...gì mà trông đứng trông ngồi... dữ dzậy!

Nó gãi đầu:

- dạ, ảnh đi hai ngày...rồi goại...lâu quá!

2.

Buổi trưa, nó khập khiễng đi vào chợ rồi lần mò ra trước đường Nguyễn Thông vịn tay vào vách tường tiệm tạp hóa Ngọc Toàn...uể oải ngồi xuống bậc thềm mặc cho mọi người qua lại mua bán.

Nó không thèm nhìn ai chỉ nhìn mông lung trời cao...như đang mong chờ một ai đó!

Nó ngồi nhìn xe cộ qua lại đến xế chiều... bổng dưng bên kia đường chiếc xe ngựa dừng lại...nó hồi hộp tim nó đập nhanh, bóng anh lính nhảy xuống trả tiền xe cho bác xà ích.

Mắt nó sáng rực lên, mừng vui vì anh ba Tàng đeo ba lô và tay thì xách cái lồng chim...nó mừng quýnh đứng lên nghiêng ngả phải vịn vào tường rồi đưa tay vẫy vẫy...và gọi to:

- anh ba...anh ba!

Con nhồng trong cái lồng tre nhảy chuyền đáp lại...

- chào em...chào em! - Dziệt Nam Cọng Hòa...Dziệt Nam Cộng Hòa...muôn năm...muôn năm.

Nó ngạc nhiên và sung sướng hết sức.

Nó khập khiễng chạy tới và dành xách cái lồng chim trong tay anh ba, anh ba khoác vai nó đi lần vào chợ ra phía sau đường rày về phía cái lô cốt đóng quân!

Buổi trưa, bà ngoại nó ăn cơm xong thì lăn ra nền nhà ngủ một giấc, nó khép cửa rồi khập khiễng vào cái lô cốt chơi với anh ba...

- anh em mình lên lô cốt ...chơi! Để mấy anh, mấy chú nghỉ trưa...đi!

Anh ba nói rồi xốc nách nó lên ngồi trên mấy cái bao cát, anh ba với tay níu cành trứng cá cho nó hái mấy trái chin, trái hườm hườm.

Rồi anh ba từ từ kể:

- con nhồng...là của người bạn anh...ảnh đã chết trận!

- Dzậy... hả anh! Tội nghiệp ảnh quá!

- Ảnh đi hành quân rồi bắt được con nhồng còn nhỏ, nuôi từ từ, rồi luyện giọng và ảnh đóng quân đâu là ảnh đem nó theo đó...ảnh quý nó lắm!

Ảnh kể nhờ nó đánh hơi phát hiện địch quân, chớ không cả tiểu đội ảnh bị phục kích tiêu tùng từ khuya hết rồi!

Nó chống cằm say sưa ngồi nghe rồi chép miệng...

- hay quá... anh héng! rồi sao...anh có nó!

- một hôm đơn vị ảnh bị tấn công hỏa lực địch quá mạnh...ảnh ...bị trúng đạn pháo kích...rồi hy sinh ! Nên anh xin đem về nhà nuôi nó như để nhớ về ảnh người bạn một thời quân ngũ! Bây giờ... anh giao nó cho em! Em thích hông?

Thằng Gò nghe dzậy thì quá vui mừng...nó rưng rưng chảy nước mắt ...từ nay nó có bạn để tâm sự rồi!

Nó run run vì sung sướng đưa hai tay ôm chầm cái lồng chim vào lồng ngực nó, làm con nhồng sợ...nhảy loạn xạ!

- dạ, em cám ơn anh...nó là bạn thân của em từ nay...ai có đổi gì em cũng hổng đổi đâu!

- Em nuôi rồi chăm sóc nó...héng! Anh sẽ chỉ cho em cách nuôi dưỡng chim nhồng!

Anh ba Tàng chậm rãi kể đầu đuôi...

- Nhồng thường sống ở những vùng rừng rậm như Bù Đăng, Bù Đốp tỉnh Phước Long. Khi nuôi nên chọn con to cao khỏe, đầu to, mỏ đẹp màu trắng, bộ lông mượt mà chọn, con lanh lẹ hay kêu, khi đút ăn mà nó rụt cổ lại là chim trống. Nuôi từ nhỏ trong lồng tre vừa rộng thoải mái, chim quen nên dễ tập luyện. Nó thích ăn no, tắm mát...ăn sâu bọ, cào cào, nhồng khoái ăn chuối chín và ớt hiểm có thể trộn chung trong cơm.

Khoảng 6 tháng là nhồng đã biết "nói gió" líu lo và chừng một năm là bắt đầu biết nói thành tiếng. Tự nhiên nó cũng nói được nhưng lột lưỡi giúp nó nói tốt hơn...

Khi nó quen thức ăn, nơi ở thì thả cho nó bay tự do, nó chỉ bay quanh quẩn rồi về, nó không bay mất mà còn giữ nhà giữ cửa.

Dạy nhồng nói thường dạy vào sáng sớm.

Khi nhồng nói thành thạo thì em treo lồng chim ở cửa ra vào...nó giữ nhà rất hiệu nghiệm nó sẽ kêu lên...chào khách...chào khách khi có người lạ vô nhà!

Thằng Gò ngồi lắng nghe anh ba Tàng kể và chỉ vẽ một cách say sưa thích thú...Từ ngày đó, nó cảm thấy cuộc đời nó có ý nghĩa hơn, đáng sống và nó cảm thấy hạnh phúc vì nó có người anh tinh thần là lính chiến thương yêu nó và có người bạn tri âm là con nhồng yêu quý biết nói chuyện cùng nó.

Ngày ngày, nó vào trong ga lùng bắt cào cào, sâu bọ...

Một hôm nó leo lên lô-cốt hái trứng cá, rồi tâm sự với anh ba...

- anh ba !

- gì ...em!

- em có cái này tặng anh ba....

Nó dúi vào tay anh ba Tàng hủ dầu cù là Mac-phsu.

- Ở đâu có mà ...tặng anh!

- dạ, em kể bà goại nghe...bà goại biểu " bánh ít trao đi, bánh chì trả lại" mới là người biết chiện! Cù là trị gió máy cảm mạo, anh lính tráng sương gió bọc theo người là tốt nhứt!

3.

Sau đợt công kích lần hai (05/5 đến 15/6) của VC, không khí yên lành tạm ổn định được chừng hai tháng. Khoảng tháng 8/1968 (Mậu Thân).

thì công kích đợt ba nổi lên từ 17/8 đến 30/9/1968 an ninh mới được thắt chặt và vãn hồi trật tự đem lại yên ổn thực sự bên trong đô thành Sài Gòn .

Đợt ba kéo dài cả tháng, chính yếu là tấn công rải rác các đồn bót trại lính, các mục tiêu chỉ huy quân sự quan trọng ở ngoại ô, đài rada Phú Lâm, địch quân đánh phá một cách yếu ớt và bị đẩy lui hoàn toàn.

Đêm đêm từ bên Thủ Thiêm hay miệt Củ Chi địch pháo kích đạn cối 81, hỏa tiền 122 ly vào Sài Gòn một cách bừa bãi vào các khu dân cư gây chết chóc, hoang mang lo sợ cho đồng bào.

Chùa Bà Ấn
Rạng sáng 22/8/1968 VCpháo kích 20 hỏa tiền 122 ly. Báo Trắng đen đã giựt tít ..."hai trái hỏa tiển đã rơi trúng mái nhà Quốc Hội, những trái khác rơi bừa bãi vào khắp nơi các khu dân cư làm 17 người chết và hàng chục người khác bị thương. Trong số các tòa nhà bị thiệt hại là ngôi đền Ấn Giáo* gây hư hại nặng về vật chất nhưng không gây thiệt hại về nhân mạng".

Qua tin tức thời sự trên ray-dô...đêm về... bà ngoại thằng Gò lo âu...đến xin má thằng Bình nhà lầu bốn tầng mặt tiền đường Nguyễn Thông đêm đêm cho bà cháu nó tá túc tránh đạn pháo kích vì nhà không có hầm trú ẩn.

Khi qua nhà thằng Bình, vì vội chạy đi theo bà ngoại, nó quên phứt cái lồng chim mà nó yêu quý. Nó xin bà ngoại nó về lấy...

- mèng ơi! Goại lôi con đi...làm con quên phứt con nhồng! Goại cho con dzìa ...con quay lại liền mờ...

- ...cái mạng mày lo giữ còn hổng được! Còn lo chim lo chóc...phần qua trú ẩn nhờ nhà người ta...đem chim chóc theo coi sao được! ở im đó cho tui!

Nó ngồi bó gối một góc buồn xo lo âu và mệt mỏi thiếp đi... ngoài trời đêm tiếng gầm rú của đạn pháo kích bừa bãi vẫn dồn về thành phố nghe rợn người.

Bóng đêm đồng lõa cùng tội ác...bóp nghẹt hơi thở hằng triệu trái tim lương dân vô tội.

Chỉ đến khi nghe tiếng u...u...vần vũ của phi cơ trên không trung để tìm mục tiêu tấn công, thì tiếng đạn pháo mới tạm ngưng, bà con mới hoàn hồn... tiếng thở ra nhẹ nhõm trong lo âu trên nét mặt tím tái hoang mang sợ hãi.

Trời mờ sáng thằng Gò vội vã khập khiễng về nhà, từ xa nó thấy cái lồng còn treo ở đó...cũng yên tâm phần nào! Nhưng nó làm lạ...sao không thấy con nhồng nhảy nhót...

Nó cố chạy thật nhanh nhưng vì cái khối gù nhô lên trên lưng đè nó xuống trong một cơ thể ốm o thiếu dinh dưỡng ...nên nó chỉ khập khiễng từng bước!

Nó nhìn lên cái lồng trống trơn, cái cửa bị bẻ gãy... Nó run cầm cập, toàn thân lạnh ngắt vả mồ hôi ...nó không muốn tin vào mắt mình nữa!

Nó khụy xuống...khóc òa, rồi nó nhảy lên gào thét...

- goại ...ơi! Con Nhồng chết rồi...con Nhồng chết rồi...goại ơi! Con bắt thền goại đó! huhuhu...huhuhu...Con Nhồng chết rồi gọai ơi!...huhuhu...huhuhu...

nó gào thét khóc la, nó lăn lộn điên dại...

Bà ngoại nó đứng xụi lơ...run rẩy, rồi ngồi chồm hổm xuống đưa tay sờ con nhồng lắp bắp...

- ai...mà ác dữ thần! Loài dzật có biết gì đâu mà nỡ giết nó trời!

Con nhồng bị nhổ lông trụi lủi, hai cái cánh bị bẻ gãy lìa, nằm chết dưới nền đất!

Bà ngoại nó phải an ủi xoa dịu, tỉ tê... rồi xé cái bìa tập học trò dán thành cái hộp cho nó đựng xác con nhồng đem chôn.

Nó vừa thút thít vừa ôm trước ngực cái hộp ... lủi thủi xiêu vẹo đi trên những thanh tà vẹt vào cổng sau ga...

Anh ba Tàng thấy vậy liền hỏi nó:

- Ụa...sao... mà khóc dzậy em!

Nó khóc to hơn rồi chỉ cái hộp đang ôm trước ngực...

- người ta... ác nhơn giết con nhồng rồi anh ba ơi!...huhuhu...

Nó khóc to rồi gập người ngả dựa vào mấy bao cát lô-cốt...anh ba nhìn nó quá tội nghiệp mà xót xa thương cảm!

Anh ba an ủi và hứa có dịp sẽ cho nó con nhồng khác để bầu bạn!

- giờ ...em đem chôn nó hả!

Nó nấc lên...nói trong thút thít:

- dạ... em chôn...nó!

Anh ba Tàng rút cây dao găm đeo bên hông ra đào cái hố nhỏ bên gốc cây trứng cá...nó nhẹ nhàng đặt cái hộp đựng con nhồng yêu quý vào lỗ rồi vun đất đắp lại...miệng nó lẩm bẩm như cầu nguyện cho con hồng sớm được siêu thoát!

Anh ba đứng dậy đeo ba-lô lên vai xoa đầu nó:

- Gò...anh được lịnh rút về trình diện đơn vị để bổ sung hành quân ... gấp quá, hổng kịp chia tay...em ở lại mạnh giỏi... nghen! Có dịp anh trở lại thăm em! Anh gởi lời cám ơn bà ngoại hủ cù là nghen! Anh nhớ chiện...tìm cho em con nhồng mà!

Nó nhìn theo bóng dáng những chàng trai nước Việt oai hùng...hiên ngang ra đi!

Nó hiu quạnh một mình, cúi xuống nhìn nắm đất nhỏ bé vun lên bên gốc cây trứng cá...đang che khuất, ngăn cách niềm vui nhỏ bé chất chứa trong đó!

Nó đi về...lặng lẽ bước trên những thanh tà-vẹt lạnh lùng như mọi khi...nhưng sao nó thấy tâm hồn nó trống vắng thiếu thốn lạ thường!

Trong một ngày... nó bất ngờ bị mất mát một lúc cả hai niềm vui to lớn trong đời!

Nó đưa tay lên quệt hai giòng nước mắt ràn rụa tuôn trào...nó ngước lên trời cao như oán than trách móc, bổng nó gắng sức gào lên thật to một cách ai oán ngọng nghịu...

- N...h...ồng...ơ...i! ...A...n...h...B...a...ơ...i!

Huhuhu...huhuhu...

4.

Ga Hòa Hưng trong khu dường Rầy Nguyễn Thông
Một đêm chó sủa rân trời...

Các hẻm trong khu đường rày Nguyễn Thông đều có cảnh sát an ninh chìm. Bắt đầu...kêu cửa từng nhà để kiểm tra tờ khai gia đình, thẻ căn cước để tìm thanh niên trốn quân dịch hay tìm VC nằm vùng...!

Không gian đêm khuya im lặng ngột ngạt, tiếng chó lại sủa inh ỏi rân trời, có tiếng nói lao xao, tiếng chạy rầm rập của bọn thanh thiếu niên đi chơi khuya, có tiếng súng nổ thị uy trấn áp hốt lên "xe cây", có tiếng xe chạy rít bánh...có tiếng lao xao bàn chuyện của bà con lối xóm... dẫn giải...nhân vật nằm vùng quan trọng nào đó!

Sáng sớm họp chợ...

Mọi người bàn tán xì xầm cho biết...

Tối qua bắt VC nằm vùng đem đi...có người rành mạch kể chi tiết:

- Bắt ông hai Dành y tá với ông tám Suy đạp xích lô nhà sau đường rày...chớ ai! Lục tung...từ trên máng xối, xuống cái gạc măn-rê, qua cái bao than, trong thạp gạo dưới bếp, dưới nền gạch...hổng thấy gì ráo!

Rồi mấy ông Cảnh sát dẫn ổng ra chiếc xích lô để đầu hẻm...sát nhà thằng Gò ...hỏi ổng, ổng nhận là xích lô của ổng...

Dzậy là, mấy ổng lục tung trong miếng nệm dựa lưng lòi ra toàn là lá cờ xanh đỏ mặt trận giải phóng ...chả bị còng tay dẫn đi liền...

Có người xen vào góp chuyện :

- hèn gì... Tối tối hay thấy ông Tám ổng đạp xe xích lô đi làm ăn tới phia mới dzìa...tui thấy khả nghi lâu nay!

Thằng Gò nó nghe người lớn bàn tán nói chuyện... Nó sực nhớ...mỗi khi ông tám Suy đi ngang thì con nhồng của nó hay nói :

- dziệt cọng nằm dzùng...dziệt cọng nằm dzùng!

Thằng Gò rụt cổ lè lưỡi lắc đầu :

- Mèng đét ơi! ...ai dè được... nhồng ơi!

5.

Câu chuyện đã trôi qua trên năm mươi năm.

Cái lô cốt, cây trứng cá già mà dưới gốc là nấm mộ con nhồng.

đường rấy gần bùng binh Lê Văn Duyệt
Hai đường rày song song và những thanh tà-vẹt gỉ sét lạnh lùng oằn mình dưới sức nặng của đoàn xe lửa băng qua công trường Dân Chủ Lê Văn Duyệt chạy về ga cuối Sài Gòn đường Phạm Ngũ Lão.

Tất cả đã dần dần nhạt phai trong trí nhớ bà con khu đường rày Nguyễn Thông và người dân Sài Gòn xưa.

Nghe qua... nó chỉ là câu chuyện cổ tích cho lớp người mới trở về sau...

Hiện nay, chỉ còn tồn tại là con đường mang tên chúa Nguyễn Phúc Nguyên**, con đường buôn bán "gốm sứ" sầm uất một thời... thập niên 90.

Trời Sài Gòn vẫn hai mùa mưa nắng...

Người Sài Gòn vẫn chân chất hiền hòa, xuề xòa bình dị, rộng lượng bao dung...cho một quá khứ tang thương vì mệnh nước nổi trôi... và một thời u tối đau buồn...đã lùi dần vào dĩ vãng!----

Trương Hùng (trich từ FB Dân Saigon Xưa Oct 30, 2020)

---------------------

(*) chùa Bà Ấn (Ấn Độ giáo) thờ nữ thần MARIAMMAN đường Trương Định góc Lê Thánh Tôn quận Nhứt Sài Gòn, xây dựng năm 1885 bởi cộng đồng người Ấn sinh sống và làm ăn ở khu vực này.

(**) chúa Nguyễn Phúc Nguyên tức Chúa Sãi((1613-1635) là công tử con thứ sáu của chúa Nguyễn Hoàng  nối ngôi cha ở Đàng

=============================================================================

Ga Saigon